LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Vượt qua khó khăn, đưa kháng chiến đến thắng lợi



tải về 1.88 Mb.
trang6/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

4. Vượt qua khó khăn, đưa kháng chiến đến thắng lợi

Sau thất bại nặng nề ở Biên Giới (Thu Đông 1950), thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách dùng người Việt đánh người Việt. Chúng tập trung binh lực bình định vùng đồng bằng Nam Bộ. Địch thay phương thức, tập trung binh lực càn quét từng vùng, chiếm đóng từng khu vực, thọc sâu vào căn cứ ta, chà đi sát lại dài ngày, giết người, cướp của, triệt phá kinh tế, ra sức ngăn chặn đường tiếp vận từ Khu 8 đến Khu 7. Chúng sử dụng lực lượng cấp tiểu đoàn, tập trung càn quét, tung biệt kích đánh vào vùng căn cứ của tỉnh. Các vùng căn cứ Hắc Dịch - Phú Mỹ, Bà Trao - Núi Nứa, Xuyên - Phước - Cơ liên tục bị càn quét.

Trước tình hình đó, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại chiến trường. Toàn Nam bộ được chia thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Tây và Phân liên khu miền Đông, trong đó có việc sáp nhập Chợ Lớn và Bà Rịa thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (Bà - Chợ). Tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn gồm toàn bộ tỉnh Bà Rịa và một phần của 3 tỉnh khác như Chợ Lớn, Biên Hòa, Gia Định, có bốn huyện và hai thị xã: Huyện Long Điền - Đất Đỏ, huyện Vũng Tàu, Liên Huyện (Cần Đước, Cần Giuộc, Nhà Bè), huyện Long Thành và hai thị xã Cấp và Bà Rịa. Đồng chí Võ Văn Khánh, Phân liên Khu ủy viên Miền Đông Nam Bộ được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy106.

Các đoàn thể, chính quyền trong tỉnh cũng được tổ chức lại, đồng chí Hồ Sĩ Nam là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; đồng chí Hai Sửu là Thư ký Công đoàn107. Đồng chí Trần Dự, Thư ký công đoàn Phòng quân giới là Phó Thư ký Công đoàn tỉnh. Đồng chí Lê Minh Chiếu (ở Biên Hòa về) là Phó Thư ký, phụ trách vùng cao su. Liên đoàn cao su tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn được thành lập, đồng chí Lê Minh Chiếu làm Thư ký, đồng chí Dương Ngọc Văn (công nhân cao su) là Phó Thư ký, ông Nguyễn Văn Võ là ủy viên Ban Thường vụ. Liên đoàn cao su tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn lãnh đạo phong trào công nhân cao su cả một vùng rộng lớn bao gồm các sở từ Long Thành qua Bà Rịa lên Xuân Lộc (Hàng Gòn, Ông Quế, Trảng Táo...). Lực lượng công nhân cao su được tổ chức chặt chẽ, vừa góp công góp của cho kháng chiến, vừa là cơ sở tạo điều kiện cho hàng loạt trận đánh giao thông đường bộ cũng như đường sắt của bộ đội từ lộ 2 đến Gia Huynh, Trảng Táo.

Theo chủ trương của Quân khu 7, Tỉnh ủy đã thống nhất 2 ngành giao liên quân sự hành chính hợp nhất làm một, quân sự hoá ngành giao thông liên lạc nên ta vẫn giữ mạch máu giao liên thông suốt. Nhiều cán bộ chiến sĩ giao liên đã có đóng góp lớn đảm bảo thông tin liên lạc trong thời kỳ này, tiêu biểu là: Mai Văn Xuân, Nguyễn Văn Bờ, Tư Bả, Nguyễn Văn Đô, Nguyễn Tấn Đạt, Phạm Văn Tường, Nguyễn Văn Trà, đồng chí Thiện v. v...

Ngày 26 tháng 5 năm 1951 tại Vàm Bà Nghĩa trên sông Lòng Tàu, Tiểu đoàn 300 bộ đội chủ lực tỉnh đã đánh hỏng nặng chiếc tàu Saint Louberbier trọng tải 10 nghìn tấn. Chỉ huy trận đánh là các đồng chí Nguyễn Văn Bứa, Trần Sơn Tiêu, đồng chí Hạt là kỹ thuật viên, đồng chí Đức trực tiếp phụ trách thủy lôi. Vũ khí dùng 2 trái mìn Crueassier của Nhật đã được xưởng quân giới cải tiến thành thủy lôi bằng cách châm điện trực tiếp. Đây là trận đánh chìm tàu lớn nhất trên sông Lòng Tàu, là chiến công phối hợp với chiến trường phía Bắc.

Khó khăn trước mắt lúc này là vấn đề lương thực thực phẩm, kinh tế tài chính. Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất ở cả hai vùng Căn cứ khu Đông và Căn cứ khu Tây; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để giải quyết tình hình kinh tế tài chính đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Căn cứ địa khu Tây là một vùng giải phóng tồn tại từ những ngày đầu kháng chiến. Có cả Rừng Sác và rừng Giồng. Dân ở Rừng Sác đông hơn và tập trung ở Bà Trao, Hội Bài. Trên rừng Giồng chỉ có Phú Mỹ và Hắc Dịch là hai xã có dân sống tập trung. Hắc Dịch phần lớn là đồng bào dân tộc. Đất sản xuất nông nghiệp thuận lợi chỉ có Hắc Dịch là khá hơn cả, trồng được mì, bắp và lúa. Ngoài ra, chỉ có cánh đồng Don tiếp giáp với Hòa Long có thể làm ruộng nước. Nhược điểm của căn cứ khu Tây là thưa dân và sản xuất nông nghiệp hầu như không có gì. Bộ đội và các cơ quan Tỉnh về đây đã đầu tư nhiều công sức phát rẫy, trồng mì, giải quyết vấn đề hậu cần tại chỗ. Được sự cho phép của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn đã phát hành 500.000đ phiếu tiếp tế (mệnh giá 5$, 2$ và 1$) với sự bảo đảm của quỹ Nam Bộ.

Theo Báo cáo tình hình Kinh tế - Tài chính của Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn năm 1951, do hạn hán, mất mùa và do vùng giải phóng bị thu hẹp, vấn đề thiếu lương thực trong tỉnh khá trầm trọng. Báo cáo cho biết, tại căn cứ khu Tây (huyện Vũng Tàu) có 9.733 người, dự trù mỗi người ăn hết 15 giạ lúa/năm thì mỗi năm cần 145.995 giạ; trong khi sản xuất và huy động chỉ được 102.464 giạ, thiếu 43.036 giạ. Căn cứ Xuyên Phước Cơ có 6.372 người, dự trù 95.580 giạ/năm, sản xuất được 62.744 giạ, thiếu 32.806 giạ. Riêng lực lượng vũ trang và các cơ quan có 4.110 người, dự trù 61.500 giạ/năm, sản xuất được 5.470 giạ, thiếu 56.030 giạ. Trong khi đó, các trận càn của địch vào vùng căn cứ trong năm đã đốt 5.000 giạ lúa, giết hơn 1.000 trâu bò, chặt phá 50 mẫu bắp ở Cơ Trạch.

Do thực dân Pháp gia tăng đánh phá và thực hiện chính sách bao vây kinh tế, nền kinh tế trong vùng độc lập phát triển không đáng kể. Ty Canh nông đặt được hai Trại Truyền huấn nghề canh cửi, một ở khu Đông, một ở khu Tây, truyền huấn nghề kéo chỉ và dệt vải cho đồng bào, chủ yếu là phụ nữ. Cán bộ nhân viên Ty Canh nông đưa khung cửi và nguyên liệu (bông) đến tận từng ấp, hướng dẫn đồng bào kéo chỉ, cứ kéo được một kilô bông thì đổi cho đồng bào 4 mét vải. Riêng ở căn cứ Xuyên Phước Cơ tổ chức được 5 lớp, huấn luyện được 138 học viên, sau một thời gian ngắn, đã có 120 người kéo sợi lành nghề.

Ty Canh nông lựa chọn những người có năng khiếu, đưa về trại huấn luyện thêm rồi tiếp tục đưa đi huấn luyện cho đồng bào. Khu căn cứ Xuyên Phước Cơ còn có 10 trại cưa, sản xuất trung bình mỗi tháng được 3.000m2 ván; 5 trại đóng xe bò (mỗi tháng xuất xưởng được 5 xe), 3 trại đóng ghe, 5 lò đường, 12 lò rèn. Do thiếu nguyên liệu và kỹ thuật nên phải vận động các lò rèn trong vùng bị địch tạm chiếm ở Long Điền, Đất Đỏ sản xuất nông cụ với giá hỗ trợ cho vùng độc lập. Các cơ quan Dân - Chính - Đảng còn tổ chức được 25 mẫu ruộng mặn ở Gò Găng (huyện Vũng Tàu) cung cấp muối cho vùng độc lập. Ngoài ra, tỉnh còn có kế hoạch rút muối ở Vũng Vằng ra vùng độc lập.

Để thúc đẩy sản xuất, tỉnh thành lập Tiểu ban hợp tác xã do ông Nguyễn Văn Huệ, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh là Trưởng ban cùng các ủy viên: Nguyễn Văn Thảo (Trưởng ty Canh nông), Nguyễn Tấn Thời (Trưởng ty Kinh tế), Phan Văn Hảo (Thơ ký Hội Nông dân Cứu quốc tỉnh) và Trương Kiều. Tiểu ban đã tổ chức ở khu Xuyên Phước Cơ được 12 hợp tác xã, 5 Hội vần công đổi công với 122 hội viên; ngoài ra trong vụ phát rẫy, tổ chức được 8 tiểu nông đoàn với 88 xã viên. Phong trào vần công đổi công phát triển mạnh trong đồng bào dân tộc ở Cơ Trạch, Xuyên Mộc, Hắc Dịch đã tạo được sự hợp tác và hỗ trợ giữa những người có nông cụ, nông súc và những người thiếu nông cụ, nông súc. Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu ăn trong vùng độc lập, các cấp chính quyền đã chủ trương:



  • Vận động đồng bào trao đổi lâm sản, muối từ vùng độc lập vào vùng bị địch tạm chiếm;

  • Cho chở củi về Sài Gòn, Chợ Lớn bán để đổi gạo;

  • Vận động đồng bào bán hải sản dư thừa vào vùng bị địch tạm chiếm để đổi gạo, miễn thuế nhập thị đối với mức hàng hóa dưới 30$.108

Nét nổi bật thời kỳ này là hoạt động của các đội biệt động và cách đánh đặc công. Đây cũng là một nét đặc sắc trong hoạt động vùng bị tạm chiếm của lực lượng vũ trang ta. Phương thức hoạt động biệt động chứng tỏ hiệu quả của nó từ việc bám dân, xây dựng cơ sở chính trị bí mật trong nội thành đến phương châm: lấy vũ khí địch đánh địch.

Để bảo vệ vịnh gành Rái và trục sông Lòng Tàu, địch đã thiết lập hệ thống nhiều đồn bót phòng thủ như đồn Bình Khánh, Phước Khánh. Chi khu Cần Giờ do hai đại đội Pạctidăng đóng giữ, tên quan hai quận trưởng chỉ huy. Đầu năm 1952, Tiểu đoàn 300 phối hợp với các đơn vị trinh sát đặc công, dân quân và nhân dân các xã Long Thạnh, Cần Thạnh, Đồng Hòa tiến công Chi khu Cần Giờ. Trận đánh do đồng chí Nguyễn Văn Bứa, Tỉnh Đội phó kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 300 chỉ huy chung; trực tiếp chỉ huy một mũi là đồng chí Đặng Kim Ba, Tiểu đoàn phó; mũi thứ hai do đồng chí Tâm, Huyện Đội trưởng huyện Nhà Bè chỉ huy. Nửa đêm 29-1-1952 (tức mồng 3 tết Nhâm Thìn), kết hợp với cơ sở nội tuyến trong chi khu mở cửa đồn, quân ta bất ngờ đột kích từ phía biển vào, diệt gọn một đại đội địch. Địch phản ứng quyết liệt. Chúng huy động khoảng 30 tàu chiến lớn nhỏ chặn đường rút lui của ta. Nằm trong vòng vây của địch 10 ngày đêm ròng rã thiếu nước ngọt và lương thực, các chiến sĩ phải ăn cua sống, bần chua cầm hơi và tìm cách thoát khỏi vòng vây. Hai cha con một gia đình ngư dân sinh sống bằng nghề bắt cua ở Rừng Sác đã dùng chiếc ghe nhỏ luồn lách trong những con rạch nhỏ, đi về 25 chuyến, chuyển hết Đại đội 2 vượt qua vòng vây dày đặc của địch, qua sông Đồng Tranh về căn cứ khu Tây an toàn.

Cánh quân của ta làm nhiệm vụ chặn hậu hướng Nhà Bè cũng được một ông già đốn củi ở Rừng Sác tiếp tế nước ngọt và dẫn đường thoát khỏi vùng vây về đến căn cứ. Trận đánh Chi khu Cần Giờ là trận tiêu diệt cấp chi khu đầu tiên của Nam Bộ vào thời điểm lúc bấy giờ. Thắng lợi của trận đánh thể hiện quyết tâm rất cao của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy và hiệp đồng tác chiến tốt. Đó cũng là kết quả luyện tập nhiều ngày về đánh công kiên của Tiểu đoàn 300, là thắng lợi của tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ ác liệt trong những ngày bị địch bao vây, sự hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa quân và dân, đặc biệt là tinh thần cách mạng của những người dân thường sinh sống tại Rừng Sác, đã hết lòng giải thoát cho bộ đội khi lâm vào cảnh hiểm nghèo, bị bao vây bốn phía giữa sình lầy, sông nước, tàu địch và đói rét.

Tại thị xã Cấp và thị xã Bà Rịa, do chú trọng xây dựng cơ sở và tăng cường các lực lượng biệt động, Công an xung phong nên các hoạt động vũ trang tuyên truyền và đánh địch ở nội thị diễn ra khá sôi nổi. Đêm 28 tháng 2 năm 1952, Biệt động đội thị xã Cấp có sự phối hợp của Thị đội Cấp và Công an xung phong tổ chức tiến công Bót lính kín (Sureté Fédérale du Cap: Văn phòng Chánh mật thám Liên bang tại Vũng Tàu). Văn phòng chánh mật thám Liên bang nằm ngay ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Trương Công Định ngày nay, do tên cò Sénut chỉ huy và nhiều nhân viên mật thám người Pháp. Người cung cấp tình hình địch và sơ đồ mục tiêu cho trận đánh là em Khuê (15 tuổi), nguyên là liên lạc viên thị xã Cấp đã từng bị bắt vào Bót lính kín nên biết rất rõ đường đi lối lại trong Văn phòng Chánh mật thám Liên bang. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Trần Ngọc Hiến (Biệt động đội) và Nguyễn Văn Thành. Lực lượng Công an xung phong do Trần Văn Vọng chỉ huy được phân công chặn viện từ hai hướng Thắng Tam ra, Bãi Trước vào, yểm trợ cho lực lượng tác chiến rút lui an toàn. Tất cả anh em trong đội hành động đều hoá trang bằng trang phục kaki màu vàng như trang phục của lính ngụy, từ Xóm Rẫy, băng qua bãi trồng màu của người Hoa tới Xóm Vườn, Thắng Tam, theo đường Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Trường Tộ tiến thẳng đến thành Anlaise.

Trận đánh diễn ra nhanh gọn, đúng như phương án dự kiến, tiêu diệt tại chỗ 2 tên, thu một trung liên Bren, 12 tiểu liên, 3 súng ngắn và đặc biệt nhiều tài liệu mật của văn Phòng chánh mật thám, giải thoát 10 cán bộ chiến sĩ của ta đang bị chúng giam giữ. Trận đánh vào sào huyệt mật thám giữa trung tâm thị xã có tác động mạnh đến chính quyền thực dân và bọn tay sai, làm cho chúng bớt hung hăng trong việc bắt người và đánh phá cơ sở của ta.

Phòng Quân giới Nam bộ đóng ở Phú Mỹ là đơn vị có tổ chức công đoàn rất sớm, lực lượng đông, hoạt động mạnh với 500 hội viên, được tổ chức thành 5 phân đoàn sản xuất (tiện, nguội, đúc, gò, hàn) và 2 phân đoàn cơ quan (Văn phòng, Ban Chính trị). Đồng chí Trần Dự là Thư ký Công đoàn Phòng quân giới. Kỹ sư Lê Tâm phụ trách Phòng Quân giới là người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chế tạo ra các loại mìn lõm đánh tháp canh và súng không giật, SS (súng Rừng Sác), SSA, SSB, SSAF, SSAL, sử dụng đánh tàu và xe cơ giới địch rất hiệu quả.

Binh công xưởng Nam Bộ là mục tiêu đánh phá thường xuyên của địch nên Tiểu đoàn 300 thường xuyên phải bố trí một đại đội mạnh phối hợp với lực lượng tự vệ Binh công xưởng và bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu chống càn, bảo vệ căn cứ và bảo vệ Binh công xưởng. Tiểu đoàn 300 bố trí Đại đội 1 và Đại đội 2 đứng chân ở căn cứ Khu Tây, trực tiếp bảo vệ xưởng quân giới kết hợp với kế hoạch bảo vệ Căn cứ khu Tây, chống biệt kích từ hướng Long Thành, khi cần tăng cường Đại đội 3 chống càn quét. Trong lúc phải đương đầu với nhiều khó khăn thì tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn nhận được chỉ thị phải chuyển toàn bộ Xưởng quân giới của Phân Liên khu Miền Đông từ Phú Mỹ về Chiến khu Đ. Nhiệm vụ này được gọi là “Kế hoạch X”.

Ở Xưởng ngoài máy móc nhẹ còn có những loại máy móc thiết bị hàng trăm tấn, có những cỗ máy 20 người luân phiên nhau khiêng. Tỉnh ủy phải huy động hơn bốn ngàn dân công, 20 xe bò để chuyển những cỗ máy lớn. Việc di chuyển phải cắt rừng, mở đường mới để tránh địch phát hiện và đánh phá. Lực lượng công an tỉnh, công an huyện Vũng Tàu làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn; Tiểu đoàn 300 trực tiếp bảo vệ đoàn vận tải.

Công tác bảo vệ bí mật, an toàn việc thực hiện “Kế hoạch X” rất quan trọng. Tình hình hết sức khó khăn, lương thực thiếu, cán bộ chiến sĩ vừa đói, lại phải vác nặng, phải băng rừng, vượt sông suối, công việc nặng nhọc hết ngày này sang ngày khác. Địch tung quân chặn nhiều nơi, nhưng ta liên tục mở đường mới di chuyển an toàn. Sau cuộc tổ chức vận chuyển quy mô của tỉnh không thành công Ban chỉ huy Tiểu đoàn 300 giao nhiệm vụ cho Đại đội 3 kết hợp với công binh xưởng tổ chức vận chuyển gọn, nhẹ, nhanh, an toàn, bảo đảm bí mật. Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ.

Ngày 26 tháng 6 năm 1952, đoàn vận tải bắt đầu xuất phát từ Phú Mỹ, theo lộ trình vượt sở cao su Long Thành đi Ông Quế lên An Viễn, qua Sông Buông, vượt lộ 1, cắt qua Hố Nai, Trảng Bom rồi vượt sông Đồng Nai về Chiến khu Đ. Tiểu đoàn 300 đã rải quân trinh sát và bảo vệ dọc đường đi. Địch đánh hơi và rải quân càn quét, nhiều lần đoàn vận tải phải thay đổi lộ trình, Tiểu đoàn 300 vừa đánh địch, vừa bảo vệ an toàn và bí mật cho cuộc di chuyển. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1952, Tiểu đoàn 300 cùng quân và dân Bà Rịa - Chợ Lớn, phối hợp với các lực lượng tại căn cứ Phú Mỹ - Hắt Dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sau 5 chuyến đã vận chuyển hàng trăm tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu vượt qua đoạn đường dài hàng trăm km, chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, đói khát, bệnh tật, vừa đi vừa đánh địch từ Bà Rịa về Chiến khu Đ an toàn, đặc biệt là chặng vượt qua cánh đồng Chó Ngáp.

Ngày 14 tháng 7 năm 1952, Công an thị xã Bà Rịa phối hợp với tổ điệp báo của Ty Công an quyết định tiến công khu nhà tròn; để cảnh cáo sĩ quan binh lính giặc, khi chúng tổ chức kỷ niệm lễ Quốc khánh “mẫu quốc” hàng năm. Trận đánh dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Văn Tường, Trưởng Công an thị xã Bà Rịa. Lợi dụng giặc tổ chức ăn nhậu trong khu vực chợ cũ. Đồng chí Phạm Văn Tường quyết định chọn hai thiếu niên Huỳnh Văn Nhiều và Châu Văn Thương làm lực lượng xung kích. Hai em len lỏi qua các trạm gác của địch và bất ngờ dùng lựu đạn tung vào nơi bọn chúng đang ăn nhậu, loại khỏi vòng chiến đấu 30 sĩ quan và binh lính giặc. Tên xếp Lé chỉ huy gian ác nhất khu vực Bà Rịa đã bị tiêu diệt.

Để đẩy mạnh hoạt động trong lòng địch nhằm phát triển phong trào thị xã, Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường hoạt động của lực lượng vũ trang thị xã Cấp. Trong một thời gian ngắn lực lượng vũ trang thị xã đã trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của địch tại Trung tâm an dưỡng Võ Biền Pháp (Centre de Repos/FFVS)109. Trận này do đồng chí Trần Ngọc Hiến (biệt động đội) chỉ huy trưởng và Nguyễn Văn Thành chỉ huy phó. Đây là khu an dưỡng dành riêng cho sĩ quan người Pháp thuộc các đơn vị đóng ở phía Nam Việt Nam đến nghỉ. Trung tâm an dưỡng FFVS nằm trên một khu đất cao hơn mặt đường một mét, lưng tựa vào Núi Lớn, quay mặt ra hướng biển Đông; phía bắc nhà nghỉ có một đồn lính Cao Đài, luôn luôn có khoảng một trung đội túc trực; phía Đông là trung tâm truyền tin của quân đội Pháp.

Nhiều cơ sở của Công an xung phong thị xã Cấp phục vụ trận đánh như anh Nguyễn Văn Tho, bồi bàn, Nguyễn Văn Thư, làm bếp, Lê Minh Hoàng, thợ hớt tóc, Lê Văn Báu (Năm Bộ), Năm Du, vợ chồng ông Quảng, bà Khuê đã cung cấp quy luật hoạt động của địch ở trung tâm nghỉ mát. Để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi, lực lượng trực tiếp tham gia đã lập sa bàn ở căn cứ Phú Mỹ, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, thực tập liên tục trong 3 ngày. Đồng chí Lương Văn Nho, Tỉnh đội phó kiêm tham Mưu trưởng Tỉnh đội trực tiếp góp ý kiến và phê duyệt phương án tác chiến, lực lượng chính tham gia trận đánh là thị đội Cấp, phối hợp với Công an xung phong huyện Vũng Tàu và Công an thị xã Cấp.

Đêm 20 tháng 7 năm 1952, lực lượng tham gia trận đánh đã xuất phát từ căn cứ Bà Trao (Núi Nứa) dùng ghe đổ bộ lên Bãi Dâu, ém quân trên Núi Lớn trước một ngày. Đúng 19 giờ 30 phút tối 21 tháng 7 năm 1952, tất cả được cải trang bằng trang phục của lính Cao Đài, chia làm hai mũi tiếp cận mục tiêu. Một bộ phận được bố trí án ngữ các ngả đường vòng quanh chân núi, có nhiệm vụ yểm trợ, chặn viện từ vòng ngoài. Hai tổ khác có nhiệm vụ sử dụng hỏa lực khống chế khu vực xung quanh và đánh lạc hướng địch. Hai chiến sĩ công an xung phong Phạm Văn Tám và Nguyễn Văn Ba được bổ sung vào mũi xung kích số một của Thị đội Cấp, tiến công từ hướng cửa sau. Trận đánh diễn ra chưa đầy 15 phút. Bọn địch hoàn toàn bị bất ngờ nên không kịp ứng cứu. Biệt động phối hợp với Công an xung phong đã đánh một trận xuất sắc, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch trong đó có một tên cấp đại tá, hai trung tá, còn lại là cấp úy. Lực lượng ta rút về hậu cứ an toàn.

Cơ sở Công đoàn trong toàn tỉnh lúc này tập hợp được 14.736 công nhân, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1952 tổ chức được 136 hội viên ở trong 6 xí nghiệp quan trọng: Shell, Socony, Caltex, Port de commerce (Nhà Bè), Kho Đạn (Long Thành), Trường Tiền Cap. Ở mỗi xí nghiệp trên có 2 cán bộ cơ sở. 5 sở cao su: Cam Tiêm, Thành Tuy Hạ, Courtenay, Bình Sơn, Bình Ba có 32 đoàn viên. 3 sở Courtenay, Bình Sơn, Bình Ba có 6 cán bộ cơ sở. Ở chợ Long Điền, thị xã Bà Rịa và Nhà Bè có 1.389 đoàn viên công nhân các nghề linh tinh và 4 cán bộ cơ sở. Từ tháng 6 năm 1952 lại đây, cơ sở Bình Sơn bị bể, Courtenay và Bình Ba mất liên lạc. Chỉ còn 2 đoàn viên, 1 cán bộ ở kho đạn, 248 đoàn viên và 4 cán bộ trong trong 3 sở Cam Tiêm, Thành Tuy Hạ, SIPH và 40 đoàn viên ở Bà Rịa110.

Từ tháng 6 năm 1952, các cơ sở du kích bí mật được củng cố lại, được giáo dục và rèn luyện theo hướng dẫn của các tài liệu: Sửa đổi lề lối làm việc tập thể Quân - Dân - Chính - Đảng; Xây dựng tư tưởng tất thắng, trường kỳ gian khổ kháng chiến nhất định thắng lợi; xây dựng tinh thần bám sát địa phương và quán triệt phương châm quân sự, chính trị năm 1952. Phong trào du kích chiến tranh đã thu được một số kết quả trong việc xây dựng lại cơ sở du kích, tăng gia sản xuất, vận động đóng góp nuôi quân trong các vùng tạm bị chiếm, củng cố và xây dựng cán bộ xã đội, thị đội; du kích đã cùng bộ đội địa phương tiêu hao sinh lực địch, trừ gian, diệt tề trong vùng địch hậu, lãnh đạo nhân dân tranh đấu với địch. Tuy nhiên, phong trào còn nhiều yếu kém bởi những nguyên nhân: cán bộ cơ sở thiếu, bị tổn hại nhiều, thiếu kinh nghiệm hoạt động vùng địch hậu; bọn đầu hàng đầu thú khai báo và chỉ điểm bắt bớ nhiều cơ sở cách mạng khiến tinh thần nhân dân các vùng địch càn quét hoang mang; cơ sở bị tan rã nhiều, vai trò lãnh đạo phong trào du kích chiến tranh của Quân - Dân - Chính - Đảng ở xã chưa đúng mức, nhiều nơi còn khoán trắng cho xã đội. Cấp huyện nặng phần xây dựng Bộ đội địa phương, nhẹ phong trào du kích; vai trò động lực của Bộ đội địa phương và Tiểu đoàn tập trung trong phong trào phát triển du kính chiến tranh chưa đúng mức111.

Vùng Căn cứ Xuyên Phước Cơ, đồng bào tham gia cùng du kích rào làng chiến đấu, tăng cường cắm chông cao chống nhảy dù, làm nhiều đạp lôi và lựu đạn bằng nguyên liệu tự tạo. Dân quân du kích là lực lượng quan trọng chống càn quét, hoạt động vùng ven, đồng thời là lực lượng “đôn quân” bổ sung cho lực lượng tập trung. Ở các cấp ủy, đồng chí Bí thư trực tiếp lãnh đạo lực lượng dân quân du kích. Cùng với phong trào dân quân du kích còn có phong trào đi dân công. Khi có các trận tác chiến lớn, lực lượng dân công được huy động ở cả vùng ven.

Tháng 9 năm 1952, một cơn bão lớn đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngày 18 tháng 10 năm 1952, một cơn bão khác với sức gió dữ dội gấp nhiều lần lại tràn vào kèm theo lũ lớn dọc các triền sông cuốn trôi nhiều hoa màu, lương thực, nhà cửa của nhân dân. Ghe xuồng vùng sông rạch Rừng Sác nhiều chiếc bị lật chìm, khắp trong vùng đều bị ngập lụt. Trận bão tháng 10 năm 1952 tàn phá nặng nề cả miền Đông Nam Bộ. Toàn bộ ruộng rẫy, kho tàng vùng căn cứ tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn đều bị ngập lụt, hư hại. Lương thực thực phẩm, vũ khí và quân trang quân dụng thiếu hụt trầm trọng.

Quân và dân trong tỉnh phải đương đầu với thiên tai, địch họa. Tình hình kinh tế của ta gặp rất nhiều khó khăn. Lợi dụng thiên tai, địch tăng cường lấn chiếm, sử dụng biệt kích nhỏ đánh vào vùng căn cứ. Đi đôi với càn quét vùng lấn chiếm, địch tăng cường bắt lính đôn quân phát triển lực lượng ngụy binh. Cán bộ cơ sở bị bắt, bị giết rất nhiều. Một số khác bị đánh bật ra hoặc ra đầu hàng giặc làm cho đồng bào vùng bị địch tạm chiếm và du kích thêm hoang mang, dao động. Tình hình căng thẳng này ảnh hưởng đến mọi công tác địch hậu như xây dựng cơ sở quần chúng, phát triển du kích chiến tranh, chống bắt lính, địch ngụy vận.

Ngoài các thủ đoạn giặc đã áp dụng có kết quả để củng cố vùng bị địch tạm chiếm, còn có những nguyên nhân chủ quan của ta tạo nên làm cho các công tác địch hậu chưa phát triển. Tỉnh ủy chưa rút được kinh nghiệm công tác vùng bị địch tạm chiếm và du kích để đặt kế hoạch thích hợp cho từng vùng cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để đào tạo cán bộ địa phương làm nòng cốt; kế hoạch đưa bộ máy Quân - Dân - Chính ly hương về bám xã; các cấp Quân - Dân - Chính - Đảng ở huyện và xã chưa lãnh đạo đúng mức phong trào du kích chiến tranh, nhiều nơi còn xem đó là việc của các xã đội. Trong tình hình địch càn quét mạnh, cán bộ bị hao mòn, có nơi bị đánh bật ra, du kích xã phần nhiều thoát ly địa phương, bị giảm sút, có nơi tan rã như 7 xã ở Long Điền, Đất Đỏ, 2 xã Vũng Tàu.

Thiên tai cùng với địch họa đã đẩy ta vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nghe tin lũ lụt tàn phá đã tổ chức ủng hộ vùng bị bão lụt. Đồng bào bị tạm chiếm ở nông thôn cũng như thành thị đã gửi lương thực, thuốc men ủng hộ vùng căn cứ. Trong thị xã Cấp và thị xã Bà Rịa nhiều chị em tích cực đi quyên góp tiền bạc, quần áo lương thực ủng hộ kháng chiến như: chị Hai Quân, chị Ái, chị Mãi... tiêu biểu nhất là bà Hai Vũng Tàu, chiến sĩ hậu cần, đã dùng tiền cụ Hồ mua cá tôm, đem vào nội thành bán lấy tiền xanh (tiền Đông Dương), rồi mua hàng cung cấp cho kháng chiến. Bà con Núi Nứa đã bán thực phẩm cho bà Hai Vũng Tàu và nhận tiền cụ Hồ, đó là một đóng góp quan trọng về tài chính cho kháng chiến trong những năm tháng thiếu đói, gian lao nhất của miền Đông Nam Bộ.

Trước tình hình khó khăn thiếu hụt về lương thực, Tỉnh ủy phát động trong toàn tỉnh một phong trào tăng gia sản xuất. Các đơn vị bộ đội, công an và các ban ngành đều phải tổ chức lực lượng tăng gia sản xuất tự túc nuôi quân, đồng thời giúp nhân dân giảm bớt những khó khăn do thiên tai gây ra. Trước tình hình đó, anh em trong chiến khu ăn bắp với khoai mì, ưu tiên dành cho phụ nữ. Quần chúng vùng căn cứ Xuyên Phước Cơ chủ yếu là ăn củ nần, củ mì, dành bắp cho bộ đội. Mặt trận Liên Việt đã vận động đồng bào trong vùng bị địch tạm chiếm, đặc biệt là ở đô thị và công nhân cao su ủng hộ kháng chiến. Công nhân đồn điền Bình Ba đã quyên góp 11 tấn gạo và hàng chục ngàn đồng (tiền Đông Dương) gửi ra căn cứ, góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt và đảm bảo đời sống cho lực lượng kháng chiến.

Ty Kinh tế - Canh nông có nhiều cố gắng phát triển Tiểu công nghệ trong vùng căn cứ, nhưng triển vọng còn bấp bênh vì đồng bào và cơ quan còn thiếu kiến thức xây dựng tiểu công nghệ, thiếu kế hoạch cụ thể để củng cố, nhất là thiếu thợ chuyên môn. Đặc biệt tiểu công nghệ may mặc thất bại nặng trước tình trạng thiếu ăn của nhân dân (dân lo sản xuất lương thực hơn là trồng bông) và ngay 2 trại truyền huấn của Ty Kinh tế - Canh nông ở Khu Đông và khu Tây, cơ sở bông vải tan rã (trên 100.000 gốc bông), giống được cấp phát xấu, trồng không lên. Đang gây giống dâu tằm ở Khu Tây. Xưởng giày Ty Kinh tế - Canh nông vì thiếu thợ chuyên môn, thiếu tài chính, thiếu nhân lực phải tạm ngừng.

Hoạt động chủ yếu của các lực lượng vũ trang trong năm 1952 là chống càn quét bảo vệ vùng căn cứ. Mùa khô năm 1952, Tiểu đoàn 300 đánh đồn Cam Tiêm, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, quân trang và nhiều lương thực thực phẩm. Tháng 11 năm 1952, thực dân Pháp mở một cuộc hành quân càn quét qui mô vào Rừng Sác, Núi Nứa, Phú Mỹ, Hội Bài, Tân Thành, chiếm lại Núi Nứa. Tiểu đoàn 300 phải chống càn thường xuyên trong tình trạng thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng. Chiến trường Bà Rịa - Chợ Lớn trong những năm 1952-1953 có nhiều khó khăn.

Ở Căn cứ khu Đông, vụ mùa năm 1952-1953, đồng bào làm được 527 mẫu ruộng (sụt 333 mẫu so với vụ mùa năm trước) và 1.176 mẫu rẫy (sụt 125 mẫu). Khu Đông bị thiên tai và thú rừng tàn phá nặng (bù lạch, sâu keo, cuốn chiếu…). Sau trận bão lớn, tính chung hoa màu có thể bị thiệt hại trên 50%. Dự kiến tự túc vụ mùa 1952 - 1953 lúc đầu là 96% có thể giảm xuống 50 %. Căn cứ khu Tây vụ mùa năm 1952-1953, đồng bào làm được 899,50 mẫu ruộng (tăng 46,71 mẫu so với vụ mùa năm trước) và 421 mẫu rẫy (sụt 40 mẫu). Khu Tây ít bị thiệt hại về thiên tai hơn Khu Đông. Ước tính trận bão lụt vừa qua có thể bị thiệt hại 30%, đồng bào khu Tây có thể tự túc được 50% lương thực thực phẩm. Riêng các cơ quan Quân - Dân - Chính làm được 154,65 mẫu ruộng và 302,58 mẫu rẫy. Mức tự túc vụ mùa 1952 - 1953: Cơ quan cấp Tỉnh 49% (quân sự 44%, dân chính 60 %); cơ quan các huyện: 31%. Tỷ lệ tự túc chung của các cơ quan Quân - Dân - Chính tỉnh, huyện là 43%.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh cấp tín dụng cho vay hỗ trợ sản xuất với khả năng cao nhất, cho các cơ quan Quân - Dân - Chính tỉnh vay 154.974$00 Đông Dương, cho đồng bào vùng căn cứ địa vay 100.000$00 Đông Dương. Nhờ tín dụng sản xuất, các cơ quan đã thực hiện được 2/3 dự án sản xuất, tự túc được 43%, còn với đồng bào thì số tiền 100.000$00 là quá nhỏ, chỉ giải quyết được một phần nhu cầu. Tỉnh ủy thành lập Ban Kinh tài do một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban cùng các ủy viên đại diện cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Tỉnh đội, Ty Kinh tế, Ty Canh nông làm nhiệm vụ rút lúa gạo từ các vùng bị địch tạm chiếm về căn cứ. Quân số Ban Kinh tài cuối năm 1952 lên đến 125 người. Hệ thống Ban Kinh tài các huyện cũng từng bước được hình thành.

Căn cứ Hắc Dịch được củng cố. Đồng bào dân tộc Châu Ro ở Hắc Dịch nghèo khổ và thất học nhưng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, đã đóng góp những thành tích đặc biệt cho kháng chiến. Hắc Dịch là biểu tượng đẹp nhất của một vùng kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, dân công; thiếu niên tham gia các đội văn nghệ, giao liên, canh gác; phụ nữ nấu cơm, dệt vải; người già vót chông, bàn đinh... Tất cả mọi người đều sản xuất, nuôi quân, đều tham gia kháng chiến. Hắc Dịch là xã đầu tiên rào làng chiến đấu, là xã đầu tiên đánh địch bằng chông tre, tên ná, bàn đinh. Nhiều chục tên xâm lược Pháp đã phải đền tội bởi những vũ khí mà nhân dân Hắc Dịch tự tạo. Địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất, nuôi quân. Hắc Dịch tiêu biểu cho cuộc kháng chiến toàn dân - toàn diện - trường kỳ - tự lực của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là xã duy nhất không có một người dân nào theo giặc, không một người nào trong đội ngũ kháng chiến lại nản chí, bỏ ngũ, ngay cả trong thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất.

Nhằm khai thông tuyến giao thông đường thủy tiếp tế chở lúa gạo từ Cần Giuộc và Gò Công về căn cứ Khu Tây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Thị ủy, Thị đội Cấp nghiên cứu diệt đồn Thạnh An. Ngày 15 tháng 12 năm 1952 Biệt động đội thị xã Cấp đã ngụy trang trên ghe củi, bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn Thạnh An, diệt 5 tên địch, thu hơn 30 súng và nhiều đạn dược, phá rã bộ máy tề ngụy và khu gom dân Thạnh An của địch. Hàng loạt các trận đánh của các đội biệt động vào sâu trong hậu cứ, ngay giữa nội ô thị xã, thị trấn đã làm cho địch mất ăn mất ngủ, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực và cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của địch. Các chiến sĩ biệt động đã biết dựa vào dân sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo làm cho địch không thể đối phó được.

Thực dân Pháp tập trung mọi nỗ lực nhằm chiếm lại lộ 15. Chúng đưa lực lượng lê dương và Âu Phi xuống yểm trợ. Trong năm 1952 địch càn 21 lần, có lúc chúng huy động lực lượng quy mô Trung đoàn và các phân đội biệt kích nhỏ đánh phá. Ngày 25-2-1953, thực dân Pháp chiếm lại xã Phú Mỹ, đóng đồn và lập Chi khu Phú Mỹ, giải tỏa lộ 15 sau gần 5 năm bị ta cắt đứt. Tiểu đoàn 6 Bình Xuyên đóng đồn từ Phú Mỹ đến cầu Rạch Váng. Nhân dân các xã Phú Mỹ, Phước Thiện, Xuân Hòa, Đoàn Kết bị đưa ra các khu dồn ven lộ 15. Chi bộ Đảng không bám được trong dân. Khu vực Tứ Long, thực dân Pháp huy động cả ngụy binh Cao Đài càn quét và gom dân các xã Cộng Hòa và Long Phước vào các khu dồn. Các xã vùng Đất Đỏ như Phước Thọ, Phước Tụy, chi bộ và du kích cũng bị địch đánh bật ra, chi bộ và Huyện ủy đều dồn lên núi, chung quanh căn cứ Minh Đạm. Sau khi chiếm lại lộ 15, thực dân Pháp tập trung lực lượng lấn chiếm lộ 23, chúng đưa lực lượng địa phương ứng chiến như Tiểu đoàn 65 BNV từ Bà Rịa, Đất Đỏ, thường xuyên đột kích vùng căn cứ gần Cầu Trọng (Xuyên Mộc), tung lực lượng biệt kích dọc lộ 23 cho đến cầu Trọng.

Khó khăn lớn nhất lúc này là thiếu lương thực. Nguồn lương thực thực phẩm chủ yếu cung cấp cho các lực lượng kháng chiến của tỉnh là từ Liên Huyện. Cung đường vận chuyển lương thực thực phẩm từ Rừng Sác, băng qua lộ 15 về Phú Mỹ thường xuyên phải trả giá bằng xương máu vì bị địch phục kích. Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh sản xuất tự túc tại vùng căn cứ. Tiểu đoàn 300 đưa 1/3 lực lượng đi phát rẫy. Cán bộ đi công tác mỗi năm phải tự túc 6 tháng lương thực. Đói, thiếu, bệnh tật (chủ yếu là sốt rét) làm giảm sức chiến đấu của bộ đội. Nhờ sự đóng góp tích cực của công an Liên Huyện, vấn đề lương thực sau nạn lụt bớt khó khăn hơn. Các ngành các cấp ở Liên Huyện cũng tích cực đóng góp lương thực thực phẩm và tìm nhiều cách vận chuyển, tiếp tế cho các cơ quan của tỉnh. Đầu năm 1953, Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn phải tiến hành giản chính một bước nữa. Gần 30% cán bộ ở các cơ quan dân chính Đảng cấp tỉnh và cấp huyện đã phải đưa đi sản xuất hoặc trở về làm ăn, sinh sống hợp pháp để giảm bớt khó khăn về lương thực thực phẩm và tài chính trong vùng căn cứ. Ty Công an tỉnh quyết định giải tán phân xưởng quân giới B, đồng thời tách ban chỉnh huấn thành hai ban: Ban chính trị bảo vệ và Ban tuyên huấn. Việc giản chính vẫn tiếp tục đối với những nhân viên không đủ năng lực, đưa số được giản chính sang các nông trường sản xuất.

Sau khi thực dân Pháp chiếm lộ 15, nhiều đồng bào ở Căn cứ khu Tây cũng chuyển về Căn cứ khu Đông làm tăng thêm khó khăn về lương thực. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh phải giải quyết những vấn đề cấp bách về lương thực thực phẩm và kinh tế tài chính, xuất 50.000$ tín dụng cho đồng bào nghèo vay để phát triển sản xuất; cấp 76.000$ giúp dân và 30.000$ giúp các cơ quan, bộ đội ở Căn cứ khu Đông làm vụ mùa; chuyển 3 lò rèn ở Căn cứ khu Tây qua khu Đông sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất vụ mùa. Giữa năm 1953, phong trào tăng gia tự túc được đẩy mạnh. Riêng Công an tỉnh đã trồng 34.800 gốc mì, cấy 12 mẫu ruộng, tỉa 12 lít bắp, 2 lít đậu xanh, 2 lít đậu phộng. Thu hoạch được 25.000 gốc mỳ, 660 thùng thóc, 10.000 trái bắp, 77 lít đậu xanh, 2 thùng đậu phộng. Săn bắn được 434 kg thịt rừng, đánh bắt được 193 kg cá. Khó khăn về lương thực được giải quyết. Xưởng quân giới của Ty Công an hoạt động rất có kết quả. Trong năm 1953, công an xưởng đã sản xuất được: Súng lục Vina 15 khẩu, 1.750 đạn Mitraillete, 6.420 Mebley, 200 đạn Mimas, 15 đạn Colt.

Việc đột nhập vào các vùng tạm bị địch chiếm rất khó khăn, nhiều khi bị tổn thất hy sinh, nhưng công tác của các đoàn thể cứu quốc kết hợp Quân - Dân - Chính - Đảng luôn bám sát địa bàn không ngại gian khổ, hy sinh, luồn sâu vào vùng địch hậu gây dựng, phát triển được ngày càng nhiều cơ sở bí mật, thường xuyên tiếp xúc được với nhân dân để tuyên truyền, giáo dục, giữ vững cơ sở, củng cố niềm tin, đoàn kết và động viên được phần lớn nhân dân hướng về kháng chiến, ủng hộ cách mạng, đóng góp sức người, sức của to lớn đồng thời tham gia đấu tranh ngay trong lòng địch, chống âm mưu thủ đoạn độc ác, xảo quyệt của giặc. Cán bộ công đoàn đã tranh thủ đưa cơ sở bí mật vào làm nòng cốt trong nhiều tổ chức tương tế, ái hữu, những hội công khai hợp pháp về xã hội, kinh tế của nhân dân các vùng bị địch tạm chiếm để hướng dẫn, giáo dục, động viên nhân dân đoàn kết, đấu tranh chống âm mưu giặc, hướng về cách mạng, về Tổ quốc, ủng hộ kháng chiến cứu nước.

Các Huyện ủy, Thị ủy đều tổ chức học tập, quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy về phương châm công tác ba vùng. Bộ máy Quân - Dân - Chính - Đảng ở các huyện thị cũng giản chính theo phương hướng của tỉnh. Mỗi huyện thị đều tổ chức nhiều đoàn Quân - Dân - Chính - Đảng do cấp ủy viên chỉ đạo về bám dân để củng cố các cơ sở Đảng, các đoàn thể cách mạng và tổ chức lại lực lượng dân quân du kích. Huyện ủy Long Điền - Đất Đỏ112 cử mỗi Huyện ủy viên về bám vùng liên xã hoặc một xã, tổ chức tinh giảm, có bộ phận xử lý thường vụ của Huyện ủy và Nhóm II (Nhóm Dân vận) để xử lý việc liên quan đến khối Dân - Chính - Đảng do hai đồng chí Lê Văn Phỉ và Nguyễn Xuân Sơn (Tám Trân) phụ trách.

Huyện Long Điền - Đất Đỏ duy trì bộ đội địa phương gồm 4 trung đội bộ binh và một trung đội đặc công113. Riêng căn cứ Minh Đạm thường xuyên có 1 trung đội chiến đấu bảo vệ. Bộ đội và du kích tiếp tục đánh phá chiến thuật De Latour của địch. Cuối tháng 5 năm 1953 trung đội đặc công do đồng chí Trần Văn Lục chỉ huy dùng mìn FT đánh sập tháp canh dốc Ba Kỳ (Phước Mỹ) diệt toàn bộ địch và thu toàn bộ vũ khí. Tháng 6 năm 1953, bộ đội địa phương Long Đất sử dụng chiến thuật kỳ tập đặc công kết hợp bộ binh diệt đồn Chợ Bến thắng lợi, động viên khí thế cách mạng rất lớn đối với đồng bào Xuyên Phước Cơ trong thời kỳ rất thiếu đói và gian khổ vì giặc càn quét. Bộ đội về căn cứ an toàn, tổ chức liên hoan mừng chiến thắng. Đồng bào phấn khởi đào cả củ mì non mới lớn góp cho bộ đội liên hoan mừng thắng lợi.

Từ giữa năm 1953 địch phải rút quân ồ ạt từ Nam Bộ ra chi viện cho Trung Bộ và Lào. Địch gấp rút xây dựng thêm ngụy quân, nhập các lực lượng giáo phái vào quân quốc gia. Số quân ngụy tăng lên cao nhất từ trước đến lúc đó. Địch sử dụng ngụy quân ngụy quyền liên tục càn quét đánh phá cơ sở kháng chiến. Hội nghị Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn tháng 9 năm 1953 đã sơ kết việc thực hiện phương châm ba vùng và triển khai học tập tài liệu quan trọng của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục: ”Mấy sai lầm căn bản cần sửa chữa gấp trong sự chỉ huy, lãnh đạo thực hiện chiến tranh nhân dân ở Nam Bộ. ” Cùng với việc chỉ đạo học tập sửa chữa sai lầm khuyết điểm, Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn phát động hưởng ứng phong trào “thi đua sản xuất giết giặc lập công” trong toàn Phân Liên khu với các nội dung cụ thể: thi đua phát triển sản xuất, thu hoạch vụ mùa 1953, thu thuế nông nghiệp, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch...

Công tác thu thuế và vận động ủng hộ nuôi quân được đẩy mạnh. Huyện Vũng Tàu đặt thêm trạm thuế ở Châu Pha từ tháng 9 năm 1953, ngay trong tháng đầu đã thu được 703$80; thị xã Bà Rịa đặt thêm một trạm sát thị xã, truy thu được 4.718$25 trong số các đối tượng thường xuyên trốn thuế; huyện Long Điền - Đất Đỏ tổ chức chặt chẽ từ trước, trong năm thu được14, 112$05, tuy nhiên, trên thực tế, con số thu được còn rất thấp so với lượng hàng hóa giao dịch giữa vùng bị địch tạm chiếm và vùng độc lập; Liên Huyện thu khá hơn cả, được 898.773$09.Tính đến tháng 9-1953, toàn tỉnh thu được 4.147.000$; đã chi cho quân sự 984.000$, cho dân chính 366.570$, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp 170.000$, cứu đói cho các cơ quan Quân - Dân - Chính 898.700$. Cuối năm 1953, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định giải thể xã Cơ Trạch, thành lập lại các xã Quảng Giao, Bàu Lâm và thành lập thêm xã Tân Hiệp. Các chi bộ trong vùng căn cứ đều được củng cố114.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Để phối hợp chiến trường, Bộ Tư lệnh Phân Liên khu Miền Đông chủ trương giữ vững và phát triển rộng khắp du kích chiến tranh, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận, củng cố và mở rộng căn cứ địa, vận động nhân dân kết hợp tác chiến phá khu gom dân của địch, tiếp tục đánh phá làm thất bại chiến thuật De Latour.

Tháng 11 năm 1953, Tiểu đoàn 300 do Tiểu đoàn trưởng Trần Sơn Tiêu và Chính trị viên Đại đội 3 Võ Ngọc Hải chỉ huy, sau 4 ngày phục kích kiên trì đã chặn đánh đoàn côngvoa của thực dân Pháp từ Bà Rịa đi Xuân Lộc trên đường số 2 cách Chi khu Bình Ba 2km diệt một số xe vận tải và 60 tên địch trong đó có Đại tá De La Maisonneuse, Tiểu khu trưởng tiểu khu Bà Rịa cùng một số sỹ quan của Tiểu đoàn ngụy binh 65 BNV. Đây là một thắng lợi lớn, cổ vũ tinh thần nhân dân vùng lộ 2 nói riêng cũng như đối với phong trào kháng chiến của nhân dân toàn tỉnh nói chung.

Trên hướng lộ 23, ngày 17 tháng 11 năm 1953, Tiểu đoàn 300 phối hợp bộ đội địa phương Long Điền - Đất Đỏ triển khai đội hình phục kích tại cánh đồng Bà Đá, ngay trên địa bàn địch đã làm chủ. Chính vì thế mà địch chủ quan, lọt vòng phục kích. Tiểu đoàn 300 tiêu diệt toàn bộ quân địch và bắt sống tên Fardel, giành lại thế làm chủ trên lộ 23. Trận đánh mở đầu đợt chống lấn chiếm lộ 23 có ý nghĩa lớn về tư tưởng chiến lược tiến công. Ngay trong trận đánh, ý kiến tích cực, chủ động đánh địch đã quyết định. Bộ đội thu dọn chiến trường rút về căn cứ lấy lương thực, đưa tên Fardel ra làm mít tinh để làm động viên đồng bào căn cứ Bà Tô, hạ uy thế địch làm công tác chính trị.

Sau hàng loạt trận thắng liên tiếp của Tiểu đoàn 300 và bộ đội địa phương huyện Long Điền - Đất Đỏ, địch phải bỏ cuộc lấn chiếm bình định lộ 23, giành lại khu trắng từ Cầu Trọng đến Đất Đỏ và nhất là bắt sống được tên Fardel, chỉ huy hệ thống gián điệp gài trong căn cứ ta, giữ được căn cứ địa và làm chủ được vùng trắng mà địch đã thiết lập bao vây căn cứ khu Đông. Từ cuối năm 1953 trở đi, thế kìm kẹp của địch giảm dần. Thực dân Pháp phải rút một phần lớn lực lượng ở Nam Bộ ra tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển phong trào cách mạng của Nam Bộ nói chung, cũng như của Bà Rịa - Chợ Lớn nói riêng. Tháng 1 năm 1954, bộ đội địa phương Vũng Tàu và Tiểu đoàn 300 phục kích địch tại bến Ông Trăng (Long Hương) diệt một trung đội Cao Đài, thu 1 súng trung liên FM, 17 súng trường và tiểu liên. Trận đánh ngay sát nách tỉnh lỵ và tiểu khu của địch đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của quân và dân toàn tỉnh.

Trên chiến trường Bà Rịa - Chợ Lớn, địch vẫn tiếp tục mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Vùng Căn cứ khu Tây, chúng lấn sâu vào Hắt Dịch, có tháng chúng mở đến 7 cuộc càn, từ cấp đại đội trở lên. Căn cứ khu Đông, bọn biệt kích đột nhập vùng ven căn cứ như Bàu Lâm, Cơ Trạch, Tân Hiệp. Cuộc đột kích tháng 3 năm 1954 vào Bàu Lâm chúng đốt 24 ngôi nhà, 200 thùng lúa dự trữ, tổng số thiệt hại lên đến 80.000$. Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng Quân - Dân - Chính cấp tiếp tục thực hiện phương châm công tác ba vùng, đánh địch bảo vệ căn cứ, phát động phong trào sản xuất đi đôi với tiết kiệm. Từ đầu mùa vụ, tỉnh đã bồi dưỡng 60 cán bộ nòng cốt, tổ chức học tập cho 4.200 đồng bào ở 7 xã vùng căn cứ, quán triệt chủ trương sản xuất gắn với tiết kiệm, nhất là trong dịp Tết.

Những thắng lợi của quân dân ta trên khắp các chiến trường đầu năm 1954 có tác động ảnh hưởng đến phong trào kháng chiến tại địa phương. Song song với hoạt động vũ trang, công tác địch ngụy vận được đẩy mạnh, đồng bào ta nắm được tình hình rất phấn khởi. Tề ngụy hoang mang, lính ngụy co lại trong các đồn bót, giảm các hoạt động càn quét. Ngày 20 tháng 1 năm 1954, một bộ phận của Tiểu đoàn 300 cùng với đại đội 3 của Tiểu đoàn 320 đánh đường sắt Gia Huynh- Trảng Táo, đốt cháy đoàn xe quân sự chở 300 tấn bom đạn, nhiên liệu, lương thực tiếp tế cho miền Trung. Đánh giao thông địch là một phương thức tác chiến phổ biến của quân dân Bà Rịa - Chợ Lớn làm cho địch khó khăn trong vận chuyển tiếp tế nhất là thời kỳ lộ 15 bị cắt đứt, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Do chú trọng phương châm công tác ba vùng, nhất là trong vùng bị địch tạm chiếm và vùng du kích, phong trào đấu tranh của quần chúng đã từng bước hồi phục và phát triển, nhất là ở huyện Long Điền - Đất Đỏ. Đồng bào xã Phước Hải đấu tranh chống chở gạch đá xây đồn Sập; đồng bào các xã An Ngãi, Phước Tỉnh chống thu thuế đốn cây, bắt xâu; An Nhứt chống thu thuế công điền; Long Hải chống thu tiền xây dựng thánh thất Cao Đài; Phước Lợi, Phước Thọ, Long Tân đấu tranh đòi mở rộng phạm vi sản xuất, phục hóa được trên 500 mẫu ruộng.

Ở Căn cứ khu Đông, các cấp các ngành đã vận động quần chúng mở rộng sản xuất và đưa lực lượng lấn rộng ra vùng ven căn cứ, nơi định lập vành đai trắng. Bộ đội, du kích mở rộng địa bàn bám trụ, đồng bào mở rộng sản xuất, sản xuất mở rộng đến đâu, tổ chức bảo vệ đến đó. Hình thức vần công đổi công cũng được mở rộng và tổ chức chặt chẽ hơn. Tính đến tháng 3 năm 1954, ta đã tổ chức được 26 đoàn, 17 đội vần công đổi công ở Bàu Lâm, Cơ Trạch, Nhu Lâm, Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Phước Lộc. Trong vùng căn cứ, ta còn phát động phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật, bình bầu các danh hiệu thi đua: điển hình nông trường viên ở các cơ quan; điển hình chiến sỹ nông nghiệp trong nông dân. Tính đến tháng 4 năm 1953, đã có 7 chiến sỹ nông nghiệp cấp huyện, 14 chiến sỹ nông nghiệp cấp xã và 38 chiến sỹ nông nghiệp cấp ấp được bầu trong 7 xã vùng căn cứ.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, tên trung úy ác ôn Suacot chỉ huy một đại đội biệt kích đánh vào căn cứ của Đại đội 3, Tiểu đoàn 300 tại Hắc Dịch. Bộ phận bảo vệ căn cứ của Đại đội 3 có ba khẩu trung liên đã kiên cường đánh địch, bắn lòi ruột tên trung úy ác ôn Suacot, bọn biệt kích phải thu quân tháo chạy, đưa Suacot về Long Thành, nhưng hắn đã chết trên đường về. Từ đó, hoạt động biệt kích giảm hẳn. Suacot là tên biệt kích ác ôn, từng gây nhiều nợ máu với đồng bào và cán bộ chiến sỹ ta trên chiến trường lộ 15. Nghe tin Suacot chết, đồng bào Long Thành và Vũng Tàu đã gửi nhiều thư khen và cảm ơn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 300. Đồng bào vùng căn cứ khu Tây yên tâm và tích cực tăng gia sản xuất.

Tiểu đoàn 300 cùng với du kích huyện Long Điền - Đất Đỏ diệt đồn Sập xã Phước Hải (tháng 5 năm 1954,) tạo điều kiện cho các lực lượng kháng chiến kiểm soát cửa biển Lộc An và đột nhập vào xã Phước Hải dễ dàng hơn. Trận đánh này ta bắt được 15 tù binh, sau khi giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng, ta phóng thích tại chỗ. Nhân dân xã Long Mỹ đã phá khu tập trung trở về đất cũ, trở thành một xã giải phóng đầu tiên của huyện Long Điền - Đất Đỏ (giữa năm 1954), các lõm du kích của huyện nối liền nhau. Những ngày cuối cùng của chiến tranh địch co lại nên chóng tan rã. Ở huyện Long Điền - Đất Đỏ tên chỉ huy đồn Cây Rói đã dẫn một tiểu đội ra hàng.

Tin chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5 năm 1954) làm nức lòng quân và dân Bà Rịa - Chợ Lớn. Phối hợp và phát huy thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn đều xây dựng phương án tác chiến tiến công đồn bót địch. Tiểu đoàn 300 cùng bộ đội địa phương Long Điền - Đất Đỏ đánh đồn Long Tân vào đêm trước khi có lệnh ngừng bắn. Bộ đội địa phương Vũng Tàu chuẩn bị đánh đồn Long Phước, dự kiến nổ súng vào lúc 24 giờ đêm 21 tháng 7 năm 1954, nhưng được lệnh ngừng lại vì Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết. Đây là trận đánh cuối cùng đã chuẩn bị nhưng không kịp nổ súng.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Genevơ kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Căn cứ Xuyên Mộc - Hàm Tân là nơi tập kết 80 ngày để các lực lượng võ trang và cơ quan dân chính Đảng tập trung chuyển ra miền Bắc theo hiệp định. Phần lớn cán bộ công đoàn được bố trí ở lại, bắt tay vào nhiệm vụ mới trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam.




tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương