Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu



tải về 1.75 Mb.
trang24/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25


Liên hiệp châu Âu

Trong sự tạo ra Liên hiệp châu Âu, chúng ta đã chứng kiến một thử nghiệm khổng lồ về điều mà Karl Popper gọi là “cải biến xã hội từ từ: piecemeal social engineering”. Xứng đáng để khai phá sự phát triển này cẩn thận hơn vì nó đưa ra vấn đề cốt yếu của thời đại chúng ta: Làm sao khắc phục được những cản trở do quyền tự chủ quốc gia gây ra đối với việc theo đuổi lợi ích chung. Trong sự sáng tạo ra Liên hiệp châu Âu, không phải đối mặt trực tiếp với vấn đề; giả như nếu phải như vậy, quá trình đã chẳng thể đi xa được như hiện nay. Đúng hơn, nó được tiếp cận một cách gián tiếp, bằng cách nhận diện ra một mục tiêu cụ thể và thu thập đủ sự ủng hộ cho nó. Nó khởi đầu với Cộng đồng Than và Thép, và nó đã đi xa đến tận đồng tiền chung. Mỗi bước về phía trước tạo ra một loại thiếu cân bằng nào đó, có thể được chỉnh sửa, chỉ bằng cách đi một bước nữa về phía trước.

Chẳng gì có thể thích hợp hơn với một xã hội mở. Tuy nhiên, quá trình đầy bất trắc, và thật khó nói: Nó sẽ tiến triển thêm bao nhiêu. Mỗi bước đều bị kháng cự, chủ yếu vì khả năng là nó sẽ dẫn đến các bước nữa theo cùng hướng. Những nỗi lo sợ này rất có căn cứ. Việc tạo ra một đồng tiền chung, thí dụ, hẳn có thể tỏ ra yếu, nếu không có một chính sách tài khoá chung. Liệu sẽ có khả năng thu được sự ủng hộ chính trị đủ cho việc đưa ra một chính sách tài khoá chung hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Toàn bộ quá trình vấp phải những khó khăn. Nó được giới ưu tú chính trị phát động và đang mất sự ủng hộ của quần chúng. Ý tưởng về một châu Âu thống nhất đã vô cùng hấp dẫn, đặc biệt khi mà kí ức về Chiến tranh Thế giới II còn chưa phai mờ và châu Âu bị phơi ra cho mối đe doạ Soviet. Thực tế của Liên hiệp châu Âu (EU), tuy vậy, ít quyến rũ hơn nhiều. Về mặt chính trị, nó vẫn chỉ là một hiệp hội của các quốc gia đã uỷ thác quyền tự chủ nào đó cho một Liên hiệp lớn hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, nơi sự uỷ thác đã xảy ra, thị trường duy nhất hoạt động đặc biệt tốt; nhưng trong lĩnh vực chính trị, hầu như không có sự uỷ thác nào, và kết quả làm thất vọng. Mọi hiệp hội như vậy của các quốc gia đều chịu cái được gọi là “thiếu hụt dân chủ: democratic deficit”. [5] Lợi ích quốc gia không nhất thiết trùng với lợi ích của người dân quốc gia đó, nhưng trong một nhà nước dân chủ, nhân dân có thể thực hiện kiểm soát ứng xử của chính phủ thông qua những người họ bầu làm đại diện; trong một hiệp hội các quốc gia, thiếu sự kiểm soát đó, vì quyền quyết định được trao cho các chính phủ, chứ không phải nhân dân.

Chính quyền Liên hiệp châu Âu đang ở giữa một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Cơ quan hành chính trung ương, Uỷ ban châu Âu, ở dưới quyền của Hội đồng châu Âu, bao gồm chính phủ của các nước thành viên. Hội đồng được hướng dẫn nhiều bởi các lợi ích quốc gia hơn là bởi lợi ích chung. Cho nên, ngay cả các quyết định tẻ nhạt cũng mang đặc tính của các hiệp ước quốc tế - khó đạt, thậm chí khó hơn để sửa đổi. Các thành viên của Uỷ ban được chỉ định trên cơ sở quota quốc gia, và hoạt động của Uỷ ban mắc mọi lỗi của một bộ máy quan liêu, phục vụ không phải một ông chủ mà là mười lăm ông. Các quan chức hay bảo vệ mình chống lại các ông chủ chính trị bằng cách tránh các quyết định mà họ có thể bị đổ lỗi. Khi họ có trách nhiệm, không phải với một mà với mười lăm chủ nhân, tác động làm tê liệt; sự thiếu hụt dân chủ được tăng cường bởi sự thiếu hụt về năng lực quyết định. Hầu như không thể tin được, mỗi Vụ là một ốc đảo đối với chính mình, và một Uỷ viên không thể ra lệnh cho người khác. Các quốc gia thành viên vô cớ cản trở chi tiêu nhằm giữ cho sự đóng góp của họ vào ngân sách EU được thấp; đồng thời, các đại sứ của họ tại Brussels làm việc miệt mài để chiếm đoạt càng nhiều ngân sách EU cho lợi ích quốc gia của họ càng tốt. Mọi chi phí, bất luận cho nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, hay viện trợ nước ngoài, phải đi qua cùng các thủ tục nhiêu khê này. Cái mà người dân nhìn thấy từ bên ngoài là một bộ máy quan liêu nặng đầu làm việc theo cách quấn lại nhau, bị che phủ trong bí mật. Nó dường như không chịu trách nhiệm với bất kể giới cử tri nào, dẫu cho Nghị viện châu Âu mới đây có được thêm quyền hạn giám sát và Hội đồng trước đây bị hạ bệ do kết quả điều tra của Nghị viện về tham nhũng. Bộ máy quan liêu bị mất tinh thần và công chúng vỡ mộng. Nghị viện châu Âu tiếp tục ít được tôn trọng, như được chứng tỏ bởi tỉ lệ tham gia thấp trong cuộc bầu cử vừa qua.

Một thiểu số đang tăng lên bác bỏ ý tưởng về châu Âu và theo các xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại. Hi vọng là giới ưu tú chính trị sẽ có khả năng khích động công luận ủng hộ một bước nữa về phía trước, và lần này, bước đi phải có hướng chống lại bản thân giới ưu tú chính trị. Nhân dân phải thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp trên chính quyền EU. Một nước đi như vậy phải đối mặt với vấn đề chủ quyền quốc gia trực tiếp hơn trước, và sự thành công của nó còn xa mới được đảm bảo. Thực ra, sự thất bại có thể dẫn tới sự tan rã của Liên hiệp châu Âu, vì nhất thể hoá, hội nhập là một quá trình động: Nếu nó không tiến lên thì nhất định lùi lại. Chính dựa vào nền này mà các vấn đề mở rộng thành viên phải được giải quyết. Triển vọng thật là mong manh.

Làm cho vấn đề tồi hơn, Liên hiệp châu Âu đã không thành công chút nào trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Cột trụ thứ hai của Hiệp ước Maastricht dành cho một chính sách đối ngoại chung, nhưng nó đã không ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước thành viên. Kết quả đã có thể tiên đoán được: Chẳng có chính sách chung nào hiện lên. Chính sách đối ngoại vẫn lệ thuộc vào đời sống chính trị nội bộ của các nước thành viên. Chính sách chung bị mất tín nhiệm ở chính hành động đàm phán Hiệp ước Maastricht: Như một phần của cuộc mặc cả dẫn tới hiệp ước, nguyên bộ trưởng ngoại giao Đức, Hans-Dietrich Genscher, người được châu Âu công nhận vì một Croatia và Slovenia độc lập, do đó đã đẩy nhanh chiến tranh ở Bosnia. Liên hiệp châu Âu hiếm khi có khả năng nói cùng một tiếng nói về các vấn đề chính sách đối ngoại, và thậm chí là tiếng nói của một cường quốc nhỏ. Điều này là hiển nhiên trong cách Liên hiệp châu Âu xử lí vấn đề tan rã của Nam Tư - rất, rất thận trọng. Bây giờ dáng vẻ này có thể thay đổi do Liên hiệp châu Âu đã chỉ định một ông hoàng của chính sách đối ngoại, Javier Solana, nguyên tổng thư kí NATO, nhưng ngay dù có đúng như thế, vẫn không có đồng thuận rằng Liên hiệp châu Âu phải trở thành một quyền lực lớn. Tình hình hiện thời, nói nhẹ đi là không thoả mãn, và Liên hiệp châu Âu, giống như Hoa Kì, cần một liều mạnh về tự vấn lương tâm khi đụng đến các quan hệ quốc tế. Hiệp ước Ổn định cho Đông Nam Âu được dùng như một cuộc sát hạch.

Có nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại mà các nước thành viên có những lợi ích dân tộc xác định khác với các lợi ích của các thành viên khác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Sẽ khó biện minh một sự uỷ thác quyền lực cho Liên hiệp châu Âu về các vấn đề như vậy. Lấy một ví dụ đơn giản: Ðại diện ngoại giao ở các tổ chức quốc tế. Anh, Pháp, và Đức có các lợi ích tài chính và công nghiệp khác nhau mà Liên hiệp châu Âu không thể đại diện một cách thoả đáng.

Tuy nhiên, có các vấn đề mà lợi ích chung phải có ưu tiên hơn các lợi ích của các quốc gia thành viên riêng lẻ. Trong các trường hợp này, lợi ích chung thường vượt quá Liên hiệp châu Âu. Cái gì xảy ra ở khu vực Balkan, Trung Đông, Bắc Phi, và Liên Xô trước đây liên quan không chỉ đến Liên hiệp châu Âu mà cả Hoa Kì và phần còn lại của thế giới nữa. Có các xã hội mở là một lợi ích chung của tất cả các xã hội mở. Để theo đuổi mục tiêu đó, đòi hỏi sự hợp tác vượt ra ngoài Liên hiệp châu Âu đến Hoa Kì và các nước dân chủ khác.

Có thể thấy rằng: Hầu hết các vấn đề trong chính sách đối ngoại phải được giải quyết, hoặc ở mức cao hơn hay thấp hơn mức Liên hiệp châu Âu. Liên hiệp châu Âu cần tạo dựng một liên minh của các nhà nước dân chủ - thậm chí còn hơn cả Hoa Kì.

[17/17]

© 2004 talawas





[1]Chú thích của dịch giả : fractal: cấu trúc hình học tự lặp lại ở mọi qui mô để tạo ra các hình thù không đều, không thể tạo ra bởi hình học cổ điển. Các fractal được sử dụng rộng rãi để mô phỏng bằng máy tính các hiện tượng tự nhiên, một khái niệm quen thuộc của các hệ thống có độ phức tạp cao.
[2]Henry Kissinger, Diplomacy (New York: Simon and Schuster, 1995).
[3]So với IMF, Ngân hàng Thế giới độc lập hơn đối với ảnh hưởng của Hoa Kì; ngay dù có đúng như thế, phó tổng giám đốc cao cấp và kinh tế gia trưởng trực tính của nó, Joe Stiglitz, đã thấy phù hợp trong việc xin từ chức, khi các quan điểm của ông chọc tức Hoa Kì.
[4]Tôi không tán thành lí lẽ này, vì vấn đề không nảy sinh, chừng nào một toà án Hoa Kì sẵn lòng xét xử, thí dụ, vụ tàn sát Mỹ Lai.
[5]William Maynes, “America’s Fading Commitments,” World Policy Journal (Summer 1999).

NATO

Rất may, đã hiện hữu một liên minh với các thành viên thích hợp: NATO. Nhưng NATO là một liên minh quân sự, và nhiệm vụ cổ vũ các xã hội mở là bất kể gì, song không là quân sự. NATO đúng là có một chiều chính trị, và các mục tiêu chính trị của nó được tuyên bố rõ ràng là cổ vũ dân chủ. Điều đó không ngạc nhiên, vì NATO là con đẻ của Chiến tranh Lạnh. Nhưng chiều chính trị đã chẳng bao giờ được kích hoạt và vẫn là một phần phụ chưa được dùng của liên minh quân sự.

Sau kết thúc của Chiến tranh Lạnh, NATO trở thành một định chế không có sứ mạng. Các mục tiêu của nó phải được suy tính lại. Một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra sau đó, nhưng nó được định khung bởi đặc tính quân sự của liên minh. Đã có những tiếng nói ủng hộ một loại liên minh mới, bao gồm cả Nga nữa, nhưng đã có những tiếng nói khác bị chi phối bởi những cân nhắc địa chính trị. Cuối cùng, đạt một sự thoả hiệp: NATO có thể mở rộng về phương đông, thu nạp một số thành viên của Khối Warsaw trước đây, thiết lập một Đồng hội vì Hoà bình (Partnership for Peace) với các nước nguyên cộng sản, và giữ ngỏ khả năng thêm các thành viên trong tương lai. Cuối cùng, thêm ba thành viên mới: Ba Lan, Hungary, và cộng hoà Czech. Rumani và Slovenia chịu khó vận động để vào nhưng đã thất bại; Slovakia bị loại vì lí do chính trị; các nước khác không được xem xét nghiêm túc. [1]

Tôi đã cố gắng tham gia một cách có ý nghĩa vào cuộc thảo luận, bằng cách tổ chức một cuộc hội nghị ở Đại Học Trung Âu ở Budapest. Nhiều người đã tham dự, gồm cả Manfred Wörner, tổng thư kí NATO lúc đó và là một người có tính chính trực cao, hoàn toàn cam kết cho các nguyên lí của xã hội mở; lúc đó ông ở giai đoạn đau yếu cuối. Tôi đã xuất bản một pamphlet, trong đó, tôi lí luận nhiều điểm giống như tôi luận hiện nay, cụ thể là, thế giới hậu cộng sản cần một loại liên minh khác và Đồng hội vì Hoà bình cần phải gắn với một Đồng hội vì Thịnh vượng (Partnership for Prosperity). Nhưng kiến nghị đã quá cấp tiến. Để thông qua việc mở rộng NATO, tất cả mọi lực lượng ủng hộ nó phải được huy động: Các nhà địa chính trị và các chiến binh của Chiến tranh Lạnh cũng như những người quan tâm hơn đến việc cổ vũ các xã hội mở. Mở rộng NATO đã là một sự thoả hiệp không thoải mái giữa việc duy trì và củng cố sự chia rẽ châu Âu và thúc đẩy các nguyên lí của xã hội mở, với cán cân nghiêng về cái trước. Kết quả chứng tỏ điều này. Lấy trường hợp của Belarus: Alexander Lukashenko đã thiết lập sự độc tài của tổng thống, phá huỷ dân chủ ở Belarus và cũng tạo ra một mối đe doạ các lực lượng dân chủ ở Nga; nhưng Nga đón nhận Lukashenko vì mối đe doạ do sự mở rộng NATO gây ra, được coi là quan trọng hơn. Trong trường hợp này, sự mở rộng NATO đã hoạt động trực tiếp chống lại các lợi ích của xã hội mở.

Trong trường hợp Kosovo, NATO đã can thiệp nhằm bảo vệ các nguyên lí của xã hội mở. Không một nước NATO nào có lợi ích quốc gia sống còn bị đe doạ, song đã có một lợi ích chung phản kháng, một thí dụ nữa của thanh lọc sắc tộc. Các nền dân chủ phương Tây đã có lịch sử thất bại trong việc đối phó với sự tan rã của Nam Tư, nhưng dịp này, họ đã sẵn sàng lấy một lập trường cứng rắn. Đã có sự chia rẽ nội bộ trong chính quyền Hoa Kì, với việc Bộ Ngoại giao ủng hộ tối hậu thư của NATO và Bộ Quốc phòng phản đối nó. Cuối cùng, chính tổng chỉ huy các lực lượng NATO, Tướng Wesley Clark, người đã làm nghiêng cán cân ủng hộ sự can thiệp. Lầu Năm góc chẳng bao giờ tha thứ ông vì việc ấy: Nó bắt đầu cuộc chiến chống Tướng Clark cũng ngang như chống Milosevic. Thí dụ, nó đã phá hoại việc sử dụng máy bay lên thẳng Apache. Và ông bị về hưu sớm.

Khủng hoảng Kosovo đã là một sự kiện đau buồn cho cá nhân tôi. Tôi đã là một người chủ trương dùng phương án cứng rắn chống Milosevic, cho nên tôi cảm thấy ý thức trách nhiệm cá nhân về điều đã xảy ra, cho dù tôi đã chẳng tham gia vào quá trình ra quyết định. Tôi ủng hộ hành động quân sự, nhưng các kết quả đã làm tôi hết sức đau khổ. Theo tôi, việc ném bom chỉ có thể được biện minh, nếu nó đi sau hành động xây dựng điều có thể mang lại hoà bình và thịnh vượng cho khu vực.

Trường hợp chống Milosevic là kín kẽ. Không chỉ bởi ông ta đã tiến hành các hành động hung bạo được ghi lại mà vì thế ông ta đã bị toà án Hague buộc tội; ông ta cũng đã vi phạm một thoả ước quốc tế mà ông ta đã kí vài tháng trước. Nhưng cách mà NATO hành động lại ít làm yên lòng. Thả bom từ trên cao xác nhận lỗ hổng giữa giá trị của các mạng sống Mĩ và của mạnh sống của những người mà họ được cho là phải giúp đỡ. Sự can thiệp đã không ngăn chặn sự thanh lọc sắc tộc; ngược lại, nó đẩy nhanh việc đó. Ngay cả các động cơ để can thiệp cũng đáng nghi ngờ: Nó được dùng để trừng phạt Milosevic, bảo vệ dân cư Kosovo, hay chứng tỏ sức mạnh quân sự của NATO? Cần phải nhớ rằng, NATO đang dần tới kỉ niệm năm mươi năm thành lập: Chẳng phải là vinh quang khi đi cử hành kỉ niệm bằng một chiến thắng quân sự?

Nhưng thay cho việc thống nhất thế giới để lên án Milosevic, can thiệp của NATO đã chia rẽ nó. Kết quả cũng đáng ngờ. Loại bỏ việc sử dụng bộ binh, tổng thống Bill Clinton đã làm cho chiến thắng trở nên khó hơn, và, khi việc Milosevic, cuối cùng chịu nhường kiểm soát Kosovo, đã đến như một sự ngạc nhiên thật sự đối với mọi người liên quan. Tôi không thích nghĩ điều gì đã có thể xảy ra, nếu ông ta đã không nhượng bộ.

Theo ý tôi, có hai yếu tố chủ yếu đã thuyết phục ông ta thoái lui. Một là vai trò của Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA); hai là vai trò của Nga. (Việc ném bom cũng đã có ảnh hưởng khi nó bắt đầu vi phạm qui tắc chống đánh các mục tiêu dân sự). Mặc dù tổng thống Clinton đã loại bỏ bộ binh, lại có các đội quân KLA trên bộ, và khi họ đánh nhau với quân đội Nam Tư, nó trở nên dễ bị tổn thương với sự tấn công từ trên không. Các bộ binh người Albani tr ở thành mối đe doạ cho quân đội Nam Tư hơn là bộ binh NATO. Nga đã đóng vai trò kép. Một mặt, Viktor Chernomyrdin đã giúp ích thật hữu hiệu bằng cách làm cho Milosevic tỉnh ngộ: Sẽ không có bất kể sự ủng hộ nào của Nga; NATO mắc nợ ông lòng biết ơn. Mặt khác, quân đội Nga đã làm NATO ngạc nhiên bằng cách tiến vào sân bay Pristina trước NATO; đã cần đến mưu mẹo nào đó để dùng kế phớt lờ sự hiện diện quân sự của Nga. Chứng tâm thần phân liệt này phản ánh sự chia rẽ giữa những cân nhắc chính trị và quân sự: Về mặt chính trị, Nga cần đạt điểm với phương Tây vì sự phụ thuộc của nó về kinh tế và tài chính; về mặt quân sự, NATO đã được coi là một mối đe doạ.




Liên minh xã hội mở

Xung đột Kosovo đã củng cố niềm tin chắc chắn của tôi rằng: NATO cần được bổ sung bằng một liên minh chính trị, mà mục đích dứt khoát của nó là thúc đẩy các giá trị và các nguyên lí của xã hội mở. Can thiệp quân sự để ủng hộ quyền con người luôn luôn đến quá muộn, và thường phản tác dụng. Trọng tâm phải là phòng ngừa khủng hoảng.

Phòng ngừa khủng hoảng không thể bắt đầu đủ sớm. Nó bắt đầu càng sớm, thì nó càng ít cần sự cưỡng bức. Áp lực ngoại giao hay kinh tế có thể là đủ, và phần thưởng có thể hiệu quả hơn những trừng phạt. Thí dụ, các quốc gia vùng Baltic hăm hở gắn với châu Âu. Latvia và Estonia đã ban hành các luật về quyền công dân hạn chế, gây ra các mầm mống xung đột với Nga. Liên hiệp châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã dùng áp lực bền bỉ và mang lại sự thay đổi về việc đối xử với các sắc tộc thiểu số. Latvia và Estonia hiện nay là các ứng viên tham gia EU. Giả như cộng đồng quốc tế đã biểu lộ sự không hài lòng khi Milosevic huỷ bỏ tính tự trị của Kosovo năm 1989, ông ta có thể không củng cố được quyền lực của mình vì chính phủ liên bang đã không nằm trong sự kiểm soát của ông ta lúc đó. Giả như, nếu NATO đã can thiệp khi hải quân Nam Tư ném bom Dubrovnik tháng 12-1991, đã có thể tránh được khủng hoảng Bosnia.

Một liên minh chính trị có thể ngăn ngừa khủng hoảng tốt nhất bằng đẩy mạnh các giá trị và nguyên lí của xã hội mở. Điều đó đòi hỏi những gì?

Không có thiết kế đơn nhất cho xã hội mở. Các nước có các truyền thống khác nhau, với mức phát triển khác nhau. Ðiều làm cho một xã hội là mở, là công dân của nó tự do quyết định xã hội nên được tổ chức ra sao. Song có vài tiền đề đảm bảo rằng các công dân sẽ hưởng quyền tự do đó. Liên minh Xã hội Mở quan tâm đến sự thiết lập và duy trì các tiền đề đó: một hiến pháp dân chủ, pháp trị, tự do ngôn luận và báo chí, một bộ máy tư pháp độc lập, và các khía cạnh quan trọng khác của tự do. Lần nữa, không có các tiêu chuẩn khách quan, rành rành, theo đó, các tiền đề ấy có thể được đánh giá. Liên minh Xã hội Mở sẽ phải thiết lập các tiêu chuẩn riêng của mình với ý thức đầy đủ về tính có thể sai của nó. Nó cho mỗi xã hội phạm vi rộng rãi nhất để quyết định đặc tính riêng của mình.

Cái phân biệt Thời đại Có thể Sai khỏi Thời đại Lí trí là chúng ta đi đến việc thừa nhận rằng: Lí trí không cung cấp các giải pháp không mập mờ, không thể bàn cãi. Hãy xét luật: Luật La Mã và luật Anglo-Saxon là khá khác nhau về đặc tính. Sẽ là không thích hợp khi thúc đẩy một loại luật trên loại kia, nhưng thích đáng hơn để nhất quyết khẳng định pháp trị. Hoặc xét tính độc lập về tư pháp: Không có phương pháp an toàn để đảm bảo nó; ngay cả sự độc lập của tư pháp Hoa Kì cũng đã gặp nguy hiểm trong các năm gần đây vì hoạt động chính trị mang tính đảng phái. Tuy nhiên, việc cải thiện sự độc lập và trình độ của ngành tư pháp ở mọi quốc gia là đáng mong muốn.

Mục tiêu của Liên minh sẽ là điều phối hành động của các nước thành viên trong việc thúc đẩy một xã hội mở toàn cầu. Có hai mục tiêu tách biệt nhưng liên quan cần phải đạt được: Một là giúp đỡ sự tiến hoá của các xã hội mở trong nội bộ các nước riêng lẻ; hai là khuyến khích sự phát triển luật quốc tế và các tiêu chuẩn ứng xử quốc tế.

Liên minh Xã hội Mở theo đuổi mục tiêu đầu tiên bằng sự kết hợp khôn ngoan của các cây gậy và củ cà rốt. Tiếp cận đến thương mại và đầu tư hiện ra to lớn trong cả hai loại. Đó là chỗ cấu trúc chính trị toàn cầu trở nên tiếp giáp với cấu trúc tài chính toàn cầu, vì nhiều cây gậy và củ cà rốt có thể là về mặt tài chính. Cần nhớ rằng: Cấu trúc tài chính mới đang nổi lên rất thiếu các khuyến khích. Tôi kiến nghị tăng cường năng lực của IMF để thưởng các nước theo đuổi các chính sách lành mạnh. Tôi ủng hộ khuyến nghị của Uỷ ban Meltzer chuyển Ngân hàng Thế giới thành một Cơ quan Phát triển Thế giới, với điều kiện là các nguồn lực của nó được nâng cao, hơn là bị giảm đi, và vốn chưa được gọi của nó được dùng một cách tích cực hơn, để bảo lãnh các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi ủng hộ việc xoá nợ cho các nước nghèo đang thực hiện cải cách kinh tế và chính trị. Có thể cần thêm một số biện pháp trên cơ sở từng trường hợp một. Hiệp ước Ổn định cho Đông Nam Âu là một trường hợp như vậy.

Các tiêu chuẩn do IMF dùng để quyết định các chính sách lành mạnh là gì sẽ chủ yếu là về tài chính; nhưng không có đường phân ranh cứng nhắc giữa tài chính và chính trị. Một hệ thống ngân hàng minh bạch, được điều hành một cách chuyên nghiệp, được giám sát tốt, hệ thống không thể được lạm dụng cho lợi ích chính trị, sẽ giúp nhiều cho sự phát triển xã hội mở; tính minh bạch tài chính chỉ là một bước ngắn từ tự do ngôn luận và báo chí, và trong các nước, nơi tự do báo chí bị hạn chế, các tín phiếu tài chính thường cung cấp sự che phủ chính trị tốt nhất. Cơ quan Phát triển Thế giới có thể dùng các tiêu chuẩn chính trị rõ rệt hơn trong việc phân phát viện trợ, đặc biệt nếu nó chấp nhận ý tưởng của Amartya Sen về sự phát triển với tư cách là quyền tự do.

Có nhiều lĩnh vực mà các nước dân chủ có các lợi ích cạnh tranh nhau; họ sẽ tiếp tục theo đuổi chúng một cách cạnh tranh. Nhưng trong việc sử dụng các cây gậy và củ cà rốt, họ phải hành động trong tinh thần hợp tác. Điều đó có nghĩa là đặt bản thân họ dưới các quyết định tập thể. Xét vấn đề những sự trừng phạt thương mại: Chúng có thể có hiệu quả chỉ khi được áp dụng tập thể. Hoa Kì có thói quen đơn phương áp đặt trừng phạt; nó phải từ bỏ thói quen đó. Thế nhưng, tất cả các thành viên phải thống nhất thực hiện những trừng phạt đã được tập thể thông qua; khác đi thì họ không còn là thành viên của Liên minh.

Những can thiệp trừng phạt trong quan hệ quốc tế của từng nước riêng sẽ được giữ ở mức tối thiểu, vì chúng có những hệ quả không dự tính trước được. Trừng phạt thương mại đã tỏ ra phản tác dụng: Chúng hay củng cố chế độ mà chúng được cho là phải làm suy yếu, vì những kẻ buôn lậu cần sự hỗ trợ của chế độ, và đổi lại, chúng phải ủng hộ chế độ. Trong trường hợp Nam Tư, đưa vào danh sách đen những kẻ ủng hộ chế độ đã tỏ ra có hiệu quả hơn nhiều. Có lí lẽ biện hộ mạnh mẽ cho việc thay trừng phạt thương mại bằng việc đưa vào danh sách đen hễ khi nào có khả năng. Nó sẽ đánh trúng những kẻ đáng bị đánh và sẽ làm yếu, hơn là tăng cường, chế độ nó muốn trừng phạt.

Can thiệp quân sự, như một phương pháp sử dụng áp lực, còn ít đáng mong muốn hơn là trừng phạt thương mại. Trong khi tìm cách giúp đỡ dân chúng của một số nước, nó lại làm tổn thương chính những nước này. Hơn nữa, sự can thiệp quân sự cũng khó duy trì được lâu. Các nền dân chủ không vui vẻ chịu các túi xác chết. Mục tiêu của liên minh chính trị phải là để ngăn ngừa sự cần thiết của hành động quân sự. Sự sẵn có của các khuyến khích và triển vọng bị đưa vào danh sách đen phải đảm bảo sự tuân thủ tự nguyện trong hầu hết các trường hợp. Sẽ có các ngoại lệ, tất nhiên, đó là lí do vì sao cũng cần đến một liên minh quân sự. Khi cần đến hành động quân sự, sự thực là nó chỉ xảy ra sau các hành động ngăn ngừa sẽ cho nó tính hợp pháp lớn hơn. Dù có đúng thế, việc sử dụng vũ lực phải được coi là sự thừa nhận thất bại. [2]

Liên minh Xã hội Mở sẽ phải tách biệt khỏi NATO, sao cho nó không bị sa lầy vào khía cạnh quân sự. Để có được tính hợp pháp lớn hơn NATO, nó phải có số thành viên rộng rãi hơn. Nó phải được để ngỏ cho bất kể nước nào tán thành các mục tiêu của nó, bất chấp vị trí địa lí. Căn cứ vào sự khác biệt giữa ngoại vi và trung tâm, tuy vậy, Liên minh phải bao gồm càng nhiều nước ngoại vi càng tốt. Căn cứ vào sự ít ỏi của các nền dân chủ chín muồi ở ngoại vi, các nước mong muốn dân chủ cũng có thể được kết nạp như các thành viên ứng cử, nhưng phải chăm sóc đặc biệt để cho ứng xử của họ phải phản ánh khát vọng của họ. Một thiếu sót thường gặp của các tổ chức quốc tế là chúng ít khi khai trừ hay tạm đình chỉ các thành viên một khi đã được kết nạp. Liên minh Xã hội Mở phải khác, ở khía cạnh này.

Tư cách thành viên của Liên minh có thể không bao giờ thay thế chính sách đối ngoại; thúc đẩy xã hội mở sẽ luôn luôn phải cạnh tranh với các mục tiêu khác. Nhưng liên minh sẽ tạo thêm một yếu tố, đã rất thiếu, vào trong các quan hệ quốc tế - cụ thể là, hỗ trợ và khuyến khích cho sự phát triển chính trị và kinh tế. Liên minh sẽ có hiệu quả nhất trong quan hệ với những người nhận có quyết tâm. Trong các nước giống như Indonesia, nó có thể tạo sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Các công cụ chủ yếu của nó để sử dụng áp lực đối với các chính phủ ngoan cố sẽ là việc giữ lại các lợi ích và tẩy chay các thủ lĩnh của chế độ. Mỗi trường hợp đòi hỏi cách xử lí khác nhau. Thật vậy, có thể nên lập ra các liên kết riêng biệt để giải quyết các lĩnh vực cụ thể: Balkan, Thung lũng Ferghana, hay Burundi. Liên minh cũng có thể đề cập các vấn đề môi trường như sự nóng lên trên toàn cầu.

Điều này dẫn chúng ta đến mục tiêu chủ yếu thứ hai của Liên minh, là cổ vũ sự phát triển luật quốc tế và các tiêu chuẩn ứng xử quốc tế. Trong khung cảnh này, tôi sẽ khảo sát Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau đó đến Liên Hiệp Quốc.




Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương