Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu


Chương 9: Ai mất nước Nga?



tải về 1.75 Mb.
trang17/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   25

Chương 9: Ai mất nước Nga?

Sự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó, Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô, và sau đó, nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín. Trong một xã hội đóng, chỉ có một khái niệm xã hội phải được tổ chức ra sao: Đó là phiên bản được cho phép, được áp đặt bằng vũ lực. Trong khuôn khổ xã hội mở, các công dân không chỉ được phép mà được đòi hỏi phải nghĩ cho chính mình, và có những dàn xếp định chế cho phép người dân với các lợi ích, xuất thân, và ý kiến khác nhau cùng tồn tại trong hoà bình.

Hệ thống Soviet có lẽ là một dạng toàn diện nhất của xã hội khép kín trong lịch sử loài người. Nó thâm nhập vào hầu như tất cả mọi khía cạnh của sự tồn tại: Chính trị và quân sự cũng như kinh tế và trí tuệ. Ở lúc hung hăng nhất, nó thậm chí đã thử xâm lấn khoa học tự nhiên - như trường hợp của Trofim Lysenko đã chứng tỏ. [5] Để tiến hành quá độ sang xã hội mở, cần sự thay đổi cách mạng về chế độ, điều không thể được hoàn thành mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sự thấu hiểu này thúc giục tôi lao vào và thiết lập Quỹ Tài trợ Xã hội Mở từ nước này đến nước khác khắp đế chế Soviet trước đây.

Nhưng các xã hội mở của Phương Tây thiếu sự thấu hiểu này. Năm 1947, tiếp theo sự tàn phá của Thế Chiến II, Hoa Kì đã đưa ra Kế hoạch Marshall lịch sử để tái thiết châu Âu; sau sự sụp đổ của hệ thống Soviet, một sáng kiến như vậy là không thể hình dung nổi. Tôi đã kiến nghị cái gì đó giống vậy ở một hội nghị vào mùa xuân 1989 tại Potsdam, thành phố vẫn là một phần của Đông Đức, và đúng theo nghĩa đen là tôi đã bị cười nhạo. William Waldegrave, một bộ trưởng trong bộ ngoại giao của Margaret Thatcher, đã dẫn đầu các lời chế nhạo. Thatcher đã là một người bảo vệ trung thành của tự do - mỗi lần đến thăm các nước cộng sản, bà đều khăng khăng đòi gặp những người bất đồng chính kiến - nhưng ý tưởng rằng xã hội mở cần phải được xây dựng và việc xây dựng đó có thể cần đến - và xứng đáng - sự giúp đỡ từ bên ngoài đã hiển nhiên vượt quá sự hiểu biết của bà. Như một người theo thuyết thị trường chính thống, bà đã không tin vào sự can thiệp của chính phủ. Thực ra, các nước cộng sản đã tự phải lo liệu lấy; một số thành công, nhưng các nước khác thì không.

Có nhiều tự vấn lương tâm và tố cáo đang diễn ra liên quan đến Nga. Các bài báo được viết đặt câu hỏi: Ai để mất nước Nga? Tôi được thuyết phục là chúng ta - các nền dân chủ phương Tây - chịu trách nhiệm chính và tội lỗi bỏ quên là do chính quyền Bush và Thatcher phạm phải. Thành tích của Thủ tướng Đức Helmut Kohl ô hợp hơn. Cả mở rộng tín dụng lẫn cho trợ cấp, Đức đã là người đóng góp tài chính lớn nhất cho Liên Xô và, muộn hơn, cho Nga, nhưng động cơ thúc đẩy Kohl đã là mong muốn mua sự ưng thuận về thống nhất nước Đức hơn là để giúp cải biến nước Nga.

Tôi dám chắc rằng: Nếu các nền dân chủ Tây phương giả như đã thực sự cam kết, nước Nga có thể được xác lập chắc chắn trên con đường hướng tới một nền kinh tế thị trường và một xã hội mở. Tôi nhận ra rằng: Một luận điểm như vậy đi ngược với quan điểm thịnh hành. Nó phản sự thực vì, thực ra, các nỗ lực cải cách kinh tế đã thất bại buồn thảm. Ta có thể phải tin vào tính hiệu quả của viện trợ nước ngoài để lí luận rằng: Kết quả có thể khác đi. Nhưng viện trợ nước ngoài có thành tích xấu, và ý tưởng cho rằng sự can thiệp của chính phủ có thể thực sự giúp một nền kinh tế là đi ngược thiên kiến thịnh hành theo thuyết thị trường chính thống. Cho nên có sự chú ý tập trung vào việc: Ai đã làm gì sai. Nhưng chính thiên kiến theo thuyết thị trường chính thống là cái phải chịu trách nhiệm về kết quả. Nó chiến đấu chống sự cam kết thật sự để giúp Liên Xô, và muộn hơn, nước Nga.

Người ta cảm thấy đồng cảm, nhưng là loại mới phôi thai. Các xã hội mở ở Phương Tây đã không tin vào xã hội mở như một ý tưởng phổ quát, mà việc thực hiện nó biện minh cho nỗ lực đáng kể. Đây là sự thất vọng và đánh giá sai lớn nhất của tôi. Tôi đã bị lối nói hoa mĩ của Chiến tranh lạnh lừa dối. Phương Tây đã sẵn lòng ủng hộ sự chuyển đổi bằng lời nhưng không bằng tiền, và bất kể viện trợ hay lời khuyên nào được đưa ra đều đã bị thiên kiến thị trường chính thống làm lạc lối. Những người Soviet và người Nga đã dễ dàng nhận, thậm chí háo hức, các lời khuyên bên ngoài. Họ đã nhận ra hệ thống của họ đã thối nát và có xu hướng thần tượng hoá phương Tây. Thương thay, họ đã phạm cùng sai lầm như tôi: Họ đã cho rằng phương Tây thành thật quan tâm.

Tôi đã lập một quỹ tài trợ ở Liên Xô từ 1987. Khi Mikhail Gorbachev điện thoại cho Andrei Sakharov bị quản thúc ở Gorki và yêu cầu ông “tiếp tục các hoạt động yêu nước của mình ở Moscow”, tôi đã nhận ra rằng một sự thay đổi cách mạng đang hình thành. Tôi đã mô tả kinh nghiệm của mình ở nơi khác. [6] Ðiều liên quan ở đây là năm 1988, tôi đã kiến nghị lập một nhóm công tác quốc tế để nghiên cứu việc tạo ra một “khu vực mở” trong nền kinh tế Liên Xô, và tôi hơi ngạc nhiên - khi đó tôi là một nhà quản lí quỹ vô danh - kiến nghị của tôi đã được các quan chức Liên Xô chấp nhận.

Ý tưởng là tạo ra một khu vực thị trường trong nội bộ nền kinh tế chỉ huy, chọn một ngành như chế biến thực phẩm, ngành có thể bán sản phẩm của nó cho khách hàng với giá thị trường hơn là giá chỉ huy (với một hệ thống thích hợp để chuyển từ giá chỉ huy sang giá thị trường). Khu vực mở này sau đó có thể được mở rộng dần dần. Ý tưởng là phi thực tiễn mau chóng trở nên hiển nhiên vì nền kinh tế chỉ huy đã quá bệnh hoạn để nuôi dưỡng phôi thai của một nền kinh tế thị trường. Tức là, vấn đề chuyển định giá đã không thể giải quyết được. Nhưng ngay cả một ý tưởng nông nổi như vậy từ một nguồn tầm thường cũng đã được ủng hộ ở mức cao nhất. Thủ tướng Nikolai Ryzhkov đã ra lệnh cho lãnh đạo của các cơ quan Soviet chủ chốt - Uỷ Ban Kế hoạch, Uỷ ban Vật tư, v.v. - tham gia. Đúng là tôi đã có thể thu hút các nhà kinh tế phương Tây như Wassily Leontief và Romano Prodi tham gia từ phía phương Tây.

Muộn hơn, tôi đã đưa một nhóm chuyên gia phương Tây - những người tư vấn cho các nhóm kinh tế gia Nga khác nhau, chuẩn bị các chương trình cải cách kinh tế cạnh tranh nhau. Sau đó tôi đã dàn xếp cho các tác giả của kiến nghị chính của Nga cho cải cách kinh tế - cái gọi là Kế hoạch Shatalin - do Grigory Yavlinsky lãnh đạo, được mời đến cuộc họp năm 1990 của IMF/Ngân hàng Thế giới ở Washington. Gorbachev lưỡng lự về kế hoạch và cuối cùng quyết định chống lại nó. Ông lẩn tránh hai vấn đề: tư nhân hoá đất đai, và đồng thời giải tán Liên Xô cùng với việc lập một liên minh kinh tế. Tôi vẫn nghĩ Kế hoạch Shatalin có thể đã mang lại một sự chuyển đổi có trật tự hơn so với diễn tiến thật sự của các sự kiện.

Ngay sau đó, Gorbachev mất quyền lực, Liên Xô tan rã, và Boris Yeltsin trở thành tổng thống Nga. Ông uỷ thác nền kinh tế cho Yegor Gaidar, đứng đầu một viện nghiên cứu kinh tế, người đã học lí thuyết kinh tế vĩ mô từ sách giáo khoa chuẩn của Rudi Dornbusch và Stan Fischer. Gaidar đã thử áp dụng chính sách tiền tệ vào một nền kinh tế không tuân theo các tín hiệu tiền tệ. Các doanh nghiệp quốc doanh tiếp tục sản xuất theo kế hoạch, cho dù chúng không được trả tiền vì việc đó. Tôi nhớ cuộc gọi điện cho Gaidar tháng Tư 1992 để chỉ ra là: Nợ giữa các công ti đã tăng đến mức bằng một phần ba GNP; ông thừa nhận vấn đề nhưng tiếp tục không đếm xỉa đến.

Khi Gaidar thất bại, tiếp theo là một hành động cân đối khó chịu, và cuối cùng Anatoly Chubais, từ một viện nghiên cứu khác, nổi lên như phó thủ tướng phụ trách kinh tế. Ông đặt ưu tiên cho việc chuyển tài sản từ nhà nước sang tay tư nhân. Ông tin rằng: Một khi tài sản nhà nước được tư hữu hoá, các chủ sở hữu sẽ bắt đầu bảo vệ tài sản của mình và quá trình tan rã sẽ có thể dừng.

Đó không phải là cách nó được tiến hành. Một sơ đồ phân phát voucher (phiếu), mà người dân sau đó có thể dùng để mua các công ti quốc doanh, đã trở thành một cuộc chiếm đoạt tài sản nhà nước, mạnh ai nấy làm. Các ban quản lí chiếm quyền kiểm soát các công ti bằng cách lừa công nhân để lấy voucher hay gom mua cổ phần với giá rẻ. Họ tiếp tục hút thu nhập và, thường xuyên, tài sản chui vào các công ti mẹ đặt ở Cyprus, một phần để tránh thuế, một phần để trả tiền cho cổ phần mà họ mua, một phần để tích tụ tài sản ở nước ngoài do thiếu lòng tin vào các sự kiện diễn ra ở trong nước. Những số tiền kếch xù được kiếm trong chốc lát, ngay cả trong khi nước Nga cực kì thiếu thốn về tiền và tín dụng, cả rúp và đôla. 

Từ các điều kiện hỗn loạn này, nguyên lí của một trật tự kinh tế mới bắt đầu nổi lên. Nó đã là một dạng của chủ nghĩa tư bản, nhưng là dạng rất lạ kì và nó sinh ra theo một trình tự khác cái có thể kì vọng dưới các điều kiện bình thường. Tư nhân hoá đầu tiên đã là tư nhân hoá an ninh công cộng, và theo cách nào đó, nó đã thành công nhất. Các quân đội tư nhân tạp nham và các băng nhóm mafia được dựng lên, và chúng cai quản ở nơi chúng có thể. Các ban quản lí của các doanh nghiệp quốc doanh lập các công ti tư nhân, chủ yếu ở Cyprus, các công ti này kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp quốc doanh. Các nhà máy thua lỗ, không đóng thuế, và khất nợ lương và nợ nần với các công ti khác. Dòng tiền mặt bị hút sang Cyprus. Các ngân hàng mới được thành lập, một phần bởi các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng quốc doanh, một phần bởi các nhóm thương mại mới nổi. Một vài ngân hàng kiếm số tiền kếch xù bằng cách cai quản tài khoản của các cơ quan nhà nước khác nhau, kể cả Kho bạc Nga.

Sau đó, một thị trường cổ phiếu, có liên quan đến sơ đồ tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước bằng phân phát voucher, được sinh ra trước khi các cơ chế để đăng kí cổ phiếu và để thanh toán hữu hiệu các giao dịch được thiết lập một cách phù hợp, và trước xa việc : Các doanh nghiệp - mà cổ phiếu của chúng được buôn bán - bắt đầu ứng xử giống các công ti.

Một văn hoá phạm pháp trở nên thấm đậm trước xa các luật và qui chế thích hợp có thể được ban hành. Tiền bán từ sơ đồ voucher đã không dồn lại cho nhà nước hay bản thân các công ti. Đầu tiên, các nhà quản lí phải củng cố việc kiểm soát và trang trải các khoản nợ họ đã mắc trong quá trình chiếm quyền kiểm soát; chỉ sau đó, họ mới có thể bắt đầu tạo ra thu nhập trong nội bộ công ti. Ngay cả khi đó, có lợi cho họ để che giấu hơn là báo cáo thu nhập, trừ phi họ có thể hi vọng tăng vốn bằng việc bán cổ phần. Song chỉ có ít công ti đến được giai đoạn đó.

Những sự sắp xếp này có thể được mô tả một cách chính đáng là “chủ nghĩa tư bản kẻ cướp”, vì cách hữu hiệu nhất để tích tụ tư bản tư nhân đã là chiếm đoạt tài sản nhà nước, nếu hầu như không có gì để khởi động. Tất nhiên, đã có một số ngoại lệ. Trong một nền kinh tế thèm khát các dịch vụ, đã có thể kiếm tiền ít nhiều hợp pháp bằng cung cấp các dịch vụ ấy, thí dụ, thông qua công việc sửa chữa hay vận hành các khách sạn và nhà hàng ăn.

Viện trợ nước ngoài chủ yếu đã để cho hai định chế tài chính quốc tế - IMF và Ngân hàng Thế giới - vì các nước phương Tây đã không sẵn lòng góp tiền từ ngân sách riêng của họ. Tôi đã phản đối cách dàn xếp này, với lí do: về mặt tổ chức, IMF không phù hợp với công việc. Nó hoạt động bằng cách đòi các chính phủ kí một thư ngỏ ý tôn trọng các điều kiện ảnh hưởng đến tính ổn định của đồng tiền và ngân sách trung ương, giữa các đòi hỏi khác, và nó ngưng cấp tiền nếu chính phủ không thoả mãn các điều kiện. Khi một nước không có một chính phủ hữu hiệu, phương pháp này đảm bảo rằng chương trình sẽ thất bại. Đó là điều đã xảy ra ở Nga. Chính phủ trung ương đã không có khả năng thu thuế, và cách duy nhất để nó có thể thoả mãn các mục tiêu cung tiền là từ chối thoả mãn các nghĩa vụ ngân sách. Khất tiền lương và nợ giữa các công ti tích tụ đến mức không thể quản lí nổi. Tôi đã lí luận rằng: Cần đến một cách tiếp cận bừa, trực tiếp hơn, và nó có thể được chấp nhận một cách hăm hở khi ấy. Nhưng đó có nghĩa là phải đưa tiền thật ra, và các nền dân chủ phương Tây chùn bước trước triển vọng.

Khi IMF gia hạn khoản vay 15 tỉ $ cho Nga, tôi đã lí luận trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal ngày 11 tháng 11, 1992, rằng tiền phải được đánh dấu để chi trả các khoản an sinh xã hội, và việc chi tiêu các khoản tiền này phải được giám sát chặt chẽ. Vì đồng rúp mất giá, tiền hưu chỉ còn 8 $ một tháng, cho nên tiền phải đủ cho chi trả toàn bộ lương hưu. Kiến nghị của tôi đã không được xem xét nghiêm túc vì nó đã không hợp với phương thức hoạt động của IMF. Cho nên, tôi quyết tâm chứng tỏ rằng viện trợ nước ngoài có thể có kết quả.

Tôi lập ra Quỹ tài trợ Khoa học Quốc tế với 100 triệu $ (chi cuối cùng là 140 triệu $). Hành động đầu tiên của chúng tôi là phân chia 500 $ cho mỗi người trong số 40.000 nhà khoa học giỏi nhất của Nga với hi vọng rằng điều này sẽ khuyến khích họ ở lại Nga và tiếp tục công việc khoa học của họ. Việc này tốn 20 triệu $, và nó cho phép các nhà khoa học này tồn tại một năm. Các tiêu chuẩn lựa chọn người được nhận là công khai, minh bạch, và khách quan: Các nhà khoa học đã phải có ba bài báo đăng trong các xuất bản phẩm khoa học hàng đầu. Việc phân phát được hoàn tất trong vài tháng, với tỉ lệ chi phí ít hơn 10 phần trăm, và sơ đồ đã đảm bảo chi trả bằng đôla cho mỗi người nhận ở khắp Liên Xô trước đây. Điều này chứng tỏ kiến nghị của tôi về kiểm soát giải ngân là có tính thực tiễn.

Phần tiền còn lại được dùng để hỗ trợ nghiên cứu trên cơ sở một quá trình duyệt đồng đẳng được tổ chức ở tầm quốc tế, trong đó, các nhà khoa học nổi tiếng nhất trên thế giới đã tham gia. (Boris Berezovsky, người muộn hơn trở thành một kẻ đầu sỏ tai tiếng, đã đóng góp 1,5 triệu $ cho trợ cấp đi lại vì các lí do riêng của ông ta. Đây là khoản đóng góp duy nhất từ Nga). Tất cả tiền được cam kết cho thời hạn ít hơn hai năm.

Những lí do để tôi ủng hộ các nhà khoa học rất phức tạp. Tôi muốn chứng minh rằng: Viện trợ nước ngoài có thể thành công, và tôi chọn khoa học như lĩnh vực để chứng minh, vì tôi có thể tính đến sự ủng hộ của các thành viên của cộng đồng khoa học quốc tế, những người sẵn lòng hiến thời gian và năng lực của họ cho việc đánh giá các dự án nghiên cứu. Nhưng phương thức phân chia viện trợ khẩn cấp có thể có kết quả cho những người về hưu cũng như các nhà khoa học.

Có các lí lẽ khác ủng hộ việc giúp các nhà khoa học. Trong thời gian chế độ Soviet còn đứng vững, nhiều bộ óc tuyệt nhất đã gia nhập các viện nghiên cứu, nơi tư duy độc lập được khoan dung hơn so với phần còn lại của xã hội Soviet, và họ làm ra loại khoa học đứng đầu các thành tựu của nhân loại. Nó là một xu hướng khác một chút so với khoa học phương Tây - mang tính suy đoán hơn và ít tiên tiến hơn về mặt kĩ thuật, trừ vài lĩnh vực ưu tiên. Các nhà khoa học cũng đi đầu trong việc cải cách chính trị. Andrei Sakharov đặc biệt được nhiều người biết đến và được ngưỡng mộ, nhưng còn nhiều người khác nữa. Ngoài ra, đã có mối nguy hiểm là các nhà khoa học hạt nhân có thể bị các nước xỏ lá cám dỗ.

Toàn bộ công việc là một thành công vang dội và đã cho quỹ tài trợ của tôi danh tiếng không thể bị công kích. Đã có nhiều cuộc tấn công chống chúng tôi vì chúng tôi đã tham gia vào các chương trình có thể gây tranh cãi. Thí dụ, chúng tôi tổ chức một cuộc thi các sách giáo khoa mới không có ý thức hệ Marxist-Leninist và bị lên án là đầu độc đầu óc sinh viên. Một lần, Duma đã tiến hành buổi nghe điều trần về việc cáo buộc chúng tôi kiếm bí mật khoa học một cách rẻ tiền, mặc dù mọi nghiên cứu do quỹ tài trợ đều phải được công bố và thuộc về tài sản công cộng. Toàn bộ cộng đồng khoa học đứng lên ủng hộ chúng tôi, và vì thế Duma đã kết thúc bằng cách thông qua biểu quyết cảm ơn. Khi tôi nói là lịch sử có thể có diễn tiến khác đi nếu các nền dân chủ phương Tây đã đến giúp nước Nga sau sự sụp đổ của hệ thống Soviet, tôi vì thế có thể dựa vào thí nghiệm riêng của tôi. [7] Hãy tưởng tượng những người Nga có thể nghĩ về Phương Tây ngày nay khác thế nào nếu giả như IMF đã trả tiền lương hưu cho họ khi họ ở bên lề của sự chết đói.

Tôi đã kiêng việc đầu tư cá nhân vào Nga, một phần để tránh bất kể xung đột lợi ích nào, nhưng chủ yếu vì tôi không thích cái tôi thấy. Tôi đã không can thiệp, tuy vậy, các nhà quản lí quỹ của tôi, nhiều người đã muốn đầu tư, và tôi cũng chấp thuận sự tham gia của họ trong một quỹ đầu tư do Nga điều hành, với các điều kiện ngang bằng như các nhà đầu tư phương Tây khác.

Tôi đã dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tháng Giêng 1996, nơi ứng viên tổng thống cộng sản, Gennadi Zyuganov, được cộng đồng kinh doanh tiếp đón nồng nhiệt. Tôi gặp Boris Berezovsky và nói rằng: Nếu Zyuganov được bầu thì ông ta, Berezovsky, sẽ bị treo trên cột đèn. Tôi muốn ông ủng hộ Grigory Yavlinsky, người tôi coi là nhà cải cách chân thật duy nhất giữa các ứng viên, nhưng tôi đã ấu trĩ. Tôi không nhận ra mức độ mà Berezovsky đã dính líu vào các thương vụ bẩn thỉu với gia đình Yeltsin. Theo tuyên bố công khai của ông ta, cảnh báo của tôi về sự an toàn của ông ta tập trung sự chú ý của ông ta. Cùng với các nhà doanh nghiệp Nga hàng đầu tham dự hội nghị Davos, họ đã nhóm họp và lập một nhóm hoạt động cho sự tái cử của Eltsin.

Đó là cách họ trở thành đầu sỏ. Một thủ thuật chính trị xuất sắc: Yeltsin bắt đầu với một ước lượng chấp thuận thấp hơn 10 phần trăm, và họ đã thành công để ông ta được tái cử. Cuộc vận động do Anatoly Chubais quản lí. Tôi không biết chi tiết, nhưng tôi có thể dùng trí tưởng tượng của mình. Khi một trong những trợ lí của Chubais bị bắt khi rời Nhà Trắng Nga - tổng hành dinh của thủ tướng và chính phủ - cùng với khoảng 200.000 $ trong một chiếc cặp, tôi chắc không phải tiền chơi. Những kẻ đầu sỏ đã tống một giá nặng cho sự ủng hộ Yeltsin của họ. Họ đã nhận cổ phần của các công ti nhà nước giá trị nhất, như tài sản đảm bảo cho các khoản vay mà họ cho ngân sách nhà nước vay trong sơ đồ tai tiếng “cho vay đổi lấy cổ phần”. Sau khi Yeltsin thắng cử, các công ti này được đưa ra đấu giá và bọn đầu sỏ chia chác cổ phần với nhau.

Tôi biết kĩ Chubais. Theo tôi, ông là một nhà cải cách thật sự, người đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để chiến đấu chống lại cái ông gọi là “mối đe doạ đỏ-nâu” - sự kết hợp của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc - cái ông tin sẽ chế ngự nước Nga, trừ phi ông làm cái gì đó để ngăn chặn nó. Sau sự tái cử của Yeltsin, ông lại phụ trách kinh tế, nhưng ông đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát những kẻ đầu sỏ ngành dầu khí. Tôi được động viên nhiều khi Yeltsin đưa Boris Nemtsov, thống đốc cải cách của Nizhny Novgorod, vào chính phủ và coi ông như con nuôi. Chubais bị cuộc bầu cử làm đồi bại, còn Nemtsov thì trong sạch: Ông đã vững vàng hơn Chubais. Tôi coi đây là một tín hiệu, rằng: Chế độ Yeltsin, dưới sự lãnh đạo của Chubais, thật sự muốn rời xa chủ nghĩa tư bản ăn cướp sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp. Ngân sách nhà nước và cung tiền được giữ trong giới hạn, và thuế quá hạn đã bắt đầu được thu. Lạm phát và lãi suất giảm. Quyền của cổ đông được tôn trọng hơn, và thị trường cổ phiếu hưng phát. Tiền nước ngoài đổ vào cổ phiếu và các công cụ nợ. Những người Nga đi vay có thể nhận được khoản vay năm năm chỉ với 250 điểm cơ sở [8] , cao hơn lãi suất liên ngân hàng ở London.

Chính vì dựa vào cơ sở này mà năm 1997 tôi đã quyết định tham gia vào cuộc đấu giá Svyazinvest, công ti mẹ, quốc doanh về điện thoại. Tôi đau khổ vì quyết định, do biết quá nhiều về nạn tham nhũng tràn lan ở Nga. Đã dễ hơn để giữ cho bàn tay tôi sạch bằng cách bám chặt vào việc từ thiện. Nếu nước Nga không thể chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản ăn cướp sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp, thì mọi việc từ thiện của tôi là vô ích. Cho nên tôi quyết định tham gia đấu thầu cạnh tranh mua Svyazinvest, việc đấu thầu hoá ra thắng. Đây đã là cuộc đấu giá thật sự, trong đó nhà nước không bị lừa. Mặc dù chúng tôi trả một giá hợp lí - dưới 2 tỉ $ một chút, gần một nửa do các quỹ của tôi đưa ra - tôi tính rằng nó sẽ là một khoản đầu tư rất đáng nếu quá độ sang chủ nghĩa tư bản hợp pháp suôn sẻ.

Đáng tiếc đó không phải là điều đã xảy ra. Cuộc đấu giá bị xô đẩy thành một cuộc ẩu đả, đấu đá lê thê giữa những kẻ đầu sỏ, một cuộc cãi vã giữa bọn ăn cắp. Một số kẻ đầu sỏ đã hăm hở cho quá độ sang hợp pháp trong khi những kẻ khác kháng cự vì họ không có khả năng hoạt động một cách hợp pháp. Kẻ phản đối chủ yếu cuộc đấu giá và kết quả của nó là Boris Berezovsky. Sau khi liên minh của ông ta thua đấu giá, ông ta thề tiêu diệt Chubais. Tôi đã có một số cuộc nói chuyện thành thật với ông ta, nhưng tôi đã không tìm được cách can ngăn ông ta. Tôi đã nói rằng ông ta là một người giàu, có giá trị hàng tỉ trên giấy. Tài sản chính của ông ta là Sibneft, một trong những công ti dầu lớn nhất thế giới. Tất cả cái ông ta cần làm là củng cố vị thế của mình. Nếu ông ta không tự mình làm được, ông ta có thể thuê một nhà ngân hàng đầu tư. Ông ta bảo là tôi không hiểu: Vấn đề không phải là ông ta giàu có đến đâu mà là ông ta so đọ ra sao với Chubais và với những kẻ đầu sỏ khác. Họ đã có một sự dàn xếp, và họ phải bám vào nó. Ông ta phải tiêu diệt hoặc bị tiêu diệt.

Tôi đã chứng kiến rất gần một cảnh tượng lịch sử kinh dị, trong đó, những kẻ đầu sỏ hùng mạnh đã cố thử đảo ngược kết quả không chỉ của cuộc đấu giá mà của toàn bộ nỗ lực của chính phủ để kiểm soát những kẻ đầu sỏ. Cứ như tôi đang xem những người đánh lộn nhau trên một chiếc thuyền khi nó bị cuốn đến một thác nước. Như một phần của chiến dịch buộc tội và buộc tội chống trả, Berezovsky đã tiết lộ rằng: Chubais đã nhận 90.000 $ từ một hợp đồng sách giả, thực ra là sự trả công của các đầu sỏ khác cho sự phục vụ của ông như nhà quản lí cuộc vận động của Yeltsin. Chubais yếu đi và bị bối rối do liên tục phải tự bảo vệ. Việc thu thuế cần sự can thiệp cá nhân của ông, nếu phải tiến triển việc đó, và tiền thu thuế đã sụt giảm. Có một sự trôi dạt xuống điểm nguy hiểm trong nền kinh tế năm 1998, đúng lúc người ta bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng Á châu. Nó lên đến đỉnh điểm ở vụ vỡ nợ nội địa ở Nga vào tháng Tám 1998, làm rung chuyển các thị trường tài chính quốc tế.

Các ngân hàng Hàn Quốc và Brazil đầu tư nhiều vào thị trường Nga đã phải thanh lí các vị thế của họ. Một số ngân hàng Moscow cho vay cũng bị rủi ro vì chúng đã có các vị thế đầu cơ trái phiếu lớn và cũng có các hợp đồng kì hạn bằng rúp không được đảm bảo. Đã có những giờ phút gieo neo vào tháng Mười Hai 1997, nhưng chúng đã trôi qua. Lãi suất tăng đột ngột và chi tiêu chính phủ giảm sút, nhưng Duma do dự thông qua các luật cần thiết cho cải cách cơ cấu. Ngày 24 tháng Ba 1998, Yeltsin sa thải Viktor Chernomyrdin khỏi chức thủ tướng và ngày 24 tháng Tư, buộc Duma chấp nhận Sergei Kiriyenko, một nhà kĩ trị trẻ do Gaidar và Chubais kiến nghị, thay thế. Một thoáng, nước Nga đã có một chính phủ cải cách, chính phủ tốt nhất từ khi Liên Xô tan rã, và tháng Bảy 1998, IMF đã thông qua một khoản vay giá trị 8,5 tỉ SDR (khoảng 11,2 tỉ $ US), trong đó 3,6 tỉ SDR (khoảng 4,8 tỉ $ US) đã được giải ngân. Nhưng đã không đủ.

[13/17]

© 2004 talawas





[1]Chú thích của dịch giả : đầu tư phơi ra chịu rủi ro.
[2]Kể từ đó, Long Term Capital Management đã sụp đổ với những hệ quả tai hại. [Chú thích nguyên bản (của The Crisis of Global Capitalism)].
[3]Các điểm này xuất hiện trong điều trần trước Quốc hội của tôi ngày 15 tháng Chín, 1998. [Chú thích nguyên bản].
[4]Thật lí thú để phỏng đoán rằng việc viết The Crisis of Global Capitalism đã để tôi lại với một thiên kiến giá xuống, cái cản trở chúng tôi trong boom tiếp theo. Mối liên hệ tương tự đã xảy ra năm 1987, khi tôi đã quá bận rộn thảo luận cuốn The Alchemy of Finance với các kinh tế gia ở Boston để có hành động lảng tránh đúng ngay trước khi sụp đổ. Trong thời cực thịnh của mình, tôi thường có một qui tắc chống lại những công bố công khai.
[5]Trofim Lysenko một nhà nông học đã cố chứng minh, để ủng hộ chủ nghĩa Marx, rằng các đặc điểm kiếm được có thể được kế thừa.
[6]George Soros, Underwritting Democracy (New York: Free Press, Macmillan, 1991).
[7]Chú thích của dịch giả : Riêng cho nền khoa học Liên xô và Nga, đến nay Soros biếu tổng cộng hơn 700 triệu USD.
[8]Chú thích của dịch giả : basis point = điểm cơ sở = 0,01%.

Tại điểm này, tôi sẽ quay sang cái tôi gọi là thí nghiệm thời gian thực. Tôi bắt đầu nó ngay trước sự sụp đổ cuối cùng. Tôi sao lại một cách trung thực những ghi chép mà tôi đã viết trong hai tuần, trong khi khủng hoảng lan ra.



Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương