Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu


Chiến thắng của chủ nghĩa tư bản



tải về 1.75 Mb.
trang15/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   25

Chiến thắng của chủ nghĩa tư bản [3]

Cạnh tranh toàn cầu vì vốn đã cho vốn tài chính ưu thế. Các nước riêng lẻ phải cạnh tranh để thu hút và giữ nó. Xu hướng được Hoa Kì tăng cường, nó sử dụng áp lực chính trị để mở các thị trường vốn.

Ở Hoa Kì, các công ti có cổ phiếu bán công khai ngày càng tăng về số lượng và qui mô, và lợi ích của cổ đông hiện ra càng lớn hơn. Các ban quản lí cũng quan tâm nhiều đến thị trường cho cổ phiếu của họ hệt như thị trường cho sản phẩm của họ. Nếu phải lựa chọn, các tín hiệu từ các thị trường tài chính có ưu tiên hơn tín hiệu từ các thị trường sản phẩm: Họ sẽ sẵn sàng gạt bỏ các bộ phận hoặc bán cả công ti nếu nó làm tăng giá trị của cổ đông. Các công ti phải, hoặc đi thôn tính, hoặc bị thôn tính trong một thị trường toàn cầu ngày càng hội nhập hơn; cả hai cách, ban quản lí cần giá cao cho cổ phiếu của họ. Các phần thưởng cá nhân cũng ngày càng gắn với giá cổ phiếu. Sự thay đổi nổi bật nhất trong khu vực ngân hàng, ngành trải qua sự hợp nhất nhanh chóng. Cổ phiếu ngân hàng được bán ở mức nhiều lần cao hơn giá trị sổ sách, nhưng các nhà quản lí, lưu tâm đến quyền chọn cổ phiếu của mình, tiếp tục mua lại cổ phần, làm giảm số cổ phần chưa đến hạn thanh toán và làm tăng giá trị thị trường của chúng bất kể khi nào có thể.

Sát nhập và thôn tính đạt mức chưa từng có khi các ngành hợp nhất trên cơ sở toàn cầu. Các giao dịch giữa các nước phổ biến hơn. Việc thiết lập một đồng tiền duy nhất ở Châu Âu đã tạo sự thúc đẩy to lớn cho việc hợp nhất khắp Châu Âu. Và sự sắp xếp lại các công ti xảy ra nhanh hơn ta có thể hình dung. Các độc quyền và độc quyền nhóm toàn cầu đang nổi lên (Microsoft và Intel là các thí dụ sớm). Chỉ còn bốn công ti kiểm toán chính trên thế giới; sự tập trung tương tự nhưng ít rõ rệt hơn đang xảy ra trong các chức năng tài chính khác.

Đồng thời, số các cổ đông tăng lên, và tầm quan trọng tương đối của sở hữu cổ phần trong của cải của hộ gia đình tăng nhanh. Điều này xảy ra dựa trên cơ sở tăng bền vững và nhanh về giá vốn cổ phần. Trước tháng Tám 1998, đợt sụp giá lớn lần cuối trong thị trường giá lên khởi đầu vào đầu các năm 1980 đã xảy ra năm 1987, và chỉ số Standard and Poor (S&P) đã tăng hơn 350 phần trăm kể từ đó. Ở Đức, thị trường đã tăng 300 phần trăm từ tháng Chín 1992. [4] Tăng trưởng về hoạt động kinh tế khiêm tốn hơn nhưng bền vững. Chú tâm vào tính sinh lời đã dẫn đến giảm số người làm và tăng sản lượng đầu ra trên mỗi nhân viên, trong khi tiến bộ nhanh về công nghệ đóng góp vào tăng năng suất. Toàn cầu hoá và lợi dụng các nguồn lao động rẻ đã giữ chi phí sản xuất thấp, và lãi suất, cân đối lại, chứng tỏ một xu hướng giảm từ đầu các năm 1980 góp phần làm tăng giá vốn cổ phần.

Sự phổ biến của sở hữu cổ phiếu qua các quỹ đầu tư tín thác đã gây ra hai nguồn bất ổn định tiềm tàng, đặc biệt ở Hoa Kì. Nguồn thứ nhất gọi là hiệu ứng giàu có (wealth effect). Ba mươi tám phần trăm của cải của hộ gia đình và 56 phần trăm của các quỹ hưu trí được đầu tư vào cổ phiếu. Các chủ cổ phiếu có lợi nhuận trên giấy lớn, họ cảm thấy giàu có, và thiên hướng tiết kiệm của họ giảm đến điểm biến mất. Tiết kiệm cá nhân tính bằng phần trăm của thu nhập khả dụng bây giờ đã giảm xuống còn 0,1 phần trăm từ đỉnh 13 phần trăm năm 1975. Nếu có sự giảm sút kéo dài trong thị trường cổ phiếu, cảm tính của các cổ đông có thể đảo ngược, góp phần vào suy thoái và tăng cường sự sụt giảm thị trường.

Nguồn bất ổn tiềm tàng khác là từ các quỹ đầu tư tín thác (quỹ tương tế). Các nhà quản lí quỹ được đánh giá trên cơ sở thành tích của họ so tương đối với các nhà quản lí quỹ khác, không trên cơ sở thành tích tuyệt đối. Điều này nghe như một điểm bí ẩn, nhưng nó có các hệ luỵ lớn, vì thực tiễn, nó buộc các nhà quản lí quỹ ứng xử theo xu hướng. Chừng nào họ còn theo kịp bầy đàn, không có tổn hại nào đến với họ ngay cho dù các nhà đầu tư có mất tiền; nhưng nếu họ thử chống lại xu hướng và thành tích tương đối của họ gây thiệt hại ngay dù chỉ tạm thời, họ có thể mất việc làm. (Đây chính là cái đã xẩy ra với Jeff Vinik, nhà quản lí của quỹ lớn nhất của Fidelity. Từ đó bản thân ông đã rất thành công, nhận phí thành công trên cơ sở thành tích tuyệt đối). Đến mùa thu năm 1998, các quỹ đầu tư tín thác, do đã quen với dòng tiền mặt mới chảy vào liên tục, đã giữ dự trữ tiền mặt thấp nhất từ trước đến giờ. Nếu xu thế đổi hướng, họ buộc phải huy động tiền mặt, lại lần nữa làm tăng áp lực theo chiều xuống.

Dù điều này có thể đáng lo đến đâu, các nguồn bất ổn chủ yếu được thấy trong vũ đài quốc tế. Hệ thống tư bản toàn cầu đang trải qua thử thách khắc nghiệt nhất của sự tồn tại của nó: Khủng hoảng Á Châu và hậu quả của nó. Kiểm tra tạo thành giai đoạn thứ ba trong hình mẫu boom-bust. Như trong mọi chuỗi boom-bust, nó không thể được tiên đoán với sự chắc chắn liệu một xu hướng có qua được thử thách thành công hay đảo ngược đột ngột. Hữu ích hơn là đưa ra các kịch bản khả dĩ cho thử thách thành công hay thất bại.

Nếu hệ thống tư bản toàn cầu vượt qua được giai đoạn thử thách hiện thời, tiếp theo giai đoạn này sẽ là một đợt tăng tốc nữa, điều sẽ kéo hệ thống vào địa hạt xa cân bằng (thực ra nếu chúng ta chưa ở đó rồi). Một trong các đặc điểm của hình thức mới, và cực đoan hơn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ là sự loại bỏ một lựa chọn khả dĩ hợp lí đối với tư tưởng thị trường tự do mới nổi lên gần đây: cái gọi là mô hình Á Châu, hay Khổng giáo. Như kết quả của khủng hoảng hiện thời, các nhà tư bản Hoa Kiều và Hàn Kiều mà của cải của họ bị tổn hại nghiêm trọng sẽ phải từ bỏ sự kiểm soát gia đình. Những người sẵn lòng làm vậy sẽ sống sót về mặt kinh tế; những người khác chắc sẽ diệt vong. Khủng hoảng cũng làm trầm trọng thêm tình hình của các công ti mắc nợ nhiều ở tất cả các nước Á Châu. Các công ti có nợ nước ngoài thấy các tỉ lệ nợ-trên-vốn cổ phần của mình xấu đi; các công ti có nợ trong nước bị giáng bởi sự kết hợp của lãi suất tăng và thu nhập giảm. Cách thoát duy nhất là chuyển nợ thành vốn cổ phần hoặc huy động thêm vốn cổ phần. Điều này gia đình không thể làm được; nội bộ trong nước thường cũng không thể làm được. Không có cách lựa chọn nào khác hơn là bán cho người nước ngoài.

Kết quả thuần sẽ là chấm hết cho mô hình Á Châu và bắt đầu của một thời đại mới, trong đó, các nước ngoại vi sẽ hội nhập mật thiết hơn vào hệ thống tư bản toàn cầu. Các ngân hàng quốc tế và công ti đa quốc gia sẽ có vị trí vững mạnh. Trong các công ti địa phương, một thế hệ mới của các thành viên gia đình hay nhà quản lí chuyên nghiệp được đào tạo ở nước ngoài sẽ giữ địa vị lãnh đạo. Động cơ lợi nhuận có địa vị cao hơn đạo đức Khổng giáo, và thiên kiến theo thuyết thị trường chính thống sẽ được tăng cường. Một số nước, như Malaysia, có thể vấp ngã nếu cố chấp với các chính sách bài ngoại và phản thị trường, còn các nước khác sẽ thành công. [5]

Cho nên, nếu hệ thống tư bản toàn cầu nổi lên thắng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện thời, có thể dự kiến rằng nền kinh tế thế giới sẽ bị thống trị, thậm chí còn hơn nữa bởi các công ti quốc tế do công chúng sở hữu. Cạnh tranh khốc liệt sẽ không cho phép họ để ý nhiều đến những cân nhắc xã hội. Họ sẽ, tất nhiên, ủng hộ suông các sự nghiệp đáng kính trọng như môi trường, đặc biệt nếu họ phải giao thiệp trực tiếp với công chúng, nhưng họ sẽ không có đủ khả năng để duy trì công ăn việc làm nếu tổn hại đến lợi nhuận.

Tuy nhiên, rất có thể là hệ thống tư bản toàn cầu sẽ không qua nổi khủng hoảng hiện thời. Các đám mây bão tố đang tụ tập ở chân trời chính trị, cho dù là tác động ban đầu của khủng hoảng tăng cường dân chủ. Các chế độ tham nhũng và chuyên quyền đã bị lật đổ ở vài nước. Hàn quốc may đã lựa chọn được một tổng thống mới, Kim Dae Jung, người từ lâu đã là một người phê phán thẳng thừng mối quan hệ loạn luân giữa chính phủ và giới kinh doanh. Thủ tướng hiện thời của Thái Lan được mến mộ chung vì tính chân thật của ông, và được vây quanh bởi một nội các được giáo dục ở Phương Tây và ủng hộ thị trường. Ở Indonesia, Suharto bị cách mạng lật đổ. Chỉ Mahathir ở Malaysia là thành công giữ quyền lực cho mình và chiến hữu bằng cách kiểm soát vốn. Nhưng sụt giảm kinh tế vẫn chưa diễn biến hết, và những căng thẳng chính trị tăng lên. Ở Trung Quốc, những người cải cách kinh tế đứng đầu, nhưng có mối hiểm nguy thật là nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục xấu đi, những người cải cách sẽ thua những người cứng rắn. Sự oán giận chống Mĩ, chống IMF, chống nước ngoài đang tích tụ ở khắp Châu Á - kể cả Nhật Bản. Bầu cử ở Indonesia có thể tạo ra một chính phủ hồi giáo, dân tộc chủ nghĩa lấy cảm hứng từ các ý tưởng của Mahathir. [6]

Cái diễn ra ở trung tâm sẽ có tính quyết định. Cho đến mới đây, rắc rối ở ngoại vi đã mang lợi cho trung tâm. Nó đã làm mất tác dụng của áp lực lạm phát chớm nở, khiến các nhà chức trách tiền tệ không tăng lãi suất, và đã cho phép các thị trường cổ phiếu đạt các đỉnh cao mới. Nhưng các tác động tích cực của khủng hoảng Á Châu bắt đầu mòn đi, và các tác động tiêu cực bắt đầu nổi lên. Biên lợi nhuận chịu áp lực tăng lên. Một số công ti bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giảm cầu hoặc cạnh tranh khốc liệt hơn từ nước ngoài; ngành dịch vụ không bị ảnh hưởng trực tiếp của cạnh tranh quốc tế thấy ảnh hưởng của việc tăng chi phí nhân công.

Boom thị trường cổ phiếu Hoa Kì cũng đã kết thúc. [7] Nếu thị trường sa sút, hiệu ứng giàu có có thể chuyển sa sút thị trường thành sa sút kinh tế. Điều đó có thể làm tăng chống đối nhập khẩu, sự kiện này, đến lượt nó kích động sự oán nghét ở ngoại vi.

Kể từ khi nổ ra khủng hoảng Á Châu, vốn đã chảy khỏi ngoại vi. Nếu các nước ngoại vi từ bỏ hi vọng rằng dòng chảy sẽ lại tiếp tục, họ có thể bắt đầu dùng chủ quyền để ngăn dòng chảy ra. Điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy khỏi các nước khác trong khi họ có thể, và hệ thống sẽ sụp đổ. Hoa Kì cũng ngày càng nhìn hướng nội. Sự từ chối của Quốc hội cấp thêm tiền cho IMF ngày nay có thể đóng cùng vai trò như thuế quan bảo hộ Smoot-Hawley đã đóng trong Đại Suy thoái. [8]

Trong hai kịch bản, cái nào chắc sẽ xảy ra? Như một người tham gia thị trường, tôi phải duy trì đầu óc thoáng, mở. Tôi không hề do dự, tuy vậy, trong khẳng định rằng hệ thống tư bản toàn cầu sẽ không chịu nổi các sai sót của nó, nếu không phải dịp này thì ở dịp tiếp theo - trừ phi chúng ta nhận ra rằng nó có sai sót và hành động kịp thời để sửa chữa các thiếu sót.

Tôi bắt đầu có thể thấy rõ những đường nét của cuộc khủng hoảng cuối cùng. Nó mang đặc tính chính trị. Các phong trào chính trị bản xứ, chắc sẽ nảy sinh, tìm cách tước đoạt các công ti đa quốc gia và đoạt lại của cải quốc gia. Một số trong số đó có thể thành công theo kiểu của Phiến loạn Nghĩa hoà đoàn ở Trung Quốc hay Cách mạng Zapatista ở Mexico. Thành công của họ, khi đó, có thể làm lung lay sự tin tưởng của các thị trường tài chính, gây ra một quá trình tự tăng cường ở chiều sa sút. Liệu nó có xảy ra dịp này hay dịp tiếp theo còn là một câu hỏi để ngỏ.

Chừng nào một quá trình boom-bust vượt qua thử thách, nó sẽ được tăng cường. Thử thách càng nghiêm ngặt, sự tăng cường càng mạnh. Sau mỗi thử thách thành công thì đến giai đoạn tăng tốc; sau một giai đoạn tăng tốc đến giờ phút quyết định. Chính xác, chúng ta ở đâu trong chuỗi này là không thể xác định được, trừ khi nhìn lại.


Tái bút phê phán

Văn bản này được viết mùa thu năm 1998. Nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua sóng gió tốt hơn nhiều so với tôi dự kiến. Nhìn lại từ khung cảnh của năm 2000, chúng ta thấy khủng hoảng tài chính 1997-1999 như một cú vấp nhỏ trong cuộc hành quân chiến thắng của chủ nghĩa tư bản. Nếu tôi muốn trung thành với cách tiếp cận boom-bust của mình, tôi có thể nói rằng hệ thống tư bản toàn cầu đã trải qua một thử thách gay gắt, do đó, củng cố thiên kiến theo thuyết thị trường chính thống. Nhưng tôi sẽ lí luận ở Chương 10 rằng: Sự tin cậy được tôn lên vào kỉ luật thị trường đã làm yếu kiến trúc tài chính toàn cầu cho thử thách tiếp theo.

Tôi cảm thấy, tuy vậy, buộc phải chỉ ra một sai sót trong phân tích riêng của tôi. Tôi đã tập trung vào vai trò của vốn, đặc biệt là vốn tài chính, và đã không coi trọng đủ các lợi ích của tài kinh doanh (entrepreneurship). Đây là một sự bỏ sót nghiêm trọng. Tôi đã nhiếc móc lí thuyết kinh tế vì đã bén rễ vào quá khứ, và tôi lại rơi vào đúng bẫy đó.

Tranh luận giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội có xuất xứ của nó ở thế kỉ mười chín, và như vậy nó bị ảnh hưởng của các khái niệm kinh tế của thế kỉ mười chín. Chính thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” được dẫn ra từ sự phân chia các yếu tố sản xuất thành lao động, đất đai, và vốn. Tài kinh doanh là một khái niệm đến muộn hơn đối với sự phân chia này, khi được khám phá ra rằng: Giá trị của đầu ra không thể được dẫn từ các yếu tố sản xuất dùng để sản xuất ra nó; tài kinh doanh được đưa ra để tính đến sự khác biệt này. Cho nên, khi ta nói cho vốn “bàn tay tự do”, chúng ta thực ra nói về tài kinh doanh: theo đuổi lợi tức cao hơn cho vốn - lợi nhuận. Lợi nhuận là sản phẩm của tài kinh doanh hơn là của vốn. Thí dụ, với tư cách một nhà quản lí quỹ tự bảo hiểm, nhóm của tôi và tôi đầu tư tiền của người khác, và chúng tôi nhận được 20 phần trăm lợi nhuận. Cho nên, không có đồng xu nào để khởi động, tôi có thể trở thành một nhà tư bản.

Tài kinh doanh có thể làm tăng hiệu suất của vốn. Toàn cầu hoá, xoá bỏ các hạn chế của chính phủ, và cho động cơ lợi nhuận bàn tay tự do đã dẫn đến sự bùng nổ thực sự về năng suất. Làm sao tôi lại có thể bỏ qua điều đó? Tôi có thể lí luận rằng sự gia tốc trong nhịp độ đổi mới công nghệ đã chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng ngay cả khi đó, nó vẫn là một sự thực. Trong mọi trường hợp, như một người tin vào tính phản thân, tôi không muốn treo cái mũ của tôi vào cái móc đó. Có thể có yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên; rốt cuộc, tăng năng suất liên hệ mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế mạng, và Internet đã đạt khối lượng tới hạn trong vài năm vừa qua. Nhưng bản thân sự tăng trưởng bùng nổ của Internet là thắng lợi của động cơ lợi nhuận. Internet khởi đầu như một mạng nghiên cứu do chính phủ tài trợ mà người ta mắc vào, giống như những người chiếm đất mắc để lấy trộm điện. Chỉ khi nó bắt đầu được dùng cho thương mại và quảng cáo, nó mới trở thành một yếu tố quan trọng nuôi dưỡng năng suất, tăng trưởng kinh tế, và một boom thị trường cổ phiếu. [9] Những đổi mới công nghệ, mà thủ tục Internet chỉ là một trong số đó, cũng liên kết một cách phản thân với việc xoá bỏ độc quyền trong ngành điện thoại. Và sự thâm nhập của động cơ lợi nhuận vào nghiên cứu sinh học đã làm tăng tốc cách mạng công nghệ sinh học. Phải thừa nhận, rằng gỡ bỏ điều tiết và cho động cơ lợi nhuận uy quyền tự do có thể giải phóng các năng lực sáng tạo - giống như thả thần linh ra khỏi cái chai.

Đã là một lỗi nghiêm trọng khi không cho yếu tố này một trọng lượng lớn hơn. Nó lẽ ra phải là một phần không tách rời của phân tích boom-bust của tôi. Tôi đã lí luận rằng sự sụp đổ tài chính ở ngoại vi đã cho các nước trung tâm một chỗ thở từ lúc bắt đầu lạm phát. Có một yếu tố đúng trong lí lẽ đó, và nó có trọng lượng lớn đối với các nhà chức trách tiền tệ. Nhưng nền kinh tế thế giới bây giờ đã phục hồi và lạm phát vẫn chưa ngoi cái đầu xấu xa của nó lên. Cục Dự trữ Liên bang thực tế thấy mình ở cùng vị trí như trước, khi cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1999 bắt đầu: Nó cảm thấy buộc phải tăng lãi suất, một phần để ngăn chặn áp lực lạm phát khỏi phát triển, nhưng chủ yếu để chặn trước một bust cuối cùng ở thị trường cổ phiếu.

Như tôi đã chỉ ra trước đây, cái làm cho các thị trường tài chính là không thể tiên đoán được một cách cố hữu là quá trình boom-bust dựa vào cái gì đó thực, và thực tại, cái tương tác với cảm nhận của những người tham gia, có hình thù mỗi lúc một khác. Nếu giả như các thị trường tài chính là một hệ thống khép kín, chúng có thể dễ tiên đoán hơn. Trong dịp này ảnh hưởng của những đổi mới công nghệ đã là thực và quan trọng, và tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi bỏ nó ngoài phân tích của mình. Nó không làm thay đổi quan điểm của tôi là boom thị trường cổ phiếu hẳn có thể kéo theo một bust, và Cục Dự trữ Liên bang đã đúng để cố chặn trước nó. Làm sao để giữ những thái quá về việc đánh giá tài sản sao cho nằm trong các giới hạn có thể chịu được đã trở thành một phần sứ mạng của nó.

Nhưng tôi phải thay đổi lời tiên tri của tôi, liên quan đến cái chết cuối cùng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Tôi đã tiên đoán các lực lượng dân tộc chủ nghĩa sẽ tiến hành tước đoạt điên cuồng. Điều này ít có khả năng hơn nhiều khi đầu tư nước ngoài mang lại công nghệ tiên tiến so với khi đầu tư đã chỉ hướng chủ yếu tới khai thác tài nguyên thiên nhiên và công nghệ cần thiết cho sản xuất đã xác lập tốt. Dưới tình hình hiện thời, đơn giản không có lợi để không tham gia hệ thống. Điều đó không có nghĩa rằng một số nước nào đó sẽ không nỗ lực thử, nhưng nó đúng có nghĩa là xu thế chắc không lan rộng. Có thể có các nhà nước xỏ lá nào đó, nhưng chúng chắc không làm sụp đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Kết thúc của hệ thống hiện tại không ở trong tầm nhìn. Có những mối nguy hiểm tế nhị hơn hiện ra lù lù, mà tôi sẽ khám phá sâu hơn ở ba chương cuối của cuốn sách.

Chương 8: Khủng hoảng tài chính 1997-1999




Khủng hoảng Á châu
[10]

Khủng hoảng tài chính khởi đầu ở Thái Lan năm 1997 đã đặc biệt làm mọi người bực mình vì qui mô và tính khốc liệt của nó. Ở Soros Fund Management, chúng tôi đã có thể thấy một khủng hoảng đến sáu tháng trước như những người khác, nhưng mức độ trục trặc làm cho mọi người ngạc nhiên. Nhiều sự mất cân bằng tiềm tàng và dường như không liên quan đã được kích hoạt, và sự tương tác của chúng đã gây ra một quá trình xa cân bằng mà kết quả của nó hoàn toàn ngoài tỉ lệ với thành phần đã tạo ra nó.

Các thị trường tài chính đóng một vai trò khác xa với vai trò được lí thuyết kinh tế phân cho chúng. Các thị trường tài chính được giả thiết lắc như một quả lắc: Chúng có thể giao động dữ dội dưới phản ứng với các cú sốc bên ngoài, nhưng cuối cùng chúng được cho là đi đến một điểm cân bằng, điểm này được cho là phản ánh những cái căn bản. Thay vào đó, các thị trường tài chính đã cư xử như một trái phá, bắn từ nước này sang nước khác, làm đổ những chỗ yếu nhất và biến đổi những cái căn bản. Nguyên nhân trực tiếp nhất của rắc rối đã là sự khấp khểnh của các đồng tiền. Các nước Đông Nam Á đã duy trì những dàn xếp phi chính thức, gắn đồng tiền của họ vào đồng dollar Mĩ. Sự ổn định bề ngoài của “neo dollar” này đã khuyến khích các ngân hàng địa phương vay dollar và chuyển thành nội tệ mà không có tự bảo hiểm; các ngân hàng sau đó cho vay hay đầu tư vào các dự án địa phương, đặc biệt là bất động sản. Đây dường như là cách kiếm tiền không có rủi ro, chừng nào neo phi chính thức còn vững. Nhưng sự dàn xếp bị áp lực, một phần từ boom tín dụng mà nó gây ra, một phần từ sự giảm bớt hoạt động ở Nhật, một phần từ sự lên giá của đồng dollar Mĩ với đồng yen Nhật. Cán cân thương mại của các nước liên quan đã xấu đi, mặc dù sự thâm hụt thương mại được bù bởi dòng chảy liên tục và đáng kể vào các tài khoản vốn.

Vào đầu năm 1997, với Soros Fund Management, đã rõ rằng: Sự trái ngược giữa tài khoản thương mại và tài khoản vốn đã trở nên không thể giữ vững được. Chúng tôi đã bán non đồng bạt Thái và ringgit Malaysia đầu năm 1997 với ngày đáo hạn từ sáu tháng đến một năm. [11] Sau đó Thủ tướng Malaysia Mahathir đã lên án tôi gây ra khủng hoảng, một sự buộc tội hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi đã không là người bán đồng tiền trong hay vài tháng trước khủng hoảng; ngược lại, chúng tôi đã là người mua khi đồng tiền bắt đầu giảm giá - chúng tôi mua ringgit để kiếm lợi nhuận trên khoản đầu cơ trước đây của mình. (Hoá ra là quá sớm. Chúng tôi đã bỏ hầu hết lãi tiềm năng trên bàn vì chúng tôi đã sợ là Mahathir sẽ áp đặt kiểm soát vốn. Ông ta đã làm vậy, nhưng muộn hơn nhiều).

Vào tháng Giêng 1997, với chúng tôi, nếu đã rõ rằng tình hình không thể đứng vững được, nó cũng phải rõ với những người khác. Tuy nhiên, khủng hoảng đã không nổ ra cho đến tháng Bảy 1997, khi các nhà chức trách Thái Lan từ bỏ neo và thả nổi đồng tiền. Khủng hoảng đã đến muộn hơn dự kiến của chúng tôi, vì các nhà chức trách tiền tệ địa phương đã tiếp tục ủng hộ đồng tiền của mình quá lâu và các ngân hàng quốc tế tiếp tục kéo dài tín dụng, mặc dù họ đã phải thấy điềm gở. Sự trì hoãn không nghi ngờ gì đã đóng góp vào tính gay gắt của khủng hoảng. Các khoản dự trữ đã rỗng tuyếch, và sự đổ vỡ, khi nó đến, đã lớn hơn là cần thiết. Từ Thái Lan, sự đổ vỡ của neo tiền lan nhanh sang Malaysia, Indonesia, Philippene, Hàn Quốc, và các nước khác. Nhưng vài nước khác bị cuốn vào khủng hoảng Á châu đã không có neo dollar phi chính thức. Thế thì, các nước bị ảnh hưởng có cái gì chung? Một số người lí luận rằng: Vấn đề là sự phụ thuộc chung của họ vào dạng méo mó hoặc chưa chín muồi của chế độ tư bản, nay được mô tả miệt thị là “chủ nghĩa tư bản cánh hẩu” nhưng trước kia được ca tụng là “mô hình Á châu”. Có sự thật nào đó cho lí lẽ đó, song qui khủng hoảng cụ thể cho các đặc tính Á châu hiển nhiên không cho ta bức tranh đầy đủ, vì sau đó, khủng hoảng đã lan sang Mĩ Latin, Nga, và Đông Âu. Trên thực tiễn, tất cả các nước ngoại vi đã bị tác động, mặc dù các nước có các thị trường vốn khép kín và các nước cho phép đồng tiền của mình mất giá đã làm ăn khá hơn.

Khó có thể tránh kết luận rằng: Bản thân hệ thống tài chính quốc tế tạo nên thành tố chính trong vụ đổ bể này. Nó chắc chắn đã đóng một vai trò tích cực ở mọi nước, dù cho các thành phần khác thay đổi từ nước này sang nước kia. Kết luận này khó hoà giải với quan niệm rộng rãi rằng: Các thị trường tài chính có khuynh hướng tiến đến cân bằng. Nếu quan điểm của tôi là đúng, thì thái độ hướng tới giữ các thị trường tài chính dưới sự kiểm soát nào đó nên được xem xét lại triệt để. Để kiểm tra luận điểm này, hãy liệt kê các thành phần khác liên quan và sau đó nhìn vào diễn tiến thật của các sự kiện.




Cái chết của mô hình Á châu

Đã có nhiều điểm yếu về cơ cấu trong các nền kinh tế Á châu. Hầu hết các doanh nghiệp được gia đình sở hữu, và phù hợp với truyền thống Khổng giáo, các gia đình đã muốn điều hành kinh doanh cho lợi ích riêng của họ. Nếu họ phát hành cổ phần cho công chúng, họ có thiên hướng coi nhẹ quyền của các cổ đông thiểu số. Đến mức khi họ không thể tài trợ tăng trưởng bằng thu nhập, họ ưa dựa vào tín dụng hơn là rủi ro mất kiểm soát. Đồng thời, các quan chức chính phủ đã dùng tín dụng ngân hàng như công cụ của chính sách công nghiệp; họ cũng dùng chúng để thưởng gia đình và bạn bè mình. Đã có mối quan hệ loạn luân giữa giới kinh doanh và chính phủ, mà đây chỉ là một cách biểu hiện. Sự kết hợp này đã tạo ra các tỉ lệ nợ-trên-vốn cổ phần rất cao và một khu vực tài chính chẳng minh bạch cũng không lành mạnh. Ý tưởng rằng các ngân hàng có thể thực hiện kỉ luật nào đó với các công ti mà họ cho vay đơn giản không được áp dụng. [12]

Thí dụ, nền kinh tế Hàn Quốc được chế ngự bởi các tập đoàn do gia đình kiểm soát, các chaebol. Chaebol dùng đòn bẩy tài chính cao. Tỉ lệ nợ-trên-vốn cổ phần trung bình của ba mươi chaebol lớn nhất (tính gián tiếp chiếm khoảng 35 phần trăm sản xuất công nghiệp Hàn Quốc) là 388 phần trăm năm 1996, với chaebol đặc biệt lên đến 600-700 phần trăm. Vào cuối tháng Ba 1998, trung bình đã tăng lên 593 phần trăm. Các ông chủ đã dùng sự kiểm soát của mình để bảo lãnh chéo khoản nợ của các thành viên khác của tập đoàn, do đó vi phạm quyền của các cổ đông thiểu số. Làm cho vấn đề tồi hơn, các công ti Hàn Quốc đã hoạt động với biên lợi nhuận rất thấp: Mức bảo chứng trả lãi [13] của ba mươi chaebol lớn nhất năm 1996 là 1,3 nhưng chỉ còn 0,97 vào năm 1997 (có nghĩa rằng chi phí trả lãi vay không được đảm bảo bởi thu nhập). Các ngân hàng Hàn Quốc mở rộng tín dụng dễ dàng như một phần của chính sách công nghiệp. Chính phủ quyết định khuyến khích các ngành nào đó, và các chaebol lao vào, sợ rằng họ có thể bị loại ra. Điều này dẫn đến sự mở rộng hấp tấp mà không để ý đến lợi nhuận. Ở khía cạnh này, Hàn Quốc đã bắt chước có chủ ý Nhật Bản của những ngày đầu, nhưng hoá ra là một sự bắt chước thô thiển một mô hình tinh tế hơn nhiều. Như tôi đã nhắc tới ở trước, Nhật Bản đã hưởng lợi của các định chế dân chủ, còn Hàn Quốc đã có độc tài quân sự suốt phần lớn lịch sử hậu chiến của mình. Truyền thống đồng thuận của Nhật Bản, kiểm tra và cân đối đặc trưng cho một nền dân chủ đã thiếu (ở Hàn Quốc).

Khi các khoản vay không trả bắt đầu được tích luỹ, các ngân hàng Hàn Quốc kiếm cách ra khỏi lỗ hổng bằng vay thậm chí nhiều tiền hơn ở nước ngoài và đầu tư vào các công cụ có lợi tức cao và rủi ro cao ở các nước như Indonesia, Nga, Ukraine, và Brazil. Đây đã là một nhân tố đóng góp quan trọng trong khủng hoảng ở Hàn Quốc.

Không phải là các ngân hàng Nhật đã hoạt động tốt hơn nhiều. Rắc rối của Nhật Bản truy nguyên về tận đổ vỡ 1987 của Wall Street. Hệ thống tài chính Nhật được Bộ Tài chính (MOF) kiểm soát chặt chẽ. Các quan chức ở MOF tạo thành giới ưu tú trí tuệ, so được với Inspecteurs de Finance ở Pháp. Họ hiểu tính phản thân tốt hơn bất kể nhóm nào khác mà tôi đã gặp, và họ đã hình dung ý tưởng vĩ đại rằng Nhật Bản có thể chuyển sức mạnh công nghiệp của nó sang địa vị thống trị tài chính bằng cung cấp thanh khoản (tiền mặt) cho thế giới. Khái niệm được một quan chức MOF giải thích rõ cho tôi sau sụp đổ 1987. Ông ta đã đảm bảo với tôi rằng sẽ không có sự lặp lại của 1929 vì Nhật Bản sẽ “làm tràn ngập thế giới bằng thanh khoản”. Đáng tiếc, những người Nhật đã không tính đến một khía cạnh quan trọng của tính phản thân - cụ thể là, tính có thể sai riêng của họ - cái dẫn đến các hậu quả không chủ ý. Quyết định của họ áp đảo việc cho vay quốc tế đã giúp thế giới khắc phục các tác động của sụp đổ Wall Street, nhưng nó đã để các định chế tài chính Nhật với nhiều tổn thất ở nước ngoài. Chính sách của Nhật cũng đã gây ra một bong bóng tài chính và bất động sản ở trong nước đạt đỉnh điểm vào năm 1991. Do sự kiểm soát chặt của nó với các định chế tài chính, MOF đã có khả năng làm xẹp bong bóng mà không có đổ vỡ - lần đầu tiên trong lịch sử, một kì công như vậy được thực hiện. Nhưng nó đã để lại nhiều tài sản xấu không tiêu hoá được, làm mưng mủ các bản tổng kết tài sản của các định chế tài chính. Sự giảm sút giá trị tài sản kéo dài hơn nhưng không kém nghiêm trọng hơn, giả như nó do sụp đổ gây ra. Chỉ số thị trường cổ phiếu Nikkei giảm từ đỉnh cao 39.000 vào tháng Giêng 1991 xuống đỉnh thấp 14.000 vào tháng Tám 1992 và một đáy thứ hai 12.800 vào tháng Mười 1998. Sự giảm sút giá trị bất động sản còn lớn hơn và kéo dài hơn. Tiền của người đóng thuế đã không thể dùng để cứu vớt các ngân hàng, cho đến khi nhu cầu trở nên không thể cưỡng lại được; ngay cả khi đó, tập quán Nhật đòi hỏi rằng các quan chức của MOF phải bị trừng phạt, và cuối cùng họ đã bị. Không ngạc nhiên là MOF đã cưỡng lại ý tưởng về tái cơ cấu triệt để càng lâu càng tốt.

Khi khủng hoảng Á châu nổ ra, Nhật Bản tiến hành chính sách giảm thâm hụt ngân sách. Chính xác đã là chính sách sai, và khủng hoảng Á châu đến chính xác không đúng lúc. Các ngân hàng Nhật, đã có các khoản vay lớn bị rủi ro ở Thái Lan, Indonesia, và Hàn Quốc, bắt đầu giảm bảng tổng kết tài sản của mình, gây ra thu hẹp tín dụng giữa tràn ngập thanh khoản. Người tiêu dùng, bị khủng hoảng Á châu và vài vụ phá sản trong nước làm hoảng hốt, đã tăng thiên hướng tiết kiệm của họ. Lãi suất thấp khuyến khích vốn chuyển ra nước ngoài. Đồng yen sụt giá và nền kinh tế trượt vào suy thoái. Cuối cùng, chính phủ được thuyết phục để cắt giảm thuế và dùng tiền công để tái cấp vốn cho các ngân hàng, nhưng đã là quá ít và quá muộn. Suy thoái ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và một đối tác thương mại quan trọng của các nước Á châu khác, đã làm trầm trọng thêm sự suy sụp kinh tế khắp Châu Á.

Chúng ta có thể nhận ra nhiều thiếu sót trong mô hình Á châu về sự phát triển kinh tế: Yếu kém về cơ cấu trong hệ thống ngân hàng và sở hữu doanh nghiệp, mối quan hệ loạn luân giữa kinh doanh và chính trị, thiếu minh bạch, và không có tự do chính trị. Mặc dù những thiếu sót này đã hiện diện ở nhiều nước bị ảnh hưởng, chẳng có thiếu sót nào trong số đó hiện diện ở tất cả các nước: Hồng Kông hầu như không mắc phải, Nhật Bản và Đài Loan có tự do chính trị; sở hữu gia đình của các công ti chủ yếu không đặc trưng cho Nhật Bản; Singapore đã có một hệ thống ngân hàng mạnh.

Hơn nữa, mô hình Á châu, với tư cách như thế, đã là một chiến lược phát triển kinh tế rất thành công và được giới kinh doanh ngưỡng mộ rộng rãi. Mô hình Á châu đã tạo ra sự gia tăng đầy ấn tượng về mức sống, tăng trưởng thu nhập trên đầu người trung bình 5,5 phần trăm một năm suốt một thời kì dài - sự tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng đã đạt được ở bất kể nền kinh tế nào trong cùng thời gian và ở bất kể thời điểm nào của lịch sử thành văn. Vì thế, ngay cả khi khủng hoảng đã bộc lộ, các nhà lãnh đạo Á châu như Lee Kwan Yu của Singapore, Suharto ở Indonesia, và Mahathir của Malaysia tự hào tuyên bố niềm tin của họ rằng các giá trị Á châu ưu việt hơn các giá trị Tây phương. Họ đã đi xa đến mức thách thức Tuyên bố Phổ quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Lee Kwan Yu đã coi các nền dân chủ Tây phương là suy đồi, Mahathir tức giận truyền thống của chủ nghĩa thực dân, và Suharto đã ca tụng đức hạnh của chủ nghĩa gia đình trị. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kết nạp Myanmar (Miến Điện) làm thành viên tháng Sáu 1997 - một thách thức trực tiếp đối với các nền dân chủ Tây phương, các nước coi chế độ áp bức của Myanmar là không thể chấp nhận được về mặt chính trị và con người. (Sự lên án công khai của tôi với bước đi của ASEAN có thể đã kích Mahathir tấn công lại tôi).

Một mô hình phát triển kinh tế thành công đến vậy sao lại hoá ra xấu đi nhanh đến vậy? Câu hỏi không thể được trả lời mà không tính đến các sai sót của hệ thống tư bản toàn cầu. Sự thực rằng: Khủng hoảng Á châu không giới hạn ở Châu Á mà nhấn chìm tất cả các thị trường mới nổi trước khi nó kết thúc, củng cố thực tế rằng: Nguồn bất ổn định chủ yếu phải thấy ở bản thân hệ thống tài chính quốc tế.




Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương