Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu



tải về 1.75 Mb.
trang13/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   25

Chế độ hiện thời

Hệ thống tư bản quốc tế không phải mới hay thậm chí mới lạ. Tiền sử của nó truy về đến tận các quốc gia đô thị Ý và Liên minh Hanseatic, trong đó, các thực thể chính trị khác nhau được liên kết với nhau bởi các ràng buộc thương mại và tài chính. Chủ nghĩa tư bản trở nên lấn át trong thế kỉ thứ mười chín và duy trì như thế cho đến khi nó bị Chiến tranh Thế giới I phá vỡ. Chế độ thịnh hành hiện nay có thể có vài đặc điểm mới lạ làm cho nó khác các tiền kiếp trước đây. Tốc độ truyền thông là một nét, song đáng ngờ là nó mới lạ đến đâu: Sự xuất hiện của đường sắt, điện tín, và điện thoại biểu hiện một sự tăng tốc lớn ở thế kỉ mười chín như truyền thông máy tính ngày nay. Đúng là cách mạng thông tin có những nét đặc sắc vô song, nhưng cách mạng giao thông ở thế kỉ mười chín cũng vậy. Nhìn tổng thể, thì, chế độ hiện thời là khá giống chế độ đã thịnh hành một trăm năm trước đây, mặc dù nó khác cơ bản chế độ thịnh hành đúng năm mươi năm trước đây.

Nét khu biệt của hệ thống tư bản toàn cầu là di chuyển vốn tự do. Trao đổi hàng hoá và dịch vụ là chưa đủ để tạo ra một nền kinh tế toàn cầu; các yếu tố sản xuất cũng phải có thể trao đổi được. Đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác không dịch chuyển được, và di chuyển dân số là khó; như thế tính di động của vốn, thông tin, và tài kinh doanh (entrepreneurship) chịu trách nhiệm về hội nhập kinh tế.

Vì vốn tài chính còn di động hơn sự đầu tư vật chất, nó chiếm một vị trí đặc ân: Nó có thể tránh xa các nước mà nó phải chịu các loại thuế và qui chế phiền hà. Một khi một nhà máy được xây dựng, khó để di chuyển. Đúng là, các công ti xuyên quốc gia có sự linh hoạt về định giá nội bộ và có thể sử dụng áp lực ở thời điểm họ quyết định đầu tư, nhưng tính linh hoạt của họ không so được với quyền tự do lựa chọn mà các nhà đầu tư chứng khoán quốc tế được hưởng. Dải các cơ hội đầu tư sẵn có cũng được nâng cao do ở trung tâm của nền kinh tế toàn cầu hơn là ở ngoại vi. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại để thu hút vốn vào các trung tâm tài chính và phân bổ nó thông qua các thị trường tài chính. Đó là lí do vì sao ngày nay các thị trường tài chính đóng một vai trò thống trị đến vậy trên thế giới và vì sao ảnh hưởng của chúng đã tăng nhanh đến vậy.

Thực ra, luân chuyển vốn tự do là một hiện tượng tương đối mới. Vào cuối Chiến tranh Thế giới II, các nền kinh tế chủ yếu vẫn mang tính chất quốc gia, thương mại quốc tế ở trong thời kì suy sụp, và cả đầu tư trực tiếp và các giao dịch tài chính trên thực tế bị ngưng trệ. Các định chế Bretton Woods - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - được dự kiến để làm cho thương mại quốc tế có thể hoạt động trong một thế giới không có luân chuyển vốn quốc tế. Ngân hàng Thế giới được dự kiến để bù cho thiếu đầu tư trực tiếp, IMF bù cho thiếu tín dụng tài chính, để bù cho mất cân đối thương mại. Vốn quốc tế trong các nước chậm phát triển chủ yếu đã tham gia vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, và các nước, không khuyến khích đầu tư quốc tế, có nhiều khả năng chiếm đoạt nó. Thí dụ, công ti Anglo-Iranian Oil bị quốc hữu hoá năm 1951 (tiếp theo là các làn sóng quốc hữu hoá khác và việc thiết lập Tổ chức các Nước Xuất Dầu [OPEC] năm 1973). Quốc hữu hoá các ngành chiến lược đã là vấn đề trọng tâm ở cả Châu Âu nữa. Hầu hết sự đầu tư ở các nước chậm phát triển đã là các thương vụ giữa chính phủ và chính phủ, giống như sơ đồ đậu phộng [lạc] xấu số của Anh ở Châu Phi.

Sau chiến tranh, đầu tiên thương mại quốc tế phục hồi, tiếp đến là đầu tư trực tiếp. Các hãng Mĩ di sang Châu Âu, rồi sang phần còn lại của thế giới. Các công ti có xuất xứ ở các nước khác bắt kịp muộn hơn. Nhiều ngành - ôtô, hoá chất, máy tính - bị thống trị bởi các công ti đa quốc gia. Các thị trường tài chính quốc tế phát triển chậm hơn vì nhiều đồng tiền đã không chuyển đổi được hoàn toàn và nhiều nước duy trì kiểm soát giao dịch vốn. Kiểm soát vốn chỉ được tháo dỡ dần dần; ở Vương quốc Anh, nó được chính thức xoá bỏ chỉ vào 1979.

Khi tôi bắt đầu kinh doanh ở London năm 1953, các thị trường tài chính và các ngân hàng bị điều tiết ngặt nghèo trên cơ sở quốc gia, và hệ thống tỉ giá hối đoái cố định thịnh hành với nhiều hạn chế về luân chuyển vốn. Đã có một thị trường về đồng “bảng chuyển loại” và “đôla tiền cược” - tỉ giá hối đoái đặc biệt áp dụng cho các tài khoản vốn. Sau khi tôi di sang Hoa Kì năm 1956, buôn bán quốc tế về chứng khoán được tự do hoá dần dần. Với sự hình thành Thị trường Chung, các nhà đầu tư Hoa Kì bắt đầu mua các chứng khoán Châu Âu, nhưng công việc kế toán của các công ti liên quan và các dàn xếp thanh toán còn nhiều thiếu sót, tình hình không khác mấy một số thị trường mới nổi hiện nay, trừ các nhà phân tích và những người mua bán đã có kĩ năng kém hơn. Đó là khởi đầu của sự nghiệp tài chính của tôi: Tôi đã là một ông vua chột ở xứ mù. Và mãi đến 1963, Tổng thống Mĩ John F. Kennedy đề xuất cái gọi là thuế làm ngang bằng đối với các nhà đầu tư Mĩ mua các cổ phiếu nước ngoài; kí ban hành thành luật năm 1964, trên thực tiễn nó đã đuổi tôi ra khỏi kinh doanh.

Các thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu nổi lên vào các năm 1970. Các nước sản xuất dầu tập hợp lại với nhau dưới OPEC và tăng giá dầu, lần đầu vào 1973 từ 1,90 $ lên 9,76 $ một thùng, sau đó vào 1979 (đáp lại các sự kiện chính trị ở Iran và Irắc) từ 12,70 $ lên 28,76 $ một thùng. Các nước xuất khẩu dầu đột ngột có thặng dư lớn, còn các nước nhập khẩu phải tài trợ các khoản thâm hụt lớn. Người ta đã để các ngân hàng thương mại, với sự cổ vũ của các chính phủ Phương Tây ở hậu trường, quay vòng tiền đó. Eurodollar được nghĩ ra, và các thị trường hải ngoại lớn đã phát triển. Các chính phủ bắt đầu giảm thuế và đưa ra các nhượng bộ khác để lôi kéo vốn quay về nước. Trớ trêu thay, các biện pháp này lại cho vốn hải ngoại khả năng vận động lớn hơn. Boom cho vay quốc tế chấm dứt với một bust năm 1982, nhưng đến lúc đó, quyền tự do luân chuyển vốn tài chính đã được xác lập một cách chắc chắn.

Sự phát triển của các thị trường tài chính quốc tế được đẩy mạnh nhiều khoảng 1980 khi Margaret Thatcher và Ronald Reagan lên nắm quyền với một chương trình loại nhà nước ra khỏi nền kinh tế và cho phép cơ chế thị trường làm công việc của mình. Điều này có nghĩa là áp đặt kỉ luật tiền tệ khắt khe, đã có tác động ban đầu: Nhấn chìm thế giới vào suy thoái và đẩy nhanh khủng hoảng nợ quốc tế 1982. Nền kinh tế thế giới đã mất dăm ba năm để phục hồi - ở Mĩ Latin họ nói về “một thập niên bị mất” - nhưng nó đã phục hồi. Từ đó, nền kinh tế toàn cầu đã có một thời kì dài bành trướng hầu như liên tục. Bất chấp các cuộc khủng hoảng có chu kì, sự phát triển của các thị trường vốn quốc tế đã được tăng tốc đến một điểm mà chúng có thể được mô tả là thật sự toàn cầu. Biến động về tỉ giá hối đoái, lãi suất, và giá cổ phiếu ở các nước khác nhau có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ở khía cạnh này, đặc tính của các thị trường tài chính đã thay đổi quá sức tưởng tượng trong suốt bốn mươi lăm năm mà tôi dính dáng với chúng.

Chế độ tư bản chủ nghĩa hiện thời bắt đầu từ khi nào? Đó là các năm 1970, khi thị trường hải ngoại về Eurodollar được thiết lập? Đó là khoảng 1980, khi Thatcher và Reagan lên nắm quyền? Hay là năm 1989, khi đế chế Soviet tan rã và chủ nghĩa tư bản trở nên thật sự toàn cầu? Tôi chọn 1980, vì đó là khi thuyết thị trường chính thống trở thành tín điều thống trị ở trung tâm.

Ngày nay, năng lực của nhà nước cung cấp phúc lợi cho các công dân của mình bị suy yếu nghiêm trọng bởi tính di động của vốn. Các nước đã tu chỉnh chế độ an sinh xã hội và việc làm của mình - Hoa Kì và Vương quốc Anh đứng đầu trong số họ - đã phồn thịnh về kinh tế, còn các nước khác tìm cách duy trì chúng - minh hoạ bởi Pháp và Đức - đã tụt hậu. [3]

Triệt phá nhà nước phúc lợi là một hiện tượng tương đối mới, và ảnh hưởng đầy đủ của nó vẫn còn chưa cảm thấy. Từ cuối Chiến tranh Thế giới II, phần của nhà nước trong GNP ở các nước công nghiệp tính như một nhóm đã hầu như tăng gấp đôi. [4] Chỉ sau 1980, xu thế mới đổi hướng. Lí thú là, phần nhà nước trong GNP đã không giảm một cách cảm nhận được. Cái đã được thay vào đó là thuế trên vốn và việc làm đã giảm xuống, còn các dạng khác của thuế (đặc biệt lên tiêu dùng) đã tiếp tục nhảy cóc lên. Nói cách khác, gánh nặng thuế đã được chuyển từ những người chủ vốn sang người tiêu dùng, từ các người giàu sang người nghèo và tầng lớp trung lưu. Đó hoàn toàn không phải là cái được hứa hẹn, nhưng không thể nói: Chúng là các hậu quả không chủ ý vì đó chính xác là cái những người theo thuyết thị trường chính thống dự định.


Một chế độ chưa đầy đủ

Mặc dù chúng ta có thể mô tả chủ nghĩa tư bản toàn cầu như một chế độ, nó là một chế độ chưa đầy đủ: Nó chỉ cai trị hoạt động kinh tế, cho dù hoạt động này đã chiếm địa vị cao hơn những thứ khác; các chức năng chính trị và xã hội vẫn dựa vào nhà nước chủ quyền.

Cán cân lợi thế cho đến nay đã nghiêng về phía vốn tài chính đến mức người ta thường nói rằng: Các công ti đa quốc gia và các thị trường tài chính quốc tế, bằng cách nào đấy, đã thay thế chủ quyền quốc gia. Không phải vậy. Các quốc gia vẫn giữ chủ quyền của mình và sử dụng quyền lực pháp lí và thực thi nó, điều mà chẳng cá nhân hay công ti nào có thể hi vọng có. Những ngày của Công ti Đông Ấn và Công ti Vịnh Hudson đã vĩnh viễn qua đi. Có một sự xâm lấn chủ quyền, tuy vậy, tế nhị hơn.

Mặc dù các chính phủ vẫn giữ quyền để can thiệp vào nền kinh tế, chúng ngày càng tuỳ thuộc vào các lực lượng cạnh tranh toàn cầu. Nếu một chính phủ áp đặt các điều kiện bất lợi cho vốn, thì vốn sẽ đi nơi khác. Ngược lại, nếu một chính phủ giữ lương thấp và cung cấp những khuyến khích cho các doanh nghiệp ưu đãi, nó có thể nuôi dưỡng sự tích tụ vốn. Như thế, hệ thống tư bản toàn cầu gồm nhiều quốc gia có chủ quyền, mỗi quốc gia có chính sách riêng của mình, nhưng đều lệ thuộc vào cạnh tranh quốc tế, không chỉ vì thương mại mà cả vì vốn. Đây là một trong các đặc điểm làm cho hệ thống phức tạp đến vậy: Mặc dù chúng ta có thể nhận diện một chế độ toàn cầu về các vấn đề kinh tế và tài chính, không có chế độ toàn cầu về chính trị; mỗi quốc gia duy trì chế độ riêng của mình. Trong các nền dân chủ chín muồi, quyền thực thi nằm dưới sự kiểm soát thường dân, nhưng ở các phần khác của thế giới thì không phải vậy.

Chẳng có gì mới trong sự kết hợp của một nền kinh tế toàn cầu với những dàn xếp chính trị dựa trên chủ quyền quốc gia. Ðiều này đã được áp dụng y hệt như vậy từ một trăm năm trước. Sự khác biệt là: Một thế kỉ đã trôi qua và cả các quốc gia lẫn các thị trường đã thay đổi. Thí dụ, một thế kỉ trước, nhà nước đã chỉ cung cấp các dịch vụ xã hội sơ đẳng; sau Chiến tranh Thế giới II, tư tưởng nhà nước phúc lợi đã bén rễ khắp Phương Tây, và một số nước thấy khó để bỏ nó. Một thế kỉ trước, các thuộc địa đã gia tăng nhanh chóng; ngày nay chủ nghĩa thực dân là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, chúng ta có một trăm năm để nhìn lại. Chúng ta có thể thấy: Chế độ tư bản chủ nghĩa toàn cầu trước đây đã kết thúc trong chiến tranh thế giới, tiếp theo là các cuộc cách mạng, các chế độ độc tài, và một cuộc chiến tranh thế giới nữa. Liệu chúng ta có thể làm tốt hơn?

Luận đề trung tâm của cuốn sách này là phiên bản hiện thời của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, là một dạng chưa hoàn chỉnh và bị méo mó của xã hội mở toàn cầu. Những thiếu sót đa phần là ở những dàn xếp chính trị và xã hội hơn là ở phía kinh tế. Thực vậy, thiếu sót chủ yếu của chủ nghĩa tư bản toàn cầu là nó quá thiên về một bên: Nó quá nhấn mạnh đến theo đuổi lợi nhuận và thành công kinh tế và sao nhãng những cân nhắc xã hội và chính trị. Điều này đặc biệt đúng trong vũ đài quốc tế.

Có một niềm tin rộng rãi là chủ nghĩa tư bản được liên kết ra sao đó với dân chủ trong chính trị. Sự thực là các nước ở trung tâm hiện nay là dân chủ, nhưng không đúng vậy cho mọi nước ở ngoại vi. Thực ra, nhiều người cho rằng một loại độc tài nào đó là cần thiết để tạo phát triển kinh tế. Phát triển đòi hỏi tích tụ vốn, tích tụ tư bản, đến lượt nó cần đến lương thấp và tỉ lệ tiết kiệm cao. Một chế độ chuyên quyền có khả năng áp đặt ý muốn của nó lên người dân có thể thuận lợi cho tư bản hơn là một chế độ dân chủ dễ bị cử tri sai khiến.

Lấy Châu Á, quê hương của các trường hợp phát triển kinh tế thành công nhất gần đây, làm thí dụ. Dưới mô hình Á châu, bản thân nhà nước đã liên minh với giới kinh doanh địa phương và giúp họ tích tụ tư bản. Chiến lược cần đến sự lãnh đạo của chính phủ về chính sách công nghiệp, đến một mức cao về đòn bẩy tài chính, và mức độ bảo hộ nào đó cho nền kinh tế nội địa, cũng như khả năng kiểm soát lương. Nhật Bản đã đi tiên phong với chiến lược này, chiến lược đã được lợi của các định chế dân chủ do sự chiếm đóng hậu chiến của Hoa Kì đưa vào. Hàn Quốc đã cố bắt chước Nhật Bản một cách mù quáng nhưng không có các định chế dân chủ. Chính sách được thực hiện bởi sự thống trị độc tài quân sự của một nhóm nhỏ các conglomerate (chaebol). Sự kiểm tra và cân đối, cái thịnh hành ở Nhật Bản, như thế đã thiếu (ở Hàn Quốc). Tại Indonesia, đã có liên minh tương tự giữa quân đội và tầng lớp kinh doanh, chủ yếu là người Hoa. Ở Singapore, bản thân nhà nước trở thành một nhà tư bản bằng cách lập nên các quỹ đầu tư được quản lí tốt và rất thành công. Tại Malaysia, đảng cầm quyền đã cân nhắc ủng hộ các giới kinh doanh với lợi ích cho sắc tộc người Malay đa số. Ở Thái Lan, những dàn xếp chính trị là quá khó để cho người ngoài có thể hiểu: Quân đội đan xen vào kinh doanh và tài chính dính vào bầu cử đã là hai yếu điểm rành rành. Riêng Hồng Kông là không có mối quan hệ loạn luân giữa chính phủ và giới kinh doanh nhờ địa vị thuộc địa của nó và do có pháp trị nghiêm ngặt. Đài Loan cũng nổi bật do đã hoàn tất thành công quá độ từ một chế độ áp bức sang một chế độ dân chủ chính trị.

Người ta thường lí luận rằng các chế độ chuyên quyền cuối cùng dẫn đến sự phát triển của các định chế dân chủ. Lí lẽ có giá trị nào đó: Một tầng lớp trung lưu là rất có ích để tạo ra các chế độ dân chủ. Nhưng các cuộc khủng hoảng tài chính định kì làm khổ các nước ngoại vi thường làm chậm sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Đó là cái đã diễn ra ở Đông Nam Á và ở Nga như hậu quả của khủng hoảng 1997-1999. Hơn nữa, không đúng rằng sự thịnh vượng kinh tế nhất thiết dẫn đến sự tiến hoá của các quyền tự do dân chủ. Các nhà cầm quyền miễn cưỡng buông khỏi quyền lực của mình - họ thường phải bị thúc ép. Thí dụ, Lee Kwan Yu của Singapore trở nên càng lớn tiếng hơn trong đề xuất các giá trị của “con đường Á châu” sau các thập kỉ thịnh vượng.

Có một khó khăn căn bản hơn nữa với lí lẽ rằng chủ nghĩa tư bản dẫn tới nền dân chủ. Các lực lượng trong nội bộ hệ thống tư bản toàn cầu có thể đẩy các nước đến dân chủ là khá yếu. Các ngân hàng quốc tế và các công ti đa quốc gia thường cảm thấy thoải mái hơn với một chế độ chuyên quyền mạnh hơn là một chế độ dân chủ yếu. Vốn nước ngoài đã trở thành một nguồn tham nhũng và rường cột chính của chế độ độc tài, đặc biệt ở những nơi dính dáng đến tài nguyên thiên nhiên như dầu hay kim cương.

Có lẽ lực hiệu nghiệm nhất cho dân chủ là tự do lưu chuyển thông tin, làm cho việc chính phủ đưa thông tin sai cho người dân trở nên khó khăn. Nhưng tự do thông tin không được đánh giá quá cao. Ở Malaysia, thí dụ, chế độ thống trị các phương tiện thông tin đại chúng đủ mức để cho phép Thủ tướng Mahathir Mohammed đưa cá tính đặc biệt riêng của mình lên các sự kiện mà không bị trừng phạt. Thông tin còn bị hạn chế hơn ở Trung Quốc, nơi chính phủ kiểm soát thậm chí cả Internet. Trong bất cứ trường hợp nào, lưu chuyển thông tin tự do sẽ không nhất thiết đẩy người dân đến dân chủ, đặc biệt khi người dân sống trong các nền dân chủ không tin vào dân chủ như một nguyên lí phổ quát.

Nói thật, mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ giỏi nhất là rất mong manh. Thế mà, chủ nghĩa tư bản lại cần đến các định chế dân chủ để kiềm chế và hiệu chỉnh những thái quá của nó. Ở Châu Âu thế kỉ thứ mười chín, những tiên đoán khốc liệt của Tuyên ngôn Cộng sản thực ra đã bị sự mở rộng quyền bầu cử chính trị làm cho vô hiệu. Và ngày nay, cả các chế độ chuyên quyền và các nhà nước đang tan rã tạo thành các mối đe doạ mạnh đối với hoà bình và thịnh vượng, cả về mặt nội bộ lẫn quốc tế.


Vai trò của tiền

Một hệ thống kinh tế toàn cầu không khớp với một hệ thống chính trị toàn cầu là khó để phân tích, đặc biệt dưới ánh sáng của mối quan hệ quanh co giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ. Nhiệm vụ được đơn giản hoá bởi sự thực rằng: Có một nguyên lí thống nhất trong hệ thống tư bản toàn cầu: Tiền. Tiền không phải là một nguyên lí được đưa vào vì mục đích đơn giản hoá; nó thật sự chi phối. Nói về các nguyên lí thị trường tự do, có thể làm lẫn lộn vấn đề, vì tiền có thể được cóp nhặt bằng các lối cạnh tranh khác; nhưng cuối cùng, tất cả đều qui lại về lợi nhuận và của cải được đo bằng tiền.

Bất kể sự tìm hiểu nào về hệ thống tư bản toàn cầu phải bắt đầu với vai trò mà tiền đóng trong đó. Các sách giáo khoa nói rằng tiền có ba chức năng chính: đơn vị thanh toán, phương tiện trao đổi, và lưu trữ giá trị. Hai chức năng đầu được hiểu rõ; có sự nghi ngờ nào đó về chức năng thứ ba. Theo diễn giải cổ điển, tiền là công cụ cho mục đích, không phải là bản thân mục đích; nó đại diện cho giá trị trao đổi, không cho giá trị nội tại. Tức là, giá trị của tiền phụ thuộc vào giá trị của hàng hoá và dịch vụ mà vì đó, nó có thể được trao đổi. Nhưng cái gì là các giá trị nội tại mà các hoạt động kinh tế được cho là phụng sự? Các nhà kinh tế học thế kỉ mười chín nói về “tính thoả dụng”, nhưng khái niệm không qua được khảo sát phê phán. Rốt cuộc các nhà kinh tế quyết định là không cần giải quyết vấn đề - họ coi giá trị của tác nhân kinh tế là cho trước. Sở thích của họ được biểu diễn ở dạng các “đường bàng quan”, và các đường bàng quan có thể dùng để xác định giá.

Phiền nỗi, trong thế giới thực, các giá trị không được cho trước. Trong một nền kinh tế, người dân tự do lựa chọn, nhưng họ không nhất thiết biết cái họ muốn. Trong tình hình biến đổi nhanh, khi truyền thống mất ảnh hưởng và người dân được gợi ý từ mọi phía, các giá trị trao đổi rất có thể thay thế cho các giá trị nội tại. Tiền có các đặc tính nào đó mà giá trị nội tại thiếu: Nó có một mẫu số chung, nó có thể lượng hoá, và nó hầu như đều được người khác coi trọng. Các đặc điểm này là cái làm cho tiền đủ tư cách là phương tiện trao đổi - song không nhất thiết như mục tiêu cuối cùng. Hầu hết ích lợi gắn cho tiền sinh ra từ việc chi tiêu nó; ở khía cạnh này, tiền được dùng như một công cụ cho mục đích. Nhưng tiền cũng có thể dùng để cất trữ giá trị. Ở chừng mực mà những người khác muốn có tiền và sẵn sàng làm hầu như mọi thứ để kiếm được nó, tiền là quyền lực, và quyền lực có thể là một mục đích tự thân. Những người kế nghiệp có thể không biết làm gì với tiền của họ, song chí ít, họ biết rằng những người khác thèm muốn thành công của họ, và của cải cho họ một ý thức về quyền lực. Điều này có thể là đủ để giữ cho họ tiếp tục mãi mãi ngay cả khi chẳng có bất kể động cơ khác nào. Những người giữ vững nó có quyền lực và ảnh hưởng nhất trong hệ thống tư bản.

Không đời nào tôi coi nhẹ lợi ích của của cải; nhưng việc làm cho tích luỹ của cải trở thành mục tiêu cuối cùng đã bỏ qua nhiều khía cạnh khác của sự tồn tại mà chúng cũng đáng xem xét, đặc biệt, nếu nhu cầu vật chất cho tồn tại đã được thoả mãn. Tôi không thể nêu rõ các khía cạnh khác là gì; chính do bản chất của các giá trị nội tại mà chúng không thể được qui về một mẫu số chung. Con người có tư duy có quyền quyết định cho chính mình - đó là một đặc ân họ được hưởng một khi họ đã thoả mãn các nhu cầu tồn tại. Nhưng thay cho hưởng thụ xa xỉ, chúng ta lại đi trệch đường của mình để làm trầm trọng cuộc đấu tranh vì tồn tại.

Hệ thống tư bản nhấn mạnh cạnh tranh và đo thành công bằng tiền bạc. Các giá trị tiền bạc đã chiếm đoạt vai trò của các giá trị thực chất, và các thị trường trở nên thống trị các lĩnh vực tồn tại mà đúng ra chúng không thuộc về. Luật và y học, chính trị, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, thậm chí quan hệ cá nhân - thành tựu hay phẩm chất cần được đánh giá vì mục đích riêng của chúng lại được chuyển đổi ra bằng tiền; chúng được đánh giá bằng tiền chúng kiếm được, hơn là bằng công trạng thực chất của chúng.

Không đào sâu vấn đề thêm nữa, tôi sẽ coi nó như một sự thực rằng giá trị áp đảo trong hệ thống tư bản toàn cầu là theo đuổi tiền. Tôi có thể làm vậy vì có các tác nhân kinh tế mà mục đích duy nhất của họ là kiếm tiền, và họ thống trị đời sống kinh tế hiện nay như chưa từng bao giờ có trước đây. Tôi nói về các công ti được công chúng sở hữu. Các công ti này được các nhà chuyên nghiệp quản lí, những người áp dụng các kĩ thuật quản lí hiện đại, với một mục tiêu duy nhất là tối đa hoá lợi nhuận. Các kĩ thuật này có thể áp dụng phổ biến cho mọi lĩnh vực và thúc ép các nhà quản lí công ti để mua và bán các doanh nghiệp như các nhà quản lí chứng khoán mua và bán cổ phiếu. Các công ti, đến lượt nó, lại chủ yếu do các nhà quản lí chứng khoán sở hữu mà mục đích duy nhất của họ trong sở hữu cổ phiếu là để kiếm tiền.

Trong lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo, hãng là một thực thể tối đa hoá lợi nhuận, nhưng trong thực tiễn doanh nghiệp không luôn được quản lí với duy nhất mục đích đó trong đầu. Các chủ tư nhân thường được các mục đích khác hướng dẫn: tự hào về hàng hoá và dịch vụ mà họ sản xuất; công ăn việc làm cho gia đình và bạn bè; các nguyên lí tôn giáo, đạo đức hay trái đạo đức; quyền lực và uy tín. Ngay cả các công ti bán cổ phiếu công khai thường có các nhà quản lí cảm thấy được phòng vệ tốt để có các động cơ khác: Bổng lộc, lối sống, quyền lực, có lẽ cả khát vọng vị tha hay dân tộc chủ nghĩa. Các nhà quản lí của các công ti đa quốc gia lớn của Đức theo truyền thống coi mình chịu ơn công nhân, công chúng cũng như các cổ đông. Các nhà quản lí Nhật theo đuổi thị phần, và mối quan hệ thường có ưu tiên hơn lợi nhuận. Hàn Quốc đưa thí dụ Nhật đến thái quá.

Tuy nhiên, trong hệ thống tư bản toàn cầu hiện nay, đã có sự dịch chuyển rõ rệt, ủng hộ ứng xử tối đa hoá lợi nhuận và sự tăng cường tương ứng của áp lực cạnh tranh. Chủ của các doanh nghiệp tư nhân hưởng quyền rộng rãi hơn các nhà quản lí công ti; nhưng do các thị trường trở nên toàn cầu, các công ti tư nhân ở thế bất lợi về việc duy trì hay giành được thị phần; các công ti cần huy động vốn từ các cổ đông ngoài để khai thác các cơ hội do toàn cầu hoá mang lại. Kết quả là, các công ti do công chúng nắm giữ trở nên thống trị tình hình, và chúng ngày càng trở nên chuyên tâm theo đuổi lợi nhuận.

Ở Hoa Kì, các cổ đông trở nên quả quyết hơn đối với ban quản lí. Thành công được đo bằng thành tích ngắn hạn, và các nhà quản lí được thưởng bằng quyền chọn cổ phiếu hơn là bằng thù lao. Những người thất bại bị thay thế nhanh chóng hơn. Ở Châu Âu, các công ti thường đã không nhấn mạnh đến lợi nhuận, cả trong hình ảnh lẫn trong lợi ích của họ trước công chúng. Lợi nhuận cao hơn có xu hướng gây ra lương và đòi hỏi thuế cao hơn, và đã được cho là không nên thu hút sự chú ý đến tính sinh lợi của mình. Nhưng áp lực cạnh tranh toàn cầu đã làm nhẹ đòi hỏi về lương và giảm khả năng áp đặt thuế của nhà nước; ngược lại, nhu cầu bành trướng tài chính trở nên thúc bách hơn. Kết quả là, thái độ của các nhà quản lí đã trải qua một sự biến đổi phi thường, và các công ti đa quốc gia Châu Âu trở nên giống như các công ti đa quốc gia của Mĩ.

Việc tạo ra Liên minh Châu Âu như một thị trường duy nhất với một đồng tiền duy nhất đã làm tăng cuộc tranh cướp thị phần. Giá cổ phiếu trở nên quan trọng hơn nhiều, cả để huy động vốn lẫn như công cụ để thôn tính (hoặc trong trường hợp giá cổ phiếu thấp, như sự cám dỗ để bị thôn tính). Các mục tiêu xã hội, như tạo công ăn việc làm, bị xếp vào hàng thứ yếu. Cạnh tranh đã buộc hợp nhất, giảm qui mô (downsizing), và chuyển sản xuất ra nước ngoài. Đây là những yếu tố quan trọng trong mức thất nghiệp cao kéo dài ở Châu Âu.

Cho nên dấu xác nhận phẩm chất của dạng hiện thời của chủ nghĩa tư bản toàn cầu - đặc điểm làm cho nó khác các phiên bản trước đây - là tính thành công tràn khắp của nó: Sự tăng cường của động cơ lợi nhuận và sự ngấm sâu của nó vào các lĩnh vực mà trước đây do các cân nhắc khác chi phối. Các giá trị phi tiền tệ đã thường đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc sống con người; đặc biệt, văn hoá và các nghề được cho là bị chi phối bởi các giá trị văn hoá và nghề nghiệp và không tạo thành công trong việc kinh doanh. Nền móng gia đình và sự sinh sản đã được coi là nhiều hơn của cải; chủ nghĩa yêu nước và tôn giáo đã thường hiện ra to lớn hơn. Để hiểu chế độ tư bản chủ nghĩa hiện thời khác thế nào với các chế độ trước đây, ta phải thừa nhận vai trò của tiền như thước đo đã tăng lên. Không ngoa khi nói rằng: Hiện nay, tiền chế ngự cuộc sống của con người hơn bao giờ hết. Xu hướng đã luôn luôn hiện diện, nhưng mới đây, theo đuổi lợi nhuận đã đưa đến kết luận logic của nó. Và bất cứ nguyên lí nào đều trở nên nguy hiểm hơn khi nó không còn được làm dịu bởi những cân nhắc khác.


Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương