Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu



tải về 1.75 Mb.
trang12/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   25

Xem xét lại

Tôi đã phát hiện ra từ phản ứng với phiên bản ban đầu của cuốn sách này, rằng người dân gặp khó khăn trong việc chấp nhận các thị trường là phi đạo đức. Nhiều người, những người quan tâm đến đạo đức (và một số nhà báo để ý đến vì một khía cạnh tốt) coi các thị trường tài chính là trái đạo đức. Ý tưởng rằng ứng xử thị trường là (phi) ngoài đạo đức nằm ngoài khung dẫn chiếu của họ. Họ nghi rằng lí lẽ của tôi nhằm tự phục vụ: Tôi dùng nó như một lời bào chữa để biện minh cho các hoạt động trái đạo đức của tôi, với tư cách một nhà đầu cơ tài chính. Sự thực là tôi thường xuyên bắt gặp phản ứng này, điều đó khiến tôi nghĩ rằng: Có thể tôi đang nói về chuyện gì đó mới và quan trọng. Phải nhớ rằng sự phát triển của đạo đức và tôn giáo đi trước sự phát triển của các thị trường tài chính. Như một nhà đầu cơ tài chính, tôi có thể có một viễn cảnh khác những người khác khi nghĩ về những vấn đề này.

Hiện nay, tôi đang tham gia vào một cuộc chiến về đề tài này với Frederik van Zyl Slabbert, chủ tịch của Sáng kiến Xã hội Mở cho miền Nam Châu Phi (OSISA: Open Society Initiative for Southern Africa). Ông là một người sùng đạo sâu sắc, người không thể chấp nhận ý tưởng rằng: Bất kể hành động nào có thể là phi đạo đức. Thực vậy, ông coi tính phi đạo đức là tội lỗi tồi tệ hơn tính trái đạo đức. Điều này nêu ra câu hỏi: Liệu đạo đức liên quan đến ý định hay kết quả; căn cứ vào qui luật về các hậu quả không dự tính trước được, hai thứ không giống hệt nhau. Tôi sẵn sàng thừa nhận ông ở điểm là, đạo đức phải áp dụng cho các ý định, vì kết quả không thể biết trước được. Dù có đúng như thế thì, tôi nhất quyết rằng chẳng có ý nghĩa gì trong việc áp dụng phán xử đạo đức đối với các quyết định không có kết quả - và đó là trường hợp liên quan đến ảnh hưởng xã hội của các quyết định đầu tư cá nhân. Các quyết định đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của các cá nhân, chứ không đến giá thịnh hành trên thị trường. Đó là cái tôi muốn nói khi tôi phát biểu rằng các thị trường là phi đạo đức: Người tham gia ẩn danh không cần phải lo về các hậu quả xã hội của quyết định của mình. Ngược lại, các hành động chính trị, như bỏ phiếu hay vận động hành lang hay thậm chí lí luận, có các hậu quả xã hội. Đó là lí do vì sao chúng ta cần phân biệt vai trò của mình với tư cách người tham gia thị trường và với tư cách người tham gia chính trị, giữa làm luật và chơi theo luật. Với tư cách những người chơi, chúng ta phải được tư lợi hướng dẫn; như những người làm ra qui tắc, chúng ta phải được chỉ dẫn bởi quan điểm của mình về lợi ích chung. Nếu chúng ta theo qui tắc này, cả tư lợi lẫn lợi ích chung sẽ được đáp ứng tốt.

Tôi đi đến nguyên tắc này khi tôi còn là một người tham gia thị trường ẩn danh. Điều đó che giấu sự nghiệp của tôi về tài chính cho đến trước và trong suốt đợt phá giá đồng bảng Anh năm 1992. Tôi vứt tấm màn che khi tôi để cho mình được biết đến như “người đánh sụp Ngân hàng Anh quốc”. Kể từ đó, tôi đã có loại trải nghiệm khác. Tôi đã mất tính ẩn danh của mình. Tôi trở thành một nhân vật nổi tiếng mà lời nói ra có thể tác động đến kết quả. Tôi không còn có thể trốn thoát việc phải đưa ra phán xét đạo đức. Điều này, trên thực tiễn đã làm cho việc tôi hoạt động như một người tham gia thị trường là không thể thực hiện được.

Kinh nghiệm này đã dạy tôi về những hạn chế của qui tắc của mình. Nó không giải quyết được thế lưỡng nan của những người không là người tham gia ẩn danh, và điều đó bao gồm trên thực tiễn tất cả những người tiến hành kinh doanh và hoạt động chính trị. Hai vai trò xung đột nhau trên một dải rộng các tình huống: thí dụ, khi một người điều hành doanh nghiệp được mời tham gia một uỷ ban hành động chính trị, hoặc khi một chính trị gia được yêu cầu nêu lập trường về một vấn đề là mối quan tâm của một trong những người ủng hộ của mình. Qui tắc đặt ra các nan giải đạo đức; nó không giải quyết chúng. Điều đó, mỗi cá nhân và mỗi xã hội phải tự giải quyết lấy cho riêng mình. Hơn nữa, qui tắc không cho một sự chỉ dẫn tin cậy nào cho cách xử sự bình thường về kinh doanh. Không có các qui tắc chung phải đối xử với người, phải cân đối sự lưu tâm đến người khác và đòi hỏi về thành tích kinh doanh ra sao; mỗi người phải tự dàn xếp và sống với các hậu quả.

Những phê phán mà tôi nhận được làm cho tôi nhận thức rõ về vị trí đặc biệt mà tôi đã chiếm giữ như một người tham gia thị trường ẩn danh. Trong suốt cả sự nghiệp của mình, tôi thậm chí đã không tìm được một tổ chức kinh doanh nào để đấu tranh với nó. Tôi đã đơn độc. Tôi đã có thể tập trung vào thị trường mà không rối trí. Tôi đã coi giao thiệp với con người - ở dạng các nhà đầu tư, các đối tác, nhân viên, nhà môi giới - là một sự rối trí. Để thành công trong các thị trường tài chính, người ta cần chuyên tâm về nó. Tôi đã muốn thành công, song tôi đã không sẵn sàng từ bỏ bản sắc riêng của mình để theo đuổi thành công. Đó là lí do vì sao tôi thích giữ cuộc sống kinh doanh và cuộc sống cá nhân của mình một cách tách bạch nghiêm ngặt. Đó cũng là lí do vì sao tôi thiết lập quỹ tài trợ, một khi tôi đã có tiền nhiều hơn số tôi cần cho sử dụng cá nhân của mình. Công thức có kết quả. Tôi thấy, kiếm tiền và cho tiền dễ dàng hơn là đưa những cân nhắc đạo đức vào các hoạt động kiếm tiền của mình. Như tôi đã nói ở nơi khác, tôi trở nên giống như một đường tiêu hoá khổng lồ, nhận tiền vào ở một đầu và đẩy nó ra ở đầu kia.

Chính từ điểm lợi thế này mà tôi đã hình thành quan điểm của mình về vai trò của các thị trường tài chính như một cơ chế hiệu quả nhưng dã man, và tôi tin sự hiểu thấu của tôi có giá trị. Các thị trường tài chính phi đạo đức, và đó là lí do vì sao chúng lại hiệu quả đến vậy trong tập hợp quan điểm của những người tham gia. Chính xác vì phẩm chất đó, chúng không được để cho chịu trách nhiệm quyết định tương lai. Tôi tin sự phân biệt giữa làm luật và chơi theo luật là có hiệu lực; nhưng nó còn xa mới là một chỉ dẫn đạo đức toàn diện. Rất ít người thấy mình có lập trường giống như của tôi, và lập trường của tôi cũng đã thay đổi.

Khi tôi trở thành một nhà từ thiện thực sự, tôi đã kiên quyết giữ các quỹ tài trợ của tôi tách biệt nghiêm ngặt khỏi công việc kinh doanh của tôi như tôi đã giữ với đời tư của tôi. Tôi tin chắc là điều này đóng góp vào thành công của chúng, vì nó cho phép tôi chú tâm vào việc làm từ thiện như tôi đã làm với công việc kinh doanh của mình. Nhưng tôi đã không có khả năng duy trì sự phân li. Các nước mà tôi có quỹ tài trợ cũng rất cần đến đầu tư, như họ cần từ thiện, và sau nhiều tự vấn lương tâm, tôi đã quyết định đầu tư vào Nga. Điều này kéo tôi vào những rắc rối khó lường, như tôi sẽ kể lại ở Chương 9. Đồng thời, các quỹ tài trợ ngày càng dính líu đến các hoạt động kinh doanh, hỗ trợ các tờ báo, xuất bản, các lò ươm doanh nghiệp, Internet, và cho vay cực nhỏ. Những phát triển này buộc tôi phải xem xét lại lập trường của mình. Tôi vẫn ranh mãnh trong việc hoà trộn kinh doanh và từ thiện, nhưng tôi nhận ra rằng điều đó không thể tránh khỏi. Tôi đã có đặc ân để có thể tránh được nó, nếu tôi muốn tránh. Bây giờ tôi chuẩn bị đi xa hơn nữa: Không phải tránh nó. Tôi đã lí luận rằng: Chúng ta không thể hoạt động mà không có chính trị, dẫu cho nó tham nhũng và phi hiệu quả. Cùng lí lẽ đó áp dụng cho trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. Nếu chúng ta không thể tránh hoà trộn kinh doanh với đạo đức (như người tham gia ẩn danh có thể thực hiện trong một thị trường hiệu quả), chúng ta vẫn có thể cố gắng làm tốt việc đó. Kết quả nhất thiết là không thoả mãn: Các doanh nghiệp kinh doanh hẳn có thể đặt trách nhiệm xã hội xuống dưới sự theo đuổi lợi nhuận. Hình ảnh có địa vị cao hơn thực chất, và ngay cả những người có động cơ thật sự cũng buộc phải cho lợi ích kinh doanh của họ một trọng lượng xứng đáng. Nhưng có kết quả nào đó, tốt hơn là không có. Nếu áp lực xã hội khiến các công ti hành động với sự quan tâm lớn hơn đến môi trường hay những cân nhắc xã hội khác, càng nhiều càng tốt - mặc dù chúng ta không thể bỏ qua điều: Các tổ chức bảo vệ môi sinh thường đưa ra những đòi hỏi quá đáng.

Tuy vậy, sẽ là một sai lầm, nếu để các cân nhắc xã hội cho các công ti lo. Các công ti do công chúng sở hữu là các tổ chức có một mục đích - kiếm tiền. Cạnh tranh càng khốc liệt, họ càng ít có khả năng để đi trệch. Những người chịu trách nhiệm có thể là những người có dụng ý tốt và là các công dân ngay thẳng, song phạm vi vận động của họ bị hạn chế nghiêm ngặt bởi địa vị mà họ chiếm. Họ buộc lòng phải giữ vững lợi ích của công ti. Nếu họ nghĩ thuốc lá có hại cho sức khoẻ, hoặc cổ vũ nội chiến để kiếm được đặc nhượng khai mỏ là táng tận lương tâm, họ nên bỏ việc làm của mình. Những người sẵn lòng tiếp tục sẽ chiếm ngay chỗ của họ. Đó là quá trình chọn lọc tự nhiên có hại mà tôi nhắc tới ở trên.

Việc áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng tương tự. Chúng, cũng thế, là các tổ chức có một mục đích không thể li thân khỏi các mục tiêu mà chúng chấp nhận. Trên phương diện nào đó, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ tận tâm đối với mục đích của họ hơn các nhà điều hành doanh nghiệp với lợi nhuận, vì họ cảm thấy mình ở phía các thiên thần, trong khi những người kinh doanh có thể cảm thấy ít chính đáng hơn về các lợi ích kinh doanh của họ. Tôi biết, tôi nói về cái gì, vì tôi là người sáng lập một mạng lưới có lẽ lớn nhất thế giới của các tổ chức phi chính phủ. Tôi nghĩ: Các tổ chức phi chính phủ có thể làm rất nhiều việc tốt để bảo vệ quyền lợi của các khu vực ít được bảo vệ của xã hội, nhưng, so với khu vực kinh doanh, chúng không hề có lợi thế để được giao việc làm qui tắc. Chúng có thể chủ trương một quan điểm cá biệt nào đó, và giới kinh doanh cũng có thể làm vậy, và một chính phủ dân chủ sẽ để mở cho mọi viễn cảnh, nhưng chính các công dân sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Để hoàn thành vai trò như người trọng tài, các công dân phải có khả năng tách mình khỏi vai trò như người tham gia mà lợi ích bị đụng chạm. Điều này dễ thực hiện hơn là bảo các công ti do công chúng sở hữu đặt động cơ lợi nhuận xuống dưới lợi ích công. Như tôi đã nói ở trên, không nhất thiết là tất cả mọi công dân phải tuân theo qui tắc này, chừng nào một số công dân làm như vậy, bất chấp những người khác làm gì. Tôi sẽ chắc chắn tiếp tục làm vậy cho dù những người khác không làm.

Nơi tôi đã sửa đổi lập trường của mình là liên quan đến tinh thần khởi nghiệp xã hội (social entrepreneurship). Tôi đã thường cự tuyệt nó vì bẩm sinh, tôi ghét hoà trộn kinh doanh và từ thiện. Kinh nghiệm đã dạy tôi, tuy vậy, rằng tôi đã sai: Như một nhà từ thiện, tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp xã hội thành công, và tôi tham gia vào vài doanh nghiệp trong số đó. Cuối cùng, tôi phát hiện một sai lầm trong logic của tôi. Không có chuyện lá mặt lá trái, không có trộn lẫn các động cơ trong một doanh nghiệp xã hội vì có sự hoà hợp trách nhiệm xã hội với động cơ lợi nhuận; trong doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận không phải là một động cơ, nó là một phương tiện cho một mục đích. Các doanh nghiệp không vì lợi nhuận đối mặt với một nhiệm vụ khó hơn các doanh nghiệp vì lợi nhuận vì thiếu một tiêu chuẩn đơn lẻ, lợi nhuận, mà theo đó thành tích của nó có thể được đánh giá. Nhưng đó không phải là lí do để e ngại lảng tránh chúng; ngược lại, chúng đặt ra thách thức lớn hơn. Việc từ thiện, công việc xã hội, và mọi dạng can thiệp chính thống bị vấy vào vũng bùn quan liêu. Thế mà có những người sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, những người thực sự chăm lo cho tình trạng xã hội. Tôi đã thay đổi suy nghĩ là tính sáng tạo kinh doanh có thể đạt được cái mà các quá trình quan liêu không thể đạt được. Thí dụ, tôi cho một khoản bảo lãnh 50 triệu $ cho một định chế thế chấp tài chính ở Nam Phi, tổ chức đã tài trợ hơn 100.000 đơn vị nhà ở có giá rẻ. Cho đến bây giờ, không phải dùng đến một xu bảo lãnh nào của tôi, vì định chế được quản lí tốt. Khó khăn là về sự xác lập các thước đo phù hợp cho thành công. Hãy xem việc cho vay cực nhỏ (microlending): Nó là một phương pháp hữu hiệu để xoá đói giảm nghèo. Ngân hàng Grameen và những người ngang hàng của nó đã làm thay đổi bức tranh xã hội của Bangladesh. Phiền nỗi, cho vay cực nhỏ đòi hỏi vốn từ bên ngoài cho sự tăng trưởng. Nếu những tiêu chuẩn thích hợp được phát triển, tôi chắc chắn rằng lĩnh vực này sẽ có thể thu hút được nhiều vốn bên ngoài hơn so với hiện nay. 

Tóm lại, tôi giữ lại sự phân biệt của mình giữa làm luật và chơi theo luật, nhưng tôi xét lại quan điểm cự tuyệt trước đây của mình về doanh nghiệp xã hội.

[10/17]

© 2004 talawas





[1]Chú thích của dịch giả : Tu chính lần thứ Năm của Hiến pháp Hoa Kì, nói về các quyền cá nhân
[2]Người nhậm chức vụ công thường phải đặt các khoản đầu tư của họ vào một trust tù mù.
(Chú thích của dịch giả : Blind trust: nhà đầu tư không hề biết một giao dịch nào; để chính khách tránh xung đột lợi ích).
[3]Chú thích của dịch giả : Lợi nhuận xuất hiện ở dòng cuối của bảng cân đối (theo kế toán quốc tế, và Việt nam).
[4]George Soros, “…No, Keep It Alive to Help the Needy”, The Wall Street Journal (New York), July 14, 2000.
[5]Chú thích của dịch giả : Cơ chế phân quyền để các cơ quan khác nhau có thể kiểm tra lẫn nhau sao cho quyết định được cân đối giảm thiểu sự lạm quyền.
[6]Người ta thường chỉ trích Bill Gates, Chủ tịch Microsoft, vì ông đã không đem biếu nhiều của cải hơn. Họ không nhận ra rằng, những đòi hỏi cấp bách của công việc kinh doanh hút hết năng lực của ông ta. Giờ đây, chiến đấu chống lại phán xét chống độc quyền của Bộ Tư pháp, làm từ thiện là một phần chiến lược kinh doanh của ông ta.

Phần II: Thời điểm hiện tại trong lịch sử

Chương 7: Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu

Bây giờ, chúng ta đến điểm then chốt của vấn đề: Khung khổ lí thuyết trừu tượng mà tôi đã trình bày kĩ lưỡng làm sao có thể soi rọi lên thời điểm hiện tại của lịch sử? Luận điểm của tôi là hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu thịnh hành ngày nay là một dạng bị bóp méo của xã hội mở. Nó tin quá nhiều vào động cơ lợi nhuận và cạnh tranh và không bảo vệ lợi ích chung thông qua ra quyết định hợp tác. Đồng thời, nó để quá nhiều quyền lực vào tay các nhà nước có chủ quyền, thường vượt quá sự kiểm soát dân sự. Những thái quá này phải được sửa chữa với ý thức đầy đủ về tính có thể sai của con người, thừa nhận rằng sự hoàn hảo là không thể đạt được.

Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu được đặc trưng không chỉ bởi thương mại tự do về hàng hoá và dịch vụ mà thậm chí nhiều hơn bởi sự luân chuyển tự do của vốn. Lãi suất, tỉ giá hối đoái, và giá cổ phiếu ở các nước khác nhau có quan hệ mật thiết với nhau, và các thị trường tài chính có ảnh hưởng ghê gớm lên tình hình kinh tế. Căn cứ vào vai trò quyết định mà vốn tài chính quốc tế ảnh hưởng đến vận may của các nước riêng biệt, thích hợp để nói về một “hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu”.

Hệ thống biệt đãi vốn tài chính, vì vốn tự do đến chỗ được thưởng công nhiều nhất. Điều này đến lượt nó lại dẫn đến sự tăng trưởng nhanh của các thị trường tài chính toàn cầu. Kết quả là một hệ thống lưu thông khổng lồ, hút vốn vào các định chế và thị trường tài chính ở trung tâm, sau đó bơm nó đến ngoại vi hoặc trực tiếp, ở dạng tín dụng và đầu tư chứng khoán, hoặc gián tiếp thông qua các công ti siêu quốc gia. Chừng nào hệ thống lưu thông còn cường tráng, nó áp đảo mọi nguồn vốn địa phương. Quả thực, hầu hết vốn địa phương cuối cùng biến thành vốn quốc tế. Vốn mang lại nhiều lợi ích: một sự tăng lên về năng lực sản xuất cũng như cải thiện về phương pháp sản xuất và các đổi mới khác; một sự tăng lên về của cải cũng như cảm giác chung về tiến bộ. Điều này làm cho các nước ganh đua quyết liệt để thu hút và giữ vốn, và nếu họ muốn thành công, họ phải đặt các đòi hỏi của vốn quốc tế lên trên các mục tiêu xã hội khác.

Bản thân hệ thống có sai lầm sâu sắc. Những dàn xếp kinh tế và chính trị không có thứ tự. Sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu đã không khớp với sự phát triển của một xã hội toàn cầu. Đơn vị cơ bản của đời sống chính trị và xã hội vẫn là nhà nước quốc gia. Nhà nước quốc gia đã có khả năng thực hiện một số các dịch vụ xã hội nào đó cho công dân; năng lực làm như vậy của nó bị việc đánh thuế vốn gây khó khăn và áp lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế làm suy yếu. Nhưng nhà nước đã không lu mờ đi với tư cách là nguồn quyền lực tối thượng; nó chỉ ngưng là nguồn chủ yếu về phúc lợi. Trên nhiều phương diện, đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh: Mức thuế ở các nhà nước phúc lợi đã là quá cao, và thương mại và di chuyển vốn tự do hơn mang lại những lợi ích to lớn; nhưng nhiều nhu cầu xã hội trước kia được nhà nước quốc gia bảo đảm, nay trở nên không thoả mãn.

Quan hệ giữa trung tâm của hệ thống tư bản chủ nghĩa và ngoại vi của nó cũng bất bình đẳng sâu sắc. Các nước ở trung tâm hưởng quá nhiều lợi thế so với ngoại vi. Họ không chỉ giàu có hơn mà cũng ổn định hơn vì họ điều khiển được vận mệnh riêng của mình. Sở hữu nước ngoài về vốn tước mất tính tự trị của các nước ngoại vi và thường cản trở sự phát triển của các định chế dân chủ. Dòng chảy quốc tế về vốn chịu những gián đoạn thảm khốc. Hệ quả là, khó bảo toàn vốn ở ngoại vi hơn ở trung tâm, và các nhà tư bản ở ngoại vi có khuynh hướng tích tụ vốn ở nước ngoài. Đôi khi dòng chảy ngược vượt quá di chuyển ra. Sự cách biệt mang tính tích luỹ, và những bất lợi dồn tích lại cho các nước ngoại vi do là thành viên của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu có thể đôi khi vượt quá các lợi ích.

Thậm chí, những rắc rối trở nên sâu sắc hơn. Các định chế quốc tế để giữ gìn hoà bình giữa các quốc gia và pháp trị trong phạm vi các nước không xứng đáng với nhiệm vụ. Sự thiếu cấu trúc định chế này có thể cuối cùng sẽ gây ra sự tan rã của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Nếu có khi nào nền kinh tế toàn cầu vấp ngã, áp lực chính trị có thể xé nó tan tành. Điều đó đã xảy ra trước đây. Kiếp trước của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu, một thế kỉ trước, đã bị Chiến tranh Thế giới I và các cuộc cách mạng tiếp đó phá huỷ. Mặc dù tôi không tiên đoán chiến tranh thế giới, tôi phải chỉ ra rằng những tiến bộ công nghệ từ khi đó đã tăng khả năng phá huỷ của chúng ta mà không có sự cải thiện tương ứng về các dàn xếp an ninh.

Phê phán của tôi với hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu được liệt vào hai tiêu đề chính. Một, liên quan đến các sai sót của cơ chế thị trường, chủ yếu là tính bất ổn định gắn sẵn vào các thị trường tài chính quốc tế. Thứ hai, liên quan đến những thiếu sót của khu vực phi thị trường, trước hết là thất bại của chính trị ở mức quốc gia và quốc tế. Những thiếu sót của khu vực phi thị trường có ảnh hưởng nhiều hơn các sai sót của cơ chế thị trường.

Ba chương đầu trong Phần II (các Chương 7-9) dành hết cho các nhược điểm của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu, ba chương cuối (các Chương 10-12) dành cho sự tạo lập một xã hội mở toàn cầu. Chương này cung cấp phân tích chung về hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu theo ánh sáng của khung khổ lí thuyết được xác lập trước đây. Chương 8 phân tích khủng hoảng tài chính 1997-1999. Chương 9 khảo sát cách hệ thống tư bản chủ nghĩa đối xử với sự sụp đổ của hệ thống Soviet. Chương 10 đề xuất một kiến trúc tài chính mới có thể làm cho hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu ổn định và công bằng hơn. Chương 11 thảo luận một trong những thử thách khắc nghiệt nhất đối mặt với chúng ta ở thời điểm hiện tại của lịch sử - cụ thể là, sự ổn định của vùng Balkan. Nếu chúng ta không thể khắc phục vấn đề đó phù hợp với các nguyên lí của xã hội mở, thì chẳng có mấy ý nghĩa trong việc thảo luận các nguyên lí như vậy một cách trừu tượng. Chương 12 chuyển từ cái cá biệt sang cái chung và tìm cách phát triển một cấu trúc chính trị phù hợp với xã hội mở toàn cầu.

Điều khốn khổ với thời điểm hiện nay của lịch sử là nó không đứng yên. Chúng ta sống trong một thời kì bất cân bằng động, trong đó, nhịp độ thay đổi là rất nhanh. Tháng Mười Một 1998, khi cuốn sách đầu của tôi đưa vào nhà in, hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu có vẻ cứ như thể sắp tan rã đến nơi. Hai năm sau khủng hoảng 1997-1999, xem ra hầu như giống một kí ức xa xôi. Không phải không thích đáng, bởi vậy, xem các phần khác nhau được viết khi nào. Chương này có xuất xứ từ một bài báo viết tháng Hai 1997 đăng trong The Atlantic Monthly, nên phần nhiều được viết ở thời điểm trước khủng hoảng; các đoạn sau của chương này và Chương 8 được viết đầu 1998 và được cập nhật đúng khi khủng hoảng đến gần đỉnh điểm vào mùa thu 1998. Tôi đã thử đặt khủng hoảng vào khung cảnh của mô hình boom-bust của tôi, và các sự kiện không dùng những tiên đoán của tôi, thường chứng minh chúng là không có căn cứ. Tuy vậy, nhằm giữ tính xác thật của phân tích ban đầu, tôi đã không xét lại các tiên đoán của mình, tuy nhiên, tôi cho phép mình đưa ra những xét lại làm sáng tỏ và trau chuốt các lí lẽ ban đầu. Nơi quan điểm của tôi đã thay đổi, tôi nói như thế một cách rõ ràng, sao cho độc giả có thể theo dõi sự tiến triển về các ý tưởng của tôi. Tôi đã không cảm thấy bị ràng buộc tương tự ở phần còn lại của cuốn sách; như thế các Chương 9-12 đã được xét lại hoàn toàn hay chứa nội dung hoàn toàn mới.


Một đế chế trừu tượng

Câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời là: Liệu có một thứ gì được xem như là hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu hay không. Câu trả lời của tôi là có, nhưng nó không là một thứ. Chúng ta có một xu hướng bẩm sinh để vật hoá hay nhân cách hoá các quan niệm trừu tượng - nó được cấy vào trong ngôn ngữ của chúng ta - và làm như thế có thể có các hậu quả không tốt. Các khái niệm trừu tượng có cuộc sống riêng của chúng, và thật quá dễ để rời sang đường sai và trở thành rất xa thực tế; thế mà chúng ta không thể tránh nghĩ dưới dạng trừu tượng, vì thực tại đúng là quá phức tạp để có thể hiểu được hoàn toàn. Đó là lí do vì sao các ý tưởng lại đóng vai trò quan trọng như vậy trong lịch sử - quan trọng hơn là chúng ta nhận ra.

Sau khi đã cảnh báo chống vật hoá, bây giờ tôi sẽ tiến hành việc đó. Hệ thống tư bản chủ nghĩa có thể so sánh với một đế chế toàn cầu hơn về tầm phủ của nó so với bất kể đế chế trước đây nào. Nó thống trị toàn bộ một nền văn minh, và những người ở ngoài bức tường của nó được coi là những kẻ man rợ. Nó không phải là một đế chế lãnh thổ, vì nó thiếu chủ quyền và mọi cạm bẫy của nó; quả thực chủ quyền quốc gia là hạn chế chính lên quyền lực và ảnh hưởng của nó. Cho nên đế chế hầu như vô hình, không có cơ cấu hình thức.

Phép tương tự đế chế là thích hợp, vì hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu cai trị những người thuộc về nó - và không dễ không tham gia. Hơn nữa, nó có một trung tâm và ngoại vi giống mọi đế chế khác, trung tâm được lợi với phí tổ của ngoại vi. Quan trọng nhất, chủ nghĩa tư bản toàn cầu biểu lộ các xu hướng bành trướng. Còn xa mới tìm kiếm cân bằng, nó khăng khăng xâm chiếm. Nó không thể ngồi yên chừng nào còn có các thị trường và nguồn lực chưa được hợp nhất vào hệ thống. Khi tôi nói về “bành trướng”, tôi không chỉ muốn nói về mặt địa lí mà cả ở phạm vi và ảnh hưởng của nó. Đây là một cách nói khác rằng: Các giá trị thị trường đang mở rộng thế lực của nó sang các lĩnh vực hoạt động mà trước đây được các giá trị phi thị trường cai trị.

Mặc dù phép tương tự đế chế là phù hợp, nó cũng nguy hiểm. Thế thống trị của các giá trị thị trường đã gây ra sự phản đối mãnh liệt từ các giới khác nhau - dân tộc chủ nghĩa, tôn giáo, văn hoá, và trí thức. Người ta nói về vài loại chủ nghĩa đế quốc. Đối với tai người Mĩ và Châu Âu, có thể nghe như phá hoại, nhưng quan trọng là phải hiểu được xúc cảm đằng sau nó. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu trông và cảm thấy có vẻ rất khác ở ngoại vi so với ở trung tâm.

Ngược với thế kỉ thứ mười chín, khi chủ nghĩa đế quốc đã bành trướng lãnh thổ theo nghĩa đen ở dạng các thuộc địa, hệ thống tư bản toàn cầu đương thời hầu như hoàn toàn mang tính phi lãnh thổ - thận chí ngoài lãnh thổ. Các lãnh thổ được các nhà nước cai trị, và nhà nước thường gây trở ngại cho sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản. Điều này đúng ngay cả với Hoa Kì, nước tư bản nhất trong các nước tư bản. Hệ quả là, sở hữu vốn có xu hướng ra hải ngoại.

Hệ thống tư bản toàn cầu có bản chất tài chính thuần tuý, và không ngạc nhiên khi thấy chức năng mà nó phục vụ là kinh tế: sản xuất, tiêu thụ, trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Phải hết sức lưu ý rằng: Trao đổi bao hàm không chỉ hàng hoá và dịch vụ, mà cả các yếu tố sản xuất nữa. Như Marx và Engels đã chỉ ra khoảng 150 năm trước, hệ thống tư bản chủ nghĩa biến đất đai, lao động, và vốn thành hàng hoá. [1] Khi hệ thống bành trướng, chức năng kinh tế trở nên chế ngự cuộc sống của người dân và các xã hội. Nó thâm nhập các lĩnh vực trước kia không được coi là kinh tế - văn hoá, chính trị, y học, giáo dục, và luật học. Tất nhiên, ảnh hưởng quá mức của tiền chẳng có gì mới cả. Có lẽ thí dụ đầu tiên đã là khi Moses trở về từ Núi Sinai và đập tan các tấm bia lề luật vào lúc phát hiện ra rằng người dân bắt đầu tôn sùng Moloch [2] khi ông vắng mặt.

Bất chấp bản chất phi lãnh thổ của nó, hệ thống có một trung tâm và ngoại vi. Mặc dù vị trí chính xác của trung tâm là mơ hồ, vì mục đích thực tiễn nó được đồng nhất với Hoa Kì và ở mức độ ít hơn với Châu Âu, và Nhật Bản điềm tĩnh ở đâu đó giữa trung tâm và ngoại vi. Trung tâm là nhà cung cấp vốn; ngoại vi là người sử dụng vốn. Trung tâm cũng là người định hướng, nhà đổi mới, và phòng thanh toán bù trừ cho thông tin. Đặc điểm quan trọng nhất của trung tâm là nó điều khiển các chính sách kinh tế của riêng mình và nắm trong tay vận mệnh kinh tế của các nước ngoại vi. Điều này có thể đúng ngay cả nếu giả như không có những khác biệt lớn về của cải và phát triển giữa trung tâm và ngoại vi. Thí dụ, trong Hệ thống Tiền tệ Châu Âu, Đức đã là trung tâm; sau thống nhất nước Đức, Bundesbank đã tăng lãi suất vì các lí do trong nước và đẩy nhào các nước ngoại vi vào suy thoái. Nhưng tất nhiên, trong nội bộ hệ thống tư bản toàn cầu có những khác biệt khổng lồ về của cải và phát triển.


Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương