VĂn phòng quốc hộI


Nghị viện châu Âu (European Parliament - EP)



tải về 1.07 Mb.
trang17/30
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích1.07 Mb.
#11692
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   30

2. Nghị viện châu Âu (European Parliament - EP)


Trước Nghị viện châu Âu có Quốc hội tư vấn của châu Âu và sau này là Quốc hội chung Cộng đồng châu Âu với tên mới là Nghị viện châu Âu (EP).

Nghị viện châu Âu được bầu trực tiếp trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ là 5 năm theo quy định của Hiệp ước và Định ước 1976. Nhiệm kỳ đầu tiên của Nghị viện châu Âu được bầu trực tiếp bắt đầu từ 1979. Nghị viện họp mỗi tháng 1 phiên toàn thể tại Strasbourg và các cuộc họp toàn thể khác ở Bruxelles.

Nghị viện châu Âu Khóa IV bắt đầu từ 1/1/1995 có 626 nghị sĩ và mỗi nghị sĩ có một dự bị (Suppléant), trong đó có 567 nghị sĩ được bầu trực tiếp và 59 nghị sĩ được cử của các quốc gia thành viên mới là Áo, Thụy Điển và Phần Lan trong khi chờ bầu cử khóa mới.

Số thành viên của Nghị viện được phân bổ theo tỉ lệ dân số. Liên bang Đức 99; Pháp, Italia, Vương quốc Anh mỗi nước có 87; Tây Ban Nha 64; Hà Lan 31; Bỉ, Hy Lạp mỗi nước có 25; Thụy Điển 22; Áo 21; Đan Mạch 16; Phần Lan 16 và Luxembourg 6 nghị sĩ 7.



2.1. Cơ cấu tổ chức chính trị của Nghị viện châu Âu:

2.1.1. Chủ tịch Nghị viện châu Âu

Bộ máy lãnh đạo Nghị viện: Gồm Chủ tịch Nghị viện, 14 Phó Chủ tịch và 5 Quản trị viên.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, các Phó Chủ tịch và các Quản trị viên được bầu theo thể chức bỏ phiếu kín. Để trở thành ứng cử viên vào các chức vụ trên các nghị sỹ phải được một nhóm chính trị hoặc ít nhất 29 nghị sĩ giới thiệu, khi bầu những chức vụ này nói chung có tính tới sự đại diện chính đáng của các quốc gia thành viên và các xu hướng chính trị.

Vai trò và Chức năng của Chủ tịch Nghị viện: điều khiển toàn bộ hoạt động của Nghị viện, toàn quyền trong việc chủ trì các cuộc thảo luận. Trong một cuộc thảo luận Chủ tịch Nghị viện chỉ có thể phát biểu để giới thiệu vấn đề và dẫn dắt trở lại vấn đề. Nếu Chủ tịch muốn tham gia thảo luận thì phải rời khỏi vị trí Chủ tịch và chỉ trở lại vị trí này khi cuộc thảo luận về vấn đề kết thúc. Chủ tịch Nghị viện đại diện cho Nghị viện trong quan hệ quốc tế, tư pháp, tài chính và điều hành về hành chính. Chủ tịch Nghị viện có thể ủy nhiệm các quyền này. Chủ tịch xem xét báo cáo của Hội đồng châu Âu; Phê chuẩn lễ tuyên thệ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (Theo Hiệp ước Maastricht); Tiếp nhận và giải quyết những kiến nghị của công dân châu Âu về các vấn đề có liên quan đến thể chế.

Quy trình bầu Chủ tịch Nghị viện: Các ứng cử viên được giới thiệu vào chức vụ này trước các vòng bỏ phiếu phải gặp gỡ nghị sĩ có thâm niên lâu nhất của nghị viện để nghị sĩ này cung cấp cho họ những kiến thức về Nghị viện. Trong trường hợp qua 3 vòng bầu không ứng cử

viên nào nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu, thì 2 ứng cử viên nhận được nhiều phiếu nhất ở vòng ba sẽ lọt vào vòng 4, nếu ở vòng cuối này cả 2 đều nhận được số phiếu ngang nhau thì ứng cử viên nhiều tuổi hơn sẽ được tuyên bố trúng cử. Khi đã bầu xong thì nghị sĩ thâm niên cao nhất nhượng lại quyền điều hành cho Chủ tịch mới và chỉ Chủ tịch được bầu mới có quyền đọc diễn văn khai mạc nhiệm kỳ nghị viện mới.



Vai trò và Chức năng của Phó Chủ tịch: Một trong các Phó Chủ tịch Nghị viện có thể thay thế Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt hoặc khi Chủ tịch tham gia thảo luận.

Các Phó Chủ tịch được bầu ra theo nguyên tắc chọn theo thứ tự 14 ứng cử viên nhận được nhiều phiếu nhất.



Vai trò và Chức năng của Quản trị viên: đảm nhiệm những công việc hành chính và tài chính liên quan trực tiếp tới các nghị sĩ theo những chỉ thị của Văn phòng.

Năm Quản trị viên cũng được bầu ra theo như quy chế bầu Phó Chủ tịch.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 5 Quản trị viên là 2 năm 6 tháng (một nửa nhiệm kỳ của Nghị viện).

Vai trò - Chức năng của Văn phòng:

+ Quyết định những vấn đề tài chính, tổ chức và hành chính liên quan tới các nghị sĩ, tổ chức nội bộ của Nghị viện, Ban thư ký của Văn phòng và các cơ quan của nó.

+ Thiết lập cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký và quy định liên quan tới địa vị hành chính và tiền lương của các viên chức.

+ Có quyền cho phép các cuộc họp của các Ủy ban ngoài khu vực làm việc quy định, để các báo cáo viên diễn thuyết cũng như tiến hành các chuyến thăm nghiên cứu, thông tin.

+ Cử Tổng Thư ký và có thể giao cho một hoặc một số thành viên của Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ chung hay đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nghị viện hoặc của Văn phòng và đồng thời cũng ấn định thể thức thực hiện những nhiệm vụ này.

Văn phòng sẽ hoạt động cho tới phiên khai mạc của Nghị viện mới.



2.1.2. Hội nghị các Chủ tịch

Gồm Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch các Nhóm Chính trị, và 2 đại diện (không có quyền biểu quyết) của các nghị sĩ không thuộc các Nhóm Chính trị.

Phương pháp làm việc: Hội nghị luôn cố gắng để đạt được một sự thống nhất về những lĩnh vực mà Hội nghị họp bàn. Trong trường hợp không thể đạt được sự thống nhất thì sẽ tiến hành bỏ phiếu và nghiêng về lá phiếu có trọng lượng tùy theo số lượng thành viên của từng Nhóm Chính trị.

Vai trò - Chức năng của Hội nghị Chủ tịch:

+ Quyết định về tổ chức công việc và về những vấn đề liên quan tới việc lập chương trình làm luật của Nghị viện.

+ Có thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc về quan hệ với các cơ quan khác của Liên minh châu Âu, với Nghị viện các Quốc gia thành viên cũng như với các nước, các cơ chế và tổ chức ngoài Cộng đồng.

+ Lập chương trình nghị sự trong thời kỳ Nghị viện họp toàn thể.

+ Có thẩm quyền đối với vấn đề thuộc về thành phần và quyền hạn của các Ủy ban và các Ủy ban điều tra lâm thời cũng như của các Phái đoàn thường trực và lâm thời.

+ Kiến nghị với Văn phòng những vấn đề hành chính và ngân sách của các nhóm chính trị.



2.1.3. Hội nghị Chủ tịch các ủy ban (20 ủy ban) gồm Chủ tịch các Ủy ban thường trực và lâm thời, Chủ tịch Hội nghị do các thành viên bầu ra.

Chức năng: Đề đạt những khuyến nghị với Hội nghị Chủ tịch về vấn đề thuộc công việc của các Ủy ban và việc lập chương trình nghị sự cho thời gian họp toàn thể; Đảm nhiệm một số nhiệm vụ mà Hội nghị Chủ tịch ủy nhiệm.



2.1.4. Hội nghị Chủ tịch các Phái đoàn gồm tất cả Chủ tịch các Phái đoàn quan hệ liên nghị viện thường trực. Chủ tịch đã Hội nghị bầu ra.

Hội nghị có những chức năng tương tự như Hội nghị Chủ tịch các ủy ban.



Phái đoàn quan hệ liên nghị viện:

Trong phiên họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ mới, Nghị viện châu Âu tiến hành bầu các Phái đoàn quan hệ liên nghị viện thường trực với số thành viên được ấn định tuỳ theo chức năng của mỗi Phái đoàn và giữa nhiệm kỳ lại tiến hành bầu lại, các Phái đoàn có một Văn phòng.

Xu hướng chung là thành lập một Ủy ban liên Nghị viện với mục đích tăng cường sự tham gia của nghị viện quốc gia vào quá trình xây dựng châu Âu, nhất là đối với những quyết định lớn như sửa đổi Hiệp ước, Ký kết các hiệp định quốc tế, mở rộng Liên minh, Ngân sách và về những vấn đề thuộc thẩm quyền liên chính phủ như chính sách đối ngoại, an ninh chung và hợp tác trong vấn đề nội vụ và tư pháp.

Như vậy Liên minh châu Âu nói chung, trực tiếp là Nghị viện châu Âu đang phải giải quyết mối quan hệ Liên Nghị viện châu Âu - Quốc gia thành viên, quan điểm chung cho rằng Hiệp ước về Liên minh, về mặt nào đó, vẫn còn có những hạn chế về dân chủ và cần chọn những giải pháp mới. Như vậy có thể dẫn tới hình thành một thể chế mới như là Thượng viện trong Nghị viện châu Âu.



2.1.5. Nhóm Chính trị: Tại Nghị viện châu Âu, các Nghị sĩ được tổ chức và ngồi theo Nhóm khuynh hướng Chính trị chứ không theo khuynh hướng quốc gia.

+ Quy định một Nhóm Chính trị phải có ít nhất 29 nghị sĩ nếu họ chỉ thuộc một quốc gia, 18 nghị sĩ nếu thuộc 3 quốc gia và 14 nghị sĩ nếu thuộc 4 quốc gia trở lên. Mỗi nghị sĩ chỉ được tham gia một Nhóm Chính trị8.

+ Mỗi Nhóm chính trị có Văn phòng riêng của mình và có ngân sách hoạt động.

2.2. Quyền hạn của Nghị viện châu Âu

Theo hiệp ước Maastricht năm 1992 và Hiệp ước Amsterdam năm 1997, Nghị viện châu Âu chuyển từ một nghị viện chỉ có tính chất tư vấn đơn thuần thành một nghị viện lập pháp, tương tự một nghị viện lập pháp quốc gia. Đó là sự thay đổi cơ bản của Nghị viện châu Âu, khác hẳn với hầu hết tổ chức liên nghị viện quốc tế khác.

Theo các Hiệp ước trên thì Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu là hai đối tác bình đẳng, cùng thực thi trách nhiệm của mình theo “chế độ cùng quyết định” (codecision) trong việc thiết lập hệ thống pháp luật của Liên minh và trong nhiều vấn đề quan trọng khác của Liên minh. Nghị viện châu Âu chỉ có 3 quyền hạn chính: lập pháp, thông qua ngân sách và giám sát. Trong đó quyền lập pháp là quan trọng hơn cả.

2.2.1. Quyền hạn về lập pháp

Quy trình làm luật ở Nghị viện châu Âu phải trải qua nhiều bước trao đổi ý kiến ở tiểu ban dự thảo, các Ủy ban chuyên trách, các nhóm chính đảng, ban hòa giải và thông qua tại Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện.

Một đạo luật có thể phải trải qua 3 vòng thảo luận để tiến tới thông qua. Một đạo luật chỉ có hiệu lực khi nó được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện.

Nghị viện châu Âu thông qua các luật liên quan đến các lĩnh vực như sự di chuyển tự do về lao động, thiết lập thị trường nội địa, nghiên cứu và phát triển kỹ thuật và công nghệ, môi trường, giáo dục, văn hóa và y tế...

Việc kết nạp thành viên mới vào Liên minh hay việc gia nhập các tổ chức quốc tế, ký kết các điều ước quốc tế đều phải được chấp thuận của Nghị viện.

Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, Nghị viện châu Âu chỉ có quyền đưa ra ý kiến, những định hướng chính sách của mình để Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan liên quan tham khảo. Ví dụ như chính sách thuế hóa, giá cả nông phẩm, vấn đề an ninh, nhân quyền, toàn cầu hóa...



2.2.2. Quyền về Ngân sách

Phê chuẩn ngân sách của Liên minh sau khi đã cùng Hội đồng lập dự toán ngân sách hoặc có thể bác bỏ dự toán ngân sách (như trường hợp dự toán ngân sách cho năm tài chính 1980, 1985).



2.2.3. Quyền giám sát

Kiến nghị bãi nhiệm Ủy ban châu Âu; Triệu tập Toà án châu Âu nếu như Ủy ban và Hội đồng Bộ trưởng châu Âu không đưa ra được quyết định cần thiết về một vấn đề quan trọng; Sử dụng quyền chất vấn bằng văn bản hay bằng phát biểu trong các cuộc thảo luận đối với Ủy ban và Hội đồng và các Bộ trưởng Ngoại giao tại các cuộc họp bàn trong khuôn khổ hợp tác chính trị; Yêu cầu Ủy ban báo cáo về những dữ liệu mà Nghị viện nêu lên; Ủy ban Chính trị của Nghị viện tổ chức 3 tháng một hội thảo chuyên đề với Chủ tịch về hợp tác chính trị; giám sát việc thực hiện ngân sách.



2.3. Quan hệ giữa Nghị viện châu Âu với các thể chế khác của EU

2.3.1. Bổ nhiệm Ủy ban châu Âu:

Bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Sau khi Chính phủ các nước thành viên thảo luận và giới thiệu bổ nhiệm người vào chức Chủ tịch Ủy ban, Chủ tịch Nghị viện mời ứng cử viên được giới thiệu đó thuyết trình trước Nghị viện. Tiếp theo thuyết trình là một cuộc thảo luận với sự tham gia của Hội đồng. Đề nghị bổ nhiệm có thể được chấp thuận hay bác bỏ bằng đa số phiếu bầu của Nghị viện. Kết quả bầu sẽ được Chủ tịch Nghị viện chuyển cho chủ tịch Hội đồng và Chính phủ các nước thành viên với danh nghĩa là ý kiến của Nghị viện. Nếu Nghị viện có ý kiến không ủng hộ đối với đề nghị bổ nhiệm thì Chủ tịch Nghị viện mời Chính phủ các nước rút đề nghị của họ và giới thiệu một ứng cử viên mới.



Bỏ phiếu chấp thuận Ủy ban châu Âu:

Khi Chính phủ các nước đã đồng ý về những chính khách mà họ dự kiến sẽ bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban, Chủ tịch Nghị viện sau khi đã tham khảo ý kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ mời các ứng cử viên này trình bày ý kiến trước các Ủy ban khác nhau của Nghị viện tùy theo lĩnh vực hoạt động mà họ có thể đảm nhận. Các Ủy ban có thể yêu cầu ứng cử viên diễn giải hoặc trả lời các câu hỏi về những vấn đề Ủy ban quan tâm. Ủy ban sẽ gửi kết luận về cuộc gặp này lên Chủ tịch Nghị viện. Chủ tịch Ủy ban châu Âu trình bày chương trình của Ủy ban tại phiên họp của Nghị viện mà các thành viên của Hội đồng cũng được mời tham dự. Tiếp đó sẽ có cuộc thảo luận về chương trình công tác đó. Trong kết luận của cuộc thảo luận, tất cả các Nhóm chính trị có thể nêu ra một đề nghị có tính nghị quyết ghi nhận:

- Nghị viện chấp thuận hoặc bác bỏ việc bổ nhiệm Ủy ban.

- Hoãn việc thông qua đến phiên họp sau để Nghị viện xử lý những vấn đề còn bảo lưu nảy sinh từ cuộc thảo luận.

Nghị viện tiến hành bầu, phê chuẩn việc bổ nhiệm Ủy ban với đa số phiếu. Nếu Nghị viện chấp thuận bổ nhiệm Ủy ban thì Chủ tịch Nghị viện thông báo cho chính phủ các nước thành viên biết là việc bổ nhiệm Ủy ban có thể được thực hiện.

Kiến nghị bãi miễn Ủy ban châu Âu:

Nhóm Nghị sĩ chiếm 10% tổng số nghị sĩ của Nghị viện có thể đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện kiến nghị bãi miễn Ủy ban châu Âu. Kiến nghị này sẽ được chuyển cho Ủy ban. Chủ tịch Nghị viện sẽ thông báo kiến nghị này cho tất cả các nghị sĩ và sau khi thông báo 24 giờ sẽ tổ chức thảo luận về kiến nghị tại Nghị viện và tiến hành bỏ phiếu về việc bãi miễn sau ít nhất là 48 giờ thảo luận.

Kiến nghị bãi miễn chỉ có giá trị khi được thông qua với đa số 2/3 số phiếu bầu và với sự có mặt của đa số Nghị sĩ. Thông báo về kết quả bỏ phiếu sẽ được chuyển cho Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu được thể hiện rõ trong quyền hạn và chức năng của Nghị viện giám sát mọi hoạt động của Ủy ban:

Ủy ban chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động của mình trước Nghị viện, Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng châu Âu cũng như trước các cơ quan hợp tác chính trị. Hàng năm Ủy ban phải đệ trình “Báo cáo tổng kết về hoạt động của Cộng đồng châu Âu và “Chương trình làm việc hằng năm” lên Nghị viện để Nghị viện thảo luận về Báo cáo này trong phiên họp công khai. Quan hệ thường xuyên giữa hai Thể chế còn được thể hiện thông qua hình thức chất vấn các ủy viên Ủy ban bằng văn bản hay trực tiếp về các vấn đề mà các Nghị sĩ quan tâm.

Các quan chức cao cấp của Ủy ban không chỉ thường xuyên tham dự các phiên họp toàn thể của Nghị viện mà còn luôn có mặt tại các cuộc họp của các Ủy ban là nơi khởi đầu các cuộc đối thoại giữa hai Thể chế.



2.3.2. Nghị viện và Hội đồng Bộ trưởng

Theo tập quán, khi bắt đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trình bày chương trình hành động của mình tại Nghị viện và khi kết thúc nhiệm kỳ báo cáo Nghị viện kết quả công tác của mình.



Quan hệ về ngân sách:

Hội đồng yêu cầu Ủy ban chuẩn bị một bản sơ thảo dự kiến ngân sách, trên cơ sở sơ thảo này Hội đồng lập một bản dự kiến ngân sách và chuyển cho Nghị viện xem xét và cho ý kiến. Nghị viện có thể chấp thuận hoặc chuyển cho Hội đồng bản dự kiến đã sửa đổi. Đối với những khoản chi tiêu bắt buộc thì Nghị viện chỉ có thể trình lên Hội đồng những đề nghị sửa đổi, nhưng trong trường hợp những chi tiêu không bắt buộc thì Nghị viện có quyền sửa đổi. Hội đồng xem xét bản dự kiến ngân sách mới mà Nghị viện chuyển cho và tự quyết định đối với những sửa đổi của Nghị viện về những chi tiêu bắt buộc, còn những sửa đổi khác phải chuyển lại Nghị viện bản dự kiến ngân sách thứ 2. Giai đoạn cuối Nghị viện có thể sửa những thay đổi của Ủy ban đối với những sửa đổi lần thứ nhất của Nghị viện. Kết thúc quá trình này Nghị viện là cơ quan quyết định cuối cùng về ngân sách.



Quan hệ về xây dựng pháp luật:

Nghị viện cho ý kiến về đề nghị Dự án luật do Ủy ban soạn thảo, sau đó Hội đồng xác định “quan điểm chung” bằng đa số phiếu về Dự án Luật này.

Văn bản Dự án của Hội đồng được trình lên Nghị viện và tại đây Dự án có thể được chấp thuận, sửa đổi hay bác bỏ.

Trong trường hợp Nghị viện thông báo cho Hội đồng ý kiến bác bỏ “quan điểm chung” của Hội đồng thì Hội đồng có thể triệu tập một Ủy ban hòa giải (gồm thành viên Hội đồng và Nghị viện) để tìm kiếm sự ủng hộ. Nếu Nghị viện khẳng định bác bỏ “quan điểm chung” thì Dự án sẽ không được thông qua.

Đối với những sửa đổi Dự án luật của Nghị viện, Hội đồng có thể:

+ Chấp thuận những sửa đổi đó và như vậy văn bản được thông qua;

+ Nếu Hội đồng không đồng ý với sửa đổi của Nghị viện thì phải đi đến một quá trình hòa giải ở Ủy ban hòa giải. Nếu không đạt được sự đồng ý chung thì văn bản không được thông qua.

Để tránh việc không chấp thuận trong giai đoạn hòa giải, cần dự kiến một văn bản thứ 3. Hội đồng có thể khẳng định bằng đa số phiếu tuyệt đối của mình về quan điểm chung.

Nghị viện phối hợp cùng Hội đồng quyết định việc ký các hiệp ước gia nhập Liên minh hay các hiệp định liên kết với các nước ngoài Liên minh. Hội đồng chỉ được ký các hiệp ước này sau khi có ý kiến của Nghị viện.

2.3.3. Nghị viện và Hội đồng châu Âu

Chủ tịch Nghị viện châu Âu tham dự các cuộc gặp Thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu. Hội đồng châu Âu trình bày báo cáo về mỗi cuộc họp này trước Nghị viện cũng như báo cáo hàng năm của mình về những tiến triển của Liên minh. Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện thông báo cho Hội đồng quan điểm của Nghị viện về những vấn đề lớn của Liên minh.



2.4. Nghị viện châu Âu và Nghị viện quốc gia thành viên

Mối quan hệ thông tin thường xuyên giữa Nghị viện châu Âu và nghị viện các quốc gia do Văn phòng đại diện của Nghị viện châu Âu đặt tại thủ đô các nước thành viên đảm nhiệm. Trong cơ cấu tổ chức của hầu hết các nghị viện quốc gia đều có một cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu và cung cấp cho các Nghị sĩ những thông tin về hoạt động của Liên minh châu Âu, đặc biệt là về các phiên họp, các nghị quyết của Nghị viện châu Âu. Về nguyên tắc pháp lý, Luật châu Âu có ưu thế so với Luật quốc gia, và một trong những nhiệm vụ của Nghị viện các Quốc gia là phải làm cho Luật của Quốc gia phù hợp với Luật châu Âu, vì vậy luôn có yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu với cơ quan lập pháp của các Quốc gia thành viên.

Từ 1989 hình thành Hội nghị các cơ quan chuyên trách trong các vấn đề của Cộng đồng (COSAC), đây là nơi tiếp xúc, thông tin và phản ảnh giữa các nghị sĩ châu Âu và đại diện của nghị viện các quốc gia. COSAC họp ba tháng một lần với các Đoàn Nghị viện quốc gia, mỗi đoàn có 16 đại biểu và 6 nghị sĩ châu Âu, địa điểm họp luân phiên ở thủ đô các nước thành viên đảm nhiệm chức Chủ tịch EU. Hiện nay COSAC chỉ đơn thuần là một diễn đàn. Cùng với việc tăng cường vai trò của Nghị viện châu Âu, xuất hiện một xu thế đòi hỏi cải cách quy chế của COSAC sao cho diễn đàn này không chỉ là những cuộc thảo luận theo kiểu kinh viện mà các nghị sĩ sẽ tranh luận những vấn đề cụ thể liên quan tới quá trình xây dựng châu Âu và đưa ra những kết luận có giá trị pháp lý.

Như vậy, hiện nay trên thế giới đã hình thành khá nhiều tổ chức liên nghị viện, kể cả Liên minh Nghị viện Thế giới thì tổng số lên tới 28 tổ chức.

Các tổ chức liên nghị viện đều có chính cương điều lệ, có cơ cấu tổ chức riêng của mình và mang những đặc thù của từng khu vực khác nhau. Báo cáo nghiên cứu này tập trung đề cập tới 7 tổ chức tiêu biểu mà Quốc hội ta là thành viên hoặc tham gia nhiều hoạt động. Trừ Nghị viện châu Âu, các tổ chức liên minh nghị viện hoặc liên minh nghị sĩ đều được tổ chức và hoạt động như diễn đàn của các vị nghị sĩ - đại biểu của nhân dân, của các quốc gia nhằm:

- Phát triển tình hữu nghị, sự hợp tác giữa các nghị viện thành viên thông qua việc xây dựng mối quan hệ trực tiếp giữa các nghị sỹ các nước và giữa các nghị viện của các quốc gia khác nhau.

- Góp phần trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề có ý nghĩa khu vực và toàn cầu, bảo đảm cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân được thể hiện trong quá trình này.

- Cùng phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy nền dân chủ, tiến hành trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan lập pháp.

- Phấn đấu vì lý tưởng chung: gìn giữ hòa bình, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị, quan hệ hợp tác và sự phát triển vững bền.

Thông qua cơ chế liên nghị viện, xu thế liên kết khu vực được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Châu Phi là một ví dụ cụ thể: Liên nghị viện châu Phi đã góp phần thúc đẩy sự hình thành Liên minh châu Phi (AU) mà tiền thân của nó là Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU). Đối với các nước Đông Nam Á, AIPO tuy được thành lập sau ASEAN nhưng đã có những đóng góp lớn lao cho quá trình liên kết khu vực. Nghị viện châu Âu là một cơ chế lập pháp khu vực đặc thù do nhân dân các quốc gia thành viên trực tiếp bầu lên. Nghị viện châu Âu có quyền hạn về lập pháp thông qua việc xây dựng một số luật chung theo từng lĩnh vực cho cả khối Liên minh châu Âu. Ngoài ra Nghị viện châu Âu cũng có quyền về giám sát và ngân sách.

Về cơ bản, Nghị viện châu Âu chủ yếu hoạt động theo xu hướng chính trị chung của Liên minh, không dựa trên đặc thù quốc gia. Vì vậy Nghị viện châu Âu vừa hoạt động với vai trò như một cơ quan lập pháp của một “Đại quốc gia” và có vai trò như một cơ chế bảo đảm cho sự hợp tác liên khu vực được mạnh mẽ và hiệu quả hơn.


Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung
2011 -> VIỆt nam asean tự HÀo về những thành tựu của mìNH

tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương