MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI



tải về 76.18 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích76.18 Kb.
#18173

CSDL PICMS Thông tin Hỏi – đáp phục vụ ĐBQH của Phòng Thông tin, Trung tâm Thông tin – TV – NCKH, Văn phòng Quốc hội


MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA VÀ TRUY TỐ
ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Do những đặc điểm tâm sinh lý, trình độ, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta có những quy định đặc biệt để áp dụng riêng đối với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội.


Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26-11-2003 và có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2004 (sau đây viết tắt là BLTTHS) đã dành toàn bộ Chương XXXII - Phần thứ bảy quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trên cơ sở kế thừa những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 29-6-1988, đồng thời có một số bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin trình bày một số quy định về hoạt động điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên phạm tội của BLTTHS và những vấn đề có liên quan.

1. Người tiến hành tố tụng

ở giai đoạn điều tra, truy tố, người tiến hành tố tụng được hiểu là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên.1 Theo quy định tại khoản 1 Điều 302 của BLTTHS thì đối với các vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải là những người có những tiêu chuẩn nhất định; cụ thể họ phải là những người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như­ về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của ng­ười ch­ưa thành niên. Những tiêu chí này là những điều kiện cần thiết để Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể hiểu và có những phương pháp phù hợp khi tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, bảo đảm nguyên tắc “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”.2

2. Những vấn đề phải chứng minh

Ngoài những vấn đề bắt buộc phải chứng minh đối với các vụ án hình sự nói chung, theo quy định tại khoản 2 Điều 302 của BLTTHS thì khi tiến hành điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên cần phải xác định rõ các vấn đề


sau đây:

- Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên;

- Điều kiện sinh sống và giáo dục;

- Có hay không có người đã thành niên xúi giục;

- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

2.1. Việc xác định tuổi của bị can trước hết có thể căn cứ vào các giấy tờ ghi nhận ngày tháng năm sinh của bị can. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã tiến hành thu thập tài liệu nhưng vẫn không xác định được tuổi của bị can thì việc xác minh phải được thực hiện tại nơi bị can cư trú. Trong trường hợp bị can khai đã cư trú ở các địa phương (cấp xã, phường) khác nhau thì việc xác minh phải được tiến hành tại tất cả các địa phương đó và việc xác minh phải được lập thành biên bản có chứng nhận của uỷ ban nhân dân hoặc công an cấp xã.3

Trong trường hợp cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát đã áp dụng mọi biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày tháng sinh của bị can thì về nguyên tắc chung phải áp dụng cách xác định theo hướng có lợi cho bị can; cụ thể:

- Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can;

- Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can;



- Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can.4

2.2. Việc xác định trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can có ý nghĩa quan trọng để đánh giá trách nhiệm hình sự của bị can đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, trên cơ sở đó có những quyết định phù hợp. Việc xác định những vấn đề này có thể thực hiện thông qua việc lấy lời khai của cha mẹ của bị can, những người đã từng là thầy giáo, cô giáo của bị can cũng như bạn bè, người thân của họ, nhận xét của địa phương nơi bị can cư trú. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tâm lý của người chưa thành niên để xác định chính xác khả năng nhận thức của người chưa thành niên phạm tội.

2.3. Để xác định điều kiện sinh sống và giáo dục của bị can là người chưa thành niên, trước hết, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần thu thập những tài liệu về hoàn cảnh gia đình của bị can như nghề nghiệp, trình độ học vấn, lối sống của cha, mẹ của người chưa thành niên, sự quan tâm của họ đối với con cái, tình trạng kinh tế gia đình của người chưa thành niên. Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần xác định rõ trình độ học vấn của người chưa thành niên. Đối với trường hợp khi phạm tội, người chưa thành niên đang còn đi học thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần thu thập kết quả học tập của họ, xác định thái độ của người chưa thành niên trong việc học tập thông qua các đánh giá của nhà trường, thầy cô giáo và các bạn học của người chưa thành niên.

2.4. Việc xác định có hay không có người đã thành niên xúi giục cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội là những vấn đề quan trọng, làm cơ sở cho việc đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà người chưa thành niên đã thực hiện, từ đó đề ra những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tái phạm. Để có kết luận về những vấn đề này, trong quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần làm rõ việc phạm tội của người chưa thành niên có người khác dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo, giúp sức hay không, động cơ của việc phạm tội cũng như những tác động tiêu cực do hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, học tập, quan hệ bạn bè đối với việc phạm tội của họ.

3. Các biện pháp ngăn chặn

Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS bao gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.5 Tuỳ theo tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân của bị can, bị cáo, các biện pháp ngăn chặn này có thể được áp dụng đối với cả trường hợp người phạm tội là người đã thành niên và trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên ở các giai đoạn tố tụng nhằm bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật về tố tụng hình sự cũng có những quy định riêng biệt để áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên.

3.1. Đối với các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, ngoài những yêu cầu chung quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của BLTTHS, theo quy định tại Điều 303 của BLTTHS và những quy định có liên quan thì việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên được thực hiện như sau:

- Biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, chỉ có thể được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi, bắt, tạm giữ, tạm giam chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp họ phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

- So sánh với quy định của BLTTHS năm 1988 trước đây, Điều 303 của BLTTHS hiện hành đã quy định bổ sung khoản 3, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, ng­ười đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà BLTTHS cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.



- Người chưa thành niên phải được giam, giữ ở khu vực riêng; không được giam, giữ người chưa thành niên chung với người đã thành niên.6

3.2. Về việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, mặc dù BLTTHS không có quy định cụ thể để áp dụng riêng đối với trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên; tuy nhiên, ở giai đoạn điều tra, truy tố, khi áp dụng biện pháp này Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần lưu ý các quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Bộ luật dân sự về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên. Hiện nay, Bộ tư pháp đang phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm trong tố tụng hình sự. Theo tinh thần của Dự thảo thì đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 15 tuổi thì việc đặt tiền, tài sản để bảo đảm do người đại diện hợp pháp của họ quyết định. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài sản riêng thì có thể tự mình quyết định việc đặt tiền, tài sản để bảo đảm; nếu những người này không có tài sản riêng thì việc đặt tiền tài sản do người đại diện hợp pháp của họ quyết định.7

3.3. Ngoài các biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với cả trường hợp người phạm tội là người thành niên và trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, theo quy định tại Điều 304 của BLTTHS thì khi tiến hành điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát còn có thể giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ, hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Ng­ười được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ ng­ười ch­ưa thành niên, theo dõi t­ư cách, đạo đức và giáo dục ng­ười đó.

Việc giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát có thể được xem là một biện pháp ngăn chặn đặc biệt, chỉ được áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên. Mục đích của quy định này không chỉ nhằm bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo là người chưa thành niên khi cơ quan tiến hành tố tụng cần triệu tập, mà còn nhằm nâng cao trách nhiệm của cha, mẹ, người đỡ đầu của người chưa thành niên trong việc giáo dục, giúp đỡ con em họ sửa chữa sai lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo tinh thần quy định tại Điều 304 của BLTTHS thì việc giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát do cơ quan tiến hành tố tụng chủ động áp dụng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, có thể theo đề nghị của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của người chưa thành niên, cũng có thể do cơ quan tiến hành tố tụng tự áp dụng. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định giao việc giám sát người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của người chưa thành niên thì cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ không có quyền từ chối. Nếu cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của người chưa thành niên không hoàn thành nghĩa vụ theo quy định tại Điều 304 nêu trên và người chưa thành niên không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng thì tuỳ từng trường hợp cụ thể cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nghiêm khắc hơn.

BLTTHS không quy định cụ thể trường hợp nào thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định việc giao người chưa thành niên cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát; tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này, cơ quan tiến hành tố cần xem xét, đánh giá về các vấn đề sau đây:

- Thứ nhất, cần xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà người chưa thành niên đã thực hiện cũng như nhân thân của họ.

- Thứ hai, cần xem xét khả năng của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của người chưa thành niên trong việc giám sát, giáo dục và bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

4. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa

Trong những vụ án mà người phạm tội là người chưa thành niên thì việc tham gia tố tụng của người bào chữa là bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với những trường hợp khi phạm tội, người phạm tội là người chưa thành niên nhưng khi khởi tố, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì không bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa.8 Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của BLTTHS thì người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc bào chữa viên nhân dân.9 Việc tham gia tố tụng của người bào chữa có thể theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.10 Trong trường hợp người bào chữa tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của BLTTHS.

4.1. Về việc xác định những trường hợp cụ thể nào có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi thấy rằng cần cân nhắc một số vấn đề sau đây:



a. Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Luật sư được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25-7-2001 và có hiệu lực kể từ ngày 01-10-2001 thì “Công ty luật hợp danh... không được thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng”. Như vậy, theo quy định này thì có thể hiểu các luật sư là thành viên của công ty luật hợp danh không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa nói chung và là người bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Ngày 29-6-2006, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua Luật Luật sư (Luật này có hiệu lực từ ngày 01-1-2007) thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001. Theo tinh thần quy định của Luật này thì người có đủ tiêu chuẩn để trở thành luật sư, đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và đã gia nhập một đoàn luật sư đều có thể hành nghề luật sư trong các lĩnh vực mà luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó là thành viên đã đăng ký.11 Như vậy việc luật sư nào có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa không phụ thuộc vào việc họ hành nghề trong công ty luật hợp danh, văn phòng luật sư hay hành nghề với tư cách cá nhân. Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi này là hợp lý; tuy nhiên trong khi Luật Luật sư chưa có hiệu lực thi hành thì việc xác định luật sư nào có thể tham gia tố tụng để bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội cần tuân thủ quy định tại Điều 19 Pháp lệnh luật sư năm 2001nêu trên.

b. Theo quy định tại khoản 3 Điều 139 của Bộ luật dân sự thì “Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền”; điều này có thể hiểu là “người đại diện hợp pháp” là người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật dân sự thì “... Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó”. Như vậy, trong tố tụng hình sự không có người đại diện theo uỷ quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà chỉ có người đại diện của những người này theo pháp luật.12 Việc xác định trường hợp nào là đại diện theo pháp luật của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 141 của Bộ luật dân sự; cụ thể họ có thể là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

c. Về “bào chữa viên nhân dân”, cho đến nay chưa có một văn bản nào chính thức quy định hoặc giải thích về những tiêu chuẩn của người được công nhận là “bào chữa viên nhân dân”. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng thì bào chữa viên nhân dân cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề này. Về những tiêu chuẩn để có thể được công nhận là bào chữa viên nhân dân, chúng tôi đề nghị cân nhắc và thể hiện trong dự thảo thông tư liên tịch một số tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Là thành viên của một tổ chức của Mặt trận tổ quốc Việt Nam;

- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực;

- Có kiến thức pháp lý;

- Có sức khoẻ để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ;

- Không thuộc một trong các trường hợp không được bào chữa quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 của BLTTHS.

4.2. Về việc nhờ hoặc cử người bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, theo quy định tại Điều 305 của BLTTHS thì:

“1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

2. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.”

a. Đối với trường hợp người chưa thành niên, người đại diện hợp pháp của họ nhờ luật sư, người đại diện hợp pháp tự bào chữa cho người mà họ đại diện cũng như trường hợp luật sư được cử bào chữa cho người chưa thành niên thì việc xem xét và cấp giấy chứng nhận người bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 56 của BLTTHS.

b. Đối với trường hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, chúng tôi thấy rằng có một số vấn đề cần được cân nhắc như sau:

- Thứ nhất, cần cân nhắc việc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân như thế nào là hợp lệ. Chúng tôi cho rằng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được hiểu là do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cử bào chữa viên nhân dân, còn đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận cần được hiểu là Ban lãnh đạo của tổ chức đó (như Ban chấp hành Đoàn thanh niên..., Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ) đại diện cử bào chữa viên nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần có hướng dẫn về việc tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ được cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức đó còn những trường hợp khác phải do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cử.

- Thứ hai, chúng tôi cho rằng không phải tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận đều có thể cử bào chữa viên nhân dân; bởi lẽ, người được làm bào chữa viên nhân dân cũng cần có những tiêu chuẩn nhất định như chúng tôi phân tích ở điểm c mục 1 phần này; do đó, cần có hướng dẫn cụ thể các tổ chức thành viên nào của Mặt trận có thể cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Việc đề nghị cử bào chữa viên nhân dân chỉ nên được thực hiện đối với các tổ chức thành viên có điều kiện và khả năng thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.

- Thứ ba, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho thành viên của tổ chức mình mà không quy định Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp nào được cử bào chữa viên nhân dân. Hiện nay, chúng ta có bốn cấp hành chính: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tương ứng với các cấp hành chính thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng có bốn cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để bào chữa viên nhân dân có thể thực hiện tốt việc bào chữa thì cần có hướng dẫn là các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nói riêng chỉ đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp cử bào chữa viên nhân dân; đồng thời cũng chỉ chấp nhận bào chữa viên nhân dân do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp trở lên giới thiệu hoặc tự cử.

5. Việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trư­ờng, tổ chức

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải được tiến hành thận trọng nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của họ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 306 của BLTTHS thì trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, việc tham gia tố tụng của đại diện gia đình ngư­ời bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trư­ờng, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi ng­ười bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Cho đến nay, mặc dù chưa có văn bản giải thích chính thức “đại diện gia đình” của người chưa thành niên phạm tội là ai; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khái niệm “đại diện gia đình” trong điều luật này được hiểu rộng hơn khái niệm “người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên”, không chỉ bao gồm cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên mà còn có thể là anh, chị, ông, bà, cô, dì, chú, bác hoặc những người thân thích khác của họ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 306 của BLTTHS thì: “Trong trư­ờng hợp người bị tạm giữ, bị can là ngư­ời từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là ngư­ời ch­ưa thành niên có như­ợc điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những ngư­ời này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ tr­ường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi ngư­ời bị tạm giữ, bị can nếu đ­ược Điều tra viên đồng ý; đ­ược đ­ưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra”. So sánh với quy định tại khoản 2 Điều 276 của BLTTHS năm 1988, khoản 2 Điều 306 của BLTTHS hiện hành đã có sự bổ sung, quy định cụ thể hai trường hợp bắt buộc phải có mặt đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can đó là: trường hợp ng­ười bị tạm giữ, bị can là ngư­ời từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và trường hợp người bị tạm giữ, bị can là ngư­ời ch­ưa thành niên có như­ợc điểm về tâm thần. Đối với hai trường hợp này, nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can mà không có mặt đại diện gia đình của họ thì có thể bị coi là đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, ngoài hai trường hợp nêu trên, việc xác định trường hợp nào là “trường hợp cần thiết khác” phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Qua những trình bày trên đây, có thể thấy rằng hoạt động điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên phạm tội được BLTTHS điều chỉnh bằng nhiều quy định riêng biệt liên quan đến những đòi hỏi đối với người tiến hành tố tụng, những yêu cầu phải chứng minh trong vụ án, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc tham gia tố tụng của người bào chữa, của gia đình, nhà trư­ờng và các tổ chức xã hội. Cùng với yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định của BLTTHS, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề còn chưa rõ để việc vận dụng các quy định này bảo đảm thống nhất trong thực tiễn.



Thụy Phương

1 Điều 33 BLTTHS

2 Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự

3 Xem Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 20-6-1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về lý lịch của bị can, bị cáo". (Cho đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc thi hành Điều 302 Bộ luật tố tụng năm 2003; tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại Điều 9 và khoản 4 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Thông tư liên ngành số 03/TTLN vẫn có thể được vận dụng trong thực tiễn).

4 Xem điểm 11 Công văn 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 của Toà án nhân dân tối cao "Giải đáp các vấn đề
nghiệp vụ".

5 Điều 79 BLTTHS.

6 Điều 15 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07-11-1998 của Chính phủ "Ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam".

7 Điều 7 Dự thảo Nghị định của Chính phủ "Quy định việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm".

8 Điểm a mục 3 phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.

9 So sánh với quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì khoản 1 Điều 56 BLTTHS quy định bổ sung thêm trường hợp người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ cũng có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ.

10 Điều 57, Điều 305 BLTTHS.

11 Xem Điều 10, Điều 11, Điều 22 Luật Luật sư.

12 Xem hướng dẫn tại tiểu mục 1 muc I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự”.





tải về 76.18 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương