Phát triển các hình thức liên doanh với nước ngoài trong sản xuất hàng xuất khẩu ở Nghệ An MỞ ĐẦU


Sự cần thiết phát triển các hình thức LDVNN trong sản xuất hàng xuất khẩu ở Nghệ An



tải về 1.54 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.54 Mb.
#24490
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

2.2.1. Sự cần thiết phát triển các hình thức LDVNN trong sản xuất hàng xuất khẩu ở Nghệ An

Tuy Nghệ An là một tỉnh có tiềm năng và triển vọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu về nông sản, hải sản, vật liệu xây dựng chăn nuôi như phần 2.1.1 đã trình bày, nhưng SXHXK vẫn kém phát triển, kim ngạch xuất khẩu vẫn rất thấp, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người chỉ đạt 12 -14 USD/ người/ năm, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.

Xét về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản, hải sản thô vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu (trên 90%). Nhưng các mặt hàng này cũng manh mún, phân tán, không ổn định. Ngoài các mặt hàng lạc vỏ có kim ngạch xuất khẩu trên 5 triệu USD. Các mặt hàng còn lại chỉ có giá trị từ một đến vài trăm triệu Đô la, có mặt hàng chỉ đạt từ 30 - 50.000 USD.

Một số mặt hàng trước đây có kim ngạch xuất khẩu hàng năm tương đối lớn như mặt hàng hoa quả, ớt bột, kê, dược liệu nhưng sau khi thị trường các nước XHCN Đông Âu sụp đổ đã không còn "đầu ra" để duy trì sản xuất. Tỷ lệ giá trị xuất khẩu của các mặt hàng chế biến, hàng tiểu thủ công nghiệp và các mặt hàng công nghiệp khác rất nhỏ. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ở Nghệ An tăng chậm và thiếu ổn định.



Về thị trường xuất khẩu, sau khi mất thị trường các nước XHCN Đông Âu, các mặt hàng xuất khẩu ở Nghệ An chủ yếu chỉ tập trung ở một số nước ở khu vực Châu Á như Singapo, Thái Lan, Inđonêxia, Philipin, Lào, Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... Các thị trường còn lại tỷ lệ không đáng kể và hầu như phải xuất khẩu gián tiếp qua các công ty trung gian như Xigapore, Hồng Công [72, tr. 3-8].

Bảng 2.2: Tình hình xuất khẩu của Nghệ An từ năm 1991-1998

Đơn vị: 1.000 USD

Danh mục

1991

1993

1995

1997

1998

1. Kim ngạch xuất khẩu

6.852

12.165

21.090

29.932

42.621

- Các mặt hàng chính
















- Lạc nhân quy vỏ

8.700

14.598

21.032

14.500

33.852

- Chè đen và chè xanh




626

1.025

1.500

1.800

- Thịt đông lạnh (tấn)

422

696

418

735

941

- Thịt trâu bò sống (tấn)




3.681

500

700

300

- Hải sản và các loại (tấn)

112

151

298

657

1.040

- Cà phê (tấn)




100

114

4.372

405

- Sản phẩm dệt kim (sản phẩm)




1.014

2.401

2.337

1.173

- Sản phẩm gỗ mỹ nghệ (sản phẩm)










1.400

1.495

- Gỗ thành khí (m3)




365

5.689

3.000

2.265

2. Phân theo nhóm hàng
















- Hàng công nghiệp nhẹ và TTCN

570

1.200

5.000

4.700

4.200

- Hàng nông sản

5.802

9.768

10.304

18.843

28.081

- Hàng lâm sản




365

972

2.890

3.760

- Hàng thủy sản

480

819

1.700

2.500

5.600

- Dịch vụ các loại




13

3.114

99

980

3. Phân theo một số thị trường chính
















- Thị trường Đông Nam Á

165

5.697

2.663

3.134

18.530

- Châu Á khác

1.390

2.166

5.634

8.797

13.500

- Đông Âu




297

730

1.064

336

- Châu Âu khác

416

1.184

553

492

967

4. Các nước còn lại

4.881

2.821

11.510

16.445

9.288

Nguồn: Sở thương mại Nghệ An 1999

Với những bất cập giữa tiềm năng, triển vọng và thực trạng SXHXK như vậy nên việc phát triển mạnh các hình thức LDVNN trong SXHXK ở Nghệ An hết sức cần thiết bởi các lý do sau:



Một là, các hình thức LDVNN nhằm bổ sung một lượng vốn cần thiết cho đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa nói chung và sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng với mục tiêu thực hiện CNH, HĐH kinh tế tỉnh nhà.

Với mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Nghệ An thời kỳ 2001 - 2005 từ 9,5 - 10,5% và thời kỳ 2006 - 2010 từ 8,5 - 9,5%. Trong đó nông nghiệp tăng từ 4 - 4,5%; công nghiệp 15-18%; dịch vụ từ 10 - 11%; xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 180 triệu USD, năm 2010 đạt 320 triệu USD, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở Nghệ An bình quân hàng năm khoảng 560 triệu USD, trong đó dự kiến vốn thu hút từ bên ngoài vào chiếm 60% [85, tr. 57-58] và (phụ lục 1).

Nhưng trong thực tế hiện nay, nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương rất hạn chế. Theo số liệu thống kê, nguồn thu của các ngân sách địa phương từ các loại thuế và phí trên địa bàn hàng năm chỉ đạt từ 450 - 550 tỷ đồng, trong khi đó nguồn chi của ngân sách lại rất lớn, chỉ riêng cho hành chính sự nghiệp hàng năm đã từ 600 - 700 triệu đồng [21, tr. 84].

Khả năng tự đầu tư của các doanh nghiệp cả trong và ngoài quốc doanh cũng không đáng kể:

- Về doanh nghiệp nhà nước, qua 3 đợt sắp xếp, giải thể, sát nhập và cơ cấu lại, đến năm 1998 có 138 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp công ích. Quy mô vốn bình quân là từ 3 đến 4 tỷ đồng nhưng phần lớn là những tài sản cố định như nhà cửa, kho tàng, phương tiện chưa khấu hao hết không có khả năng phát huy hiệu quả. Phần còn lại nằm trong công nợ. Số nợ lũy kế của doanh nghiệp hiện nay là 56,3 tỷ đồng và số nợ khó đòi là 69 tỷ đồng [69]. Hệ thống doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Nghệ An, tuy số lượng đông nhưng đa số là các hộ tiểu thương, các hợp tác xã, các cửa hàng vàng bạc, các sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu rất ít, vốn bình quân của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trừ một số công ty trách nhiệm hữu hạn có đăng ký vốn từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng) đại đa số còn lại đều có vốn đăng ký từ 50 đến 200 triệu đồng [35, tr. 12].

Vì vậy, có thể nói rằng khả năng tự đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất và chế biến của hệ thống doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu ở Nghệ An hầu như rất nhỏ.



Bảng 2.3: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh (1996-1998)

Loại hình doanh nghiệp

1996

1997

1998

Doanh nghiệp quốc doanh

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh



21.369

9.009


20.031

-------


8.731

-------


Nguồn: Cục Thống kê Nghệ An 1999.

Vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước hoặc vay thương mại của nước ngoài, tuy rất cần thiết nhưng với lãi suất hiện nay, bình quân từ 7 - 10%/năm và thời hạn trả nợ từ 8-10 năm, số lãi và gốc hàng năm từ 15-20% trên tổng mức đầu tư là một gánh nặng, rất ít có dự án nào có thể chịu nổi.

Hai là, Việc thu hút các LDVNN trong SXHXK nhằm du nhập giống, du nhập các quy trình công nghệ sinh học để đầu tư tăng năng suất sản lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông lâm hải sản Nghệ An.

Như phần trên đã đề cập, các điều kiện về tự nhiên đất đai, khí hậu, mặt biển và các diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An rất tiềm tàng để phát triển các mặt hàng xuất khẩu nông lâm hải sản nhưng do thiếu vốn đầu tư, thiếu các loại giống cây con có năng suất cao và các quy trình chăm bón tiên tiến nên sản lượng thấp, chất lượng kém đặc biệt là giá thành cao. Kết hợp với việc thiếu thị trường tiêu thụ ổn định nên giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này hàng năm manh mún, thiếu mặt hàng chủ lực. Vì vậy việc phát triển các hình thức LDVNN nhất là LD với những đối tác ở các quốc gia có kinh nghiệm về việc sản xuất và có thị trường tiêu thụ các mặt hàng này sẽ là điều kiện nhằm tăng khả năng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm hải sản.



Ba là, Các LDVNN trong SXHXK góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu ở Nghệ An.

Một trong những hạn chế lớn làm cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở Nghệ An thiếu ổn định, đó là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Nghệ An thì giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản thô và nguyên liệu chiếm 90%, tỷ lệ các mặt hàng chế biến và dịch vụ là rất nhỏ. Nguyên nhân của nó là do thiếu máy móc, thiết bị, thiếu công nghệ và những quy trình chế biến hàng xuất khẩu có hiệu quả.

Vì vậy giải pháp cần thiết cho việc tăng nhanh và ổn định kim ngạch xuất khẩu ở Nghệ An là việc tiến hành các hình thức LDVNN để xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các dây chuyền công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu theo hướng sau.

- Tăng nhanh tỷ trọng các mặt hàng chế biến nông sản hải sản như chế biến lạc, vừng, đậu, mía, ngô, sắn, chè, cà phê...

- Thu hút các hình thức LD để cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư và mở rộng thị trường để xuất khẩu các loại vật liệu xây dựng như xi măng, đá trắng, đá ốp lát..

- Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như các ngành dệt, may, dày da...

- Khôi phục lại các ngành nghề truyền thống như các ngành tiểu thủ công nghiệp, các ngành sản xuất mỹ nghệ..

- Hướng tới việc phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động trí tuệ như ngành điện tử, tin học phần mềm...



Bốn là, Phát triển các hình thức LDVNN tạo điều kiện phục hồi và tận dụng những cơ sở vật chất, thiết bị đã được đầu tư ở một số doanh nghiệp Nghệ An để đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.

Bằng các nguồn vốn khác nhau, một số doanh nghiệp Nghệ An trước đây đã được đầu tư các dây chuyền thiết bị như nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan, nhà máy thuộc da... nhưng do thiếu đổi mới mẫu mã sản phẩm, thiếu thị trường và tổ chức sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, giá thành cao nên sản phẩm không xuất khẩu được, sản xuất bị đình đốn. Các nhà máy này nếu có được đối tác liên doanh để đổi mới mẫu mã quy cách sản phẩm, tăng thêm vốn lưu động và mở rộng thị trường tiêu thụ sẽ tận dụng được những năng lực sản xuất sẵn có như nhà xưởng, mặt bằng đất đai, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã được đào tạo...

Ngoài ra, cũng như các địa phương khác trong cả nước, các hình thức LDVNN còn là những giải pháp hữu hiệu để thực hiện chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo tay nghề cho công nhân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ rủi ro các bạn hàng...

2.2.2. Quá trình hình thành và phát triển các hình thức LDVNN trong SXHXK

2.2.2.1. Hình thức LD theo các hợp đồng hợp tác sản xuất gia công hàng xuất khẩu với các bạn hàng thuộc các nước XHCN trước đây.

 Các hình thức LDVNN trong SXHXK ở Nghệ An đầu tiên được hình thành từ các hình thức hợp tác sản xuất và gia công hàng xuất khẩu với các bạn hàng thuộc các nước XHCN trong Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEP) thông qua các hợp đồng kinh tế của các Tổng công ty xuất nhập khẩu Việt Nam. Ví dụ: Hợp đồng sản xuất gia công hàng Mây Tre đan qua Tổng công ty Mây Tre Việt Nam (Barotex), Hàng thủ công mỹ nghệ qua Tổng công ty Mỹ nghệ Việt Nam (Artimex), hàng nông sản qua Tổng công ty Nông sản Việt Nam (Agrexport)... Bạn hàng ở các nước XHCN theo hợp đồng ứng trước cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An một số vốn nhất định và cung cấp một số mẫu mã và quy cách hàng hóa. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An tiến hành nhập khẩu hoặc mua nguyên liệu trong nước, tổ chức sản xuất với chuyên gia kỹ thuật của nước ngoài và xuất khẩu cho bạn hàng đặt gia công theo giá xuất khẩu đã được các hợp đồng ký kết quy định.

 Với các hình thức này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An từ năm 1987 đến năm 1990 đã sản xuất hàng năm được từ:

- 15.000 - 20.000 m2 thảm len; 200.000 - 300.000 m2 thảm đay; 180.000 - 300.000 m2 thảm cói; 600.000 - 800.000 sản phẩm mây tre đan; 600.000 - 800.000 m2 chiếu chẻ và chiếu xe đan; 5.000 - 10.000 m2 đá ốp lát; 300 - 500 m2 đá Blốc; 30.000 - 50.000 các loại ghế gỗ và ghế mây.



Kim ngạch xuất khẩu thực hiện được:

Năm 1987: 2.503.000 Rúp; Năm 1988: 3.291.000 Rúp; Năm 1989: 3.500.000 Rúp; Năm 1990: 2.300.000 Rúp.



(Nguồn: Công ty SX - DV- XNK hàng thủ công mỹ nghệ Nghệ An 1999)

Cũng theo phương thức này, Liên hiệp công ty xuất nhập khẩu Nghệ An từ năm 1985 - 1988 mỗi năm đã xuất được từ 4.000 ữ 6000 tấn cam và khoảng 2.000 tấn ớt bột sang thị trường Đông Âu.

Thực chất đây là một hình thức LD theo dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh, phía đối tác nước bạn ứng vốn và đảm nhận thị trường tiêu thụ, cung cấp mẫu mã, quy cách sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật. Phía các doanh nghiệp XNK Nghệ Tĩnh đóng góp bằng quá trình sản xuất gia công hàng xuất khẩu.

Nhờ những hình thức hợp tác sản xuất gia công này, ngành ngoại thương Nghệ Tĩnh trong thời gian đó đã tạo được hàng triệu Rúp - USD/ năm cung cấp ngoại tệ cho tỉnh để nhập các loại vật tư, phân bón và lương thực bảo đảm nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Các hình thức LD này cũng đã thu hút được hàng ngàn lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dân cư các vùng trồng đay, trồng cói.



2.2.2.2. Hình thức LDVNN để khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở Nghệ An trong SXHXK

Nghệ An không phải là một tỉnh có nhiều khoáng sản quý dầu mỏ, quặng sắt, quặng đồng, crôm... Nhưng với địa hình phần lớn diện tích đất đai là rừng núi, Nghệ An có nguồn đá vôi, đá xây dựng, đá ốp lát vô tận rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Đặc biệt với 707.125 ha đất có rừng, Nghệ An có nguồn gỗ, song, mây và tre, nứa, mét tương đối lớn cộng với nguồn gỗ của các tỉnh lân cận thuộc các nước bạn Lào, Nghệ An đã trở thành thị trường gỗ và sản phẩm gỗ hấp dẫn cho các công ty Đài Loan, Hồng Công và Nhật Bản.

Năm 1992, với chính sách bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ các nguồn tài nguyên, Nghị định số 18-HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ sơ chế và song mây nguyên liệu. Các công ty của Đài Loan, Hồng Công có công nghệ và có thị trường tiêu thụ nhưng thiếu nguyên liệu. Một số xí nghiệp chế biến gỗ ở Nghệ An có mặt bằng nhà xưởng và lực lượng lao động với chi phí nhân công thấp, tương đối có kinh nghiệm về sản xuất các mặt hàng này, nhưng thiếu công nghệ và thiếu thị trường tiêu thụ.

Từ những năng lực sản xuất và nhu cầu hợp tác của cả hai bên, đồng thời trên cơ sở mối quan hệ làm ăn và hiểu biết lẫn nhau nên các hợp đồng LD và hợp tác sản xuất kinh doanh được hình thành.

a) Năm 1992, xí nghiệp LD chế biến gỗ Nghệ An được thành lập trên cơ sở hợp đồng LD giữa nhà máy gỗ Vinh - thuộc sở Lâm nghiệp Nghệ An và Công ty Her Chuen woodwork. Co. LTD - Taiwan (thường gọi là Công ty Xuân hòa của Đài Loan) theo giấy phép số 466 / GP ngày 19/11/1992 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Sản phẩm của LD là khung cửa, cánh cửa các loại, ván sàn tinh chế, các chi tiết đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ, các chi tiết cầu thang, sản phẩm dùng cho xây dựng, cốt pha, palét, cột điện (phụ lục 4, HĐ1).

Trong năm 1993 phía Việt Nam đã thực hiện góp vốn đầy đủ theo cam kết trong hợp đồng LD (264.800USD/ 258.873USD đạt 102%) và phía Đài Loan chỉ mới góp được 104.900USD/ 259.197 đạt 40,5%, nhưng xí nghiệp vẫn triển khai kinh doanh. Kết quả sản xuất trong năm 1993 là sản xuất và xuất khẩu được 146.000USD, nộp thuế xuất khẩu được 12.200USD. Do năm thứ nhất triển khai sản xuất công suất đạt thấp nên xí nghiệp lỗ 5.300USD tương đương 55 triệu đồng tiền Việt Nam.

Sang năm 1994 hai bên cơ bản đã đóng góp đầy đủ và bắt đầu sản xuất ổn định, nguyên liệu là gỗ Pơmu mua từ Nghệ An và gỗ thông mua từ Lào. Sản phẩm là các loại Palét, khung cửa, các chi tiết của hàng nội thất. Nhưng cơ bản đều dưới dạng gỗ thành khí dài từ 1,2 m đến 2,4 m dày từ 0,1 m trở lên. Giá trị sản lượng xuất khẩu trong năm 1994 của xí nghiệp là 327.000USD, đóng thuế xuất khẩu được 78.700USD, lợi nhuận 66.100USD, tạo được việc làm ổn định cho 87 người với lương bình quân là 42,8USD/tháng.

Năm 1994 và đầu năm 1995 do gian lận thương mại trong việc xuất khẩu gỗ Pơmu nên ban giám đốc xí nghiệp phải ra tòa, bộ máy tổ chức xí nghiệp phải thay đổi nên sản xuất có giảm sút, nhưng xí nghiệp vẫn xuất khẩu được 286.700 USD và có lãi 39.200 USD.

Năm 1996 và năm 1997, xí nghiệp chủ yếu là mua gỗ thông từ các công ty của Lào và từ các đơn vị trong tỉnh có quan hệ buôn bán và xây dựng với Lào và được trả nợ bằng gỗ, làm nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm là 300.000 USD với lợi nhuận hàng năm khoảng 50.000 USD, tạo việc làm cho 98 lao động vơi mức lương bình quân là 48 USD.

Từ năm 1998 trở lại đây, nguồn gỗ ngày càng khó khăn, phía các công ty của Lào trực tiếp xuất khẩu gỗ tròn cho Nhật qua các cảng của Việt Nam tại Nghệ An và Hà Tĩnh, giá gỗ nguyên liệu cao. Trong khi đó giá gỗ thành phẩm trên thị trường xuất khẩu lại giảm (từ 900USD/m3 xuống 600 USD/ m3 FOB Hải Phòng). Xí nghiệp chỉ sản xuất cầm cự với việc gia công cho các công ty của Lào. Năm 1998 giá trị xuất khẩu chỉ đạt 200.000 USD và lợi nhuận giảm xuống 17.600 USD, 6 tháng đầu năm 1999, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 83.000 USD và lỗ 12.880 USD (phụ lục 4, HĐ 1).

Để khắc phục những khó khăn trên, một mặt xí nghiệp LD tăng cường việc thu mua nguồn gỗ từ Lào, nguồn gỗ rừng trồng từ Nghệ An, Hà Tĩnh, mặt khác tăng cường việc gia công hàng xuất khẩu cho các công ty của Lào. Về mặt tài chính để giảm bớt phần tài sản phải tính khấu hao, xí nghiệp đang trình Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An chuyển từ hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (150.000 USD) sang hình thức thuê đất để tính tiền thuê đất hàng năm.

b) Liên doanh giữa Công ty Sản xuất - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu (SX-DV-XNK) hàng thủ công mỹ nghệ Nghệ An và Công ty NEW LUCKY WOODEN Co của Đài Loan.

Công ty SX-DV-XNK hàng thủ công mỹ nghệ trước đây trực thuộc Liên hiệp các Công ty Xuất nhập khẩu Nghệ An chuyên sản xuất gia công hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, song, mây, tre, nứa theo hợp đồng gia công hàng xuất khẩu với các bạn hàng thuộc các nước XHCN Đông Âu. Sau khi Liên xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, công ty phải tìm thị trường xuất khẩu mới để duy trì sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho cán bộ công nhân viên chức. Nhưng do khả năng về công nghệ và trình độ kỹ thuật còn thấp nên chất lượng và mẫu mã của sản phẩm không đáp ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa Công ty SX- DV- XNK hàng thủ công mỹ nghệ Nghệ An và Công ty NEW LUCKY WOODEN Co của Đài Loan với mục đích hợp tác sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ từ gỗ là nhằm đáp ứng yêu cầu về công nghệ và thị trường xuất khẩu cho Công ty SX-DV-XNK hàng thủ công mỹ nghệ và đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu cho phía Công ty NEW LUCKY WOODEN Co Đài Loan.

Thực chất và nội dung của hợp đồng là một hợp đồng LD vì hai bên cùng góp vốn tài sản, cùng tổ chức thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và xuất khẩu (phụ lục 4, HĐ2) nhưng lại được ký kết dưới dạng một hợp đồng kinh tế, mua thiết bị trả chậm và thuê đất đai nhà xưởng, thuê quản lý nên hai bên không làm thủ tục xin giấy phép đầu tư. Công ty SX-DV-XNK hàng thủ công mỹ nghệ chỉ xin UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt hợp đồng kinh tế và xin giấy phép nhập khẩu thiết bị của Bộ thương mại để tiến hành đầu tư



Tình hình thành lập và hoạt động của LD như sau:

Năm 1993, phía Công ty NEW LUCKY WOODEN - Đài Loan cung cấp một dây chuyền đồng bộ về thiết bị cưa, cắt. ngâm, sấy, bào, phay, tiện, đánh bống... với tổng trị giá khoảng 4.400.000 USD. Giá cả thỏa thuận và theo đánh giá của hai bên trên cơ sở giá quốc tế tại thời điểm đó.

Phía Việt Nam cung cấp nhà xưởng, sân bãi và trạm điện với tổng giá trị là 350.000 USD.

Năm 1994 LD bắt đầu tiến hành sản xuất với các loại sản phẩm là đồ gỗ Mỹ nghệ dùng trong gia đình như đĩa, bát, khay, lọ hoa, lọ hương, các loại đồ trang sức phụ nữ với tủ gương kính nhỏ và một ít các loại bàn ghế.

Các sản phẩm nội thất và xây dựng như Lamgi, trần nhà, khung xửa.

Giá trị sản xuất và xuất khẩu các năm như sau:

Năm 1994 -1.000.000USD; Năm 1995 - 1.500.000USD; Năm 1996 - 1.700.000 USD; Năm 1997 - 2.200.000 USD; Năm 1998 - 2.300.000 USD

Sáu tháng đầu năm 1999 chỉ đạt được 711.000 USD do giá gỗ nguyên liệu lên cao.

- Thị trường xuất khẩu: Đài Loan, Nhật và một ít xuất sang Mỹ.

- Các khoản thuế, các khoản nộp ngân sách cho Nhà nước thực hiện nghiêm túc.

- Khấu hao nhà xưởng, tiền thuê đất tính đủ đưa vào giá thành sản phẩm.

- Hoa hồng của phía Việt Nam được hưởng

Năm 1994 - 90.000 USD; năm 1995 - 138.000 USD; năm 1996 - 156.000 USD; năm 1997 - 215.000 USD; năm 1998 - 224.000 USD.

(Toàn bộ số tiền hoa hồng này Công ty SX-DV-XNK hàng thủ công Mỹ nghệ Nghệ An hạch toán chung vào chi phí sản xuất kinh doanh của cả công ty không tách riêng phần lãi của xí nghiệp ra được).

Lao động trực tiếp cho liên doanh: 500 lao động

Với thu nhập bình quân: 600.000đ/ tháng

(Chưa tính khoảng 2000 lao động có tính chất thời vụ).

(Nguồn: Công ty SX-DV-XNK hàng thủ công Mỹ nghệ Nghệ An)

Đây là một hình thức LD không chính thức nhưng tương đối phổ biến vì có những ưu điểm riêng:

- Chủ yếu là các bên tự chịu trách nhiệm với nhau tài sản và vốn đóng góp của các bên là theo yêu cầu của sản xuất. Dự án ít phải qua quá trình thẩm định, xét duyệt và cấp giấy phép nên chi phí đầu tư giảm và rút ngắn thời gian thực hiện.

Do những quy định và ràng buộc của hợp đồng nên thu nhập của các bên tham gia LD hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ, không phân chia theo tỷ lệ đóng góp về vốn và tài sản nên hạn chế được hiện tượng nâng giá các yếu tố đầu vào đồng thời khuyến khích các bên đẩy mạnh sản xuất và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Tuy vậy, hợp đồng LD này có hạn chế: Không thực hiện theo đúng luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nên LD không được thừa nhận một cách chính thức; phía Việt Nam không có điều kiện để tiếp cận thị trường xuất khẩu, không có quy định về chuyển giao công nghệ và nếu có tranh chấp rất khó giải quyết.

c) Cũng theo hình thức này năm 1993, Công ty Dịch vụ ngoại thương và đầu tư chế biến hàng xuất khẩu Nghệ An đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Hữu Nghị Đài Trung (Đài Loan) để thu mua, chế biến và xuất khẩu song mây sơ chế. Hợp đồng đã được triển khai, giấy phép nhập khẩu thiết bị và giấy phép thu mua nguyên liệu đã được duyệt. Phía Đài Loan đã đưa một ít máy móc thiết bị sang và tổ chức sản xuất và xuất khẩu, nhưng sau đó do quy định cấm xuất khẩu song mây sơ chế nên hợp đồng không tiếp tục triển khai.

d) Tháng 11/1993, Công ty Xuất nhập khẩu Nghệ An (Bên A) và Công ty KOIGRACE INTERNATIONAL của Đài Loan (Bên B) đã LD với nhau để thu mua gỗ, tổ chức sản xuất và xuất khẩu các loại ván sàn, cán chổi.

LD hoạt động dưới hình thức xí nghiệp trực thuộc mang tư cách pháp nhân của công ty XNK Nghệ An tương tự như hợp đồng trên.

Tuy nhiên, theo hợp đồng này, lợi nhuận Bên A (phía Việt Nam) chỉ được gói gọn trong 3% giá trị xuất khẩu của sản phẩm (giá FOB Hải Phòng). Trong giá thành sản phẩm đã tính đầy đủ khấu hao nhà xưởng và trụ sở (dưới hình thức tiền thuế), tiền lương công nhân và các loại thuế đối với Nhà nước. Nhưng nếu có rủi ro xảy ra sản xuất không triển khai được thì bên A chỉ chịu một phần tổn thất là không khấu hao được nhà xưởng và các tài sản khác, công nhân mất việc.

Phần lợi nhuận còn lại do bên B hưởng nhưng bên B phải chịu toàn bộ tổn thất xảy ra, tự chịu lỗ hoặc mất vốn.

Thực chất của hợp đồng này cũng là một hợp đồng LD như hợp đồng trên nhưng được ký kết dưới dạng hợp đồng mua bán sản phẩm và hai bên không tiến hành xin giấy phép đầu tư vì tổng vốn đầu tư nhỏ (phía đài Loan chỉ góp vốn 140.000 USD bằng thiết bị và 730 triệu đồng tiền Việt Nam bằng chi phí cải tạo nhà xưởng và các công trình phụ trợ, phía Việt Nam đóng góp bằng 300 m2 nhà xưởng cũ) (phụ lục 4, HĐ3).

- Trong năm 1993, tổng giá trị sản xuất là 2.473.256.624 đ. Phía Công ty Xuất nhập khẩu Nghệ An thu được 39.673.629 đ tiền phí xuất khẩu và 224.774.000 tiền thuê nhà và tài sản cố định.

- Năm 1994, tổng giá trị sản xuất là 2.555.293.000, tiền phí xuất khẩu là 37.759.000, tiền thuê nhà là 95.960.000 đ.

Thực chất của hợp đồng này là phía Đài Loan muốn tranh thủ trong thời gian những quy định của Việt Nam về cấm xuất khẩu gỗ chưa quá nghiêm ngặt để thu mua nguyên liệu gỗ (trong đó có các loại gỗ quý) và chế biến một cách hình thức như ván sàn, cán chổi để xuất khẩu qua biên giới và đưa về nước. Vì vậy sau năm 1996, do nguồn gỗ ở Nghệ An khan hiếm, đồng thời do quy định về cấm xuất khẩu sản phẩm gỗ (trừ sản phẩm mỹ nghệ) của Chính phủ Việt Nam nên phía Đài Loan đã tự động rút về nước và không cần thu hồi số thiết bị nhỏ của mình đã đóng góp.

Năm 1998, để tận dụng mặt bằng nhà xưởng và số thiết bị do phí đài Loan để lại đồng thời để tạo việc làm và tăng thu nhập cho doanh nghiệp và cho người lao động, Công ty XNK Nghệ An đã cho phép xí nghiệp chuyển sang hình thức gia công hàng xuất khẩu cho Công ty MATSUGI CORPORATION của Nhật (phụ lục 4, Hđ3b).

Năm 1998 xí nghiệp sản xuất được 400 m³ sản phẩm với giá trị xuất khẩu (giá FOB Hải Phòng) là 400.000 USD.

Phía Việt Nam được hưởng: 400 m3 x 700.000đ/m3 = 280.000.000đ

+ Năm 1999 xí nghiệp sản xuất được 1.450 m3 sản phẩm với giá trị xuất khẩu là 1.305.000 USD.

Phía Việt Nam được hưởng 1.450 m3 x 700.000đ/m3 = 1.015.000đ

Tạo việc làm ổn định cho hơn 60 công nhân với thu nhập bình quân là 35 USD/ tháng (nguồn: Công ty XNK Nghệ An)

Năm 1998 do mới triển khai hợp đồng mới nên chỉ phát huy được 25% công suất. Sau khi trừ chi phí quản lý, tiền lương công nhân, tiền điện và các loại vật tư phụ tùng thay thế, nếu trích khấu hao thiết bị nhà xưởng đầy đủ thì xí nghiệp lỗ gần 150 triệu. Năm 1999 lãi 300 triệu (vì xí nghiệp không hạch toán độc lập nên chỉ báo cáo doanh thu và chi phí).

e) Với hình thức LD khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở Nghệ An cho SXHXK còn có dự án LD đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh hóa) sản xuất 2 triệu tấn/ năm cho xuất khẩu, trong đó Nghệ An góp 15% vốn bằng nguồn nguyên liệu đá vôi tại vùng núi thuộc Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa khánh thành cuối năm 1999.

Trong năm 1999, giữa Công ty Khoáng sản thuộc Sở Công nghiệp Nghệ An với hai công ty của Nhật là Công ty YBASHI INTERNATIONNAL và Công ty MELWA CORPORATION đã ký hợp đồng LD thành lập công ty LD với tên gọi là: "Công ty khoáng sản Việt Nhật" (VIỆT NAM - JAPAN MINERAL RESOURCE INDUSTRY CORPORATION) với mục tiêu là khai thác chế biến đá vôi trắng cho xuất khẩu, công suất 180.000 m3. Hiện nay dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Ngoài ra còn một số LD khai thác các nguồn khoáng sản ở Nghệ An như xí nghiệp LD khai thác mỏ thiếc ở Quỳ Hợp với Liên Xô cũ. Các xí nghiệp LD với các đối tác Thái Lan, để khai thác đá quý ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn trước đây nhưng thời gian tồn tại ngắn, doanh thu bán hàng thu ngoại tệ không đáng kể nên tác giả không phân tích cụ thể.



2.2.2.3. Hình thức LDVNN với mục đích chuyển giao thiết bị và công nghệ trong SXHXK

Nghệ An là một tỉnh đông dân, nhưng sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp, các ngành nghề khác kém phát triển, lao động thiếu việc làm nhất là khu vực thành phố. Giá trị sản xuất hàng xuất khẩu thấp, nhất là các mặt hàng của ngành công nghiệp và chế biến. Các mặt hàng xuất khẩu có thể thu hút được nhiều lao động như dệt, may, giày da rất cần thiết phát triển nhưng thiếu công nghệ và thiếu thị trường tiêu thụ, nên chưa có dự án triển khai. Đảng bộ và Chính quyền Nghệ An thường xuyên quan tâm đến việc phát triển sản xuất các mặt hàng này ở khu vực thành phố Vinh và các thị trấn tập trung đông dân cư.

Nắm được yếu tố này, Công ty INTERNATIONAL SCHUH - MASHINE TRADE & SEVICE Gmbh (gọi tắt là Công ty ISMC), một công ty con làm nhiệm vụ dịch vụ và thương mại của tập đoàn INTERNATIONAL SCHUH - MASHINEN Co. Gmbh của Đức đang rất cần thay đổi thế hệ công nghệ sản xuất giày da đã có từ năm 1938, với sự môi giới của Liên hiệp hỗ trợ và phát triển khoa học công nghệ (gọi tắt là STD Hà Nội) Công ty ISMC đã tiếp xúc với công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt An (Công ty SX - XNK Việt An) thuộc Ban tài chính quản trị tỉnh ủy Nghệ An, một công ty thành lập từ năm 1992 chủ yếu là kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu, kinh doanh khách sạn và dịch vụ.

Công ty ISMC đã đưa một chương trình LD cả gói bao gồm 3 hợp đồng cụ thể như sau:



Hợp đồng thứ nhất: Hợp đồng LD ký ngày 02 tháng 09 năm 1996 giữa công ty SX - XNK Việt An thuộc Ban tài chính quản trị tỉnh ủy Nghệ An và công ty ISMC. Năm 1998 công ty này phá sản chuyển giao lại cho Công ty EPC EUROPEAN PROJECT COMPANY Gmbh (gọi tắt là Công ty EPC) cũng là một Công ty con của Tập đoàn INTERNATIONAL SCHUH - MASHINEN Co. Gmbh của Đức.

Nội dung hợp đồng này là hai Bên cùng đóng góp và tài sản để đầu tư thành lập công ty LD Giày da Việt Đức (gọi tắt là công ty Liên doanh). Với ngành nghề là sản xuất giày da xuất khẩu, công suất là 300.000 đôi/năm theo chất lượng mẫu mã của Đức.

Tổng vốn đầu tư là 5.340.000 DM trong đó, chi phí xây dựng trụ sở nhà máy và các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản khác khoảng 600.000 DM do Công ty công ty SX - XNK Việt An tự vay để thực hiện.

- Chi phí mua sắm dây chuyền thiết bị và các chi phí chuyển giao công nghệ, chuyển giao thị trường, đào tạo công nhân...là 4.240.000 DM. Phía Công ty ISMC (sau này là Công ty EPC) đóng góp 30% số chi phí này, còn lại là do Công ty SX - XMK Việt An đóng góp.

- Phần còn lại là vốn lưu động, do Công ty LD trực tiếp vay khi triển khai sản xuất (phụ lục 4, HĐ 4a).

Hợp đồng thứ hai: Hợp đồng mua bán thiết bị (ký ngày 15/12/1998).

Nội dung của hợp đồng là công ty EPC do ông Tilo Ulmer giám đốc điều hành của Công ty EPC (đồng thời là phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty LD) và Công ty LD do ông Hoàng Đức Ái Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty LD (đồng thời là giám đốc Công ty SX - XNK Việt An) thống nhất mua và bán một dây chuyền thiết bị làm giày, công suất 300.000 đôi/năm với giá trọn gói là 4.240.000DM.

Trong đó giá thiết bị cộng chi phí vận chuyển đường biển và bảo hiểm là 2.400.000 DM, còn lại là 1.840.000 DM là các chi phí khác như chi phí chuyển giao công nghệ, chuyển giao thị trường, chi phí đào tạo chảy thử, chi phí tham quan khảo sát, lương chuyên gia...

Điều kiện thanh toán là thanh toán bằng tín dụng thư không hủy ngang trả ngay 100% khi người bán xuất trình bộ chứng từ giao hàng đầy đủ cho ngân hàng mở L/C (phụ lục 4, HĐ 4b).



Hợp đồng thứ ba: Hợp đồng bao tiêu hàng xuất khẩu

Nội dung của hợp đồng là Công ty MANAGEMENT AND MARKETING INTERNATIONAL COMPANY Gmbh (gọi tắt là MMIC) thuộc Tập đoàn INTERNATIONAL SCHUH - MASHINEN TRADE do Công ty EPC chỉ định, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm do Công ty LD sản xuất theo mẫu mã, quy cách của MMIC cung cấp.

Giá bao tiêu sản phẩm được ấn định cao hơn 30% so với giá thành sản xuất. Trong trường hợp giá nguyên liệu lên cao thì giá bao tiêu sản phẩm cũng sẽ nâng lên tương ứng (phụ lục 4, HĐ 4c).

Nội dung và quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế của dự án LD Giày da Việt Đức đã được các ngành của địa phương và trung ương thẩm định và phê duyệt, được cấp giấy phép đầu tư số 1861A/GP ngày 17/12/1998.

Công ty SX - XNK Việt An đã vay 23 tỷ của Cục Đầu tư Nghệ An và 3 tỷ của Ban tài chính quản trị tỉnh ủy Nghệ An, một số khác của ngân hàng ngoại thương để mở L/C mua sắm thiết bị và xây dựng trụ sở nhà xưởng và các công trình hạ tầng. Một L/C với trị giá là 4.240.000 DM của phía Việt Nam được chấp nhận mở cho Công ty EPC, trong đó có 1.272.000 DM do công ty EPC góp vốn. Cho đến tháng 3 năm 1999 công ty SX - XNK Việt An chuyển nốt 1.100.000DM cho công ty EPC để thanh toán chi phí chuyển giao công nghệ, chuyển giao thị trường, chi phí đào tạo, lương chuyên gia...

Tháng 5/1999 Công ty LD Giày da Việt Đức tuyên bố khánh thành để đi vào hoạt động. Nhưng từ đó đến nay toàn bộ chuyên gia của Công ty EPC và MMIC sau khi được thanh toán đầy đủ các khoản đầy đủ các khoản kinh phí theo hợp đồng quy định đã tự động rút về nước không thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhà máy phải đóng cửa, phía Việt Nam phải vay tiền của ngân hàng để trả lại tiền đào tạo cho công nhân và cho công nhân nghỉ việc.

Cho đến nay tổng số tiền vay và lãi suất vay vốn đầu tư cho Công ty LD Việt Đức của Công ty SX - XNK Việt An đã hơn 30 tỷ nhưng nhà máy vẫn đóng cửa. Phía Việt Nam nhiều lần yêu cầu phía Đức (Công ty MMIC) trả lời việc tiêu thụ sản phẩm, MMIC trả lời chỉ chấp nhận giá mua là 16 DM/đôi với số lượng khoảng 40.000 đôi/năm. Trong khi đó giá nguyên vật liệu nhập khẩu của Mmic đã là 14 DM/đôi. Nếu tính đầy đủ các loại vật tư, phụ kiện khác, khấu hao thiết bị, tiền thuê nhà xưởng đất đai, chi phí nhân công, vận chuyển và các chi phí khác, giá thành 1 đôi giày là 24 DM.

Đây là một thiệt hại rất lớn cho Công ty SX - XNK Việt An nói chung và cho ngân sách Nghệ An nói riêng.



Tóm lại, về hình thức và thủ tục, việc thành lập LD thực hiện rất đầy đủ và có sức thuyết phục cao, rất khả thi và có tỷ suất lợi nhuận lớn. Nếu theo công suất thỏa thuận và giá trị bao tiêu sản phẩm như dự kiến ban đầu, sau khi tính toán đầy đủ chi phí, mỗi năm xí nghiệp sẽ có một khoản lãi trước thuế là: 300.000 x 24 DM/đôi = 2.160.000 DM. So với Tổng mức đầu tư là 5.340.000DM thì tỷ lệ sinh lãi trên tổng vốn đầu tư là 30%, lớn hơn nhiều so với lãi suất vốn đầu tư hiện tại là 9,72%/năm, do đó dự án được cơ quan cho vay vốn chấp nhận. Hợp đồng LD lại kèm theo chuyển giao bí quyết công nghệ, đào tạo tay nghề và chuyển giao thị trường nên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành kinh tế ở Nghệ An ủng hộ.

Về thực chất đây là một hợp đồng nhằm bán những thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất giày đã lỗi thời của Tập đoàn INTERNATIONAL SCHUH - MASCHINEN Co.Gmbh qua sự đạo diễn của ông TILO ULMER. Tuy các điều khoản của hợp đồng chi tiết và đầy đủ các khoản mục nhưng có rất nhiều sơ hở:



Thứ nhất, Công ty INTERNATIONAL SCHUH - MASCHINEN Gmbh & Co là một công ty dịch vụ thương mại buôn bán thiết bị với vốn đăng ký là 50.000 USD và vốn cổ phần là 54.000 DM lại đang đứng bên bờ phá sản hoàn toàn không có khả năng tài chính để thực hiện góp vốn LD. Công ty EPC EUROPEAN PROJECT COMPANY Gmbh thay thế cũng chỉ là một công ty trung gian và môi giới với số vốn đăng ký là 50.000 DM. Cả hai công ty này đều là Công ty môi giới bán hàng cho Công ty EPC SHOE - PRODUCTION EQUIMENT Gmbh.

Thứ hai,Về phía đối tác Việt Nam, Công ty SX - XNK Việt An chỉ chuyên kinh doanh nhập khẩu hàng tiêu dùng và kinh doanh khách sạn hoàn toàn không có kinh nghiệm về chuyên môn và công nghệ sản xuất Giày da và thị trường tiêu thụ. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của công ty kém năng lực, ít hiểu biết về quản lý đầu tư xây dựng nhất là đầu tư nước ngoài, thiếu trình độ và thiếu kinh nghiệm về thanh toán quốc tế mua và sắm thiết bị công nghệ. Việc chọn lựa và bố trí nhân lực vào Hội đồng quản trị và Ban giám đốc thiếu hợp lý, thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm giữa người vay vốn, sử dụng và quản lý vốn. Trong thời gian đầu tư xây dựng, cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đều phải thay đổi.

Thứ ba, dự án LD đầu tư xây dựng nhà máy được đi kèm theo một hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm với giá xuất khẩu cao hơn 30% giá thành, rõ ràng là rất khả thi, nhưng phía đối tác nước ngoài chỉ góp vốn bằng 30% chi phí mua sắm thiết bị và chuyển giao công nghệ thị trường, nếu tính trên tổng mức đầu tư số vốn này chỉ chưa đầy chiếm 25%. Nếu xem xét và nhìn nhận một cách chặt chẽ, lôgic, phía nước ngoài hoàn toàn không có thiện chí cùng góp vốn làm ăn lâu dài, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro mà cố tình lách luật và lợi dụng sơ hở của phía đối tác Việt Nam và công tác thẩm định để mua bán thiết bị.

Thứ tư, giá trọn gói của thiết bị, chuyển giao công nghệ, chuyển giao thị trường, đào tạo tham quan, khảo sát là 4.240.000 DM. Trong đó giá bán máy móc thiết bị chỉ là 2.400.000 DM, còn lại toàn bộ 1.840.000 là giá phần mềm trong đó có những chi phí chưa phù hợp và chi phí tính trùng như chi phí tham quan, khảo sát, đã tính chi phí đào tạo lại còn tính cả tiền lương cho chuyên gia trong thời gian đào tạo...Theo cách góp vốn và tỷ lệ góp vốn của các bên, phía đối tác nước ngoài sau khi thanh toán đầy đủ các loại kinh phí, nếu rút khỏi LD không cần tính số vốn góp của mình thì việc bán máy móc thiết bị vẫn có lãi, chưa tính đến giá thiết bị không được đấu thầu và không được thẩm định có đúng với giá đích thực của nó hay không.

Thứ năm, Trong điều khoản thanh toán của hợp đồng mua sắm thiết bị quy định bên mua phải mở tín dụng thư không hủy ngang thanh toán ngay 100% giá trị hợp đồng khi bên bán xuất trình bộ chứng từ giao hàng là sai quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng đối với việc mua sắm thiết bị từ nước ngoài cho các dự án đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam dù dưới hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu. Trong những chứng từ cần thiết để có thể thanh toán 100% tiền mua sắm thiết bị, còn thiếu những chứng từ sau:

+ Bảo lãnh thực hiện hợp đồng của người bán có giá trị từ 10 - 15% giá trị hợp đồng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực đến hết thời hạn bảo hành cơ khí.

+ Biên bản nghiệm thu của thiết bị.

Thứ sáu, Trong Điều khoản quy định chất lượng của thiết bị không nêu rõ tình trạng của thiết bị là phải hoàn toàn mới và không quy định năm sản xuất, tạo sơ hở cho việc chuyển giao thiết bị đã lỗi thời.

- Trong hợp đồng cũng không quy định có chứng thư giám định của cơ quan giám định Việt Nam (VINACONTROL) tại cảng đến hoặc tại nhà máy mà chỉ yêu cầu chứng thư giám định của chi nhánh SGS tại Đức là không bảo đảm cho việc bảo vệ quyền lợi cho người mua (trong hợp đồng LD của công ty Austinh Hà Tĩnh với một công ty AUSTRALIA, chính nhờ việc giám định của công ty VINACONTROL nên đã tránh cho việc thiệt hại gần 3.000.000 USD khi đối tác bên nước ngoài đưa thiết bị cũ sang).



Thứ bảy, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc hợp đồng LD thất bại là thiếu sự ràng buộc có hiệu lực giữa việc mua bán thiết bị và việc bao tiêu sản phẩm. Động lực chính của dự án LD sản xuất Giày da xuất khẩu mà công ty SX - XNK Việt An thực hiện và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan cho vay vốn của địa phương và trung ương chấp thuận phê duyệt chính là việc phía đối tác nước ngoài cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà máy trong vòng 5 năm với giá xuất khẩu cao hơn 30% so với giá thành, nhưng trong hợp đồng LD lại không có sự ràng buộc cam kết này. Người bán thiết bị là công ty EPC với yêu cầu là thanh toán ngay 100% khi giao thiết bị xuống tàu, nhưng người bao tiêu sản phẩm lại là công ty MMIC và tín dụng thư chỉ được mở khi công ty LD đã sản xuất ra sản phẩm và hai bên đã ký kết hợp đồng cụ thể về giá cả xuất khẩu và số lượng, hoàn toàn không có sự ràng buộc nào về kinh tế giữa hai công ty này. (Hình thức ràng buộc giữa việc cung cấp thiết bị và bao tiêu sản phẩm được Tổng Công ty xuất nhập khẩu Nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam thực hiện việc thành công khi mua dây chuyền thiết bị nước dứa cô đặc của Công ty SINCRATEIA TRADING - ITALY cho Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Quảng Nam. Khi mở L/C thanh toán tiền mua thiết bị đồng thời Tổng công ty cũng yêu cầu phía bạn mở một L/C đối ứng mua sản phẩm. Tín dụng thư này là tín dụng tuần hoàn không hủy ngang và có hiệu lực trong vòng 5 năm. Tín dụng thư mua thiết bị chỉ được thanh toán khi tín dụng mua sản phẩm có hiệu lực. Số tiền ghi trên tín dụng thư mua sản phẩm được thanh toán hết sau mỗi lần giao hàng sẽ tự tuần hoàn lại giá trị ban đầu của nó. Người chịu trách nhiệm thanh toán theo tín dụng thư không thể hủy ngang được trong thời gian có hiệu lực của nó là ngân hàng của người mua. Đây là sự bảo đảm chắc chắn cho việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy nước dứa cô đặc Tam Kỳ - Quảng Nam).

Trên đây là toàn bộ thực trạng của dự án LD Giày da xuất khẩu Việt Đức mà tác giả đề cập chi tiết và phân tích kỹ, vì đây là một bài học đắt giá trong quá trình thực hiện quản lý các dự án LDVNN trong SXHXK mà hình thức góp vốn của các đối tác nước ngoài chủ yếu là bằng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ, trong khi trình độ kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ cũng như trách nhiệm của phía Việt Nam chưa cao, đồng thời các hiện tượng tiêu cực vẫn còn phổ biến.



2.2.2.4. Hình thức LDVNN nhằm khai thác thị trường nội địa và sản xuất hàng thay thế nhập khẩu

Tuy mục đích của luận án là nghiên cứu các hình thức LDVNN trong SXHXK nhưng tác giả vẫn đề cập đến các dự án này để nghiên cứu động thái phát triển và cơ cấu đầu tư các dự án LDVNN, đồng thời xem chúng như là những đối chứng của các dự án liên doanh SXHXK để nghiên cứu chính sách tác động và thu hút đầu tư của Nhà nước.

* Dự án LD mía đường Nghệ An - Tate & Lyle, với dự tính mức tiêu thụ đường của toàn quốc năm 1996 khoảng 650.000 tấn và năm 2000 sẽ là
1 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất đường năm 1996 là 450.000 tấn và năm 2000 khoảng 700.000 tấn sau khi nhà máy đường LD với Ấn độ (3.000 tấn mía/ngày); Nhà máy đường LD với Pháp (Tây Ninh: 8.00 tấn mía/ngày); Nhà máy đường LD với Đài Loan (Lam Sơn - Thanh hóa: 6.000 tấn mía/ngày) và khoảng 30 nhà máy nhỏ (Công suất 1000 tấn mía/ngày) nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy nhu cầu đường trong năm 2000 - 2005 dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 tấn. Vùng miền núi Nghệ An với các huyện Nghĩa đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu với các loại đất đỏ Bazan, đất phù sa ven đồi núi và đất Feralits đỏ thích hợp cho việc trồng mía. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa đồng thời và với đặc thù của miền núi Nghệ An, mùa hè đủ lượng nắng, lượng mưa và độ ẩm cho cây mía phát triển. Mùa đông, đủ lạnh cho cây mía già đậm ngọt. Khu vực nằm trong lưu vực Sông Hiếu, Sông Dài, Sông Dinh là những nhánh lớn của Sông Cả, có diện tích lưu vực lớn. Các con sông này nhìn chung đều có nước chảy quanh năm, đây là thuận lợi cho việc vận chuyển mía và tưới tiêu. Với những lợi thế đó, Nghệ An rất cần thiết đầu tư một nhà máy chế biến đường lớn để chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho vùng miền núi, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân những vùng này, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm bớt sự chênh lệch giữa đời sống giữa các vùng, tăng thu nhập cho ngân sách và thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.

Tate & Lyle của Anh là Công ty hàng đầu về sản xuất mía đường và các chất ngọt, có hoạt động trên 50 nước trên thế giới. Hoạt động của Tate & Lyle sản xuất chủ yếu tập trung vào đầu tư sản xuất đường, thương mại và các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và thiết bị sản xuất. Tập đoàn Tate & Lyle sản xuất hơn 7.000.000 tấn đường và chất ngọt trên thế giới hàng năm. Việc tìm kiếm khả năng và điều kiện thuận lợi về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ để chuyển giao công nghệ đầu tư các cơ sở chế biến đường và các loại chất ngọt khác luôn là mục đích của Tate & Lyle.

Với nhu cầu và động lực của hai bên, được sự giúp đỡ của các ngành Trung ương, năm 1996 LD mía đường Nghệ An - Tate & Lyle giữa Công ty Mía đường Nghệ An (trực thuộc Sở Công nghiệp) và Công ty GREENJAOLE INTERNATIONAL HOLING LDT (Công ty thành viên của Tate & Lyle PCC của Anh) được thành lập.

- Công suất là 6.000 tấn mía/ngày tương đương 83.000 đường/năm và 30.000 tấn mật rỉ.

- Với giá thu mua nguyên liệu là 191,8 USD/tấn – Giá thành dự kiến là 305 USD/tấn; giá bán (chưa tính thuế) dự kiến 456 USD/tấn.

- Tổng số vốn đầu tư dự kiến 71.500.000USD, sau khi tính toán và cân đối lại tổng số vốn đầu tư lại được tăng lên 90.000.000 USD. Phía nước ngoài góp 72.720.000 USD chiếm 80,8% bằng máy móc thiết bị và chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng. Phía Công ty Mía đường Nghệ An góp 19,2% bằng giá trị quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật, chi phí phát triển vùng nguyên liệu [18]. Năm 1998, nhà máy được khánh thành nhưng chỉ đủ nguyên liệu cho chạy thử trong vòng 10 ngày. Năm 1999, nhà máy hoạt động được 3 tháng thì hết nguyên liệu. Năm 2000 hy vọng có đủ nguyên liệu cho khoảng nửa năm sản xuất.



* Dự án LD Bia - NASADECO

Qua một thời gian thăm dò và nghiên cứu thị trường khu vực miền trung cũng như cả nước, nhãn hiệu Bia "333" và Bia "Sài Gòn" là loại bia bán chạy nhất và ổn định nhất ở Việt Nam hiện nay tuy mức độ quảng cáo còn ít hơn các loại bia khác nhiều. Công nghệ Bia của Đức hiện nay cũng nổi tiếng trên thị trường quốc tế, tuy nhiên trong thời gian đầu sẽ chưa được thị hiếu ở Việt Nam ưa chuộng. Thị trường vùng Nghệ An, Thanh hóa cũng là một thị trường tiêu thụ bia lớn nhưng năng lực sản xuất chỉ mới trên dưới 10 triệu lít/năm.

Vì vậy, một hình thức LD kết hợp ưu thế của từng bên để đầu tư xây dựng một nhà máy bia với công suất 100 triệu lít/năm ở Nghệ An là hình thức đầu tư thích hợp. LD sẽ được xây dựng trên cơ sở phần lớn vốn và kinh nghiệm sản xuất Bia của Công ty BARAUHAASE HOLING (PACIFIC) LTD của Đức; năng lực tiêu thụ, phí bán hàng, giá trị Li Xăng nhãn hiệu của Công ty Bia Sài Gòn; giá trị quyền sử dụng đất và thị trường tiêu thụ của khu vực miền trung.

- Công suất của nhà máy là 100 triệu lít/năm.

- Sản phẩm chủ yếu mang nhãn hiệu của Công ty Bia sài Gòn.

- Tổng vốn đầu tư ban đầu của Công ty LD ước tính là 120.000.000 USD

Gồm: Vốn pháp định ban đầu của Công ty LD là 36.734.400 USD.

Góp vốn pháp định

- Bên A (Công ty Bia Sài gòn thuộc Bộ Công nghiệp) góp 9.367.350 USD chiếm 25,5% vốn pháp định bằng giá trị Lixăng nhãn hiệu Bia Sài gòn.

- Bên B (Công ty Hữu nghị Nghệ An) góp 9.367.350 USD bằng giá trị quyền sử dụng đất 133.820 m2 trong vòng 35 năm.

- Bên C (Công ty BRAUHASE HOLDINGS (PACIFIC) LTD Của Cộng hòa Liên bang Đức) góp 18.000.000 USD bằng tiền mặt, đồng thời Công ty BRAUHASE HOLDINGS (PACIFIC) LTD cam kết chịu trách nhiệm về dàn xếp vốn vay cho LD [19].

- Vốn vay ước tính là 83.265.300 USD, lãi suất vay dự kiến 9% năm.

- Dự án LD được Bộ kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 1898/GP ngày 14/5/1997 với thời gian hoạt động là 35 năm địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Nghi Phú - Thành phố Vinh - Nghệ An. Nhà máy LD đã tiến hành làm lễ động thổ xây dựng nhưng từ đó đến nay phía Công ty BRAUHASE HOLDINGS (PACIFIC) LTD không tiến hành góp vốn nên dự án không tiếp tục được triển khai. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính ở khu vực Châu Á, một phần khác do cạnh tranh mạnh của Bia TIGE và nhất là Bia HALIDA ở khu vực Thanh hóa, Nghệ An nên thị phần bị thu hẹp. Ngoài ra cũng có thể do các Bên Việt Nam tính giá trị quyền sử dụng đất và tính giá trị Lixăng nhãn hiệu hàng hóa quá cao. Với 133.820 m2 tại khu vực ven Thành phố Vinh, giá bán quyền sử đất hiện tại chỉ tương đương khoảng 1.500.000 USD nhưng Công ty Hữu nghị đã tính đến là 9.367.350 USD.

Ngoài hai dự án lớn trên, đối với hình thức LD để chuyển giao công nghệ, khai thác thị trường nội địa còn có dự án LD khai thác và chế biến đá xây dựng giữa xí nghiệp khai thác đá Nghệ An và Công ty POWERSCREEN của Anh, thành lập 1995, LD sản xuất nhựa đường giữa Công ty đường bộ Nghệ An và công ty SHELL BITUMEN của Anh thành lập năm 1996. Trong những năm vừa qua do tốc độ xây dựng, làm đường, xây dựng cầu cống ở Nghệ An và các tỉnh lân cận tăng nhanh nhất là việc thi công đường quốc lộ 1A bằng nguồn vốn của ngân hàng thế giới, nên thị trường đá xây dựng và nhựa đường tương đối lớn. Hai LD này sản xuất ổn định và có xu hướng phát triển tốt. Tuy nhiên đối với LD khai thác đá xây dựng, do đầu tư dây chuyền thiết bị khai thác công suất quá lớn không phát huy hết, đồng thời phía nước ngoài yêu cầu lương chuyên gia và chi phí quản lý của họ quá lớn nên hiệu quả sản xuất thấp. Vừa qua theo chủ trương của tỉnh, phía Việt Nam đã mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty POWERSCREEN để chuyển thành xí nghiệp 100% vốn trong nước và sản xuất đã có chuyển biến rõ rệt.

Tóm lại trong gần 10 năm qua từ năm 1992 trở lại đây, có đến 11 dự án LDVNN ở Nghệ An với số vốn đầu tư đăng ký là 241.862.000 USD. Tổng số vốn thực hiện là 113.130.000USD tương đương 1.583,8 tỷ đồng (chiếm 23,1% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở Nghệ An trong cùng thời gian).Trong đó có 4 dự án LDVNN trong SXHXK với số vốn gần 8.000.000 USD được thực hiện (phụ lục 5).


Каталог: file -> downloadfile8
downloadfile8 -> Bài Luận Đề tài: Mối lien hệ giữa dân số và môi trường MỤc lụC
downloadfile8 -> Bài 1: ( 5 điểm) A=24,4872 1\ Tính a = 2\ Tính giá trị của biểu thức: B=7,708220309 B= tại X =; z = 4 Bài 2
downloadfile8 -> Đề tài: Kỹ thuật truyền số liệu trong mạng máy tính cục bộ Giảng viên hướng dẫn: Sinh viên thực hiện
downloadfile8 -> CHƯƠng I: TỔng quan về audio- video số TỔng quan về audio số
downloadfile8 -> Lời ngỏ của giáo sư Nguyễn Lân Dũng Cùng bạn đọc
downloadfile8 -> NGƯỜi coi thi đ ĐỀ chính thứC
downloadfile8 -> Đề Tài Liên hệ thực tiễn việc áp dụng các học thuyết Phương Đông ở doanh nghiệp Toyota tại Việt Nam hiện nay
downloadfile8 -> Luận văn TÌnh hình thưƠng mại giữa việt nam và CÁc nưỚc khối nam mỹ
downloadfile8 -> Đề tài Thái độ của người hâm mộ sau khi kết thúc giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam năm 2012
downloadfile8 -> SỞ gd&Đt quảng ngãi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trưỜng trưỜng thpt chuyên năm họC 2011-2012

tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương