Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh – những vấn đề về phương pháp tiếp cận



tải về 1.32 Mb.
trang7/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   23

1.3. Nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh – những vấn đề về phương pháp tiếp cận

1.3.1. Sự thay đổi trong thu thập và ghi chép tư liệu


Vì liên quan đến những thao tác khoa học cụ thể, một trọng tâm của luận án, nên chúng tôi muốn đi sâu vào trình bày cách vận dụng lí thuyết bối cảnh trong việc nghiên cứu VHDG. Trước hết cần nhận thức rằng chuyển hướng nghiên cứu từ tiếp cận ngữ văn với việc lấy văn bản làm trung tâm sang hướng tiếp cận bối cảnh lấy việc diễn xướng làm trung tâm đã kéo theo những thay đổi về phương pháp, kết cấu, nội dung, và định hướng phân tích giá trị của truyện dân gian. Từ một câu chuyện được in trên văn bản với những cấu trúc ngữ pháp được lưu ý gọt giũa và ngôn từ ít nhiều được lựa chọn chuyển sang một diễn ngôn vừa có lời nói, vừa có thái độ, vừa có hành động đặt trong một tổng thể quan hệ với người nghe và những tình huống cụ thể thì việc phân tích các yếu tố của một câu chuyện đã không còn giống nhau nữa. Dĩ nhiên, ngôn bản chứa đựng nội dung câu chuyện kể vẫn là đối tượng quan trọng cho bất cứ một việc phân tích truyện dân gian nào; giá trị thẩm mĩ và hiệu ứng nghệ thuật của toàn bộ hoạt động kể chuyện mới chính là điều cần đặt lên hàng đầu để văn học dân gian không lẫn với các ngành khoa học kế cận.

Việc ghi chép lại truyện dân gian không phải đợi tới nghiên cứu theo hướng bối cảnh mới thực hiện mà nó đã được các nhà folklore học trên giới nhắc đến từ trước. Trong công trình nghiên cứu về loại truyện cổ tích – folktales [105], Dan Ben-Amos đã miêu tả 04 lối ghi chép truyện kể theo lịch sử phát triển: ghi chép nội văn hóa (các bậc trí thức ghi lại truyện của dân tộc mình bằng nhận thức và văn phong riêng), ghi chép do tiếp xúc văn hóa (những người truyền giáo hay du lịch ghi lại truyện của người bản xứ), sáng tác văn học dựa trên truyện dân gian (nhà văn sử dụng văn phong và cách kể chuyện dân gian trong sáng tác của mình) và ghi chép có mục tiêu (ghi chép theo mục tiêu văn chương và học thuật các truyện dân gian bằng lối giữ nguyên từ vựng văn phong). Bốn lối ghi chép trên có một điểm chung là tạo ra văn bản bằng chữ viết, xem chữ viết là đích đến. Hoàn cảnh kể chuyện được xem là yếu tố để lí giải chứ không phải là yếu tố tham gia vào câu chuyện. Điều quan trọng là các cách ghi chép đều xuất phát từ ý định mang tính chủ quan.

Hướng tiếp cận bối cảnh có những cách thức ghi chép tương đối khác so với hướng tiếp cận lấy văn bản làm trung tâm. Vì đối tượng nghiên cứu là một quá trình nên việc tham gia của người ghi chép vào trong hoàn cảnh thực tiễn được xem như là một nguyên tắc tối ưu. Tất cả những câu chuyện được kể phải được ghi lại một cách trực tiếp, giữ nguyên ngôn ngữ của người kể chuyện, không biên tập, không chỉnh sửa. Phần văn bản được ghi theo kiểu ghi chép điền dã với bố cục và hình thức trình bày riêng. Khi tiếp cận với các bản ghi chép này, những yếu tố mà nhiều nhà nghiên cứu folklore trên thế giới thường đề cập đến là:

1. Bối cảnh của câu chuyện được kể là gì và nguyên nhân nào gây ra tình trạng người ta muốn kể chuyện. Vì lấy giá trị thực tiễn, xem xét “công dụng xã hội” hay tính chất “dụng xã hội” [105, tr.620] của một câu chuyện kể làm mục tiêu hàng đầu nên hướng tiếp cận bối cảnh đặc biệt chú ý miêu tả các yếu tố làm phát sinh truyện kể. Người nghiên cứu có thể hỏi những người xung quanh về nguyên nhân nảy sinh câu chuyện hoặc tự mình, trong quá trình quan sát tham gia, suy đoán các tình huống làm nảy sinh câu chuyện được kể. Vì vậy, việc ghi chép lại bối cảnh rộng lớn của nhiều câu chuyện văn hóa gắn liền với tình huống nảy sinh câu chuyện được kể là một việc làm cần thiết. Từ kết quả ghi chép này, giá trị của phần lớn câu chuyện đã được xác định. Nếu so với cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận tổng thể, tiếp cận hệ thống - vốn lấy văn bản hoặc hệ thống văn bản làm cơ sở để đối chiếu, liên kết với các ngành khoa học có liên quan nhằm giải thích ý nghĩa của văn bản - thì hướng tiếp cận bối cảnh không lấy văn bản làm mục tiêu mà lấy quá trình kể chuyện làm đối tượng chính. Nếu ở các hướng tiếp cận trước đó, các yếu tố dân tộc học, bối cảnh văn hóa, tình huống kể chuyện, không gian thời gian diễn ra câu chuyện là cơ sở để giúp cho nhà nghiên cứu tìm hiểu các motif hay type truyện thì hướng tiếp cận này sẽ lấy những chi tiết từ quan sát tham gia của người nghiên cứu về thái độ, tâm lí, hành động của người kể trong sự tương tác với người nghe làm cơ sở để luận giải. Hành động diễn xướng được nghiên cứu ngang hàng với nội dung thông tin được chuyển tải.

2. Quá trình kể chuyện và sự tương tác giữa các yếu tố tham gia kể chuyện có tác động đến kết cấu, chi tiết và ý nghĩa của câu chuyện. Thái độ của người kể, tình trạng tâm lí và cách ứng phó khi có sự phản hồi của người nghe, những thương thảo, lượt lời, các phương châm hội thoại, vị thế của người kể, bản sắc xã hội (sự đóng vai, hóa thân) của các vai tham gia quá trình kể chuyện, … là những yếu tố sẽ được chú trọng trong quá trình diễn xướng. Không phải bản thân các type hay motif của truyện kể có nghĩa tự thân hoặc do người nghiên cứu phát hiện mà quá trình đối thoại trong kể chuyện mới nảy sinh khả năng kiến tạo ý nghĩa tác phẩm trong cảm hứng của cộng đồng. Dưới góc nhìn này, việc ghi lại lời kể phải chấp nhận những yếu tố ngoài câu chuyện được kể. Có thể một truyện kể chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể của nhiều hoạt động rộng hơn câu chuyện đó nhiều lần. Bối cảnh ấy có khi là một tình huống tình cờ trong đời sống hằng ngày nhưng cũng có khi là một lễ hội, có khi là một đám cưới, đám tang, hay một lễ cúng tế thần linh. Trong những sự kiện ấy, truyện kể hiện ra như một phần quy ước có thể tham gia vào một tiết mục của lễ hội hoặc là một phông nền có khả năng giải thích cho những nghi lễ được thực hành. Trong hướng tiếp cận liên ngành hay hướng tiếp cận tổng thể khi nghiên cứu folklore, bối cảnh được xem như yếu tố ngoài văn bản và không có tính “trực tiếp” khi nghiên cứu. Nghĩa là người ta không thể mang văn bản truyện dân gian xuất phát từ một lễ hội đi vào ngồi trong không khí lễ hội ấy để tìm thấy ý nghĩa. Về vấn đề này, Chu Xuân Diên đã phân tích thật rõ khi bàn đến việc nghiên cứu thi pháp VHDG lấy văn bản làm sơ sở. Ông thừa nhận trong điều kiện bình thường, việc lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu là việc làm hợp lí nhưng cần phải hết sức coi trọng những gì ngoài văn bản, vì nếu không lưu ý đến những yếu tố đó thì có những thứ không thể lí giải thỏa đáng. Cụ thể hơn, nghiên cứu ngữ văn giúp cho ta tìm hiểu được cấu tạo, tổ chức tác phẩm VHDG dưới góc độ ngôn từ, còn để lí giải nó, phải cần đến dân tộc học. Tuy nhiên hiểu cho đúng, bối cảnh ngoài văn bản không thể xem chỉ là yếu tố phục vụ cho nghiên cứu và tham chiếu khi lí giải mà trong xâu xa nó chính là một phần của văn bản. Có điều:

Giá trị của những yếu tố ngoài văn bản không phải chúng là những yếu tố ghép thêm vào, …, mà chính là ở chỗ chúng bằng nhiều cách biến dạng thành những đặc điểm cấu trúc bên trong của văn bản VHDG [22, tr.110].

3. Nếu như trong hướng tiếp cận hệ thống đối với VHDG, nhà nghiên cứu phải dựa vào văn bản có được nhằm xem xét toàn bộ hệ thống các thể loại, các dị bản của một tác phẩm, các motif và type truyện để rút ra yếu tố tương đồng và dị biệt thì trong hướng tiếp cận bối cảnh đối với truyện dân gian, người điền dã không thể làm được công việc như vậy. Một bối cảnh cụ thể nào đó chỉ chứa đựng vài yếu tố có thể nảy sinh một vài truyện dân gian chứ không có khả năng diễn ra tất cả các thể loại. Trong mỗi câu chuyện được kể, ý nghĩa và giá trị của nó gắn liền với tình huống nảy sinh cụ thể của một cộng đồng được xác định. Do đó, nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh không thể thực hiện như kiểu tiếp cận hệ thống mà là dạng nghiên cứu trường hợp (case study). Barbara Krishenblatt-Gimblett [105] đã lí giải tính khoa học của cách tiếp cận này đại ý như sau: Trong một tình huống nhất định thì những câu chuyện trước đó, vốn cũng tác động đến không khí cho câu chuyện đang kể, không được nêu ra; đồng thời cùng một bối cảnh sẽ có rất nhiều câu chuyện khác có khả năng được kể với cùng một chức năng nhưng không xuất hiện. Do đó, một câu chuyện tuy rằng đơn lẻ nhưng tính chất đại diện của nó thực hiện chức năng trong một bối cảnh nhất định là rất cao. Vì vậy, tính chất khoa học của việc nghiên cứu VHDG trong bối cảnh nằm ở hệ thống lí luận của nhân học văn hóa và ngôn ngữ học xã hội chứ không chỉ nằm ở hệ thống lí luận ngữ văn học.

Trên đây là những vấn đề có tính nguyên tắc về sự thay đổi hướng tiếp cận và thu thập, ghi nhận thông tin từ văn bản sang bối cảnh. Những vấn đề về kĩ thuật và phương pháp cụ thể sẽ được xây dựng kĩ hơn ở chương 3. Một khía cạnh cần quan tâm trong phần định hướng là khi đã thay đổi cách thu thập dữ liệu nghĩa là cũng cần phải thay đổi trong cách phân loại và lí giải.


1.3.2. Sự thay đổi trong nghiên cứu thể loại


Thể loại là một phạm trù được xem là tất yếu trong nghiên cứu folklore truyền thống. Đối với hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG, vấn đề thể loại được quan niệm như sau:

Nếu như các nhà folklore học Nga và Châu Âu có khuynh hướng nghiêng về giá trị thẩm mĩ qua văn bản thì các nhà folklore Hoa Kì có chủ trương hướng về đời sống thực tại của tác phẩm. Khác với V. Propp, để giải quyết vấn đề phân loại trong khi nghiên cứu văn học dân gian các tộc người, Dan Ben-Amos và Richard Bauman đều có bài viết về “thể loại” [104] với kì vọng hướng tới một quan niệm về phân loại dựa trên bối cảnh diễn xướng. Trong đó, các nhà khoa học thống nhất rằng: không xem thể loại như là cái gì có sẵn đã hoàn chỉnh mà là những yếu tố được nảy sinh từ thực tế giao tiếp, trong quan niệm đó, thể loại như một hình thức diễn ngôn. Mỗi thể loại có một nhóm các đặc điểm tu từ, từ vựng hướng về hiện thực theo một cách hiểu, cách hình dung riêng để hướng tới một hình thức đối thoại với người nghe. Và với tư cách là một hình thức diễn ngôn, thể loại được nhìn thấy trong nhiều yếu tố khác (giao tiếp, đàm thoại, diễn xướng) chứ không chỉ có văn bản. Do đó, hiệu quả và chất lượng của một thể loại folklore trong giao tiếp bị chi phối bởi: 1) yêu cầu của bản thân hình thức thể loại, 2) chức năng biểu hiện, tác động của folklore trong giao tiếp, 3) kì vọng về mặt xã hội của người nói. Ngoài ra, diễn xướng và đàm thoại là yếu tố bất biến đối với folklore còn khả biến là tương tác nói và nghe, giữa lời nói và cách trình bày. Với góc nhìn này, thể loại được xem là một khái niệm giao tiếp. Dan Ben Amos, trong bài viết Các phạm trù có tính phân tích và thể loại có tính tộc người [145, tr.38-64], đã trình bày rất công phu về nghiên cứu thể loại folklore theo quan điểm tộc người. Quan điểm mang tính thực tiễn đó có thể được tóm tắt ở một số vấn đề như sau:



- Thứ nhất, hệ thống thể loại có tính tộc người là cách phân loại không có tính phản ánh thực tại, có ý nghĩa đối với cộng đồng và có giá trị tự thân trong giao tiếp của cộng đồng. Các nhà khoa học theo trường phái hình thức chỉ tập trung vào bản thể của các hình thức văn học và cho rằng sự phân loại bản địa (của các tộc người) không có tính thực tại khách quan. Hệ thống phân loại tộc người đó đầy chất định tính, chủ quan và thường chỉ là những gì có ý nghĩa đối với các thành viên của một cộng đồng cũng như có thể hướng dẫn cộng đồng ấy những hành động có tính quan hệ cá nhân và thực hành nghi lễ. Sự phân loại đó phản ánh các nguyên tắc quy định cái gì được nói, nói trong hoàn cảnh nào, bằng cách nào, ai nói và nói cho ai nghe. Do vậy, sự khác biệt giữa hệ thống phân tích và hệ thống có tính tộc người không có ngụ ý rằng một bên logic, trừu tượng hơn hoặc tinh vi hơn bên kia mà muốn nói rằng mỗi hệ thống có một đặc điểm riêng và có lí do để tồn tại:

Vì ngữ pháp của mỗi ngôn ngữ là độc nhất và có các quy tắc logic của bản thân nó nên các phạm trù có tính địa phương trong văn học truyền miệng cũng đặc thù và không cần thiết phải làm cho phù hợp với bất cứ mô hình có tính phân tích nào trong thể loại folklore [145, tr.48].

- Thứ hai, trong mỗi hệ thống của tộc người, thể loại xác lập cho folklore một kiểu ngữ pháp, hay nói đúng hơn là quy tắc giao tiếp, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong việc thể hiện một thông điệp phức tạp đặt trong một bối cảnh văn hoá. Ở góc độ nào đó, có thể nói rằng, hệ thống thể loại tộc người là một hệ thống có tính chi phối các hoạt động kể chuyện diễn ra trong thực tế, cái mà Dan Ben-Amos gọi là “siêu folklore” (metafolklore), những lời giải thích của thể loại về thể loại; cái mà Alan Dundes gọi là “một sự chú giải có tính folklore về các thể loại folklore”.

- Thứ ba, bối cảnh tạo ra hành vi của sự diễn xướng folklore cũng có khả năng định nghĩa về mặt thể loại. Ví dụ, thời gian để kể một câu chuyện, nơi mà câu chuyện đó diễn ra ở một vị trí riêng biệt trong một trật tự về thời gian của các hoạt động có tính xã hội, kinh tế và hành chính của một nhóm người dân gian. Một định nghĩa tộc người về thể loại có lẽ sẽ hợp nhất các điểm khác biệt được thiết lập từ bất cứ cấp độ nào hoặc tất cả ba cấp độ thi pháp, chủ đề và hành vi: “Một bài hát có thể khác với một truyện kể ở đặc điểm thi pháp trong thông điệp nó tạo ra, chủ đề, và cái bối cảnh (dịp) mà xã hội cho phép nó diễn xướng” [145, tr.50].

- Cuối cùng, đặc điểm của một thể loại và vị trí của thể loại đó trong hệ thống folklore được chỉ ra rõ nhất trong những thuật ngữ. Qua tên thể loại, người ta thường thấy các giá trị biểu trưng của tộc người, những đặc điểm mà người ta nhận thức được qua các hình thức lời nói. Vì thế, việc nghiên cứu về tên gọi của một thể loại phải được mở rộng ra khỏi giới hạn của những giải thích có tính từ nguyên. Những tên gọi giống nhau xét về tính lịch sử và tính chất địa lí có thể có ý nghĩa chỉ những thể loại khác nhau trong cùng một ngôn ngữ trong những giai đoạn riêng biệt và ở những phương ngữ có tính vùng miền khác biệt.

Nếu rập khuôn theo tư duy phân tích thì ở một vài trường hợp, chúng ta sẽ hiểu sai lạc hoàn toàn các giá trị của văn hoá tộc người. Dan Ben-Amos không chỉ tán thành quá trình giao tiếp mà ông còn nhấn mạnh tính chất thực tiễn trong việc nghiên cứu thể loại:

Sự khai thác ứng dụng các thể loại dân tộc đòi hỏi một sự khảo cứu tên gọi, sự phân loại văn hóa và trình diễn của chúng trong đời sống xã hội. Tên của chúng phản ánh quan niệm và ý nghĩa văn hóa, lịch sử của bản thân chúng trong truyền thống với nội dung và chức năng như thể người kể chúng nghĩ về chúng [104, tr.242].

Do đó, khi nghiên cứu, việc tìm hiểu quan niệm của người diễn xướng về thể loại và chức năng của thể loại đó trong cộng đồng, mức độ chấp nhận của cộng đồng về một thể loại nào đó là điều cần thiết bên cạnh việc vận dụng các cách phân loại hình thức. Sư chấp nhận này được hiểu ở cả góc độ sáng tạo, tái sáng tạo tác phẩm và cả ở góc độ tiếp nhận, lí giải của cộng đồng. Việc diễn xướng một câu chuyện kể nào đó là một hành động tái sáng tạo tác phẩm, nhưng hành động đó phải đáp ứng nhu cầu, đặc điểm cá nhân và cảm xúc của người kể, nghĩa là nó phải được người kể lựa chọn theo ý muốn chủ quan cũng như sự hiểu biết của mình, trong đó phải tính đến hay phỏng đoán nhu cầu của cộng đồng khán-thính giả (ví dụ về tuổi tác, giới tính, sở thích của người nghe) để xem xét tính phù hợp của truyện kể. Kết quả là, đôi khi, câu chuyện sẽ bị phản ứng nếu phỏng đoán của người kể không chính xác. Hoặc là, chính người kể sẽ sáng tạo thêm để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và theo thời gian, nó trở thành một truyền thống.

1.3.3. Sự thay đổi trong cách kiến giải


Trong một bài viết nghiên cứu về truyện cổ tích (folktale), Dan Ben-Amos đã phân tích ba vấn đề trong tâm có liên quan đến đặc trưng thể loại: cách ghi chép, cách nghiên cứu và cách kiến giải. Trong đó, việc kiến giải (interpretation) được xây dựng trên nền tảng lí thuyết của 03 ngành khoa học: phân tâm học, nhân học văn hóa và ngữ dụng học. Qua những luận điểm của bài viết ấy, có thể định hướng việc kiến giải truyện dân gian trong bối cảnh theo một số cách thức như sau:

Thứ nhất, dưới góc nhìn tâm lí học, nguyên tắc cơ bản được duy trì để lí giải truyện kể là: việc kể chuyện phản ảnh một xúc cảm của cá nhân bị đè nén do họ không có khả năng đương đầu trực tiếp với xã hội. Để làm rõ định đề này, truyện kể được xem xét ở các khía cạnh: như là một mã ẩn dụ cho một tâm trạng nào đó, như là một động lực duy trì sự say mê, và như là một tín hiệu có chức năng thay thế cho yếu tố khác có giá trị tương đương. Nói một cách khác, việc kể chuyện được xem như là sự thể hiện cho một tâm thức cá nhân và cộng đồng bị dồn nén, câu chuyện trong sự tương tác với nhiều yếu tố người nghe sẽ là phương tiện để chuyển tải những truyền thống của cộng đồng đang ẩn sâu trong tâm thức. Kiến giải một câu chuyện được kể sẽ góp phần đưa truyền thống ấy đến với hiện tại.

Thứ hai, theo hướng nhân học văn hóa, truyện kể được xem là sự “phản tư” của xã hội, tức là cái nhìn của xã hội về chính bản thân nó. Để thực hiện được chức năng ấy, truyện kể được xem xét ở ba góc độ: (1) Kể chuyện là hành động phản ánh văn hóa lịch sử của một cá nhân hay một cộng đồng. Qua lời kể, người nghiên cứu cần đọc cho được cuộc sống trong quá khứ và hiện tại của người kể. Cuộc sống ấy vừa có tính cá nhân vừa có liên quan đến các mối quan hệ với cộng đồng. Mỗi câu chuyện kể là tấm gương phản chiếu một nền văn hóa, thế giới quan, và suy nghĩ của một dân tộc. (2) Việc kể chuyện với những hành động xã hội, những hình thức nghệ thuật và những nghi thức có thể cho ta hiểu được sự vận hành bên trong về tinh thần của các xã hội xưa. (3) Truyện kể có vai trò đóng góp vào sự gắn kết cộng đồng về mặt xã hội lẫn văn hóa. Vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào sự quan sát và suy diễn của người điền dã.

Thứ ba, theo hướng ngữ văn, việc kiến giải truyện dân gian quan tâm đến thi pháp dân tộc học. Trong đó, thể loại được định nghĩa ở địa phương với tư cách một hệ thống tạo bố cục và truyền đạt ý nghĩa. Thi pháp dân tộc học khảo sát lời kể của người thuật chuyện trong tư thế là lời nói nghệ thuật (có dụng ý thẩm mĩ) của một sự diễn xướng chứ không phải là lời nói thông thường.

Trong nghiên cứu VHDG dưới góc nhìn bối cảnh, không phải ngôn ngữ học mà là dân tộc học mới là yếu tố cần quan tâm; không phải bản thân ngôn ngữ mà là quá trình giao tiếp mới cung cấp một ngữ cảnh quy chiếu, trong đó sự thể hiện ngôn ngữ trong văn hóa và xã hội mới thực sự được miêu tả. Dell Hymes [147] có lưu ý hai đặc điểm quan trọng khi áp dụng hướng tiếp cận dân tộc học lời nói (ethnography of speaking) và giao tiếp trong nghiên cứu folklore. Một là không nên lấy những kết quả rời rạc từ ngôn ngữ học, tâm lí học, xã hội học và nhân học rồi liên kết lại mà phải lưu ý đến những loại dữ liệu thô, còn tươi sức sống được lấy từ những cuộc khám phá trực tiếp trong ngữ cảnh của một tình huống cụ thể; cũng như phải thoát khỏi sự nghiên cứu rời rạc với từng lĩnh vực ngữ pháp, phong cách, địa lí bên cạnh việc tìm hiểu văn bản. Hai là không nên nghiên cứu các hình thức ngôn ngữ kiểu như kí hiệu cho sẵn hoặc bản thân lời nói chỉ với nghĩa kiểu chiếu vật (reference) mà phải đặt nó trong bối cảnh giao tiếp; khám phá câu chuyện trong thói quen giao tiếp của một cộng đồng. Tức là nghiên cứu bản thân sự thể hiện trong sức sống và sự đa dạng của nó.

Theo Sherzer, ngôn ngữ và lời nói có một bố cục riêng, có tính văn hoá, không giống ngữ pháp truyền thống. Do đó, cần lưu ý đến mối quan hệ giữa môi trường, tham thoại, mục đích, kết cấu lời nói và hành động, lối bày tỏ, ngôn ngữ. Trong đó, "Diễn ngôn được coi là tâm điểm của mối quan hệ ngôn ngữ-văn hoá- xã hội - cá nhân, nơi mà văn hoá được nhận thức và truyền đạt, tái tạo và sáng tạo” [104, tr.69]. Có thể nói, folklore là ngành khoa học pha trộn nhiều thứ, nhà nghiên cứu thường có khuynh hướng tổng hợp cá nhân các giá trị: xã hội, thẩm mĩ, lí giải lịch sử, phê phán, hình thức và nội dung ... và muốn nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ như một diễn ngôn thì folklore là phù hợp nhất [105, tr.707]. Dân tộc học lời nói không chấp nhận những quan điểm cực đoan, hoặc quá đề cao ngôn ngữ học, tách khỏi bối cảnh sử dụng, xem xét folklore với công thức khắt khe của ngôn ngữ học. Một trong những dẫn chứng điển hình mà Bloomfield muốn thuyết phục giới học giả về vai trò của bối cảnh là: nếu một người ăn xin nói “tôi đói” (I am hungry) để xin thức ăn thì một đứa trả sẽ nói như thế để từ chối lên giường ngủ đúng giờ” [dẫn theo 147, tr.6]. Từ những phân tích về mặt ngôn ngữ học xã hội cho thấy, ý nghĩa và giá trị của một truyện kể dân gian trong bối cảnh phải được xuất phát chủ yếu từ người kể, người nghe và những gì xảy ra xung quanh câu chuyện được kể. Một người kể chuyện có thể đã mang trong suy nghĩ và tâm thức của mình những ý nghĩa với mong muốn người nghe hiểu và chấp nhận, đồng thời qua câu chuyện, người kể cũng muốn làm thay đổi nhận thức và hành vi của người nghe. Vì vậy, ý nghĩa của một câu chuyện trước hết nằm ở lời người kể, ở hành động kể, ở khả năng diễn xướng, ở thái độ và tâm lí anh ta thể hiện. Tuy nhiên, những phản ứng của người nghe, đặc biệt là những người cũng đã biết câu chuyện đó có khả năng sẽ dẫn dắt hoặc tác động đến ý nghĩa mà người kể mong muốn. Trong nhiều trường hợp ý nghĩa này có thể sẽ thay đổi ngược hoàn toàn so với ý định ban đầu nếu người nghe là người không cùng bối cảnh văn hóa với người kể.

Ý nghĩa của một diễn ngôn kể chuyện còn được phân tích theo lí thuyết hành động ngôn từ. Theo đó, khi kể chuyện, người ta thường dùng hành động tạo lời để truyền đạt nội dung của câu chuyện muốn kể một cách khách quan. Nhưng khi người nghe lĩnh hội thông điệp từ hành động tạo lời ấy có một suy nghĩ và phản ứng theo nguyên tắc hội thoại và giao tiếp thì người kể có thể sẽ sử dụng các ngôn từ hành ngôn để khẳng định điều mình kể nhằm khẳng định giá trị thực và tạo ý nghĩa tác động đến người nghe. Những cách diễn đạt kiểu như “Tôi kể chuyện này cho anh nghe”, “Tôi đảm bảo chuyện đó là có thật”, “tôi thề là tôi không bịa”, “tôi nghe là chuyện này đã xảy ra” … là những cách nói có tác động đến tâm lí tiếp nhận của người nghe. Vì vậy, câu chuyện được cho là có thật, hoặc tăng niềm tin vào sự thật có trong lời kể. Trong trường hợp đó, nếu chúng ta đọc một văn bản, có thể ý nghĩa sẽ được mở rộng hơn nhưng giá trị hiện thực và niềm tin thì không thể giống như câu chuyện được diễn xướng trong thực tế.

Một trong những yếu tố ngôn ngữ học ứng dụng được mang vào trong phân tích ý nghĩa diễn ngôn kể chuyện là lí thuyết hội thoại. Theo Mikhail Bakhtin và Valentin Nicolaevich Voloshinhov thì:

“chuỗi đối đáp trong đàm thoại là hình thức chính của ngôn từ trong giao tiếp hằng ngày, lời phát biểu của bất kì cá nhân nào với một từ “vâng” hay một luận án dài vài trăm trang cũng chỉ là đối đáp trong một cuộc đối thoại với người khác về một chủ đề nào đó” [dẫn theo 34, tr.145].

Trong nguyên tắc hội thoại, người ta đã chứng minh có nhiều yếu tố chi phối và mỗi yếu tố đó giúp cho người nghiên cứu ngôn ngữ học có thể tìm thấy ý nghĩa trong giao tiếp. Trong nghiên cứu folklore nói chung và truyện dân gian nói riêng theo hướng tiếp cận bối cảnh, “các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời, những quy tắc chi phối cấu trúc hội thoại và những quy tắc chi phối quan hệ cá nhân trong hội thoại” [14, tr.225] được vận dụng không chỉ trong quá trình phân tích ý nghĩa truyện kể mà còn được lưu ý trong công đoạn tham gia ghi chép lại diễn ngôn kể chuyện. Nếu đọc một truyện kể đã văn bản hóa theo hướng lấy văn bản làm trung tâm, chúng ta sẽ thấy một lời kể đã được sắp xếp và các đoạn thoại của nhân vật được bố trí phục vụ cho lời kể. Nhưng nếu đọc một diễn ngôn kể chuyện được ghi lại theo hướng tiếp cận bối cảnh chúng ta sẽ thấy chủ yếu là các đoạn đối thoại giữa các nhân vật tham gia quá trình kể chuyện, lời của nhân vật trong truyện kể đôi lúc sẽ bị đồng hóa vào lời của người kể. Tức là, ở góc độ này, yếu tố chủ quan của người kể và người nghe trong cuộc đối thoại với những bối cảnh và mục tiêu cụ thể đã làm thay đổi kết cấu của câu chuyện, thay đổi cách thể hiện. Bên cạnh đó, với yếu tố “vị thế của người tham gia hội thoại” và các nguyên tắc chi phối cấu trúc đối thoại làm cho nội dung một câu chuyện được kể mang đầy sắc thái chủ quan và ý nghĩa của tác phẩm cũng nảy sinh từ đó một cách dễ dàng.


Tiểu kết


1. Nghiên cứu truyện dân gian theo văn bản và những phương pháp tiếp cận lấy văn bản làm trung tâm đã tạo ra những thành tựu lớn cho folklore thế giới trong thế kỉ XX. Từ việc xem xét, truy tìm nguồn gốc của một thể loại cho đến việc so sánh để tìm ra những điểm chung nhất của nhiều dị bản, rút ra những công thức, những đơn vị truyện kể, hướng nghiên cứu ấy đã tạo ra những cách phân tích và đánh giá có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân của người biên soạn và thực trạng văn bản hóa các câu chuyện kể đã làm cho hướng nghiên cứu này đôi lúc thiếu tính thực tiễn. Nhiều tác phẩm, nhiều type truyện chỉ còn tồn tại trên văn bản và chỉ có giá trị cho các học giả và giới nghiên cứu chứ không có trong đời sống thực tế. Ý nghĩa và chức năng của các câu chuyện kể trong đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân có những nét rất khác so với những gì mà các nhà khoa học phân tích. Thực tế đó đòi hỏi một cách tiếp cận khác để lí giải nguyên nhân của sự khác nhau nhằm làm phong phú hơn di sản folklore và làm cho phương pháp nghiên cứu sát với thực tiễn cuộc sống hơn.

2. Hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh cho thấy tiềm năng của nó trong việc lí giải tác phẩm theo đúng bản chất; trả nó về với đời sống thực tiễn. Với những bình diện nghiên cứu mới, đặt trọng tâm ở người kể, người nghe và sự tương tác giữa họ, hướng nghiên cứu này cung cấp một cách nhìn khách quan và đa chiều hơn trong ý nghĩa, chức năng và tác dụng của VHDG đối với đời sống. Do hướng tiếp cận bối cảnh được hình thành từ nhiều ngành khoa học mà cơ bản là nhân học, tâm lí học và ngôn ngữ học nên cách nghiên cứu của nó cũng có nhiều thay đổi so với hướng nghiên cứu qua văn bản. Sự thay đổi đó chính là phần bổ sung cho những bất cập của phương pháp nghiên cứu truyền thống.



3. Từ sự thay đổi trong hướng tiếp cận đã dẫn đến sự thay đổi trong cách ghi chép và kiến giải tư liệu. Với những đặc điểm lí luận xuất phát từ các ngành khoa học kế cận, hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh đi đến việc ghi chép và kiến giải nội dung tác phẩm bằng những cách thức khác với truyền thống, mang đến cho người đọc những góc nhìn mới hơn về tác phẩm. Nghiên cứu VHDG dưới góc nhìn bối cảnh không chối bỏ hướng tiếp cận văn bản và các phương pháp ngữ văn mà phối hợp với các phương pháp đó nhằm trả tác phẩm folklore về đời sống thực của nó. Với việc vận dụng nhiều ngành khoa học kế cận trong việc lí giải diễn ngôn kể chuyện, các nhà nghiên cứu theo hướng đi bối cảnh tin rằng: trong thành quả thu được, các vấn đề mà folklore tư liệu gặp phải và chưa giải quyết được thì sẽ được “bối cảnh” giải quyết một cách rõ ràng và thuyết phục.

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương