Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Chương 2 KHÔNG GIAN VĂN HÓA TỘC NGƯỜI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRUYỆN DÂN GIAN KHMER NAM BỘ



tải về 1.32 Mb.
trang8/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   23

Chương 2
KHÔNG GIAN VĂN HÓA TỘC NGƯỜI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRUYỆN DÂN GIAN KHMER NAM BỘ

2.1. Không gian văn hoá tộc người Khmer Nam Bộ


Người Khmer có một nét độc đáo và nổi bật khi đặt trong không gian văn hóa Nam Bộ. Nét riêng đó không chỉ thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn thể hiện trong sinh hoạt văn hóa, trong đó có sáng tác nghệ thuật. Việc nghiên cứu và tìm hiểu các giá trị văn hóa và VHDG của tộc người này đã được tiến hành mạnh mẽ vào thời gian sau năm 1975. Đến nay, khi nhìn lại, người ta mới thấy rằng chính nét riêng đó đã cung cấp một môi trường thuận lợi cho việc diễn xướng văn hóa dân gian. Viết về văn hóa tộc người luôn là một đề tài hấp dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu bởi yếu tố “lạ”, “mới” và “độc đáo” gần như đã hiện diện sẵn ở đối tượng. Nhưng dân tộc học cũng là lĩnh vực không đơn giản vì người ta rất dễ rơi vào tình trạng giẫm lên dấu chân người đi trước, nói lại những điều người khác đã nói. Do đó, để thấy được nét riêng trong đặc điểm văn hóa của người Khmer Nam Bộ người ta thường dùng phương pháp so sánh với người Việt trên cùng địa bàn và người Khmer ở địa bàn khác (Campuchia). Trong phạm vi luận án này, chúng tôi chỉ khái quát một số nét văn hoá có giá trị tác động đến truyện dân gian nói chung và các gợi ý về bối cảnh có khả năng diễn xướng các thể loại. Những yếu tố đó có thể kể đến là đặc trưng tộc người - điều kiện cư trú và nét riêng trong tín ngưỡng phong tục. Những đặc điểm vừa nêu giúp ta hiểu rõ hơn về khái niệm bối cảnh cụ thể và nhờ đó, đòi hỏi những phương pháp tiếp cận hữu hiệu hơn.

2.1.1. Đặc trưng tộc người và đặc điểm cư trú.


Đặt trong sự đối chiếu với người Việt ở Nam Bộ, người Khmer (trước đây gọi là người Miên) là một trong những dân tộc thiệt tình, chịu khó, “chịu chơi” và có cá tính. Theo nhiều tài liệu dân tộc học và khảo cổ học cho thấy: người Khmer Nam Bộ là tộc người thuộc dòng ngôn ngữ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, cùng nhóm ngôn ngữ với 24 tộc người khác cư trú trên đất nước ta, phân bố trên các vùng núi thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu trải dài đến dãy Trường Sơn và vào tận miền Đông Nam Bộ. Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, “tổng số dân Khmer ĐBSCL là 1.381.986 người, chiếm 8% dân số trong vùng” [40, tr.8], đứng hàng thứ 5 trên tổng số 54 dân tộc sống trên nước ta. Người Khmer Nam Bộ phần lớn sinh sống ở ĐBSCL, xen lẫn người Việt, người Hoa, người Chăm … trong đó tỉ lệ phân bố dân cư cao nhất là nằm ở 4 tỉnh (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang). Khi tự xưng, người Khmer gọi mình là Khmer Krôm (ở thấp), để phân biệt với người Khmer ở bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia là Khmer Lơ (ở cao) và Khmer Kandal (ở giữa). Khi được gọi, người Khmer được các dân tộc khác kêu bằng nhiều tên khác như Miên, Việt gốc Miên, Cur, Cul, …

Người Khmer ở ĐBSCL cư trú theo rải rác trên nhiều tỉnh thành và tập trung thành ba cụm chính, mỗi vùng có sắc thái riêng. Theo Đinh Văn Liên, ba vùng ấy gồm: (1) đất giồng Trà Vinh-Trà Cú - một trong những vùng cư trú cổ xưa nhất của người Khmer ở ĐBSCL (…). (2) ven biển Sóc Trăng – Bạc Liêu - vùng ven biển của người Khmer, nổi bật lên yếu tố hoà hợp văn hoá – nhân chủng giữa ba dân tộc Việt-Hoa-Khmer. (3) biên giới Châu Đốc, Tri Tôn, Hà Tiên, Rạch Giá - là vùng mang tính cách trung gian giữa người Khmer đồng bằng Sông Cửu Long và người Khmer Campuchia [76, tr.58-59]. Nhiều tài liệu cũng thừa nhận rằng người, trên cơ sở thống nhất nhau về đặc điểm văn hóa, người Khmer ở vùng Châu Đốc - Rạch Giá có sự giao lưu trực tiếp với người Khmer ở Campuchia, cộng với điều kiện cư trú nằm giữa dãy Thất sơn và vùng Tứ giác Long Xuyên, nên những cách ứng xử mang sắc thái tương đối khác so với đồng bào Khmer vùng đồng bằng Trà Vinh-Cửu Long và vùng ven biển Sóc Trăng-Bạc Liêu. Người Khmer ở Nam Bộ, đặc biệt là ở ĐBSCL có đặc điểm cư trú theo 4 hình thức: trên đất giồng; trên đất ruộng; theo kênh mương hay các con rạch nhỏ; và theo trục lộ giao thông. Mỗi hình thức cư trú ít nhiều cũng có tác động đến các yếu tố kinh tế và văn hóa, làm cho lối sống và tập quán cũng có chút khác nhau ở các thế cư trú đó. Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết người Khmer có những nét lớn tương đồng giữa tất cả các vùng miền ở Nam Bộ. Nếu tìm sự khác biệt, có lẽ phải nghĩ đến người Khmer ở Campuchia.

Ngô Đức Thịnh đã từng lưu ý rằng trước nhiều hiện tượng văn hóa trong một tổng thể, người nghiên cứu cần phải phát hiện ra những yếu tố giữ vai trò hệ thống, nghiên cứu mối quan hệ giữa hệ thống với môi trường bên ngoài; tức là nhấn mạnh yêu tố nào tạo nên nét riêng của một hệ thống. Trên cơ sở đó, Thạch Voi đã chỉ rõ:

Dù sống xen kẽ với các tộc người khác, dù có quan hệ qua lại với người Việt và người Hoa trong nhiều thế kỉ, nhưng nhờ khuôn khổ phum srok, từng người Khmer đã sinh ra, lớn lên, vẫn làm ăn hoạt động trong khung văn hóa tộc người mình. Nói như thế để thấy rõ rằng, muốn tìm hiểu văn hóa của người Khmer ở đây không thể nào không đặt nó vào khung xã hội của nó, tức là phum srok mà xem xét [135, tr.15].

So với người Khmer ở Campuchia, điều kiện sống của người Khmer ở Nam Bộ có những nét dị biệt. Cũng là xã hội nông nghiệp lúa nước nhưng người Khmer Nam Bộ thường tập hợp nhau lại thành những tập thể láng giềng nhỏ, bám sát đất trồng trọt và gọi là “phum” và cao hơn phum là “srok” (còn gọi trại ra thành sóc). Phum srok không hoàn toàn tương đương với đơn vị hành chính, nên dù có sự thay đổi thể chế chính trị, người Khmer vẫn giữ được tổ chức xã hội theo kiểu của mình. Điều này không tìm thấy ở Campuchia. Chẳng hạn Thạch Voi dẫn lời của một giáo sư người Campuchia tên là Sôm Som Un trong Lịch sử Kampuchea cho rằng:

…Ở Kampuchea không có dạng phum như vậy, người ta cất nhà ở rải rác khắp nơi. Nếu nơi nào có dạng phum như trên, ấy chính là do người Khmer gốc từ đồng bằng Sông Cửu Long lên làm ăn sinh sống và lập ra và dù cho ở đến bao nhiêu đời đi nữa thì họ vẫn giữ nề nếp tổ chức phum như thế [129, tr.22].

Do đó, nền văn hoá của người Khmer sống ở hai quốc gia khác nhau đã có những bước phát triển khác và cũng từ đó tạo nên sắc thái riêng cho cư dân Khmer sống ở vùng đất phía Nam của tổ quốc ta. Về tính chất văn hóa, khi so sánh giữa Khmer Nam Bộ với người Khmer ở Campuchia, người ta cho rằng, người Khmer Nam Bộ có “một nền văn hoá ít bảo thủ hơn, trình độ dân trí, xã hội, nhân văn tiến triển ở nhiều mức khác hơn” [129, tr.55]. Họ có một tâm lí và cá tính dễ hòa đồng, dân dã, linh hoạt và gần gũi do nhiều yếu tố tự nhiên lẫn xã hội tác động. “Điều này khác với tính hướng thượng, tính chặt chẽ, tính đẳng cấp của xã hội Khmer truyền thống ở Campuchia” [87, tr.717]. Choi Byung Wook [139], trong cuốn sách viết về chính sách cải biến và đồng hóa các dân tộc thiểu số của triều Minh Mạng vào những năm 30 của thế kỉ XIX, đã chứng minh rằng: bằng nhiều cách thức khác nhau qua hệ thống chính sách về tộc người của mình (đất đai, canh tác, thờ cúng, quy hoạch dân cư, giáo dục,…), vua Minh Mạng đã tạo ra sự thay đổi về lối sống, tín ngưỡng và phong tục của người Khmer Nam Bộ. Những sắc thái văn hóa của họ đã ngày càng có sự ảnh hưởng từ những dân tộc Việt, Hoa và có nhiều điểm khác với người Khmer Campuchia.

Phum và sóc của người Khmer Nam Bộ không chỉ là phạm vi cư trú mà nó còn liên quan đến những khác biệt về sắc thái văn hóa của từng vùng. Một phum hay vài phum thường được định danh theo ngôi chùa gần nhất, nơi mà tất cả bà con có thể đến để lễ Phật trong những dịp quan trọng. Trong đời sống, khi người Khmer đi đến địa phương khác, người ta vẫn hỏi nhau: “boong nâu phum na?” (Anh ở phum nào?), và câu trả lời thường là tên phum gắn với ngôi chùa hay tên vùng đất có ngôi chùa toạ lạc trên đó. Khi người hỏi nghe trả lời thì họ cũng sẽ tự nhận biết những sắc thái khác biệt trong lối sống của người Khmer vùng đó để ứng xử. Vì vậy, trong một số vấn đề liên quan đến văn hóa Khmer, tới ngày nay, đơn vị hành chính của nhà nước đôi lúc phải nhường chỗ cho phum sóc. Phum sóc không chỉ là lằn ranh địa lí mà còn là lằn ranh tâm thức quê hương trong lòng mỗi người dân Khmer Nam Bộ.

Như vậy với sự so sánh theo hai hướng như trên, tộc Người Khmer Nam Bộ nổi bật lên so với người Việt và người Hoa, cũng như so với người Khmer ở Campuchia là cư trú theo phum sóc trên vùng đất giồng cao ráo. Do phụ thuộc vào yếu tố này nên nhiều cộng đồng người Khmer không sống liên tục với nhau. Người Việt và các dân tộc khác đã sống đan xen vào giữa những phum và sóc ấy tạo nên sự giao thoa và tiếp biến về lối sống lẫn phong tục. Tuy nhiên cũng chính nhờ phum sóc và ngôi chùa làm trung tâm hội tụ nên người Khmer Nam Bộ lại lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng và độc đáo.

2.1.2. Nét riêng trong tín ngưỡng và phong tục


Nhiều người cho rằng, khi nói đến văn hoá Khmer tức là nói đến nền văn hoá chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lí Phật giáo Nam tông, thậm chí một vài công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng: Sự phổ biến của Phật giáo trong đời sống tinh thần của người dân Khmer chính là sự thắng thế của Phật giáo đối với đạo Bà La Môn. Nói thắng thế không có nghĩa là thay thế, vì trong tâm thức của người Khmer vẫn còn một số dấu ấn của Bà La Môn giáo, nhất là trong một số lễ hội, phong tục. Như trên đã nói, nền văn hóa Ấn Độ đã cung cấp nguồn đề tài cho văn hóa nghệ thuật Khmer, thậm chí một vài yếu tố còn đặc biệt quan trọng trong các loại hình nghệ thuật như: “tín ngưỡng thờ Siva” là cơ sở tôn giáo cho nhiều đề tài và chủ đề thể hiện trong trang trí và điêu khắc của nghệ nhân Khmer; “sử thi Ramayana và Mahabharata cung cấp đề tài, … và thể thức múa” [129, tr.73] cho các điệu múa nghi lễ của người Khmer. Hay là, dù Phật giáo đã trở thành một “môi trường sống” cho bất cứ người Khmer nào nhưng nhiều tín ngưỡng dân gian vẫn còn in đậm tư tưởng của Ấn Độ giáo, chẳng hạn như các khái niệm “Neak-tà”, “Maha-prưm”, “Rea-hu”, chim “Krut”, tiên thần “Krây-no” đều có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo. Vì thế khi tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến văn hóa dân tộc Khmer, phải thừa nhận Phật giáo có tác động sâu sắc đến tất cả những lễ tục trong cuộc đời mỗi con người Khmer, nhưng cũng đừng nên quên cội nguồn sâu xa của tín ngưỡng tôn giáo Bà La Môn trong tâm thức và quan niệm về cuộc sống của họ.

Bên cạnh việc so sánh để tìm ra nét riêng, người ta còn dùng phương pháp tâm lí học xã hội để nghiên cứu chính nhận thức của người Khmer về bản thân tộc người mình. Vì vậy, đứng trước câu hỏi: “phải chăng tín ngưỡng Phật giáo và hệ thống chùa chiền là yếu tố giữ vai trò tạo hệ thống của người Khmer?” thì nhiều nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp tâm lí học để tìm câu trả lời, tiêu biểu là luận án tiến sĩ chuyên ngành tâm lí học Tính cách người Khmer đồng bằng Sông Cửu Long [13]. Theo tác giả, trong nhiều đặc tính tương đồng với nhiều sắc dân khác, những tính cách “tích cực” của người Khmer vùng ĐBSCL là: Tính báo hiếu, tính tôn sùng Phật giáo, và tính cộng đồng. Những tính cách này không chỉ trội hơn mà còn là những tiêu chí quan trọng để phân biệt người Khmer với các tộc người khác trên một không gian cư trú. Từ việc tiếp cận tâm lí ở các khía cạnh: nhận thức, xúc cảm và hành vi của người Khmer, luận án nêu trên đã có những số liệu và những minh chứng thuyết phục về đặc điểm tính cách tộc người đông dân thứ năm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Người Khmer là một dân tộc sống trong tôn giáo, do tôn giáo và vì tôn giáo. Phật giáo Nam tông đỡ đầu mỗi cá nhân của người Khmer từ lúc họ sinh ra đến lúc nhắm mắt lìa trần. Mỗi gia đình người Khmer có nhà riêng nhưng tâm thức của họ lại hướng về chùa - ngôi nhà chung của cộng đồng. Cơ cấu quần thể các gia đình quây quần quanh một chùa đã tạo nên một sinh quyển trú ngụ vô cùng đặc trưng so với người Việt. Trong tâm hồn và suy nghĩ của từng cá nhân người Khmer đều có một phần tinh thần dành cho cõi tâm linh chung của cộng đồng. Cõi linh thiêng ấy luôn hướng về ngôi chùa của mình. Do vậy, nhiều người Khmer, dù ngôi nhà của mình chỉ là mái lá đơn sơ nhưng lại rất sẵn lòng để cúng dường xây ngôi chùa của phum sóc. Cái thế mà những ngôi chùa Khmer toạ lạc ở giữa rừng cây trầm mặc cũng có phần nào ảnh hưởng sâu đậm đến ý thức chọn vị trí xây nhà của người Khmer. Tôn trọng, ngưỡng mộ và sùng bái sức mạnh của tự nhiên, nhiều phum sóc của người Khmer luôn có ý thức nằm sau những hàng cây ngút ngàn, tiếp giáp những cánh đồng. Xung quanh nhà người Khmer bao giờ cũng rợp bóng cây xanh (trừ trường hợp một số ít sống trong đô thị). Ở những vùng có đông đồng bào Khmer cư ngụ như Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, cây cối luôn tươi tốt và xum xuê. Đối với những vùng đô thị hoặc ven đô, người Khmer cũng thỉnh thoảng cất nhà ở cạnh đường lớn, nhưng số đó không nhiều. Đa phần người Khmer khi sống chung với người Việt và người Hoa vẫn thích lui vào những con ngõ nhỏ, những con hẻm chia làm nhiều ngách sâu hun hút sau những rặng tre. Trong không gian đó, hướng nhà không còn quan trọng, thế đất là điều thứ yếu. Điều họ quan tâm nhất là sự yên ổn, an bình của cả một cộng đồng trong phum sóc chứ không phải là vị trí đẹp của mỗi gia đình. Trên nền tảng đó, họ đoàn kết để thỏa sức sống vui trong thực tại, để ấp ủ những nét đẹp từ đời này qua đời khác.

Trong ngôi chùa Khmer, Phật Thích Ca được thờ duy nhất trong chánh điện, không có bồ tát hay la hán. Tuy nhiên bên ngoài cửa, cột và hành lang thì lại có hệ thống các phù điêu trang trí với những yếu tố của đạo Bà La Môn (tiên Krây-no, Rea-hu, chim Krut, …). Điều đó vừa cho thấy tâm thức liên quan đến đạo Bà La Môn chưa dứt trong suy nghĩ của người Khmer, vừa cho thấy sự thắng thế của Phật giáo. Phật giáo là tín ngưỡng chủ đạo nhưng không phải là tất cả niềm tin trong đời sống cộng đồng. Ngôi nhà, mảnh ruộng, các vị neak-tà vẫn có những giá trị tâm linh nhất định khiến cho các yếu tố văn hóa và hoạt động tinh thần được thực hiện trong lẫn ngoài nhà chùa. Về triết lí Phật giáo, đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói đại ý rằng: con người phung phí sức khỏe để tích lũy tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại cũng không sống cho tương lai. Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết... Nhưng rồi sẽ chết như chưa bao giờ đã từng sống. Câu nói mang hồn cốt của Phật giáo nguyên thủy về con người, về lẽ sống. Đó là một cuộc sống an nhiên, tự tại bằng một tâm linh phong phú; một lối sống không tham, không sân, không si theo lí tưởng của Thích Ca. Đó là một cuộc sống thật chân thành và hết lòng với hiện tại để bằng lòng với quá khứ và tin tưởng ở tương lai. Quan sát cuộc sống của nhiều người Khmer Nam Bộ, chúng ta sẽ thấy cách suy nghĩ của đại đa số đều theo hướng ấy. Quá khứ đối với người Khmer là một khái niệm cũng có tính tương đối. Chết rồi là xong một kiếp người, là hoàn trả lại thiên nhiên, là đi về cõi khác, không còn bất cứ vương vấn gì với trần thế. Chết là hỏa táng để trả thân xác về với tự nhiên và để trả hồn về cõi Phật. Cho nên, ông bà tổ tiên không thể có anh linh để phù hộ trực tiếp con cháu theo kiểu dòng họ, gia đình như nhiều dân tộc khác. Nghĩa là không có yếu tố địa phương hay cá nhân trong quan niệm về người đã khuất. Ông bà đã đi về một cõi hoàn toàn tách biệt với thế gian. Muốn tạ ơn ông bà, con cháu phải cầu đến quyền năng của đức Phật, sức mạnh của pháp và tấm lòng của các vị tăng mới có thể giúp chuyển tới ông bà quá cố. Vì thế, người Khmer không cúng trực tiếp cho ông bà mà phải cúng cho sư, và sư với vai trò trung gian dùng pháp (tụng kinh) để mang lễ cúng của con cháu đến tổ tiên. Lễ Đôn ta, vì vậy, không chỉ có nghĩa là cúng ông bà của mỗi gia đình mà còn có nghĩa là cúng tất cả các vong hồn đã khuất. Vì không có tính dòng họ và không có tư tưởng cá nhân nên người Khmer sẽ không có ý định khuếch trương thanh thế của dòng họ mình, nghĩa là không muốn biến mình thành người có nhiều của cải, thành ông chủ, thành người có thể ức hiếp kẻ khác để thu lợi cho bản thân. Dòng họ lớn nhất của người Khmer chính là họ hàng của đức Cồ Đàm.

Cuộc sống người Khmer coi trọng hiện tại ở tất cả các chiều kích và các mối quan hệ. Họ cày cấy, sản xuất hoa màu, làm gốm, làm rổ rá, chiếu, ... với một quan niệm vừa đủ sống. Có thể nói đa phần người dân Khmer không có suy nghĩ tích lũy để làm giàu, không phải phí sức khỏe làm việc bằng mọi giá để có được của cải cho tương lai. Họ làm lụng để hưởng thụ cuộc sống thực tại. Mỗi ngày có gạo để ăn, có áo đẹp để mặc, có tiền để mua thực phẩm ngon dâng cho sư sãi trong chùa, và có điều kiện để đưa cả gia đình vui vẻ trong các lễ hội chính là niềm hạnh phúc của đại đa số người Khmer. Lễ hội của người Khmer sở dĩ được nhiều dân tộc khác xem trọng vì người ta tổ chức nó với lòng nhiệt thành của cả một cộng đồng biết sống cho hiện tại. Không ai có những toan tính khi cả sóc, cả phum góp tiền nuôi đội quân đua ghe ngo hàng tháng trời để thực hành trong một ngày lễ Ooc om booc dù kết quả không phải lúc nào cũng thắng. Đua ghe ngo trong lễ hội đưa nước tháng mười của người Khmer không phải là để tranh giành thắng thua mà là để tạ ơn nước, tống tiễn nước, cảm tạ đất trời đã mang nguồn nước đến để sản xuất mùa màng, tạ lỗi với đất và nước vì mình đã vô tình làm vấy bẩn trong quá trình sinh sống. Vì thế, những đội ghe không thắng trong cuộc đua vẫn ra về với kèn trống inh ỏi trên dòng nước bạc. Nước đưa họ đến cuộc đua và nước cũng mang họ về với gia đình. Điều đó cắt nghĩa vì sao người Khmer sẵn sàng vay nợ để tham dự các lễ hội cúng ông bà, hoặc lễ vào năm mới hay những lễ tục khác rồi sau đó nai lưng ra làm lụng để trả nợ. Điều quan trọng nhất chi phối và điều chỉnh hành vi của cả cộng đồng người Khmer là coi trọng thực tại, coi trọng cuộc đời ngay lúc này để có một niềm hạnh phúc được sống, được vui. Niềm hạnh phúc lớn nhất là được dư dả chút ít để đem toàn bộ khối của cải ấy cúng dường để xây chùa, nơi tam bảo linh thiêng, sẽ che chở cho phần đời miên viễn sau này khi họ về với Phật. Tương lai của người Khmer không phải ở nơi trần thế, không phải là sống lại lần nữa, không phải là đầu thai, mà là được trú ngụ dưới cội từ bi, là an nhiên ở chốn niết bàn.

Vương Hồng Sển đã từng miêu tả tính cách của người Khmer (mà ông gọi là Cơ Me hay Miên) sống ở Nam Bộ vào đầu thế kỉ XX bằng nhiều chi tiết rất thú vị. Tác giả kể về một người Khmer tên Sơn Mây, có mượn của gia đình ông một số tiền để làm ruộng. Cuối mùa, bán lúa xong, Sơn Mây chỉ trả phần lãi, còn gốc giữ lại đi chơi đá gà, uống rượu. Có người khuyên nên sắm vàng để phòng thân, Sơn Mây cho rằng mua vàng bạc là tạo cơ hội cho cướp đến nhà. “Vả lại tôi làm cực nhọc mãn năm nay ông trời cho được bao nhiêu đây, phải để cho tôi chơi cho sướng tay cái đã!”- ông nói.

Rồi đó ông mua rượu thịt thết đãi cả nhà ba tôi và suốt mấy tháng ròng ông thả vô các sốc kiếm sòng bài và trường gà vui chơi cho đến khi sạch túi. Khi tiền đã cạn, ông ghé nhà ba tôi cho hay tự sự, miệng cười toe toét, mặt không chút buồn, ăn một bữa cơm, mượn hai đồng bạc rồi xuống tàu trở về Phước Long tiếp tục làm ruộng như cũ. Đời ông là vậy và hạnh phúc của ông là vậy [99, tr.70].

Có thể nói, trong suy nghĩ phức tạp và hướng về kinh tế của nhiều người khác, dân tộc Khmer thường ít "phát triển", nghèo và cần phải hỗ trợ. Nguyên nhân cách nhìn đó là do người ta lấy kinh tế và của cải để làm chuẩn, lấy việc hướng về tương lai làm mục đích, lấy quá khứ của dòng họ cá nhân làm nền tảng để xem xét, so sánh. Nhưng thực sự xét kĩ ở mức độ nhân văn, lối sống và quan niệm sống của người Khmer là một trong những lối suy nghĩ có giá trị văn hóa của nhân loại. Một lối sống không lệ thuộc vào vật chất, một lối sống không vô lí như lời của đức Đạt Lai Lạt Ma, đó là một lối sống tâm linh và hướng thiện vô cùng lành mạnh.

Để có được tâm thế đó, rất nhiều người đàn ông Khmer được trui rèn trong giai đoạn đi tu ở chùa thời trai trẻ. Đây là một giai đoạn lí tưởng trong kiếp làm người đàn ông. Đi tu không phải là xuất gia, lánh khỏi trần thế như hệ phái Phật giáo Bắc tông mà là báo hiếu cho cha mẹ, là trách nhiệm với cộng đồng, là nghĩa vụ của một người đàn ông chân chính. Trong quan niệm truyền thống, những người thanh niên Khmer nào chưa bước qua ngưỡng cửa nhà chùa thường không được cộng đồng coi trọng, thậm chí là khó kết hôn. Do vậy, xét về bản chất, đi tu của người Khmer có những nét khác biệt lớn so với người Việt và người Hoa. Sư theo Phật giáo Nam tông Khmer phải cạo đầu và cả lông mày, râu (khác với Bắc tông chỉ cạo đầu, lông mày vẫn để nguyên và râu nhiều khi dài hơn người thường). Nếu như sư Bắc tông chỉ ăn chay thì sư Nam tông không phân biệt lắm vấn đề chay mặn; tu cốt là ở tâm, chứ không phải vật. Nếu như sư Việt và Hoa tự nấu ăn thì sư Khmer hầu hết đều phải đi khất thực (gọi là đi bát) mỗi sáng sớm để nhận thức ăn của tín đồ dâng cúng. Thiên hạ dâng gì dùng nấy, không quan trọng, miễn là thức đó không phải do sư tự chế biến. Sư Bắc tông thì có thể ăn cả ngày còn sư Khmer sau giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì không dùng thức ăn nữa, chỉ dùng nước và các chất lỏng. Việc khất thực của nhà sư Khmer có nét khác với hệ phái khất sĩ và hành động khất thực của nhà sư người Việt. Nhà sư Khmer đi bát không trực tiếp nhận thức ăn hay tiền bạc mà có một đứa trẻ trong sóc đi kèm làm việc ấy. Sư chỉ ôm bình bát trước bụng và đi đến từng nhà dừng trước cửa, vẻ mặt điềm nhiên, không nói. Khi có người trong nhà mang thức ăn ra vái lạy thì sư dùng tay đỡ lấy phần thức ăn với một động tác mang tính nghi thức; sau đó, trao lại cho đứa trẻ đi cạnh mang lấy. Việc nhà sư đi khất thực không phải xin của bố thí, không phải với ý nghĩa nhận lòng từ bi của thiên hạ mà là với tư cách một phẩm trong tam bảo nhận cúng dường của bá tánh.

Sư Khmer phải lao động làm việc khi chùa có việc (xây chùa, dọn dẹp, làm ruộng nếu chùa có sở hữu). Việc chứng kiến một số nhà sư mồ hôi nhễ nhại, vận cà sa gọn gàng, hùng hục trộn bê tông, đổ khuôn, xây tường, ... là điều bình thường đối với cộng đồng người Khmer. Hình ảnh đó, ít thấy đối với một số ngôi chùa người Việt. Ngày nay, phần lớn sư Khmer đều hoàn tục để sống hết phần đời còn lại, sư Việt và Hoa thì ít thấy. Người Khmer khi làm sư, nghĩa là trở thành một bậc khác, phẩm cách khác, thậm chí cha mẹ ruột của mình gặp cũng phải cúi đầu lạy. Nhà sư Khmer khi có chức vụ trong chùa, lúc nói chuyện với gia đình phải nói có người khác chứng kiến và không được có ý tứ riêng tư với gia đình mình.

Có thể nói, hiếu thảo và lòng tin đức Phật là hai đặc tính quan trọng nhất trong tính cách người Khmer. Nhưng quan trọng hơn, sự tuân thủ nguyên tắc hành đạo của Phật giáo cùng với tính thực tiễn trong cuộc sống mới tạo nên hồn cốt của dân tộc Khmer. Tính báo hiếu khi đi tu là một trong những giá trị tinh thần cơ bản của người Khmer nhưng không phải là một yếu tố có tính mục đích cốt lõi. Người Khmer đi tu là do họ theo đạo Phật Nam tông; đi tu là để học giáo lí, là học làm người, học cách sống ở đời cho hợp đạo lí, trong đó có một phần báo hiếu chứ không chỉ có báo hiếu. Sau khi hoàn tục, thanh niên Khmer được coi trọng không chỉ bởi vì họ đã báo hiếu cha mẹ mà còn bởi vì họ là người biết lễ nghĩa giáo lí, biết kinh kệ, được trui rèn trong gian khó. Một số người trở thành vị à cha của phum sóc được mọi người coi trọng. À cha là người rành kinh kệ, là người trung gian kết nối giữa con sóc và nhà sư trong chùa, là người hiểu rõ lễ nghĩa và các nghi thức cúng tế cúng tế cho con sóc. À cha cũng là người nắm rõ các tích truyện, ca dao, tục ngữ, là người lưu giữ chủ động vốn folklore của cộng đồng. Trong tất cả các nghi lễ vòng đời của người Khmer không thể thiếu hình bóng của vị à cha.

Ngoài ra một trong những đặc điểm về văn hoá của người Khmer đáng lưu ý nữa là khuynh hướng biểu diễn và nghệ thuật tạo hình. Các điệu múa của người Khmer rất đa dạng và phổ biến. Hầu như người Khmer nào cũng biết múa một vài điệu. Về kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật tạo hình của những nghệ nhân Khmer mang một đặc điểm hoàn toàn độc đáo so với người Việt và người Hoa, đặc biệt là trong các ngôi chùa. Trong đám cưới của người Khmer, việc kết hợp giữa các điệu múa với việc diễn xướng các câu chuyện cổ và các bài hát dân gian vẫn thường được các vị à cha thực hiện. Trong những sự kiện như vậy, người ta thấy cả một thể nguyên hợp gồm nhiều yếu tố văn hóa-nghệ thuật-tín ngưỡng-phong tục hòa quyện. Những đặc trưng này có tác dụng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Đấy chính là bối cảnh, không gian văn hóa đặc thù cho các hoạt động VHDG Khmer Nam Bộ. Để tìm hiểu những gì mà nền VHDG đã mang lại cho đời số tinh thần người Khmer Nam Bộ, việc nhìn lại những nghiên cứu truyền thống là điều cần thiết.



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương