Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Chương 3 XÂY DỰNG CÁC CÔNG CỤ GHI NHẬN TRUYỆN DÂN GIAN KHMER NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH



tải về 1.32 Mb.
trang11/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   23

Chương 3
XÂY DỰNG CÁC CÔNG CỤ GHI NHẬN TRUYỆN DÂN GIAN KHMER NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH

3.1. Kết cấu bối cảnh kể chuyện dân gian Khmer Nam Bộ

3.1.1. Các yếu tố tạo bối cảnh kể chuyện


Ở chương 1, luận án đã đề xuất một cách hiểu về bối cảnh trong nghiên cứu truyện dân gian, trong đó có sự phân biệt rõ các mức độ của bối cảnh kể chuyện. Trong phần này chúng tôi làm rõ hơn một số yếu tố xác định bối cảnh kể chuyện dân gian Khmer Nam Bộ để có cái nhìn mang tính định hướng và cũng là cơ sở để tiến hành phân tích, lí giải. Sự đề xuất này có giá trị như một quy ước để tiến hành ghi chép trong quá trình thực tế điền dã. Theo các nhà folklore Hoa Kì, trong đó có Roger D. Abrahams [161], thì các yếu tố của một bối cảnh kể chuyện gồm: (1) mối quan hệ giữa những người đang tham gia một giao dịch thẩm mĩ -người kể và người nghe, (2) sự chi phối của thời gian, địa điểm và cơ hội, (3) cảm xúc dấy lên từ sự diễn xướng - cả ở người kể, người nghe lẫn người ghi chép. Quan niệm này đặt trọng tâm ở hai khía cạnh: con người với những nhận thức và bối cảnh xung quanh. Trong đó, yếu tố giao dịch thẩm mĩ được lưu ý giống như cách nói giao tiếp nghệ thuật của Dan Ben-Amos.

Về mặt tâm lí học, với lí thuyết hành vi luận, theo El-Shamy [137, tr.25], hành vi của con người là một sự phản ứng lại một sự kích thích từ bên ngoài. Để nghiên cứu VHDG như một quá trình thì các nhà folklore học cần quan tâm một cách ưu tiên chính bản thân những phản ứng (hành động kể, hành động tạo niềm tin, hành động hát, hành động vận dụng một tục ngữ, hoặc hành động múa) và các yếu tố văn hóa xã hội có liên quan trước khi tiếp tục nghiên cứu chính các tiết mục folklore (truyện dân gian, tín ngưỡng, dân ca, tục ngữ hoặc múa)”. El-Shamy đã áp dụng các khái niệm kích thích (stimulus) và phản ứng (response) thành lí thuyết S-R khi tiến hành phân tích các tiết mục folklore. Ông lập luận rằng trong việc sử dụng hướng tiếp cận S-R để nghiên cứu folklore thì có hai khía cạnh của sự phản ứng cần phải phân biệt: (1) bản thân những hành động phản ứng ban đầu như là: hành động kể (narrating), hành động hát (singing), hành động múa (dancing) hoặc hành động diễn xướng (performing) với (2) phong cách, “kết cấu”, hình thức và nội dung của sự phản ứng đó trong một chỉnh thể (El-Shamy gọi là kích thước của sự phản ứng – measurement of response). Trong trường hợp nghiên cứu truyện cổ tích, nguyên tắc này được diễn đạt theo công thức sau đây: điều gì làm (tức là, yếu tố kích thích và gợi ý) một người (hay một cộng đồng) kể (thể hiện sự hồi đáp) một câu chuyện (kích thước của sự hồi đáp đó) trong một điều kiện thế nào (nghĩa là bối cảnh nào gợi ý) và kết quả thế nào (tức là hiệu ứng với người tham gia). Ông cũng cho rằng, cách tiếp cận này cũng rất đúng cho các hình thức khác trong vốn văn hóa dân gian như nghệ thuật và múa dân gian. Với những cách thức tiếp cận cụ thể và được thao tác hóa như ngành tâm lí học hành vi đã thực hiện, các yếu tố tạo nên bối cảnh kể chuyện gồm một sự kiện gây kích thích, con người, những điều kiện về văn hóa để gợi ý.



Muốn xác định bối cảnh, một yếu tố khác cũng cần quan tâm là cách mà hoạt động kể chuyện hay diễn xướng sẽ diễn ra. Theo các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kì, diễn xướng là một hành động thông tin, là sự trình diễn, sự biểu hiện ra cho người khác xem và đánh giá trong một bối cảnh cụ thể. Diễn xướng còn được xem là một hành động đối lập với năng lực tiềm tàng. Năng lực (hay vốn ngôn ngữ và truyện kể) của mỗi người được nằm tiềm ẩn trong ý thức của cá nhân và quy ước xã hội. Người Khmer, hầu như ai cũng biết truyện kể về hoàng tử Pras Thông và công chúa rắn Neang Nec; sự hiểu biết đó tiềm tàng trong tâm thức của cả cộng đồng. Mỗi thành viên cộng đồng sẽ lưu giữ câu chuyện ấy theo cách riêng của mình, hiểu nó theo vốn văn hóa và trình độ hoặc sự mẫn cảm nghệ thuật của mình. Nhưng khi câu chuyện ấy được một người nhắc đến, tức là nó được một hành động khơi gợi, thì lúc đó hành động kích thích ấy chạm đến cái vốn riêng của từng người, nó làm cho người nghe phải ý thức về câu chuyện ấy, nó khiến người ta lắng nghe và phê chuẩn. Ngoài ra một yếu tố khác cũng góp phần để thiết lập bối cảnh là những báo hiệu để phân biệt giữa diễn xướng với lời nói giao tiếp hằng ngày. Richard Bauman [105, tr.761] gọi những dấu hiệu để báo sự diễn xướng là “khóa” (key), tức là những chỉ dẫn mang tính “siêu thông tin” kiểu như: “nhân tiện tôi xin kể câu chuyện có liên quan”, “Câu chuyện này là có thật”, “nãy giờ tôi chỉ đùa thôi nhưng chuyện này là được ông ngoại tôi kể”, …Trong một cuộc giao tiếp, “khóa” là những chỉ báo cho việc kể chuyện bắt đầu.

3.1.2. Một số bối cảnh kể chuyện dân gian Khmer Nam Bộ


Trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ, với những đặc trưng về tín ngưỡng và phong tục, có nhiều hoàn cảnh, tình huống có khả năng “rập khuôn” cho bối cảnh kể chuyện. Trong luận án này, chúng tôi xin đề cập đến ba loại bối cảnh với tư cách là những điều kiện tối thiểu cấu thành nên một sự kiện diễn xướng kể chuyện.

Thứ nhất, bất cứ yếu tố nào kích thích cho một câu chuyện được kể thì được xem là yếu tố tạo bối cảnh kể chuyện. Ở đây, cần phân biệt tính chất tâm lí học ở thuật ngữ “kích thích” (stimulus) khác với một lời yêu cầu miễn cưỡng phải kể chuyện. Việc xuất hiện của người điền dã hay người nghiên cứu folklore trong môi trường một cộng đồng dân gian và yêu cầu người dân kể lại câu chuyện để ghi âm, và văn bản hóa không phải là hướng tiếp cận bối cảnh. Bối cảnh chỉ có thể là một cuộc trò chuyện của nhiều người, có thể là một dịp lễ hội, có thể trong môi trường gia đình, môi trường lao động mà xảy ra một sự kiện làm cho người tham gia tự phản ứng bằng cách kể câu chuyện nào đó. Như vậy những chuyện được diễn xướng trong trường hợp này được xem là kể trong bối cảnh có sự kích thích ngẫu nhiên. Xét từ nguyên tắc vừa nêu trên và những cơ chế nảy sinh thì loại bối cảnh này không nhất thiết xảy ra trong cộng đồng của người Khmer mà nó có thể xảy ra ở bất cứ dân tộc nào.

Thứ hai, trong đặc điểm văn hóa của người Khmer, lễ hội cộng đồng hoặc lễ nghi vòng đời đều có liên quan đến sự có mặt của vị à cha. Trước khi sự kiện diễn ra, các vị à cha thường có những cuộc họp để bàn bạc chuẩn bị. Như trong chương 2 đã đề cập, vị à cha có chức năng là cầu nối giữa nhà chùa và cộng đồng, là người đã từng là sư nhưng hoàn tục, có những hiểu biết nhất định về lễ nghi và nhớ nhiều truyện kể. Vị à cha vừa được người dân xem như người thay mặt nhà sư thực hiện Phật sự nơi phum sóc vừa là người nắm rõ các thủ tục lễ nghĩa dân gian. Việc họp bàn xin ý kiến à cha thường xuyên xảy ra trong cộng đồng người Khmer. Cuộc họp ấy là sự tập trung nhiều người theo một chủ đích đã định sẵn, trong đó có ý kiến tham gia của tất cả các thành viên, kể cả người nghiên cứu được xem như có giá trị tác động lớn. Đây được xem là sự gặp gỡ giữa cái nhìn bên trong (emic) và cái nhìn của người ngoài cuộc (etic). Chúng tôi gọi dạng này là sự thương thảo trước một vấn đề đã nêu ra trước. Trong quá trình bàn bạc hay thảo luận để đi đến quyết định, vẫn có rất nhiều vấn đề phụ thuộc vào môi trường và bối cảnh. Dưới góc nhìn này, có thể xảy trường hợp người thực hiện nghiên cứu hoặc một cá nhân khác thực hiện phỏng vấn hay điền dã theo phương pháp dân tộc học đối với người cung cấp thông tin trong cộng đồng hay nhóm nhỏ. Vậy sự phân biệt giữa hướng tiếp cận bối cảnh và điền dã dân tộc học ở chỗ: điền dã dân tộc học là một phương pháp thực hiện cho hướng tiếp cận bối cảnh. Điền dã là sự chủ động thiết lập các mối quan hệ cũng như chủ động gợi ý những vấn đề cần thu thập cho người cung cấp thông tin. Trong trường hợp thương thảo này, cơ cấu của những người tham gia có sự tương tác, tranh luận về một vấn đề để thể hiện ý kiến cá nhân và tìm sự đồng thuận. Nghĩa là, cái vốn folklore tiềm ẩn trong từng người được hiện hữu nhờ sự cọ xát với vốn của người khác. Khi một người kể một câu chuyện nào đó để chứng minh quan điểm của mình, anh ấy cũng thể hiện một bản sắc xã hội khác. Việc thương thảo này có thể là một buổi họp dân ở trong sóc, một sự kiện họp để quyên góp xây chùa, chuẩn bị các nghi lễ, … trên tinh thần tự nguyện và không có sự can thiệp của mệnh lệnh hành chính. Truyện kể trong dạng này gọi là dạng diễn ra trong bối cảnh thương thảo của các thành viên cộng đồng.

Thứ ba, yếu tố tạo bối cảnh kể chuyện là những sự kiện được lên lịch và có tính chu kì. Tức là về mặt thời gian, nó phải có tính lặp lại, được cộng đồng biết và chuẩn bị; về mặt không gian nó phải có địa điểm rõ rệt và được quy ước. Đối với những yếu tố tạo ra cơ hội để diễn xướng kể chuyện bắt đầu, theo Bauman, có các mốc tình huống: “những yếu tố của khung cảnh” (một sàn diễn nhô cao, một cái vòm sân khấu, một cái bục …), “những trang bị hay vật dụng” (quần áo, mặt nạ, …) và nguyên tắc thời gian (mùa màng, lễ hội, các ngày trọng thể …) [104, tr.76]. Các mốc tình huống này thường diễn ra một cách âm thầm, ngẫu nhiên, trong đời thường. Người nghiên cứu nếu không cùng sinh sống với những tộc người đó thì rất có thể sẽ không bắt gặp. Cái mà người nghiên cứu có thể nắm bắt được là những biến cố đó đã được lên lịch, có chương trình, có sự phối hợp công khai cho mọi người xem. Đây là một yếu tố quan trọng của diễn xướng văn hóa, có thể được vận dụng như là yếu tố đầu tiên tạo bối cảnh diễn xướng kể chuyện dân gian Khmer Nam Bộ. Trong không gian văn hóa Khmer Nam Bộ, những dịp được lên lịch mà có những câu chuyện dân gian giải thích cồm các lễ hội cộng đồng (Ooc om booc, đôn ta, chôl ch’năm th’mây, lễ cúng phước biển, lễ hội thak-côn, …) và lễ nghi vòng đời cá nhân (lễ cưới, lễ tạ ơn mụ, …). Về lí thuyết, ở những yếu tố lên lịch sẵn này, việc tiến hành diễn xướng (theo nghĩa đầy đủ nhất) thể hiện đậm nét. Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều lễ hội cộng đồng, người Khmer không “mặn mà” với việc kể chuyện dân gian theo kiểu trình bày cho cộng đồng thưởng thức mà chủ yếu bị cuốn hút vào các hoạt động múa và văn nghệ. Phần viết về diễn xướng dân gian trong các tài liệu nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ, nhiều quan điểm vẫn thiên về coi diễn xướng chỉ là hát múa liên quan tới sân khấu. Các tác giả cho rằng từ “hình thức độc tấu nhạc cụ” và các yếu tố kịch hóa trong “diễn xướng ở đám cưới, kiểu hát đối đáp aday rương (đối đáp có cốt truyện) làm nền tảng cho sân khấu sau này [76, tr.235-236]. Do vậy, trong các lễ hội dân gian Khmer, rất hiếm hoặc hoàn toàn không xuất hiện việc diễn xướng kể chuyện thuần túy mà thường được lồng ghép vào trong các hình thức văn nghệ khác. Truyện kể thường tồn tại như một yếu tố phông nền, có chức năng giải thích cho các hành động lễ hội. Vì vậy, dạng diễn xướng kể chuyện trong hoàn cảnh này gọi là truyện kể trong bối cảnh lễ hội.

Tóm lại, có ít nhất ba dạng bối cảnh mà việc kể chuyện dân gian Khmer Nam Bộ diễn ra: các sự kiện có chu kì và địa điểm, một sự kiện có tính kích thích để người khác tự nguyện kể chuyện và một sự kiện có sự tham gia nhiều người theo một mục tiêu định sẵn. Mỗi sự kiện tạo nên bối cảnh nêu trên được hình thành từ truyền thống của một bối cảnh văn hóa lịch sử lớn hơn. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây là các dạng bối cảnh mà người thực hiện luận án này bắt gặp ở dạng nghiên cứu trường hợp chứ không phải là ba bối cảnh tiêu biểu, có tính đại diện. Bởi vì ngoài các dạng bối cảnh nêu trên, còn có dạng bối cảnh dựa trên công việc (làm nông, làm nghề thủ công, buôn bán, …), dựa trên điều kiện sống (kí túc xá của học sinh-sinh viên người Khmer, khu tập thể của nhóm người Khmer đi làm công nhân ở các khu công nghiệp),…Nhưng vì trong phạm vi luận án cho phép chúng tôi chỉ dừng lại ở các trường hợp đã nêu.



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương