Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Việc tổ chức một cuộc điền dã để ghi nhận truyện kể trong bối cảnh



tải về 1.32 Mb.
trang12/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   23

3.2. Việc tổ chức một cuộc điền dã để ghi nhận truyện kể trong bối cảnh

3.2.1. Quan niệm ghi chép điền dã theo nghiên cứu truyền thống


Điền dã là một phương pháp quan trọng trong nghiên cứu folklore và nhân học. Đó là quá trình người nghiên cứu tham gia, quan sát trực tiếp và ghi chép lại đối tượng. Nội dung ghi chép vừa có thể là những cái đã qua vừa có thể là những cái đang xảy ra, nhưng chủ yếu là cái đang xảy ra. Cách thức thực hiện có thể là chủ động (phỏng vấn thông tin, thu thập tài liệu, hỏi ý nghĩa, ...) hoặc thụ động (chờ đợi, quan sát, ghi âm, ...). Trong nghiên cứu truyền thống, “về phương diện lịch sử, những cố gắng đầu tiên trong điền dã ở Châu Âu là những bộ sưu tầm truyện dân gian nhằm đảm bảo lưu giữ các truyện kể bằng lời trong hình thức văn bản viết” [148, tr.341]. Do đó, điền dã kết nối các nhà khoa học với cộng đồng và cung cấp một kiến thức có liên quan đến bối cảnh để phân tích văn bản.

Về kinh nghiệm ghi chép điền dã và sưu tầm, trong truyền thống folklore Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu theo văn bản cũng đã có những nguyên tắc hữu dụng. Tại Hội nghị Bồi dưỡng kinh nghiệm sưu tầm VHDG toàn miền Bắc, tổ chức vào tháng 9 – 1975, Lê Chí Quế đã có bài “Mấy nét đặc thù trong phương pháp sưu tầm chỉnh lí VHDG các dân tộc thiểu số” bàn về một số kinh nghiệm trong việc sưu tầm VHDG đặc biệt là các tộc người thiểu số. Theo tác giả, VHDG các dân tộc thiểu số có nét đặc thù là không bị cung đình hoá và bác học hoá, một số dân tộc còn dạng nguyên sơ trong văn hoá và trong văn học. Cho nên khi ghi chép, cần lưu ý một số điểm như: vấn đề giao lưu văn hoá tộc người, các phương pháp như ghi chép tỉ mỉ, nguyên dạng; nguyên tắc chỉnh lí và cần phải có sự quan sát trực tiếp để có cái nhìn bao quát rồi mới tiếp xúc nghệ nhân để có bản ghi hoàn chỉnh: “Chúng ta không chỉ ghi chép riêng lẻ dựa trên trí nhớ của nghệ nhân hoặc mời nhóm nghệ nhân phục hiện lại những sáng tác dân gian cổ truyền mà cần tiến hành khảo tả ngay tại môi trường sinh hoạt của nó” [92, tr.114].

Trong bài viết Trò chuyện với người làm công tác sưu tầm folklore"  Vũ Ngọc Khánh cho rằng: Việc đi sưu tầm là công phu và không có công thức chung nào cả. Từ thời các nhà Nho góp nhặt chuyện quê đến thời hiện đại, người Việt Nam vẫn ít có công trình chỉ rõ các phương pháp, kĩ thuật sưu tầm, điền dã. "Thực tế có một số người coi nhẹ việc sưu tầm điền dã, chỉ muốn căn cứ vào những gì có sẵn trong thư viện để kê cứu là đủ rồi" [66, tr.84]. Theo ông, "sưu tầm tư liệu là công tác hàng đầu của nhà khoa học, thậm chí có thể nói nó quyết định cho sức sống và sự trường tồn của lí luận. Một tư liệu điền dã được phát hiện, có thể lật nhào được lí thuyết đã thiết lập uy quyền" [66, tr.85]. Với kinh nghiệm của mình, Vũ Ngọc Khánh đã khái quát một số công việc và vấn đề cần lưu ý khi sưu tầm VHDG. Theo đó, có hai thứ trang bị mà người đi sưu tầm cần quan tâm: trang bị kiến thứctrang bị vật chất. Phần trang bị kiến thức, quan trọng nhất là đức tính của người sưu tầm. Người điền dã phải có 2 đức "tham" và "liêm". Tham là không bỏ sót một chi tiết nào dù biết rõ mười mươi, phải nhớ luôn dùng công thức 5WH (What – cái gì; Where - ở đâu, When – khi nào, How – Thế nào và Why – Tại sao). Liêm là cẩn thận, chu đáo, trung thực, không thêm thắt, bịa đặt, tranh công, bóp méo tư liệu. Ngoài đức tính, người điền dã phải có kiến thức tổng hợp và kiến thức chuyên môn. Rộng kiến thức để biết đủ cái mình cần tập trung, hẹp chuyên môn để có những phác thảo, những dự cảm, những tri thức liên quan. Người làm công tác sưu tầm phải có tinh thần bảo vệ tư liệu, giữ nguyên trạng, không thay đổi gốc; phải ứng xử với đối tượng, hoà đồng với đối tượng liên quan (chính quyền, nhóm người, dòng họ, ...), và khi tiếp xúc với người kể, diễn xướng hay cung cấp truyện, thì cần phải hiểu tâm lí nghệ nhân, ứng xử khéo léo, linh hoạt. Về trang bị vật chất, tác giả cho rằng để đảm bảo cho công việc được trôi chảy và khoa học, người điền dã cần các phương tiện giúp đỡ. Trực tiếp nhất là các phiếu ghi chép, bản hỏi, nhật kí điền dã, bản đồ, tài liệu liên quan đã có sẵn. Ngoài ra cũng phải lưu ý đến những thứ có liên quan (máy ghi âm, chụp ảnh, quay phim, tiền thù lao, …) và các phương tiện hỗ trợ (xe cộ, giày dép, quần áo (chống mưa), và các phương tiện duy trì sức khỏe, tinh thần ...).

Theo Lê Trung Vũ [130], để lập sơ đồ về đề tài lễ hội, những người làm công tác quản lí văn hoá thường dùng các phiếu để lưu giữ thông tin. Có 02 loại phiếu được lập cho một lễ hội: phiếu thông báo (ngắn gọn, nhỏ, khái quát) và phiếu tư liệu (cụ thể, có mục, có hệ thống). Ví dụ một phiếu tư liệu về một phong tục có tên là “tục cầu đinh” có các mục gồm: tên, xuất xứ, ngày thực hiện, nội dung chính, đặc điểm diễn ra, nhân vật tham gia, các yếu tố khác có liên quan, quy mô phổ biến, gốc tư liệu, người lập phiếu, ngày lập phiếu… Tác giả cho rằng, chỉ cần lập phiếu với những tiêu chí định sẵn như vậy sẽ có những tác dụng thực tiễn như có thể tập hợp được kiến thức cơ bản, vừa đủ, thấy ngay chỗ thiếu; gợi ý, kích thích; chuẩn bị chu đáo cho công trình; và có thể ứng dụng thống kê, so sánh bằng máy tính.

Từ thập niên 70 của thế kỉ trước, Nguyễn Đổng Chi [15] đã có cái nhìn về công tác sưu tầm, điền dã trong nghiên cứu VHDG với nhiều luận điểm tương đồng với thế giới. Một trong những sự phân biệt quan trọng của ông đối với khoa nghiên cứu VHDG là làm rõ đối tượng giữa nghiên cứu và sưu tầm. Theo đó, đối tượng nghiên cứu của VHDG là sản phẩm đã ổn định trên văn bản, còn đối tượng của sưu tầm của VHDG là những hành vi sống động ngoài thực tế. Để nắm bắt được đúng và đủ toàn bộ cái hồn cốt của những gì đang diễn ra ấy, cần phải có một cách thức thực hiện là khoanh vùng một địa phương nào đó và thu thập toàn bộ tất cả những gì có liên quan đến VHDG trong vùng ấy. Việc thu thập có thể tiến hành ở những cư dân địa phương đang sinh hoạt và trực tiếp kể cho người nghiên cứu (sưu tầm sống) hoặc thông qua những gì lưu giữ của người dân (sưu tầm tĩnh). Theo tác giả, lí tưởng nhất là làm cho quần chúng hiểu mục đích của nhà sưu tầm “đến một em bé cũng nắm được mục đích yêu cầu công việc của mình” [15, tr.146], và phải cho quần chúng hoàn toàn coi nhà nghiên cứu là đối tượng kí thác. Cách nói không hoàn toàn trùng khớp nhưng ý tưởng và phương pháp của Nguyễn Đổng Chi chính là phương pháp quan sát tham gia trong nhân học. Ở phương diện này, Nguyễn Đổng Chi có cái nhìn đi trước thời đại rất xa. Giờ đây, với việc vận dụng các phương pháp nhân học văn hóa vào nghiên cứu VHDG, việc điền dã để ghi nhận truyện kể dân gian trong bối cảnh được thực hiện theo hướng đi vào cái nhìn bên trong kết hợp với cái nhìn bên ngoài tạo ra một sự ghi chép có cả chủ thể lẫn đối tượng. Có thể nói, nếu như trong quan điểm truyền thống, nhà sưu tầm và nhà nghiên cứu có hai đối tượng khác nhau, thì với hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh và diễn xướng, nhà nghiên cứu phải thực hiện việc nghiên cứu đồng thời với việc sưu tầm. Để làm được điều đó, người nghiên cứu cần phải có sự chuẩn bị và cách thực hiện khi tham gia thực tế diễn xướng.

3.2.2. Chọn bối cảnh và chuẩn bị ghi chép


Đầu tiên, để bắt đầu thiết lập một cuộc điền dã, việc phải làm là chọn một nhóm người dân gian, vốn thường là một tập hợp các thành viên giao tiếp với nhau trong một thời gian dài, có chung những kỉ niệm những kí ức truyền thống. Một số người cho rằng nhóm người đó đôi khi không nhất thiết là sống với nhau trong thời gian dài mà có thể dựa trên nghề nghiệp, độ tuổi, nơi chốn họ sống, dân tộc, gia đình, giới tính, có sở thích chung. Trong trường hợp nghiên cứu truyện dân gian Khmer thì nhóm người dân gian có thể là những phum sóc, hoặc những địa phương có đồng bào Khmer sinh sống và những nhóm người trong hoàn cảnh cùng nghề nghiệp hoặc sở thích.

Điền dã bao gồm việc quan sát và ghi chép về người khác ở nơi mà họ cư ngụ và những gì họ đang làm. Ghi chép là một phương thức chính trong việc thu thập thông tin cơ bản trong các ngành khoa học xã hội. Thông tin điền dã được người nghiên cứu thu thập bằng nhiều phương tiện (giấy ghi chép, phim ảnh, âm thanh) và từ nhiều nguồn cung cấp: như những truyền thống chủ động (những gì mà người ta làm bây giờ) hoặc ở những truyền thống thụ động (những gì người ta biết, hiểu và thậm chí rất có thể có khiếu thẩm mĩ về nó nhưng họ không trình bày hoặc nói ra, trừ khi người được yêu cầu). Về nguyên tắc, “người nghiên cứu phải tính toán trước phương án thể nghiệm bản thân: phải tham gia vào những sự kiện đang diễn ra (quan sát tham gia), hoặc hoàn toàn đứng ngoài những sự kiện đó” [163, tr.303]; hay có thể sẽ chủ động theo đuổi những đối tượng (bằng phỏng vấn, truy tìm, xin lời giải thích), hoặc có thể thụ động (chờ đợi, quan sát, ghi âm).

Trước đây, khi người điền dã phải ghi lại từng chữ một bằng tay, hầu hết tất cả công việc đều dồn vào việc theo đuổi mạch văn các bản truyện kể hoặc ghi lại giai điệu xung quanh văn bản cũng đủ mệt. Còn bây giờ với các thiết bị máy móc, người điền dã có thể xem xét phân tích bối cảnh - không chỉ là yếu tố của sự diễn xướng kể chuyện mà còn là bối cảnh của việc ghi âm - theo một tiến trình và diễn biến của việc kể. Nói cách khác giờ đây không còn tình trạng chỉ là một câu chuyện, ví dụ truyện cười, được phát hiện nữa mà là câu chuyện ấy diễn ra như thế nào qua hàng loạt câu hỏi: Ai thường kể những truyện này cho ai nghe và trong những hoàn cảnh nào? Nó được diễn giải ra sao? Ai cười và ai không cười? Yếu tố nào mà những câu chuyện cười đó có vai trò giúp cho các sự kiện xã hội diễn ra? Việc biên tập những câu chuyện cười đó liên quan đến những câu chuyện khác có cùng nội dung thế nào? Ý nghĩa có giống nhau khi bối cảnh thay đổi không? Mối quan hệ giữa người quan sát và người được quan sát là gì?… Để chuẩn bị cho việc ghi chép, người nghiên cứu cần dự định trước tất cả những câu hỏi ấy và cần có sự linh hoạt trong quá trình tham dự và ghi chép thực tế.

3.2.3. Cách ghi chép trong nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh


Theo các nhà nghiên cứu điền dã trong nhân học văn hóa, khi tiếp cận truyện dân gian trong bối cảnh thì nên sử dụng song song bản ghi chép để ghi nhận diễn biến của tiết mục bằng phương pháp ghi chép điền dã dân tộc học và máy ghi âm (nếu có ghi hình càng tốt) toàn bộ sự kiện kể chuyện ấy. Ghi âm cuộc nói và ghi chú cẩn thận về việc đặt tên dữ liệu cũng như ghi chép càng nhiều càng tốt theo góc nhìn của mình. Điều này có lợi vô cùng cho việc sắp xếp truy tìm sau này. Có rất nhiều nội dung trong phần ghi âm và chép tay, nhưng chọn vấn đề gì để ghi là do bản thân chúng ta. Đối với những phần ghi âm, người nghiên cứu có thể nghe lại nội dung ghi âm và ghi chú, ghi ngắn gọn tất cả điều gì cảm thấy thích thú nhất: Nơi nào thật sự mọi người thích thú? Lúc nào bắt đầu kể? Có thể xác định thể loại không? Khi nào thì mọi người bắt đầu sáng tạo và hình thức nghệ thuật hoá. Và đoạn này được ghi ở đâu?… là những câu hỏi giúp cho việc kiểm tra lại nội dung thực hiện tốt hơn. Trong quá trình lắng nghe, việc chuyển thành văn bản một cách chính xác những gì người kể nói trong chừng mực có thể là một yêu cầu tối quan trọng cùng với những gì mà người ta trao đổi trước và sau khi kể như là một cách để khám phá bối cảnh xã hội.

Nguyên tắc thực hiện phương pháp quan sát - tham gia có mục tiêu là thể hiện quan điểm của đối tượng nghiên cứu trong một bối cảnh cụ thể, giới hạn về không gian, thời gian và số người tham dự. Tuy nhiên để có khoảnh khắc giới hạn theo đúng nghĩa của một sự kiện kể chuyện thì đòi hỏi người thực hiện phải có một cách tiếp cận dài hạn, tức là yếu tố “tham gia”, tốn khá nhiều thời gian. Malinowski phải mất vài năm ở quần đảo Trobiand để trở thành một “thành viên” của một cộng đồng cư dân nơi ấy mới có thể ghi chép thật tỉ mỉ và thú vị những nét sinh hoạt của họ. Bởi vì, theo Charlie McCormick [163, tr.628-629], chỉ khi nào người nghiên cứu đạt tới trạng thái “thành viên” trong một nhóm người thì dữ liệu mà anh ta thu thập được mới tránh xa kiểu miêu tả “một lối sống không bình thường”, tức là người dân cố tình “diễn” khi có người lạ và biết rõ mục đích. Nguyên nhân tâm lí tạo nên sự thay đổi thói quen khi có người lạ vào nhà là một điều không khó hiểu, đặc biệt là đối với những tộc người có nền văn hóa đặc thù, còn lưu giữ những nét riêng, ít bị hiện đại hóa.

Tuy thế, trong thực tiễn hiếm có khi nào mà người nghiên cứu có sự thâm nhập hoàn toàn với cộng đồng mình tham gia vì khi nói tới văn hóa phải nghĩ đó là quá trình cả đời người chứ không phải đo bằng thời gian vài năm; chưa kể là họ cần phải có những kĩ năng thích nghi nhất định. Do đó, chúng ta có thể duy trì một khoảng cách nhất định và dùng phương pháp quan sát với yêu cầu càng giữ nguyên sự vẹn toàn và không thiên vị đối với việc kể chuyện thì càng tốt. Nhưng cũng trớ trêu là nếu chỉ toàn những ghi chép dửng dưng, khách quan tuyệt đối thì nó cũng sẽ vô dụng vì chẳng khác gì một đống chữ viết của một người biết chữ không hề có chủ ý khoa học nào cả. Vì thế, trong việc ghi chép, chúng ta phải chấp nhận việc tham dự có sự tác động của người nghiên cứu và những đối tượng khác ngoài nhóm người có cùng bối cảnh văn hóa-lịch sử.

Với những đặc điểm như vậy, việc ghi lại nội dung của một tác phẩm VHDG trong bối cảnh cần phải có những kĩ năng và thao tác của ghi chép điền dã dân tộc học. Bởi lẽ, ghi ghép điền dã là một cách thức quan trọng để văn bản hoá diễn ngôn kể chuyện, tức là viết lại một sự kiện không còn nữa, chỉ tồn tại trong khoảnh khắc nó diễn ra thành một văn bản. Trong cuốn Viết các ghi chép điền dã dân tộc học [94], các tác giả đã trình bày các vấn đề cơ bản mà người làm công tác điền dã cần tập trung khi ghi chép điền dã dân tộc học gồm: xác định vai trò, vị trí của ghi chép, điền dã cùng với các kĩ năng cụ thể như thực địa (tham dự quan sát và ghi chép nhanh), làm việc tại bàn viết (tạo nên cảnh trang viết dựa trên mục đích và phương pháp viết), cách theo đuổi ý nghĩ các thành viên trong một cộng đồng, xử lí ghi chép (mã hoá và ghi nhớ), và viết một tác phẩm miêu tả dân tộc học. Trong tất cả các kĩ năng đó, thì việc ghi chép có vai trò quan trọng nhất và nó cũng là một kĩ năng có thể được vận dụng vào điền dã sưu tầm folklore trong thực tiễn. Trong việc ghi chép, người thực hiện điền dã cần phải lưu ý đến ba công việc và thái độ yêu cầu: (1) Sự tham dự: phải hiểu là tham gia, có mặt vào một buổi kể chuyện hay hoạt động của cộng đồng hoặc nhóm người. Tuy nhiên nó không chỉ là sự có mặt và ghi chép mà thật sự phải có tinh thần hoà nhập, phải hiểu đó là một sự trải nghiệm của bản thân và là một thao tác tái xã hội hoá những gì diễn ra. Khi tham dự người điền dã phải dự trù đến những tác động có tính phản ứng từ đối tượng và quan trọng nhất của sự miêu tả khi tham gia là chọn một góc nhìn cho mình trước sự kiện bộn bề. (2) Khắc ghi: là hành động chọn lọc, chuyển đổi, giản lược các sự kiện vào văn bản dưới góc nhìn của người điền dã. Đây là hành động cơ bản nhất làm nên hồn cốt một chi chép dân tộc học cho dù các phương tiện băng hình vẫn được sử dụng. Khắc ghi là hành động ghi chép lại bằng một tâm trạng của người tham dự với cộng đồng. Không có khuôn mẫu nào cho người điền dã khi khắc ghi mà chỉ có một nguyên lí là: căn cứ theo góc nhìn của mình, người điền dã phải thể hiện cho độc giả thấy cảm nhận về những gì mình cho là quan trọng và những gì người tham gia diễn xướng cho là quan trọng. (3) Phân tích ý nghĩa: cái được quan sát tách ra khỏi quá trình sống và mối quan tâm của người bản xứ. Phân tích ý nghĩa là công việc sau khi nhà nghiên cứu đã rời khỏi thực địa nhưng không phải dứt bỏ. Ý nghĩa của một câu chuyện trên văn bản sẽ phải được giải thích nhờ vào cái không khí mà câu chuyện đó được kể.

Qua thực tế nghiên cứu ở các tỉnh thành ĐBSCL, chúng tôi thấy rằng trong việc ghi chép lúc tham gia trực tiếp vào sự kiện là một trở ngại lớn đối với người nghiên cứu văn học chưa qua các trường lớp đào tạo về dân tộc học. Dù một người có khả năng ghi tốc kí nhanh cỡ nào cũng không thể theo kịp nhịp điệu diễn biến của câu chuyện đang được kể ra với tất cả sự nhiệt tình của người kể và không khí mà người nghe tạo ra. Do đó, việc sử dụng các phương tiện thông tin để hỗ trợ là cần thiết. Có thể sử dụng một máy ghi âm để ghi lại lời kể của câu chuyện, còn viết và giấy thì dùng để đặc tả và ghi nhận về mặt tâm lí người tham gia, những xúc cảm mà họ trải qua, những suy nghĩ mà họ biểu lộ qua cử chỉ và những cảm nhận suy nghĩ của bản thân người điền dã về hoạt động ấy. Tốt hơn nữa, có thể sử dụng một chiếc máy quay phim đặt ở một góc cố định để ghi lại toàn bộ khung cảnh của buổi diễn xướng. Khi ấy, người nghiên cứu vừa có cái nhìn tổng quan, vừa ghi chép được chi tiết. Đồng thời, khi xem lại băng ghi hình, lúc này đã ở một trạng thái tỉnh táo, rút mình ra khỏi không khí lễ hội hay nghi thức, chúng ta sẽ có những đánh giá tỉnh táo hơn.

Từ những kinh nghiệm đã có ở các nhà nghiên cứu folklore Việt Nam, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng ở các lí thuyết trước đây, cho thấy: việc nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh không phải là sự phủ nhận phương pháp cũ mà nó là sự thay đổi trong quan niệm và cách thức tiến hành. Nếu như trước đây, bối cảnh cũng được lưu ý và được ghi bằng những thông tin có ý nghĩa bổ sung cho văn bản chính thì bây giờ các chi tiết của bối cảnh và diễn xướng là một phần không thể thiếu của một diễn ngôn kể chuyện. Sự thâm nhập đa chiều của người nghiên cứu được thể hiện vào trong một bản ghi chép chính là sự khác biệt lớn nhất so với hướng sưu tầm trước đây. Tóm lại, qua những kinh nghiệm của các nhà folklore học Việt Nam và một số quan điểm lí thuyết quốc tế, việc ghi lại một tác phẩm VHDG trong bối cảnh cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

1) Một tiết mục/ câu chuyện được mang ra kể/ diễn xướng trong một bối cảnh nào đó không chỉ là một văn bản mà là một diễn ngôn. Cấp độ ngôn ngữ trong lời kể của nghệ nhân không chỉ nằm ở lĩnh vực ngôn ngữ học mà nó được đặt trong mối quan hệ với thực tiễn, với các yếu tố văn hoá khác. Là ngôn từ nhưng nó không đơn giản chỉ là sự quy chiếu vào sự vật hiện tượng mà hướng đến nhiều giá trị khác. Ngôn ngữ được sử dụng trong việc kể chuyện là ngôn ngữ giao tiếp với thông điệp được mã hoá. Về mặt ngôn ngữ, khi thu thập và phân tích folklore nghĩa là nhà nghiên cứu đang ghi nhận và phân tích diễn ngôn. Cho nên, để nắm bắt được các câu chuyện diễn ra trong thực tế, các nhà khoa học phải lưu ý đến nguyên lí của ngôn ngữ được sử dụng trong thực tiễn, đặt trong bối cảnh văn hoá xã hội, và với tư cách diễn ngôn văn hoá. Điều này buộc người điền dã phải ghi chép các lời kể không được bỏ sót các khía cạnh tương tác mà một diễn ngôn thường có. Quyết định ghi cái gì, bỏ cái gì, ngoài mục tiêu chủ quan còn có sự tác động đến bản chất của đối tượng đang được ghi nhận. Phương pháp này đã được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ.

2) Việc ghi lại diễn ngôn đó cần phải sử dụng phương pháp ghi chép điền dã dân tộc học để thực hiện. Dưới nhãn quan của người điền dã dân tộc học, người thực hiện việc ghi lại diễn xướng kể chuyện trong bối cảnh sẽ biết sử dụng những kĩ thuật đặc thù để tái tạo, lưu giữ các khoảnh khắc và thể hiện ra thành văn bản. Ngoài ra, cần phải có các biểu mẫu để thực hiện đồng nhất việc lưu giữ đó. Việc ghi chép một truyện dân gian trong bối cảnh cần thể hiện rõ các yếu tố của diễn xướngbối cảnh xung quanh bên cạnh văn bản kể. Sự trung thực đối với lời kể và lựa chọn vấn đề theo quan điểm của nhà nghiên cứu là rất cần thiết. Khái niệm diễn xướng cần được hiểu không phải là hành động biểu diễn bằng động tác tay chân hay cơ thể. Nó không chỉ là cái thể hiện ra bên ngoài mà còn là những tiềm năng ứng xử ẩn sâu bên trong. Đặc tính của diễn xướng là đôi khi rất tình cờ, một lần không lặp lại, một sự tương tác có tính chức năng xã hội giữa những người có mặt với nhau. Nó có tính phổ biến, cơ bản đối với đặc điểm cuộc sống nhân loại. Khi diễn xướng người ta phải đặt tác phẩm trong một tình huống và kéo theo tính sáng tạo. Do đó, người điền dã phải hòa nhập mình vào cuộc kể chuyện để ghi lại những thể hiện ra bên ngoài của những tiềm năng đó.

3) Khi đọc một văn bản ghi nhận truyện dân gian trong bối cảnh diễn xướng, người ta phải thấy được cái thông điệp mà người kể và người nghe thể hiện qua quá trình kể chuyện. Bản thân một truyện được kể là đã được mã hoá nhiều lần để phù hợp với hoàn cảnh và quy ước xã hội. Do đó, về ý nghĩa truyện kể, nhà nghiên cứu sẽ đánh giá được chức năng xã hội bằng khung lí thuyết mà họ đề xuất và những người trong cuộc sẽ cho chúng ta thấy công dụng xã hội của truyện kể. Để đạt những yêu cầu như vừa nêu, quá trình sưu tầm, điền dã của những người làm công tác khoa học dân gian cần phải có tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp. Nó không chỉ là vấn đề tư liệu mà quan trọng hơn là những nhận định hay những giá trị được rút ra có liên quan đến văn hoá của một cộng đồng dân tộc. Vì vậy việc tuân thủ những chuẩn mực như “tham” và “liêm” cần phải luôn được duy trì. Để làm được điều đó, tất cả mọi cứ liệu phải rõ ràng, tỉ mỉ và chi tiết.


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương