Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Nghiên cứu folklore trong bối cảnh – khuynh hướng mới ở phương Tây



tải về 1.32 Mb.
trang6/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

1.2. Nghiên cứu folklore trong bối cảnh – khuynh hướng mới ở phương Tây.

1.2.1. Chuyển hướng trong định nghĩa về folklore


Trong khoa học, phương pháp luận nghiên cứu sẽ quyết định đối tượng nghiên cứu và nếu có phương pháp và cách thức tiếp cận mới đối với đối tượng trong nghiên cứu sẽ góp phần tạo nên cái mới, tính mới và đi đến sự sáng tạo. Từ những năm 1960, việc nghiên cứu folklore ở Hoa Kì bắt đầu có sự chuyển hướng về phương pháp tiếp cận. Điểm đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng là việc định nghĩa lại bản chất của folklore. Có thể nhìn thấy việc thay đổi ấy qua những khía cạnh sau đây:

Trước hết, vượt qua những cách suy nghĩ đã ăn sâu vào nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, coi folklore thuộc văn hóa hay văn học, các nhà folklore học Hoa Kì đã đi tìm cách chứng minh folklore và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết. Bước tiếp theo, họ tìm cách chứng minh folklore học khác biệt với ngôn ngữ học ở luận điểm: ngôn ngữ mà folklore sử dụng là ngôn ngữ giao tiếp mang tính nghệ thuật, tức là hệ thống ngôn từ và các lĩnh vực khác có liên quan như bản sắc, giá trị, cội nguồn, khát vọng, … của một nhóm người sử dụng nó. Do đó, ngôn ngữ trong VHDG là ngôn ngữ trong cuộc sống, gắn liền và có ý nghĩa với cuộc sống cá nhân cũng như cộng đồng. Folklore có ưu thế hơn các ngành KHXH&NV khác ở diễn ngôn trong cuộc sống hằng ngày; trong khi ngôn ngữ vẫn được xem là một hệ thống tín hiệu trừu tượng hay là một phạm trù văn hóa thì folklore có khả năng lấp lỗ trống của ngôn ngữ ở mặt giao tiếp. Dell Hymes đã củng cố cách suy nghĩ trên bằng quan niệm:

Ngôn ngữ học có khả năng xây dựng các mô hình chuẩn mực cho văn bản và nghiên cứu chúng dưới góc độ cú pháp, nhưng nghiên cứu văn bản như một diễn ngôn thì đòi hỏi các phương pháp làm việc và những hiểu biết thấu đáo mà chỉ có một lĩnh vực như folklore mới có thể đem lại [105, tr.707].

Như vậy, với cách nhìn folklore là diễn ngôn trong đời sống, các nhà khoa học đã mở rộng biên giới của yếu tố ngôn từ trong folklore để có cơ sở xác định rõ trọng tâm cần tập trung. Tuy vậy, Dan Ben-Amos cho rằng việc định nghĩa folklore là một việc làm khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bởi lẽ nó vừa thuộc lĩnh vực nghệ thuật (sáng tạo không giới hạn), vừa thuộc lĩnh vực văn hoá (có giới hạn) và các định nghĩa thường lại rơi vào miêu tả folklore như một trạng thái tĩnh, hữu hình. Để khắc phục điều đó, ông đề xuất nên hiểu folklore là một sự kiện giao tiếp:

Việc kể chuyện cũng chính là bản thân câu chuyện; bởi thế, người kể chuyện, câu chuyện người đó kể, và người nghe câu chuyện đó đều có liên quan nhau như các thành phần của một thể liên tục, đó chính là sự kiện giao tiếp" [105, tr.218].

Việc công nhận khái niệm này sẽ có tác dụng thay đổi quan niệm về phân chia thể loại vì phạm vi folklore được mở rộng ra khỏi ngôn ngữ. Nó không phải là hình chiếu hay sự phản ánh hiện thực mà được coi như một lĩnh vực tương tác. Và ông cũng có quan niệm mới về folklore với câu nói đơn giản nhưng hàm chứa sự thay đổi hướng tiếp cận: “folklore là giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ”. Tức là nhóm người với số lượng ít, giáp mặt nhau trực tiếp, cùng ở một tình huống.

Nhìn từ góc độ người tiếp nhận và cộng đồng nuôi dưỡng folklore, Roman Jakobson quả quyết: "Sự tồn tại của một sản phẩm folklore chỉ thực sự bắt đầu khi nó được cộng đồng nhất định chấp nhận, chỉ tồn tại ở nó những gì mà cộng đồng này thu nhận" [105, tr.29]. Theo tác giả, một tác phẩm folklore muốn tồn tại và phát triển trong đời sống văn hoá của một cộng đồng người thì nó phải được chấp nhận (được nhiều người nhớ hoặc biết đến) và phê chuẩn (chấp nhận và thường xuyên được kể lại). Do đó khi nghiên cứu các nhà folklore học đừng quên một khái niệm cơ bản là sự phê phán phòng ngừa của cộng đồng (tức là những chuyện nào mà cộng đồng không chấp nhận thì câu chuyện ấy không có giá trị thực tiễn, hoặc là nó do ngoại nhập, hoặc là nó bị đào thải theo lịch sử). Ngoài ra, xuất phát từ ngôn ngữ, ông quan niệm bản chất của folklore (một thể loại, tác phẩm cụ thể nào đó) giống như quan hệ giữa "langue" (ngôn ngữ) và "palore" (ngôn từ, lời nói).

Tương tự như “langue”, tác phẩm folklore ở ngoài cá nhân và chỉ có một sự tiềm tàng. Nó chỉ là sự tập hợp những chuẩn mực và xung lực nhất định, một phác thảo của truyền thống sống động mà người trình diễn làm cho sinh động bằng sự tô điểm của sáng tạo cá nhân, giống như việc những người chủ nhân của “palore” làm đối với “langue” [105, tr.33].

Nhiệm vụ của folklore đồng đại là khảo sát hệ thống nghệ thuật tạo thành tác phẩm folklore trong một cộng đồng nhất định - một làng, một quận, một tộc người. Cùng quan điểm với Jakobson, V. Propp quan tâm đến lĩnh vực diễn xướng tác phẩm VHDG trong cộng đồng. Ông cho rằng người diễn xướng không phải là người trình bày lại tác phẩm của chính mình nhưng cũng không phải trình bày tác phẩm của người khác. Anh ta không nhắc lại giống hệt từng chữ một những gì mình đã nghe trước đây, mà đưa thêm vào tác phẩm những thay đổi do chính bản thân tạo nên: “Cá tính người diễn xướng, sở thích riêng, cách nhìn cuộc sống, năng lực, tài năng sáng tạo của anh ta có vai trò không nhỏ (tuy không phải là quyết định)” [134, tr.282- 283]. Điều này cho thấy sự tái sáng tạo ở cấp độ lời nói nghệ thuật của quá trình kể hay diễn xướng một tác phẩm folklore là một đặc điểm quan trọng thuộc về bản chất. Nếu nghiên cứu VHDG mà bỏ qua bản chất này sẽ làm cho công việc có nguy cơ chệch hướng.

Thứ hai, việc chuyển hướng nghiên cứu folklore là do có sự ảnh hưởng của ngành nhân học văn hóa. Qua các công trình của Bronislaw Malinowski và William Bascom, các khái niệm “bối cảnh tình huống” và “bối cảnh văn hoá” được quan tâm và vận dụng vào việc xem xét lại định nghĩa về folklore. Bối cảnh, vốn được coi là yếu tố tối cần thiết để hiểu một văn bản, giờ được xem là những tình huống cụ thể mà một văn bản sẽ được sáng tác hay diễn xướng để thu hút sự chú ý của người xem và là những hệ thống văn hoá lớn hơn mà văn bản là một phần trong đó. Những quan niệm về bối cảnh và tầm quan trọng của nó trong việc hiểu văn bản đòi hỏi cần có một cấp độ mới của việc phân tích và chuyển hướng chú ý của các nhà nghiên cứu folklore từ chức năng sang ý nghĩa, từ giải thích sang kiến giải. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc tách rời các câu chuyện cổ (bằng cách văn bản hóa) ra khỏi địa điểm bản xứ, khỏi thời gian và xã hội đã sinh ra các tác phẩm ấy thì chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi về chất. “Bối cảnh xã hội, thái độ văn hóa, tình huống hùng biện, và năng lực cá nhân là những biến số tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong cấu trúc, văn bản và kết cấu của sản phẩm ngôn từ, …” [105, tr.211].

Trong việc vận dụng nhân học văn hóa, các nhà folklore học theo hướng dân tộc học lời nói (ethnography of speaking) đã phân tích lại định nghĩa folklore bằng cách xem lại các yếu tố cấu tạo nên một tiết mục folklore. Theo Dan Ben-Amos, trong một bài viết về truyện cổ tích cho rằng: “mục đích của phương pháp dân tộc học là mô tả toàn bộ các tiềm năng truyện kể và việc hiện thực hóa nó trong một xã hội nhất định” [104, tr.342]. Theo đó, việc nghiên cứu truyện cổ tích gồm có 03 yếu tố: người kể chuyện (story teller), sự diễn xướng (performance) và bối cảnh (context). Trong đó sự diễn xướng được xem là một phương thức thông tin nghệ thuật mà người kể đảm nhiệm một cách công khai vai trò của người giao tiếp với người nghe. Trong khi đó, Alan Dundes cho rằng trước đây cách định nghĩa thể loại folklore chỉ là một cách để phân loại, còn giờ đây bất cứ thể loại folklore nào cũng có thể được định nghĩa từ 03 yếu tố: kết cấu (texture): phần ngôn ngữ, gồm cả cấu trúc trừu tượng chi phối, thường không thể dịch; văn bản (text): là một dị bản hoặc là một lần kể duy nhất và bối cảnh (context): là hoàn cảnh riêng mà trong đó một mục (tác phẩm) được sử dụng thực sự [105, tr.508]. Khác với kiểu ghi bối cảnh như là chú thích của lối sưu tầm và văn bản hoá tư liệu, Alan Dundes cho rằng ghi lại bối cảnh là cần thiết cho mỗi thể loại nhưng việc ghi lại địa chỉ, thời gian, tên họ, tuổi của từng người cung cấp chưa phải là ghi lại bối cảnh mà những dữ liệu như thế chỉ mới là bắt đầu.

Thứ ba, một trong những ngành khoa học có ảnh hưởng góp phần tạo sự chuyển hướng trong nghiên cứu folklore là lí thuyết tiếp cận tâm lí học hành vi trong folklore. Trong một bài viết về hướng tiếp cận tâm lí học trong nghiên cứu folklore [163, tr.670-678], Hasan El-Shamy cho rằng hành vi được hiểu là phản ứng có điều kiện của cơ thể con người trước một sự tác động nào đó từ bên ngoài, là cái hoàn toàn có thể quan sát và ghi nhận được. Việc quan sát trực tiếp mới là sự chứng nhận quan trọng nhất được chấp nhận trong tâm lí học hành vi. Do đó, khi vận dụng vào nghiên cứu folklore, việc tham dự và quan sát trực tiếp một buổi kể chuyện và ghi lại những phản ứng của người kể và người nghe sẽ giúp cho người nghiên cứu hiểu được những biến đổi tâm lí, những ý nghĩa của những hành động phản ứng từ phía người kể lẫn khán giả. Hasan El-Shamy kêu gọi các nhà folklore học quan tâm một cách ưu tiên chính bản thân những phản ứng mang tính chất folklore (hành động kể, hành động tạo niềm tin, hành động hát, hành động vận dụng một tục ngữ, hoặc hành động múa) và các yếu tố văn hóa xã hội có liên quan trước khi tiếp tục nghiên cứu chính các tiết mục folklore (truyện dân gian, tín ngưỡng, dân ca, tục ngữ hoặc múa). Để đạt được mục tiêu đó, ông đã giới thiệu một khái niệm gọi là “hành vi mang đặc tính folklore” (folklore behaviour), trong đó lưu ý đến sự kết nối trực tiếp giữa các yếu tố mang tính hành vi như động cơ, bối cảnh (gợi ý), phản ứng, và những sự quở trách trong cuộc diễn xướng của truyền thống dân gian của một cộng đồng tộc người. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc này, công tác nghiên cứu đã thiết lập các mối quan hệ có thể quan sát được hay lượng hóa được giữa sự ổn định và sự phát triển liên tục của bất kì tiết mục folklore nào hoặc sự tan rã hay biến mất của tiết mục đó.

Với hướng suy nghĩ VHDG là một quá trình, việc nghiên cứu truyện dân gian cơ bản được định vị trên những thành tựu của ngôn ngữ, nhân học văn hoá và tâm lí học hành vi. Qua những nền tảng đó, tác phẩm VHDG đã được xem xét với những góc nhìn khác và định hướng khác. Cụ thể như sau:

1. Xuất phát từ yêu cầu định nghĩa lại folklore, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bản chất của folklore gần với ngôn ngữ hơn là văn học. Dưới góc nhìn ngữ dụng học, folklore được xem như là một diễn ngôn; một câu chuyện được kể là một diễn ngôn kể chuyện. Nếu được coi là diễn ngôn thì việc kể chuyện phải đặt trong một sự kiện giao tiếp, giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ. Folklore bản chất là một phác thảo của truyền thống, là “xung lực” và chỉ thể hiện qua thực tiễn diễn xướng. Và diễn xướng truyện kể không phải là lặp lại nguyên những gì người kể đã nghe mà anh ta sẽ thể hiện lại truyền thống bằng cách riêng của cá nhân mình.

2. Folklore giờ đây không phải là những tác phẩm đã hoàn thành mà được xem như một quá trình (process), như là những lời nói nghệ thuật (verbal art) và lời nói nghệ thuật trong folklore như là sự diễn xướng (verbal art as a performance). Tức là ngôn ngữ folklore là ngôn từ trong hành chức của nó. Khi xét một tác phẩm VHDG ở góc độ ngôn từ trong hoạt động thì phải lưu ý đến tính chất thể hiện nghệ thuật của ngôn từ đó. Việc kể lại câu chuyện trong thực tế là một hành động trình bày có dụng ý nghệ thuật, là sự nhập vai và hoá thân, chịu chi phối của hoàn cảnh xung quanh, sự chấp nhận và đón đợi của cộng đồng. Do vậy, nghiên cứu VHDG không chỉ dừng lại ở văn bản mà còn đặt nó vào môi trường diễn xướng.

3. Trong những tình huống cụ thể, việc kể chuyện và diễn xướng của các cá nhân và nhóm người trong một bối cảnh nảy sinh những tương tác về mặt tâm lí và hành động. Ở một góc độ nào đó, quá trình của folklore là một diễn ngôn nên việc quan sát trực tiếp và ghi lại những phản ứng từ các phía trong một cuộc diễn xướng folklore là những cách làm có giá trị khoa học. Bản thân hành động kể chuyện có những biểu hiện hoàn toàn khác với truyện kể đã hoàn thành. Cũng như vậy, hành động diễn xướng không phải tự thân của người thể hiện mong muốn mà nó được kích thích từ một bối cảnh cụ thể.


1.2.2. Sự đa dạng trong hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu folklore


Dù việc nghiên cứu VHDG trong bối cảnh ở Việt Nam được chú ý vào những năm gần đây nhưng vai trò của bối cảnh trong kể chuyện đã được biết đến từ trước thập niên 60 của thế kỉ XX trên thế giới. Khi mà các nhà folklore Hoa Kì bắt đầu có những bài viết nhấn mạnh yếu tố diễn xướng nhằm đáp ứng việc phát triển trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội thì “bối cảnh” đã được sử dụng như là một khái niệm có tính phân tích, làm trọng tâm để khám phá những điều kiện mà các tác phẩm folklore đã được sáng tạo, lưu truyền và tiếp nhận. Nhưng để có được khái niệm bối cảnh, nhiều thế hệ các nhà folklore học đã bỏ ra nhiều công sức để khai phá và tìm tòi, mỗi một người đóng góp một vài khía cạnh. Bước chân theo con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng và được ủng hộ ấy, từng đặc điểm của hướng tiếp cận mới dần hiện ra.

Những khai phá bước đầu trong việc nghiêu cứu folklore trong bối cảnh đã được các nhà folklore học Châu Âu khởi xướng trong nhiều công trình rải rác của vài cá nhân. Dựa vào các công trình của tác giả người Đức Joham Gottfried Herder (thế kỉ XVIII) và của anh em nhà Grimm (thế kỉ XIX), người ta thấy rằng phong cách của truyện kể dân gian có nguồn gốc từ những bối cảnh xã hội và văn hoá mà tác phẩm được sáng sạo. Theo Dan Ben-Amos, vào năm 1906, nhà nghiên cứu kinh thánh người Đức Hermann Gunkel đã dùng khái niệm Sitz im Leben (bối cảnh cuộc sống), trong công trình Die israelitische Literatur”, Die orientalischen Literaturen [105]. Sau này để phát triển thêm ý tưởng này trong một số bài viết, H. Gunkel đã tập trung vào việc diễn giải các hình thức khác nhau của các truyền thống truyền miệng tiền văn tự được ghi lại trong Kinh cựu ước, ở khía cạnh xem xét vị trí của các hình thức đó trong đời sống của con người; sự phân biệt giữa các thể loại văn xuôi với văn vần và liên hệ các hình thức đó với các tình huống cụ thể.

Khoảng năm 1926, Mark Azadovskii, một đại diện cho quan niệm nghiên cứu folklore trong bối cảnh ở Đông Âu, đã có những quan niệm mới về vai trò người kể trong folklore Nga. Trong bài viết lời giới thiệu cho lần hiệu đính tuyển tập truyện cổ tích sưu tầm ở vùng cao Lenar ở Irkutsk vào năm 1925, Azadovskii đã nhấn mạnh vai trò của người kể trong quá trình kể chuyện. Ông đề nghị phải nghiên cứu người kể trong mối liên quan với chỉnh thể nghệ thuật của câu chuyện được kể. Bài viết đã trình bày một minh chứng về bà Osipovna Vinoukurova, một người mù chữ đã cung cấp cho Azadovskii hơn 50 truyện kể. Bằng cách phân tích các motif cụ thể trong các truyện của người phụ nữ đó, Azadovskii khám phá ra rằng, một số motif hình thành từ bối cảnh lịch sử cụ thể và sự diễn xướng của người kể chuyện phụ thuộc rất lớn vào tình trạng tâm lí của họ [148, tr.234]. Cách kể chuyện của người phụ nữ này thường đan xen yếu tố đạo đức, sự bao dung đậm chất địa phương. Về mặt hình thức, chính vì Vinoukurova coi trọng yếu tố tâm lí nên kết cấu truyện kể của bà thường nghèo nàn chi tiết, ít quan tâm tới bố cục, không coi trọng phần kết, ít quan tâm hư cấu, … Nhìn chung, theo Azadovskii, chính người kể là người quyết định kết cấu truyện dựa trên trạng thái tâm lí của họ trong quá trình câu chuyện diễn ra.

Bổ sung cho vai trò của người kể trong quá trình lưu truyền truyện cổ tích, năm 1948, Carl Withelm Von Sydow đã đề xuất khái niệm “người lưu giữ truyền thống chủ động” [105, tr.485] trong kể chuyện cổ tích. Theo tác giả, chỉ có những người lưu giữ truyền thống chủ động mới có khả năng nhớ nhiều và kể lại một cách hấp dẫn. Còn người nghe thụ động không có khả năng lan truyền dù họ vẫn nhớ nhiều chuyện. Petr Bogatyrev thì cho rằng một tác phẩm được kể bằng lời nói thường biến đổi theo tình huống trình diễn. Thành phần công chúng (người thưởng thức) “nên được xem là một phần của tình huống và phản ứng của công chúng có tác động rất lớn đến người kể” [105, tr.501]. Từ trạng thái này, ông đã đề xuất hai khái niệm: truyền thống (cái bị lệ thuộc về mặt nội dung, không thể thay đổi) và ứng tác (sự sáng tạo của người kể). Ứng tác là yếu tố quan trọng nhất trong kể chuyện, làm nên sự hấp dẫn, tính sâu sắc và sự giải thích cho ý nghĩa của truyện kể. Sau đó, Linda Dégh, một nhà khoa học khác đại diện cho Đông Âu, đã tập trung vào mối quan hệ giữa truyện kể, người kể và xã hội trong quyển Folktales and Society. Công trình nghiên cứu của bà đã cho thấy sự ảnh hưởng của cá tính và địa vị xã hội của người kể chuyện vào văn bản truyện kể [148, tr.235] và giải thích rõ khái niệm “tính ổn định” và “tính liên tục” trong truyền thống. Tính liên tục, vốn phụ thuộc vào người kể lẫn người nghe (tương đương với khái niệm “ứng tác” vừa nêu ở trên), đóng vai trò then chốt trong bối cảnh xã hội; nghĩa là dù người kể có trình bày câu chuyện hấp dẫn cỡ nào đi chăng nữa mà người nghe không cảm thấy hứng thú với câu chuyện đó thì nó sẽ không hề lưu dấu vết trong tâm thức cộng đồng.

Hướng nghiên cứu folklore trong bối cảnh thực sự nở rộ và trở thành một trào lưu có tính đồng bộ trong giới khoa học thực sự hình thành và phát triển từ những năm 1960 ở Hoa Kì. Trong bài viết có tính chất đánh giá về trào lưu theo định hướng bối cảnh và giới thiệu một cách tiếp cận mới [154], Lisa Gabbert đã khái quát lại sự chuyển hướng trong nghiên cứu folklore ở Hoa Kì từ nghiên cứu văn bản sang định hướng hành vi trong giao tiếp. Năm 1967, Dan Ben Amos đề xuất một cách định nghĩa mới cho folklore sau khi chỉ ra cách định nghĩa trước đó đã bị khái niệm hóa, vượt lên trên bản chất và các mối quan hệ nội tại. Trong đó, những cách gọi như là “truyền thống”, “truyền miệng” chỉ đơn thuần nói về tiềm năng hơn là thuộc tính có thể kiểm chứng. Nguyên nhân chính là folklore được coi là tư liệu, tương đương với những sự vật được tập hợp. Từ đó ông đề xuất tiếp cận folklore như một quá trình giao tiếp và folklore là “giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ”. Năm 1968, Roger D. Abrahams đề xuất xem folklore như một hình thức hùng biện để thống nhất việc phân tích hình thức thể hiện và chức năng của nó; ông cũng dùng khái niệm “diễn xướng” (performance) để miêu tả cách mà folklore “đi vào cuộc sống”. Năm 1969, trong hội thảo “Folklore và giao tiếp”, nhiều nhà folklore học Hoa Kì đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc nghiên cứu folklore trong một bối cảnh văn hóa xã hội (sociocultural context).

Theo Alan Dundes, bối cảnh của một tiết mục kể chuyện là một hoàn cảnh xã hội đặc biệt mà tiết mục đó được “sử dụng thực sự” và khẳng định rằng văn bản và những yếu tố liên quan phải được hiểu không chỉ là có mối quan hệ với bối cảnh mà còn bị bối cảnh gây ảnh hưởng. Do vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu folklore, tài liệu được tìm hiểu không chỉ là văn bản mà còn là bối cảnh bởi lẽ bối cảnh sẽ cung cấp cho chúng ta sự giải thích điều gì quan trọng trong văn bản và tại sao chúng được sử dụng trong hoàn cảnh xã hội đó. Việc phân tích các vấn đề ai kể, kể cái gì, kể với ai, kể khi nào và kể trong hoàn cảnh nào cho phép chúng ta hiểu được tại sao văn bản có một cấu trúc hình thức như vậy. Ngoài ra, theo Dundes, việc bối cảnh định hướng cho văn bản là một bằng chứng cho thấy “bối cảnh có thể cắt nghĩa cho những biến đổi trong văn bản và kết cấu” [105, tr.512]. Hiểu rõ bối cảnh hơn sẽ cho phép người nghiên cứu lí giải vì sao có sự khác nhau trong số nhiều câu chuyện cùng loại.

Bối cảnh có liên quan đến hành động kể chuyện một cách tự nhiên và rõ ràng. Áp dụng mô hình ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp trong một tình huống kể chuyện, từ năm 1969, Robert A. Georges đã nhấn mạnh rằng: thông điệp của mỗi tình huống kể chuyện được định hướng do sự tương tác hoặc tiếp xúc giữa người kể và người nghe trong sự quy chiếu vào mối quan hệ tương tác có tính xã hội giữa họ, mà hoàn cảnh đó vốn là độc đáo duy nhất cho mỗi dịp kể chuyện. Ông cho rằng "diễn xướng kể chuyện là những sự kiện khác biệt trong giao tiếp của con người và chúng là những trải nghiệm xã hội có một không hai với những người mà tương tác xã hội của họ làm xuất hiện truyện kể" [105, tr.621]. Trên cơ sở đó, cứ liệu phục vụ cho nghiên cứu diễn xướng phải được tìm trong bối cảnh tự nhiên và cần cố gắng để thâu tóm được toàn bộ bối cảnh ấy. Vì vậy khi một người nào đó kể câu chuyện là anh ta phải đóng một vai, hoá thân vào một “bản sắc” (identity). Vì chỉ có như vậy, anh ta mới có thể đáp ứng với người nghe và để chuyển tải hết thông điệp mà câu chuyện đó mang lại và thông điệp đó tồn tại bên trong các cá nhân tham gia:

Mỗi một sự kiện kể chuyện có lí do tồn tại của riêng nó; rốt cuộc, thông điệp của một câu chuyện (được kể) không thể tách rời khỏi các bình diện khác của sự kiện kể chuyện, và thiếu nó thì không có một thông điệp nào cả [105, tr.616].

Thông điệp của một sự kiện kể chuyện thường chỉ tồn tại trong nhóm người tham gia giao tiếp và mỗi người trong vai của mình sẽ tận hưởng những bản sắc trong quá trình kể chuyện. Từ nhận định này cho thấy muốn hiểu một thông điệp, người nghiên cứu phải tham gia vào sự kiện kể chuyện đó, lắng nghe ý kiến và thái độ của người trong cuộc. Cho nên, nếu nhà nghiên cứu sử dụng các khuôn tâm lí xã hội có sẵn và suy diễn theo chức năng xã hội (góc nhìn bên ngoài) sẽ làm lệch trong tâm của thông điệp từ câu chuyện kể.

Năm 1971, Denis Tedlock đã bổ sung vào việc nghiên cứu quá trình diễn xướng kể chuyện một đặc điểm quan trọng mà người ta ít lưu ý, khiến cho quá trình ghi lại truyện kể bằng văn bản hoặc chuyển dịch sang ngôn ngữ khác bị lượt bỏ, là sự lặp lại có tính chất song song trong lời kể. Từ việc phân tích truyền thống kể chuyện của người Zuni, theo tác giả, kể chuyện truyền miệng có đặc điểm như là thơ mang tính kịch, để dễ nhớ và thu hút, người ta thường lặp lại hoặc dùng những cấu trúc song song, có đoạn chêm vào những câu văn vần, có đoạn ngắt giọng và im lặng [105, tr.648]. Do đó khi văn bản hóa hay chuyển dịch các câu chuyện, nhà nghiên cứu cần phải duy trì tất cả những yếu tố trên thì mới hiểu hết tâm trạng và ý nghĩa mà người kể muốn mang lại. Vai trò của bối cảnh đối với ý nghĩa của truyện dân gian còn được phân tích cụ thể qua công trình của Barbara Krishenblatt-Gimblett [105Error: Reference source not found]. Bằng mô tả và phân tích một tình huống sử dụng một truyện ngụ ngôn trong thực tế, bà đã cho thấy vai trò của hành vi ứng xử của con người trong bối cảnh xã hội cụ thể có tác động thế nào tới việc kể và vận dụng truyện ngụ ngôn. Theo đó, quá trình nhận thức của người kể chuyện chịu sự tác động lớn từ các yếu tố va chạm, mâu thuẫn trong bối cảnh với những người khác. Từ sự thay đổi trong nhận thức của người kể, ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn được xác định không phải ở câu chuyện mà là ở “ý nghĩa có tính cụ thể và biến thiên mà những người trong cuộc gán cho nó trong những bối cảnh xã hội nhất định” [105, tr.693].

Một trong những nhà folklore học có quan điểm tiếp cận folklore như một quá trình, đặt vào trong bối cảnh diễn xướng là Richard Bauman. Ông cho rằng: diễn xướng là cách biến một năng lực (tiềm tàng) trở thành một hành động cụ thể và hành động đó phải được người tham gia giao tiếp chấp nhận, đánh giá và có thái độ tác động trở lại. Độ dài của câu chuyện được diễn xướng, không chỉ do trí nhớ của người kể mà còn do thái độ của người nghe. Những người tham gia vào sự kiện diễn xướng phải đóng một “vai” nào đó và có thể bổ sung cho nhau. Để nghiên cứu sự diễn xướng, Bauman đề xuất hai thuật ngữ quan trọng là nhận dạng các “khoá” (key) “rập khuôn” (patterning) các bối cảnh diễn ra. Nếu như các “khoá” là hệ thống siêu thông tin được sử dụng để báo hiệu, hướng dẫn người nghe về việc diễn xướng, là một tín hiệu báo trước sự bắt đầu việc kể chuyện ở một cộng đồng, thì sự “rập khuôn” (patterning) chính là lưu ý về các bối cảnh, các khuôn mẫu, điều kiện xã hội và tâm lí có khả năng để cho sự diễn xướng có thể xảy ra.

Nhìn chung, những phân tích nêu trên cho thấy việc nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh khác với cách nghiên cứu truyền trống ở ba yếu tố nổi bật: Thứ nhất, hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh đề cao vai trò người kể, người trình bày hay thể hiện. Trong khi xem xét yếu tố người kể, các yếu tố tâm lí, cá tính, địa vị, tri thức và vốn hiểu biết trở thành vấn đề quan trọng quyết định nội dung của tiết mục folklore được trình bày. Những người có năng khiếu, lưu giữ chủ động sẽ kể nhiều hơn những người lưu giữ thụ động. Qua người kể, ý nghĩa và các giá trị khác của tiết mục trở nên có định hướng và phù hợp với bản thân anh ta. Thứ hai, cách thức và cơ cấu thể hiện là yếu tố chiếm vai trò nền tảng cho việc lĩnh hội một tiết mục diễn xướng VHDG. Ở góc nhìn này, công chúng tham gia được xem là một phần của tiết mục, các yếu tố truyền thống cộng đồng và ứng tác cá nhân có sự cọ xát để tạo ra những cách trình bày mới. Sự phê chuẩn và chấp nhận của cộng đồng đối với một tiết mục, sự gợi ý của cộng đồng về ý nghĩa của câu chuyện và sự hóa thân vào bản sắc mới trong diễn xướng và những cách thức tạo yếu tố “rập khuôn” báo hiệu câu chuyện bắt đầu … là những đặc điểm về cách thức tổ chức một tác phẩm VHDG đi vào hiện thực. Thứ ba, trong đặc điểm ngôn ngữ thể hiện, các yếu tố đơn giản hóa, sự lặp lại có tính song song trong lời kể, các “khóa” để báo hiệu bắt đầu tình trạng trình diễn, … là các vấn đề mới, có tác động đến định hướng lí giải ý nghĩa của tác phẩm. Giá trị của tiết mục giờ đây không chỉ nằm ở trong ngôn ngữ mà còn là các yếu tố “siêu ngôn ngữ”. Ý nghĩa của sự kiện kể chuyện không chỉ nằm ở nội dung được kể mà còn ở thông điệp (gồm cả các yếu tố phi ngôn ngữ và siêu ngôn ngữ) được gửi qua một hoạt động.

Tuy nhiên, qua bức tranh mà hướng tiếp cận bối cảnh đã có, vẫn còn thấy có rất nhiều vấn đề cần phân định và thống nhất một cách hiểu về cách nghiên cứu VHDG trong bối cảnh.

1.2.3. Một cách hiểu về tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu Văn học dân gian


Về mặt thuật ngữ, việc tổng hợp các hướng nghiên cứu có liên quan vừa phân tích nêu trên cho thấy một bức tranh khá đa dạng về màu sắc và đường nét của hướng nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh. Nguyên nhân là do hướng tiếp cận này có cơ sở từ nhiều ngành khoa học khác nhau, với nhiều đặc điểm và khái niệm từ nhiều lĩnh vực có liên quan, hoặc một phần do vấn đề dịch thuật. Tuy nhiên, vượt lên trên những khác biệt và chồng chéo, điểm chung của các khía cạnh đa dạng đó có thể hiểu như sau:

Khái niệm “context” (bối cảnh) có nguồn gốc từ tiếng Latin “textere”, vốn có nghĩa là “hành động dệt”. Trong tiếng Anh, context có hai nghĩa: (1) bối cảnh, ngữ cảnh hay mạch văn trong văn học; (2) khung cảnh, phạm vi, hoàn cảnh. Trong ngôn ngữ học, context cũng được hiểu ở hai phương diện: (1) ở nghĩa gốc, là một phần của văn bản ngôn từ hoặc diễn ngôn được phân bố xung quanh các từ hoặc ngữ tạo sự chú ý; (2) ở nghĩa phái sinh, là một tình huống không thuộc ngôn ngữ, là môi trường, một lĩnh vực nào đó, thoại trường, một nền tảng hoặc hoàn cảnh bao gồm trong đó một số đặc điểm của chủ thể hoặc chủ đề gây sự thu hút. Trong một nghĩa rộng hơn, bối cảnh là tất cả những gì đi cùng với văn bản. Một văn bản, giống như một mảnh vải, được “dệt” thành từ tình huống của một sự diễn xướng được bố trí sẵn, trong đó gồm: người nghe, người trình diễn, những nền tảng kiến thức và hiểu biết của một nhóm người có tính xã hội, và nền tảng văn hoá của người kể lẫn người nghe [148]. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ đưa vào sự đối lập với văn bản thì chưa thể xác định làm thế nào để có được một bối cảnh thật sự cho việc kể. Trong ngôn ngữ học, đặc biệt là ngữ dụng học, khái niệm “context” được dịch là “ngữ cảnh”. Đây là một trong những khái niệm then chốt của ngôn ngữ học ứng dụng, vốn nhấn mạnh vào lời nói và bản chất hành động của ngôn ngữ. Ngữ cảnh được hiểu là “những nhân tố có mặt trong một cuộc giao tiếp nhưng nằm ngoài diễn ngôn” [14, tr.15]. Với tư cách là một nhân tố giao tiếp, ngữ cảnh gồm hai yếu tố: nhân vật giao tiếp (gồm vai giao tiếp và quan hệ liên cá nhân) và hiện thực ngoài diễn ngôn (gồm có thế giới khả hữu và hệ quy chiếu, hoàn cảnh giao tiếp, thoại trường, ngữ huống giao tiếp). Do ngữ dụng học là ngành nghiên cứu ngôn ngữ từ phía người sử dụng chứ không phải từ bản thân kí hiệu nên trọng tâm nghiên cứu của ngành này là người nói và “những lựa chọn mà họ phải thực hiện, những bó buộc mà họ gặp phải khi sử dụng ngôn ngữ tương tác xã hội và nghiên cứu tác động của cách sử dụng ngôn ngữ lên người đối thoại, giao tiếp” [14, tr.50]. Trong phân tích diễn ngôn, ngữ cảnh là một yếu tố tạo nghĩa quan trọng bởi vì nội dung giao tiếp của một diễn ngôn gồm hai yếu tố: ngữ nghĩa, xuất phát từ hệ thống ngôn ngữ; và thông tin ngữ cảnh, xuất phát từ bên ngoài. “Nội dung thông điệp có thể coi như là sự kết hợp của hai loại thông tin này và phải tồn tại một quy trình cho phép người nói và người nghe hiểu được nội dung thông báo của diễn ngôn” [49, tr.150-151]. Từ đó suy ra, trong diễn ngôn kể chuyện dân gian, bối cảnh kể chuyện cũng có vai trò tạo nghĩa cho tác phẩm bên cạnh ngôn từ. Hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG đặt tác phẩm trong mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài, nhìn tác phẩm từ phía người kể, người nghe và những quy tắc giao tiếp tạo nên hiệu quả nghệ thuật của cách thể hiện một câu chuyện.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ học, khái niệm bối cảnh chỉ mới là một thuật ngữ chứ chưa trở thành một hướng tiếp cận. Để trở thành một hướng nghiên cứu, bối cảnh còn phải dựa vào ngành Nhân học văn hóa và Tâm lí học hành vi. Từ nhân học văn hóa, bối cảnh bao gồm toàn bộ hoàn cảnh văn hóa, lịch sử rộng lớn có sức tác động đến đời sống vật chất, kinh tế lẫn đời sống tinh thần của một dân tộc. Tác phẩm VHDG trong bối cảnh ấy phải chịu sự chi phối của các yếu tố tri thức, hiểu biết, những tiền giả định, quy ước mà cộng đồng đó dùng để giao tiếp và hiểu nhau. Những phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, …mang tính văn hóa cũng có sức ảnh hưởng to lớn đến việc hình thành, chuyển giao và tiếp nhận các tác phẩm VHDG trong một cộng đồng. Từ tâm lí học, hướng nghiên cứu theo định hướng bối cảnh thừa hưởng quan niệm về những tình huống ngẫu nhiên, xảy ra trong thời gian ngắn có tác dụng là yếu tố kích thích tạo nên sự phản ứng ở người kể chuyện. Cụ thể hơn, truyện kể dân gian được nhìn nhận như là sự phản ứng lại một sự khích thích cụ thể hoặc là một sự kiện mang tính hành vi tác động, trong đó động cơ (kích thích, mong muốn, hoặc mục tiêu) của người kể và những tác động bất chợt (hoàn cảnh gây ra gợi ý, hay bối cảnh mà câu chuyện diễn ra) được người kể nhận thức sẽ khơi gợi câu chuyện được kể.

Trong tiếng Việt, khái niệm bối cảnh có mối tương quan và liên hệ với các thuật ngữ vẫn thường sử dụng: tình huống- situation, hoàn cảnh - circumstance, thoại trường – setting, site). Trong nghiên cứu và dịch thuật trước nay, các khái niệm nêu trên vẫn thường được dịch là bối cảnh (đôi khi là hoàn cảnh) khi thực hiện các đề tài liên quan đến văn hóa, gồm: bối cảnh lịch sử, bối cảnh văn hóa, bối cảnh xã hội, bối cảnh cuộc sống. Các cách thể hiện này không mang giá trị về mức độ mà chỉ là sự đa dạng về lối diễn đạt và dịch thuật. Tuy nhiên nếu hiểu rõ hướng nghiên cứu VHDG trong bối cảnh xuất phát từ các ngành khoa học như vừa phân tích nêu trên thì có ba cấp độ của bối cảnh cần lưu ý khi sử dụng theo hướng này. Một là, khái niệm bối cảnh văn hóa (hay văn hóa –lịch sử). Đó là khái niệm có tính khái quát, có diện rộng, và có mức độ bao phủ các khái niệm còn lại. Đây là khái niệm để chỉ một quãng thời gian tương đối dài (một thời đại, một chế độ, một giai đoạn phát triển của tộc người hoặc nhân loại) và một khoảng không gian rộng (một vùng văn hóa, một quốc gia, một khu vực hay châu lục) mà một cộng đồng người có cùng đặc điểm về văn hóa, ngôn ngữ sống ở đó. Bối cảnh văn hóa không chi phối trực tiếp đến truyện kể mà gián tiếp làm nền tảng cho việc cấu tứ, diễn xướng, diễn giải ý nghĩa của một câu chuyện được kể. Khái niệm bối cảnh lịch sử văn hóa được hiểu tương đương.



Ở đây, bối cảnh văn hóa giúp ta giải quyết vấn đề yếu tố “truyền thống” trong nghiên cứu folklore. Về mặt lí thuyết, với định hướng xem xét lại định nghĩa về folklore, xem nó như một “quá trình giao tiếp”, các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kì đã loại bỏ khái niệm truyền thống, và đồng thời cũng lãng quên luôn phương pháp lịch sử, xem truyền thống là một tiêu chuẩn định nghĩa và phân loại mang tính hình thức hơn là một tiêu chuẩn giúp ích cho sự phân tích. Các nhà khoa học lập luận rằng việc nghiên cứu theo hướng giao tiếp thường yêu cầu tập trung mô tả các sự kiện trong khoảng thời gian ngắn, trong khoảnh khắc cụ thể nên sẽ tạm thời bỏ qua tính chất tiến trình của truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, truyền thống không thể bị đoạn tuyệt trong nghiên cứu VHDG. Nếu chúng ta không xét truyền thống với góc độ thời gian mà dưới góc độ cuộc sống xã hội thì khái niệm truyền thống vẫn còn là một yếu tố quan trọng. Xét từ góc độ cá nhân, ai cũng có nhu cầu “truyền thống hóa” những kinh nghiệm sống của mình, tức là nhu cầu kể lại quá khứ, những chuyện mình đã làm, thổ lộ với những người trong gia đình, người thân hay đồng nghiệp. Từ nhu cầu đó, việc truyền thống hóa vẫn được hiện diện trong kể chuyện chứ không mất đi. Một trong những quan niệm tiêu biểu cho cách nhìn này là suy nghĩ của Charles W. Joyner. Ông cho rằng bối cảnh xã hội luôn rộng lớn hơn cuộc đời của mỗi con người, quá trình xã hội là một yếu tố tiềm tàng có tính thúc đẩy chứ không phải là một kết cấu tĩnh tại. Do đó diễn xướng folklore trong ngữ cảnh phải được nghiên cứu “vừa với tư cách một quá trình vừa với tư cách một sự kiện dưới sự thúc đẩy của lịch sử và truyền thống” [143, tr.257]. Theo quan điểm này, Charles W. Joyner quá trình kể chuyện ẩn chứa các yếu tố: truyền thống, cấu trúc cộng đồng, gia đình và các yếu tố có liên quan, đặc điểm cá nhân của người diễn xướng, nhận thức cá nhân của người diễn xướng, bối cảnh tức thời. Các yếu tố này được phân thành hai phía: một phía lịch sử (xã hội) và một phía tức thời (cá nhân). Như vậy, yếu tố truyền thống trong bối cảnh văn hóa xã hội vẫn còn được giữ lại trong diễn xướng, nhưng nó đã trở thành một kết cấu tiềm tàng, có tính chất thúc đẩy. Truyền thống đã biến thể vào trong cấu trúc cộng đồng để gây ảnh hưởng đến việc chọn tiết mục cho diễn xướng. Tùy vào truyền thống của từng cộng đồng mà tiết mục (loại thể) nào được lựa chọn để kể trong một dịp nào đó. Chẳng hạn, truyền thuyết địa danh của vùng Sóc Trăng sẽ không được khuyến khích kể ở Kiên Giang, Trà Vinh hoặc ngược lại. Trong một khảo sát cụ thể về hiện tượng này, chúng tôi đã ghi nhận được sự kiện: Đêm trước lễ hội đua bò bảy núi ở An Giang, gia đình của ông Chau Chiêu, ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, không cho phép con cháu kể chuyện về con bò vì tin rằng nếu nói về bò thì ngày mai sẽ bị thua trong cuộc đua. Không phải người diễn xướng quyết định mà truyền thống trong cộng đồng đó sẽ âm thầm quy định. Truyền thống cũng sẽ tác động đến gia đình và người thân để gây ảnh hưởng đến quá trình kể chuyện. Sự mong đợi của các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng thúc đẩy cách diễn xướng của cá nhân. Chẳng hạn, ở Bạc Liêu, trong gia đình ông Tăng Khén, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi không cho phép lúc kể chuyện nghiêm túc mà cười giỡn hay sử dụng những câu nói tục khi trong nhà có trẻ em và con gái.

Theo Lương Văn Hy [61], truyền thống là một tiến trình sáng tạo không ngừng, nó không có nghĩa là những nếp nghĩ và phong tục cổ xưa, cũng không phải là một hệ những chuẩn mực và giá trị có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một di sản. “Truyền thống như một quá trình chọn lọc có chủ ý của những nguồn năng động, đã từng đóng vai trò dẫn dắt trong việc tạo dựng quá khứ, nối quá khứ với hiện tại, mà vì thế mà tạo dựng tương lai”[61, tr.234]. Truyền thống thường được cụ thể hóa thành các quy tắc ứng xử, quan niệm về thế giới, nhân sinh và các chuẩn mực giá trị. Tự truyền thống sẽ đóng vai trò chi phối các hành vi giao tiếp, trong đó có kể chuyện. Do truyền thống tồn tại như một đặc điểm hiển nhiên, được chấp nhận một cách tự giác nên ít ai đặt vấn đề tranh cãi hay sửa đổi. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá trình giao tiếp, đặc biệt là sự hiện diện của những người ngoài cộng đồng, truyền thống được người trong cuộc ý thức và bị thách thức. Sự thách thức này làm cho truyền thống vừa củng cố vừa thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Do đó, không nên xem truyền thống là yếu tố có thể miêu tả trên bề mặt, nó là một cấu trúc ở bề sâu. Nói đúng hơn, khi đã trở thành truyền thống thì nó được chuyển hóa vào cả cơ chế tâm lí, đấy là hoạt động vô thức. Nó chỉ có thể xuất hiện khi có điều kiện tương tác với các nhân tố con người vốn tương đồng về văn hóa và cảm xúc trong một bối cảnh cụ thể. Cơ chế ấy trở thành xung lực sáng tạo trong khoảnh khắc. Cơ chế ấy cũng có chức năng chi phối và điều khiển quá trình giao tiếp nghệ thuật. Ở một khía cạnh khác, người ta chứng minh rằng truyền thống có chức năng chọn lọc và đào thải; chọn lọc là để duy trì và củng cố, đào thải là để mở rộng và chấp nhận cái mới. Điều này được Lương Văn Hy khẳng định sau khi thực hiện một nghiên cứu cụ thể về văn hóa ở một làng phía Bắc: “Việc tái tạo truyền thống trong những lễ hội cộng đồng có những yếu tố không hoàn toàn lường trước được ở cấp độ vĩ mô, và không phải lúc nào cũng đi theo một khuôn mẫu nhất định”[61, tr.273].

Như vậy, có thể nói, truyền thống không hề mất đi trong phương pháp nghiên cứu theo hướng tiếp cận bối cảnh. Truyền thống như một xung lực tiềm tàng chi phối bối cảnh kể chuyện qua những quy tắc ứng xử được xã hội công nhận hoặc những nguyên tắc giao tiếp đã được định sẵn. Vì vậy, khi kể chuyện người ta cũng dự đoán được những gì được phép thể hiện và những gì không được. “Truyền thống được xem như một phương cách, một thực thể xã hội mà mọi người tham gia vào chứ không phải sở hữu trong mình” [143, tr.261]. Và quan trọng nhất, người kể chuyện sẽ tiếp nhận yếu tố truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội dưới dạng nhận thức chứ không phải là thái độ đối thoại bằng ngôn ngữ hay hành động cụ thể trực tiếp. Trong cách hiểu này, khái niệm bối cảnh cuộc sống là một bậc cụ thể hóa của bối cảnh văn hóa, được giới hạn trong một phạm vi địa lí và một khoảng thời gian nhất định nhưng không rộng bằng bối cảnh văn hóa, và cũng không chú ý nhiều đến các đặc điểm văn hóa có tác động đến diễn xướng. Khái niệm Bối cảnh xã hội đặc biệt thường dùng để chỉ bối cảnh có quy mô tập trung nhiều người, được cộng đồng ý thức, có sự cam kết và góp sức của các thành viên tham gia (các lễ hội, việc thực hiện phong tục, các hành vi tín ngưỡng, …thuộc dạng này), nó có tính địa lí trong một giới hạn nhất định, với khoảng thời gian cụ thể. Bối cảnh xã hội đặc biệt là một trong những yếu tố góp phần “rập khuôn” cho kể chuyện.

Thứ hai tình huống (cụ thể) là khái niệm có mức độ hẹp hơn bối cảnh văn hóa. Tình huống là một tình trạng hẹp hơn bối cảnh xã hội đặc biệt nó có tính bất ngờ, có một biến cố làm nền. Tình huống là khái niệm từ tâm lí học hành vi, nó chứa đựng các nhân tố có tác dụng kích thích (một câu hỏi, một sự va chạm, một dịp tình cờ gặp gỡ, …). Từ yếu tố kích thích này, việc kể chuyện xem như la một sự phản ứng hồi đáp lại kích thích đó. Đây chính là cách mà một câu chuyện được kể và được tiếp nhận. Ví dụ, trong dịp đi điền dã ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, vào ngày 12/8/2013 có một tình huống xảy ra: chủ nhà mời mọi người một cái bánh đám cưới người Khmer do người trong dòng họ mang tặng. Việc mời bánh đám cưới tặng là tình huống vì nó hiếm gặp nhưng chưa phải là bối cảnh để kể chuyện. Khi có người hỏi lí do đám cưới lại tặng bánh và cái bánh đó có ý nghĩa thế nào thì bắt đầu từ đó nảy sinh việc kể chuyện. Do đó, bối cảnh diễn xướng kể chuyện nảy sinh trên tình huống, hoặc trên bối cảnh xã hội đặc biệt.

Khái niệm setting, site– Đỗ Hữu Châu dịch là thoại trường– cũng thường xuất hiện trong hướng nghiên cứu bối cảnh đối với truyện kể dân gian. Về khía cạnh ngôn ngữ học xã hội, thoại trường được hiểu là không gian và thời gian cụ thể mà một cuộc giao tiếp diễn ra, … là không gian có những đặc trưng đòi hỏi người ta phải ứng xử và ăn nói “theo những cách thức ít nhiều cũng chung cho nhiều lần xuất hiện” [14, tr.24]. Trong nghiên cứu truyện dân gian, thoại trường được hiểu là một dạng bối cảnh trong bản thân diễn ngôn, tức là phần trước hoặc sau của một diễn ngôn kể. Vì một câu chuyện được kể thường là những cuộc đối thoại của người kể lẫn người nghe. Cuộc đối thoại đó tuân theo nguyên tắc luân phiên, lượt lời. Một người nói xong phải nhường cho người khác nói, cứ thế luân phiên nhau thì cuộc đối thoại mới phát triển. Đến lượt một lời người kể hoặc người nghe phát ngôn thì người ấy phải căn cứ vào phần trước vừa được phát ngôn để có sự điều chỉnh phù hợp. Có thể xem trường hợp vừa nêu là thoại trường. Ngoài ra, thoại trường cũng bao gồm cả những tiền giả định, những quy ước về cách sử dụng ngôn ngữ ở một vị trí nào đó (chẳng hạn trong nhà chùa, nhà thờ, đình, miếu, trước bàn thờ tổ tiên ông bà, …). Nhìn chung, thuật ngữ thoại trường có tính đặc trưng ngôn ngữ học nhiều hơn là folklore.

Thư ba, theo hướng tiếp cận bối cảnh, yếu tố người kể và người nghe cũng có vai trò quan trọng trong việc kể chuyện. Những “nghệ nhân”, vốn có vai trò lưu giữ truyền thống chủ động, nhớ nhiều và có kĩ thuật kể hấp dẫn sẽ có sự tác động rõ rệt và khác với người bình thường, vốn có vai trò lưu giữ thụ động bị phụ thuộc và tác động lớn vào tâm lí trong giao tiếp. Nếu nghệ nhân là những người có khả năng hóa thân, nhập vai hay tạo bản sắc mới trong việc kể chuyện khá dễ dàng thì người bình thường sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi nhập vai. Do đó, việc sử dụng các “khóa” như những yếu tố siêu ngôn ngữ chỉ báo cho việc diễn xướng sẽ do người kể quyết định. Người kể chuyện sẽ dựa trên những giá trị truyền thống và vận dụng sự ứng tác của bản thân để thực hiện việc kể lại câu chuyện theo kiểu của mình. Theo đó, nội dung, kết cấu câu chuyện trong truyền thống sẽ bị chi phối, thậm chí biến dạng và thay đổi căn bản để phù hợp với vị thế của người kể. Người nghe hay khán giả, cộng đồng tiếp nhận và đối thoại trong diễn ngôn kể chuyện là một yếu tố được hiện diện rõ ràng trong bối cảnh. Người nghe không quyết định nội dung câu chuyện nhưng lại là yếu tố tác động buộc người kể phải lựa chọn. Người nghe có quyền “phê chuẩn” câu chuyện đang được diễn xướng bằng thái độ, bằng những tương tác có tính tâm lí hoặc bằng lời nói lẫn hành động buộc người kể phải điều chỉnh phát ngôn của mình. Người nghe còn thể hiện sự phê chuẩn của mình thông qua việc thông diễn ý nghĩa và giá trị của truyện kể. Khái niệm “nghe” chỉ nên hiểu một cách tương đối vì trong một cuộc giao tiếp thì các vai đôi khi sẽ đổi chỗ cho nhau. Trình độ, tập quán, mối quan hệ giữa người kể và khán giả cũng là yếu tố quan trọng để quyết định cấu trúc của truyện kể. Những cách nói sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp nhận sẽ được người kể tận dụng tối đa để tạo hiệu quả. Một trong những cách nói được coi là gây hiệu quả là lối diễn đạt lặp lại có tính song trong lời kể.



Trong nghiên cứu truyện dân gian theo hướng bối cảnh thường xuất hiện khái niệm diễn xướng (performance), và một số công trình vẫn gọi là nghiên cứu diễn xướng đối với folklore. Vấn đề này cần có sự phân biệt về mức độ trong mối quan hệ giữa nghiên cứu diễn xướng và nghiên cứu VHDG trong bối cảnh, cụ thể như sau: Diễn xướng trong nghiên cứu folklore thế giới được quan niệm trong sự đối lập với văn bản, chú trọng vào ứng dụng trên thực tế. Nếu nghiên cứu trên văn bản chú trọng vào thông tin đã được mã hóa vào ngôn từ hay các dạng tồn tại khác (nghĩa là thông tin đã ở trong trạng thái hoàn thành) thì trong diễn xướng, người ta chú trọng vào hành động thông tin trong sự giao tiếp, ở đó hành động thông tin được đem ra cho người ta quan sát. Về mặt tâm lí, diễn xướng là sự biểu diễn của bản thân người kể cho chính anh ta và cho người tham dự, là sự đóng vai và tự nhìn lại bản thân, là quá trình vừa thể hiện vừa tự nhận thức của người kể. Vì vậy, về mặt tác dụng, diễn xướng được xem là sự “phản ánh hình thức- là ý nghĩa về ý nghĩa - bởi vì nó gây ra sự chú ý vào đặc tính hình thức của hệ thống thông tin” [104, tr.77]. Nghĩa là, diễn xướng thu hút người nghe chú ý vào các đặc điểm nhận thấy bề ngoài của hệ thống thông tin; cụ thể hơn, khi diễn xướng, người tham dự bị thu hút vào hai yếu tố: vừa là hành động có tác dụng tạo ra thông điệp vừa là thông điệp được chuyển tải. Nghiên cứu diễn xướng tập trung vào cả hai yếu tố trên: cách thức mà người kể chuyện chuyển tải câu chuyện cũng quan trọng ngang với nội dung câu chuyện được kể. Ở Việt Nam, diễn xướng thường được hiểu là hành động biểu diễn dành cho các loại hình văn hóa dân gian có liên quan đến yếu tố hình thể, âm thanh, sân khấu; còn lĩnh vực kể chuyện thường ít sử dụng khái niệm này. Do đó, khái niệm diễn xướng trong luận án này, cũng như trong hướng tiếp cận bối cảnh, được hiểu ở mức độ rộng hơn sự biểu diễn, là một hành động thông tin trong giao tiếp nghệ thuật. Hành động thông tin đó ẩn chứa rất nhiều cách thức và yếu tố để tạo nên thông điệp gửi tới người tiếp nhận. Như vậy, so với hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG, diễn xướng là một yếu tố, một phương thức phụ thuộc. Ngoài diễn xướng, nghiên cứu theo hướng này còn xem xét nhiều yếu tố khác, cho nên khi nói nghiên cứu diễn xướng, nghĩa là luận án muốn nói đến những phương pháp thực hiện trong việc nghiên cứu VHDG đặt trong bối cảnh. Tuy nhiên, diễn xướng được xem là yếu tố nổi bật lên trong hướng tiếp cận này nên đôi lúc, cách nói bối cảnh diễn xướng cũng mang ý nghĩa tương đương với khái niệm bối cảnh.

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương