HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang15/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   24

47. Hôm qua anh nằm nhà anh,

Chiếu hoa chăn gấm, xung quanh vây màn.

Gió lành mà thương,

Đêm nằm giở giấc,

Chăn bông không đắp,

Màn trướng để rơi,

Lấy được mình rồi,

Vui vầy nhân ngãi,

Lược ngà lại chải,

Gương ố lại trong,

Lại đắp chăn bông,

Chiếu hao lại trải,

Đàn bầu sáo thổi,

Vui lắm mình ơi!

Mong mình lắm lắm mình ơi!

Khác gì mạ úa mong trời đổ mưa!


48. Hôm qua đi trước nhà nường,

Thấy mẹ nường đập nường, nường khóc nường van.

Cửa sổ nhà nàng cửa sổ song loan,

Anh muốn vô ghé lưng chịu trận đòn oan cho nường!


49. Hồng Sơn cao ngất mấy trùng,

Lam giang sâu mấy trượng thì lòng mấy nhiêu?



Hồng Sơn: núi Hồng Lĩnh; Lam giang: sông Lam (hai núi sông này ở Hà Tĩnh và Nghệ An)
50. Hỡi cô tát nước bên đàng,

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?


51. Hỡi cô thắt dải lưng xanh,

Ngày ngày thấp thoáng bên mành chờ ai?

Trước đường xe ngựa bời bời,

Bụi hồng mờ mịt ai người mắt xanh?



Mắt xanh: chữ Hán là thanh nhãn. Nguyễn Tịch đời Tấn (Trung Quốc) khi tiếp người mình ưa thì để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mình không ưa thì liếc nghiêng để lộ tròng mắt trắng.
52. Hỡi người đi đường cái đê,

Dừng chân đứng lại em đề bài thơ!

Xin thơ em cũng cho thơ,

Biết rằng có đợi có chờ em chăng?

Anh về có nhớ em chăng,

Em về em nhớ hàm răng mình cười,

Năm quan mua lấy miệng cười,

Mười quan chẳng tiếc tiếc người răng đen.

Răng đen ai nhuộm cho chàng,

Cho răng chàng đẹp cho tình em say!


53. Huệ xa lan lan tàn huệ héo,

Lựu xa đào, lựu ngã, đào nghiêng.

Vàng trên tay, rót xuống không phiền

Phiền vì một nỗi nợ duyên không thành !


I - K
1. Im như Bụt mập trên chùa,

Con vào chính điện đừng đùa với sư,

Cúi lạy con phải từ từ,

Đừng có vội vã mà hư thân mình.


2. Kẻ Bắc người Nam,

Ngựa Hồ chim Việt biết làm sao đây!

Cùng nhau vả tiếng một ngày,

Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành!



Ngựa Hồ chim Việt: Đất Hồ ở Bắc Trung Quốc, có nhiều ngựa quý, nước Việt ở Nam Trung Quốc có nhiều chim lạ. Hai giống vật ấy khi buộc phải xa quê cũ để đưa về Trung Quốc vẫn nhớ đất xưa. (“Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi” nghĩa là ngựa Hồ hí khi có gió bắc, chim Việt làm tổ ở cành phương nam”).

Vả tiếng một ngày: mang tiễng ăn ở với nhau dù chỉ một ngày.
3. Kể từ bạn với trúc mai,

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

Vế 8 được Nguyễn Du sử dụng vào Truyện Kiều hay từ Truyện Kiều được ca dao vận dụng. Thật khó xác định điều này (Truyện Kiều, câu 1382: “Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông”).
4. Kể từ khi mới gặp nàng,

Cũng mong kết ngãi đá vàng Trần Châu.

Cũng mong kết chỉ gieo cầu,

Cũng mong ta ở với nhau một nhà.

Bây giờ bướm lại gần hoa,

Xin đừng chớ ngại gần xa mọi đường.

Lan phòng muốn sánh thư hương,

Phím đàn muốn gảy cung thương mấy vần.

Muốn cho vẹn ngãi Tấn Tần,

Xin đem bể ái đền ân sau này.



Trần Châu: Châu Trần là tên một thôn (nay thuộc huyện Phong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) chỉ có hai họ Châu, Trần đời đời thông gia với nhau. Thơ Bạch cư Dị: “Từ Châu cổ Phong huyện/ Hữu thôn viết Châu Trần/ Nhất thôn lưỡng duy tính/ Thế thế vi hôn nhân” (Huyện Phong xưa ở đất Từ Châu, có một thôn gọi Châu Trần, một thôn chỉ có hai họ, đời đời làm thông gia với nhau).. Trong văn học cổ, Châu Trần chỉ việc kết hôn đẹp lứa. Tần, Tấn: tên hai nước ở Trung Quốc, đời Xuân Thu. Theo Tả truyện, Hụê Công nước Tần phụ ước nước Tấn, bị nước Tấn đánh bắt được thái tử Ngữ giữ làm con tin ở nước Tần. Tần Mục Công gả con gái là Hầu Doanh cho thái tử Ngữ. Từ đó, năm đời con cháu hai họ cưới gả cho nhau, đối xử hoà thuận.

Gieo cầu: Hán Vũ đế (Trung Quốc) kén phò mã, cho công chúa ngồi trước lầu ném quả cầu cho con trai các quan ở dưới, ai bắt được thì được kén.

Cung thương: Cung, thương, giốc, chuỷ, võ: 5 nốt nhạc Á đông.

Bl: Lời ca dao nhiều tri thức, điển cố chắc hẳn do nho sĩ bình dân sáng tác, truyền trong dân gian và tình đôi trai gái này cũng từ đó mang màu sắc tầng lớp trên của xã hội, điều đáng chú ý là tình yêu vẫn trên hết.
5. Khá khen con bướm khôn ngoan,

Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay.


6. Khăn đào vắt ngọn cành mơ,

Mình xuôi đàn ấy bao giờ mình lên?

- Em xuôi, em lại ngược ngay,

Sầu riêng em để trên này cho anh.


7. Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất,

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt trên vai,

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt,

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt,

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên.

Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi chưa yên một bề!


8. Khăn xanh khăn đượm mồ hôi,

Túi xanh túi đượm lấy đôi miếng trầu.

Lược xanh thì lược chải đầu,

Gương sáng làu làu sáng cả mọi nơi.


9. Khen ai khéo tạc nên dừa,

Đấy trèo đây hứng cho vừa lòng nhau.


10. Khi anh đi biển hồ lai láng,

Anh trở lại biển lại thành gò.

Rừng dâu thay thế bến đò,

Sự tình trắc trở con đò khác đưa!



11. Khi đầu em nói em thương,

Bây giờ trắc trở giữa đường đứt dây.

Tưởng rằng rồng ấp lấy mây,

Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn!



BK: - Khi đầu em nói em thương,

Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây.


12. Khi đi thì bóng đang dài

Giờ về bóng đã nghe ai bóng tròn.


13. Khi đi trúc chửa thành măng,

Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre.

- Khi đi trúc mới le te,

Giờ về trúc đã cánh bè sang sông.

Khi đi thì trúc chưa trồng,

Giờ về trúc đã hoá long ra rồi!


14. Khi mô anh thốt em thề,

Cầm dao vàng cán trúc dựa kề tóc mai.

Tóc mai khi ngắn khi dài,

Lời thề như muối mặn hoài không quên!


15. Khi nào cho kết một nhà,

Vào đụng ra chạm kẻo mà nhớ thương.


16. Khi nào kiềng sắt bén mun,

Chàng hun má thiếp, thiếp hun má chàng.



Mun: tro bếp. Hun: hôn.
17. Khi say một chén cũng say,

Khi nên tình nghĩa một ngày cũng nên.


18. Khi thương quán cũng như nhà,

Lều tranh có ngãi hơn toà ngói cao.


19. Khi thương nước đục cũng trong,

Khi ghét nước chảy giữa dòng cũng dơ.


20. Khi xưa ai cấm duyên bà,

Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi.



21. Khi xưa ai biết ai đâu,

Vì chưng điếu thuốc miếng trầu nên quen.


22. Khi xưa năm miếng trầu cay,

Bây giờ mỗi miếng mỗi ngày mỗi xa.

Ngồi mà kể hết văn hoa,

Anh thương em cho trọn để mẹ cha thương cùng!


23. Khi yêu quả ấu cũng tròn,

Ghét nhau thì quả bồ hòn có gai.



BK: Lúc ghét thì quả bồ hòn có gai.
24. Khoan khoan buông áo tôi ra,

Để tôi đi tưới kẻo hoa tôi tàn.

- Hoa tàn mặc kệ hoa tàn,

Mấy thuở gặp nàng nàng bảo buông ra!


25. Không ai có ngãi như anh,

Khi đau chốn mất, khi lành viếng thăm!


26. Không ai ở bạc như chàng,

Cõng cơn sóng gió chia vàng giữa sông.

Ví dù chàng ở có công,

Thời em lập miếu giữa sông mà thờ!


27. Không chào lỗi đạo trượng phu,

Chào rồi kẻ oán người thù với em!


28. Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế gian sự thường.



BK: …thế gian thường tình.
29. Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế gian đã thường.



BK: … thế gian sự thường.

… thế gian đã đầy.


30. Không ham rộng ruộng, lớn vườn,

Ham vì nhân ngãi cang thường mà thôi.


31. Không thiêng cũng thể bụt nhà,

Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em.



32. Không thương dù có đeo vàng,

Bằng thương chiếc áo vá quàng cũng thương!


33. Không thương nỏ nói vứt đi,

Làm chi dan díu cho lỡ thì em ra!


34. Không trong cũng nước giữa dòng,

Không tin bạn uống vào lòng mà xem!


35. Không trơn mà trượt mới tài,

Không chồng mà đẻ con trai mới tình!

Nâng lên đặt xuống một mình,

Than rằng con ở trong mình mẹ ra!

Có con mà chẳng có cha,

Lòng mẹ chua xót người ta chê cười.

Bởi vì mẹ cợt mẹ cười,

Cho nên mẹ đẻ mẹ nuôi một mình!


36. Khuất bóng đèn lan, anh nhìn không rõ,

Thấy dáng em ngồi còn nhỏ anh thương.


37. Kìa khóm trúc, nọ khóm mai,

Ông Tơ bà Nguyệt xe hoài chẳng thương!

Một lần chờ, hai lần đợi,

Ba lần nhớ, bốn lần thương,

Anh thương em nhưng phụ mẫu họ hàng chẳng thương!

Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B.84.
38. Kiếm nơi cha thảo mẹ hiền,

Gởi thân khuya sớm bạc tiền không ham.


39. Kim đâm vào thịt thì đau,

Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời!



BK: - Kim chích vô thịt thì đau,

Thịt chích vô thịt nhớ nhau suốt đời!

- Kim mà đâm thịt thì đau,

Thịt mà đâm thịt nhớ nhau suốt đời!
40. Kỳ này em sắp buôn bè,

Thấy anh áo rách em về buôn bông.



L
1. Lá đa rụng xuống sân đình,

Không ai tưởng bạn thì mình tưởng cho!


2. Lá gì không nhánh không ngành,

Lá gì chỉ có tay mình trao tay?

- Lá thư không nhánh không nhành,

Lá thư chỉ có tay mình trao tay.


3. Lạ lùng anh mới hỏi thăm,

Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa?

- Trăng đang mười bốn chưa rằm,

Lá dâu non còn đợi con tằm mới hăng.


4. Lả lơi cho rách yếm ra,

Về nhà dối mẹ yếm thông hoa không bền.


5. Lạ lùng bắt gặp nhau đây,

Có mấy câu này em đoán chưa ra.

Nếu mà anh giảng cho ra,

Thì em kết nghĩa giao hoà cùng anh.

- Cái gì trong trắng ngoài xanh,

Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng?

Cái gì xanh đỏ, tím vàng,

Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?

Cái gì năm đợi tháng chờ?

Cái gì em đội phất phơ trên đầu.

Cái gì mà trắng phau phau,

Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?

Cái gì mà đổ vào xanh,

Cái gì trên cành mà lại tốt tươi?

Cái gì trong trắng ngoài tươi,

Cái gì làm bạn với trời trên tám trăm năm?

Cái gì chung chiếu chung chăn,

Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày.

Cái gì nó bé mà cay,

Cái gì nó bé nó hay cửa quyền?

- Tre non trong trắng ngoài xanh,

Gương tàu soi tỏ mặt anh mặt nàng,

Chỉ ngũ sắc xanh đỏ tím vàng,

Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư.

Đôi ta năm đợi tháng chờ,

Cái nón em đội phất phơ trên đầu.

Trứng gà thì trắng phau phau,

Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng.

Thịt cá thì đổ vào xanh,

Hoa thiên lý ở trên cành tốt tươi,

Sầu đâu trong héo ngoài tươi,

Ông Bành Tổ làm bạn với trời được tám trăm năm.

Vợ chồng chung chiếu chung chăn,

Chú Cuội làm bạn với trăng đêm ngày.

Hạt tiêu nó bé nó cay,

Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền.

Anh nay đã giải hết liền,

Vậy anh xin kết nhân duyên cùng nàng.


6. Lạ thay nết nói nết cười,

Nết sao lại khiến cho người muốn thương!


7. Lác đác lộc hồng,

Em chưa có chồng,

Lấy anh nương tựa,

Anh chưa có vợ,

Lấy em tựa nương,

Kẻo còn đi nhớ về thương!


8. Lác đác mưa Ngâu,

Sình sịch mưa Ngâu,

Lá ngâu rụng xuống,

Bông lau phất cờ.

Nước trong xanh lặng ngắt như tờ,

Một đàn cá lớn nhấp nhô đầu ghềnh,

Kìa ai đứng ở đầu ghềnh!

BK: Nước trong xanh lạnh ngắt như tờ.

Mưa ngâu: X.Đ.66.

9. Lại đây anh hỏi cho rành,

Cửa nhà gia thất em thành hay chưa?

Má hồng hương thoảng gió đưa,

Hỏi nàng có chốn hay chưa hỡi nàng?

- Khoan khoan anh hãy xê ra,

Để em kể hết duyên nhà anh hay!

Phủ Hà quê quán xưa nay,

Mẹ cha đã định những ngày còn thơ.

Bởi vì duyên kiếp hững hờ,

Số mình đã lỗi, ông Tơ lại lầm!

Thuyền son đậu phải vũng đầm,

Tại trâu mà gãy đàn cầm biết chi!

Vậy nên em phải ra đi,

Đến đâu ai kẻ thương vì sẽ hay.



Phủ Hà Trung xưa gồm 4 huyện ngày nay của Thanh Hoá: Hoằng Hoá, Nga Sơn, Phong Lộc, Tống Sơn. Bl: Trong việc dựng vợ gả chồng theo ý muốn chủ quan của cha mẹ không thành, tạo thành đau khổ cho con cái như trường hợp lời ca dao này “duyên kiếp hững hờ”, “Số mình đã lỗi, ông Tơ lại lầm”. Tốt nhất là hướng dẫn cho con cái khi yêu nhau, sau đó lấy nhau phải tuỳ thuộc chính vào tình yêu của đôi lứa, đó là định hướng của tự do luyến ái và tự do hôn nhân.
10. Làm chi như Lưu Thần, Nguyễn Triệu,

Ngày xưa không toan liệu mưu cơ,

Tưởng lân la theo cảnh mà nhờ,

Rót chén rượu Vân ra uống, ôm bọc thơ mà nhìn.

- Chén rượu Vân cõi trời lồng lộng,

Chữ ân tình tương tống Thiên Thai,

Thì đây duyên nợ chia hai,

Chàng có trở về quê cũ, cảnh non đoài đừng quên!



Lưu Thần, Nguyễn Triệu: Theo Thần tiên ký, lưu truyền Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai (Triết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc đường, gặp hai người con gái tức hai nàng tiên mời về nhà rồi kết duyên với nhau. ở Thiên Thai được nửa năm, hai chàng nhớ nhà, về thăm quê thì con cháu đã được bảy đời, không còn nhận ra. Hai chàng muốn trở về Thiên Thai nhưng không tìm được lối với nữa.
11. Làm trai biết đánh tổ tôm,

Uống chè Long Tĩnh xem nôm Thuý Kiều.


12. Làm trai lấy được vợ hiền,

Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

Phận gái lấy được chồng khôn,

Xem bằng cá vượt Vũ môn hoá rồng!



Vũ môn (hay Cửu Vũ, Cửu Võ): cùng gọi là Long Môn ở thượng lưu sông Hoàng Hà giữa huyện Hà Tân, tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). ở đây có mỏm đá hình như cái cửa. Truyền thuyết kể rằng thời thượng cổ vua nhà Hạ trị thuỷ đã đục phá mỏm đá ấy cho rộng thêm ra nên sau gọi là cửa vua Vũ (Vũ môn). Theo Tam Tân ký và Thuỷ kinh chú thì Vũ môn có sóng dữ hàng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung đến đây thi vượt qua Vũ môn. Con nào vượt qua được thì hoá rồng. Do đó cửa Vũ Môn được dùng để chỉ chốn trường thi và việc thi đỗ, tức vượt qua cửa Vũ. Theo Đại Nam nhất thống chí của nước ta cũng có núi Vũ môn ở Khai Trương (Núi Giăng Màn- huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là một con suối lớn có ba bậc. Truyền thuyết kể rằng hàng năm đến tháng 4, cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hoá rồng.
13. Lạy trời đừng nắng đừng mưa,

Ấm êm gió mát thiếp đưa chàng về.


14. Lạy trời phật cho tóc mau dài,

Bao giờ tóc chấm ngang vai,

Thì ta kết nghĩa thành hai vợ chồng.
15. Lấy chồng theo thói nhà chồng,

Bao nhiêu thói cũ trả lòng mẹ cha.



BK: Đừng theo thói cũ ông cha nhà mình.
16. Lấy chồng từ thuở mười lăm,

Chồng tôi chê bé chẳng nằm cùng tôi!

Đến năm mười tám đôi mươi

Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường.

Một rằng thương, hai rằng thương,

Có bốn chân giường gãy một còn ba!

Ai về nhắn nhủ mẹ cha,

Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi!


17. Lấy chồng biết chữ là tiên,

Lấy chồng dốt chữ là duyên nợ đời!


18. Lấy chồng biết chữ là tiên,

Lấy chồng mù chữ là duyên con bò!

(Cd 1945 - 1975)

19. Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bỏ công tô điểm má hồng răng đen.


20. Lên non đốn một cây sào,

Biết nơi mô là nợ, biết nơi nào là duyên!



Bl: Lời ca dao khái quá về một cặp phạm trù “duyên - nợ” thường nói về tình yêu lứa đôi có liên quan đến kiếp trước, kiếp này. Theo quan niệm xưa, duyên là nhân duyên sinh ra quan hệ với nhau thường chỉ về trai gái gặp nhau; nợ cũng theo quan niệm xưa là do nợ với nhau từ kiếp trước mà kiếp này phải trả cho nhau, từ tình mà đi đến duyên đến nợ (hợp duyên hay phải trả nợ). Cho đến nay, phạm trù “duyên - nợ” của lứa đôi (có thể thành vợ chồng, rồi có thể thành duyên (đẹp) hoặc thành nợ (xấu) bỏ nhau, chưa thể giải thích được về mặt tâm linh.
21. Lênh đênh chiếc bánh giữa dòng,

Thương thân goá bụa phòng không có gì.

Gió đưa cây trúc ngã quỳ,

Ba năm chực tiết còn gì là xuân.



Chực tiết: Theo lễ giáo phong kiến, chồng chết ba năm mới được lấy chồng khác, như thế mới gọi là người vợ có trinh tiết.
22. Lênh đênh một chiếc thuyền tình,

Mười hai bến nước biết gửi mình vào đâu?



BK: Mười hai bến nước biết gửi mình nơi mô?

Mười hai bến nước biết gửi mình về đâu?


23. Lều tranh an phận khó,

Nhà bạc bỏ duyên mình,

Nghèo hèn gìn giữ tuyết trinh,

Bao giờ gặp gỡ duyên tình sẽ hay.


24. Lìa cây lìa cối, ai nỡ lìa hoa,

Lìa người bạc nghĩa, chớ đôi ta sao lìa?


25. Lên non bẻ lá bời lời,

Lộn kiếp lộn đời cấy nậy hơn nhông.



BK: Lộn kiếp lộn đời mà lấy chồng chung.

Cấy (còn gọi là gấy): vợ; nậy: lớn; nhông: chồng (tiếng địa phương miền Nghệ Tĩnh).
26. Liếc mắt thấy song mẫu nhỏ luỵ,

Nhìn mặt chàng dạ ngọc xốn xang,

Em dặn anh như bà thứ hậu dặn tử hoàng,

Như bà Đổng mẫu dặn chàng Đồng Kim.

Em dặn anh nhân nghĩa ở trọn niềm,

Giữ câu hiếu hạnh, trăm niên em cũng chờ.



Thứ hậu, Tử hoàng (hoàng tử), Đổng mẫu (mẹ Đổng Kim Lân), Đổng Kim (Đổng Kim Lân) là những nhân vật trong vở tuồng Sơn Hậu.
27. Liệu mà mở cửa phòng ra,

Đêm nay anh quyết chơi hoa với nàng!

Dù ai mà có lạng vàng,

Không đem chuộc được với nàng đêm nay!



Bl: Biểu thị kiên quyết của chàng trai thật quá thô bạo, cưỡng ép, liệu cô gái có đồng tình không? Tình yêu như thế này thật kém văn hoá!
28. Loan thương phượng lắm phượng ơi,

Đang ăn nhớ đến lại rời đũa ra,

Đêm năm canh em ngủ có ba,

Còn hai canh nữa em ra trông trời.


29. Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn,

Dạ lại dặn dạ dù đá nát vàng phai,

Dù cho trúc mọc thành mai,

Em cũng không xiêu lòng lạc dạ nghe ai phỉnh phờ!


30. Lòng em trong như thạch, sạch như gương,

Anh chẳng thương thì chớ còn mang lòng ngờ!

Nếu em là quân ngang tắt đi về,

Anh mang ngay xuống miếu Cậu, em thề cho coi.

Ngay gian em xin Cậu xét soi,

Em gian thì Cậu gọt gáy bôi vôi em này!



Miếu Cậu: miếu nhỏ, lợp tranh ở cạnh chùa Bích Lưu (phố Thợ Nhuộm - Hà Nội). Theo truyền thuyết, miếu Cậu thờ vị thần “gọt gáy bôi vôi” chuyên trừng trị những gái ngoại tình.
31. Lóng lánh là lóng lánh ơi,

Mắt người lóng lánh sao trời giữa khuya.

Yêu người yêu cả trong mơ,

Yêu người lắm lắm, người về với em.


32. Lộ bất hành bất đáo,

Chung bất đả bất minh

Bây giờ tôi mới rõ sự tình,

Tại ba với má ở độc hai đứa mình mới xa!

Ôm lòng sầu khuya sớm vào ra,

Tai nghe trống điểm canh ba nhớ mình,

Phải dù phụ mẫu thuận tình,

Phụng loan sum họp phỉ tình ước mơ!

Thương mình chép đặng bài thơ,

Chàng thương mình chàng giở từng tờ mình coi.



Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh: Đường không đi thì không đến, chuông không đánh không kêu.
33. Lỡ duyên em phải ưng anh,

Tiếc con tôm bạc nấu canh rau giền.


34. Lời anh đã hứa,

Ngàn bữa em không quên,

Thương nhau cho chặt cho bền,

Từ đây em đốt nén hương nguyền chờ anh!


35. Lời thề hai mái tóc xanh,

Theo nhau cho trọn tử sanh cũng liều.


36. Lời thề trước miếu sau đình,

Ai lãng xao nấy mắc, ai phụ tình nấy hay!


37. Lời vàng tạc dạ ghi lòng,

Xin đừng trăn trở, ngoài vòng trăng hoa!


38. Lúng liếng là lúng liếng ơi!

Miệng cười lúng liếng có đôi đồng tiền.

Tôi với người muốn kết nhân duyên!
39. Lửa gần rơm không cháy cũng trồm trèm,

Mèo không ăn vụng đi đêm làm gì?


40. Lửa nhen vừa mới bén trầm,

Trách lòng cha mẹ nỡ cầm duyên con!


41. Lửng lơ vầng quế soi thềm,

Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng.

Dao vàng bỏ đáy kim nhung

Biết rằng quân tử có dùng ta chăng?

Đèn tà thấp thoáng bóng trăng,

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này?


42. Lược tình em chải trên đầu,

Gương tình soi mặt làu làu sáng trong,

Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,

Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta?


43. Lưỡi Trương Nghi dầu bén,

Miệng Tô Tử dầu lanh,

Bây giờ em đã quyết với anh,

Dầu hai ông mà tái thế dỗ dành chẳng xiêu!



Trương Nghi: Thuyết khách nổi tiếng thời Chiến quốc. Tô Tử tức Tô Tần cũng là thuyết khách thời Chiến quốc (403 đến 221 trước công nguyên trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc). Tái thế: Sống lại trên đời.
M
1. Mai anh đi thú Cao Bằng,

Gửi em ở lại đạo chồng chớ quên.


2. Màn hoa lại trải chiếu hoa,

Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son.


3. Màn trời chiếu đất gió trăng,

Không nơi mô vui sướng cho bằng cõi ni!


4. Mang bầu tới quán rượu lâu,

Say hoa đắm nguyệt, quên câu ân tình.


5. Mảng con bướm trắng cắm sợi dây đàn,

Thất ngôn lời nói bạn hờn trăm năm.



Thất ngôn: mất lời nói sai hẹn.
6. Máu anh lên đỏ ngọn cờ,

Mồ hôi em đổ xuống bờ ruộng xanh.

(Cd 1945 - 1975)
7. May không chút nữa thì lầm,

Khoai lang em tưởng là sâm bên Tàu!


8. May mô may, khéo mô khéo,

Như cơn cỏ héo gặp trộ mưa dông,

Trai cách đời vợ gặp gái trở đợi chồng,

Cũng như triêng nặng qua sông gặp đò.



Trở: để tang. Triêng: gánh (tiếng Nghệ Tĩnh). Lời ca dao nói về kẻ goá vợ gặp người goá chồng.
9. May ra thì được kim vàng,

Chẳng may thì phải kim gang kim chì!



Bl: Lời ca dao có thể ứng vào mọi sự may rủi của con người trên đời. Riêng về tình yêu lứa đôi, cũng vậy thôi và chắc mong ước cá nhân cũng như bà con hai họ đều được thấy “kim vàng”!
10. Mặc ai ép nghĩa nài tình,

Phận mình là gái chữ trinh làm đầu.



11. Mặc cho ong bướm rộn ràng,

Em đây vẫn giữ lòng vàng với anh.


12. Mấy khi nam nữ đua đờn,

Cá vui với nước, sóng dồn với mây.


13. Mấy khi rồng gặp mây đây,

Để rồng than thở với mây đôi lời.

Rồi ra rồng ngược mây xuôi,

Bao giờ lại được nói lời thuỷ chung.


14. Mấy khi gặp hội long vân,

Mấy khi kẻ Tấn người Tần gặp nhau.

Bởi vì em khó anh giàu,

Cho nên chẳng lấy được nhau thế này.

Bây giờ họp mặt nhau đây,

Như tiên gặp hội như mây gặp rồng.

Nữa mai em đi lấy chồng,

Chàng đừng tưởng trúc, nhớ thông đôi đường.

Cái mối tơ vương Tần kia Tấn nọ,

Cái dây tơ hồng ra kết cho ai?

Đào kia đã thắm lại phai,

Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu!



Tấn, Tần: tên hai nước ở Trung Quốc đời Xuân Thu. Theo Tả truyện, Huệ Công nước Tần phụ ước nước Tấn, đánh bắt được thái tử Ngữ giữ làm con tin ở nước Tần. Mục Công nước Tần gả con gái là Hoài Doanh cho thái tử Ngữ. Từ đó năm đời trai gái hai họ cưới gả cho nhau đối xử hoà thuận.

Tơ hồng: X.B.84.
tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương