HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT


CHƯƠNG II VĂN HÓA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT



tải về 2.81 Mb.
trang2/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24
CHƯƠNG II
VĂN HÓA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN
VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT

I. Ảnh hưởng của hoàn cảnh thiên nhiên địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội đối với nền văn hóa nước ta:

Việt Nam có vị trí địa lý ở Đông nam Châu Á rộng khoảng 33 vạn ki lô mét vuông, thuộc vùng nhiệt đới, khu vực gió mùa, mưa nắng nhiều, ở miền Bắc có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng ở miền Nam chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa. Nước ta có hai sông lớn là Hồng Hà và Cửu Long tạo nên hai đồng bằng lớn ở Bắc và Nam, đất đai phì nhiêu. Ở miền Trung do độ dốc của dải Trường Sơn và đất hẹp nên sông ngắn, ít phù sa. Lãnh thổ nước ta trải dài dọc theo biển Đông trên 3000km với hơn 3000 đảo lớn nhỏ trong đó có hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, thuận lợi cho phát triển ngư nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản. Thiên nhiên và địa lý tạo điều kiện tốt cho nông nghiệp phát triển, từ cổ đại nhân dân ta đã trồng lúa nước. Nước ta có 54 dân tộc, đa số là người Việt sinh sống ở vùng đồng bằng, các dân tộc thiểu số sinh sống ở trung du, miền núi, riêng ở Nam bộ một số dân tộc ít người như người Khơ-me, Chăm, Hoa, Stiêng, Mạ, M’nông ở xen kẽ với người Việt trên đồng bằng Cửu Long. Về lịch sử, người Việt cổ đã sinh sống rất xa xưa trên địa bàn phía Bắc, đến nay đã mấy nghìn năm, bắt đầu từ thời đại Hùng Vương dựng nước. Phía Bắc nước ta là cái nôi hình thành dân tộc với nền văn hóa Đông Sơn văn hóa Đại Việt, Thăng Long, Hà Nội. Trong hoàn cảnh tự nhiên và xã hội đó, nhân dân ta từ xa xưa đã có truyền thống cần cù lao động, chế ngự thiên nhiên để phát triển nông nghiệp. Lịch sử dân tộc ta sau thời đại Hùng Vương bị phong kiến phương Bắc đô hộ một nghìn năm trong thiên niên kỷ thứ nhất của công nguyên. Trong một nghìn năm đó, dân tộc ta đã nhiều lần khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Họ Khúc và đến Ngô Quyền thì đất nước ta được hoàn toàn độc lập với các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý Trần, Lê trong thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đất nước ta vẫn bị xâm lăng và nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng, chiến thắng vẻ vang chống Nguyên Mông, chống Minh, Thanh. Đến thế kỷ thứ XIX, dưới triều Nguyễn, đất nước ta lại bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, mãi đến 1945 mới giành được độc lập nhưng tiếp theo đó, do âm mưu xâm lược của Pháp, của Mỹ, nhân dân ta phải kháng chiến chống Pháp, Mỹ cho đến 1975 mới giành được độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Trong quá trình đấu tranh đó, truyền thống yêu nước được hình thành, phát triển trở và thành một nhân tố cực kỳ quan trọng cùng với truyền thống chống và chế ngự thiên nhiên, những truyền thống đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian của nhân dân ta. Nền văn hoá của dân tộc Việt Nam ta lại nằm giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, từ xưa đã giao lưu và chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và từ đầu thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp rồi văn hóa Mỹ và đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của các nền văn hóa này. Điều quan trọng là nền văn hóa của Việt Nam ta đã đấu tranh tạo cho mình một bản sắc riêng biệt: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn tự cường dân tộc, tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, tổ quốc, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, đức hy sinh cao thượng, tất cả vì độc lập dân tộc hạnh phúc của nhân dân, là sự tế nhị trong cư xử, tính giản dị trong lối sống”(1).

II. Bản chất của văn hóa dân gian Việt Nam và tác động tích cực, tiêu cực của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng của người Việt

Văn hóa dân gian bắt nguồn từ văn hóa của một dân tộc, là sản phẩm vật chất (vật thể) và tinh thần (phi vật thể) có gốc từ bản chất của nhân dân lao động dân tộc đó. Biểu hiện sớm nhất của bản chất văn hóa dân gian của một dân tộc là ngôn ngữ, thơ ca tự nhiên tự phát của dân gian. Trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, đây là bản chất chung, riêng đối với dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc có truyền thống sáng tác thi ca, ca dao là một minh chứng đậm nét nhất. Bản chất ấy rất tự nhiên, gần gũi thiên nhiên, lời ca dao chất phác, hồn nhiên, duyên dáng, hữu ích, có thể so sánh với nghệ thuật thơ hoàn chỉnh và cũng khiến cho nhà thơ, nhà văn tài hoa tiếp xúc, học tập ví như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Câu hát thôn dã giúp ta học những tiếng nói trong nghề trồng dâu gai).

Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, ảnh hưởng, tác động (bằng thể chế chính trị, luật pháp…) của Nho giáo, Phật giáo, phần nào của Đạo giáo rồi văn hóa Pháp, Mỹ, nhưng sâu sắc nhất vẫn là Nho giáo. Mác nói: “Những tư tưởng của giai cấp thống trị cũng là những tư tưởng thống trị của mỗi thời đại, nói một cách khác giai cấp đó đang là thế lực thống trị xã hội về mặt vật chất thì cũng là thế lực thống trị về mặt tinh thần”(2).

Phần tích cực của Nho giáo với tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử đã được văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam tiếp thu và Việt Nam hóa thể hiện trong đạo làm người, điều nhân, điều nghĩa, tính thiện. Phần tiêu cực của Nho giáo tác động vào văn hóa dân tộc ta cũng rất sâu rắc. Trong một nghìn năm Bắc thuộc, quân thù muốn đồng hóa dân tộc Việt Nam ta với Hán tộc từ tư tưởng đến phong tục tập quán với quyền lực phong kiến về tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức…với phụ quyền, gia trưởng làm cho dân ta đặc biệt người phụ nữ bị chèn ép từ nhiều phía. Phật giáo vào nước ta khá sớm, đề cao từ bi, bác ái (lòng thương người, làm điều thiện) nhưng lại tác động tiêu cực về diệt dục xem đời người là cõi tạm hoặc không nên đấu tranh (nhưng nhân dân ta và triều Lý, đặc biệt triều Trần vẫn đề cao đấu tranh đặc biệt trong chống ngoại xâm). Đạo giáo ảnh hưởng tiêu cực về mê tín dị đoan, văn hóa Pháp, Mỹ không ảnh hưởng nhiều trong dân gian Việt Nam, dân gian cũng không tiếp thu bao nhiêu phần tích cực của các nền văn hóa này.

Tuy trong xã hội có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị (tuyệt đại đa số là nhân dân lao động) tư tưởng chính thống của xã hội thuộc về giai cấp thống trị được thể chế hóa để áp đặt nhân dân lao động và toàn xã hội phải thực hiện, nhưng với tinh thần dân tộc, sự cô kết chặt chẽ của họ tộc gia đình - làng - xã với “phép vua thua lệ làng”, ý thức dân chủ của người lao động vẫn được duy trì, phát triển và điều này đã được phản ánh đậm nét trong văn hóa, văn học dân gian, trong tục ngữ, ca dao, dân ca… Trong phạm vi chuyên luận này, trên ba mặt sinh lý, tâm lý, tâm linh, ca dao tình yêu lứa đôi hôn nhân và vợ chồng đã biểu thị rõ bản chất của văn hóa dân gian, tuân thủ mặt tích cực của các tư tưởng nói trên đồng thời đấu tranh để giữ vững bản chất văn hóa của mình.

III. Biểu hiện của ca dao tình yêu lứa đôi hôn nhân và vợ chồng trên ba mặt sinh lý, tâm lý và tâm linh

1. Về mặt sinh lý - tình dục

Trời đất có âm dương sau mới có vạn vật, có vạn vật gồm hai giống đực và cái trong thực vật cũng như trong động vật. Sau hàng triệu triệu năm, con người xuất hiện, ban đầu có bản năng như các động vật rồi dần dần có ý thức, ngôn ngữ, lao động. Cũng như sinh vật, con người có giống đực, giống cái, tức nam giới và nữ giới. Sinh sôi nảy nở từ giao phối giữa nam và nữ, con người sống thành bầy, dần dần thành bộ lạc, bộ tộc, chủng tộc, xã hội nguyên thủy theo quy luật của tự nhiên, theo quan hệ sinh lý, tình dục. Quan hệ sinh lý, tình dục được điều chỉnh kết hợp bản năng với ý thức. Con người nhận thức về vũ trụ, về thế giới, tin ở sức mạnh siêu nhiên, từ đó xuất hiện các tín ngưỡng về “vạn vật hữu linh” trong đó có tín ngưỡng “phồn thực” (phồn: nhiều; thực: nảy nở) và con người thờ cúng sinh thực khí của nam và của nữ, nghênh rước mô hình nỏ, nường được nhận thức là thiêng liêng… Ở tiểu vùng văn hóa đất Tổ (Phú Thọ), có những tập tục độc đáo chẳng hạn trong lễ cầu đinh tức cầu có con, người ta trình diễn các tục múa mo, múa bông, tục cướp kén cầu con (tức cướp hình dương vật, âm vật), tục cướp quả còn giữa trai và gái, tục cầu tế nỏ nường

Trên địa bàn nước ta, tín ngưỡng này đã xuất hiện từ xa xưa. Ở Trung bộ (nguyên là đất Chiêm Thành) trên các tháp Chàm hiện còn ở tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam) tại ngôi đền chính Kalan Chăm, có thờ thần Linga và Yoni(1) hay ở đầu thị xã Phan Rang, có hai ngọn tháp một to một nhỏ tọa lạc trên ngọn đồi cao, gọi là đồi Trầu. Tháp to là tháp Ông, tháp nhỏ là tháp Bà. Trên đỉnh tháp to là một tảng đá to, hình trụ, gọi là Linga tượng trưng cho dương vật của đàn ông. Trong tháp có pho tượng đức vua ngồi trên một bệ đá gọi là Yoni, tạc theo hình âm hộ của đàn bà(2).

Cho nên từ thượng cổ, với xã hội loài người, quan hệ sinh lý, tình dục là quy luật tự nhiên của thiên nhiên được loài người coi trọng để phát triển chủng tộc, nòi giống, gia đình, dòng họ… Trai gái lớn đến tuổi phát dục, dậy thì, quan hệ với nhau về yêu đương về sinh lý (“nữ thập tam, nam thập lục”) và văn hóa dân gian về hôn nhân bắt nguồn từ đó.

+ Đàn ông nằm với đàn ông,

Như gạch, như ngói, như chông, như chà!

Đàn ông nằm với đàn bà,

Như lụa, như lĩnh như hoa trên cành!

Về sau trải qua các chế độ nộ lệ, đặc biệt chế độ phong kiến, con người bị gò bó vào những thể chế mệnh danh đạo đức như Nho giáo chủ trương “nam nữ thụ thụ bất thân” “nam nữ hữu biệt”… đã chi phối mạnh mẽ đạo đức, lối sống của con người. Thể chế gò bó của Nho giáo, của chế độ phong kiến ấy có tác động vừa trong tầng lớp thượng lưu, vừa trong nhân dân. Tuy nhiên, với nhân dân lao động tự do yêu đương giữa nam và nữ là việc bình thường, dân chủ, hợp quy luật, hợp tình người. Với lao động, giao lưu giữa nam nữ trở nên tự do, lời nói, tiếng hát thường tập trung biểu thị tình cảm rồi tình yêu lứa đôi. Với nếp sống có văn hóa, người lao động khi có cảm tình với nhau, yêu nhau họ không sỗ sàng thô bạo. Tiếp xúc thể xác, họ cầm cổ tay là chính, chắc cũng có hôn nhau nhưng kín đáo.



+ Gặp nhau anh nắm cổ tay,

Ai gột nên trắng, ai day nên tròn?

+ Gặp nàng anh nắm cổ tay,

Anh yêu vì nết, anh say vì tình.

Cần phải có cách nhìn nhân bản khi nghe những lời ca dao tả chân hoặc bộc trực tự nhiên lạc quan rất “con người”.



+ Vú em chum chúm hoa cau,

Cho anh bóp tý có đau anh đền.

+ Thấy em gò má hồng hồng,

Em đừng mắc cỡ anh bồng anh hôn.

+ Thân em tội nghiệp vì đâu,

Ngày ngày em chổng phao câu lên trời.

Lời ca đó của con trai được người con gái đáp lại:



- Bây giờ nông vụ chi kỳ,

Em mà không chổng lấy gì anh ăn?

Có nho sĩ bình dân đã miêu tả thân hình phụ nữ hiện thực bằng ngôn ngữ văn chương:



+ Gặp ba trò khiến hỏi ba trò:

Đường lên trên bụng có đò hay không?

- Cao sơn lưỡng nhũ ở trên,

Tiểu khê ở dưới muốn lên phải sào.

Dang tay mở khóa động đào,

Nhất can trực nhật đến ao phụng hoàng.

Đường lên trên bụng cứ sang,

Cần chi đò dọc, đò ngang tốn tiền!

Còn đây là tả chân bằng hình ảnh:



+ Trèo lên cây khế nửa ngày

Váy thì trụt mất, lưỡi cày thò ra.

Lưỡi cày ba góc chẻ ba,

Muốn đem đòn gánh mà va lưỡi cày.

Với sự điều chỉnh của xã hội, của văn hóa, người con gái biết giữ mình và có thái độ đúng mực, tự trọng”:



+ Thương thì dựa vế kè lưng,

Việc ấy” xin đừng để trọng về sau.

Đạo đức dân gian điều chỉnh hành vi sinh lý, tình dục giữa trai và gái, lên án thói gian dâm, tệ nạn “họp chợ trên bụng đến trăm con người” xấu xa:

+ Gái đâu có gái lạ đời,

Chỉ trừ có một ông trời không chim!

Long thần, thổ địa cũng tìm,

Thổ công, vua bếp cũng chim cả rồi!

Và nếu tầng lớp thượng lưu phong kiến có “can thiệp” thì người lao động trả lời:



+ Ngày trông quan lớn như thần,

Đêm sao tẩn mẩn tần mần như ma?

Hai tay quan lớn gian tà,

Sờ hết chỗ nọ lại sà chỗ kia!

Và khi đã thành vợ chồng, quan hệ sinh lý trở thành trò vui dí dỏm rất tự nhiên:



+ Thân anh sung sướng hai lần,

Nhỏ mần vú mẹ, lớn mần vú em!

+ Đương khi lửa tắt cơm sôi,

Lợn kêu, con khóc chồng đòi tòm tem!

- Bây giờ lửa đã đỏ lên,

Lợn no, con nín tòm tem thì tòm!

Về quan hệ sinh lý, trên đây chỉ nói về tình dục. Tình dục không nên bỏ qua nếu không muốn hiểu sâu về văn hóa dân gian, một vấn đề rất “con người”. Nha văn Pháp La-rốt-sơ Phu-côn (La Roche Foucault) viết: “Không nên nghĩ về tình dục như một cái gì đó tồn tại khách quan mà quyền lực cố gắng kìm chế hoặc như một lĩnh vực mờ tối mà tri thức cố gắng từng bước khám phá ra. Tình dục là một tạo tác mang tính lịch sử(1) - Điều đáng quan tâm là không nên để những ham muốn quá trớn, khiêu dâm tạo nên lối sống bừa bãi trái với đạo đức, phong tục của dân tộc.

2. Về mặt tâm lý

Đây là nội dung tình cảm với biểu hiện rất phong phú, đa dạng trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng. Ngôn từ của ca dao được hát lên với các làn điệu dân ca từ lúc đôi trai gái gặp nhau, có cảm tình với nhau, yêu thương nhau, khi xa nhau thì nhớ nhung, tiếp xúc ban đầu có thể qua lao động, rồi từ lao động, tình yêu nảy nở. Sinh hoạt nông nghiệp là môi trường lý tưởng cho trai gái gặp nhau, tỏ tình với nhau:



+ Cô kia đi đường ấy với ta,

Trồng đậu, đậu tốt, trồng cà, cà sai.

Cô kia đi đường ấy với ai,

Trồng bông, bông héo, trồng khao khoai hà!

Trong tiếp xúc ban đầu, người con gái nông dân khá dè dặt và lễ phép:



+ Sáng ngày tôi đi hái dâu,

Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.

Hai anh đứng dậy hỏi han,

Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?

- Thưa rằng tôi đi hái dâu,

Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.

Thưa rằng: Bác mẹ tôi răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Nhưng khi họ đã hiểu nhau, tình yêu trong sáng, chân thật nảy nở dẫn dắt đến những mối tình thắm thiết tuy vẫn còn giấu cha mẹ - như lời ca dao, dân ca quan họ quen thuộc từ xa xưa:



+ Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi.

+ Yêu nhau trao nón cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay…

Con gái Việt Nam ở tuổi dậy thì có vẻ đẹp thiên phú được dân gian kết lại trong thành ngữ như khuôn “mặt trái xoan”, “mắt lá răm” “lông mày lá liễu” “má lúm đồng tiền” “hàm răng hạt huyền” “tóc bỏ đuôi gà” “đáy thắt lưng ong”… Con gái nông dân không có “mặt hoa da phấn” như con gái tầng lớp thượng lưu bởi họ phải lao động, qua lao động nắng gió có thể làm cho da đen nhưng họ vẫn “có duyên”. Đây là cái duyên “tổng hợp” từ nết na, lời ăn tiếng nói kết hợp với dáng đẹp bề ngoài, dễ gây cảm tình (Duyên là một khái niệm về hiện hữu của người phụ nữ khác với “nhân duyên” là một khái niệm tâm linh cũng có liên quan đến tình yêu, hôn nhân, sẽ bàn ở mục sau).



+ Người xấu duyên lặn vào trong,

Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.

+ Còn duyên đóng cửa kén chồng,

Hết duyên ngồi gốc cây hồng lượm hoa!

+ Còn duyên như tượng tô vàng,

Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa!

+ Còn duyên kén cá chọn canh,

Hết duyên ếch đực cua kềnh cũng vơ!

Trong tình yêu lứa đôi cùng với môi trường thuận lợi là lao động nông nghiệp (có thể cả ngư nghiệp, lâm nghiệp nữa) về sau là buôn bán… còn có giao lưu nghệ thuật (hát đối đáp, hát giao duyên) là đầu mối để dẫn dắt đến tình yêu - Tâm hồn người lao động Việt Nam rất phong phú, trong sáng, họ biết mơ mộng, lãng mạn với tư tưởng bay bổng của mình. Vũ Ngọc Phan có một nhận xét xác đúng “Chúng ta nên nhớ rằng họ là tác giả những thần thoại và truyện cổ tích, trong đó óc tưởng tượng của họ nhiều khi rất sâu sắc, bóng bẩy và tình cảm của họ cũng rất thắm thiết, tạo cơ sở cho văn học trữ tình. Cho nên trong ca dao, dân ca, chúng ta phải nhận thấy tâm tình họ có lúc bộc lộ mộc mạc, chất phác nhưng cũng có lúc rất bay bướm, tế nhị”(1).



+ Sáng trăng suông sáng cả bờ sông,

Ta được cô ấy ta bồng ta chơi.

Ta bồng ta tếch lên trời,

Hỏi ông Nguyệt Lão tốt đôi chăng là?

Khi bộc trực, khi thẳng thắn, khi tế nhị, khi bóng gió xa xôi, nam nữ thanh niên lao động thể hiện tình yêu lứa đôi trên nhiều cung bậc. Khi đã có cảm tình chân thật với nhau qua tiếp xúc, họ có quyết tâm gắn bó, không gian sông núi không thể làm cách bức tình yêu:



+ Thương (yêu) nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Và không biết có phải nho sĩ bình dân nào đó “tính toán” thêm:



+ Thương (yêu) nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua!

Và khi yêu hay không yêu thì:



+ Thương nhau nước đục cũng trong,

Ghét nhau nước chảy qua đồng cũng dơ(1)

Ca dao và dân ca về tình yêu lứa đôi cũng phản ánh tất cả các cung bậc tình cảm, thuận chiều, nghịch chiều. Về chữ nghĩa, tình cảm “hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục” (mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn) đều được thể hiện nhưng nổi lên và tập trung trong hàng trăm lời nói về yêu thương giữa đôi trai gái từ đó phát sinh các tình huống thuận chiều hoặc nghịch chiều trong quan hệ tình ái với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài các biểu hiện có vẻ công thức nói trên theo chữ nghĩa, các cung bậc tình yêu lứa đôi còn phong phú hơn nhiều. Sau khi tiếp xúc với nhau, có cảm tình với nhau, trai gái đã hát:



+ Một chờ, hai đợi, ba trông,

Bốn thương, năm nhớ, bảy tám…mong, chín mười chờ.

+ Tối trời đôm đốm chớp giăng,

Xa nhau một bữa, mấy cái khăn ướt dầm!

Và “nhiệt độ” của nhớ nhung, có thể xem là “tuyệt đối”:



+ Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than!

Họ có thể viết thư tỏ tình nhưng họ cho rằng gặp nhau vẫn hơn, khỏi “lâu tình”



+ Anh thương em thì tới thăm em,

Anh đứng thơ (thư) gửi, thơ (thư) đem lâu tình! (Cd Đồng Tháp)

Và nếu có viết thư cho nhau thì “chữ trung phần cha, chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình” kẻ cũng phải đạo và như vậy thư tình giữa trai gái Việt Nam ta không phải bị kết tội như có nơi trên thế giới(1). Trong ca dao, dân ca Việt Nam, chỉ có trai gái yêu nhau nếu không lấy được nhau trên thế gian này thì họ muốn chết:



+ Ví dầu không lấy được chàng,

Mang thân đi xuống suối vàng cho xong!

Bao trùm là tình yêu, tình thương giữa đôi trai gái, tình yêu tình thương đó có vui, có buồn, có giận, có trách, có tiếng cười và cũng có nước mắt:



+ Nhìn nhau lệ ướt thấm bâu,

Nỗi thương chưa xiết, nỗi sầu lại vương!

Nghĩ thôi đã giận lại thương,

Trách cho dạ đấy không tường lòng đây!

TÌnh thật bên trong đôi lúc lại biểu hiện bằng lời nói trái ngược với lời nói bên ngoài:



+ Đàn bà nói có là không,

Nói yêu là ghét, nói lấy chồng là đi tu!

Với lời này thì thương là ghét và ngược lại:



+ Thương chồng nấu cháo củ tre,

Nấu canh vỏ đỗ, nấu chè nhân ngôn.

Ghét chồng nấu cháo le le,

Nấu canh đỗ đãi, nấu chè hạt sen.

Đến mức độ cho phép, tình yêu trải qua thề thốt, “qua cắt tóc bằng dao lá trúc”, trai gái cầu xin đất trời chứng giám, ông Tơ, bà Nguyệt “xe chỉ hồng” cho lứa đôi.

Và sẽ thiếu sót nếu không nói đến nếp sống văn hóa dân gian sau đây: Từ buổi sơ giao, có cảm tình rồi tình yêu nảy nở cho đến khi thành vợ thành chồng, với tục ngữ “miếng trầu là đầu câu chuyện” rất nhiều ca dao nói về trầu, cau, vôi (có đến hàng trăm lời). Trầu, cau, vôi bắt nguồn từ truyện cổ tích Cao Tân, Cao Lang đã đúc nên sự kết dính của tình yêu lứa đôi, đã thành phong tục truyền thống trong cưới hỏi:

+ Gặp nhau đây ăn miếng trầu xanh,

Chả ăn cầm lấy cho anh bằng lòng.

+ Thương nhau vì bởi miếng trầu,

Em trao anh bắt tận đầu ngón tay.

Bởi tình yêu lứa đôi chân thật nên nói chung trai gái đã thành công. Tình yêu thuận chiều đó đã kết vào hàng nghìn lời ca dao thắm thiết, thống kê cho biết có đến 75% trong tổng số ca dao tình yêu lứa đôi(1). Ngoài nguyên nhân chính là tình yêu, tự do hôn nhân giữa đôi trai gái phải kể đến nguyên nhân về đạo đức, vì nhân, vì ngãi (nghĩa) vì tôn trọng lẫn nhau, vì đã hứa hẹn, thề thốt…



+ Không tham rộng ruộng lớn vườn,

Ham vì nhân ngãi, cang thường mà thôi!

+ Thương nhau không phải vì tiền,

Mà vì nhân nghĩa, vì duyên chúng mình!

Mong ước lớn nhất mà cũng rất hiện thực là tình yêu chung thủy:



+ Gương không có thủy gương mờ,

Thuyền không có lái lững lờ dòng sông!

Mong sao nghĩa thủy tình chung,

Cho thuyền cập bến gương trong nghìn đời!

Ca dao đề cao hôn nhân một vợ một chồng xem đó là cơ sở vững chắc nhất của tình yêu lâu dài:



+ Người ta thích lấy nhiều chồng,

Em thì chỉ thích một ông thật bền.

Thật bền như tượng đồng đen,

Trăm năm quyết với cùng em một lòng!

Tình yêu lứa đôi có đích cuối là hôn nhân là hạnh phúc lớn nhất của đôi trai gái thành vợ chồng, là cơ sở pháp lý của xã hội văn hóa, văn minh, là nền tảng của gia đình sinh con đẻ cái, phát triển dòng họ, giống nòi, dân tộc… Với kinh tế nông nghiệp từ hôn nhân, có vợ chồng rồi có gia đình, mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất, khi xưa, và nay cũng vẫn còn “ngũ đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” sinh sống tình nghĩa, thuận hòa, chung sức lao động, phát triển kinh tế.

Tình huống ngược lại - yêu nhau mà không lấy được nhau cũng nhiều hình nhiều vẻ, có nguyên nhân chủ quan ví như không tâm đầu ý hợp, tuổi không hợp, tình yêu chỉ từ một phía; có những nguyên nhân khách quan do dư luận xã hội “gièm pha”, do cha mẹ ngăn cản, do thách cưới bên cha mẹ cô gái quá cao, cha mẹ chàng trai phải lo, nói chung không lo nổi (thực chất không muốn gả con gái của mình cho chàng trai kia). Có nhiều lời ca dao phản ánh “yêu cầu” nhà trai “siêu thực” “không tưởng” nào “ống thuốc bằng bạc”, “ống vôi bằng vàng”, “Xe tứ mã cho quan viên”, “bảy vạn dê lợn” cho đến “răng nanh chú Cuội”, “râu Thiên Lôi”… thì thực chất chẳng bao giờ có cưới hỏi: cho nên sự giầu nghèo về kinh tế đã cản trở, làm tan vỡ tình yêu lứa đôi!

+ Mới hay lấy vợ trên đời,

Không tiền, không của tối trời nằm không!

+ Mới hay duyên nợ ba sinh,

Cái giàu làm mất cái tình đôi ta!

Thống kê về tình huống không thuận trong yêu nhau, dẫn đến không lấy được nhau chiếm đến 25% tổng số ca dao về tình yêu lứa đôi(1). Đau đớn, người con gái kêu lên:



+ Tay bưng chén quế, tay chế nước đường,

Vãng lai, lai vãng, tình thương cạn rồi!

+ Nào khi mô mo ấp lấy bẹ,

Vì bạc tiền thầy mẹ chia rẽ đôi ta!

Nay chừ thiếp một đàng, chàng một nẻo kêu ca không thấu trời!

Tưởng không có gì đẹp hơn:



+ Đôi ta làm bạn thong dong,

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng!

Nhưng rồi:



+ Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,

Cho nên đũa ngọc mâm vàng chia đôi!

Rồi đôi trai gái cùng chung một lời:



+ Một lần chờ, hai lần đợi, ba lần nhớ, bốn lần thương,

Anh thương em nhưng phụ mẫu họ hàng chẳng thương!

Đôi trai gái đau lòng:



+ Ngắt bông sen còn vương tơ óng,

Cắt dây tình nào có dao đâu!

Đến tình thế này, họ bất chấp mọi hình phạt:



+ Ví dầu cha đánh mẹ treo,

Đứt dây té xuống em theo đến cùng!

+ Dẫu mà đan rọ thả sông,

Trôi lên trôi xuống em không bỏ chàng!

Đôi trai gái vì đã tha thiết yêu nhau, cùng thề thốt trước miếu đình linh thiêng nên họ tìm đường tự vẫn, cùng đối đáp “tự vẫn”nếu không lấy được nhau:



+ Em mà không lấy được anh,

Thì em tự vẫn gốc chanh nhà chàng!

- Anh mà không lấy được nàng,

Thì anh tự vẫn giữa đàng nhà em!

Ca dao về hôn nhân, vợ chồng cũng phản ánh nhiều tình cảnh éo le mà nạn nhân là phụ nữ. Vì ham tiền của, đôi trai gái bị ép phải lấy nhau:



+ Bác mẹ em vội tham vàng,

Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con!

+ Mẹ mong con đẹp lứa đôi,

Con xin được tỏ đôi lời đục trong:

Lấy nhau lòng hiểu được lòng,

Tình kia mới được đượm nồng dài lâu.

Vì chưng mẹ trót nhận trầu,

Bắt con ngậm miệng cúi đầu vâng theo

Lấy người chẳng biết chẳng yêu,

Sống sao cho mãi bóng chiều trăm năm?

Dù nay muốn dứt tơ tằm,

Mẹ thương thì sợ lỗi lầm đã qua!

Lại còn nhiều nguyên nhân khác như muốn khai thác lao động của cô dâu mà phát sinh nạn tảo hôn, vì muốn nối dõi tông đường vì vợ sinh con một bề mà phải cưới vợ lẽ để theo đạo lý phong kiến “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Ngoài ra, nam giới tự cho phép “năm thê, bảy thiếp” còn bắt phụ nữ phải trinh tiết để được “tiết hạnh khô phong” thật bất công đối với phụ nữ! Cái cảnh đa thê, vợ chánh, vợ lẽ chỉ làm quan hệ vợ chồng thêm phức tạp, đáng phê phán. Hồ Xuân Hương đã lên án: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” còn người vợ lẽ trong ca dao phía Bắc là đứa ở và còn đau đớn hơn đứa ở:



+ Thân em lấy lẽ chẳng nề,

Phải chi chính thất mà lê giữa giường!

Tối tối chị giữ lấy buồng,

Chị cho manh chiếu nằm suông chuồng bò.

Mong chồng, chống chẳng xuống cho,

Đến khi chồng xuống gà o o gáy dồn!

Gà kia sao mày vội gáy dồn,

Làm tao khiếp vía kinh hồn vì nỗi chồng con!

Và người vợ lẽ, không rõ vợ chánh và vợ lẽ hay hai bà vợ lẽ trong ca dao miền Nam:



+ Chồng chung hai vợ một mùng,

Day qua con vợ nọ, chọc khùng con vợ kia!

Còn nhiều tình huống đáng phê phán trong quan hệ vợ chồng. Đây là sự đấu tranh để bảo đảm nếp sống văn hóa tốt đẹp. Không phải chỉ là bất hòa do cá tính của vợ, chồng mà tệ hại hơn là phụ bạc, có khi “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” (xem ra có vẻ công bằng nhưng không ít trường hợp si tình, mê gái (về phía nam) hay mê say chồng người (về phía nữ) nên ca dao đã lên án:



+ Đàn ông một trăm lá gan,

Lá thì cùng vợ, lá toan cùng người!

+ Nhà ai chồng quỷ vợ ma,

Hễ ông ăn chả thì bà ăn nem!

“Chồng chung vợ chạ”, ngoại tình làm nảy sinh ghen tuông, đánh ghen làm sao có hạnh phúc vợ chồng được? Ca dao không quên lên án có vẻ “cảnh cáo”:



+ Anh mà bắt chước Thúc Sinh,

Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư!

Ca dao cũng phê phán sự đồi bại trong lối sống bừa bãi, dâm bôn “họp chợ trên bụng có trăm con người” hoặc chê trách:



+ Cá lên khỏi nước cá khô,

Làm thân con gái lõa lồ ai khen!

Hoặc lên án những cô gái “sinh hoạt” bừa bãi:



+ Chơi cho thủng trống long bồng,

Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm.

Chơi cho thủng trống long chiêng,

Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng!

Lời ca dao có vần “vòng tròn” này muốn bảo cô gái rằng đã ra vào thói hư này thì khó mà “lập nghiêm” lấy chồng!

Ca dao về tình yêu lứa đôi quả thật phức tạp nhưng về cơ bản tự do yêu đương là quan trọng nhất, thuận chiều là chính, ngược chiều tuy có nhiều nguyên nhân vẫn là phụ. Lời ca dao dưới đây phản ánh mối tình đầu thắm thiết, thiêng liêng dù sau đó đôi trai gái không thành vợ chồng:

+ Dẫu chàng năm bảy mặt con,

Thiếp đôi ba đứa vẫn còn nhớ nhung.

Thật đúng với tục ngữ “Tình cũ không rủ cũng tới”.


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương