HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT


Anh với tôi làm đôi sao xứng, Bạc với vàng sao đứng đồng cân, Trách ai tham phú bỏ bần, Tham xa mà bỏ nghĩa gần thuở xưa. 100



tải về 2.81 Mb.
trang8/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   24

99. Anh với tôi làm đôi sao xứng,

Bạc với vàng sao đứng đồng cân,

Trách ai tham phú bỏ bần,

Tham xa mà bỏ nghĩa gần thuở xưa.


100. Anh xa em cách đừng trách ông trời

Trách người hàng xóm lắm lời thị phi.


101. Anh xem cái mặt em này,

Khôn thì anh lấy, dại ngây thì đừng!

- Người khôn con mắt đen sì,

Người dại con mắt nửa chì nửa thau!


102. Anh xuôi em vẫn trông chừng,

Trông mây mây tản, trông rừng rừng xanh.

Anh xuôi em đứng cửa ngăn,

Hai hàng nước mắt chảy quanh má hồng.


103. Ao sen, dàn mướp, lũy tre,

Nhắn chi những nỗi đi về năm xưa.

Đầu xanh độ ấy đang vừa,

Rủ nhau chui lách rào thưa vào vườn.


104. Áo cụt cũ, ân tình không cũ,

Đường tuy mòn, nhân nghĩa không mòn,

Đứng xa kêu hỡi người thương,

Người thương lúc trước giờ đứng đường chờ ai?



105. Áo người mặc đoạn, cởi ra,

Chồng người ta mượn canh ba lại hoàn.


106. Áo tứ thân em treo trên mắc,

Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi.

Nhớ em em vẫn ở đời,

Quên em, em mới ra người kiếp xưa.


107. Áo vá vai, vợ ai chẳng biết,

Áo vá quàng chỉ biết vợ anh.



Vá quàng: vá nhanh và chẳng đẹp.
108. Ăn cà ngồi cạnh vại cà,

Lấy anh thì lấy đến già mới thôi!


109. Ăn cam nằm gốc cây cam

Lấy anh thì lấy, về Nam không về.

Ngày xưa trai Nam đi lính ra Bắc, ngại cảnh lấy chồng Nam phải xa cha mẹ nên người con gái bắc phải nói trước như vậy khi yêu người lính ở Nam.

Bl: Trong kháng chiến chống Mỹ, cũng có cô gái không muốn lấy chồng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
110. Ăn cơm cũng nghẹn, uống nước cũng nghẹn

Nghe lời bạn hẹn ra ngõ đứng trông,

Bãi thời thấy bãi, người không thấy người.

BK: Ăn cơm cũng thấy nghẹn,

Uống nước cũng thấy nghẹn,

Nghe lời em hẹn ra ngõ đứng trông,

Biển xanh bát ngát người không thấy người.
111. Ăn cơm sao đặng mà mời,

Nước mắt lênh láng rã rời hạt cơm.

Mình đừng đặng cá quên nơm,

Đôi ta gá nghĩa danh thơm để đời,

Cóc nghiến răng động đến trời,

Sao mình chẳng tưởng mấy lời em than?


112. Ăn mít bỏ xơ

Ăn cá bỏ lờ, mình nhớ hay quên?

Mình quên ta chẳng cho quên,

Mình nhớ ta nhớ mới nên vợ chồng.


113. Ăn trầu người như chim mắc nhợ,

Uống rượu người như cá mắc câu.

Thương em chẳng nói khi đầu,

Để cho bác mẹ ăn trầu khác nơi.

Đau lòng em lắm anh ơi,

Riêng em cứ quyết được người đấy thôi!

Sông kia khi lở khi bồi,

Thương anh lúc đứng lúc ngồi cũng thương!


114. Ăn trầu nhớ tỏi bùi ngùi,

Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm.

Hỡi người quân tử trăm năm,

Quay tơ có nhớ mối tằm hay không?


115. Ân ân, ân ái biết bao,

Gặp nhau lại thẹn, toan chào lại thôi!


116. Ân tình chi anh mà lao xao như bọt nước,

Nghĩa nhân chi anh mà từa tựa như đám mây bay!

Ngày xưa khắn vó, ngày này lãng xao!

Khắn vó: gắn bó.

117. Ân tình chưa đặng bao lâu,

Tằm sao lại bỏ nghĩa dâu hỡi tằm?


118. Ân tình này đã hết trông,

Ngãi nhân như nước tràn đồng khó ngăn.



Bl: Tình và nghĩa là hai giai đoạn từ yêu nhau thành vợ chồng. Đôi trai gái này hình như chưa có tình yêu nhưng vẫn lấy nhau, xây dựng nhân ngãi hạnh phúc gia đình.
119. Ấy ai giắt mối tơ mành,

Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng

Tơ tằm đã vấn thì vương,

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng!


B
1. Ba chốn bốn nơi chàng ràng

Không nơi nào hẳn sau lỡ làng tính răng?


2. Ba chồng ở ngọn sông Thao

Ba chồng ở Thành Lạng, về Hà Nội đóng cửa làm cao chưa chồng.

Chơi cho thủng trống long bồng,

Rồi sau ta sẽ lấy chồng lập nghiêm.

Chơi cho thủng trống long chiêng

Rồi sau ta sẽ lập nghiêm lấy chồng.



Sông Thao: tức sông Hồng quãng phía trên Bạch Hạc. Bl: Loại người này thật đáng chê trách!
3. Ba cô đội gạo lên chùa,

Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.

Sư về sư ốm tương tư,

Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

Ai làm cho dạ sư sầu,

Cho ruột sư héo, cho bầu đứt dây?


4. Ba cô cùng ở một nhà,

Cùng đội nón thúng, cùng ra thăm đồng.

Ba cô cùng chửa có chồng,

Để anh mua cốm mua hồng sang chơi.

- Đến nơi cô đã có chồng

Để cốm anh mốc để hồng long tai.

Để cho cái quạt long nhài,

Cái ô long dịp, cửa cài long then.


5. Ba Lai cầu nối Rạch Miễu,

Anh thương anh hiểu chớ em chưa hiểu song thân.

Mẹ biểu thì em phải vâng,

Thôi về mai mốt ngày gần anh qua!



Ba Lai, Rạch Miễu ở Châu Thành - Bến Tre.
6. Ba năm hai mươi bảy tháng chàng ơi,

Xin chàng ở lại ăn xôi nghe kèn,

Đã về kiếp ấy đừng ghen,

Để cho người khác cầm quyền thay anh!

Khi xưa chồng chết thì vợ để tang 3 năm (thực ra chỉ tính hai mươi bảy tháng mà thôi).

7. Ba tàn ba héo vì cây,

Con sầu vì mẹ vì thầy ép duyên.



Ba: hoa
8. Bà già đi chợ Cầu Đông,

Bói xem một quẻ lấy chồng đặng chăng?

- Thầy bói gieo quẻ nói rằng,

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.



BK: Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.
9. Bác mẹ em vội tham vàng,

Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con.

Trước thời thẹn với nước non

Sau thời cay đắng lòng con đêm ngày.

Khi vui có bác mẹ thầy,

Cơn sầu em chịu đắng cay một mình.

Mang thơ ra dán cột đình,

Kẻ xuôi người ngược thấu tình em chăng?

Phong ba nổi giữa đất bằng,

Một dây một buộc ai dằng cho ra?

Thiết gì một cảnh vườn hoa,

Mà đan đầy đọa thân ta thế này?

Thấu chăng hỡi bác mẹ thầy,

Ngỡ rằng gả bán, hóa đầy thân con!


10. Bạc tình nhiều kẻ, lẽ ấy thường lề,

Bớ anh ơi, đừng thấy nhan sắc mà mê,

Bỏ em hiu quạnh trăm bề nhớ thương.
11. Ban mai ra đứng trông mây, thấy mây giăng mấy chỗ,

Trực nhìn xuống sông, thấy sóng vỗ mấy từng,

Nước dưới hồ không ai tát mà lưng,

Lửa không ai đốt sao cây rừng cháy khô?

Xưa bữa rày bạn bỏ đi mô?

Chữ sầu tình, nỡ để ra vô một mình!


12. Bạc sao bạc chẳng vừa thôi,

Để cho nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Tin sang chẳng thấy người sang,

Hẹn ba bốn hẹn lòng càng xót xa.

Đoạn tràng phải bước chân ra,

Gió xuân hiu hắt, sương sa lạnh lùng.

Chăn đơn gối chiếc lạ lùng.

Đôi hàng châu lệ đôi hàng chứa chan.

Gặp chàng thiếp phải thở than,

Dưới khe nước chảy trên ngàn thông reo.

Cơm ăn thất thểu ít nhiều.
13. Bạc tình chi lắm hỡi chim,

Bỏ nhành lê héo, đi tìm nhành xanh.

Ham nơi kẻ dỗ người dành,

Cho nên bạn lại bỏ đành duyên ta.

Cầm dao cắt đứt ruột ra,

Ruột đau cho mấy bằng xa nghĩa chàng.


14. Bạn nói với ta sao không thiệt thà,

Đồng đình trong bụi trái già trái non.

Bạn nói với ta chưa vợ chưa con,

Nào ai than khóc nỉ non bạn tề?

Bạn nói với ta chưa hề có hiền thê,

Hiền thê đứng đó, bạn kìa tính sao?



Đồng đình: loài cây có thân, lá gần giống cây cau, trái có vị chát. Có câu đố cây cau: “Cây xanh leo lẻo, lá tựa đồng đình/ Một bầy se sẻ đóng đinh đầu câu”.
15. - Bạn ơi có nhớ ta chăng,

Ta thời nhớ bạn như trăng nhớ trời!

- Bạn ơi có nhớ ta không.

Ta thời nhớ bạn như rồng nhớ mưa.


16. Bạn ơi có nhớ ta chăng,

Ta thời nhớ bạn như trăng nhớ trời!



BK: Bạn về có nhớ ta chăng

Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời!


17. Bạn vàng lại gặp bạn vàng,

Long ly quy phụng một đoàn tứ linh.



BK: Bạn vàng chơi với bạn vàng

Long lân quy phụng một đoàn tứ linh.



18. Bạn về nghĩ lại mà coi,

Tâm tình ta ở gương soi không bằng.



BK: Bạn về nghĩ lại mà coi,

Tâm tình em ở gương soi nào tày.


19. Bạn về, ta nắm kéo tay,

Bao nhiêu nhân nghĩa trả đây rồi về.

- Thiếp ơi buông áo ta về,

Trăm năm đi nữa lời thề vẫn nguyên.


20. Bàng ràng một tí ngoài da,

Giữa thời rỗng tuếch như hoa muống rừng.



BK: Kìa ai lao lạo ngoài da,

Mà trong rỗng tuếch như hoa muống rừng.
21. Bao giờ cạn nước Đồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.


22. Bao giờ cho mỏi cánh bằng,

Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng.


23. Bao giờ chả lại gần nem,

Ra về nước mắt ướt nhèm như mưa!


24. Bao giờ cho chuối có cành,

Cho sung có nụ co hành có hoa.

Con chim bay vụt qua nhà,

Mà biết đực cái thì ta lấy mình.

(X. B.27)
25. Bao giờ bánh đúc có xương,

Tơ hồng có rễ thì nường lấy ta.


26. Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.


27. Bao giờ cho chuối có cành,

Cho sung có nụ, cho hành có hoa.

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.

Bao giờ cây cải làm đình,

Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta.



BK: Bao giờ cải diếp làm đình.
28. Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh,

Cù lao bỏ biển thì anh quên nàng.


29. Bao giờ đá nổi vông chìm,

Muối chua chanh mặn mới tìm đặng em.


30. Bao giờ đổ núi Tản Viên,

Cạn sông Tô Lịch với quên nghĩa chàng.

Thung dung từ thuở thanh nhàn,

Mực nghiên giấy bút ta bàn khúc nhôi.

Anh chỉ quyết lấy nàng thôi,

Xuống biển lên nguồn quyết chí về anh.

Nói ra mang tiếng dỗ dành,

Mặc ý nàng liệu mặc tình nàng lo.

Yêu nhau nên phải dặn dò,

Để anh khỏi vướng tiếng lừa với em.


31. Bao giờ An Lão hết cây,

Sông Lại Giang hết nước em đây mới hết tình!



An Lão, Lại Giang ở Bình Định.
32. Bao giờ lỡ núi Tản Viên

Cạn sông Tô Lịch mới quên lời này.



Tản viên: còn gọi là núi Ba Vì ở Hà Tây gồm 3 ngọn núi, núi giữa thắt cổ bồng trên xòe ra như cái tán, núi cao 1281m, có đền thờ Sơn Tinh.

Tô Lịch: sông ở Hà Nội từ sông Hồng chảy qua Chợ Gạo qua phố Nguyễn Văn Siêu, Ngõ gạch, Hàng Lược, men theo hào cũ thành Thăng Long (phố Phan Đình Phùng) chảy qua Thụy Khê, Yên Thái, từ đấy sông chảy theo hướng Bắc Nam qua Cầu Giấy, Ngã Tư Sở rồi nhập vào sông Nhuệ.
33. Bát canh rau bát rau sam

Yêu nhau chẳng nỡ thở than nửa lời.

Cơm gà cá gỏi bời bời,

Ghét nhau mả tổ cuốc cời nhau lên.


34. Bảy mươi mười bảy bao xa,

Bảy mươi có của mười ba cũng vừa.



35. Bắt ông Tơ đánh vơ vài chục,

Bắt bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo,

Người ta năm bảy vợ theo,

Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi.



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B.84.
36. Bắt ông Tơ mà cho ba đấm

Bắt bà Nguyệt đánh bốn mươi chín cái hèo.

Duyên người ta xe buổi sớm, duyên em buổi chiều mới xe?

Ông Tơ, bà Nguyệt: X. B.84.
37. Bắt ông Tơ mà đánh ba hèo,

Duyên người ta xe cả, phận em nghèo không xe?



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B84
38. Bắc thang lên đến tận trời,

Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay.

Đánh rồi lại trói vào cây,

Hỏi ông Nguyệt lão đâu dây tơ hồng.

Nào dây xe bắc xe đông,

Nào dây xe vợ xe chồng người ta.

Ông vụng xe tôi lấy phải vợ già,

Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông đi.



Nguyệt lão, Tơ hồng: X.B.84.
39. Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,

Cả cheo lẫn cưới xin chàng một trăm.


40. Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,

Trầu em cao số muộn màng anh thương.

Bắc thang lên hái ngọn trầu hương,

Đó thương ta một, ta thương đó mười.


41. Bắc thang lên hỏi ông trời

Những tiền cho gái có đòi được không?



BK: - Bắc thang hỏi thử ông trời

- Tiền mà cho gái có đòi được không?


42. Bắc thang lên hỏi trời già,

Chỉ hồng đâu tá mượn và bốn dây.

Để ta xe kết đấy đây,

Xe chim loan phượng với cây ngô đồng.

Xe tố nữ với anh hùng,

Xe trang thục nữ bạn cùng thi nhân.



Chỉ hồng: (Xích thằng) sợi dây đỏ để ông Tơ và Nguyệt xe duyên kết đôi nam nữ thành vợ chồng. X.thêm B.84.
43. Bắc thang lên hỏi trăng già,

Phận đàn bà con gái hạt mưa sa giữa trời.

May ra gặp được giếng khơi,

Chẳng may gặp phải nơi ruộng cà cũng thôi.

Trót yêu nhau giá thú bất luận tài.

Giá thú bất luận tài: Cưới xin không bàn đến tiền của.
44. Bắc thang lên hỏi ông trăng,

Của chàng cho thiếp nói năng thế nào?


45. Bắp non xao xác trổ cờ,

Người thương đứng đó giả lơ không chào.

- Không chào thì bỏ mà đi,

Chào thì không biết tên chi mà chào!


46. Bắt lấy tay em sao anh không sợ tội

Ngó lên trên đầu còn đội tang cha.


47. Bầu già thì mướp cũng xơ,

Nạ dòng trang điểm gái tơ mất chồng.


48. Bậu đừng tham đó bỏ đăng

Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn!


49. Bậu nói với ta bậu không lang chạ,

Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa?

Bậu đừng phiền não mà hư,

Anh về thưa với mẫu từ anh hay.


50. Bậu coi con sư tử ngồi giữ cái lư đồng,

Dầu bậu chính chuyên cho lắm, không chồng cũng hư!



51. Bây giờ chia rẽ đôi nơi,

Kẻ về người ở như khơi mạch sầu.

Ruột tắm chín khúc quặn đau,

Lòng này có tỏ cho nhau hỡi lòng!

Bước đi một bước một ngừng,

Đường về quan họ xem chừng còn xa.

Vừng ô bóng đã xế tà,

Bởi chưng trời tối cho ra thế này!

Người về thưa bác mẹ thầy,

Rồi ra mở lịch định ngày kết duyên.



Vừng ô: mặt trời (ô: quạ đen, quan niệm trong mặt trời có con quạ đen).
52. Bây giờ đã quyết với anh,

Trương Nghi, Tô Tử dỗ dành chẳng xiêu!



Trương Nghi Tô Tần thời Đông Chu liệt quốc ở Trung Quốc là hai danh nhân có tài thuyết khách.
53. Bây giờ anh bắt tay nàng,

Hỏi sao lá ngọc cành vàng xa nhau.

Xa nhau ta mới xa nhau,

Khi xưa ta vẫn ăn trầu một cơi.


54. Bây giờ tình lại gặp tình,

Khác nào Châu Thị, Lưu Bình gặp nhau.

Những mong kết nghĩa ngàn sau,

Đem lời thề ước những câu vững bền.



Châu Thị: Châu Long, vợ ba Dương Lễ đi nuôi bạn chồng là Lưu Bình đỗ đạt thành danh.
55. Bây giờ trời đã quang mây,

Đem đàn ra gảy xem dây nào bền.

Xem dây nào ấm nào êm,

Xem dây nào bền ta gảy một dây.



Bl: Hình ảnh dây đàn “ấm, êm” khá độc đáo. ấm êm mà lại bền, chơi một dây thôi càng gẩy âm thành càng thắm thiết yêu thương.
56. Bây giờ xâu nặng thuế cao,

Thương anh thì hãy khoan trao ân tình.

Chờ cho đất nước thanh bình,

Phụ mẫu nhà trường thọ, đôi lứa mình kết duyên.



Bl: Hoàn cảnh yêu đương này chắc có thật, thật đáng thương!

57. Bây giờ duyên lại gặp duyên,

Khác nào Tất Chánh, Kiều Liên tương phùng.



Phan Tất Chánh, Trần Kiều liên là hai nhân vật trong truyện nôm Phan Trần. Tương phùng: gặp nhau.
58. Bây giờ mận mới hỏi đào,

Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?

- Mận hỏi thì đào xin thưa:

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Bấy lâu vắng mặt khát khao,

Bây giờ thấy mặt, tính sao hỡi tình?


59. Bây giờ em mới hỏi anh,

Trầu vàng nhá với cau xanh thế nào?

- Cau xanh nhá với trầu vàng,

Tình anh sánh với duyên nàng đẹp đôi!


60. Bấy lâu vắng mặt khát khao,

Bây giờ thấy mặt muốn trao lạng vàng.



BK: Bây giờ thấy mặt bằng trao lạng vàng.
61. Bấy lâu vắng tiếng vắng tăm,

Như đàn vắng nhị như tằm vắng dâu!


62. Bấy lâu em vắng đi đâu?

Bây giờ thiên đã mọc đầu ra chưa?

Từ ngày thiếp vắng mặt chàng

Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi.



Bl: Xa nhau không lấy được nhau, nay gặp lại nhau hỏi han thì người con gái đã có chồng có con. Chữ thiên ( ) trồi đầu thành chữ phu ( ) là chồng và chữ liễu ( ) thêm nét ngang là chữ tử ( ) là con. Hồ Xuân Hương có câu:

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,

Phận liễu sao đà nảy nét ngang.

(Không chồng mà chửa)


63. Bấy lâu đông liễu tây đào,

Gió mùa có ướt chút nào hay không?

- Bấy lâu gió dập mưa vùi,

Liễu xanh con mắt, đào tươi mơ hồng!


64. Bấy lâu liễu bắc đào đông,

Tự nhiên thiên lý tương phùng là đây.

Bây giờ rồng lại gặp mây,

Nhờ tay tạo hoá đó đây xuống trần.



Thiên lý tương phùng: xa nhau ngàn dặm vẫn gặp nhau.
65. Bấy lâu chàng đợi thiếp trông,

Bây giờ chàng hỏi, thiếp nói không sao đành!

Mình nghiêng tai tôi nói nhỏ cho rành:

Theo mình có thác, cũng đành dạ tôi!


66. Bấy lâu sao chẳng nói năng,

Bây giờ năng nói thì trăng xế tà!


67. Bẻ một cành lá cắm đây,

Sang năm thì cứ nẻo này mà sang!


68. Bèo lộn với bùn thì bèo khô bèo héo,

Lựu xa đào thì lựu ngả đào nghiêng.

Vàng trên tay rớt xuống mà em không có phiền,

Vắng anh một bữa mà em đau liền tương tư.


69. Bèo than phận bèo khi trôi khi nổi,

Bí than phận bí ngắt ngọn nấu canh.

Anh than phận anh vợ con chưa có,

Nay chọc người nọ, mai ghẹo người kia,

Mắt nhìn em như súng nhìn bia,

Bao giờ con cá cựu trở về ao sâu?



BK: Bèo than phận bèo ở trên mặt nước,

Bí than phận bí xắt nhỏ nấu canh.

Anh than phận anh vợ con chưa có,

Không ai coi đầu nọ, không ai ngỏ đầu kia,

Anh chờ em như súng chờ bia

Tưởng là cá nọ men đìa,

Hay đâu cá nọ dứt đìa ao sâu!

Bl: Lời ca dao có một hình ảnh rất lạ “Mắt nhìn em như súng nhìn bia” và “Anh chờ em như súng chờ bia”, đem việc nhìn nhau chăm chú như ngắm, như chờ gặp nhau sánh với bia chờ súng, tha thiết về tình cảm, đặc biệt chú ý về nhìn nhau. Cùng một động tác nhìn nhau nhưng hai lời kết của hai lời ca dao khác nhau gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về diễn biến của tình yêu!

70. Bên anh dư đất trồng cau,

Cho em xin miếng trồng trầu một bên.


71. Bên lương bên giáo, bên đạo cũng như bên ta,

Về đây ta kết nghĩa giao hoà,

Phải duyên phải kiếp, áo chúa bà ta mặc chung.

Bl: Một quan niệm tiến bộ về tình yêu lứa đôi không phụ thuộc vào có tôn giáo hay không có tôn giáo (X.thêm A1 - T.208).
72. Bên này sông có trồng bụi sả,

Bên kia sông ông xã trồng một bụi tre,

Ai làm cho bụi tre nó ngả, bụi sả nó sầu,

Phải chi ngoài biển có cầu,

Để cho anh ra đó giải đoạn sầu cho em.
73. Bên ni quàng xiên, bên tê quàng xế, trề trệ bờ hồ,

Năm năm nữ thiếp bỏ nỏ chàng mô

Đừng có sầu riêng trong dạ mà khô gan vàng!

Bl: Đã là tình yêu gắn bó tha thiết thì không gian “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” và ở đây thời gian tính đến năm năm có lẽ cũng không lâu lắm với lời ân tình “đừng có sầu riêng” để “khô gan vàng”!
74. Bên ni sông, ông hương trồng một bụi sả,

Bên tê sông, ông xã trồng một bụi tre,

Cớ sao tre ngã sả sầu,

Để anh sang giải đoạn sầu cho em!

(X.thêm B71)
75. Bên ni giang hà, ngó qua bên tê giang hà,

Có nhà thế gia chức tước, của giàu như nước như non

Ngài đòi bán cháu gả con,

Nhưng anh đây không chịu, anh còn duyên em.


76. Bên sông kia sao bên lở bên bồi,

Bên lở lở mãi bên bồi bồi thêm.

Lạy trời gió lặng sóng êm,

Để anh sang bên ấy, hát đêm với nàng.

Sáng trăng trải chiếu hai hàng,

Bên anh giã đậu, bên nàng quay tơ.



BK: Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

77. Biển sâu cá lội biệt tăm,

Dẫu chờ, dẫu đợi trăm năm cũng chờ.

Sông sâu cá lượn lờ đờ,

Dẫu trông dẫu đợi quyết chờ trăm năm.


78. Biết nhau từ thuở hàn vi,

Dù phải lận đận khi đi khi về.

Nhớ xưa cùng học một nghề,

Cùng thầy cùng bạn chớ hề quên nhau.


79. Biết nhau từ quán chín gian,

Từ cầu chín nhịp, từ đàn chín dây.

Biết nhau đó, bỏ nhau đây,

Như con tơ rối gỡ ngày nào xong?


80. Biết rằng ai có mong ai,

Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này!

Có sao hôm mà chẳng có sao mai,

Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn!


81. Biết nhau từ thuở lọt lòng,

Thương nhau từ thuở mẹ bồng trên tay.


82. Biết nhau từ thuở bện thừng,

Trăm chắp ngàn nối xin đừng quên nhau.

Biết nhau từ bến hàng Cau,

Từ Ô Quan Chưởng sang đầu hàng Ngang.



Ô Quan Chưởng ở giữa phố Hàng Chiếu và phố Ô Quan Chưởng hiện nay là cổng cửa duy nhất còn lại trong 15 cửa ô của Kinh thành Thăng Long cũ. Hàng ngang: phố nổi tiếng hàng Đào và hàng Đường lên chợ Đồng Xuân ở Hà Nội.
83. Biết rằng ai có mong ai,

Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này.

Có sao Hôm mà chẳng có sao Mai,

Hai đàng hai đứa tình phai thế này!



84. Biết rằng đâu đã hơn đâu,

Cầu tre vững nhịp hơn cầu thương gia.

Bắc thang lên hỏi trăng già,

Rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời.

Mong ra được gặp giếng khơi,

Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn.

Chẳng may số phận gian nan,

Lầm than cũng chịu, phàn nàn cùng ai!

Yêu nhau bất luận sắc tài,

Cùng nhau nguyện một cuộc đời trăm năm.



Trăng già: còn gọi là Nguyệt lão (ông già dưới trăng); “ông Tơ, bà Nguyệt”; “chỉ hồng”, “xích thằng” (sợi dây đỏ): theo sách Tục U quái lục: Vi Cố, người đời Đường, đi cầu hôn, vào quán trọ gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng, mở cái túi vải, đang kiểm sổ sách. Vi Cố hỏi, ông già trả lời: “Đây là sổ sách hôn nhân và chiếc túi này dùng đựng những dây đỏ (xích thằng) để buộc chân đôi vợ chồng. Do đó mà có những từ nói trên để chỉ những người làm mai mối trai gái lấy nhau. Có trường hợp trai gái không lấy được nhau cũng oán trách ông Tơ, bà Nguyệt. Về phong tục, khi xưa, lúc cưới vợ có lễ “tơ hồng”, tức là lễ ông Nguyệt lão xe dây “xích thằng” (dây đỏ) cho vợ chồng lấy nhau.
85. Bóng trăng khi khuyết khi tròn,

Của đời chơi mãi có mòn được đâu!



BK: Bóng trăng khi khuyết lại tròn,

Của đời chơi mãi có mòn đặng đâu.


86. Bóng trăng mà lộn bóng tre,

Chàng ơi dừng lại mà nghe em thề:

Vườn đào, vườn lựu, vườn lê,

Ong vô hút nhụy bướm xê ra ngoài.

Chàng về nghĩ lại mà coi,

Tâm tình em ở gương soi nào bằng?


87. Bóng trăng em phụ bóng đèn,

Có chồng em phụ bạn quen không chào!

- Không chào, lại nói không chào,

Chào ra rồi lại làm cao không rờ!


88. Bùn xa bèo, bùn khô bèo héo,

Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng,

Vàng trên đang rơi xuống không phiền

Phiền vì một nỗi nợ duyên cách lìa!


89. Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím,

Em có chồng rồi trả yếm lại anh.

- Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh,

Yếm em đã mặc, sao anh lại đòi?



tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương