HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang1/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24


HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN VIỆT NAM

NGUYỄN NGHĨA DÂN


VĂN HÓA DÂN GIAN

VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

trong

CA DAO NGƯỜI VIỆT
Sưu tầm - Nghiên cứu - Tuyển chọn - Chú thích - Bình luận

HÀ NỘI - 2013

MỤC LỤC


LỜI NÓI ĐẦU 5

QUY ƯỚC TRÌNH BÀY 7

PHẦN THỨ NHẤT
DẪN LUẬN 8


MỞ ĐẦU
PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP SƯU TẦM NGHIÊN CỨU 8

1. Phạm vi sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt 8

2. Phương pháp sưu tầm nghiên cứu ứng dụng trong chuyên luận này 8

CHƯƠNG I
BÀN THÊM VỀ KHÁI NIỆM VĂN HÓA, VĂN HÓA DÂN GIAN, KHÁI NIỆM CA DAO, CA DAO TRỮ TÌNH 10

I. Văn hóa và văn hóa dân gian 10

II. Khái niệm ca dao, dân ca, ca dao trữ tình 12

CHƯƠNG II
VĂN HÓA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN
VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT 16

I. Ảnh hưởng của hoàn cảnh thiên nhiên địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội đối với nền văn hóa nước ta: 16

II. Bản chất của văn hóa dân gian Việt Nam và tác động tích cực, tiêu cực của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng của người Việt 17

III. Biểu hiện của ca dao tình yêu lứa đôi hôn nhân và vợ chồng trên ba mặt sinh lý, tâm lý và tâm linh 18

1. Về mặt sinh lý - tình dục 18

2. Về mặt tâm lý 21

3. Về mặt tâm linh 30

CHƯƠNG III
TÌM HIỂU VĂN HÓA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI
HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT
Ở HAI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ ĐỒNG BẰNG
SÔNG CỬU LONG 33

I. Tính chất thống nhất nhưng đa dạng của văn hóa Việt Nam 33

II. Tìm hiểu sự khác biệt của văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Cửu Long 34

1. Từ khác biệt về địa bàn cư trú đến khác biệt về tính cách con người ở hai vùng văn hóa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long: 34

2. So sánh các biểu hiện về văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao vùng sông Hồng (mở rộng) và ca dao vùng đồng bằng sông Cửu Long (mở rộng)2) 36

3. Về ngôn ngữ của ca dao về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng: 41

4. Đánh giá chung về tính thống nhất nhưng đa dạng, sắc thái địa phương khác nhau của văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Cửu Long 42

CHƯƠNG IV
QUAN HỆ GIỮA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT 44

I. Lòng yêu nước, tình cảm lớn nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam 44

II. Lòng yêu nước của dân tộc ta khi có ngoại xâm được phản ánh trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng 46

CHƯƠNG V
NGÔN NGỮ, KẾT CẤU CỦA CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI,
HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT 50

I. Ngôn ngữ về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt. 50

1. Những đại từ nhân xưng: 50

2. Những động từ về tình yêu lứa đôi: 53

3. Ngôn ngữ miêu tả con người, cảnh vật cây cỏ hoa lá ở nông thôn trong ca dao tình yêu lứa đôi 54

II. Kết cấu của ca dao người Việt về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng 58

1. Về kết cấu “phú - tỉ - hứng” của ca dao: 58

2. Về kết cấu đối đáp trong ca dao tình yêu lứa đôi 62



THAY LỜI KẾT LUẬN
ĐẶC ĐIỂM CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI HÔN NHÂN
VÀ VỢ CHỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT 66


PHỤ LỤC 1
THỐNG KÊ CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI 69


PHỤ LỤC 2
THỐNG KÊ CA DAO ĐỒNG THÁP MƯỜI (NAM BỘ) 71


PHỤ LỤC 3
THỐNG KÊ CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI CÓ LỜI TỪ 2 DÒNG ĐẾN TRÊN 10 DÒNG 72


PHẦN THỨ HAI
CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI - HÔN NHÂN - VỢ CHỒNG 74


TÀI LIỆU THAM KHẢO 356



Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

(Ca dao)
LỜI NÓI ĐẦU


Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam có nền văn hóa dân gian là một bộ phận hữu cơ rất quan trọng và trong nền văn hóa dân gian Việt Nam, văn học dân gian là bộ phận văn hóa phi vật thể, sáng tạo của nhân dân từ ngàn xưa để lại. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống thi ca, do đó thơ dân gian có thể ra đời rất sớm, lời thơ, lời hát xuất hiện cùng với lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp hoặc hội hè, tín ngưỡng…góp vui cùng động viên để bớt mệt nhọc khi lao động, đồng thời giao lưu tình cảm đậm đà tính nhân văn đối với quê hương, đất nước hoặc tình yêu nam nữ, gia đình…

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, thơ dân gian, ca dao, dân ca liên tục phát triển, riêng với thể thơ lục bát, có thể từ thế kỷ XVI đến nay lưu truyền khắp trong nước, lời ca dao kết hợp với làn điệu dân ca ở nhiều vùng miền văn hóa khác nhau của Bắc, Trung, Nam nước ta.

Cho đến nay, việc sưu tầm văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng tuy chưa đầy đủ nhưng đã được rất nhiều, trong đó ca dao tình yêu lứa đôi còn lưu truyền ở địa phương cũng như đã xuất bản chiếm có thể trên dưới 50% số lượng của ca dao nói chung. Cũng đã có một số nhà nghiên cứu, sưu tầm tuyển chọn, xuất bản riêng về ca dao tình yêu lứa đôi nhưng thường là sưu tầm ca dao thuộc nhiều chủ đề trong đó có ca dao trữ tình về tình yêu lứa đôi. Chủ đề này cũng được các nhà nghiên cứu văn học dân gian, các giáo trình đại học, trung học đề cập cân đối với các chủ đề khác của ca dao.

Với mong ước bước đầu tìm hiểu ca dao tình yêu lứa đôi, chúng tôi nghiên cứu chuyên luận này dưới góc độ của văn hóa dân gian trên một số bình diện theo sự hiểu biết có hạn của mình, đồng thời cố gắng tuyển chọn, chú thích, bình luận đề cao cái hay, cái đẹp và phê phán cái xấu, cái lạc hậu góp phần nhỏ bé vào “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đề cao thuần phong mỹ tục của dân tộc ta trong phạm vi của chuyên luận.

Chuyên luận có hai phần chính:

- Phần thứ nhất: Dẫn luận bắt đầu từ khái niệm về văn hóa, văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian, bàn thêm về định nghĩa ca dao, dân ca, ca dao trữ tình để đi vào vấn đề văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi trong ca dao người Việt.

- Phần thứ hai: Sưu tầm, tuyển chọn, chú thích bình luận hơn 1800 lời ca dao trong phạm vi chuyên luận.

Nghiên cứu chuyên luận này chúng tôi được “thừa hưởng” nhiều công trình quý báu từ sưu tầm đến nghiên cứu ca dao tình yêu lứa đôi, trong đó phải “ghi công đầu” cho bộ sách “Kho tàng ca dao người Việt” (2 tập, 3080 trang khổ 16x24cm) do các giáo sư Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật đồng chủ biên. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà sưu tầm và nghiên cứu đã đi trước về ca dao của người Việt, có sai sót gì của riêng chúng tôi trong tiếp nhận ý kiến, nhận định, xin được miễn thứ. Riêng về nội dung chuyên luận này, xin được cảm ơn GS.TS. Nguyễn Xuân Kính đã có một số gợi ý quan trọng về văn hóa dân gian vùng đối với ca dao tình yêu lứa đôi.

Cuối cùng, kính mong được sự góp ý của các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian. Trân trọng cảm ơn.
Mùa thu năm Quý Tỵ (2013)

Tác giả

NGND. Nguyễn Nghĩa Dân

QUY ƯỚC TRÌNH BÀY


Nghĩa của những chữ viết tắt:

BK : Bản khác

Bl : Bình luận

Cd : Ca dao

NXB : Nhà xuất bản

Sđd : Sách đã dẫn

Tn : Tục ngữ

X. : Xem


X.B.84 : Xem lời ca dao vần B số 84 (ví dụ)

PHẦN THỨ NHẤT


DẪN LUẬN

MỞ ĐẦU
PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP SƯU TẦM NGHIÊN CỨU

1. Phạm vi sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt*

Trong chuyên luận này, dưới góc độ văn hóa dân gian, chúng tôi tập trung sưu tầm, nghiên cứu về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trên một số bình diện: Quan hệ giữa hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội với văn hóa dân gian của nước ta đã ảnh hưởng tích cực, tiêu cực được phản ánh trong ca dao của người Việt về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trên phạm vi cả nước, tìm hiểu sự thống nhất và khác biệt của biểu hiện ca dao nói trên ở hai vùng miền văn hóa dân gian điển hình là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; tìm hiểu thêm về ngôn ngữ và kết cấu của ca dao nói trên, cuối cùng rút ra những đặc điểm của ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng của người Việt chủ yếu từ việc nghiên cứu các bình diện trên. Chuyên luận này nghiên cứu ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng từ trước 1945 đồng thời cũng đề cập đến ca dao chủ đề này từ 1945 đến 1975(1).

Tình yêu lứa đôi là con đường để đi đến hôn nhân và vợ chồng. Tất nhiên vợ chồng sẽ sinh con cái và quan tâm đến hôn nhân còn có tác động của gia đình (phía cha mẹ), nói chung cần sự đồng thuận và cũng có khi quyết định nhưng dù sao vẫn là tác động bên ngoài của tình yêu lứa đôi và hôn nhân. Cho nên chuyên luận này không mở rộng đến nội dung toàn diện của gia đình vì quan hệ gia đình còn có các bổn phận, nhiệm vụ của cha mẹ với con cái (và ngược lại) cùng nhiều mối quan hệ khác như quan hệ với ông bà, bà con nội ngoại nhưng không thuộc phạm vi nghiên cứu của chuyên luận này.

2. Phương pháp sưu tầm nghiên cứu ứng dụng trong chuyên luận này

Chúng tôi theo phương pháp truyền thống về nghiên cứu văn học dân gian nói chung cũng như nghiên cứu ca dao nói riêng là trên cơ sở sưu tầm, chọn lọc kết hợp thống kê khảo sát tổng thể hoặc chọn mẫu theo nội dung để quy nạp, nhận xét nội dung và thi pháp của ca dao người Việt về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng(1).

Tư liệu về lời ca dao tình yêu, lứa đôi hôn nhân và vợ chồng được sưu tầm để nghiên cứu khá phong phú với số lượng sơ bộ thống kê từ nhiều công trình lớn nhỏ (đã được xuất bản) cho thấy có đến trên dưới 50% lời ca dao (chưa kể lời dân ca) tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong tổng số ca dao về các chủ đề khác như các quan hệ thiên nhiên, xã hội, nhân văn(2)… Tuy nhiên, ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng vẫn còn không ít trên từng vùng văn hóa dân gian và chắc chắn chưa được sưu tầm đầy đủ. Những ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng của các vùng văn hóa phần nhiều chỉ được sưu tầm có thể còn lẻ tẻ, do đó với tư liệu sưu tầm được, chúng tôi bước đầu nghiên cứu vấn đề này trên hai địa bàn lớn là ca dao vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long để so sánh và nhận xét theo quan điểm lịch sử, quan điểm địa - văn hóa từ sự phát triển kinh tế xã hội của nhân dân ta trải qua lịch sử dựng xây đất nước.

Ngoài phương pháp nghiên cứu nói trên, chuyên luận này có phần thứ hai về sưu tầm, tuyển chọn, chú thích và bình luận. Việc tuyển chọn lời ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng được chú trọng hai mặt nội dung và nghệ thuật với mục đích giới thiệu những lời ca dao làm nổi bật văn hóa dân gian của người Việt nói chung hoặc vùng miền văn hóa dân gian nói riêng. Phần bình luận các lời ca dao có định hướng gắn liền với việc xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết V Trung ương Đảng CSVN, Khóa VIII - 1998) do đó đề cao truyền thống tốt đẹp để phát huy, phát triển đồng thời phê phán những quan niệm, tập tục lạc hậu, tiêu cực cần loại bỏ đã được phản ảnh trong ca dao của người Việt về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng.

CHƯƠNG I


BÀN THÊM VỀ KHÁI NIỆM VĂN HÓA, VĂN HÓA DÂN GIAN, KHÁI NIỆM CA DAO, CA DAO TRỮ TÌNH

I. Văn hóa và văn hóa dân gian

1. Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người là sự bộc lộ và phát triển các “lực lượng bản chất của con người (ý của Mác). Đó là một khái niệm có nội hàm rất rộng, rộng đến nỗi ngoài thế giới thiên nhiên ra, toàn thể những thành tựu của loài người sáng tạo về vật chất và tinh thần đều là văn hóa. Ngay cảnh vật thiên nhiên, nếu có tác động của con người làm cho cảnh vật đẹp hơn, có ích hơn, thì cảnh vật ấy là những nơi có văn hóa. Thuật ngữ “Văn hóa” đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới định nghĩa, nếu tính đến năm 1952, hai nhà dân tộc học Mỹ là Kroi.bơ (A.I.Kroeber) và Kluc-hôn (CL. Kluchohn) đã trích lục được trên dưới ba trăm định nghĩa, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu văn hóa vẫn có tham vọng tìm thêm những định nghĩa mới về văn hóa. Dưới đây, xin nêu một số định nghĩa có tính phổ quát về văn hóa.

- Theo Từ điển triết học của Liên Xô do Rô-den-tan và Lu-din biên soạn (NXB Sự Thật dịch năm 1976) thì “Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử của mình. Văn hóa là một hiện tượng xã hội tiêu biểu cho trình độ đạt được trong giai đoạn lịch sử nhất định”.

- Theo UNESCO, “Văn hóa với ý nghĩa rộng rãi nhất của từ này, đó là một phức thể, tổng thể các đặc trưng diện mạo về tinh thần và vật chất, tri thức và tình cảm khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà cả những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống tín ngưỡng”. Cùng với định nghĩa trên, UNESCO còn định nghĩa về “di sản văn hóa vật thể” “di sản văn hóa phi vật thể” được lưu truyền và biến đổi qua thời gian, được tái tạo của các cộng đồng. Có thể kể đó là âm nhạc, múa, truyền thông, truyền miệng, huyền thoại, tư thế (tư thái), nghi thức, phong tục, tập quán, y dược cổ truyền, nấu ăn và các món ăn, lễ hội, nghề truyền thống… Dĩ nhiên “cái vật thể” và “phi vật thể” có gắn bó với nhau (UNESCO, 1994)(1)

- Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới đã định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa”(1)

- Theo Ngô Đức Thịnh, “hai phạm trù cơ bản của văn hóa là không gian và thời gian. Nhân tố không gian được biểu hiện thành phạm trù thống nhất và đa dạng của văn hóa còn nhân tố thời gian được biểu hiện thành phạm trù truyền thống và biến đổi của văn hóa. Hai phạm trù này được M.J.Herskowitz hiểu như là hai nghịch lý của văn hóa. Theo ông, văn hóa vừa là cái phổ quát thống nhất của toàn nhân loại, vừa là cái riêng, cái đặc thù, cái đa dạng của mỗi tộc người, địa phương. Văn hóa vừa là cái bền vững, trường tồn, vừa là cái biển đổi liên tục. Cũng theo ông sự biến đổi được coi như một phần của sự bền vững. Nói cách khác, chỉ có thể hiểu được tính bền vững khi xác định được tỷ lệ giữa cái biến đổi và cái bảo thủ (M.J.Herskowitz - 1987)”(2)

- Ở phương Đông, theo Từ Hồng Hưng (Trung Quốc) thì từ “văn hóa” do người Nhật dịch từ “Culture” của phương Tây vào thế kỷ XIX sau đó truyền vào Trung Quốc, nhưng từ “văn hóa” vốn đã có từ thời Tây Hán (205 trước Công Nguyên - 25 sau Công Nguyên) và từ xưa “văn hóa” là văn tự, giáo hóa, lễ nhạc, điển chương, chế độ với nghĩa gốc “văn” là '”vẻ đẹp”, “hóa” nghĩa gốc là “thay đổi một cách tự nhiên dạy dỗ, giáo hóa, sửa đổi phong tục”, “sáng tạo”, “biến đổi”(3). Như vậy theo quan niệm phương Đông, văn hóa giáo dục con người hướng tới cái đẹp và trong quá trình phát triển của loài người, con người phải đấu tranh loại bỏ cái xấu có hại cho sự phát triển của con người cũng như của cộng đồng người. Xét về lịch sử xã hội loài người, có thể phân biệt văn hóa nhân loại, văn hóa từng dân tộc và xét về thời gian của văn hóa có văn hóa cổ đại, trung đại, hiện đại và ở từng dân tộc cũng được phân chia như vậy phù hợp với sự phát triển phương thức sản xuất của từng dân tộc. Xét về không gian của văn hóa có văn hóa từng vùng ở các lục địa và trong từng quốc gia cũng có văn hóa vùng có nguồn gốc chung của dân tộc đồng thời có đặc trưng do điều kiện kinh tế, xã hội… tác động đến con người ở từng vùng. Văn hóa của một dân tộc vì thế có bản sắc riêng biệt, mang dấu ấn riêng biệt. Trong quá trình phát triển của lịch sử mỗi dân tộc, văn hóa của dân tộc ấy luôn có sự thay đổi, đào thải cái lạc hậu, phát triển cái tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tiếp nhận văn hóa tiến bộ của nhân loại và dân tộc hóa những giá trị văn hóa nhân loại đó.



2. Văn hóa dân gian, bộ phận quan trọng và đa dạng nhất của nền văn hóa dân tộc bởi lẽ đó là sản phẩm trực tiếp hình thành từ lao động vật chất và tinh thần của nhân dân, biểu hiện phong phú, đa dạng trong văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Trong văn hóa phi vật thể có văn học, nghệ thuật dân gian, một thành tố thiết yếu để cấu tạo văn hóa dân gian nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Có thể khẳng định từ sơ khai của loài người, với lao động, con người sáng tạo công cụ lao động để sản xuất bằng đá, đó là văn hóa vật thể và cùng với ngôn ngữ, lời ca hát xuất hiện, đó là văn hóa phi vật thể. Văn hóa đồ đá và văn hóa ngôn ngữ ca hát tạo nên nguồn gốc, bản chất đầu tiên của văn hóa dân gian của các tộc người trên thế giới, về sau thành văn hóa dân gian của từng dân tộc.

II. Khái niệm ca dao, dân ca, ca dao trữ tình



1. Khái niệm ca dao, dân ca:

Theo nhiều nhà nghiên cứu về ca dao, dân ca như Cao Huy Đình, Minh Hiệu… thì thuật ngữ ca dao không phải bắt nguồn từ truyền thống văn học dân gian mà do các nhà sưu tầm soạn sách về thơ ca dân gian mượn từ sách Hán thi, đồng thời mượn luôn cả cách định nghĩa của họ: “Ca = hát, dao = bài hát không có chương khúc; ca dao là bài hát ngắn lưu hành trong dân gian thường tả tình, phong tục của người bình dân”. Định nghĩa này được Dương Quảng Hàm, biên soạn trong cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”. Lúc biên soạn giáo trình văn học dân gian về ca dao, chúng tôi có phân vân về định nghĩa nêu trên của Dương Quảng Hàm soạn và có nhận xét “Thực ra nhân dân sáng tác ca dao là để hát và có những bài hát có cả chương khúc như làn nhịp đuổi (thí dụ bài “Tay cầm con dao/ Làm sao cho sắc…”) hoặc làn hát cách (thí dụ bài “Làm trai quyết chí tu chân/ Công danh chớ vội nợ nần chớ lo…”) biến thành những bài ca dao và ngược lại nhiều bài ca dao thể lục bát có thể hát theo những làn điệu khác nhau và có thể có nhạc kèm theo(1). Như vậy dân ca được nhân dân sáng tác trong khi lao động (Lỗ Tấn) hoặc trong các lễ nghi tôn giáo, trong giao lưu tình cảm, trong cảm hứng trước cảnh vật… và có từ lâu đời trong nghệ thuật ca múa của nhân dân với ngôn ngữ của dân tộc mình như Cao Huy Đỉnh đã nhận xét: “Dân ca và văn vần truyền miệng của dân tộc Việt Nam đã ra đời rất sớm và ở thời đại đồ đồng, chắc nó đã phồn thịnh và phức tạp, trình độ sáng tác và biểu diễn cũng tương đối cao, nghệ sĩ cũng ra đời với ca công và nhạc cụ tinh tế”(2). Thể thơ lục bát ở nước ta được sử dụng và sáng tác dân ca, ca dao có thể xuất hiện từ thế kỷ XVI nhưng trước đó thơ dân gian với hình thức vãn 3, vãn 4… chắc đã có từ rất xưa. Như vậy, sáng tác thơ dân gian được hình thành cùng với dân ca, sau này gọi là ca dao (như ý kiến của Cao Huy Đĩnh đã nêu) và đại bộ phận xuất hiện dưới thể lục bát. Có thể đồng ý với nhận xét của Đỗ Bình Trị: “Chúng tôi coi ca dao và dân ca chỉ là những thuật ngữ khác nhau chỉ cùng một đối tượng (của văn học dân gian truyền thống) đó là những câu hát dân gian… Coi ca dao là một thể loại là không đúng…”(3).

Vũ Ngọc Phan cho rằng “Ca dao được phổ biến rộng rãi, còn dân ca gắn liền với từng địa phương vì dân ca là sản phẩm của từng địa phương thuộc văn hóa vùng miền khác nhau(1).

Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên cho rằng: “Ca dao là những bài hát thường ngắn, hoặc hai, bốn, sáu, tám câu, âm điệu lưu loát và phong phú… Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời các bài dân ca đã lược bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy…hoặc ngược lại là những câu thơ có thể bẻ thành làn điệu dân ca”.

Qua nghiên cứu các cách hiểu về ca dao đã nêu trên, tóm lại mấy điểm:

+ Ca dao là lời thơ, lời ca dân gian truyền miệng + Ca dao được sáng tác bằng thể thơ có vần từ vãn ba bốn, năm, sáu và định hình ở thể lục bát, song thất lục bát; + Ca dao được sáng tác để ngâm hoặc để hát theo các làn điệu dân ca, do đó ca dao và dân ca tuy hai mà một, tuy một mà hai, khi được hát theo các làn điệu, đó là dân ca, khi tách riêng phần ngôn từ thì đó là ca dao;+ Ca dao và dân ca là tiếng nói tình cảm của quan hệ giữa người với thiên nhiên, xã hội, tâm tình riêng tư của con người, đặc biệt quan hệ giữa người với người, do đó đại bộ phận ca dao là ca dao trữ tình; + Cuối cùng ca dao là một thuật ngữ do các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian mượn thuật ngữ này của Hán thi (Trung Quốc) để nói về thơ ca dân gian Việt Nam.

Từ các cách hiểu như trên, có thể nêu nội hàm của khái niệm ca dao: “Ca dao là thơ ca dân gian truyền miệng của văn học dân gian Việt Nam được nhân dân sáng tác bằng ngôn từ tiếng Việt để ngâm hoặc để hát theo các làn điệu dân ca Việt Nam với nội dung trữ tình về quan hệ giữa con người với thiên nhiên, xã hội, bản thân về quan hệ tình cảm giữa người và người (cá nhân hoặc tập thể) trong sinh hoạt lao động, lễ nghi, tôn giáo, nhất là trong giao lưu đối đáp, đặc biệt trong giao duyên tình yêu lứa đôi nam nữ.



Điều dễ phân biệt giữa dân ca và ca dao là dân ca thể hiện bằng những làn điệu của từng vùng văn hóa, từng địa phương như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, hát giặm, hát phường vải Nghệ Tĩnh, hò mái nhì, mái đẩy Huế, bài chòi Nam Trung Bộ, vọng cổ đồng bằng Nam Bộ… Phần lời của dân ca được tách ra thành ca dao có ngôn từ địa phương về địa danh, về cách xưng hô (nàng, chàng, qua, bậu…) hoặc các từ loại (toóc, rạ; hun, hôn…). Do ngôn từ tách khỏi dân ca để trở thành ca dao sau đó lại đưa truyền miệng từ vùng này sang vùng khác và được chú trọng nội dung nên ca dao được phổ biến rộng rãi chắp nối, thay đổi… Nhiều lời ca dao có ở những vùng khác nhau, một số không ít trở thành ca dao của cả nước nhất là ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng.

2. Ca dao trữ tình,

Về thuật ngữ, ở Tây Phương, có thể từ tên một nhạc cụ là đàn “lia” (tiếng Pháp = lyre) hoặc “lyre” còn có nghĩa là “tài làm thơ” mà có thuật ngữ thơ trữ tình (poemo lyrique hoặc lyrisme)(1). Ở Đông phương, thuật ngữ trữ tình có nghĩa là “chất chứa tình cảm”, theo chúng tôi thuật ngữ này sát nội hàm của “trữ tình” hơn.

Về lý luận, Hê-ghen cho rằng “tác phẩm trữ tình là một trong ba loại hình cơ bản của văn học (tác phẩn tự sự, tác phẩm kịch và tác phẩm trữ tình”, ông nhấn mạnh “cái tôi được đặt lên hàng đầu, là chủ thể phát ngôn và thái độ đối với cái được mô tả”. Có thể hiểu thêm rằng trong tác phẩm trữ tình có sự trùng hợp giữa khách thể và chủ thể theo chủ quan của người sáng tác và nhân vật trung tâm của tác phẩm trữ tình cũng chính là người sáng tác ra tác phẩm trữ tình ấy. Về chủ đề sáng tác, tác phẩm trữ tình thường nói đến các chủ đề vĩnh cửu của con người như sống, chết, hạnh phúc, tình yêu lứa đôi, mơ ước, hy vọng…(2)

Từ các nội dung trên, chúng ta thấy ca dao, dân ca về tình yêu lứa đôi của người Việt rõ ràng là những tác phẩm trữ tình. Vũ Ngọc Phan đã có nhận xét: “Ca dao xưa có tình và có cảnh, cảnh tình gắn bó với nhau mật thiết, cảnh sinh tình và tác giả mượn cảnh để nói lên tình của mình, do đó ca dao xưa có sức truyền cảm mạnh và sống mãi trong nhân dân”(3). Mã Giang cho rằng: “Về cơ bản, ca dao là một thể loại trữ tình của văn học dân gian. Những tác phẩm trong thể loại này dù nói lên quan hệ giữa con người trong lao động, trong sinh hoạt gia đình, xã hội hoặc nói lên kinh nghiệm sống và hành động thì bao giờ cũng là bộc lộ thái độ chủ quan của con người đối với những hiện tượng khách quan chứ không phải miêu tả một cách khách quan những hiện tượng, những vấn đề cho nên ở ca dao cái tôi trữ tình được nổi lên rõ nét”(4). Cao Huy Đĩnh cho rằng: “phong phú nhất, sâu sắc nhất là những mảng ca dao về tình yêu nam nữ. Trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong khi lao động, hội hè đình đám, vui xuân, họ có thể thổ lộ với nhau bằng câu ví, bằng hình thức giao duyên trong những cuộc hát đối đáp nam nữ. Nội dung những câu ca dao này phản ánh được mọi biểu hiện, sắc thái, cung bậc của tình yêu, những tình cảm thắm thiết trong hoàn cảnh may mắn, hạnh phúc với những niềm mơ ước, những nỗi nhớ da diết hoặc cảm xúc nảy sinh trước những tình huống rủi ro, ngang trái, thành bại, khổ đau với những lời than thở oán trách”(1). Tán thành ý kiến của Cao Huy Đĩnh có thể thấy thêm cao dao trữ tình còn có những lời độc thoại, đối thoại không chỉ đối thoại với người tình mà còn đối thoại với trời, đất, với ông Tơ, bà Nguyệt, với tâm linh về tiền duyên, túc trái số phận mang màu sắc tâm linh.

Với các nội dung trên, có thể định nghĩa ca dao trữ tình (hoặc ca dao dân ca trữ tình - phần lời của dân ca) của Việt Nam là thơ dân gian, đại bộ phận là ca dao (dân ca) tình yêu lứa đôi do chủ thể sáng tác cũng chính là nhân vật trữ tình, là nhân vật trung tâm của lời thơ nhằm bộc lộ cái tôi để biểu lộ tình cảm chủ thể trước những khách thể khác nhau theo lăng kính chủ quan của chính bản thân người sáng tác.

Cũng do ca dao trữ tình chủ yếu bộc lộ cái tôi trữ tình của tác giả dân gian nên về mặt nghệ thuật, khách thể nhiều khi được miêu tả bằng hình ảnh, hình tượng tưởng tượng, lãng mạn, hư cấu. Cho nên trong ca dao nói chung, có những lời đơn thuần miêu tả phong cảnh đất nước, ca dao về lịch sử, phong tục, đặc sản địa phương… thì không nên xếp vào ca dao trữ tình.




tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương