HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang16/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24

15. Mấy khi khách đến Chương Đài,

Nhà ngoài quạt gió, sân ngoài đèn trăng.



Chương Đài: Đời Đường, Hàn Hoành lấy cô gái ở phố Chương Đài trong thành Tràng An, tên là Liễu Thị. Do tao loạn Liễu Thị bị giặc cướp mất. Khi giặc bị dẹp Hàn Hoành cho người đem vàng bạc dò tin Liễu Thị kèm bài thơ: “Cây liễu Chương Đài/ Cây liễu Chương Đài/ Ngày trước xanh xanh nay còn không?/ Cho dù cành dài còn buông rủ thì có lẽ cũng đã bẻ vào tay người khác rồi”. Sau khi hai người được đoàn tụ - nói Chương Đài là nói về hai người yêu xa cách.
16. Mấy lâu tình mới gặp tình,

Khác nào Kim Trọng thanh minh gặp Kiều.

Mấy lâu vắng mặt khát khao,

Bây giờ tình nghĩ làm sao hỡi tình!



Bl: Lời ca dao có chữ “tình” được lặp đi lặp lại bốn lần lại được nhân cách hoá, ẩn dụ về đôi trai gái gặp nhau với nhiều băn khoăn.
17. Mẹ cha bú mớm nâng niu,

Tội trời đành chịu không yêu bằng chồng.


18. Mẹ em cấm đoán em chi,

Để em sắm sửa em đi lấy chồng.

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bõ công trang điểm má hồng răng đen.



Răng đen: theo phong tục dân gian truyền thống và cũng theo nghi lễ của gia đình, các cô gái đến tuổi trưởng thành thì nhuộm răng đen (chú ý: không nói sơn răng đen mà nói nhuộm răng đen hoặc nhuộm răng đen hạt huyền).
19. Mẹ em thấy của thì tham,

Hang hùm cứ tưởng hang vàng ép con.

Nói ra thẹn với nước non,

Ngậm vào cay đắng lòng con đêm ngày.


20. Mẹ em tham thúng xôi rền,

Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng đừng,

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.

Bây giờ chồng thấp vợ cao,

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng!



BK: Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng mâm vào.

Cảnh Hưng: Niên hiệu vua Lê Hiến Tông (1716 - 1786), vị vua gần cuối của Hậu Lê (trước Lê Chiêu Tông) - Hiến Tông có con gái là Ngọc Hân gả cho vua Quang Trung.
21. Mẹ em tham gạo tham gà,

Bắt em để bán cho nhà cao sang.

Chồng em thì thấp một gang,

Vắt mũi chưa sạch ra đàng đánh nhau.

Nghĩ mình càng tủi càng đau,

Trách cha trách mẹ tham giàu tham sang!


22. Mẹ mong con đẹp lứa đôi,

Con xin được tỏ đôi lời đục trong:

Lấy nhau lòng hiểu được lòng,

Tình kia mới được đượm nồng dài lâu.

Vì chưng mẹ trót nhận trầu,

Bắt con ngậm miệng cúi đầu vâng theo.

Lấy người chẳng biết, chẳng yêu,

Sống sao cho mãn bóng chiều trăm năm!

Dù nay muốn dứt tơ tằm,

Mẹ thương thì sợ lỗi lầm đã qua!



Bl: Lời ca dao chân thực nhưng quá đau thương “Lấy người chẳng biết chẳng yêu/ Sống sao cho mãn bóng chiều trăm năm”!
23. Mẹ ơi trái bí còn non,

Mẹ cầm dao cắt duyên con sao đành!


24. Mênh mông góc biển chân trời,

Những người thiên hạ nào người tri âm.

Buồn riêng thôi lại tủi thân,

Một duyên hai nợ ba lầm lấy nhau!


25. Miếng trầu ăn nặng bằng chì,

Ăn đi thì hết biết lấy gì trả ơn.



Bl: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, văn hoá giao tiếp của dân tộc ta, riêng trong quan hệ tình yêu lứa đôi, rất nhiều lời ca dao về miếng trầu, có khi miếng trầu “nặng bằng chì” (ơn nặng), có khi “nhẹ như bông” (tình duyên không thành), có khi miếng trầu “ngọt như đường” (ngọt ngào yêu thương)”.
26. Miếng trầu là miếng trầu cay,

Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.

Miếng trầu têm để trên cơi,

Nắp vàng đậy lại đợi người tri âm.

Miếng trầu kèm bức thư cầm,

Chờ cho thấy khách tri âm sẽ chào.

Miếng trầu têm để trên cao,

Chờ cho thấy khách má đào mới cam.

Miếng trầu têm để bên nam,

Mang sang bên bắc mời chàng hôm nay.

Miếng trầu xanh rõ như mây,

Hạt cau đỏ ối như dây tơ hồng.

Miếng trầu như trúc như thông,

Như hoa mới nở như rồng mới thêu!



Bl: Từ lời tục ngữ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, mời trầu với nhau của cuộc gặp gỡ bình thường đã là nét văn hoá giao tiếp đẹp, đặc sắc, đậm đà tính dân tộc của người Việt Nam ta thời xưa đến lời ca dao trên ẩn hiện tình yêu lứa đôi được miêu tả mời trầu vừa tình cảm, lễ phép, có văn hoá, miếng trầu được nhân cách hoá như một nhân vật trung gian cần thiết cho tình yêu lứa đôi. Tiếc rằng phong tục mời trầu giữa đường nay không còn phổ biến rộng rãi nữa!
27. Miếng trầu nỏ đáng bao lăm,

Ăn rồi nhả bã tiếng tăm để đời!


28. Miếng trầu nhả bã quăng đi,

Anh còn tiếc mãi huống chi con người.


29. Miếng trầu ai rọc, ai têm,

Miếng cau ai bổ mà nên vợ chồng.


30. Miếng trầu ai rọc ai têm,

Miếng cau ai bổ mà mềm rứa em?


31. Miếng trầu là miếng trầu xanh,

Có đôi con rối chạy quanh miếng trầu.

Lẽ ra chẳng dám thế đâu,

Xin anh nhận lấy kẻo sầu lòng em.

Chữ nhân duyên trên trời đã định,

Một mình em biết tính làm sao!

Thương sao cho vẹn thì thương,

Kẻo mà thẹn với nước non sau này.


32. Mình em như cây thầu dầu,

Ngoài tươi trong héo nghĩa sầu tương tư.

Đêm qua ba bốn lần mơ,

Chiêm bao thì thấy dậy sờ thì không.


33. Mình nói mình hãy còn son!

Ta đi qua cửa thấy con mình bò.

Con mình những trấu cùng tro,

Ta đi lấy nước tắm cho con mình.



BK: Con mình những đất cùng gio.
34. Mình nói dối ta mình chưa có chồng,

Ta đi qua ngõ mình bồng con ra.

Con mình khéo giống con ta,

Con mình bảy rưỡi con ta ba phần



Bl: Lời ca dao trên và lời ca dao này mở đầu giống nhau (“còn son”, “chưa có chồng”) chẳng qua là cách “con gái nói không là có” mà thôi. Con này là của anh chàng đích thực (có thể là chưa cưới nhưng tình cảm của “cha” nó khá rõ bằng xách nước tắm và nhất là “con ta ba phần”!
35. Mình ơi! mình có nhớ ta,

Ta ra kẻ chợ hoạ ba cái hình.

Phòng khi ta nhớ tới mình,

Thì ta lại giở cái hình ta xem.


36. Mình ơi, ta nhớ thương mình,

Mẹ cha chửi mắng chữ tình nặng thêm.


37. Mình ơi ta hỏi thiệt mình,

Còn thương nhau nữa hay tình muốn thôi.


38. Mình ơi ta hỏi thực mình,

Còn không hay đã chung tình với ai.

Hôm xưa tát nước gàu dai,

Có phải nhân ngãi hay ai tát cùng?


39. Mình rằng mình chỉ lấy ta,

Để ta bán cửa bán nhà ta theo.

Còn một cái cối đâm bèo,

Để ta bán nốt ta theo mình về!


40. Mình lấy nhau chẳng đặng

Bởi bà mai lưỡi vắn ít lời,

Mật đường dù chẳng sánh đôi,

Chút hương rót lại một đời chưa quên!


41. Mình rằng mình chẳng lấy ta,

Ta đi xuống chợ mua gà xem chân.

Một chân xem cửa xem nhà,

Một chân xem lứa bạn ta thế nào.


42. Mình về ai nhớ ta chăng,

Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình.

Ta về ta cũng như mình,

Nhớ yếm mình mặc nhớ tình mình trao!



43. Mình về mình nhớ ta chăng,

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười!

Năm quan mua lấy miệng cười,

Mười quan nào tiếc, tiếc người răng đen.

Răng đen ai nhuộm cho mình,

Cho răng mình đẹp, cho tình anh say.


44. Mình về ta ngóng ta trông,

Ta đi mua đồng về đúc bồ lao.

Bây giờ tình nghĩa làm sao,

Cho chuông chẳng bén bồ lao chẳng bền!


45. Mình về ta chẳng cho về,

Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.

Câu thơ ba chữ rành rành,

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba.

Chữ trung thì để phần cha,

Chữ hiếu phần mẹ đôi ta chữ tình!


46. Mình về sao được mà về,

Mảnh trăng còn đó, lời thề còn đây!


47. Mịt mù khói toả lửa hương,

Không ai tin thấu cho tường dạ em.


48. Mong cho cây cả cành cao,

Em ghé lưng vào cho đỡ hắt mưa.

Ai ngờ cây cả cành thưa,

Ngày nắng hắt nắng ngày mưa dãi dầu!


49. Mong manh phận mỏng như tơ,

Tìm nơi kiếm chốn nương nhờ độ thân.


50. Mong sao anh biến ra tằm,

Em biến ra nống ta nằm chung hơi.

Khi nào cho hiệp hai hơi,

Cho tai nói nhỏ những lời thuỷ chung.


51. Một cây mà trổ hai bông,

Gái nuôi hai chồng xấu lắm ai ơi!



52. Một duyên, hai nợ, ba tình,

Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh.

Nằm một mình lại nghĩ một mình,

Ngọn đèn khêu tỏ bóng huỳnh thấp cao.

Trông ra nào thấy đâu nào,

Bóng mây vơ vẩn, ngôi sao mập mờ

Mong người lòng những ngẩn ngơ.
53. Một chờ, hai đợi, ba trông,

Bốn thương năm nhớ, bảy tám chín mong mười tìm!


54. Một đêm năm bảy trai vào,

Lòng tôi nhân đức chẳng để anh nào ra không!



Bl: Lẳng lơ đến thế là cùng! Gái nhà thổ chăng? Hay “họp chợ trên bụng mấy trăm con người?”. Thật đáng phê phán, loại trừ khỏi một xã hội văn minh.
55. Một mình lo bẩy lo ba,

Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.

Còn duyên kẻ đón người đưa,

Hết duyên đi sớm về trưa một mình.


56. Một mình một liễu với mai,

Một duyên với nợ, không ai dỗ dành.

Trăm cây quyết bẻ một cành,

Trăm nơi cũng muốn cho thành một nơi.


57. Một mình ấm lạnh cho xong,

Hai hơi thêm nực, hai lòng thêm lo!


58. Một mình, mình một bơ thờ,

Dựa cây, cây ngã, dựa bờ bờ xiêu!


59. Một thương em giỏi bán buôn,

Hai thương bới tóc cài gương trên đầu.


60. Trăng lên khuất núi bụi chuối trăng mờ,

Tiếng em ở chợ sao khờ bán buôn?

(Cd Đồng Tháp)
61. Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua!

Năm thương cổ yếm đeo bùa,

Sáu thương nón thúng quai tua dịu dàng.

Bảy thương tiết ở khôn ngoan,

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

Chín thương cô ở một mình,

Mười thương con mắt có tình với ai?



BK: - Năm thương cổ hãy đeo bùa.

- Sáu thương nón Nghệ thao tua dịu dàng.

- Bảy thương ý ở khôn ngoan.

- Tám thương con mắt lại càng thêm xinh

- Chín thương em đứng một mình,

- Mười thương con mắt đưa tình với ai.


62. Một yêu tóc bỏ đuôi gà,

Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên.

Ba yêu má lúm đồng tiền,

Bốn yêu răng lánh hạt huyền kém thua!

Năm yêu cổ yếm đeo bùa,

Sáu yêu nón thúng quai thao dịu dàng.

Bảy yêu tiết ở khôn ngoan,

Tám yêu ăn nói lại càng thêm xinh.

Chín yêu cô ở một mình,

Mười yêu con mắt có tình với anh?



BK: Tất cả lời “thương” (M61) được thay bằng lời “yêu”, “quai tua” thay bằng “quai thao”, “với ai” thay bằng “với anh”.
63. Một yêu anh có xây-cô,

Hai yêu anh có pơ-giô cá vàng.

Ba yêu bằng cấp đàng hoàng,

Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô.

Năm yêu không có bà bô,

Sáu yêu Văn Điển ông bô đã về.

Bảy yêu nhà cửa đề huề,

Tám yêu sớm tối đi về có nhau.

Chín yêu chưa quyết nơi đâu,

Mười yêu anh đã nguyện cầu cùng em. (Cd 1945 - 1975)

“Xây-cô” nhãn hiệu đồng hồ Seiko (Nhật), “Pơ-giô” nhãn hiệu xe máy Peugeot Pháp là hai thứ rất được ưa chuộng ở miền Bắc những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Người giàu mới có hai thứ này. Bl: Lời ca dao có nhiều điều vô đạo đức đáng phê phán!

64. Mở miệng chào chào chung chào chạ,

Vì có người nên phải chào riêng.

Chào rồi thôi lại hỏi liền,

Ham vui tới nhỡi hay băng miền tìm ai?



Nhỡi: chơi (tiếng Nghệ Tĩnh)
65. Mù u ba trái mù u,

Vợ chồng cãi lộn “con cu” giải hòa!


66. Mùa xuân nói với mùa thu,

Đứa khôn nói với đứa ngu cực lòng.

Tưởng rằng bột lọc nấu với nước lạnh trong,

Hay đâu bột lọc nấu với rau rong ngoài đìa.

Chén bịt lại dọn bằng nia,

Độc bình khay cẩn dọn rìa chõng tre.

Tiếc con chim phượng hoàng ở lẫn với le le,

Chiếu bông để tạm ngoài hè khó coi!

Bột sam nấu với măng vòi,

Bún tàu lại nấu với cá mòi nhãi ranh.

Tiếc duyên nàng gặp đến anh,

Gặp chi không xứng thất danh thiên hạ cười!



Chén bịt: chén bịt miệng bằng bạc, Khay cẩn: cẩn xà cừ, Chiếu bông: chiếu hoa. Bl: Bao nhiêu đồ vật, thức ăn “trái khoáy” lại bị kết hợp với nhau để chưng ninh “đứa khôn nói với đứa ngu” để nói lên sự không xứng và tất yếu người con gái phải từ chối để tránh mang tiếng thiên hạ cười!
67. Mùi tục luỵ lưỡi tê cay đắng,

Mười mấy năm ròng lận đận đau thương.

Kim Trọng vẫn nhớ Kiều nương,

Thương cho ai bạc phận rẽ đường ái ân!



Tục luỵ: Những điều kham khổ ở trần thế. Bl: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu “Mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ” (chua, đẳng). Không thể biết Nguyễn Gia Thiều lấy của ca dao hay ngược lại!
68. Mừng nay kéo hội vui thay,

Đem đàn ra gảy một bài nhân duyên.

Xem bài nào ấm nào êm,

Xem bài thề nguyền ta gảy nghe chung.



N
1. Nạ dòng vớ được trai tơ,

Đêm nằm hí hửng như vơ được vàng.


2. Nàng Bân may áo cho chồng,

May ba tháng ròng mới được cái tay.

Lạy trời cho cả gió may,

Cấy xong may nốt đêm nay cho chàng.


3. Nàng ngồi cửa Hữu bán cau,

Muốn xin chút vú sợ đau dạ nàng.



BK: - Nàng ngồi đầu chợ bán cau,

- Muốn xin chút vú sợ đau lòng nàng.


4. Nào ai học được chữ ngờ,

Qua truông em đợi bây giờ phụ em.


5. Nào ai đã lấy ai đâu,

Mà con nhái bén đập đầu ra ghen?


6. Nào khi anh bủng anh beo,

Tay cất chén thuốc tay đèo múi chanh.

Bây giờ anh khoẻ anh lành,

Anh mê duyên mới anh đành phụ tôi.

Thôi thì chết quách cho rồi,

Vong ân bội nghĩa tội trời hãy mang!


7. Nào khi anh dỗ chẳng nghe,

Bây giờ xách nón chèo ghe đi tìm!


8. Nào khi hai đứa mình kê chung một gối,

Bởi vì ai lẻ hội ra ri?

Trách ai quên ngãi bỏ nghì,

Đồng đen chê nhẹ, than chì khen nặng cân?



Bl: Hai trai gái đã thành vợ chồng nhưng rồi lại bỏ nhau, nguyên nhân có thể tại người chồng hay có nguyên nhân từ phía gia đình chồng (?).

9. Nào khi gánh nặng anh chờ,

Qua cầu anh đợi, bây giờ em quên.

Kiếp này đã lỡ làng duyên,

Kiếp sau xin đợi cửu tuyền gặp nhau.


10. Nào khi mô em nói với anh,

Sông cạn mà tình không cạn.

Vàng mòn mà nghĩa không mòn,

Nay chừ nước lại xa non,

Đêm năm canh tơ tưởng, héo hon ruột tằm.
11. Nào khi mô mo ấp lấy bẹ,

Vì bạc tiền thầy mẹ chia rẽ đôi ta,

Nay chừ thiếp một đằng, chàng một ngả, thiếp kêu ca không thấu trời!
12. Nào khi không hẹn mà nên,

Nay chừ chín hẹn sao quên cả mười?


13. Nào khi nghèo khó có ai,

Bây giờ đóng chiếc thuyền sai phụ liền.

Có bạc em phụ tình tiền,

Có nhân ngãi mới em quên anh rồi.

Có oản em phụ tình xôi,

Có cam phụ quýt có người phụ ta.

Có quán phụ tình cây đa,

Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn.


14. Nào khi ngồi cội cây đa,

Người thương có nhớ chăng là người thương?

Đêm đêm ngồi tựa bên giường,

Cơn thức, cơn ngủ, cơn thương dậy ngồi.

Em nhớ ai đêm năm canh thức cả, dậy ngồi

Lước bỏ biếng cài, trầu bỏ không ăn.

Dạ băn khoăn lòng đây nhớ đấy

Biết cơ hội nào mà lấy được nhau?

Từ ngày ta phải duyên nhau,

Kể ra nắng dãi mưa dầu mấy phen!


15. Nào khi ngồi cội cây đa,

Người thương có nhớ chăng là người thương?

Đêm đêm ngồi tựa bên giường,

Cơn thức, cơn ngủ, cơn thương, dậy ngồi!

Em nhớ ai đêm năm canh thức cả dậy ngồi.

Lược bỏ biếng cài, trầu bỏ không ăn,

Dạ băn khoăn lòng đây nhớ đấy,

Biết cơ hội nào mà lấy được nhau?

Từ ngày ta phải duyên nhau,

Kể ra nắng dãi mưa dầu mấy phen!



Bl: Yêu nhau mà không lấy được nhau, thật đau khổ, đặc biệt đối với người con gái. Thao thức năm canh, băn khoăn nhớ nhung được lời ca dao miêu tả cảm động! Từ ngày “ngồi tựa cây đa” tưởng có duyên nhưng rồi duyên không thành “nắng dãi mưa dầm mấy phen” đã “phải duyên nhau” nhưng rồi không thành vì người con trai, đặt câu hỏi cho chúng ta tìm nguyên nhân.
16. Nào khi thứ bảy thứ hai,

Anh đi em tiễn ra ngoài la ga.

Gửi lời thăm hỏi ông bà,

Em ở Hà Nội, anh ra Hải Phòng,

Còn đây một chút bế bồng,

Thức khuya dậy sớm trông mong giữ gìn.

Xa anh lấy đó làm tin,

Cùng là bớt nói ưu phiền chia ly.

Anh đành gạt lệ ra đi,

Thương anh chẳng biết nói gì nữa đâu!



La ga: la gare (tiếng Pháp: nhà ga xe lửa).
17. Nay mai anh lại sang Tây

Anh khuyên lời này giữ lấy cho anh:

Không đi thì sự không lành,

Đi ra mang tiếng rằng anh tham tiền.

Em ở nhà bình yên buôn bán,

Chớ bao giờ chểnh mảng tình nhau,

Anh đi chỉ dặn mấy câu,

Em về cố giữ lấy màu cho xinh.

Nhờ em mọi việc gia đình,

Tứ thân phụ mẫu một mình em lo.

Em đã là con nhà gia giáo,

Ở sao cho hiếu thảo vẹn tuyền.

Anh đi vì lệnh quan trên,

Nhờ trời hai chữ bình yên anh về.

Bây giờ sum họp đề huề,

Nghĩa trăm năm lại mọi bề yên vui.

Đạo vợ chồng giờ xui ra thế,

Anh nói câu này em để trong tai.



Bl: Ca dao về tình yêu rất khó xác định thời điểm, nơi sáng tác, riêng lời ca dao này (N16, N17) cho biết vào thời đại chiến thế giới lần thứ I (1914 - 1918) thực dân Pháp đã dùng “mộ lính” để bắt nhân dân ta sang làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Lời ca dao thể hiện lời dặn dò của người chồng phải xa gia đình, cha mẹ, vợ yêu để đi xa với bao lời thương nhớ có lẽ sâu sắc nhất là lời dặn đầu tiên: “Em về cố giữ lấy màu cho xinh” và những lời tình nghĩa vợ chồng khi phải xa nhau do chiến tranh!
18. Năm canh nằm nghe con dế thốt,

Sáu khắc ngồi tính đốt ngón tay,

Vì đâu trắc trở thế này,

Duyên trăm năm nỡ bỏ, nghĩa một ngày lại theo!


19. Năm ngoái em trắng như vôi,

Năm nay đen tựa như nồi là sao?

- Người em đen vì than vì nắng,

Nhưng bụng em trắng vì uống nước giếng trong.

Anh ơi muốn chọn má hồng,

Chớ nề than bụi mà lòng đơn sai!



Bl: Phải chăng đây là lời ca dao của một cô gái vùng mỏ (“vì than, vì nắng”)?
20. Nắm tay em lại hỏi tay,

Anh yêu vì nết anh say vì tình.

Càng nhìn càng thắm càng xinh,

Bóng trăng là đấy hữu tình là đây.

Biết nhau đã bấy nhiêu ngày,

Càng đắm càng thắm càng say càng nồng.


21. Nắm tóc ngôi, tóc ngôi dài,

Nắm tóc mai, tóc mai cụt,

Cầu trời, khấn bụt cho tóc mai dài,

Bao giờ tóc chấm ngang vai,

Thì ta kết nghĩa làm hai vợ chồng.
22. Nắng lên cho héo lá lang,

Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy tình xưa.

Nắng lên cho héo ngàn dưa,

Đánh cho chàng chừa cái thói đổi thay.

Nắng lên cho héo cỏ may,

Tôi rủa cả ngày kẻ chẳng thuỷ chung.


23. Nắng mưa là bệnh của trời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng,


24. Nâng niu cho đáng nâng niu,

Cho đáng sức chiều kẻo uổng công anh.

Bao giờ cho sóng bỏ gành,

Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng.


25. Nếp ngâm mà đậu chưa chà,

Lòng em nói rứa, còn mẹ già nói sao?

- Nếp ngâm thì đậu cũng xay,

Lòng em nói rứa, mẹ thầy cũng ưng.


26. Nếu anh là một con thuyền,

Thì em là gái dáng chuyên đưa đò.

Nếu anh là một cánh diều,

Thì em là gió lựa chiều bay cao.


27. Ngày đêm đốt ngọn lửa phiền,

Hột châu lã chã, khóc duyên phận mình!



Hột châu: nước mắt (cách nói hình ảnh)
28. Ngày ngày em đứng em trông,

Trông non non ngất, trông sông sông dài.

Trông mây mây kéo ngang trời,

Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa.


29. Ngày ngày ra đứng bờ ao,

Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.

Trông người, người vẫn làm ngơ,

Trông sao sao mờ, em biết trông ai?

Răng đen còn có khi phai,

Má hồng khi nhạt tóc dài khi thưa.

Ở đây lấy đấy đương vừa,

Người còn kén chọn hay lừa nơi nao?



30. Ngày ngày ra đứng cổng làng,

Đồng quang quãng vắng có chàng có tôi.

Bây giờ đường cái phân đôi,

Tay gạt nước mắt chàng ơi thiếp về!


31. Ngày sầu tơ đêm lại sầu tình,

Anh trách ai gièm siễm, đôi lứa mình lôi thôi!


32. Ngày xem núi, núi cao xanh ngắt,

Đêm xem trăng, trăng tắt sao mờ,

Một mình em chừ lòng dạ ngẩn ngơ,

Đêm năm canh giường không gối lanh, biết có chờ đặng không?


33. Ngày xưa cưới vợ bằng tiền,

Ngày nay cưới vợ bằng duyên chiến trường. (Cd 1945-1975).


34. Ngày xưa em ở với thầy mẹ, em bận cái ướm mang rồng,

Nay chừ em ra lấy chồng, em bận cái áo rách toạc đằng trước rách toạc đàng sau.

Ơi anh ơi! Mua cho em ba thước vải tàu,

Em may em bận kẻo thiên hạ nói với nhau họ cười.

- Em ơi em! Có cơm thì nhờ cơm, không có cơm thì nhờ cháo,

Không có áo Tàu đành bận áo ta,

Buổi nghiêng nghèo đói khổ chớ có xa hoa bạn cười!

Ướm: cái yếm - Bận: mặc áo quần (tiếng miền Nam).
35. Ngày xưa ngọc ở trong tay,

Vì ta hờ hững ngọc sa tay người.

Ớ người được ngọc đừng cười,

Bỏ mất người ngọc, ta chơi người vàng!


36. Ngắt bông sen còn vương tơ óng,

Cắt dây tình, nào có dao đâu!


37. Nghe tin anh có vợ rồi,

Như ai giội đọi nước sôi trong lòng.



Đọi: bát, chén.
38. Nghe tin anh hay hát hay hò,

Đố anh đếm được cổ cò mấy lông.

- Em về đếm cá dưới sông,

Anh đây sẽ đếm được lông cổ cò!



39. Nghe tin anh buôn bán tài tình,

Đố anh đếm được con cá kình mấy xương?

- Em về đếm mạ giữa nương,

Thì đây anh đếm được mấy xương con cá kình.


40. Nghe tin anh học kinh Thi,

Ba ngang ba sổ chữ chi rứa chàng?

- Anh đây học sách thánh hiền,

Ba ngang ba sổ chữ điền em ơi!



Chữ điền: (là ruộng).
41. Nghĩ con cá lí ngư nó cũng không như thân thiếp,

Chờ cho mãn kiếp tu được hoá rồng,

Thôi anh đừng mong vợ mong chồng,

Để cho em xa lánh bụi hồng gió trăng.



BK: - Nghĩ con cá lí ngư cũng như thân thiếp

- Để em xa lánh bụi hồng gió trăng.



Lí ngư: cá chép, cá gáy.
42. Nghĩ rằng đá nát thì thôi,

Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

Chăn đơn gối chiếc lạnh lùng,

Nửa thì mình đắp nửa chung nhân tình.


43. Nghĩ mình sang trọng nỗi gì,

Nước đâu mà rửa cái Lục Xì ngày xưa!



Lục Xì: tên một bệnh viện chữa các bệnh cho gái mại dâm dưới thời thuộc Pháp ở Hà Nội. Bl: Một cô gái mại dâm, nay tự sám hối thật đáng thương còn xã hội với tệ nạn mại dâm đáng phê phán và loại trừ.
44. Nghĩa nhân, nhân nghĩa tận tình,

Dẫu ai ngăn gián tôi cứ mình tôi thương.

Dẫu mà cha mẹ không thương,

Chiều theo ngọn gió tôi cũng thương theo mình!


45. - Nghĩa nhơn nay giận mai hờn,

Lòng em ở thẳng như đờn lên dây.



BK: Nghĩa nhân nay giận mai hờn,

Lòng anh ở thẳng như đờn lên dây.



46. Nghĩa nhân như cánh chuồn chuồn,

Khi vui nó đậu khi buồn nó bay.

Đường dài ngựa chạy cát bay,

Nghĩa nhân thăm thẳm mỗi ngày một xa!


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương