HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang17/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24

47. Ngó lên trời trời trong lại trắng,

Ngó xuống nước nước trắng lại trong.

Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,

Tới đây trời xui đất khiến, chữ bá tòng anh mới gặp em!



Lục tỉnh: Xưa gồm 6 tỉnh ở Nam Bộ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Bá tòng: cây bách, cây tùng, xanh tốt quanh năm, chịu rét.
48. Ngó lên cầu Trường Tiền, cầu Trường Tiền sáu vầy mười hai nhịp,

Ngó lên tháp Thiên Mụ, tháp Thiên Mụ bảy tầng

Anh xa em hay trọng phú khinh bần,

Mấy câu lương duyên em còn ghi tạc, chín mười phần đợi anh.



Cầu Trường Tiền, tháp Thiên Mụ ở Thừa Thiên Huế.
49. Ngó lên trời không cao không thấp,

Ngó xuống biển không cạn, không sâu.

Tôi dạo chơi mười tám nước chư hầu,

Không nghe ai than thở thảm sầu hơn anh.



Nước chư hầu: miền đất của các quý tộc được hoàng đế trung ương phân phong cho để trị vì. Bl: Tưởng tượng của người con gái thật đáng chú ý về sự than thở “thảm sầu” của chàng trai mà mình đang yêu…
50. Ngó xuống dưới sông, nước có khi trong khi đục,

Ngó lên trên trời, mây có đám trắng đám xanh,

Lời thề úa lá lọi ngành,

Đây chưa bỏ đó, đó đã dứt tình bỏ đây!


51. Ngọc ẩn trong đá sao gọi ngọc lành,

Em không lai vãng, sợ không thành ngãi nhân.


52. Ngọc lành còn đợi giá cao,

Cho người quân tử em trao ngọc lành.


53. Ngọn giền tía ngọn dâu cũng tía,

Ngọn rau lang giâm ngọn mía cũng giâm.

Thấy em tốt mã anh lầm,

Bây giờ so lại, giận bầm lá gan!



54. Ngọn đèn thương ai mà ngọn đèn không tắt,

Nước mắt thương ai mà nước mắt lâm li,

Khăn điều đây ớ bạn lấy lau đi kẻo buồn!
55. Ngọn gió đâu ngang nên chàng xa thiếp,

Duyên nợ tự trời ai quyết xa ai?


56. Ngọn rau lang ngọn ngắn ngọn dài,

Cải tần ô cọng dọc cọng ngang.

Trái dưa gang sọc đen sọc trắng,

Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh.

Chim quyên uốn lưỡi trên cành,

Vì em ở bạc, trời đành rẽ đôi.



Cải tần ô: cải cúc.
57. Ngọn gió phất phơ, ngọn cờ phơ phất,

Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.

Anh tới đây khôn đứng lỡ ngồi,

Băn khoăn trong dạ, bồi hồi từng cơn.

Trách ai giọng quyển giọng đờn,

Làm cho xa cách đã hơn mấy chiều.

Tội tâm tình lắm đó người yêu,

Người yêu nên nghĩ lại, đã mấy chiều anh không ăn!

Hồi nào em nỉ nỉ năn năn,

Anh bỏ công bỏ việc quên khăn vì nàng.

Sao giờ em cắt gánh giữa đàng,

Làm cho hai ngả ngỡ ngàng lương duyên.

Khuyên em giữ trọn lời nguyền,

Trước sao sau vậy đừng để phiền cho anh!


58. Ngọn sông Đào vừa trong vừa chảy,

Anh đi kén vợ mười bảy năm nay,

Tình cờ bắt gặp nàng đây,

Như cá gặp nước như mây gặp rồng.

Mây gặp rồng phát phong phát vũ,

Cá gặp nước con ngược con xuôi.

Chồng Nam vợ Bắc em ơi,

Sao em chẳng lấy một người như anh.



Bắc: tức tỉnh Bắc Ninh - Nam: tức tỉnh Đồng Nai

X.thêm: “Nồi đồng lại úp vung đồng,



Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai”

Ngồi buồn vuốt bụng thở dài,

Vuốt bụng thì ít, nhớ trai thì nhiều”
59. Ngồi buồn lấy thước ra đo,

So từ núi Sầm, núi So, núi Thầy.

Lên trời đo gió đo mây,

Xuống sông đo nước về đây đo người.

Đo người mười tám đôi mươi,

Đo được một người vừa đẹp vừa xinh.


60. Ngồi mà dựa cột nhà vàng,

Mình vàng vàng võ nhớ chàng kim âu.

- Ngồi nhà dựa bóng đèn xanh,

Mắt xanh xanh biếc, nhớ nhành thanh xuân.



Bl: Phải chăng lời ca dao này là đối đáp giữa người con gái (có thể là cung nữ) với người con trai là tình nhân của mình (chú ý các từ vàng, kim, xanh, thanh).
61. Ngỡ rằng cây cả bóng cao,

Thiếp lăn mình vào ẩn nắng che mưa.

Ai ngờ cây cả lá thưa,

Ẩn nắng nắng hắt, ẩn mưa mưa vào.

(X. N.63)
62. Ngỡ là cây dứa không gai,

Chả hay cây dứa lại dài hơn chông.

Anh nghĩ em chưa có chồng,

Anh đi qua cửa em bồng con ra.

Đứa con da trắng như ngà,

Bố mẹ chẳng giống, hoá ra giống mình!


62. Ngỡ rằng cây cả bóng cao,

Em lăn mình vào trú nắng cùng mưa.

Nào ngờ cây cả bóng thưa,

Trời nắng rát mặt, trời mưa ướt đầu!



BK: Ai ngờ cây cả lá thưa,

Ẩn nắng nắng hắt, ẩn mưa ướt đầu.

(X. N.61)

64. Ngồi tựa mạn thuyền,

Trăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh!

Sơn thuỷ hữu tình,

Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang.

Tay em dạo năm cung đàn,

Đàn kêu non nỉ tiếng trầm thiết tha

Nguyệt lặn bóng ông trăng già,

Em sợ hoa già, hoa chẳng thơm lâu!

Xe chỉ trên lầu,

Quan họ ngồi đấy, dạ em sầu đắng cay!



Bl: Rất nhiều lời hát quan họ được xem như ca dao, được hát giao duyên kết hợp lời thơ văn phù hợp với nhạc (văn bốn với lục bát…). Dù biết rằng không được quan hệ tình yêu trong giao duyên quan họ, nhưng ai cấm được tình cảm lứa đôi trong quan họ như lời cuối của ca dao - quan họ trên đây (và nhiều lời ca dao quan họ khác).
65. Ngủ đi con ngủ cho say,

Mẹ còn tay súng tay cày giương cao.

Đổ mồ hôi, đổ máu đào,

Giữ quê biển rộng trời cao trong lành.

Giữ nhà máy, giữ đồng xanh,

Chặn tay giặc Mỹ đang rình hại ta.

Cha đi cứu nước cứu nhà,

Mẹ “ba đảm nhiệm” thay cha mọi bề. (Cd 1945-1975)


66. Ngủ mười đêm đêm nào cũng nhớ,

Ăn mười bữa, mười bữa quên nhai!

Sầu tương tư ruột ngắn tình dài,

Trách ông Tơ, bà Nguyệt xe chỉ một lát một ngày rồi bắt xa nhau!



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B.84.
67. Nguyệt còn khi tỏ khi lu,

Mấy hôm thổn thức ưu tư,

Gần nhau một thuở hơn tu mười đời!
68. Ngựa ô anh thắng kiệu vàng,

Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh.


69. Người ta tuổi tí tuổi mùi,

Còn em thì chịu ngùi ngùi tuổi thân.



70. Người đâu mà lại lạ đời,

Con gái Hà Nội lấy người bên Tây.

Tây đâu có ở đất này,

Nó về nước nó, khốn thay thân già!



71. Người như mảnh gỗ xoan đào,

Em như câu đối dán vào được chăng?



Bl: Lời ca dao tế nhị mà sâu sắc về tình cảm trai gái, vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian.
72. Người như cây cảnh trên chùa,

Tôi như chim nhạn đổ nhờ nên chăng?

Ngày xưa tôi dặn người rằng:

Đâu hơn người lấy, đâu bằng đợi tôi.


73. Người ta giàu đầu heo nọng thịt,

Hai đứa mình nghèo cặp vịt đôi bông,

Phụ mẫu nghèo cũng đủ nghi, đủ lễ chứ có theo không mà anh buồn!
74. Người ta thích lấy nhiều chồng,

Tôi chỉ thích lấy một ông thật bền.

Thật bền như tượng đồng đen,

Trăm năm quyết với cùng em một lòng.


75. Người tai mắt đứng trong trời đất,

Đều một lòng ăn thật nói ngay.

Duyên trăm năm chẳng phải một ngày,

Em đà lựa chén trao tay ăn thề.



Bl: Trong “Nhị thập tứ hiếu” (Lý Văn Phúc): “Người tai mắt đúng trong trời đất/ Ai là không bác mẹ sinh thành”. Lời ca dao trên có sau hay có trước “Nhị thập tứ hiếu”?
76. Người ta bắt chạch đàng đầu,

Mẹ em tham giàu bắt chạch đàng đuôi!


77. Người ta trắng nõn trắng nà,

Mình đen thui thủi như là củi thui.

Trách bà mụ khéo trêu ngươi,

Nặn người thế ấy nặn tôi thế này!


78. Người thác thì đã yên rồi,

Để cho người sống ở đời bơ vơ.

Ba năm nhang nhảng phụng thờ,

Đầu đội chữ hiếu tay quơ chữ tình.

Hiếu trung thiếp gánh một mình,

Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp chăng?

Đường đi khuất nẻo muôn trùng,

Biết bao giờ lại vui chung cùng chàng?


79. Người tiên lại đọ với tiên,

Những người quý quyền lại đọ với nhau.



Bl: Lời ca dao này chung cho xã hội, còn trong tình yêu và hôn nhân, đó là “môn đăng hộ đối” và trong xã hội còn giai cấp thì “uy quyền” của “môn đăng hộ đối” thường đè bẹp tình yêu chân thực của đôi trai gái, tạo nên nhiều bi kịch đáng thương.
80. Người về em vẫn khóc thầm,

Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa.

Người về em vẫn trông theo,

Trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi.

Người về em dặn tái hồi,

Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai.


81. Người xấu duyên lặn vào trong,

Bao nhiêu người đẹp duyên hong ra ngoà!



Bl: Duyên của người con gái (của phụ nữ Việt Nam nói chung) từ duyên tình yêu lứa đôi đến duyên vợ chồng xét về văn hoá gồm cả hai mặt hình thức bên ngoài và nội dung nhân cách, đạo đức. Dân tộc ta coi trọng cái duyên nhân cách, đạo đức và thường nhắc cho con cái khi tìm hiểu người yêu. Tục ngữ người Việt: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “xấu mã tốt duyên”, “xấu mã có duyên thầm” góp ý giải thích lời ca dao trên.
82. Người xinh cái bóng cũng xinh,

Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.



Bl: Cái tỉnh tình tinh: nhiều nghĩa quá, thật dí dỏm!
83. Người yêu anh để trên cơi,

Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ.

Đêm qua ba bốn lần mơ,

Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không!


84. Nhãn lồng trong bọc ngoài bao,

Chim còn ăn đặng huống đào bỏ rơi.



85. Nhà ai chồng quỷ, vợ ma,

Hễ ông ăn chả thì bà ăn nem.

Đói cơm khát nước tèm lem,

No cơm ấm áo lại thèm nọ kia.


86. Nhà anh phúc lộc đời đời,

Cha mẹ sinh hạ được mười con trai.

Cũng đều có đức có tài,

Ai ai cũng xứng một đời tài hoa,

Anh Cả thì đỗ thám hoa,

Anh Hai tiến sĩ, anh Ba tú tài.

Anh Tư làm quan tỉnh Đoài,

Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong.

Anh Sáu tổng đốc xứ Đông,

Anh Bảy án sát ở trong Ninh Bình.

Anh Tám tuần phủ Bắc Ninh,

Anh Chín tri phủ Quảng Bình xa xa.

Anh là em út trong nhà,

Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng.

Vậy nên anh quyết thư sang,

Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi!


87. Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng.

Cậy em coi sóc trăm đường,

Để anh buôn bán bốn phương tung hoành.

Mẹ già nuôi đỡ giúp anh,

Để anh yên trí khởi hành đường xa.

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười.

Dù no dù đói cho tươi,

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.

Cho anh yên dạ bán buôn,

Có tiền trang trải mọi đường cho em.


88. Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng.

Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường,

Nhà xiêu mái dột, nàng thương chăng là.

Yêu nhau chẳng quản cửa nhà,

Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo.

Yêu nhau chẳng quản giàu nghèo,

Không bùa không thuốc mà theo mới là!


89. Nhà giầu ngồi mát bát vàng,

Nàng tham chốn ấy anh sang làm gì.

Xưa kia nói nói thề thề,

Cá trê chui ống lọt vào giếng khơi.

Mới hay lấy vợ trên đời,

Không tiền, không của tối trời nằm không.

Em đã nên vợ nên chồng,

Con bế con bồng, nghĩ lỗi duyên xưa.

Có mây mà chẳng có mưa,

Sao xưa em nỏ đong đưa với tình?

Mới hay duyên nợ ba sinh,

Cái giàu cướp mất cái tình đôi ta.

Anh chẳng trách mẹ trách cha,

Trách đời chênh lệch hoá ra thế này!


90. Nhác trông nhà ngói năm gian,

Thấy chàng lịch sự khôn ngoan có tài.

Cho nên em chẳng lấy ai,

Em quyết chờ đợi một vài ba đông.

Yêu anh em chẳng lấy chồng,

Em dốc một lòng chờ đợi lấy anh!


91. Nhác trông con mắt đáng trăm,

Miệng cười đáng chục, hàm răng đáng nghìn.

Nhác trông con mắt ưa nhìn,

Đáng trăm cũng chọn, đáng nghìn cũng mua!


92. Nhất đẹp là gái sông Cầu,

Khéo ăn, khéo nói, khéo hầu mẹ cha.



Sông Cầu: thuộc tỉnh Bắc Ninh.
93. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề,

Thăm em một chút anh trở lộn về,

Kẻo mà con trăng kia nó lặn, tứ bề núi non.

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề: Một ngày chẳng thấy trông bằng ba thu.

94. Nhất vui là cuộc hôm nay,

Vui là vui vậy sao tày đủ đôi.

Hỡi người ngồi hát đấy ơi,

Làm chi bứt rứt bồi hồi lòng nhau.

Ví dù kết ngãi Trần Châu,

Bắc Nam đâu đã có đôi người này.

Hỡi người ngồi hát bên này,

Răng đen nhay nháy tựa màu hạt na.

Ví dù hoa, hỡi là hoa,

Mùa xuân không nở nở vào mùa đương,

Con nhện vàng mắc phải tơ vương.

Châu Trần (Trần Châu) tên một thôn (nay thuộc huyện Phong tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) chỉ có hai họ Châu Trần đời đời thông gia với nhau. Thơ Bạch Cư Dị có câu: “Từ Châu cổ phong huyện/ Nhất thôn lưỡng duy tính/ Thế thế vị hôn nhân” (Huyện Phong xưa ở đất Từ Châu/ Có một thôn gọi Châu Trần/ Một thôn chỉ có hai họ/ Đời đời thông gia với nhau). Trong văn học cổ, Châu Trần nói về kết hôn xứng đôi, đẹp lứa. Mùa đương: mùa đông.
95. Nhìn anh luỵ đã đôi hàng,

Tàu lui ốc thổi, thiếp chàng rẽ phân.



Ốc thổi: còi tàu thổi hiệu xuất phát. Lời ca dao nói về cảnh vợ đưa chồng đi lính cho Pháp trong chiến tranh 1914 - 1918.
96. Nhìn chàng bủn rủn gan vàng,

Tây phương tàu biệt dặm đoạn tràng phân li!



Tây phương: Chỉ nước Pháp. X. chú thích N.95.
97. Nhìn lên thấy một cành hoa,

Thấy cành tim tím hương bay ngạt ngào.

Lòng riêng anh những muốn vào,

Cửa buồng khoá chặt mở sao hở nàng.

Then bằng sắt, khoá bằng vàng,

Lòng anh muốn ngỏ thì nàng nghĩ sao?


98. Nhìn nhau lệ ứa thấm bâu,

Nỗi thương chưa xiết, nỗi sầu lại vương.

Nghĩ thôi đã giận lại thương,

Trách cho dạ đó không tường lòng đây!


99. Nhìn lên trời thấy đám mây cuồn cuộn,

Nhìn xuống ruộng thấy lúa chín đầy đồng.

Trai anh hỏi thiệt gái có chồng hay chưa?

- Gái em có chồng là giải phóng quân,

Đánh tan giặc Mỹ giữ xóm làng yên vui. (Cd 1945-1975)
100. Nhịp nhàng giả dó nhặt thưa,

Đèn le lói sáng lòng ngơ ngẩn buồn.

Nhớ ai mê mẩn tâm hồn,

Thương ai mong đợi mỏi mòn tháng năm.


101. Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

Như đứng đống lửa như ngồi đống than!



BK: Nhớ ai lòng những bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than!


102. Nhớ ai em những khóc thầm,

Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?



Bl: Mấy lời ca dao trên và dưới đây nói về nhớ nhung giữa đôi trai gái đã yêu nhau. Đây là những lời ca dao có nội dung khái quát biểu hiện trong ngôn từ hay nhất.
103. Nhớ ai con mắt lim dim,

Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

Nhớ ai hết đứng lại ngồi,

Ngày đêm tơ tưởng đến người tình nhân!

Nhớ ai em những khóc thầm,

Hai hàng nước mắt ướt đầm như mưa.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?


104. Nhớ ai ra đứng đầu cầu,

Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.

Sập hoa bỏ vắng không ngồi,

Phòng loan bỏ vắng cho người quay tơ.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười.

Năm canh sáu khắc chàng ơi,

Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui nửa lòng.



105. Nhớ ai nhớ mãi thế này,

Nhớ ai, ai nhớ đêm ngày nhớ ai?

Nhớ ai, ai có nhớ ai?

Nhớ da nhớ diết, biết có ai nhớ mình!


106. Nhớ khi rửa bát cầu ao,

Ta cầm nắm đũa ta trao cho mình.

Nhớ khi ngồi quán ngồi đình,

Ngồi phố ngồi huyện có mình có ta.

Nhớ khi ngồi gốc cây đa,

Vặt nắm cỏ gà thề nguyện chỉ thiên,

Nhớ khi chiếc đũa đồng tiền,

Bỏ tam, bỏ tứ kết nguyền cùng nhau.

Nhớ khi mình trước ta sau,

Có một miếng trầu cũng xẻ làm hai.

Bây giờ mình đã nghe ai,

Đi qua ghé nón chạm vai không chào.

Hay là vô ý không chào,

Hay là mình có nơi nào mình quên?


107. Nhớ lại hẹn hò bên đò Cửa Việt

Đã mấy thu rồi thắm thiết lòng anh.

Hẹn dù sóng gió gập ghềnh,

Sắt son giữ vững chữ tình đôi ta. (Cd 1945-1975)



Cửa Việt: thuộc tỉnh Quảng Trị, bên trong Cửa Tùng - Sông Bến Hải chảy ra cửa Tùng (ngang giới tuyến 170 vĩ bắc).
108. Nhớ ai gửi bức thư sang,

Thấy con rồng bạch nằm ngang giữa trời.

Gửi thư mà chẳng đến nơi,

Sự tình có thế mà rời nhau ra?

Công em gắn bó ba thu,

Nói cùng thầy mẹ cậu cô đã rành.

Bây giờ phận rẽ duyên anh,

Em đành kiếm chốn gieo mình cho yên!


109. Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,

Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây.

Mấy khi rồng gặp mây đây,

Để rồng than thở với mây vài lời.

Nữa mai rồng ngược mây xuôi,

Biết bao giờ lại nói lời rồng mây?


110. Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi,

Nhớ lời chàng nói, nhớ nơi chàng về.

Nhớ khi chỉ núi, giao thề,

Nhớ từ trú quán, nhớ về quê hương.

Đêm nằm những nhớ cùng thương,

Nói sao cho hết mọi đường ái ân!


111. Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Sông dù có cạn nhưng tình không phai.



Ba sinh: theo Phật giáo ba sinh là kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Duyên nợ ba sinh nói về số phận (trong đó có tình yêu) của một con người.
112. Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Xa xôi ai có biết tình chăng ai?

Khi về nhắn liễu Chương Đài,

Cành xuân đã bẻ cho ai một cành,

Có yêu anh thì bẻ quách cho anh!

Chương đà: X.M15.

Bl: Lời ca dao vận từ Truyện Kiều hay Nguyễn Du vận từ ca dao đưa vào Truyện Kiều. Chỉ có thể kết luận tác động qua lại chứ khó xác định ca dao có trước hay Truyện Kiều có trước lời này.
113. Nhớ tới ai phiền tâm quẩn trí,

Suốt canh tàn rơi luỵ tàn canh.

Bởi vì ai duyên nợ chưa thành,

Đêm năm canh sầu tư dọi nợ, ngày sáu khắc sầu tình dọi duyên.



Dọi: nổi lên, tăng lên.
114. Những là lên miếu xuống nghè,

Để tôi đánh trúc đánh tre về trồng.

Tưởng rằng nên đạo vợ chồng,

Nào ngờ nói thế mà không có gì!



Nghè: chùa nhỏ, nghè cũng còn có nghĩa là miếu.
115. Những lời mình nói với ta,

Sông sâu hoá cạn đường xa hoá gần.

Ai ngờ ra dạ lần khân,

Sông cạn lại thẳm, đường gần lại xa!



116. Những người da trắng tóc thưa,

Đẹp thì có đẹp không ưa việc làm.

Những người cẳng sếu cẳng giang,

Một mình nó đấu cả làng trai tơ.

Những người phình phính mặt mo,

Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng.

Những người lanh lảnh tiếng đồng,

Chồng bỏ mất chồng, con bỏ mất con.

Những người ti hí mắt lươn,

Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

Những người mặt nạc đôm dày,

Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn.

Những người mắt trắng môi thâm,

Trai thì trộm cướp, gái dâm chồng người.


117. Những người thắt đáy lưng ong,

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Những người béo trục béo tròn,

Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.

Những người thành thật môi dày,

Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân.

Những người con mắt lá răm,

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Những người đạo đức hiền hoà,

Đi đâu cũng được người ta tôn thờ.



Bl: Những lời ca dao (N.116; N117) đúc kết việc xem tướng con trai, con gái, đàn ông, đàn bà từ kinh nghiệm dân gian có đúng có sai. Không nên tin như giáo điều, riêng hai lời: “Những người đạo đức hiền hòa/ Đi đâu cũng được người ta tôn thờ” là nét đẹp văn hóa.
118. Những người con mắt lá răm,

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền!


119. Những người con mắt lá răm,

Ve trai như chớp hay nằm với trai!



Bl: X.Bl, N116, N117.
120. Những người lấm tấm rỗ hoa,

Rỗ năm ba nốt, thật là rỗ xinh.

Khen ai chia rỗ cho mình,

Để duyên mình thắm, để tình ta say!



BK: Ơi người lấm tấm rỗ hoa,

Rỗ dăm ba nốt thật là rỗ xinh.

Khen ai đổ rỗ cho mình,

Rỗ tôi rỗ đẹp rỗ xinh rỗ giòn.
121. Nỉ non đêm ngắn tình dài,

Chung quanh gà đã gáy hoài tan canh.

Trách gà sao vội tàn canh,

Không lâu tí nữa cho tình thở than!



122. Nói chi cao cách khó nghe,

Ngọc vàng khó kiếm, củi tre thiếu gì!


123. Nói mà chơi vậy chớ gió thổi hiu hiu,

Lục bình trôi ríu ríu,

Anh đừng bận bịu bớ điệu chung tình,

Con nhạn bay trên cao khó bắn mà con cá ở ao huỳnh cũng khó câu.


124. Nói ra sợ chị em cười,

Lấy chồng tháng chín tháng mười đẻ con!


125. Nói ra té lẽ anh bày,

Em thương chồng hai mươi chín bữa để một ngày thương anh!


126. Non non nước nước khơi chừng,

Ái ân đôi chữ xin đừng có quên.

Tình sâu mong trả nghĩa đền,

Đừng vui chốn khác mà quên chốn này.

Nước vơi rồi nước lại đầy,

Tình kia chưa trả nghĩa này chớ quên!


127. Nõn nường là cái nõn nường,

Trăm cái đầu giường ngàn cái đầu tay.


128. Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình đưa xuống Tuyền đài chưa tan.



Tuyền đài: Suối vàng - còn gọi là hoàng tuyến: chín suối.

Truyện kể (TK)1: Lời ca này có gốc từ một truyện dân gian: Xưa ở vùng quê nọ có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, thề nguyền sống bên nhau trọn đời, nhưng vì chàng trai nhà nghèo, cô gái con nhà giàu nên họ không thành duyên. Chàng trai quyết chí đi xa buôn bán làm ăn để có tiền cưới cô gái trong khi đó ở nhà, cô gái bị cha mẹ gả cho một người giàu có trong vùng. Cô gái không chịu theo cha mẹ, quyên sinh. Khi trở về chàng trai đã có nhiều tiền, nghe tin người yêu quyên sinh, đau khổ vô cùng, ngày đêm than khóc, quyết không lấy ai. Đến ngày cải táng cô gái, khi mở nắp quan tài, bên trong thi thể cô gái đã tan rữa, người ta thấy một khối trong suốt nơi ngực cô. Khi rửa sạch người ta thấy trong khối trong suốt ấy có hình chàng trai. Đem đốt khối trong suốt ấy vẫn không tan, không cháy. Chàng trai được mời đến. Khi chàng cầm khối trong suốt, đau khổ than khóc - nước mắt chàng rơi lã chã, khi rơi nước mắt vào khối trong suốt thì khối trong suốt bỗng tan ra. Chàng khóc nhiều đến nỗi khối trong suốt tan hết, chàng gục xuống và không bao giờ trở dậy nữa, chàng đã chết. Từ đó dân gian có câu ca trên(1).

(TK)2: Ngày xưa có một người con gái, con quan tể tướng tuổi độ mười sáu, mười bảy vẫn cấm cung ở trên lầu cao. Gần bờ sông bấy giờ có người con trai thuyền chài cứ ngày ngày đến đó câu cá, mỗi một lần đến câu thì lại hát réo rắt hay lắm. Người con gái nghe thấy phải lòng. Có độ mười hôm người ấy không đến câu cá, người con gái không nghe tiếng hát nữa, phát bệnh tương tư, thuốc gì uống cũng không khỏi. Cha mẹ hỏi vì sao, cũng chẳng nói. Sau người ấy lại đến câu, người con gái nghe tiếng hát thì bệnh khỏi ngay. Cha mẹ biết, liền cho người nhà gọi người câu cá đến nhưng khi thấy người câu cá mặt mày xấu xí nên từ đó không ốm nữa. Còn người câu cá thấy người con gái đẹp lắm nghĩ gần nghĩ xa, về nhà mắc bệnh thất tình, ốm mãi rồi chết. Được ba năm người nhà cải táng mộ người con trai thấy một khối bằng quả cau trong suốt như thuỷ tinh, mới đem về để ở mui thuyền. Có một hôm ông tể tướng thuê chiếc thuyền ấy đi chơi, thấy cái khối trong suốt đẹp quá, tưởng là ngọc mới đem về tiện thành một cái chén uống nước. Khi rót nước vào thì thấy một người câu cá ở bên sườn chén. Con gái của ông thấy vậy nghĩ đến chuyện cũ, cảm động nhỏ nước mắt, một giọt rơi vào chén nước, tự nhiên cả chén tan ra nước mới biết là khối tình của người câu cá được hơi người con gái ấy mới tan(2)

(TK)3: Cốt truyện kể 2 thường được gọi là Truyện “Trương Chi”, truyện này tại bản in Phúc Chỉ Hà Nội ghi rõ tên truyện là Trương Chi, viết theo thể lục bát, đoạn đầu như sau:

Ngày xưa có anh Trương Chi,

Người thì thật xấu, hát thì cực hay.

Cô Mỵ Nương nhà ở lầu Tây,

Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung.

Anh Trương Chi chở đò ngoài sông,

Con đò ngang dọc suốt đêm đông dãi dầu.

Đêm thanh chàng cất giọng một câu,

Gió đưa thoang thoảng bên lầu cô Mỵ Nương.

Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương,

Hễ trông thấy mặt anh chàng thì chê.

Anh Trương Chi khi trở ra về,

Cắm sào cho chặt mới hát thề một câu.

“Kiếp này đã dở dang nhau,

Thì xin kiếp khác duyên nhau lại thành”.

Cô Mỵ Nương tư lự thất tình,

Sút nhan sắc trước, võ hình thù xưa.

Kém diễm sắc, kém bữa cơm trưa,

Ngày kém ăn, đêm kém ngủ thẫn thờ cô chẳng yên.

Thất tình bệnh mỗi liên miên,

Ông bà thừa tướng lo đêm lo ngày.

Mới truyền cho đón ông thầy,

Ông thầy bắt mạch đoán ngay bệnh tình.

Chắc là duyên nợ ba sinh,

Tương tư ắt có tư tình với ai.

Bệnh này ví muốn khỏi ngay,

Cho người xuống bến gọi ngay anh lái đò.

Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho,

Chàng ấy sắc thuốc, tựa hồ thuốc tiên.

Anh Trương Chi ở dưới đò lên,

Quạt lò sắc thuốc rồi ngồi bên cạnh lầu.

Buồn tình chàng mới hát một câu,

Mỵ Nương nghe thấy ngớt cơn sầu như không.

Mười phần đổ bệnh xuống sông,

Lấy vàng hai nén thưởng công cho chàng…(3)

Bl: Có nhiều bản truyện không có tên truyện (tạm gọi là Khối tình) và có bản có tên truyện Trương Chi. Tình tiết cốt truyện gần giống nhau, chỗ khác cơ bản là “khối tình” trong suốt như thuỷ tinh là của cô gái (xem TK-1) còn ở bản TK-2 và TK-3 thì “khối tình” kia là của người con trai. Hình như dân gian rất công bằng trong đánh giá “khối tình” trai gái là của cả đôi bên. Lời ca dao trên rất khái quát của một truyện tình dân gian hay nhất của Việt Nam ta, chắc phải được dân gian hát sau khi có truyện về “khối tình” và truyện Trương Chi. Còn lời ca dao trên đúng nguyên văn câu 709-710 (Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan) trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khó có thể biết là Nguyễn Du sáng tác hay Nguyễn Du lấy nguyên văn từ lời hát dân gian.


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương