HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT


Nợ đời trả trả vay vay, Nợ tình biết trả đến ngày nào xong? 130



tải về 2.81 Mb.
trang18/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   24

129. Nợ đời trả trả vay vay,

Nợ tình biết trả đến ngày nào xong?


130. Núi cao chi lắm núi ơi,

Núi che mặt trời không thấy người thương!


131. Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió,

Niềm tâm tư ai thấu cho mình,

Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh,

Sông bao nhiêu nước dạ em sầu tình bấy nhiêu.



132. Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,

Sông An Cựu nắng đục mưa trong,

Bởi vì em một dạ hai lòng,

Nên chi loan không ôm đặng phượng, phượng không bồng đặng loan!


133. Núi rừng thì có hươu mang,

Khe suối thì có măng dang,

Chợ tỉnh có mụ bán hàng,

Đò dọc thì có đò ngang,

Biết bao giờ em lấy được chàng?

Núi rừng trả lại cho hươu mang,

Khe suối trả lại cho măng dang,

Chợ tỉnh trở lại cho mụ bán hàng,

Đò dọc trả lại cho đò ngang,

Ai mô trả nấy, thiếp với chàng kết duyên.



BK: - Xưa thiếp chưa bén duyên chàng,

Núi rừng thì triệt hươu mang,

Khe suối thì triệt măng dang,

Đò dọc thì triệt đò ngang,

Quán tình triệt chị bán hàng,

Nay chừ thiếp đã bén duyên chàng

Núi rừng trả lại cho hươu mang

Khe suối trả lại cho măng dang,

Đò dọc trả lại cho đò ngang,

Quán tỉnh trả lại cho chị bán hàng,

Mô trả lại nấy để thiếp với chàng theo nhau!

- Khi xưa thiếp nói thương chàng,

Rú rừng thì hươu mang,

Động đèo thì có măng dang,

Đò dọc thì đò ngang

Chợ tỉnh thì bạn hàng

Nay chừ thiếp nói xa chàng,

Núi rừng thì trả lại cho hươu mang,

Động đèo thì trả lại cho măng dang,

Đò dọc thì trả lại đò ngang,

Chợ tỉnh thì trả lại cho bán hàng,

Mô mô trả nấy thiếp với chàng xa nhau!

Bl: Giữa một không gian núi rừng sông nước, sinh hoạt, kinh tế - xã hội bao la “vật làm chứng” cho tình yêu lứa đôi, theo nhau rồi lại xa nhau… Quả thật tình duyên lứa đôi thật phức tạp!

134. Nửa đêm trăng tắt sao tàn,

Láng giềng ngủ hết, em đàn anh nghe.


135. Nửa về nửa muốn ở đây,

Nửa thơm như quế, nửa cay như gừng!


136. Nước biển non xanh bạn lành khó kiếm,

Anh dạo chơi không hiếm, há chẳng lựa đặng chỗ nào?

Nay thấy em có chút má đào,

Anh nhè em mà phờ phĩnh, dễ nào gạt em!



Gạt: lừa gạt.
137. Nước chảy riu riu, lộc bình trôi ríu ríu,

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.


138. Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược.

Nước chảy ngược con cá vượt lội xuôi.

Anh với em xa cách ngậm ngùi,

Mong cho gặp mặt xác vùi cũng ưng.


139. Nước cực phải vớ lấy anh,

Rau lang chấm muối ngon lành nỗi chi!


140. Nước đục mà đựng chậu thau,

Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài.

Tiếc thay con người da trắng tóc dài,

Bác mẹ gả bán cho người đần ngu.

Rồng vàng tắm nước ao tù,

Người khôn ở với người ngu bực mình!


141. Nước lên lút bãi lút cồn,

Anh lấy em cho bõ tiếng đồn đã xa.

Gần chẳng ra gần, xa chẳng ra xa,

Gắn vào không gắn, rời ra không rời!


142. Nước ngược anh bỏ sào xuôi,

Khúc sông bỏ vắng cho người sầu riêng.

Nước chảy hòn đá trôi nghiêng,

Em chơi chung với bạn anh sầu riêng một mình!



143. Nước trong ai chẳng rửa chân,

Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.


144. Nước trong lọc lấy một chum,

Hoa thơm bẻ lấy một chùm cầm tay.

Em ngửa vạt áo ra mà bọc thư này,

Để đêm thương nhớ, để ngày chớ quên!

Đồng hồ thánh thót đôi bên,

Lòng đây nhớ đấy có quên đâu mà,

Yêu cây thì nhớ đến hoa,

Yêu nhau thì đến tận nhà mà chơi.


145. Nước trong cá chẳng ăn mồi,

Đừng câu mà mệt, đừng ngồi mà trưa!


146. Nước trong mà giếng hôi rêu,

Tuy là anh lịch nhưng nhiều điều anh quê!



O - Ô - Ơ
1. O kia con gái nhà ai,

Cái váy thì dài áo ngắn ngang hông.

Thấy ai dương mắt ra trông,

Nghề nghiệp chẳng có chổng mông kêu trời!


2. Oan ức, tấm tức, đánh ngực kêu thừng,

Người yêu tôi trở dạ, khổ vô chừng bạn ơi!



Bl: Vần “ức” lặp lại ba lần (ức, tức, ngực) miêu tả sâu sắc nỗi lòng của người con gái bị người yêu “trở dạ” là một tiếng kêu xé lòng với ngôn ngữ phản ánh đúng tâm lý cô gái!
3. Oản tẻ ăn với chuối xanh,

Đôi ta giàu khó cũng đành có nhau.


4. Ong kiến còn có vua tôi,

Huống chi loài người chẳng có nghĩa ư?



BK: Huống chi loài người chẳng có nghĩa ru?
5. Ong vô ổ khắp ngàn xao xái,

Gà gáy tan, cả xóm vang rầy.

Đôi ta từ giã nhau đây,

Nói sơ không hết nói dày thảm thương!


6. Ô hô bình tích bể rồi,

Chén chung lỡ bộ đứng ngồi không yên.

Cu cu mà đổ cửa quyền,

Lấy chồng chưa mãn ba niên đã về!


7. Ô rô tía, bạc hà cũng tía,

Ngọn lang giâm ngọn mía cũng giâm.

Anh thấy em tốt mã em lầm,

Bây giờ rõ lại, cầm vàng anh cũng buông!


8. Ốc bạc mình ốc,

Ốc vặn ốc vẹo,

Bèo bực mình bèo,

Lênh đênh mặt nước

Nước bực mình nước,

Tát cạn cây khoai.

Khoai bực mình khoai,

Đào lên cấy muống,

Muống bực mình muống,

Ngắt ngọn nấu canh.

Anh bực mình anh,

Vợ con chưa có,

Đêm nằm vò võ,

Một xó giường không,

Hỏi giường có bực mình không hỡi giường?
9. Ôm đàn gảy khúc cầu hoàng,

Thiếp xin gõ nhịp để chàng lựa dây.

Bao giờ rừng quế hết cay,

Dừa Tam Quan hết nước thì em đây mới hết tình!



Cầu hoàng: Khúc đàn Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như đời Hán (Trung Quốc). Theo sách Sử Ký, Tư Mã Tương Như khi đi chơi ở đất Lâm Tùng đến nhà Trác Vương Tôn dự tiệc. Họ Trác vốn có người con gái là Trác Văn Quân mới goá chồng, thơ hay, đàn giỏi, dạo khúc nhạc sầu. Tương Như liền soạn hai khúc tỏ tình với Văn Quân. Đó là tiếng đàn giao duyên, tỏ tình với Văn Quân, tên khúc đàn là Phượng cầu hoàng.
10. Ốm o vì bởi thương mình,

Cha mẹ mà hay đặng hành hình thân em!

Thương chàng ruột lại thương thêm,

Bởi chàng bạc bẽo không xuống lên cho thường!


11. Ông già ông khác người ta,

Sự kia sự nọ ông ma hơn người!


12. Ông ơi tôi chẳng lấy đâu,

Ông dừng cạo mặt nhổ râu mất tiền.



BK: - Ông già chẳng lấy ông đâu.

- Ông đừng cau rạo, cạo râu mất tiền.

- Ông đừng cạo mặt sửa râu mất tiền.
13. Ông Phật ngồi trên án chúm chím miệng cười,

Áo em em bận, sao ba bốn người xỏ tay?



14. Ông Tơ xe chỉ nghe đà cam khổ,

Xe anh lúc còn ở lỗ,

Xe em thuở chưa mặc quần,

Anh thương em từ thuở lọt lòng,

Ông Tơ xe sao được chỉ hồng mà xe!

Ông Tơ: X.B84. Ở lỗ: ở truồng.
15. Ông Tơ bà Nguyệt đi đâu,

Không về mà gỡ mối sầu cho ta!

Ông Tơ bà Nguyệt ở nhà,

Không về mà gỡ cho ta mối sầu!



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B84.
16. Ông Tơ chết tiệt, bà Nguyệt chết đâm,

Sao ông xe nhầm làm nhỡ duyên tôi!

Ai làm cho dở dang trời,

Mà trời làm dở dang tôi thế này!



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B84.
17. Ông Tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!



Ông Tơ: X.B84. Bl: Đọc lời ca dao này ta nghĩ đến mối tình giữa Ma-dơ-len Ri-phô ký giả Pháp và nhà văn Nguyễn Đình Thi, biết nhau yêu nhau tại liên hoan Thanh niên thế giới ở Béc-lanh năm 1951. Trong mỗi bức thư của Ma-dơ-len Ri-phô gửi cho Nguyễn Đình Thi mở đầu là lời ca dao này và lời: “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng” (Internet 2012 - “Nguyễn Đình Thi, Mối tình không biên giới”).
18. Ống trúc chẻ hai con trai còn chuộng,

Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang,

Ruộng bỏ hoang người ta còn lấy,

Bậu lỡ thời như giấy trôi sông!


19. Ống quyển dài khen ai khéo thổi,

Bỏ giọng trầm nhiều nỗi đắng cay.

Anh thương em thì thương cho dày,

Đừng thương lả chả như ngày không thương.

Dặn lòng, dặn nạc, ai dễ dặn xương,

Dặn anh hai chữ cương thường đừng quên.

Dẫu mà lửa đốt một bên,

Lửa đốt mặc lửa đừng quên nghĩa vàng!



Cương thường: theo Nho giáo: Tam cương: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng. Ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

20. Ở chi hai dạ, ba lòng

Dạ cam thì ngọt, dạ bòng thì chua.


21. Ở đây lắm kẻ gièm pha,

Nói vào thì ít nói ra thì nhiều.

Thương anh thương đủ mọi điều,

Gió quanh em sẽ liệu chiều em che.

Ai nói chàng chớ có nghe,

Ông Tơ bà Nguyệt đã xe ta rồi.

Dù ai khuyên đứng dỗ ngồi,

Thì chàng cũng cứ đãi bôi qua lần.



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B.84.
22. Ở đây có cảnh có tình,

Có sông tắm mát, có mình với ta.

Dánh tranh ta lợp gian nhà,

Sớm ra nương biếc, chiều ra ruộng đình.

Nhởn nhơ vui thú cảnh tình,

Nợ con sáo sậu, trên cành líu lo!


23. Ớ này anh cả kia ơi,

Ngồi đây em có đôi lời thở than:



Chừ anh ở đây,

Chốc nữa anh về,

Vắng mặt phu thê,

Tình ngao ngán nhỉ,

Tóc anh như vẽ,

Má đỏ hây hây,

Ngón chân ngón tay,

Anh như gióng trúc,

Cái áo gấm lụa,

Cái cổ trắng viền,

Răng đen lấp lánh,

Viết ba chữ thánh,

Là chữ văn chương


Anh có lòng thương,

Em có lòng nhớ,

Anh có lòng đợi,

Em có lòng chờ,

Em không như tơ,

Trước thắm sau phai,

Em không như ai,

Tham vàng bỏ ngãi,

Em không như ai,

Phụ nghĩa quên công.

Lời thề nguyền lỡ sông mòn đá,

Lời thề nguyền cây cả bóng cao,

Duyên kia trời định xe vào cùng anh!


Bl: Thật là những lời tán tỉnh ve vãn sâu sắc đậm đà của một cô gái, tình thật mê say người con trai nho sĩ, muốn làm thiếp với anh chàng này chăng? (vì có lời “Chốc nữa anh về, Vắng mặt phu thê”) từ miêu tả hình thức bên ngoài của chàng trai đến phán đoán mong ước tâm hồn, tính chất của người con trai mình yêu, có thể chân thật, chẳng biết đôi bên sẽ cùng xử lý ra sao?

24. Ở nhà anh đã khiến sang,

Nghe thầy mẹ nói dở dang nhiều điều..



Đôi ta mến yêu,

Những điều trung hiếu,

Tình kia dan díu,

Nhạn én bay qua,

Vịt lội Ngân Hà,

Bây chứ dang dở

Thầy mẹ úp mở,

Cho lỡ chiếu giường,

Thầy mẹ không thương,

Sao ban đầu không nói?

Anh sang anh hỏi,

Mẹ nói cũng ừ!

Đi sang cưới chừ

Trăm điều thách lại,

Nào yếm thêu hoa cả dải


Vòng xuyến dây đôi,

Này khăn nhiễu tàu,

Mấy vuông cho đủ,

Bỏ quả sơn son,

Này rượu cho ngon,

Năm bảy vò đầy ắp,

Này mười gánh nếp,

Thết đãi họ hàng,

Nhà anh khó khăn,

Lấy đâu đồ sính lễ.

Mẹ cha chẳng nghĩ

Em cũng mặn tình,

Bỏ lời nguyện với ba sinh

Tức con rồng vàng bỏ đám mây xanh ngậm ngùi!



Ngân Hà: X.Đ66. Sính lễ: Đồ thách cưới, dẫn cưới. Bl: Thách cưới là một phong tục chẳng hay ho gì với bao lễ vật mà bên trai không thể nào đáp ứng được theo yêu cầu của bên gái. Nhiều cuộc tình duyên vì thách cưới mà tình duyên tan vỡ. Xét về văn hoá, tình yêu lứa đôi trong ca dao thì phong tục này cần phê phán, lễ nghi phong tục tuy cần thiết nhưng đừng từ đó mà trở thành gả bán con gái đến nỗi tình duyên tốt đẹp của đôi trai gái tan vỡ!
25. Ở đây lắm kẻ gièm pha,

Nói vào thì ít nói ra thì nhiều.

Thương anh thương đủ mọi điều,

Gió quanh em sẽ lựa chiều em che.

Ai nói chi chàng chớ có nghe,

Ông Tơ bà Nguyệt đã xe ta rồi.

Dù ai khuyên đứng khuyên ngồi,

Thì chàng cũng cứ đãi bôi qua lần.



Ông Tơ bà Nguyệt: X. B84.
26. Ở đây đất đỏ mây vàng,

Em đi làm mướn gặp chàng làm thuê.

Yêu nhâu ta đưa nhau về,

Làm mướn là vợ, làm thuê là chồng.


27. Ở đây nước đục lờ đờ,

Có chao chân vậy, hay chờ nước trong?



28. Ở đây phong cảnh vui thay,

Trên chợ dưới bến lại có gốc cây hữu tình.


29. Ở đời ba bảy đường chồng,

Miễn sao chọn được một lòng là hơn!


30. Ở đời nên phải chiều đời,

Chồng thời như cú vợ thời như tiên.

Bởi chưng bố mẹ tham tiền,

Cho nên cú ở với tiên cùng đời.

Bao giờ mãn kiếp con cú kia ơi?

Thì tiên với cú mới rời được nhau.



Bl: Mối nhân duyên này thật quá ngang trái, đó là nguyên nhân của tủi hờn sầu muộn bất hạnh, đau khổ bất tận có khi suốt cả cuộc đời!
31. Ở gần sao chẳng sang chơi,

Để anh hái ngọn mồng tơi bắc cầu.

- Bắc cầu em chẳng sang đâu,

Chàng về mua chỉ bắc cầu em sang,

Chỉ xanh, chỉ tím, chỉ vàng!

Đủ ba thứ chỉ em sang được cầu.


32. Ở sao cho vẹn cho toàn,

Giao ngôn chớ phụ, nghĩa vàng chớ vong.



Giao ngôn: lời nói (ở đây là lời hứa) trao đổi với nhau.
33. Ở xa anh tưởng là tiên,

Lại gần mới biết gái thuyền quyên lộn chồng!


34. Ới người đội nón chung quai,

Chung thầy chung mẹ ghé vai chung tình.

Ta thấy mình xinh chung ngồi chung đứng,

Sốt thì chung quạt, rét lại chung chăn.

Trầu thuộc cùng ăn,

Buồn thương cùng chịu.

Chung giường chung chiếu,

Chung hán chung hài.

Ới người đội nón chung quai!

Hán: Một loại dép thời xưa. Bl: Lời ca dao xét về nghệ thuật thơ rất gần với vần điệu thơ mới, cách hiệp vần tiếp nhau.
35. Ở xa nghe tiếng chàng hò,

Cách sông cũng lội, cách đò cũng qua!


36. Ớt nào là ớt chẳng cay,

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.

Vôi nào là vôi chẳng nồng,

Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.


37. Ớt nào là ớt chẳng cay,

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng,

Ấy cái nợ nần, có phải chồng đâu!


P
1. Phá Tam Giang biết đời nào cạn,

- Truông nhà Hồ ai dạn thì đi.

Nghiêng tai hỏi nhỏ cùng dì,

Có thương đừng sợ, sợ thì đừng thương!



Phá Tam giang: Từ Phong Điền đến Phú Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) gồm một tràng phá dài đến 70km, có chỗ rộng 10km, thường có sóng dữ. Truông nhà Hồ: một dải cát dài 1,5km ở bắc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Hồi đầu đời Nguyễn ở đây thường có cướp. Thời chúa Nguyễn, quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp được bọn cướp ở đây.
2. Phá Tam Giang em qua không đặng,

Mở miệng kêu chàng nghĩa nặng còn đây.

Dù cho cách trở đổi thay,

Nhưng duyên chàng nợ thiếp cũng có ngày gặp nhau!


3. Phải chi lên được trên trời,

Mượn gươm Hoàng Đế giết người bạc ân.



BK: Mượn gươm ông Sấm giết người bạc ân!
4. Phải chăng duyên đã bén duyên,

Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai?

Bớ bạn ơi! Xuân bất tái lai,

Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn.

Làm chi thiệt phận hồng nhan,

Để năm canh gối phượng mòn loan lạnh lùng!


5. Phải căn duyên một túp lều tranh cũng phải,

Không phải căn duyên, nhà ngói năm gian, bạc ngãi em cũng không màng!


6. Phải duyên Ngô Việt cũng gần,

Trái duyên Tần Tấn dẫu gần cũng xa.



Ngô Việt: hai nước thời Xuân Thu Chiến Quốc (Trung Quốc) ở đây nói sự xa cách. Tần, Tấn: Tên hai thời Xuân Thu (Trung Quốc) theo Tả truyện Huệ Công nước Tấn phụ ước nước Tần, bị nước Tần đánh bắt thái tử Ngữ làm con tin ở nước Tần. Mục Công nước Tần gả con gái là Hoài Thanh cho Thái tử Ngữ. Từ đó, hai họ cưới gả nhau hoà thuận.
7. Phải duyên cái áo rách cũng mang,

Trái duyên cái áo lót bộ nút vàng anh không ham.



8. Phải duyên thì dính như keo,

Trái duyên lễnh lãng như kèo đục vênh.


9. Phải duyên chẳng cứ hẹn hò,

Một ngày nên ngãi chuyến đò nên quen.


10. Phải duyên hương lửa cùng nhau,

Xe dê lộ ráo lá dâu mời vào.

Tương truyền Tần Thuỷ Hoàng đi xe dê kéo đến các buồng cung nữ, dê đứng cửa nào thì Tần Thuỷ Hoàng vào đó. Các mỹ nữ láy lá dâu bỏ trước buồng của mình để dê đến đó dừng lại ăn lá dâu và mỹ nữ được vua “quan tâm”.
11. Phải duyên phải kiếp thời theo,

Trái duyên trái kiếp như kèo đục vênh



BK: - Phải duyên thì bám như keo.

- Trái duyên chống chếnh như kèo đục vênh!


12. Phải duyên quán rách cũng ngồi,

Trái duyên nhà ngói dẫu mời cũng không.


13. Phải em gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết,

Gặp bà Nguyệt gạn thiệt cho rành,

Vì đâu hoa nọ lìa cành,

Nợ duyên sao sớm dứt cho đành dạ em!


14. Phận em giao phó trời xanh,

Lấy anh không lấy, không đành làm ngơ.

Vốn em cũng chẳng bơ thờ,

Đã chọn trong đục vẫn chờ nợ duyên.

Em muốn ông thầy thuốc giàu sang,

Nhưng sợ ông hay gia hay giảm,

Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm,

Nhưng sợ ông hét la ghê góc,

Em muốn lấy chú thợ mộc,

Nhưng sợ chú hay đục khoét rầy rà.

Em muốn anh thợ cưa cho thật thà,

Nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt.

Em muốn lấy người hạ bạc,

Nhưng lại sợ mang lưới mang chài.

Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai,

Nhưng lại sợ anh hay đào hay bới.

Em cũng muốn lấy anh thợ rèn kết ngỡi,

Nhưng lại sợ anh nói tức nói êm.

Bằng lấy anh đặt rượu làm men,

Thì lại sợ anh hay cà riềng cà tỏi!

Em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi,

Nhưng lại sợ giọng quyển giọng kèn!

Em muốn lấy chàng chăn trâu cho hèn,

Nhưng lại sợ nhiều điều thá ví.

Em muốn lấy anh lái buôn thành thị,

Nhưng lại sợ anh lo mắc rẻ khó lòng.

Em muốn lấy anh thợ đóng thùng,

Nhưng lại sợ anh kêu trật niền trật ngỗng.

Em muốn lấy ông hương, ông tổng,

Nhưng lại sợ việc trống, việc gông.

Em muốn lấy anh hàng gánh tay không,

Nhưng lại sợ đầu trao đầu quẩy.

Em muốn lấy chú hàng heo khi nãy,

Nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan.

Em muốn lấy anh thợ đát, thợ đan,

Nhưng lại sợ anh hay bắt phải, bắt lỗi.

Em lại muốn lấy anh hát bè hát bội,

Nhưng lại sợ giọng rỗi, giọng tuồng.

Em lại muốn lấy anh thợ đóng xuồng,

Nhưng lại sợ anh hay dằn hay thúc.

Em có mấy lời trong lời đục,

Vấn vương lâu rồi, nay mới nói ra.

Có thầy giáo tập dạy trong làng xa,

Thầy thường hay răn hay bảo.

So đức hạnh chẳng ai được bằng!

Lại con nhà nho học,

Sử kinh thầy thường đọc nên biết việc thánh hiền,

Gặp nhau, em kết duyên liền,

Không chờ, không đợi, phỉ nguyền phụng loan!

Kết ngãi: Kết nghĩa; Hạ bạc, thá ví: chưa rõ nghĩa. Bl: Lời ca dao về kén chồng tính đến 18 “đối tượng” mà cô gái “em muốn” nhưng rồi nghĩ đến nhược điểm của từng “đối tượng” lại thôi. Cuối cùng đến người thứ 19 là “thầy giáo” được cô ca ngợi và quyết định “Gặp nhau, em kết duyên liền. Không chờ, không đợi, phỉ nguyền phụng loan”. Thầy giáo được ca ngợi về đạo đức, sau đó mới nói đến “hiểu biết thánh hiền” (kiến thức) là một quan niệm đúng đắn. Lời ca dao là một quan niệm khác với lời ca dao “Ai ơi chớ lấy học trò” đề cao “tôn sư, trọng đạo”, coi trọng tri thức.

15. Phận em còn nhỏ,

Em đi chiếc thuyền nhỏ,

Cái căn khôn bỏ,

Cái nợ khôn rơi,

Phải chăng số hệ tại trời,

Cho nên khiến đây với đó thương đời với nhau.



Căn: cái gốc, cái nguồn. Căn duyên: gốc của duyên số vợ chồng.
16. Phận gái tứ đức vẹn tuyền,

Công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chớ sai.



Tứ đức: bốn đức của phụ nữ: công (nữ công), dung (sắc đẹp ngoại hình), ngôn (lời nói), hạnh (tư cách đạo đức).
17. Phận gái bến nước mười hai,

Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ.


18. Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra,

Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu!

Ở nhà làng bắt mất trâu,

Cho nên con phải đâm đầu ra đi.



Bl: Đây là lời thú thật với mẹ mình chửa hoang. Tục lệ phong kiến rất cay nghiệt (gọt tóc bôi vôi, thả bè trôi sông, phát vạ trâu bò cho làng ăn khoán…) vì vậy cô gái chỉ còn một cách là trốn đi biệt tăm. Thật đáng phê phán tục lệ này, tuy nhiên cũng không nên vượt quá ngưỡng của tình yêu lứa đôi phải tiến tới hôn nhân theo luật pháp.
19. Phong lưu là cạm ở đời,

Hồng nhan là bả những người tài hoa.



BK: Phong lưu là cạm trên đời,

Hồng nhan là bẫy những người tài hoa.



Bl: Lời ca dao nêu lên như một quy luật về quan hệ tình yêu của trai tài gái sắc, chưa hẳn là phổ biến nếu xem phong lưu là cạm và hồng nhan là bẫy!
20. Phụ mẫu đánh em xương tan thịt nát,

Bỏ xác xuống đường mương,

Anh làm trai đấng thông minh trí tuệ,

Sao để em gái hiền lương bị đòn?


21. Phụ mẫu đánh em nẻ đầu, cột vô gốc cột,

Đánh từ canh một cho đến canh ba,

Đánh rồi em ngồi dậy lạy, cha dạy hai câu:

Chữ rằng: “Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử,

Ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi”

Dạy rồi cha đuổi em đi,

Em đi bỏ cội bỏ cành,

Thác thì chịu thác, chứ lìa bỏ anh em không lìa. (Cd Đồng Tháp)

“Hiếu thuận…ngỗ nghịch nhi”: Người hiếu thuận cuối cùng sinh con hiếu thuận, người ngỗ nghịch cuối cùng sinh con ngỗ nghịch”.
22. Phụ mẫu sinh em để phụ mẫu định,

Em đâu dám tư tình, cãi lệnh mẹ cha.


23. Phụ mẫu sơ sinh hãy để người định,

Trong việc vợ chồng phải nhớ lệnh mẹ cha.

Đợi lịnh mẹ cha anh đây cũng biết vậy,

Nhưng em phải hứa chắc một lời, anh sẽ cậy mai dong.



Lịnh: lệnh - Mai dong: người làm mai mối cho đôi bên trai gái được thành vợ chồng.
24. Phương ngôn câu ví để đời,

Nhường cơm nhường áo không dễ ai nhường chồng!


25. Phượng chắp cánh lòng còn đợi gió,

Rồng chờ trăng còn đậu trên mây,

Đạo vợ chồng trăm năm không phải một ngày,

Chàng ôm cầm không lựa khúc để lên dây cho vừa!



Q
1. Qua cầu lật ván đóng đinh,

Người thương ở bợm với mình thì thôi!



Ở bợm: không đứng đắn trong quan hệ.
2. Qua cầu ngả nón trông cầu,

Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu.



BK: Qua cầu than thở cùng cầu.
3. Qua đình ngả nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu!


4. Qua cầu, cầu yếu phải nương,

Ta nghe bạn cũ hết thương mình rồi!

Ta nghe bạn cũ có đôi,

Trong mình nóng nảy như vôi mới hầm.

Nắm tay bạn cũ khóc thầm,

Ngày rày quế nọ xa trầm trầm ơi!


5. Qua đã hết giọng kèn, giọng sáo,

Bậu hãy còn ngơ ngáo kìm, tranh.

Đành thôi dứt sợi chỉ mành,

Bậu ôm cây độc để dành tiêu diêu!



Kìm, tranh: đàn kìm, đàn tranh. Cây độc: đàn một dây tức đàn bầu. Tiêu diêu: thư thả, rong chơi.
tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương