HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang19/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

6. Qua đường thấy đoá hoa tươi,

Không hái cũng thiệt không chơi cũng hoài!



Bl: Một quan niệm đáng phê phán những anh chàng dâm ô!
7. Qua đây nghe tiếng cô mình,

Đi qua không lẽ làm thinh được mà!

Lựa lời anh quyết lân la,

Biết rằng cô có mặn mà cho chăng?

Hay là ra dạ đãi đằng,

Ra lòng quyền quý gió trăng hại người.

Có chơi cho chúng anh chơi

Hay là còn đợi những nơi trai tình?

Anh đây với lại cô mình,

Không quen biết cũng là tình nghĩa xưa.


8. Qua phân đã cạn lời,

Mà bậu còn than trách,

Đây qua nào có dạ đổi dời,

Cũng vì tại bậu ham chơi quên về.


9. Qua phân đã cạn lời,

Bậu còn hơi hờn trách,

Để qua nói sách còn có ghi rằng:

Nam trọng tài năng, nữ hằng trinh khiết,

Bậu dứt qua rồi sau tiếc thương qua!

BK: Thêm: Ra về nguyệt lặn sao thưa,

Dứt tình tại bậu, qua chưa tiếc gì!

Nam trọng tài năng, nữ hằng trinh khiết (hoặc trinh tiết): với nam giới cần coi trọng tài năng, với nữ giới cần coi trọng chữ trinh.

Qua ở đây chỉ người con trai, bậu ở đây chỉ người con gái. Sự trao đổi của người con trai đối với người con gái tế nhị, nhã nhặn, có văn hoá giao tiếp.


10. Quả bồ hòn bổ ra xanh ngắt,

Hỡi ông trời sinh giặc làm chi?

Nhà quan bắt lính, chàng đi,

Chàng đi một mình, ruột xót như chanh.

Mẹ già oán trách trời xanh,

Thiếp ở một mình, ruột héo như vo.

Bao giờ cho đoạn lính cơ,

Cơn vui có lúc đói no có chàng.

Sáu năm lính chàng bảo rằng gần,

Ở nhà thiếp nghĩ đến thân mà già!

Chàng ơi, phận thiếp đàn bà,

Lấy gì nuôi nấng mẹ già đàn em?


11. Quả cau nho nhỏ,

Cái vỏ vân vân,

Nay anh học gần,

Mai anh học xa.

Tiền gạo thì của mẹ cha,

Cái nghiên cái bút thực là của em.



12. Quả dưa trong héo ngoài tươi,

Thương chàng như thể thương người lầu tây.

Ai về đàng ấy đàng này,

Để đêm em nhớ để ngày em thương.

Yêu nhau đi nhớ về thương,

Em về cái chốn buồng hương em nằm.

Thấy chiếu mà chẳng thấy chăn,

Thấy chỗ mình nằm, chẳng thấy mình đâu?



Bl: Có lẽ cặp lục bát cuối lời ca dao hay và sâu sắc về quan hệ tình yêu giữa đôi trai gái này tuy rất thắm thiết nhưng chưa cố kết được. Bạn đọc thử đoán xem hai chữ “mình” ở cuối lời ca dao là nhân xưng chỉ ai vậy, đặc biệt chữ mình thứ hai (chẳng thấy “mình” đâu!).
13. Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ,

Mấy lời anh to nhỏ em bỏ sao đành!

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,

Tàu Tây liệt máy, anh mới đành bỏ em! (Cd Nam Bộ)



Xáng: thuyền nhỏ chở thóc lúa
14. Quản bao chúng bạn cười chê,

Theo anh kẻo lỗi lời thề khi xưa!



Bl: người con gái này có bản lĩnh, không giao động bởi dư luận “cười chê” mà coi trọng lời thề với chàng trai.
15. Quân tử thương ta, ta thương quân tử,,

Quân tử chối từ, thục nữ dám đâu!

Lẽ nào cột lại tìm trâu,

Chàng đi tìm thiếp, thiếp có đâu lại tìm chàng. (Cd Đồng Tháp)


16. Quạt này để nắng che đầu,

Để nực em quạt đi đâu em cầm.

Quạt này là quạt tri âm,

Để dành che miệng nói thầm cùng em.


17. Quét nhà lông mốt lông hai,

Chân đi trong ngõ, liếc trai ngoài đường.


18. Quét nhà lông mốt lông hai,

Cha mẹ đi vắng dẫn trai vào buồng!


19. Quýt rụng bờ ao ngọt ngào anh chuộng,

Trái cam hồng đào rụng cuống anh chê.


20. Quý gì môi nải chuối xanh,

Năm bảy người dành cho mủ dính tay.

- Mủ dính tay anh chùi đọt cỏ,

Đã thương nàng không bỏ được đâu!


21. Quý hồ thầy mẹ thương yêu,

Đôi ta chụm đá chung niêu giữa đường.


22. Quý nhau như nén vàng hồ,

Cho một tí lửa hoá tro tức thì!



Vàng hồ: vàng hàng mã.

R
1. Ra đi cha đánh mẹ can,

Tới đây gặp bạn thanh nhàn bạn ơi!


2. Ra đi cha mắng mẹ rầy,

Không đi thì sợ ngoài này anh trông.


3. Ra đi mẹ có dặn rằng:

Nơi hơn thủ phận nơi bằng trao duyên.


4. Ra đi một bước, đau lòng một bước,

Ra đi hai bước nghĩ trước suy sau,

Bấy lâu nay ý hợp tâm đầu,

Ngày nay sao én nam, nhạn bắc để rầu cho ai!



BK: Ra đi hai bước đành nghĩa trước suy sau.
5. Ra đường thấy cánh hoa rơi,

Hai chân giậm xuống chẳng chơi hoa thừa!


6. Ra đường thấy cánh hoa rơi,

Hai tay nâng lấy cũ người mới ta!


7. Ra đường chẳng dám chào ai,

Con mắt liếc thấy dạ đau quắn quằn.

Về nhà cơm chẳng muốn ăn,

Chân chẳng muốn bước, vì chưng nhớ người!


8. Ra đường lắm chuyện bực mình,

Về nhà gặp vợ cười tình cũng vui!


9. Ra về sao dứt mà về,

Câu ca bỏ dở lời thề chưa trao.


10. Ra về bạn chớ nghe ai,

Nghe lời bàn bạc mà sai tấc lòng.


11. Ra về đã đến giữa đồng,

Nón che tay khoát trong lòng nhớ thương.



12. Ra về dặn nguyệt thề hoa,

Hoa cười nguyệt tỏ tình ta càng nồng!


13. Ra về đường rẽ phân đôi,

Gánh anh anh gánh, gánh tôi tôi gồng.

Bao giờ nên đạo vợ chồng,

Gánh anh tôi gánh, tôi gồng gánh anh.


14. Ra về dặn bạn cho bền,

Nào ai xây hướng đổi nền mặc ai!


15. Ra về dặn bạn khoan chân,

Dặn hoa khoan nở, mùa xuân đang dài!


16. Ra về em chẳng dám cầm,

Dang tay đưa bạn ruột bầm như dưa.

Ra về em chẳng dám đưa,

Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.


17. Ra về răng được mà về,

Bức thư chưa gửi, lời thế chứa trao.



Răng: sao (được)
18. Ra về sao được mà về,

Ở đây tay gối đầu kề nỏ hơn.



Nỏ: chẳng (tiếng Nghệ Tĩnh)
19. Ra về lòng lại dặn lòng,

Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.



BK: - Cam chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.

- Chua chanh chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.


20. Ra về gương lược trao tình,

Gương dành lấy bóng, lược dành lấy hơi.


21. Ra về không dứt mà về,

Bỏ non, bỏ nước, bỏ lời thề cho ai?


22. Ra về nhớ bạn khóc thầm,

Năm thân áo vải ướt đầm cả năm.



23. Ra về tuyên thệ cùng nhau,

Dãi đồng khăng khít càng lâu càng bền!


24. Ra về nước mắt chảy dài,

Ai phân cây đốn rễ cho đông với đoài xa nhau.


25. Ra về nước mắt như mưa,

Thấu trời thấu đất nhưng chưa thấu lòng!


26. Ra về nước mắt tuôn dầm,

Nhọc lòng mỏi dạ mấy năm đợi chờ!

Ra về răng được hỡi anh,

Ở đây còn mối tơ mành vấn vương!


27. Ra về nguyệt lặn sao thưa,

Dứt tình tại bậu, qua chưa tiếng gì!


28. Ra về cầm bút đề thơ,

Dẫu hoa muốn nở cũng chờ mùa xuân!


29. Ra về chân giậm đò đưa,

Quan sơn thiên lý anh chưa hết tình!



Quan sơn thiên lý: cửa ải, núi non xa xôi nghìn dặm.
30. Ra về bẻ lá cắm đây,

Hôm sau ta cứ chốn này ta lên.


31. Ra vườn ngắt một cành chanh,

Con dao lá trúc gọt qanh tứ bề.

Đôi ta đã trót lời thề,

Con dao lá trúc để kề tóc mai.

Bây giờ chàng đã nghe ai,

Nghe trăng nghe gió nghe ai mặc lòng.

Tưởng rằng chàng ở một lòng,

Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi!

Ở đây gần đất xa trời,

Chăn bông chàng kết với người tri âm.

Chàng xuôi em vẫn âm thầm,

Hai hàng giọt lệ đầm đầm như mưa.

Ruột gan chín khúc héo khô,

Thương chàng vì nỗi tương tư đêm ngày.

Nhớ chàng như bát nước đầy,

Để em chuốc lấy kẻo rầy mình nao.

Đôi tay cầm lấy con dao,

Tưởng như cắt ruột mà trao cho chàng!



Bl: Tình yêu lứa đôi xét đến cùng là do người con trai và người con gái yêu nhau quyết định. Không yêu nhau nữa thì mọi quan hệ tinh thần vật chất khác đều trở nên những cản trở kể cả cha mẹ, thề thốt, dao lá trúc cắt tóc mai, miếu đền chứng giám… Thuận chiều thì thành duyên, ngược chiều thì tan vỡ! Cho nên xét về văn hoá tình yêu, tự do yêu đương và chân thực yêu đương sau khi đã tìm hiểu nhau giữa đôi bên trai gái là quyết định quan trọng và thiêng liêng nhất.
32. Rào đường, đón ngõ ngăn sông,

Nào ai rào đón được lòng đôi ta?


33. Rau muống bắt cuốn rau răm,

Làm chi đến nỗi chàng cầm cổ tay.

Xin chàng hãy bỏ tay ra,

Đến mai về cửa về nhà sẽ hay.

Chàng đừng cầm lấy cổ tay,

Khi xưa cành mận, khi nay cành đào.


34. Rau răm hai ngọn còn tươi,

Những nơi phải lứa thì trời không xe.

Những nơi bạc ác gớm ghê,

Tôi không muốn lấy trời xe tôi vào.

Tiếc thay cái sợi chỉ đạo,

Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi.

Bực mình tôi lắm trời ơi,

Muốn chôn bà Nguyệt muốn vùi ông Tơ.

Giận người làm mối vẩn vơ,

Duyên tôi đã lỗi ông Tơ lại lầm.



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B84.

Bl: Có thể hai người trai gái đặc biệt là gái ban đầu vẫn yêu người con trai nhưng sau đó vì nhiều lý do cho nên mới thốt ra những lời u uất cao độ đổ tội cho ông Tơ bà Nguyệt đến nỗi “Muốn chôn bà Nguyệt, muốn vùi ông Tơ” thì có nghĩa là cô gái chẳng tin gì ở số phận nữa!
35. Rau răm ngắt ngọn còn tươi,

Rượu ngon chuốc chén đợi người tri âm.

Đôi đũa em đã toan cầm,

Chàng lấy một chiếc cho lòng em mê.

Về nhà cha đánh mẹ chê,

Nhưng em chỉ quyết một bề lấy anh.

Cây xanh thì lá cũng xanh,

Đã trót vin cành thì phải hái hoa!


36. Rau răm đốt cứng dễ bứng khó trồng,

Anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay.


37. Rau răm ngắt đọt khó trồng,

Cho em say mê chi nữa cũng là chồng người ta.


38. Răng chừ mỏ mít xa đình,

Xâu xa lý trưởng ta mình xa nhau.



Mõ mít: mõ bằng gỗ mít để đánh mõ rạo việc làng. Xâu: công sức, tiền nong mà người dân thường đóng góp cho làng xã qua lý trưởng. Bl: Đặc điểm của lời ca dao này là mối liên hệ với lĩnh vực xã hội, khác với nhiều lời ca dao khác thường nói về lĩnh vực thiên nhiên (chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước, gỗ lim ăn ghém…)
39. Rồi mùa toóc rã rơm khô,

Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm?

Lời ca dao này ở Nghệ Tĩnh. Toóc: rạ (từ địa phương Ngh Tĩnh). Toóc rã: rạ khô khan. Toóc rã rơm khô: mùa màng đã xong hoàn toàn.
40. Rủ nhau xuống bể mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.


41. Rủ nhau đi bẻ dành dành,

Dành dành không bẻ, bẻ cành mẫu đơn.

Đôi ta như cá thờn bơn,

Nằm trên bãi cát gặp cơn mưa rào.

Đôi ta như ruộng năm sào,

Cách bờ ở giữa làm sao cho liền.

Đôi ta như thể đồng tiền,

Đồng sấp, đồng ngửa, đồng nghiêng, đồng nằm.

Đôi ta như thể con tằm,

Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.

Đôi ta như thể con ong,

Con quấn, con quýt con trong, con ngoài.

Đôi ta như thể con bài,

Chồng đánh vợ kết chẳng sai con nào.

Đôi ta như đá với dao,

Năng liếc thì sắc, năng chào thì quen.


42. Rú, rừng, núi, động, đèo, truông,

Ngàn xanh cách trở mây luồng cũng theo.

- Bể, hồ, khe, hói, lạch, rào,

Sông sâu nước lội, ước ao kết nguyền.



Rào: sông. Bl: Lời ca dao này cụ thể hoá lời “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Nghệ thuật dùng từ đối đáp rất hay!
43. Rủ nhau lên núi hái chè,

Hái năm ba mớ xuống khe ta ngồi.

Ta ngồi cho ráo mồ hôi,

Xuống sông tắm mát, thảnh thơi ta về.

Ta về thăm quán thăm quê,

Thăm chợ Bồ Đề, thăm giếng Ô Long.

Bồ Đề họp chợ mùng mười,

Trên đánh cờ người, dưới thổi cơm thi.

Ba bốn năm nay anh dở việc gì,

Để em bắt chạch, thổi cơm thi một mình?



Bắt chạch thổi cơm thi là hai trò chơi dân gian. Ba bốn đôi nam nữ tham gia cuộc thi bắt chạch. Từng đôi con trai một tay đặt lên nhũ hoa của người con gái, còn tay kia bắt một con cạch để trong âu, chậu hoặc chum nước. Hoặc người con trai đặt hai tay lên nhũ hoa người con gái còn người con gái bắt chạch. Trong hai cách chơi trên, đôi nào bắt được chạch trước thì đôi ấy thắng. Trò chơi được các nơi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội tổ chức trong các dịp hội hè.
44. Ruộng ai thì nấy đắp bờ,

Duyên ai nấy gặp, đợi chờ uổng công.


45. Ruột tằm chín khúc vò tơ,

Biết lòng chàng có đợi chờ ta chăng?

Ngọn đèn thấp thoáng bóng trăng,

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này?


46. Rút dây xin chớ động rừng,

Đào kia đã thắm xin đừng có phai.

Thấp thoáng là bóng hoa nhài,

Thấy mùi hoa bưởi thì ai cũng tìm.

Còn mùi hoa ngãi hoa sim,

Trong hai thứ ấy chàng tìm làm chi!

Hoa cải nó nở vân vi,

Thấy người ngồi đó dạ đi sao đành.

Còn mùi hoa quế hoa chanh,

Đủng đỉnh trên cành có kém gì ai.


47. Rừng xanh ai nhuộm mà xanh,

Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng.

Rừng xanh lấy núi làm chồng,

Má hồng em muốn lấy chồng thương binh.

Chồng thương binh với hoa thiên lý,

Cả hai đằng em quý em yêu,

Yêu hoa em chỉ một chiều,

Thương binh em quý em yêu một đời! (Cd 1945 - 1975)


48. Rượu lưu li chân quỳ tay rót,

Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.

Theo anh cho ấm tấm thân,

Khỏi qua núi nọ khỏi gần núi kia.


49. Rượu nằm trong nhạo chờ men,

Anh nằm phòng vắng chờ em một mình.



Nhạo: cái vịt bằng sứ, cổ cao dùng để đựng rượu.
50. Rượu nào là rượu chẳng nồng,

Gái nào là gái có chồng không ghen.


51. Rượu ngon trong hũ rót ra,

Để lâu cũng nhạt nữa là duyên em!



S
1. Sáng mai gánh nước mờ mờ,

Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh,

Vào vườn hái quả cau xanh,

Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu.

Trầu này têm những vôi tàu,

Giữa đệm cát cánh, hai đầu thơm cay.

Trầu này ăn thật là say,

Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng.

Dù chẳng nên vợ nên chồng,

Xơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.

Cầm lược thì nhớ tới gương,

Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.



BK: (1) ở giữa đệm quế, hai đầu thơm cay.

(2) Dù chẳng nên đạo vợ chồng.

(X. thêm S.7)
2. Sáng nay cắp nón đón đò,

Gặp thầy gặp mẹ chẳng cho xuống đò.

Lạy thầy lạy mẹ xin chừa,

Từ rày chả dám đò đưa với chàng.

Chốn sơn lâm lá cỗi thông vàng,

Cây bao nhiêu lá thương chàng bấy nhiêu.

Bởi chưng bác mẹ nhiều điều,

Cho nên tôi phải đăm chiêu với chàng.

Ruột tôi háo, gan tôi vàng

Nào ai có biết đoạn tràng này không?


3. Sáng nay anh mới tới đây,

Thấy hoa thời hái biết cây ai trồng.

Ai trồng thì mặc ai trồng,

Thấy hoa thì hái ai trồng mặc ai!


4. Sáng ngày em đi hái dâu,

Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.

Hai anh đứng dậy hỏi han,

Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?

Thưa rằng em đi hái dâu,

Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn,

Thưa rằng bác mẹ em răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người!


5. Sáng ngày ra đứng cửa Đông,

Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng.

Thầy bói gieo quẻ nói rằng:

Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn.

Mồ cha đứa có sợ đòn,

Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi.



Bl: Lời ca dao này nói đến một tình huống cá biệt đáng chú ý. Có thể là đôi trai gái nhau ở giai đoạn đầu cưới nhau, nhưng rồi người con trai có những nhược điểm sinh lý khiến vợ ngoại tình và không sợ gì hết kể cả trận đòn của chồng! Việc lộn chồng đương nhiên chẳng hay ho gì và chẳng ai khuyến khích, nhưng có tình huống cá biệt này kể cũng nên thông cảm!
6. Sáng trăng ngồi gốc cây mai,

Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình.

Ra về nước mắt trông chừng,

Ngóng truông truông rậm, trông rừng rừng xa.


7. Sáng trăng sáng tỏ mập mờ,

Em đi gánh nước tình cờ gặp anh.

Vào vườn hái quả cau xanh,

Bổ làm sáu miếng mời anh xơi trầu.

Trầu em trầu thảm trầu sầu,

Ở giữa thì quế, hai đầu sâm nhung.

(X. thêm S.1)
8. Sáng trăng suông sáng cả bờ sông,

Ta được cô ấy ta bồng ta chơi.

Ta bồng ta tếch lên trời,

Hỏi ông Nguyệt lão tốt đôi chăng là?



Nguyệt lão: X. B84.
9. Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm hôm rằm,

Nửa đêm về sáng trăng bằng ngọn tre.

Em trót yêu anh cho trọn một bề,

Để anh thấp thoáng ngồi kề bóng trăng.

Cái sự tình này ai thấu cho chăng,

Để anh ngồi tựa bóng ông trăng chịu sầu.

Cái gánh tương tư một nhịp đôi ba cầu,

Bắc Nam đôi ba ngả, chịu sầu đôi ba nơi.

Con chim khôn chết mệt vì mồi,

Nó kêu réo rắt ghẹo người tình chung.

Hai chúng ta vấn vít sợi tơ hồng!

BK: 1 - Để anh thơ thẩn ngồi kề bóng trăng.

- Nó kêu réo rắt ghẹo người tình nhân.



Bấy lâu nay vắng vẻ Châu Trần,

Lấy ai làm chút vui xuân đỡ buồn!

2 - Nửa đêm về sáng trăng nằm ngọn tre.

- Để em thơ thẩn ngồi chờ bóng trăng.

- Để em thơ thẩn bóng ông trăng chịu sầu.

- Bắc Nam đôi ngả dạ em ba bốn lần mơ.

- Nó kêu réo rắt gọi người tình nhân.

- Bấy lâu nay nặng vẻ Châu trần,

- Lấy ai làm bạn đêm xuân cho đỡ buồn!

3 - Anh thương em chỉ quyết một bề,

Để em thơ thẩn ngồi kề bóng trăng.

- Sự tình này đã biết cho chăng,

Con chim khôn chết mệt vì mồi,



Con người khôn chết mệt vì lời đa đoan.

4 - Bắc Nam đôi ngả, em chịu sầu đôi ba nơi.

5 - Để anh ngồi tựa bóng trăng chịu sầu (không có từ “ông”).
10. Sáng trăng trải chiếu hai hàng,

Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ.

Quay tơ phải giữ mối tơ,

Dầu năm bảy mối cũng chờ môi anh.


11. Sáng trăng sáng cả bờ ao,

Ba bốn cô ấy co nào còn không?

Cô nào mặt ngọc má hồng,

Tôi đây muốn kết làm chồng nên chăng?


12. Sao anh chẳng đứng chẳng ngồi,

Hay là anh phải duyên tôi anh buồn.

Anh buồn anh lại đi buôn,

Có tiền lấy vợ anh buồn làm chi!


13. Sập vàng mà trải chiếu hoa,

Không bằng áo thiếp đắp qua dạ chàng!



14. Sầu căn sầu nợ, tôi lại sầu tình,

Chiều nay tôi nói thiệt tôi sầu mình mình ơi.

Dầu mà kết chẳng đặng lời,

Thì tôi cũng nguyện Mã Voi đập đầu!



Mã Voi: ở bên sông Thu Bồn (Quảng Nam), theo truyền thuyết, nữ tướng Chiêu Thành là Bô Bô phu nhân bị quân Lê Thánh Tôn đánh thua chạy, bà và voi bị giặc chôn cùng một chỗ.
15. Sầu tình ai khéo vấn vương,

Yêu nhau đã lỡ,

Buồn lo thảm thiệt trăm đường,

Em đi em để nhớ thương cho người!


16. Sầu tư đêm cũng như ngày,

Má hồng đào phai thắm, mái tóc dày hoá thưa.

Sen xa hồ sen khô hồ cạn,

Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng.

Bởi vì ai em cảm thấy ưu phiền,

Đêm năm canh lạnh lẽo, đứng bên thềm chờ ai!



BK: - Vàng cầm trên tay rơi xuống không phiền.

Phiền người bội nghĩa biết mấy niên cho hết sầu!
17. Sen xa hồ sen khô hồ cạn,

Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng.

Vàng cầm rớt xuống không phiền,

Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.


18. Sóng dồn dập lưng chừng ngoài biển Bắc,

Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên.

Lỡ làng câu chuyện tình duyên,

Khuyên ai chớ có ưu phiền tội thân!


19. Sinh ra cái phận nữ nhi,

Lượng vàng để đó cân tiểu ly mẹ cầm!


20. Sóng xao mình vịt ướt lông,

Rùa kêu, đá nổi thiếp không bỏ chàng!


21. Sông bao nhiêu nước cho vừa,

Trai bao nhiêu vợ vẫn chưa bằng lòng.



22. Sông cạn, biển cạn lòng ta không cạn,

Núi lở non mòn nghĩa bạn không quên.

Đường còn đi xuống đi lên,

Ơn bạn bằng biển ta đền bằng non.

Đường mòn duyên nợ không mòn,

Chết thì mới hết sống còn gặp nhau.

Lời nguyền trước cũng như sau,

Em không phụ nhỏ, tham giàu ở đâu.


23. Sông hồ một dải con con,

Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo.

Yêu nhau sinh tử cũng liều,

Thương nhau lặn suối, qua đèo có nhau.


24. Sông Mơ, sông Mận, sông Đào,

Cả ba sông ấy đổ vào sông Lâm.

Ngãi nào hơn ngãi tri âm,

Người nào hơn ngãi Châu Trần bỏ nhau.

Người nào hơn, ngãi trầu cau,

Ngãi nào hơn ngãi cho nhau ăn trầu.



Ngãi: nghĩa

Châu Trần: X.M94.
25. Sông sâu biết bắc mấy cầu,

Phận em là gái biết đâu bến bờ.



BK: Phận em là gái biết hầu nơi nao.
26. Sông sâu cá lội mất tăm,

Chín tháng cũng đợi một năm cũng chờ.

Chờ anh chờ ngẩn chờ ngơ,

Chờ hết mùa mận, mùa mơ, mùa đào.

Chờ anh cho tuổi em cao,

Cho duyên em muộn, má đào em phai!


27. Sông sâu nước chảy làm vầy,

Ai xuôi em đến chốn này gặp anh.

Đào tơ sen ngó xanh xanh,

Ngọc lành còn đợi giá lành hợp duyên.

Cho hay tiên lại gặp tiên,

Phượng hoàng đâu chịu đứng chen với gà?



28. Sông Tiền Đường cá lội giao đuôi,

Kiều thương Kim Trọng giá như tui thương mình!



Sông tiền Đường: sông nơi Thuý Kiều tự vẫn và được vãi Giác Duyên cứu. Kim Trọng - Thuý Kiều: hai nhân vật chính, tình duyên thắm thiết trong truyện Kiều của Nguyễn Du.
29. Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,

Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng.

Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang,

Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?


30. Sớm mai anh ăn ba hột cơm nguội,

Anh vác cái rựa quéo,

Anh lên Bà Quẹo, anh đốn một cây tre.

Đem về anh đóng cái thang ba mươi sáu nấc,

Anh bắc từ cửa anh cho tới cửa em,

Anh gõ một cái cắc, cái tay anh ngoắt em ra,

Em có thương anh, em đợi em chờ,

Em ơi! Cơ hội này mà em còn bối rối như cờ bị vây!



Bà Quẹo: đồi cây rậm, nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, Sài Gòn… đều có tên này.
31. Sơn cách, thuỷ cách, lòng không cách,

Đường dù xa, nhân nghĩa không xa.

Đi đâu anh ghé qua nhà,

Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.


32. Sư đang tụng niệm “nam mô”

Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa.

Lòng sư luống những ngẩn ngơ,

Bỏ kinh, bỏ kệ tìm cô hỏi chào.

Ai ngờ cô đi đàng nào,

Sư cầm tràng hạt ra vào băn khoăn.


33. Sư đi chùa mốc sân rêu,

Mơ khuya ai gõ, chuông chiều ai khua.

Vinh hoa là cái trò đùa,

Đi tu không trót lại mua trận cười.



T
1. Ta không trách kẻ bạc tình,

Mà ta chỉ trách sao mình quá yêu.


2. Ta tức con gà, ta giận con gà,

Đôi ta đang than thở, nó đã gáy tan!


3. Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà đã quen!



BK: ­- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!

- Dù trong dù đục ao nhà ta quen!

- Dù trong dù đục ao nhà là hơn.
4. Tà tà bóng ngả về tây,

Ai ơi có thấy thảm này hay không?

Trót qua sông tôi phải luỵ thuyền,

Bởi chưng trời tối, nhân duyên hững hờ!

Bạn tình ơi! Bạn tình ơi!


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương