HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang21/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

108. Thốt ra làm chi những điều tình tệ,

Cho đau lòng huệ lắm bạn ơi!

Huệ đây trăm năm chỉ có một lời:

Ai thay lòng đổi dạ, có trời chứng tri.


109. Thơ thẩn tìm ai,

Tìm hết tỉnh Lạng, tìm sang Kỳ Lừa.

Đồng Đăng có phố kỳ lừa,

Tìm người chả thấy, vào chùa Tam Thanh.

Tôi về Phủ Lạng tìm quanh,

Đâu cũng chả thấy biết tìm ở đâu?

Lại càng thương nhớ âu sầu,

Tìm về chợ Nếch, chợ Cầu cũng xa!

Bắc Ninh cho đến Phủ Từ,

Qua cầu sông Nhị, ngẩn ngơ tìm người.

Tìm người tìm quẩn tìm quanh,

Tìm người ba mươi sáu phố ở nội Hà Thành.

Tìm người tìm quẩn tôi lại tìm quanh,

Đâu đâu chả thấy gặp tình ở đây!


110. Thở với than càng thêm bận,

Không than không thở thêm giận thêm phiền.

Con còng xe cát làm viên,

Anh thương em lắm có tuyền đặng không?


111. Thủ phận hèn không dám xôn xao,

Chân bùn tay lấm không dám chào bạn xưa!


112. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn,

Thuận bè thuận bạn, tát cạn bể Đông.

Bên căng thì phải bên chùng,

Hai bên cùng cứng, coi chừng đứt dây.

“Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” vừa là một lời tục ngữ, ở đây được nối tiếp thành ca dao khuyên quan hệ vợ chồng phải sống hoà thuận, có thắc mắc, trao đổi, giải quyết, thái độ mềm dẻo không gây căng thẳng dễ hỏng việc.
113. Thuở hồi anh nhỏ anh có bảo rằng:

Cứ chuyên tập nghiệp hằng,

Phai siêng năng đọc sách,

Câu “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách,

Sắc bất ba đào dị nịch nhân”,

Xét xa rồi lại xét gần,

Thấy em ai khiến mười phần nên thương!

Vũ vô kiềm toả năng lưu khách, Sắc bặt ba đào dị nịch nhân: Mưa không kìm khoá mà giữ được khách, sắc đẹp không sóng gió mà làm đắm lòng người. Bl: Đôi trai gái này biết nhau từ nhỏ, có học hành, nay lại yêu nhau, trao đổi với nhau khá văn hoá tế nhị.
114. Thuốc ngon Bình Định,

Giấy quyến Sa Huỳnh,

Ai xa nhau mược nậu hai đứa mình đừng xa!

Mược nậu: mặc kệ họ (tiếng miền Nam). Bl: Vì đặc sản thuốc lá ngon của Bình Định với giấy quyến, công nghệ đặc biệt của Sa Huỳnh (cuối tỉnh Quảng Ngãi) quyện với nhau thành điếu thuốc lá thơm ngon để ví với tình trai gái cũng quyện chặt, một tỷ dụ mang sắc thái địa phương khá đẹp!
115. Thuyền anh mắc cạn lên đây,

Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.


116. Thuyền bồng trở lái về đông,

Con đi lấy chồng mẹ ở với ai,

- Mẹ già đã có con trai,

Con là phận gái dám sai chữ tòng.



Chữ tòng: tam tòng theo Nho giáo: ở nhà con gái theo cha; lấy chồng thì theo chồng; chồng chết thì theo con.
117. Thuyền dọc mà trải chiếu ngang,

Anh thì ngồi giữa đôi nàng đôi bên.

Đầu rồng mà gối tay tiên,

Ước gì đầu ấy gối lên tay này!



118. Thuyền dời bến cũ không dời,

Khẩn khẩn một lời quân tử nhất ngôn.


119. Thuyền dời bến khác,

Tơ hồng buộc có nơi rồi,

Anh đừng than thở ỉ ôi!

Em đã như cá no mồi khó câu!



Tơ hồng: X.B84.
120. Thuyền đà đến bến, anh ơi!

Sao anh chẳng bắc cầu noi lên bờ?

Đang cơn nước đục lờ đờ,

Cắm sào đợi nước bao giờ cho trong?

Con sông kia nước chảy đôi dòng,

Đèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào?

Trông thấp rồi lại trông cao,

Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời.

- Em ơi, gần bến xa vời!

Cầu noi: tấm ván dài bắc từ thuyền lên bờ để xuống, lên thuyền. Bl: Lời quyến rũ bóng gió của cô gái với anh chàng lái đò, tỏ ý yêu đương nhưng không được anh chàng chèo đò hưởng ứng, thật đáng thông cảm với cô gái!
121. Thuyền đi ngọn sóng vỗ bờ,

Nghe vang tiếng hát tiếng hò mà thương,

Ấy ai nhi nữ đêm trường,

Biết chăng đây những vấn vương tơ tình.

- Gió mát trăng trăm tình mơ ước,

Thuyền ta hai chiếc, chiếc trước chiếc sau,

Ai ơi thế sự đau sầu,

Gợi chi tình nghĩa nên màu nước non.


122. Thuyền không lái, gái không chồng,

Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo!


123. Thuyền ơi, có nhớ ta chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!


124. Thuyền quyên gặp kẻ anh hùng,

Tay mang Nguyệt lão say bồng càn khôn.



Thuyền quyên: chỉ người đàn bà đẹp, yểu điệu. Nguyệt lão: X.B84.

Càn khôn: hai quẻ trong bát quái Kinh Dịch chỉ trời đất.
125. Thuyền tình đã ghé tới nơi,

Khách tình sao chẳng xuống chơi thuyền tình?

Thuyền kia mũi nó sơn đen,

Trách con nhà hèn bẻ lái chẳng ra.

Thuyền ấy mà về tay ta,

Ta bẻ một cái thuyền ra giữa dòng.



Thuyền tình: Thuyền chở người tình đến. Bl: Lại một lời ca dao không biết có trước khi Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều hay có sau Truyện Kiều. Câu Kiều số 69-70 “Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ”.
126. Thuyền về Đại Lược,

Duyên ngược Kim Long,

Đến đây là chỗ rẽ của lòng,

Gặp nhau còn biết trên sông bến nào!



BK: Tình về Đại Lộc…

Đại Lược: thuộc huyện Phong Điền. Kim Long: thuộc huyện Hương Trà (hai địa danh này thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế).
127. Thư dưới gửi lên,

Thư trên gửi xuống,

Em đang ăn đang uống,

Em bỏ đũa xuống trông thư.

Xem rồi nước mắt ướt hết nửa tờ,

Ai phân chồng rẽ vợ,

Kiếm đường su sơ dễ tìm!

Su sơ: su sơ tất sửi có nghĩa là lang thang.
128. Thương ai vơ vẩn mây sầu,

Nhớ ai ngơ ngẩn nhịp cầu trên sông.

Thương ai chiếu bỏ giường không,

Nhớ ai hết đứng lại trông giăng tà.

Ai làm cách trở đôi ta,

Vì chưng bác mẹ hay là vì em?


129. Thương ai mà đứng mà trông,

Nhớ ai ngồi gốc cây thông thở dài.

Cau non trầu lộc mỉa mai,

Da trắng, tóc dài đẹp với ai đây?



130. Thương anh em chẳng nói ra,

Trong ruột thì héo ngoài da thì vàng.


131. Thương anh em cũng muốn theo,

Em sợ anh nghèo anh bán em đi.

- Nghèo thời bán cột bán nhà,

Nào ai bán vợ đâu mà em lo!


132. Thương anh không lấy được anh,

Em về tạc tượng vẽ tranh em nhìn.


133. Thương anh trầu hết lá lươn,

Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay.

Dẫu mà cha mẹ có hay,

Nhất đánh nhì đầy hai lẽ mà thôi!

Gươm vàng để đó anh ơi,

Chết thì chịu chết lìa đôi em không lìa!


134. Thương cha thương mẹ có khi,

Thương anh lúc đứng lúc đi lúc ngồi.

Thương cha thương mẹ có hồi,

Thương anh lúc đứng lúc ngồi cũng thương.


135. Thương chàng nhớ sớm nhớ chiều,

Như ai dán đạo bùa yêu trong lòng.


136. Thương cho đến chiếu đến giường,

Thương cho đến chỗ phòng hương anh nằm.


137. Thương em chết nửa thân mình,

Biết em thương hại chút tình hay không?


138. Thương em anh cũng muốn thương,

Nước thì muốn chảy nhưng mương chưa đào.

Em về lo liệu thế nào,

Để cho nước chảy lọt vào trong mương.



BK: Thấy em anh cũng muốn thương…
139. Thương em phát dại phát khờ,

Đang ăn rớt đũa bao giờ không hay.

Cầm kéo quên cắt quên may,

Cầm ve quên rượu cầm khay quên trầu.

Cầm đèn quên bấc quên dầu,

Cầm trang sách đọc quên đầu quên đuôi.

Cầm cân quên giá quên lui,

Cầm tiền mà xỉa không biết mấy mươi một tiền.

Thương em phát dại phát điên,

Đêm ngày ao ước kết nguyền cùng em.



Động tác xỉa tiền được dùng để kiểm tra đếm tiền. Cầm tiền xỉa theo hàng 5 đồng, sau đếm hàng mà tính, với mệnh giá tiền “ăn ba” thì 20 đồng là 1 tiền, 10 tiền là một quan tiền. Bl: Lời ca dao dựa theo hiện tượng tâm lý “quên” nhiều việc bắt đầu từ “phát khờ” “phát dại”, rồi bao việc khác có thực vì tưởng tượng để trở lại “phát dại”, “phát điên” nếu không thực hiện được yêu nhau!
140. Thương em chẳng biết để đâu,

Để vào tay áo lâu lâu lại dòm!


141. Thương em không dám ghé nhà,

Anh đi qua lại giả đò đi chơi.


142. Thương em chẳng lấy được em,

Anh sẽ ở vậy chẳng thèm lấy ai!


143. Thương mãi rồi lại nhớ lâu,

Nhớ ai dán đạo bùa sầu cho em!


144. Thương mình chẳng lấy được mình,

Dựa mai mai đổ, dựa đình đình xiêu!


145. Thương mình dạ héo lòng khô,

Nếu mình chẳng tưởng, tôi nguyền nhảy xuống ao hồ cho mát thân!


146. Thương mình giấu mẹ giấu cha,

Phụ mẫu hay đặng qua với em phân lìa.

Rán thế nào như khóc với chìa,

Đừng mê duyên mới mà chia rẽ tình!


147. Thương mình sớm ngẩn chiều ngơ,

Như cau bổ bão như cờ đưa ma!



Bổ: đổ, ngả (do bão) (Tiếng Nghệ Tĩnh).
148. Thương người người chẳng biết cho,

Diều bay cao diều lượn, sáo thổi vo vo một mình!


149. Thương mình mình chẳng biết cho,

Cầm bằng gánh nặng mà dò đường trơn.


150. Thương người người chẳng thương ta,

Muối kia bỏ biển mặn đà có nơi!



BK: - Thương người người lọ thương ta.

- Thương người người chẳng thương ta.


151. Thương người ráo riết, riết rao,

Mười đêm thổn thức, chiêm bao cả mười!


152. Thương nhau chớ quá u sầu,

Hẹn nhau gặp lại bên cầu Rô-be.

Thiếp nói thì chàng phải nghe,

Thức khuya dậy sớm làm chè ngày 12 xu.

Mãn mùa chè, nệm cuốn, sàn treo,

Ta về bỏ bạn, cheo leo một mình.

Bạn ơi, bạn chớ phiền tình,

Mùa ni không gặp, hẹn mình mùa sau.

Lạy trời mưa xuống cho mau,

Chè kia ra đọt trước sau cũng gặp chàng.



Cầu Ro-be: là bến tàu của một Công ty chế biến chè của Pháp ở Hội An (thời thuộc Pháp). Bl: Ngoài tình yêu nam nữ của nông dân, lời ca dao trên có thời gian tính và địa chỉ khá rõ về tình yêu của nông dân được công nhân hoá.. Nội dung văn hoá, tình yêu chân thật, đáng ghi nhận.
153. Thương nhau cắt tóc mà thề,

Khó nghèo cùng chịu, chờ hề bỏ nhau!


154. Thương nhau chẳng lấy được nhau,

Trở về đất bãi trồng dâu nuôi tằm.

Để rồi anh hoá ra tằm,

Em hoá ra nhộng cùng nằm một nơi.


155. Thương nhau giữ trọn lời thề,

Tương tư trong dạ, đi về ngóng trông.

Thuyền sang nhờ mạnh gió đông,

Em sang chính mạnh hơi chồng nên sang.

Thuyền em đậu bến Phú An,

Mau đi em đợi mau sang em chờ!

Một niềm kết tóc xe tơ,

Một niềm chỉ đợi chỉ chờ mỗi anh.

Một niềm chỉ quyết lấy anh,

Dù ong bay bướm lượn chung quanh mặc lòng.

Lời vàng ghi tạc trong lòng,

Xin đừng trăn trở ngoài vòng trăng hoa.



Phú An thuộc huyện Hương Phú tỉnh Thừa Thiên, Huế.
156. Thương nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

- Thương nhau trao nhẫn cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi!


157. Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi,

Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng.

Nguyện cùng dưới nước trên trăng,

Một trăm chốn cũ không bằng chỗ xưa.

Gan sầu ruột héo như dưa,

Chàng đã bạc nghĩa, thiếp chưa dứt tình.


158. Thương nhau nước đục cũng trong,

Ghét nhau nước chảy giữa dòng cũng dơ.



Bl: Một hình ảnh so sánh giữa nước trong, nước đục và yêu ghét, có thể khái quát về đạo đức nói chung về yêu, ghét không chỉ riêng của tình yêu lứa đôi.
159. Thương nhau nhớ nhớ sầu sầu,

Cơm ăn chẳng được, lấy trầu ngậm hơi.


160. Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.



BK: Thương nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua!
161. Thương nhau ở dưới gốc đa,

Còn hơn ở cả ngôi nhà trăm gian.



162. Thương nhau vì nết, chẳng hết chi người,

Anh không tin dạ, anh sợ đổi dời,

Em xin cắt tóc thề có đất trời chứng minh.

- Nghe em phân cạn, vô hạn thương tâm,

Vợ chồng nghĩa nặng tình thâm,

Em thề không thuyền khác ôm cầm,

Anh nhìn mái tóc phải tuôn dầm lệ châu!
163. Thương thì kết tóc giao tay,

Không thương én liệng nhàn bay mặc nhàn.

Một mai trống lủng khó hàn,

Dây dùng khó diết, người ngoan khó tìm!



Dây dùng: dây chùng.
164. Thương thời dựa vế kề lưng,

“Việc ấy” xin đừng để trọng về sau.



Bl: Lời ca dao về quan hệ lứa đôi có thể “dựa vế”, “kề lưng”, riêng “việc ấy” nếu “ăn cơm trước kẻng” hay chữ nghĩa “tiền dâm hậu thú” (ăn nằm với nhau trước, sau đó mới cưới) thì có khả năng về sau ăn ở với nhau sẽ “coi thường, coi khinh nhau” mà than ôi, người phụ nữ lại bị phần thiệt nhiều hơn! Các cô gái chớ nhẹ dạ!
165. Thương trò cởi áo cho trò,

Về nhà mẹ hỏi qua đò gió bay!

Tại mẹ cắt áo rộng tay,

Con quên gài nút gió bay mất rồi! (Cd Đồng Tháp)


166. Tiếc bông sen nở chen bông súng,

Tiếc chim phượng hoàng đậu trúng nhánh tùng khô!



Bl: Bức tranh “trái khoáy” này nói về tình yêu lứa đôi không hợp nhau làm cho người nghe suy nghĩ nhiều về nguyên nhân không thành đôi của đôi nam nữ này. Người đọc thử đoán xem lời ca dao này là “phát ngôn” của chàng trai hay cô gái.
167. Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,

Tiếc bông hoa nhài cám bãi cứt trâu.



BK: Con gái khôn lấy thằng chồng dại,

Khác chi bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.
168. Tiếc thay cái đọi bịt vàng,

Đem ra đong cám lỡ làng duyên em.



Đọi: bát (tiếng miền Trung).

169. Tiếc cái vòng vàng đeo cho con vượn hót,

Tiếc cái kính sáng đeo cho người mù,

Tiếc công anh trang điểm mấy thu,

Bưng trầu ra ngoài bãi bạn chối từ không ăn!


170. Tiếc cây lọng vàng che nải chuối xanh,

Tiếc người lịch sự lấy anh khật khừ!


171. Tiếc công vun vén cây tùng,

Săm soi trên ngọn, gốc sùng không hay!



BK: - Tiếc công vun bón cây tùng.

- Săm soi trên ngọn, dưới gốc sùng không hay.

- Anh săm soi trên ngọn, dưới gốc cây sùng không hay.
172. Tiếc công anh chuốt ná lau tên,

Nhạn bay về đền công uổng danh hư!



: nỏ
173. Tiếc công lao anh đào ao thả cá,

Năm bảy tháng trường, họ lạ đến câu!


174. Tiếc công vạch lỗ chui rào,

Thăm không đặng bậu, gai cào trầy lưng.


175. Tiếc nồi cơm trắng để ôi,

Tiếc con người lịch mà soi gương mờ!


176. Tiếc thay cái chậu nước trong,

Để cho bèo tám bèo ong giạt vào!



BK: - Tiếc thay cái giếng nước trong,

Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào!


177. Tiếc thay cây quế giữa rừng,

Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay?

Canh một canh hai mê mẩn tình say,

Mồ hôi má phấn đượm đầy áo thâm!


178. Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,

Đã vo nước đục lại vần than rơm!



BK: - Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.

- Thổi nồi đồng điếu lại vần than rơm!
179. Tiếc thay con gái mười ba,

Liều thân mà lấy ông già sao đang!


180. Tiếc tiền mua cá không tươi,

Mua rau rau héo, mua người lẳng lơ.



BK: Mua rau rau héo, mua người lửng lơ.
181. Tiếc thay hột gạo tám xoan,

Đem vo nước đục lại chan nước cà!


182. Tiếc thay hòn ngọc mà rơi xuống bùn,

Tiếc thay tờ giấy bạch mà để cho thằng cỏn con vẽ vời!


183. Tiếc thay da trắng tóc dài,

Cha mẹ gả bán cho người đần ngu!


184. Tiền chì mua được cá tươi,

Mua rau mới hái mua người nở nang.

Tiền trinh mua vội mua vàng,

Mua phải rau héo, mua nàng ngẩn ngơ!



Tiền chì: tiền kẽm; tiền trinh: tiền đồng.
185. Tiện đây mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có lối vào hay chưa?

- Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.


186. Tiện đây xơi một miếng trầu,

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.

Trầu này trầu quế, trầu hồi,

Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.

Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình, trầu ta.

Trầu này têm tối hôm qua,

Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng.

Trầu này không phải trầu hàng,

Không bùa, không thuốc, sao chàng không ăn?

Hay chàng chê khó, chê khăn,

Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu!



Bl: Đây là phong tục mời trầu trong quan hệ ban đầu gặp nhau của người con gái với người con trai, có phần mạnh dạn của người con gái đối với người con trai bằng nhiều “tính chất” của miếng trầu sâu đậm tình cảm. Nếu chàng trai nhận miếng trầu có lẽ không có lời ca dao đẹp này. Bạn đọc kết luận thử xem câu chuyện mời trầu này có kết quả không?
187. Tiếng anh người có học,

Sao chẳng phải nghĩ suy,

Tây bang đi lính làm chi,

Xa cha lìa mẹ, còn gì chữ ân?

Anh ơi! nghe mấy lời phân,

Anh đừng đi lính bỏ thân xứ người!



Bl: Trong một số ít lời ca dao nói về chuyện lính mộ của Pháp trong chiến tranh 1914 - 1918, người yêu, người vợ có cảm nghĩ, khuyên răn như trên thật đáng hoan nghênh vì đức độ với cha mẹ (của người chồng, người yêu) và cũng là thái độ phản chiến nữa.
188. Tiểu tôi tiểu kính tiểu hiền,

Bao nhiêu chùa chiền, tiểu đốt tiểu di,

Thịt chó tiểu đánh tì tì,

Bao nhiêu chỗ lội tiểu thì cắm chông.

Nam mô xứ bắc, xứ đông,

Con gái chưa chồng thì lấy tiểu tôi.



Bl: Có những lời ca dao phê phán sự “phá giới” của những kẻ tu hành giả đạo đức, người đọc nghe chắc phải đồng tình phê phán.
189. Tình chi rồi lại ý chi,

Em nói rồi em lại ngoảnh đi em cười!

- Tình còn đó, nghĩa còn đây,

Vắng đêm đêm nhớ, vắng ngày ngày trông.


190. Tình anh như nước dâng cao,

Tình em như tấm lụa đào tẩm hương.


191. Tình cờ ta lại gặp ta,

Vân Tiên mới gặp Nguyệt Nga một lần.



Vân TiênNguyệt Nga là hai nhân vật chính trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
192. Tình ơi, Tính bảo đây này,

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi!

Tình ơi, Tính bảo một khi,

Vắng Tình, Tính biết hoan hì cùng ai?

Tình ơi, Tính bảo một hai,

Vắng Tình, Tính biết lấy ai bạn cùng?

Tình ở xứ Bắc, Tính ở xứ Đông,

Muốn cho Tình Tính giao thông một nhà.

Tính với Tình đường xa chớ ngại,

Tính với Tình là ngãi phu thê,

Tình ở đây cho Tính ra về,

Ai làm cho Tính say mê vì Tình.

- Tính về trình với mẹ cha,

Phận Tình là gái như hoa giữa đường.

Tình trông thấy Tính cũng thương,

Tình về thu xếp quê hương cửa nhà.

Tính về trình với mẹ cha,

Rằng Tính gặp khách đường xa quê người.

Hồng nhan Tình chín, Tính mười,

Muốn cho Tình Tính kết đôi giao hoà.

Muốn cho Tình Tính một nhà,

Muốn cho Tình Tính giao hoà bách niên.

Tính ơi giữ lấy lời nguyền,

Tình ta khấn nguyện nàng tiên xe vào.

Muốn cho mận ở với đào,

Tình ở với Tính lúc nào chẳng vui!

Vì Tình Tính phải đứng ngồi,

Vì Tình Tính phải yên vui chốn này!

Tính thương Tình đêm ngày rầu rĩ,

Tính thương Tình biết nghĩ làm sao?

Đương con bình địa ba đào,

Ai đem Tình đấy buộc vào Tính đây!



Bình địa ba đào: đất bằng sóng dậy (nên hiểu ở đây: quan hệ luyến ái phát triển cao độ). Nguyên bản trong ca dao Việt Nam trước cách mạng gồm hai lời (được nhóm biên soạn Kho tàng ca dao người Việt ghi lại ở lời T.1166 và T.1179) chúng tôi thấy nên liên kết lại thành lời ca dao đối đáp, giao duyên thì hợp lý hơn và cũng viết hoa Tính và Tình, xem như tên hai nhân vật trao tình trong lời ca.

Bl: Tác giả dân gian đặt tên khái quát mà cụ thể là Tính (người con trai) và Tình (người con gái) từ gặp gỡ rồi có cảm tỉnh, yêu thương của người con gái, quyến rũ người con trai và vạch con đường cho người con trai trình với cha mẹ về tình thương của người con gái đối với mình, muốn xây dựng hạnh phúc với cô ta… Lời ca dao có lời thất ngôn bát cú khẳng định tình yêu của người con gái đối với người con trai rất chủ động “Ai đem Tình đấy buộc vào Tính đây”.

193. Tình thâm kẻ đấy người đây,

Đã xe chỉ thắm đừng lay cành sầu!

Yêu nhau xin nhớ lời nhau,

Chơi hoa thì phải giữ màu cho hoa!


194. Tình thương quán cũng như nhà,

Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói xây.


195. Tình thương gươm trường không sợ,

Sét đánh bên mình, duyên nợ không buông.



Bl: Lời ca dao này bộc lộ quyết tâm cao độ của tình yêu lứa đôi, bất chấp mọi trừng phạt của con người và của đất trời!
196. Tìm vàng tìm bạc dễ tìm,

Tìm người nhân nghĩa khó tìm ai ơi.



197. Tò vò mắc phải nhện vương,

Đã trót dan díu thời thương nhau cùng!


198. Tỏ trăng chi bấy hỡi trời,

Để cho bạn ngọc khó trao lời thuỷ chung!


199. Tóc chấm lưng vừa chừng em bới,

Để chi dài bối rối dạ anh!



BK: Tóc ngang lưng vừa chừng em bới.

Bới: búi tóc. Theo phong tục Việt Nam, khi đã có chồng thì bới (búi) tóc, không để tóc dài nữa.
200. Tóc dài những búi mà trưa,

Ham chi người đẹp mà thưa việc làm.


201. Tóc em dài lại cài hoa lý,

Thấy miệng em cười thắm ý anh thương.


202. Tóc em mới chấm ngang vai,

Cha mẹ thương ít con trai thương nhiều.


203. Tóc mai ngắn lắm không dài,

Lời thề nặng lắm nhớ hoài không quên.


204. Tóc mây lại bới khăn sồng,

Quần thâm tha thướt, cướp chồng người ta!



205. Tóc mây rủ đất bậu chê,

Nâng niu thằng Chệt tứ bề so không.

Trên đầu nó vặn đuôi nhông,

Cái răng trắng nhẻ, miệng không nhai trầu.

Gẫm trông thằng Chệt mà rầu!

Chệt: Hoa Kiều ở Việt Nam thường được gọi là “chú Khách”, từ “Chệt” cũng chỉ người Tàu (Hoa Kiều) có nội dung, ngữ điệu khinh miệt (thằng Chệt). Lời ca dao miêu tả đúng điều này (đầu trọc, nón đuôi kỳ nhông, răng trắng nhẻ). Lời khuyên chớ lấy chồng người Tàu.
206. Tóc ngôi dài, tóc mai cắt,

Cầu trời khấn Bụt cho tóc mau dài.

Bao giờ tóc chấm ngang vai,

Thì ta kết nghĩa làm hai vợ chồng.


207. Tóc ngắn thì tóc lại dài,

Ba tuồng mặt rỗ đá mài không trơn!


208. Tôi là Phật, nàng A-men,

Hai ta tôn giáo cách miền xa xăm.

Bỗng đâu gió bão, mưa dầm,

Để tôi buộc nỗi đồng tâm với nàng.

Thế là đeo lấy dở dang,

Bỏ nhau chẳng được sang ngang không thuyền.

Biết rằng duyên lỡ làng duyên,

Trăm năm để lại một thiên hận tình.

Bảo cho những kẻ đầu xanh,

Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu,

Đừng mơ những việc đâu đâu,

Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên.

(X.thêm A.1 - B.71)

Nàng A-men: Cô gái theo đạo Thiên Chúa (A-men là tiếng kết thúc lời cầu kinh của đạo Thiên Chúa). Bl: Theo giáo lý Thiên Chúa, người trong đạo không được lấy người ngoại đạo (hoặc đạo khác) nên mối tình này dở dang. Đó là quy định và lời ca dao này phản ảnh đúng quy định đó. Tuy nhiên, có không ít trường hợp tuy đạo khác nhau, trai gái vẫn yêu nhau, thành vợ chồng bởi lẽ tình yêu là trên hết, cao cả và thiêng liêng hơn mọi ràng buộc xã hội. Trên tinh thần đoàn kết dân tộc, chúng ta thông cảm lời cô gái trong ca dao này nhưng ta không câu nệ tình yêu mang tính nhân đạo cao cả hơn mọi quy định của xã hội, trong đó có tôn giáo.


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương