HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang23/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

309. Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái, như ai không chồng.

Gái có chồng như gông đeo cổ,

Gái không chồng như phản gỗ long đanh.

Phản long đanh anh còn chữa được,

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.

Không chồng khổ lắm chị em ơi!

Ông Tơ bà Nguyệt cho tôi tí chồng!



Bl: Nội dung như lời T.310 chỉ thêm lời cầu khẩn ông Tơ, bà Nguyệt, về tâm lý đó là “sách” cuối cùng!
310. Trọng là trọng tình, quý là quý nghĩa,

Ai đếm xỉa chi đến chữ sang hèn,

Dầu ai cho anh vàng khối, anh cũng chẳng màng!

Yêu là yêu cái lòng trong sạch của nàng với anh!


311. Trót đa mang thì phải đèo bòng,

Trót bế lên bụng, phải bồng lấy con.


312. Trót lời gắn bó một hai,

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.



Bl: Trong các sách sưu tầm về tình yêu lứa đôi, có không ít lời nói đến mối tình Thuý Kiều - Kim Trọng. Và từ đó có những lời ca chắc chắn “vận” thơ Truyện Kiều để nói về tình yêu như lời trên đây đã lấy câu thơ số 1382 của Nguyễn Du.
313. Trót đa mang vào kiếp bềnh bông,

Xuống ghềnh lên thác, một lòng ta thương nhau.


314. Trót lời đàn đã bén dây,

Chẳng trăm năm cũng một ngày lênh đênh.

Bây giờ anh nói thật mình,

Thuyền buôn đã vậy, thuyền tình thì sao?

(Sách “Dân ca Thanh Hoá” chia làm hai lời, sách “Kho tàng ca dao người Việt” gộp lại thành một lời).
315. Trông anh như thể nghìn vàng,

Bỏ ra thì khách hồng nhan được nhờ.

Anh như chỉ thắm thêu cờ,

Em như rau má lờ mờ giếng khơi.

Dù anh mà chửa có nơi,

Em xin vượt bể qua trời theo anh.



BK: Trông anh như thể nhìn vàng.
316. Trông anh như thể sao Mai,

Biết rằng trong được như ngoài hay không?


317. Trông nhau luỵ nhỏ ướt đầm,

Hai đứa mình khác thể ngọc trầm biển Đông.

Nỗi về nỗi ở chưa xong,

Bối rối trong lòng như thể cờ vây.



Cờ vây: lối chơi cờ phổ biến ở Trung Hoa, Nhật Bản có 180 quân cờ mỗi bên (đen và trắng) với 361 đường cờ. Người chơi cầm quân đen trắng đi cờ bao vây nhau. Ở ta ít thấy lối chơi cờ này. Chỉ thấy phổ biến lối chơi cờ “vây hùm” có bàn cờ và quân cờ, có người cầm que (làm hùm). Hùm ăn quân cách (như pháo trong cờ tướng), nếu hùm ăn hết quân cờ thì bên làm hùm thắng, nếu hùm không đường đi (cách 2 không nhảy để ăn được tức hùm bị vây) có thể hiểu “cờ vây” theo lối chơi cờ hùm vây phổ biến ở miền Nam nước ta đối với “cờ vây” trong lời ca dao trên.
318. Trồng trầu thì phải khai mương,

Làm trai hai vợ phải thương cho đều.



BK: Trồng tra thì phải khai mương.

319. Trống cơm khéo vỗ nên vông,

Đàn cầm khéo gảy nên cung xang, xừ.

Yêu huê nên phải tìm huê,

Xa xôi đã vậy, lời thề thì sao?

Ai về nhắn khách hỏi đào:

Tri âm còn nhớ chút nào hay quên?

Nước non, non nước dặm nghìn,

Hỏi lòng còn nhớ hay quên hỡi lòng?

Chăn đơn nửa đắp nửa mong,

Gối đôi xếp cạnh giường phòng chờ ai?

Đêm qua trằn trọc canh dài,

Ngủ mê cứ tưởng rằng người đắp chung.

Vội vàng mở mắt ra trông,

Gối đôi xếp cạnh giường phòng thấy ai.

Đêm đêm thổn thức canh dài!
320. Trống rồng canh đã điểm ba,

Hồ nom thấy mặt lòng đà cam đâu!

Sầu riêng tôi những âm thầm,

Vui này cho bõ đau ngầm ngày xưa!

Ai làm dạ muốn chuốc đây,

Tôi ngồi tôi nghĩ đắng cay trong lòng!


321. Trời mưa gió rét kìm kìm,

Đắp đôi giải bướm hơn nghìn chăn bông.


322. Trông cho mau sáng, mau ngày,

Em mang phân đi vãi, anh vác cày theo sau.


323. Trống trên lầu nhặt thúc,

Trăng ẩn bóng về non,

Anh thương em ruột thắt gan mòn,

Thác thời ly biệt, sống thì còn thương!


324. Trở về yêu trộm nhớ thầm,

Tối tối đi nằm đầu gối cánh tay.

Đầu ai gối cánh tay này,

Như chim loan phượng đậu cây ngô đồng.


325. Trời giông bão nổi thình lình,

Kẻ trôi người nổi, hai đứa mình còn đây!

Tơ hồng kịp liệu xe dây,

Lỡ ai gièm xiểm, khó lay phận mình!



Tơ hồng: X.B.84.
326. Trời mưa ướt lá trầu vàng,

Ướt em em chịu, ướt chàng em thương.

- Trời mưa ướt lá trầu hương,

Ướt anh anh chịu ướt người thương em buồn!


327. Trời mưa nước chảy qua sông

Em lấy ông lão qua lần thì thôi.

Bao giờ ông lão chầu trời,

Thì em lại kiếm một người trai tơ.


328. Trời mưa lác đác ruộng dâu,

Cái nón đội đầu, cái thúng cáp tay.

Bước châu xuống hái dâu này,

Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.

Thương em chút phận ngây thơ,

Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng.

Xa xôi ai có tỏ chừng,

Gian nan tân khổ ta đừng uên nhau!



Tân khổ: chua đắng, cay đắng.
329. Trời ơi ngó xuống mà coi,

Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu.


330. Trời xanh đất đỏ mây vàng,

Anh đi thơ thẩn gặp nàng thẩn thơ.

Mấy lời gắn bó đợi chờ,

Loan sầu phượng ủ biết cơ hội nào.

Bao giờ rồng cá kết giao,

Phỉ nguyền đông liễu tây đào phòng chung.

Một lời đã được mấy đông,

Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai.


331. Trời xanh, kinh đỏ, nước xanh,

Đỉa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng.

Lời ca dao này ở Nam bộ. Kinh (kênh nước), đỉa, muỗi (“đỉa tựa bánh canh”, “muỗi như sáo thổi”)
332. Trời xanh dưới nước cũng xanh,

Trên non gió thổi dưới gành sóng xao.

Bấy lâu cách liễu trở đào,

Chim trong lồng chim thảm, cá dưới ao cá sầu!


333. Trúc đợi mai, mai không đợi trúc,

Mai trở về, mai nhớ trúc chăng?


334. Trúc xinh trúc mọc đầu đình,

Chị Hai xinh chị Hai đứng một mình cũng xinh!


335. Trúc xinh trúc mọc đầu chùa,

Chả yêu tôi lấy đạo bùa cho yêu!



336. Trúc xa mai thì hoài lứa trúc,

Anh hỏi mai rằng đã có nơi mà nương tựa hay chưa?

Có nơi mà nương tựa nắng mưa,

Hay còn ôm duyên đi sớm về trưa một mình?


337. Trúc xinh trúc mọc bờ ao,

Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh!

Trúc xinh trúc mọc bên đình,

Em xinh em đứng một mình càng xinh!


338. Trước sao đằm thắm muôn phần,

Nay sao đẽnh đoảng như cần nấu suông!



BK: Trước sao đầm ấm muôn phần.

- Giờ sao đểnh đoảng canh cần nấu suông!


339. Tu đâu cho thiếp tu cùng,

Mai sau thành Phật ngồi chung một toà.


340. Tuy rằng nường ở nhà nường,

Chiêm bao thần mộng ở giường nhà anh.

Tuy rằng anh ở nhà anh,

Chiêm bao thần mộng ở quanh nhà nường.



Nường: Nàng

341. Từ bấy đến nay,

Lòng nào nỡ bỏ cảnh này ra đi?

Không yêu lòng cũng nể vì,

Đi đâu mà bỏ cố tri loan vàng!

Nỡ nào lại để dở dang,

Mượn cầu Ô Thước bắc đàng sông Ngân.

Yêu nhau xa cũng như gần,

Một đây với đấy ân cần với nhau.

Nỡ nào mà lại quên nhau,

Những công lênh ấy biết hầu làm sao?

Đêm khuya thắp đĩa dầu hao!

Ô Thước, sôngNgân: X.Đ.66.
342. Trời mưa lâm râm nước dầm lá hẹ,

Anh thương một người có mẹ không cha.


343. Từ khi gặp mặt giữa đàng,

Thiếp quyết thương chàng cha mẹ nào hay!

Có hay thì nhất đánh nhì đày,

Hai lẽ mà thôi!

Thuỷ chung em giữ trọn mấy lời

Chết thì chịu chết, lìa đôi em không lìa.


344. Từ rày buộc chỉ cổ tay,

Chim đậu thì bắt, chim bay thì đừng.



BK: Chim đậu thì bắn chim bay thì đừng.
345. Từ ngày buộc chỉ ngang lưng,

Hễ trông người ấy thì đừng làm quen.


346. Từ ngày ăn phải miếng trầu,

Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu.

Thuốc dấu hay là bùa yêu,

Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa.

Làm cho quên mẹ quên cha,

Làm cho quên cả đường ra lối vào.

Làm cho quên cá dưới ao,

Quên sông tắm mát quên sao trên trời.

Đất cục mà ném chim trời,

Ông Tơ xe nhợ nửa vời ra đâu.



Bùa mê thuốc dấu: là những bùa thuốc để quyến rũ người tình. Nhợ: sợi chỉ.

Ông Tơ: X.B.84.

347. Từ ngày gặp gỡ giữa đường,

Những lời bạn nói nhớ thương vô chừng!

Tưởng là thành cơm thành cháo mà mừng,

Nào hay cá dời về biển, chim rừng xa bay!



BK: Tưởng rằng thành cơm thành cháo tôi bỏ bụng mừng.

Hay đâu cá bể chim rừng vội bay.
348. Từ ngày giấy rã hồ trôi,

Anh ngồi anh khóc em ngồi em than.

Nhạn xa chen bóng cây tàn,

Dưới khe nước chảy trên ngàn ve kêu.

Ra đi là sự đã liều,

Mưa mai ai biết, nắng chiều ai hay.

Dám đâu trách mẹ trách thầy,

Trách trời sao nỡ đoạ đầy tấm thân!


349. Tưởng rằng đá nát thì thôi,

Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

- Tưởng rằng trọn thuỷ trọn chung,

Hay đâu như pháo nổ đùng ngang lưng!



BK: Tưởng rằng trọn thuỷ trọn chung,

Không hay như pháo nổ đùng ngang lưng!
350. Tưởng rằng con gái đương xuân,

Nào ngờ lại rặt một phường ăn sương.



Ăn sương: thành ngữ chỉ những cô gái bán dâm đĩ điếm.
351. Tưởng rằng cây dứa không gai,

Ai ngờ gai dứa lại dài hơn chông.

Em nói em chửa có chồng,

Con ai em bế em bồng trên tay?


352. Tưởng rằng khăn trắng có tang,

Ai ngờ khăn trắng ra đường ve trai!



BK: Tưởng rằng khăn trắng cho xinh.

Biết đâu khăn trắng đẹp tình cho trai.

U - Ư
1. Ù ỳ, cút kít,

Xay lúa lấy gạo ăn mai,

Có một thợ cấy với hai thợ cày,

Thợ cấy vừa lấy thợ cày,

Để cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm!

BK: Xay lúa lấy gạo ăn mai,

Bữa mai em đi cấy, buổi mai anh đi cày,

Thợ cấy làm bạn với thợ cày,

Để cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm!
2. Uốn tre uốn thuở còn măng,

Dạy vợ dạy thuở băn khoăn mới về.


3. Ước gì anh hoá ra vàng,

Em hoá ra bạc đôi đàng tốt tươi.

Ước gì anh hoá ra vôi,

Em hoá trầu lộc tốt tươi lại nồng.

Ước gì anh được làm chồng,

Em được làm vợ, tơ hồng cùng xe.



Tơ hồng: X.B84.
4. Ước gì anh hoá ra hoa,

Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.

Ước gì anh hoá ra chăn,

Để cho em đắp, em lăn, em nằm.

Ước gì em hoá ra gương,

Để cho em cứ ngày thường em soi.

Ước gì em hoá ra cơi,

Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.


5. Ước gì bướm được gần hoa,

Ước gì mình sánh với ta hỡi mình!

Ước gì tính sách với tình,

Ước gì nhánh bích với quỳnh thành đôi.

Ước gì lan huệ đâm chồi,

Ước gì quân tử sánh người thuyền quyên.

Ước gì nguyện được như nguyền,

Ước gì chỉ thắm xe duyên tơ đào.

Ước gì cầu bắc trên ao,

Ước gì đông liễu tây đào giao hoan!


6. Ước gì cho gạo bén sàng,

Cho trăng bén gió cho nàng bén anh.


7. Ước gì dải yếm em dài,

Để em buộc lấy những hai anh chồng.


8. Ước gì em hoá ra ruồi,

Để em đậu má cái người đi ô!

Ước gì em hoá ra ong,

Để em quấn quýt trong lòng cái ô.


9. Ước gì giếng ở gần ao,

Để thiên hạ ngắm nước nào trong hơn?


10. Ước gì sông rộng một gang,

Bắc cầu dải yếm cho nàng sang chơi.



BK: Bắc cầu dải yếm để nàng sang chơi.
11. Ước gì duyên đượm tình dài,

Càng cao nghĩa núi càng dài tình sông.



Bl: Lời ca dao trên và lời ca dao “càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông” (mà Nguyễn Du cũng có câu này (câu 1382) cho ta suy nghĩ về quan hệ giữa ca dao và văn học bác học - khó biết là ca dao có trước hay văn chương thành văn có trước (?).
12. Ước gì em hoá ra bèo,

Anh hoá ra nước, ta trùm lấy nhau.


13. Ước gì em hoá ra dưa,

Để anh đem rửa nước mưa chậu đồng.

Ước gì em hoá ra hồng,

Để cho anh bế anh bồng trên tay.


14. Ước gì em hoá ra dơi,

Bay đi bay lại những nơi anh nằm.

Ước gì em hoá ra tằm,

Anh hoá ra kén ta nằm chung chơi.


15. Ước gì em hoá ra hoa,

Để em nâng lấy để mà cài khăn.

Ước gì anh hoá ra chăn,

Để cho em đắp em lăn, em nằm!


16. Ước gì anh hoá ra cau,

Em hoá ra bẹ ấp nhau tứ mùa!


17. Ước gì em hoá ra tranh,

Anh hoá ra bút vẽ cành hoa mai!


18. Ước gì anh hoá được con kiến vàng,

Bò lên cổ bậu dạo đàn lê viên.

- Ước gì em hoá được con kiến hôi,

Bò lên đái xuống cho trôi kiến vàng!


19. Ước gì anh hoá ra gương,

Để cho em cứ ngày thường em soi.

Ước gì anh hoá ra cơi,

Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.



Cơi: cơi đựng trầu.
20. Ước gì được thở được than,

Bắt con chim nhạn bỏ đàn chim bay.

Ước gì được nắm cổ tay,

Thiếp thì làm vợ chàng nay làm chồng.


V
1. Vai mang khăn gói sang sông,

Mẹ thương mặc mẹ thương chồng phải theo.


2. Vác chuông đi đánh nước người,

Ôm gà đi chọi những nơi anh hùng.

Anh đi tìm vợ qua sông,

Em đi tìm chồng gặp được anh đây.


3. - Vái ông Tơ đôi ba chầu hát,

Vái bà Nguyệt năm bảy đêm kinh,

Xui cho đôi lứa tôi thuận một đêm tình,

Dầu ăn hột muối, nằm đình cũng ưng.

- Vái ông Tơ vài ve rượu thiệt,

Vái bà Nguyệt dăm bảy con gà,

Xui cho đôi lứa hiệp hoà,

Nếu mà đặng vậy, sau trả lễ ông bà chẳng sai.



Ông Tơ, bà Nguyệt: X.B.84.
4. Vạn khổ thiên lao cũng đừng lơi mối chỉ hồng,

Dầu đôi ta có phải chịu long đong,

Sớm chiều gìn giữ dài đồng chớ thay!

Vạn khổ thiên lao: Vạn khổ nghìn cực. Dải đồng: người xưa dùng dải gấm nút nối tiếp nhau ngụ ý yêu thương nhau, coi đó là đồng tâm kết (kết dải đồng lòng).
5. Vàng mười vô lửa nào phai,

Anh nằm đêm anh nghĩ lại coi ai bạc tình.

- Chuông nhà thờ nghe đổ tiếng mười,

Rằng mai đây phân rẽ, em cười nỗi chi?

Vật bạc tình bất thủ, nhơn phi ngãi bất giao.

Vật bạc tình bất thủ, nhơn phi ngãi bất giao: Vật của kẻ phụ bạc không nên giữ, người bất nghĩa không nên giao du.
6. Vàng cầm rớt xuống không phiền,

Chỉ phiền một nỗi sợ vơi duyên không thành!


7. Vàng ròng vào lửa há phai,

Búa rìu sấm sét không phai ân tình.



8. Vàng sa xuống giếng vàng chìm,

Anh sai lời hẹn khó tìm được em!


9. Vàng ơi, vàng chớ phai màu,

Em ơi, em chớ tham giàu bỏ anh!


10. Vàng thì vàng,

Khăn sa tanh đậu con bướm vàng,

Bỏ sa mái tóc, cô nàng chít khăn moi.

Liếc trông mơn mởn mày ngài,

Mắt trông như ngọc, miệng cười như hoa.

Chuỗi vàng đeo ngấn cổ ngà,

Kim cương lóng lánh nào là nụ tai.

Yếm trắng cô khéo ngả mùi,

Áo sa tanh quần lĩnh giắt vài hoa chanh.

Hai tay những xuyến cùng vành,

Mùi soa gấp chéo, nghĩ mình đáng trăm!

Gót hoa cô bước êm đằm,

Phong tư yểu điệu cánh hồng hương lan.

Tiếc cô duyên nợ giật giàm,

Cùng non cùng nước cô nỡ đi làm vợ Tây.

Xẩm anh sầu thẳm bấy chầy!



Giật giàm: Kéo mạnh, co mạnh. Bl: Đây là lời hát xẩm, dân gian đặt ra để chê những cô gái đẹp, đầy mình trang sức nhưng lại đi lấy Tây (thời thuộc Pháp không thiếu hạng người này, dân gian thường gọi là “mẹ Tây” tỏ ý khinh bỉ).
11. Vào đầm ngắt lá sen xanh,

Thấy chim loan phượng đỗ cành xoan đâu.

Người ơi trở lại xơi trầu,

Ham nơi phú quý bỏ nhau sao đành!


12. Vào ra cũng có một mình,

Dầu ăn mĩ vị thất tình cũng hư!


13. Vào chùa thắp một tuần hương,

Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này.

Chùa này có bụt có thầy,

Có hòn đá tảng có cây gô đồng.

Cây ngô đồng không trồng mà mọc,

Rễ ngô đồng rẽ dọc dễ ngang,

Trăm năm thiếp vẫn theo chàng,

Ngàn năm thiễp vẫn lòng vàng không phai!


14. Vào vườn hái quả cau xanh,

Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu.

Trầu này têm những vôi tàu,

Giữa đệm cát cánh hai đầu quế cay.

Trầu này ăn thật là say,

Dù mặn, dù lạt, dù cay, dù nồng.

Dù chẳng nên đạo vợ chồng,

Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.

Cầm lược thì nhớ đến gương,

Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.



BK: Thêm lời đầu của ca dao (X.Đ.69)

- Đêm qua trăng sáng mờ mờ,

Em đi gánh nước tình cờ gặp anh.

Vào vườn trảy quả cau xanh…


15. Vào vườn hái quả cau non,

Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

Hai má có lúm đồng tiền,

Càng nom càng đẹp càng nhìn càng ưa.

- Anh đã có vợ con chưa?

Mà anh ăn nói đong đưa ngọt ngào,

Mẹ già anh để nơi nao,

Để em tìm vào hầu hạ thay anh.

Chả tham nhà ngói rung rinh,

Tham về một nỗi anh xinh miệng cười.

Miệng cười anh đáng mấy mươi,

Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm.



Nén: nén vàng.
16. Vào rừng chẳng biết lối ra,

Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm!

Cớ sao em vội em lầm,

Núc nác thì nổi vàng tâm thì chìm!



BK: Đi đâu mà vội mà lầm…

17. Văn chương chữ nghĩa bề bề,

Đàn bà ám ảnh cũng mê mẩn đời.

Nước nóng đổ lọ bình vôi,

Tôi ngồi tôi nghĩ bố tôi, tôi buồn

Bố tôi dở dại dở khôn,

Say đắm cái “đồ” bỏ mẹ con tôi.



BK: “Thần “lờ” đã hiện thì mê mẩn đời” - Thần “đồ” đã hiện thì mê mẩn đời.

- Nước lạnh đổ vào vôi sống (qua tôi thì sinh nhiệt, sôi lên, vậy nên nước nóng đổ vào bình vôi thì vô ích, hoài công. Bl: Lời ca dao này thường chỉ có lời lục bát đầu đề cười chê những anh học trò dại gái “với ngôn từ đúng thực tế”. Có thể lời cuối “Say đắm cái “l…” bỏ mẹ con tôi” đúng vần lục bát hơn.


18. Văn kì thanh bát kiến kỳ hình,

Mặt chưa thấy mặt mà tình đã thương.

- Giã chàng để thiếp hồi hương,

Kẻo cha mẹ thiếp năm đường chờ trông.



Văn kì thanh bất kiến kỳ hình: Nghe tiếng, không thấy hình người.
19. Vẳn tiếng tăm nên chẳng thấu trời

Để xem duyên nợ đổi đời tại ai?

Bởi nghèo chịu chữ đơn sai,

Không ai nhờ cậy làm mai mối giùm.


20. Vắng mặt chàng, ăn mâm vàng cũng đắng,

Gặp mặt chàng ăn hột muối trắng cũng ngon.

Trăng rằm đã tỏ lại tròn,

Củ lang đất rẫy đã ngon lại bùi.

Mực sa vô giấy khó chùi,

Lòng qua thương bạn chưa nguôi,

Bạn ở sao cho nước chảy xuôi một bề!
21. Vắng sao Hôm có sao Mai,

Vắng chàng thiếp đã có trai trong nhà.


22. Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Đường trần ai vẽ làm đôi hỡi chàng?

Đưa nhau một bước lên đàng,

Cỏ non hai dãy mấy dòng châu sa.



Đường trần: đường trên cõi đời gió bụi này. Bl: Trong Truyện Kiều có câu: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường” làm người đọc liên hệ đến ca dao có tác động qua lại với sáng tác của văn học viết của Nguyễn Du.

23. Vén mây thấy núi ngắt xanh,

Thương ai thao thức năm canh khóc thầm.


24. Về nhà cha đánh mẹ hò,

Nhưng em chẳng bỏ trai đò được đâu!

Trai đò đẹp lắm mẹ ơi,

Quần thâm áo trắng cho tôi phải lòng!


25. Vì ai cho bướm nguôi hoa,

Cho tằm nguôi lá, cho ta nguôi mình?


26. Vì ai cho thiếp võ vàng,

Vì chàng tư lự, hoa tàn nhị rơi.

Cực lòng thiếp lắm chàng ơi,

Biết rằng lên ngược xuống xuôi đàng nào!



BK: Vì chàng tư lự hoa tàn nhị phai.

Tư lự: Suy nghĩ và lo lắng.
27. Vì ai nước mắt sụt sùi,

Khăn lau không ráo, áo chùi không khô!


28. Vì ai tằm nọ xa dâu,

Nên gương lìa thuỷ nên trầu lìa vôi.


29. Vì chuôm cho cá bén đăng,

Vì tình nên phải đi trăng về mờ.

(X.thêm V.36)
30. Vì con heo phải đèo buồng chuối,

Vì con muỗi phải thả màn loan.

Vì chàng thiếp chịu đòn oan,

Phụ mẫu đay nghiến thế gian chê cười!



Đèo buồng chuối: Gánh con heo một đầu phải có buồng chuối đối trọng mới gánh đi được.
31. Ví dầu chẳng đặng làm đôi,

Đến sau ta sẽ làm sui một nhà!



Làm sui: làm thông gia.
32. Vì dầu cha đánh mẹ treo,

Đứt dây té xuống, em theo đến cùng.

Dẫu mà đan rọ thả sông,

Trôi lên trôi xuống em không bỏ chàng!


33. Vì duyên, vì nợ, vì tình,

Để cho anh thấy cô mình xinh hơn!


34. Vì gà diều phải liệng quanh,

Vì em anh phải quẩn quanh chốn này.


35. Vì hoa nên phải tìm hoa,

Vì tình nên phải vào ra với tình.


36. Vì mây nên núi lên trời,

Vì cơn gió thổi hoa cười với trăng.

Vì chuôm cho cá bén đăng,

Vì chàng thiếp phải đi trăng về mờ.


37. Vì sông nên phải luỵ đò,

Vì trời tối phải luỵ cô bán hàng.

Vì tình nên phải đa mang,

Vì duyên thiếp biết quê chàng ở đây.



BK: Vì chiều tối phải luỵ cô bán dầu.
38. Vị gì một mảnh tình con,

Làm mê tài tử, rút khôn anh hùng.

Thà rằng chẳng biết cho xong,

Biết ra thêm để tấm lòng sầu riêng!



BK: … Biết ra kẻ Bắc, người Đông thêm sầu.

…Biết ra như xúc như đong lấy sầu.


39. Vì sàng cho gạo xuống nia,

Vì anh em phải đong đưa cả ngày.

- Vì sàng cho cám xuống nia,

Vì em anh phải đi khuya về thầm.


40. Vì thuyền, vì biển, vì sông,

Vì hoa nên bận cánh ong đi về.


41. Vì tình anh phải đi đêm,

Vấp năm bẩy cái, đất vẫn êm hơn giường.



42. Vì tình nên phải sương sa,

Một đêm năm bảy lần ra chờ tình.

Ra thì mình chỉ thấy mình,

Nào hay có thấy khách tình là ai!



BK: Ra sân mình chỉ thấy mình

Nào đâu có thấy bạn tình là ai.


43. Vì tình em phải tới đây,

Trăm năm duyên phải một ngày mà nên.

Làm trai chí ở cho bền,

Đừng lo muộn vợ, đừng phiền muộn con!


44. Vì trăng cho sóng bạc đầu,

Vì cha vì mẹ em phải ra màu thờ ơ.


45. Ví dầu cầu ván long đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mượn chén ăn cơm,

Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi.

Kéo chơi ba tiếng đờn cò,

Đứt dây, đứt nhợ quên hò xự xang.

Vì đâu thiếp chẳng yêu chàng,

Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về.



Đàn cò: Đàn nhị theo cách gọi của miền Nam.
46. Ví dầu cách núi cách sông,

Khuyên em dằn dạ gắng công đợi chờ!


47. Ví dầu nhà dột cột xiêu,

Anh đi cưới vợ phải chiều ông mai.


48. Ví dầu tình nậu muôn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.

Bậu ra cho khỏi tay ta.

Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn.



BK: Cái xương bậu nát, cái da bậu bầm.

Bl: Khi yêu nhau tha thiết thì hứng khởi tình cảm cao độ, điều đó rất đáng hoan nghênh nhưng khi không yêu nữa thì căm ghét nhau đến mức “gieo tiếng dữ” (vu oan, nói xấu) thì đê tiện, vô văn hoá, đáng phê phán.

tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương