HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT


Tôi thương người ấy nhiều nhiều, Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng! 210



tải về 2.81 Mb.
trang22/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

209. Tôi thương người ấy nhiều nhiều,

Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng!


210. Tôi trao miếng trầu thì mang câu bất hiếu,

Tôi để trên hàng rào, ai hiểu ý thì ăn.


211. Tối trăng còn hơn sáng sao,

Phơn phớt lòng đào hơn thắm màu vang.

- Tối trăng còn hơn sáng sao

Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đèo!


212. Tối trời đom đóm giăng giăng,

Xa em một bữa mấy cái khăn ướt dầm.

Mưa sa sấm chớp ầm ầm,

Tuy chưa gặp cuộc ăn nằm cũng thương!


213. Tối trời không biết ai ai,

Chào lên một tiếng đến mai sẽ nhìn!


214. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.


215. Tơ tằm đã vướng thì vương,

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng!


216. Tờ giấy hồng anh găm chữ thọ,

Gửi thư này cả họ bình yên.

Đầu rồng mà gối tay tiên,

Ước chi đầu ấy gối lên tay này.

Đầu gối, tay ấp, lòng say,

Như chim loan phượng ấp cây ngô đồng.

Một mai nên vợ nên chồng,

Như cá gặp nước, như rồng gặp mây.


217. Tới đây anh lạ em cũng lạ,

Anh bận áo hoa cụt, em bận áo đen dài,

Anh nói với em huỷ huỷ hoài hoài,

Hượm chờ đến kết nghĩa lâu dài với anh.



Huỷ hoài hoặc huỷ huỷ hoài hoài: liên tục, nhiều lần (tiếng miền Nam).
218. Tới đây bỡ ngỡ giữa đàng,

Muốn phân nhân ngãi, ngỡ ngàng khó phân!


219. Tới đây đầu lạ sau quen,

Bóng trăng là nghĩa, ngọn đèn là duyên.


220. Tới đây chiếu trải trầu mời,

Can chi mà đứng giữa trời sương sa!


221. Tới đây thì ở lại đây,

Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.

Anh về răng được mà về,

Non nước lời thề để lại cho ai?


222. Tới nơi đây em chào lê chào lựu,

Em chào kẻ cựu người tân,

Kẻ xa xôi chào trước, người gần chào sau,

Lòng em đây không phụ khó tham giàu,

Phụ bần tham phú, mai sau có trời.
223. Trách đường dây thép không thông,

Gửi thư thư biệt giữ lời lời bay.

Nhạn ơi, trăm sự nhờ mày,

Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng.

Chẳng may chim nhạn lạc đàn,

Chim trời bay mất để chàng chờ mong.



Dây thép: điện tín điện thoại, theo cách gọi của dân gian.
224. Trách thân mà lại giận đời,

Trách người quân tử ra người thờ ơ,

Phòng không để thiếp đợi chờ,

Năm canh vò võ những là thở than.

Nào khi họp mặt chén vàng,

Non nguyền biển hẹn tưởng chàng chẳng quên.

Ai người ra dạ bạc đen,

Sáng bên nhau sao bỏ quên ngãi tình.

Để em vò võ một mình,

Tương tư khắc khoải, thất tình đầy vơi.



225. Trách ai tham đó bỏ đăng,

Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn!


226. Trách ai nỡ phụ duyên tình,

Cho gương mờ đục, cho tình vỡ tan!


227. Trách ai đặt ra lễ cưới,

Oán ai đặt ra tục cheo,

Để cho kẻ khó người nghèo,

Yêu nhau chẳng lấy được nhau,

Bắc Nam cách biệt ngậm sầu đôi nơi!
228. Trách ai vặn khoá bẻ chìa,

Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.

Ta thương mình mình chẳng thương ta!
229. Trách ai người ở hai lòng,

Sang sông rồi nỡ quên công người chèo.


230. Trách cha trách mẹ nhà chàng,

Cầm cân chẳng biết rằng vàng hay thau.

Thật vàng chẳng phải thau đâu,

Dừng đem thử lửa mà đau lòng vàng!



BK: Cầm cân chẳng biết vàng hay thau.
231. Trách mình chẳng trách ai đâu,

Trách tằm bạc nghĩa bỏ dâu không nhìn.

Trách người cầm lái không minh,

Bỏ thuyền vơ vẩn giữa ghềnh bớ vơ!


232. Trách người quân tử bạc tình,

Chơi hoa mà nỡ bẻ cành bán rao!



BK: - Trách người quân tử phụ tình

- Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!


233. Trách người quân tử vung suy

Vườn hoa thiên lý chẳng che mành mành.


234. Trách thân mà lại giận Trời,

Trách chàng quân tử ở ra người thờ ơ!

Phòng không để thiếp đợi chờ,

Năm canh vò võ những lời thở than.

Nào khi họp mặt chén vàng,

Non nguyền biển hẹn, tưởng chàng chẳng quên!

Ai ngờ ra dạ bạc đen,

Sang bên nhan sắc bỏ bên nghĩa tình.

Để cho em vò võ một mình,

Tương tư khắc khoải bệnh thất tình đầy vơi!

Trách thân mà lại giận trời!
235. Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Ví như Lã Bố, Điêu Thuyền gặp nhau!



Lã Bố, Điêu Thuyền: hai nhân vật nổi tiếng thời nhà Hán (Trung Quốc). Lã Bố là một võ tướng tàn bạo và hiếu sắc. Điêu Thuyền là một mỹ nữ tuyệt sắc, con nuôi của đại thần Vương Doãn. Lã Bố cùng cha nuôi ĐổngTrác chuyên quyền loạn triều đình nhà Hán. Để cứu vãn triều đình, Vương Doãn nhờ Điêu Thuyền làm mĩ nhân kế để chia rẽ bố con Đổng Trác và Lã Bố. Kết quả là vì ghen, Lã Bố đã giết Đổng Trác.
236. Trai đâu có thứ hỗn hào,

Trai chưa làm rể đã vào làm dâu!


237. Trai ba mươi tuổi đang xoan,

Gái ba mươi tuổi đã toan về già!



BK: Gái ba mươi tuổi đã toan phận già.
238. Trai hơn vua được lúc đua thuyền rồng,

Gái hơn chồng được lúc bồng con.

Chưa rõ tại sao dân gian dùng lời “hơn” (?). Xin cùng suy nghĩ thêm xem ý “trai hơn vua…” (T.245).
239. Trai khôn kén vợ chợ đông,

Gái khôn kén chồng ở chốn ba quân.



BK: - Trai khôn tìm vợ chợ đông.

- Trai khôn kiếm vợ chợ đông.

- Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.
240. Trai không gái hoá thời chơi,

Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.



BK: - Trai tân gái hoá thì chơi.

- Trai tân gái goá thì chơi

- Đừng chốn có vợ, đừng nơi có chồng!

241. Trai ơn vua chầu chực sân rồng,

Gái ơn chồng ngồi võng ru con,

Ơn vua xem nặng bằng non,

Ơn chồng đội đức tổ tông dõi truyền.

Làm trai lấy được vợ hiền,

Như nắm đồng tiền vớ được của ngon.

Phận gái lấy được chồng khôn,

Xem bằng cá vượt Vũ môn hoá rồng.



BK: Bốn dòng đầu là:

“Trai ơn vua cỡi thuyền rồng,

Gái chịu ơn chồng nằm võng ru con.

Ơn vua xem nặng bằng non,

Ơn chồng nòi giống tổ tông “lưu truyền”.
242. Trai làng ở hoá còn đông,

Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư?

- Ngụ cư có thóc cho vay,

Có lúa bán đầy, em lấy ngụ cư!



BK: Trai làng ở goá còn đông,

Cớ sao em vội lấy chồng ngụ cư?



Bl: Theo phong tục truyền thống thì trai gái cùng làng lấy nhau. Thời xưa người ta cũng hay có thành kiến với dân ngụ cư. Dầu căn cứ vào kinh tế để lấy nhau, lời ca dao trên có tiến bộ và không thành kiến với ngụ cư.
243. Trai làng có thiếu gì đâu,

Sao em vỏng vảnh như cau cuối mùa.

Em còn kén chọn nơi mô,

Làm chi như bún chợ trưa hỡi mình!


244. Trai mô trai không nhớ bạn cũ,

Gái mô gái không nhớ chồng xưa.

Dẫu mà không nên đường chồng vợ cũng đón đưa cho thoả lòng.

Bl: Lời ca dao ca ngợi nếp sống giao tiếp của đôi trai gái dù hai bên không trở thành chồng vợ.
245. Trai ơn vua lúc đua thuyền rồng,

Gái ơn chồng lúc bồng con thơ.


246. Trai tân vợ con chưa có,

Gái thanh nhàn chờ đợi lấy nhau.

Đôi ta cầm đôi dao cau,

Chỉ trời vạch đất lấy nhau phen này.

Chẳng tin đi hỏi ông thầy,

Chàng thì tuổi ngọ em nay tuổi mùi.

Em thì mười sáu đôi mươi,

Chàng nay hai mốt, tốt đôi chăng là?

Chàng về hỏi mẹ cùng cha,

Có cho anh lấy vợ xa hay đừng.

Tay em cầm gói muối gừng,

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Quên nhau em chẳng cho quên,

Có nhớ thì nhớ mới nên vợ chồng.


247. Trai tân lấy gái nạ dòng,

Cơm chan nước lạnh, mặn nồng gì đâu!


248. Trai tân đang đứng đang chờ,

Ai bưng mắt em lại, em lại vơ cha dòng.

- Cha dòng áo rách em thương,

Trai tân quần lượt áo lương không dùng!



Cha dòng: đàn ông chết vợ.
249. Trai tơ lấy phải nạ dòng,

Như nước mắm cốt chấm lòng lợn thiu!



BK: Trai tơ lấy phải nạ dòng,

Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu!



Bl: Ở vế trên của lời ca, có sự đối lập giữa trai tơ (lấy) nạ dòng. Theo logic ấy ở vế dưới của lời ca, lời “nước mắm cốt” đi với “chấm lòng lợn thiu” đúng hơn (ở Nghệ An, dân gian hát “…như nước mắm cốt” logic hơn).
250. Trai tơ ơi hỡi trai tơ,

Đi đâu mà vội mà vơ nạ dòng?

Nạ dòng lấy được trai tơ,

Đêm nằm hí hửng, như vơ được vàng.

Trai tơ vớ được nạ dòng,

Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.

(X. Chú thích T.249)
251. Trao thư thì chẳng muốn cầm,

Thư rơi xuống đất khóc thầm với thư!



252. Trăm năm dù lỗi hẹn hò,

Cây đa bến cũ con đò khác đưa.



253. Trăm năm xe sợi chỉ hồng,

Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời.

Bao giờ tài sắc có lời,

Thì ta lại cởi khuôn trời cho ra.



Chỉ hồng: X. B.84.

BK: Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời.

- Bao giờ từ tạ một lời,

- Thì anh lại mở khuôn trời cho ra.

Bl1: Nếu lời ca dao trên có tính chất định mệnh thì lời bản khác có tính chất hiện thực hơn vì chính người con trai (anh) chứ không phải định mệnh “cởi trói” khuôn trời. Tuy hai lời ca dao được hai cách giải quyết khác nhau nhưng văn hoá giao tiếp, ứng xử khá lịch sự (“có lời”, “tạ từ”).

Bl2: Đây là câu thơ mở đầu truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự:

“Trăm năm xe sợi chỉ hồng,

Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời”

Nếu lời ca dao đủ ý cả bốn dòng thì rất có thể từ lời ca dao này, Nguyễn Huy Tự mở đầu truyện Hoa Tiên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán về tác động của ca dao với văn học viết.


254. Trăm thức hoa đua nở trên cành,

Thung dung Tam bảo chúng sinh đôi đường.

Chớ hoa từ bi kia còn dãi nắng dầm sương,

Hoa lan, hoa huệ anh thương hoa nào?

Anh còn thương hoa mận hoa đào,

Hoa cam, hoa quýt biết vào tay ai?

Hoa đào kia chưa thắm đã phai,

Thoang thoảng hoa lài nó lại thơm lâu.

Ai ơi chớ phụ hoa ngâu,

Hoa bí, hoa bầu cũng gọi là hoa.

Chơi hoa cho biết mùi hoa.

Tam bảo: Ba thứ quý báu của đạo Phật là Phật (ông Phật), Pháp (phép phật), tăng (sư truyền đạo phật). Từ bi: một loài hoa thường trồng trong các chùa.
255. Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.

Xin ai tính cuộc vuông tròn,

Dò sao cho đến ngọn nguồn khúc sông.


256. Trăng bao nhiêu tuổi trăng non,

Người bao nhiêu tuổi hãy còn đương xinh.

Tai nghe lời nói hữu tình,

Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao?


257. Trăng lên đỉnh núi trăng tà,

Anh yêu em thật hay là yêu chơi?


258. Trăng lên trăng sáng bờ thềm,

Uốn tay cho mềm, dệt lụa cho anh.

Quần áo anh, em may em cắt,

Em nhuộm màu vàng thắm sắc hoa vông.

Anh trở về có nhớ em không?
259. Trăng lên khỏi núi trăng tròn,

Xuân xanh em mấy mà giòn rứa em?

- Trên đầu lược giắt trâm cài,

Tảo tần khuya sớm chưa ai chung tình.


260. Trăng lên chưa cao trăng đà vội xế

Đây chưa ở tệ, đó đã vội vong.

Hai ta như chỉ lộn vòng,

Xe chưa đặng mối trong lòng ngại nghi!


261. Trăng mờ vì dám mây che,

Em đây vất vả vì nghề canh nông.

Trăng mờ có lúc lại trong,

Em đây vất vả đỉnh chung có ngày.



Đỉnh chung: Đỉnh là cái vạc bằng đồng, chung là cái chuông bằng đồng. Đời xưa người ta dùng hai vật ấy để ghi công biểu dương, cho nên đỉnh chung có nghĩa là công danh, phú quý.
262. Trăng lên đỉnh núi trăng nghiêng,

Muốn vui với bạn sợ láng giềng mỉa mai!


263. Trắng như bông lòng anh không chuộng,

Đen như cục than hầm làm ruộng khá thương.


264. Trắng như tiên không phải duyên anh không tiếc,

Đen như cục than hầm duyên đẹp thì ưng.



265. Trăng rằm đã tỏ lại tròn,

Củ lang đất cát đã ngon lại bùi.

Em gặp anh đây đã khoẻ lại vui,

Tam tứ sầu giải hết, mặt tươi như thường.


266. Trăng thanh u ám vì nồm,

Đôi ta cách trở vì mồm thế gian!


267. Trăng trăng, nước nước, trời trời,

Người đời chẳng thấy, thấy trời với sao!


268. Trăng thanh nguyệt rạng mái đình,

Chén son chưa cạn, sao tình đã quên?



BK: Trăng lên nguyệt giọt mái đình,

Chén thề non chưa cạn, ngãi chung tình đã quên!


269. Trăng vàng chênh chếch đầu non,

Em ưng thì nói hay còn đợi ai?

Phương đông đã hé sao mai,

Vì em chưa mối để ai ngậm buồn!


270. Trắng chi trắng bủng, trắng xanh,

Thà rằng đen nhánh cho anh phải lòng!


271. Trắng da là đĩ anh ơi,

Đen da thật vợ ở đời với anh!


272. Trâu ta ăn cỏ đồng ta,

Tuy là cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm.


273. Trầu bọc khăn trắng cau tươi,

Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh.

Ăn cho nó thoả tâm tình,

Ăn cho nó thoả sự mình, với ta!


274. Trầu cay mà cuống không cay,

Trách người bạn cũ thẹn thay với người!


275. Trầu đà có đây, cau đà có đây,

Nhân duyên chưa định trầu này ai ăn?

Trầu này trầu túi trầu khăn,

Cùng trầu dải yếm, anh ăn trầu nào?


276. Trầu không ăn vôi ắt là trầu nhạt,

Cau không có hạt ấy miếng cau già.

Mình không lấy ta ắt là mình thiệt,

Ta không lấy mình ta biết lấy ai?



BK: Trầu không vôi ắt là trầu nhạt (không có từ “ăn”).
277. Trầu lên nửa cọc trầu vàng,

Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng!


278. Trầu này trầu quế trầu hồi,

Trầu loan trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.

Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình lấy ta!

Trầu này têm tối hôm qua,

Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng.

Trầu này không phải trầu hàng,

Không bùa không thuốc, sao chàng không ăn?

Hay là chê khó chê khăn,

Xin chàng dừng lại mà ăn miếng trầu!


279. Trầu này không phải trầu hàng,

Mời anh xơi một miếng cho tình càng thắm thiết say mê.

Say mê chỉ bóng trăng thề,

Rồi ta nên đạo phu thê vẹn toàn!


280. Trầu này thực của em têm,

Trầu phú, trầu quý, trầu nên vợ chồng!

Trầu này bọc khăn tơ hồng,

Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây!



Tơ hồng: X.B.84.
281. Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu têm cánh phượng trầu mình trầu ta.

Trầu này trong tráp bỏ ra,

Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng!


282. Trầu này cúc, trúc, mai, đào,

Trầu này thục nữ anh hào xứng đôi.

Trầu này trầu quế trầu hồi,

Trầu này thục nữ ước người trượng phu.



Thục nữ: người đàn bà hiền lành, thuần hậu. Anh hào: người có tài đức hơn người (hơn cả anh hùng, hào kiệt). Trượng phu: người đàn ông (nói chung có tài, đức); người đàn ông hiên ngang.
283. Trầu vàng ăn với cau sâu,

Lấy chồng thua bạn thêm sầu mà hư!


284. Trầu vàng còn để trong cơi,

Anh kia đũa mốc chớ chòi mâm son!

- Trầu vàng đâu ở mãi trong cơi,

Sợ mai trầu héo trời ơi là trời!


285. Trầu vàng sao cuống không vàng,

Sao mình không thẹn cả làng thẹn thay?

Trầu cay sao cuống không cay,

Sao mình không thẹn, ta thẹn thay cho mình!


286. Trầu xanh, cau trắng, chay vàng,

Cơi trầu bịt bạc, thiếp với chàng ăn chung!

Trầu xanh, cau trắng, chay hồng,

Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.


287. Trèo lên cái cột le te,

Phải đôi thì lấy chớ nghe bạn dèm.


288. Trèo lên cây khế nửa ngày,

Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

Mặt trăng sánh với mặt trời,

Sao hôm sánh với sao mai chằng chằng.

Mình ơi có nhớ ta chăng?

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.



Sao Mai: Xuất hiện lúc gần sáng là Kim tinh. Sao Hôm: xuất hiện vào chập tối (sao Hôm, sao Mai chỉ là một).
289. Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!

- Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như cá vào lồng, như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,

Chim vào lồng biết thuở nào ra.



BK: - Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân.

- Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc.

- Nụ tầm xuân hoa ra cánh biếc.

- có chồng anh tiếc lắm thay.

- Ba đồng một trầu cay.

- Ba tiền một bị trầu cay.

- Vẽ gì một miếng trầu cay

- Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.

- Như chim vào lồng như cá mắc câu.

Bl: Lời ca dao về tình yêu lứa đôi được đánh giá là một trong những lời ca dao hay nhất (có thể xem bình luận ở “Kho tàng ca dao người Việt”, tập 2, trang 2903) chúng tôi cho rằng lời ca dao này là lời luyến tiếc của đôi trai gái yêu nhau mà rồi vì lý do nào đó không lấy được nhau. Đôi bên đều đau khổ về tình duyên của mình, tuy nhiên đối với người con trai sự luyến tiếc ấy không kèm theo những u sầu đau thương với hình ảnh “chim vào lồng” và “cá cắn câu”!
290. Trèo lên cây mít ít múi nhiều xơ,

Con gái lẳng lơ, trai tơ bậy bạ,

Con gái nhu mì, trai đã dám đâu!
291. Trèo lên cây gạo con con,

Muốn lậy vợ giòn phải nặng tiền cheo.

- Nặng là bao nhiêu?

- Ba mươi quan quý

Mẹ anh có ý mới lấy được nàng.

Mai mẹ anh sang,

Mẹ nàng thách cưới,

- Bạc thì trăm rưỡi,

Tiền chín mươi chum,

Lụa thì chín tấm cho dày,

Trâu bò chín chục đuổi ngay vào làng.

Anh sắm được anh mới hỏi nàng,

Nếu không sắm đủ, chớ vào làng làm chi!

Cheo là tiền bên nhà trai phải nộp cho làng bên gái khi xin cưới vợ. Ngoài tiền cheo còn có tiền cưới khi xưa thường do bên người con gái đòi hỏi gọi là thách cưới. Mọi quy định này cùng với lễ nghi rườm rà thường gây trở ngại cho tình yêu giữa đôi trai gái. Ngày nay các tục lệ này đã bỏ theo luật hôn nhân gia đình, tuy nhiên vẫn còn rơi rớt cần được đấu tranh để huỷ bỏ.


292. Trèo lên cây khế giữa ngày,

Váy thì trụt mất, lưỡi cày tụt ra,

Lưỡi cày ba góc chẻ ba,

Muốn đem đòn gánh mà va lưỡi cày!



Bl: Như lời ca dao này cũng đáng liệt vào loại “tiếu lâm” khá “quấy” bạn nhỉ!
293. Trèo lên trái núi Thiên Thai,

Thấy đôi con chim loạn phượng ăn xoài trên cây.

Đôi ta đã gặp nhau đây,

Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng.



Thiên Thai: Núi ở Gia Lương thuộc Bắc Ninh.
294. Trên có ông xanh cao rộng,

Dưới có biển lặng sông trong,

Em mà ăn ở hai lòng,

Trời tru đất diệt không mong thấy chàng.


295. Trên chùa có sãi mười ba,

Có sư mười bốn vãi già mười lăm.

Muốn cho một tháng đôi rằm,

Trước là lễ Phật sau thăm vãi già!

Lời ca dao này cũng là lời hát chèo do Thị Mầu lẳng lơ hát ghẹo tiểu Kính Tâm (trong vở chèo Quan Âm Thị Kính).
296. Trên đầu em đội khăn vuông,

Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non.

Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,

Mặt mũi vuông vắn, chồng con thế nào?


297. Trên đời gì rẻ bằng bèo,

Chờ khi nước lụt bèo trèo lên sen.

Trên đời gì đẹp bằng sen,

Quan yêu dân chuộng rả bèn cũng hư!



Bl: Hình ảnh hoa sen thường ít được so sánh với tình yêu nhưng ở đây được hiểu ý không đẹp do tác động “xấu” của bèo.
298. Trên rừng có cây bông kiểng,

Trước biển có cá hoá long,

Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,

Anh đi lục tỉnh giáp vòng,

Tới đây trời khiến cho lòng thương em.

Lục tỉnh: sáu tỉnh, tên cũ của Nam bộ gồm: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên (dưới triều Minh Mạng). Có nơi ghi Châu Đốc là An Giang.
299. Trên rừng ba mươi sáu thứ chim,

Thiếu gì loan phượng, đi tìm quạ khoang?

Quạ khoang có của có công,

Tuy rằng loan phượng nhưng không có gì!


300. Trên trời có cô sao băng,

Ở dưới đồng bằng có cô rỗ hoa,

Tua rua trên bốn dưới ba,

Sao Mai sao Vượt xe ta lấy mình.

Nam Tào Bắc Đẩu nhị tình,

Sao Ngưu, sao Nữ xe mình lấy ta,



Nam Tào, Bắc Đẩu: tên hai ngôi sao đồng thời là tên hai vị quan trên trời trông coi việc sống chết của trần gian. Sao Ngưu:sao Ngưu Lang, Sao Nữ: Sao Chức Nữ.
301. Trên trời có ông sao băng,

Ở dưới đồng bằng có kẻ hái hoa.

Người ấy mà về tay ta,

Trồng mía, mía tốt, trồng cà cà sai.

Người ấy mà đi lấy ai,

Trồng mía, mía xấu, trồng khoai, khoai hà!

Cấy lúa lúa chẳng nở cho,

Mất ba đấu mạ cho bò nó ăn.

Ngày ai cây lúa lăn tăn,

Con chuột nó rúc thì ăn bằng gì?

Nuôi con, con chẳng biết đi,

Trăm đường thiệt cả lấy gì là hơn.


302. Trên trời có chín tầng mây,

Anh còn trèo được nữa duyên cô mình!



303. Trên trời có đám mây vàng,

Bên sông nước chảy có nàng quay tơ.

Nàng buồn nàng bỏ quay tơ,

Chàng buồn chàng bỏ thi thơ học hành.

Nàng buồn nàng bỏ cửi canh,

Chàng buồn chàng bỏ học hành chàng đi!


304. Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng.

Ước gì anh lấy được nàng,

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.

Xây dọc rồi lại xây ngang,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Có rửa thì rửa chân tay,

Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh!



BK: Ước gì ta lấy được nàng,

Thì ta mua gạch Bát Tràng về xây.



Bát Tràng: tên thôn, nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, nằm sát sông Hồng, có nghề làm đồ gốm nổi tiếng.
305. Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.

Anh đây để ý thương nàng,

Khó khăn không ngại, bạc vàng chẳng ham!


306. Trên trời có ông sao băng,

Ở dưới đồng bằng có cô rỗ hoa.

Ta về ta bảo mẹ ta,

Giết lợn đi cưới, giết gà đi cheo.

Đầu lợn lớn hơn đầu mèo,

Làng ăn không hết đem treo cột đình.

Ông xã đánh trống thình thình,

Quan viên mũ áo ra đình tế vua!


307. Trên vườn rau cải, dưới lại rau cần,

Cây mơ cây mận ở gần bờ ao.

Đầu làng có cây đa cao,

Trăng thanh gió mát lọt vào tận nơi.

Nhà anh có cái giếng khơi,

Nhác trông xuống giếng có đôi cành hồng.

Em nay là gái chưa chồng,

Anh không có vợ, dốc lòng chờ nhau!


308. Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái, như ai không chồng.

Gái có chồng như gông đeo cổ,

Gái không chồng như phản gỗ long đanh.

Phản long đanh anh còn chữa được,

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi,

Không chồng khốn lắm chị em ơi!

BK: - Gái có chồng, như gông quàng cổ

- Gái không chồng như ván gỗ long đanh.

- Trai không vợ như phản gỗ long đanh.

­- Ván long đanh anh còn chữa được.

- Có chồng thoả lắm em ơi!

Bl: Dân gian thường hát lời trên đây, nhiều sách sưu tầm ca dao tình yêu cũng dẫn trích lời này, đó là tâm trạng của người phụ nữ không may ế chồng. ở một số bản khác lại nói đến trai không vợ có thể không lô gích!


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương