HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang5/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Qua thống kê khảo sát trên đây, có thể nhận thấy:

- Động từ “thương” xuất hiện nhiều nhất, nếu cộng thêm từ “yêu” (cùng nghĩa) thì ta có tổng số xuất hiện cao nhất (141 + 41 = 182) lời ca dao có động từ “thương, yêu”.

Giải thích về sự tìm bạn tình, về tạm biệt chia tay là những động thái không thể thiếu trong quan hệ tình yêu lứa đôi, được thể hiện trong:.

- Động từ “ngó” (99 lời) có thể là động thái chưa tiếp xúc, chưa xác định nhưng không thể thiếu khi đi tìm người tình!

- Các động từ “gặp” (55 lời) “chờ” (16 lời) rồi “nhớ” (57 lời) phải chăng phản ảnh quan hệ tốt đẹp trong ca dao tình yêu lứa đôi?

- Động từ “trách” có nội dung rất đa dạng, phong phú - trai trách gái, gái trách trai không vẹn tình yêu; trai, gái trách cha mẹ tham giàu làm lỡ duyên con, trách dư luận bày chuyện xấu để đôi trai gái nghi hoặc nhau; trách tục lệ cưới, cheo tốn kém mà bên trai không kham nổi; trách Trời, giận Trời; trách ông Tơ, bà Nguyệt không xe đôi trai gái với nhau; trách duyên, trách số đượm mầu sắc tâm linh; trai gái lại trách cảnh vật nào gà gáy, chó sủa lỡ cuộc gặp gỡ, trách nhện giăng tơ cách bức, trách khóa lìa chìa, và cuối cùng cả trai lẫn gái đều biết trách mình không chủ động, không chín chắn trong tình yêu…

- Động từ “buồn” với số lượng ít (16 lời) góp phần phản ảnh quan hệ “không thành” trong tình yêu lứa đôi, phù hợp với những nhận xét về ca dao tình yêu lứa đôi “không thuận lợi” (X.phụ lục 1 cuối phần I).

3. Ngôn ngữ miêu tả con người, cảnh vật cây cỏ hoa lá ở nông thôn trong ca dao tình yêu lứa đôi

Nếu xét về số lượng, kể cả ca dao sau cách mạng tháng Tám 1945, thì có thể khẳng định tuyệt đại bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng chủ yếu phản ánh đời sống nông thôn Việt Nam, của hai nhân vật trữ tình trai và gái của nền nông nghiệp nước ta. Ca dao đó phản ánh mọi vẻ đẹp của trai gái, đặc biệt là người con gái nông thôn mạnh khỏe, duyên dáng, giàu vẻ đẹp của người lao động, có tình yêu trong sáng, chung thủy tập trung ngoại hình nội tâm ở lời ca dao quen thuộc:

+ Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên…

…………………………………………….(1)

Con trai Việt Nam được ca dao nói đến giàu lòng yêu nước và chung thủy trong tình yêu, nhận thức và tình cảm rất rõ trong quan hệ giữa “nước” và “nhà” khi đất nước có nạn xâm lăng của ngoại bang. Trai và gái Việt Nam ở nông thôn đều cần cù lao động, họ yêu nhau trong bối cảnh lao động, tình yêu gắn liền với sản xuất:

+ Cô kia đi đường này với ta,

Trồng đậu đậu tốt trồng cà cà sai.

Cô kia đi đường ấy với ai,

Trồng bông bông héo trồng khoai khoai hà!

+ Đôi ta bắt gặp nhau đây,

Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang…

Nông thôn miền Bắc, miền Trung của nước ta đâu đâu cũng có lũy tre xanh bao bạc quanh làng, có đình để hội họp, có chùa để thờ Phật độ trì cho quốc thái dân an, có nhà thờ họ tộc để nhớ ơn tổ tiên, tuy từ thế kỷ XVI, XVII đã có nhà thờ Thiên Chúa giáo, Tin Lành nhưng chưa thấy mặt trong ca dao như những di tích, công trình văn hóa nói trên. Ở miền Nam nước ta, với lịch sử trên dưới ba trăm năm, vẻ đẹp của giồng, của kinh rạch cũng đã có mặt trong ca dao vùng đồng bằng Nam Bộ. Sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp thì đâu đâu cũng có được phản ánh trong ca dao tình yêu, vợ chồng. Nói đến các sản phẩm này, ca dao, kể cả ca dao tình yêu nam nữ, vợ chồng gần như bao giờ cũng gần gũi với con người bởi một lẽ dễ hiểu là thiên nhiên ban cho một phần còn một phần là do con người lao động mà có.

Khổng Tử đã bàn về Kinh Thi “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhỉ nhị sự phụ, viễn như sự quân, đa thức ư điểu thú, thảo mộc chi danh” (Luận ngữ, Dương hóa) tạm dịch là “Kinh Thi có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông, cỏ cây”. Riêng về cảnh vật, nếu so sánh với hoàn cảnh nông nghiệp, nông thôn…thì ca dao của người Việt phong phú hơn nhiều. Chỉ riêng trong ca dao tình yêu lứa đôi hôn nhân, vợ chồng cũng đã thấy các hiện tượng thiên nhiên như trăng, sao, mây gió, nắng mưa… các thực vật, động vật như cỏ cây hoa lá, chim cá, rồng phượng, các công cụ sản xuất nông, ngư như cày bừa, thuyền lưới, các công trình kiến trúc như đình, chùa miếu mạo, rồi các dụng cụ sinh hoạt gia đình, vợ chồng như mâm bát, giường màn, chăn chiếu, khăn áo… Văn hóa vật thể đã làm nền, làm đối tượng cho nhiều ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng (văn hóa phi vật thể) bằng phương pháp “biểu hiện” hoặc “tạo hình”, trực tiếp hoặc gián tiếp bằng so sánh, ẩn dụ… Chỉ ví dụ về “chiếc áo” thôi cũng thấy phải chăng đây là vật thể “môi giới” của tình yêu lứa đôi, từ chiếc áo “qua cầu gió bay”, chiếc áo trong “bài ca xin áo” ở miền Bắc đến chiếc áo bà ba trong lời ca ở miền Nam:

+ Áo đen ai nhuộm cho mình,

Cho duyên mình đậm cho tình mình say.

Đẹp nhất và được ca dao tình yêu lứa đôi nói đến là “hoa” khi trực tiếp miêu tả, so sánh, khi gián tiếp ẩn dụ, hiểu ngầm bằng các thủ pháp mĩ từ trong quan hệ với các cô gái, với phụ nữ. Hoa tràn đầy trong ca dao xưa, nhiều hoa được kể đến hoặc vì sắc hoặc vì hương hoặc vì cả sắc lẫn hương. Tuy nhiên, nông dân ta nói riêng, nhân dân ta nói chung quý hương hơn sắc (cùng như họ ca ngợi “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”):



+ Hoa thơm trồng giữa cành rào,

Gió nam, gió chướng, gió nào cũng thơm!

+ Hoa thơm thơm nức cả rừng,

Ong chưa dám đậu, bướm đừng nôn nao!

+ Hoa thơm ai chẳng nâng niu,

Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề!

Phải chăng, đây là một nét đẹp tâm hồn trong văn hóa dân gian Việt Nam?

Nói đến hương sắc các loài hoa trong quan hệ với phái đẹp, ca dao cũng đánh giá đúng mức để liên hệ với tình, với tính của con người. Tuy nhiên cũng tùy người, tùy cảnh trong cảm nhận loài hoa:

+ Hoa lý là chị hoa nhài,

Hoa lý có tài, hoa nhài có duyên.

+ Thiếu chi hoa lý, hoa lài,

Mà anh lại chuộng hoa khoai ngoài đồng.

- Hoa khoai là ngọc của trời,

Hoa lài, hoa lý hữu tình mà lại vô duyên!

+ Hoa lý ngàn dặm thơm xa,

Hoa đèn thấp thoáng trong nhà cậy trông.

Hoa gạo nó nở hồng hồng,

Mùi thơm chẳng có trông mong nỗi gì!

Hoa sói nó nở như ri,

Ai mà qua đó bước đi chẳng rời!

Hoa xuân thơm nhất trên đời,

Vua quan cũng chuộng ước ao sở cầu.

Hoa nhài thoang thoảng thơm lâu,

Được các cô hầu bẻ lấy cầm chơi.

Tuy “hoa lý là chị hoa nhài” nhưng đã nói đến hoa trong ca dao tình yêu lứa đôi của người Việt không thể không nói đến hoa nhài bởi “hoa nhài có duyên”, “miệng em cười như cánh hoa nhài” “thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu”, “thơm xa”(1):



+ Đôi ta lấm tấm hoa nhài,

Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời!

+ Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài,

Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang.

Với hoa hồng, ca dao về tình yêu lứa đôi đã nói gì? Ai cũng biết ở phương Tây, người ta chọn hoa hồng để nói về tình yêu lứa đôi, ca ngợi bằng so sánh hoặc ẩn dụ với sắc đẹp của người phụ nữ còn ở Việt Nam ta, trong cuộc sống hiện đại, nam nữ thanh niên yêu nhau, nam tặng hoa hồng cho nữ có lẽ đã chịu ảnh hưởng “Âu hóa” theo phương Tây. Tuy nhiên, cũng có lời ca dao khá lý thú và đông - tây gặp nhau ở đây khi ta đọc:



+ Thân em như cánh hoa hồng,

Anh xem cho kỹ kẻo mắc đường chông gai!

Và khi ta đọc lời ngạn ngữ Pháp “Không có hoa hồng nào là không có gai” (Pas de rose sans épine).

Với hoa sen, loài hoa của nhà chùa, cốt cách tinh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng được những lời miêu tả của ca dao:

+ Hoa sen, hoa khéo giữ màu,

Nắng hồng không nhạt, mưa dài không phai.

+ Hoa sen mọc bãi cát lầm,

Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.

Nhân đây, xin nói về hoa cây “sen đất”. Cây sen đất hiện nay chỉ còn tại vườn chùa Bối Khê (Thanh Oai - Hà Tây cũ). Cây sen đất có thân mộc, hoa giống hoa ngọc lan, hương thơm thoang thoảng, cánh trắng, nhụy vàng. Sen đất khác hẳn với sen hồ (cộng thẳng mà thường dễ gãy, không có cành)(2). Lâu nay, trong nhiêu bài viết về lời ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” (còn gọi là “Bài ca xin áo”) các nhà bình luận văn chương, kể cả trong sách giáo khoa lớp 10, đều cho rằng “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” là hoa sen dưới hồ, từ đó dùng lời văn hoa để ca ngợi nào khung cảnh “có mái đình cổ kính, có hồ nước trong mát, có hoa sen thơm ngát”, nào “trong cái bối cảnh làm ta tin rằng không hề ngụy tạo kia, bỗng thấy “đung đưa một cành hoa sen” và cho rằng “cái đung đưa rất hữu lý”, hoặc cho rằng tác giả dân gian “bày đặt” hoa sen hồ để đi đến chuyện “bỏ quên cái áo” hoặc “người đọc không mấy ai căn vặn hoa sen làm gì có cành” mà “tiếp nhận hình ảnh này một cách tự nhiên như là một cách nói hoa mĩ”…May thay, chỉ có Hoàng Tiến Tựu hoài nghi về “cành hoa sen” không thể là sen hồ, sen đầm, ông còn dẫn lời ca dao “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” (ca dao Thanh Hóa)(1). Đó là một hoài nghi khoa học mà nay đã có lời giải, đó là cây sen đất, có thực trong khung cảnh “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”. Đây là phong cảnh lao động của người nông dân, chẳng lãng mạn và cũng chẳng hoa mĩ chút nào!

Cùng với hoa, ca dao tình yêu lứa đôi còn nói đến các loài cây như “tùng - bách”, “trúc - mai”, “đào - mận”, “đào - liễu”, gắn bó với nhau như tình duyên trai gái hoặc chim chóc kết hợp với cây cối như “loan phượng - ngô đồng”… vừa làm cho sắc màu ca dao tình yêu thêm tươi đẹp vừa ẩn dụ bao điều “khó nói” trong giao tiếp, giao duyên…

II. Kết cấu của ca dao người Việt về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng

1. Về kết cấu “phú - tỉ - hứng” của ca dao:

Trong nhiều công trình khoa học nghiên cứu về Kinh thi ở Trung Quốc, các tác giả đều có đề cập đến kết cấu “Phú - Tỉ - Hứng” của Kinh Thi. Giáo trình Văn học Trung Quốc của Khoa Văn Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng giải nghĩa về kết cấu này, tóm tắt như sau: Đó là những phương pháp hình tượng hóa dùng trong dân ca Kinh Thi không giống phương pháp của các văn sĩ. “Phú” là phô bày, mô tả, muốn nói về người nào thì nói ngay về người ấy, nghĩ thế nào thì nói thế ấy. “Tỉ” là ví, so sánh, trong thế này muốn nói gì không nói thẳng ra lại mượn một sự vật ở bên ngoài để bày tỏ ý muốn nói ở bên trong. “Hứng” là khêu gợi, sự vật bên ngoài khêu gợi tình cảm bên trong. Giáo trình kết luận: “Ba thể “phú, tỉ, hứng” của dân ca trong Kinh Thi đã làm phong phú phương pháp biểu đạt. Tác dụng của nó là chỉ trong một bài rất ngắn năm hoặc mười câu cũng có thể tạo nên những hình ảnh sinh động, phong phú, có sức hấp dẫn. Phương pháp này cũng là phương pháp chủ yếu của ca dao Việt Nam” (2). Trong sách “Việt Nam văn học sử yếu” Dương Quảng Hàm từ trước cách mạng tháng Tám 1945 cũng đã đề cập đến “Phú, tỉ, hứng” của ca dao Việt Nam. Vũ Ngọc Phan trong sách “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam”, cũng đã phân tích sâu sắc các thể này mà ông gọi là “Mấy thể cổ điển của ca dao” - Đặc biệt Vũ Ngọc Phan đã phân tích và dẫn chứng phương pháp “tỉ” (trực tiếp và gián tiếp) của kết cấu ca dao. Giáo trình “lịch sử văn học Việt Nam” của Khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã đề cập phương pháp “Phú - Tỉ - Hứng” khi phân tích nghệ thuật của ca dao và khẳng định đây là cách cấu tứ của ca dao Việt Nam(1).

Nghiên cứu kết cấu của ca dao Việt Nam trong chuyên luận này, chúng tôi có trao đổi vấn đề “phú - tỉ - hứng” với GS. Nguyễn Khắc Phi. Ông cho rằng “Phú - Tỉ - Hứng” là phương pháp đặc thù của sáng tác nghệ thuật ca dao dân ca ở Trung Quốc (trong Kinh Thi) và ở ta (trong ca dao), xem như là tư duy sáng tạo nghệ thuật của dân gian, là sự gặp nhau trong phương pháp sáng tác ca dao, dân ca. Còn về thuật ngữ “Phú, tỉ, hứng” đó là thuật ngữ do các nhà nghiên cứu về Kinh Thi đặt ra và được ta sử dụng.

Góp phần khẳng định phương pháp kết cấu của ca dao Việt Nam, trong chuyên luận này, chúng tôi chọn mẫu từ 1106 lời thuộc vần T của sách “Ca dao về tình yêu lứa đôi”(2) (Số lời ở vần T sách này là 1111 lời, có lẫn 6 tục ngữ, còn 1106 lời ). Do cấu tứ linh hoạt để diễn đạt tâm lý, tình cảm của nam và nữ nên các lời ca dao dù chỉ trong một cặp lục bát thôi có khi cũng có sự kết hợp uyển chuyển giữa phú - tỉ - hứng và cũng có lúc chỉ có “phú” hoặc chỉ có “tỉ”. Riêng về “hứng” trong 1106 lời vần T không có lời nào chỉ thể “hứng” đơn thuần. Điều này cũng dễ hiểu vì khi sáng tác ca dao, tác giả dân gian không bao giờ hứng khởi để không nói đến một nội dung được quan tâm. Ngay trong văn học viết, có không ít bài thơ có đầu đề là “Ngẫu hứng” nhưng nội dung mà tác giả muốn nói lại được thể hiện rõ nét trong bài thơ (có ý nghĩa như “phú”). Có thể lấy bài “Ngẫu hứng” của Nguyễn Du làm dẫn chứng:



Lô hoa sơ bạch cúc sơ hoàng,

Thiên lí hương tâm dạ cộng trường.

Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt,

Lục âm trùng điệp bất di quang.

Tạm dịch: Ngẫu hứng



Hoa lan vừa trắng, cúc vàng tươi,

Muôn dặm tình quê đêm chẳng vơi,

Gượng dậy đẩy song ngắm ánh nguyệt,

Cây xanh trùng điệp khuất trăng soi.

Tuy tác giả đặt đầu đề bài thơ là “Ngẫu hứng” nhưng câu tứ của bài thơ đâu chỉ là những hình ảnh gợi hứng như lan, cúc, ánh trăng mà đáng chú ý là hai từ “hương tâm” (tình quê) là nhãn tự của bài thơ. Có thể khẳng định kết cấu độc lập thể “hứng” trong ca dao là không có, nếu có thì “hứng” kết hợp với “tỉ” (so sánh hoặc ẩn dụ).

Qua chọn mẫu để khảo sát thống kê số lời ca dao (chữ cái tiếng Việt) của sách “Tình yêu lứa đôi trong ca dao Việt Nam(1) với 1106 lời vần T (như đã nói trên) trên tổng số lời 4921 của cuốn sách (có thể lẫn hơn 10 tục ngữ), chiếm ≈ 22,50% tổng số lời ca dao, thì số ca dao theo các kết cấu “Phú”, “Tỉ”, “Tỉ - Phú”, “Phú - Tỉ”, “Hứng - Phú”, “Hứng - Phú - Tỉ” tần số xuất hiện của ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng nhiều ít như sau:


Kết cấu

Số lời

Tỷ số

Tỉ lệ

Ví dụ

Phú

682

682/1106

61,6%

+ Ta không trách kẻ bạc tình,
Mà ta chỉ trách sao mình quá yêu!

Tỉ

42

42/1106

3,88%

+ Tiếc bông sen nở chen bông súng
Tiếc phượng hoàng đậu trúng nhánh tùng khô
(ẩn dụ)

Tỉ - Phú

146

146/1106

13,2%

+ Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
+ Thân em như thể trăng rằm,
Mây đen có phủ không lầm giá trong.
Duyên kia dứt mối chỉ hồng,
Để anh nối lại thỏa lòng ước mơ!

Phú - Tỉ

135

135/1106

12,2%

Thương em bất luận xấu xinh,
Lá giang nấu với cua kình vẫn ngon!

Hứng-Phú

97

97/1106

8,77%

+ Thả buồm ra ngân nga trời gió,
Biết dạ anh rồi, thương đó bỏ đây.

Hứng-Phú-Tỷ

1

1/1106

0,09%

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
…Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
…Như chim vào lồng như cá cắn câu…(2)
………


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương