HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT


CHƯƠNG IV QUAN HỆ GIỮA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT



tải về 2.81 Mb.
trang4/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

CHƯƠNG IV
QUAN HỆ GIỮA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI, HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT

I. Lòng yêu nước, tình cảm lớn nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam

Văn hóa dân tộc Việt Nam ta trong đó cốt lõi quan trọng là văn hóa dân gian đã hình thành và phát triển trải qua mấy nghìn năm lịch sử cho thấy để dựng nước và giữ nước, lòng yêu nước của nhân dân ta đã trở thành truyền thống quý báu và thiêng liêng nhất, do phải liên tục đấu tranh với thiên nhiên và nhất là phải chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đó là tình cảm trội nhất trong mọi tình cảm của nhân dân ta. Theo Lê-nin, lòng yêu nước hay chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất, do việc có riêng Tổ quốc trong hàng thể kỷ, hàng nghìn năm, củng cố(1). Nhận định đó hoàn toàn đúng với Tổ quốc Việt Nam ta, lại nữa, Tổ quốc, đất nước ta thường bị giặc ngoại xâm nên lòng yêu nước của dân tộc ta, nhân dân ta càng thêm được bền vững - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”(2). Lòng yêu nước đó có cơ sở vững chắc từ tình thương yêu đồng bào, là chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, cố kết thành một cộng đồng vững chắc, đoàn kết, “thương người như thể thương thân” trong quan hệ “nhà - làng - nước” - Nhà tức là gia đình, bắt nguồn từ tình yêu lứa đôi đi đến hôn nhân, phát triển nòi giống dân tộc.

Trong trường kỳ lịch sử của dân tộc và đất nước Việt Nam ta, nhân dân ta phải liên tục chống ngoại xâm, ở thiên niên kỷ thứ nhất phải chống phong kiến Hán, Tùy, Đường, ở thiên niên kỷ thứ hai phải chống phong kiến Tống, Nguyên, Minh, Thanh từ phương bắc xuống xâm lăng nước ta và từ thế kỷ XIX, XX nhân dân ta lại phải chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Đánh giá khách quan như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau song hào kiệt đời nào cũng có”. Hào kiệt cùng với cả dân tộc đã chiến thắng quân thù xâm lược đến từ nhiều phía, đã ghi được nhiều chiến thắng vẻ vang, chiến công hiển hách. Trong lịch sử hiện đại của nước ta dưới thời đại Hồ Chí Minh lòng yêu nước của nhân dân ta đã trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

* Quan hệ giữa lòng yêu nước và tình yêu lứa đôi, vợ chồng, gia đình được dân gian nhận thức và giải quyết như thế nào?

Như đã nói trên, lòng yêu nước của nhân dân ta thiêng liêng và cao cả luôn ở vị trí thứ nhất của mọi tình cảm của nhân dân ta: Với dân tộc ta, nhân dân ta, ở mức độ khác nhau ai cũng có nhiệt tình yêu nước, bảo vệ đất nước, nhưng lực lượng thanh niên của dân tộc ta với lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và sức khỏe tốt, luôn là lực lượng quan trọng nhất. Tuy nhiên, thanh niên còn có tình yêu lứa đôi, có quan hệ hôn nhân, gia đình. Vấn đề đặt ra là nam nữ thanh niên biểu hiện tình cảm của mình như thế nào khi có chiến tranh chống ngoại xâm? Có thể thấy rất rõ tình cảm yêu nước của họ qua ca dao, dân ca của các dân tộc trên đất nước ta nói chung và của người Việt nói riêng:



+ Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống Đông, Đông tỉnh lên Đoài, Đoài tan.

Ở các giai đoạn lịch sử có nạn ngoại xâm, toàn dân quyết tâm chống giặc dưới sự lãnh đạo của các anh hùng dân tộc cứu nước, tập hợp được toàn dân tộc thành một khối để chống giặc thì tinh thần yêu nước đặc biệt của thanh niên (kể cả nam và nữ) lấn át mọi tình cảm khác như tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, tình thương con cái non dại, tình yêu cha mẹ tuổi cao sức yếu… Đó là tinh thần hy sinh vì chính nghĩa để bảo vệ đất nước. Sự hy sinh đó hoàn toàn tự giác mặc dù có lúc họ được động viên tinh thần như lời hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên, nếu giết hết giặc Nguyên Mông thì “chẳng những gia quyến ta được êm ấm gối chăn mà vợ con cái người cũng được bách niên giai lão” hoặc khuyên “chớ quyến luyến vợ con mà xao lãng việc binh cơ”…có thể xem đó là những tác động bên ngoài làm tăng thêm lòng yêu nước cho thanh niên đang quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm.

Ca dao nói về mối quan hệ giữa Tổ quốc với tình yêu trai gái, với tình cảm gia đình trong văn hóa dân gian của ta, xét về thời điểm, giai đoạn lịch sử có thể được dân gian sáng tác và truyền cho nhau từ thế kỷ XVI cho đến nay.

Cũng có lúc thanh niên phải làm nghĩa vụ công dân cho tập đoàn phong kiến này hoặc tập đoàn phong kiến khác và họ phải tuân lệnh ví như tình cảnh của thanh niên nông dân phải đi lính cho nhà Mạc ở Cao Bằng vào thế kry XVII (nhà Mạc thua chúa Trịnh nên phải lên Cao Bằng):



+ Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Hoặc tuân lệnh tập đoàn phong kiến, thanh niên phải xa vợ con, ví như:



+ Bao giờ hết giặc thằng Khôi,

Hạ thành Gia Định, chồng tôi mới về.

II. Lòng yêu nước của dân tộc ta khi có ngoại xâm được phản ánh trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng

Quan trọng hơn hết là các thời kỳ dân tộc ta chống ngoại xâm như đã nói trên. Về nội dung này, ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng không nhiều như các truyền thuyết, cổ tích…ở các thế kỷ trước nhưng từ thế kỷ XVIII, đặc biệt trong thế kỷ XIX, XX thì khá đậm nét. Xin được tìm hiểu ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng, gia đình ở xã hội nước ta, đặc biệt từ sau 1945 trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, thống nhất đất nước năm 1975.

Từ 1858 thực dân Pháp chính thức đánh vào Đà Nẵng, vũ trang xâm lược nước ta, đến 1883 thực dân Pháp chính thức đặt nền thống trị nước ta. Trước đó, dưới sự lãnh đạo của phong trào Cần Vương Hàm Nghi, sĩ phu yêu nước Nam, Trung, Bắc và tiếp đó nhiều cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước, nhân dân đã nổi dậy trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và vua quan Nam triều, mãi đến 1930-1945 với sự thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, 1945 với cách mạng tháng Tám mới giành được độc lập cho tổ quốc, chấm dứt chế độ thống trị của Pháp, Nhật và chế độ phong kiến ở nước ta. Trong quá trình đấu tranh yêu nước và cách mạng suốt một trăm năm đó, thanh niên yêu nước đã hy sinh tình cảm lứa đôi, vợ con tham gia cứu nước, và không thiếu ca dao, dân ca về nội dung này, đã phản ánh:



+ Dân ta cùng nợ nước non,

Chàng đà trả sạch, thiếp còn long đong.

Bao giờ sông lặng nước trong,

Bõ người chèo lái đêm đông nhọc nhằn.

+ Đi đâu lật đật hỡi ai,

Mũi tên hòn đạn cho người này theo.

Lênh đênh mặt nước một chèo,

Non sông gánh nặng vẫn đeo bên lòng(1).

Suốt cả trăm năm chống thực dân Pháp và trong chiến tranh thế giới chống phát xít Nhật, thơ văn công khai, thơ văn trong tù rất nhiều đã tuyên truyền động viên kêu gọi thanh niên yêu nước nổi dậy theo các cuộc khởi nghĩa suốt Trung, Nam, Bắc chống lại ách thống trị của Pháp và chế độ vua quan bù nhìn triều Nguyễn. Tuy nhiên, dưới sự thống trị của Pháp ví như trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) ca dao đã phản ánh việc thanh niên ta bắt buộc phải từ giã vợ con, gia đình, là ca dao phản chiến, không đi lính cho Pháp. Nhưng chính thống vẫn là ca dao chống Pháp rồi chống Nhật. Không ít lời ca dao về chủ đề này, cùng với tình nguyện của thanh niên còn có lời động viên của bao người mẹ, người vợ yêu nước:



+ Đồng bào đau nhức mươi phần,

Con còn nghi hoặc ngại ngần mãi sao?

Cùng hai mươi lăm triệu đồng bào,

Con mau đứng dậy phất cao cờ hồng.

Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước của nhân dân ta, của thanh niên ta được nâng cao. Là con người, chắc chắn thanh niên nam nữ có nghĩ đến tình yêu, tới hôn nhân, vợ chồng nhưng những tình cảm này chỉ có thể tốt đẹp khi quốc gia được độc lập. Nước có độc lập thì dân mới có tự do trong đó có tự do yêu đương, hôn nhân,… chả thế mà họ lạc quan:



+ Chị em du kích Thái Bình,

Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn.

Người ta hỏi chuyện chồng con,

Lắc đầu nguây nguẩy: em còn giết Tây!

Và trai gái yêu nhau, trong tim mình vẫn giữ lời hẹn ước:



+ Anh đi gìn giữ nước non.

Tóc xanh em đợi, lòng son anh chờ.

Anh đi làm lính cụ Hồ,

Đò xưa bến cũ đợi chờ đón anh.

Ở miền Nam và ở miền Bắc cũng vậy, việc hôn nhân giờ đây không có ma lực của đồng tiền chen vào:



+ Cồng cộc đậu nhánh bần còi,

Lấy chồng Vệ quốc không đòi đôi bông.

Trèo lên chót vót cây vông,

Lấy chồng Vệ quốc đôi bông không đòi!

Do âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, sự phản bội của chính quyền Ngô Đình Diệm, nên sau hiệp định Giơ-ne-vơ không có chuyện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Biết bao trai gái, vợ chồng hẹn hò khi chia tay đi tập kết, anh Bắc, em Nam hay ngược lại đành phải đau lòng, nhớ nhung, nhưng rồi vui vẻ, tự nguyện, ở vị trí khác nhau họ đều biểu hiện lòng yêu nước, đấu tranh cho độc lập, tự do, cho thống nhất đất nước:



+ Dòng Hiền Lương một nguồn một ngọn,

Tình đôi ta nghĩ tới từ lâu,

Dù ai cấm nước ngăn cầu,

Bắc Nam tình thắm như trầu với vôi!

+ Đạo vợ chồng trăm năm ghi tạc,

Bởi vì ai én lạc nhạn bay?

Lời thề tập kết còn đây,

Dù kề gươm vào cổ cũng không đổi thay nghĩa chàng!

Trong đồng khởi đánh Mỹ, đánh ngụy của nhân dân miền Nam, quan niệm về tình yêu lứa đôi, hôn nhân cũng đã hướng về lòng yêu nước, xem đây là một tiêu chuẩn để gả con gái cho anh Giải phóng quân là dũng sĩ diệt Mỹ là chiến sĩ Khe Sanh…



+ Em tôi mười tám đôi mươi,

Tôi đùa con út có người yêu chưa?

- Nói rằng: anh thiệt là xưa,

Nếu còn giặc Mỹ, em chưa kia mà!

Má tôi nghe nói cười xòa,

Rể tao phải là chiến sĩ Khe Sanh!

Má cười mắt sáng long lanh,

Chọn rể tài tình nhất má đó nghe!

+ Em về thưa mẹ thưa cha,

Anh vào quân ngũ mai ra chiến trường.

+ Anh đi bảo vệ non sông,

Mai ngày đất nước huy hoàng có nhau.

và còn cô gái thật sự yêu anh Giải phóng quân không mắc míu gì đến tiền bạc:



+ Ngày xưa cưới vợ bằng tiền,

Ngày nay cưới vợ bằng duyên chiến trường.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thực hiện các nhiệm vụ chiến lược này là biểu hiện lòng yêu nước. Tiền tuyến giết giặc, hậu phương tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ. Gần như có sự phân công giữa nam thanh niên, nữ thanh niên sắp cưới nhau hoặc đã thành vợ chồng hứa hẹn với nhau thi đua giết giặc, thi đua sản xuất:



+ Thu về ngọn cỏ đơm hoa,

Người ra mặt trận thì ta ra đồng.

Người ra trận đổ máu hồng,

Ta ra cánh đồng ta đổ mồ hôi.

Qua mương, xuống ruộng lên đồi,

Ta cuốc, ta xới, ta cười ta ca.

Rằng Hồ Chủ Tịch bảo ta:

Tăng gia sản xuất cũng là giết Tây.

Xóa nạn mù chữ cũng thấm vào văn hóa dân gian. Ở tiền tuyến, bộ đội học tập, xóa mù chữ song song với giết giặc, ở hậu phương các nữ thanh niên mong lấy được chồng biết chữ:

+ Lấy chồng biết chữ là tiên

Lấy chồng mù chữ là duyên nợ nần.

Quan niệm lấy chồng thương binh cũng đã được một số nữ thanh niên xem như tình yêu lứa đôi gắn liền với lòng yêu nước:



+ Rừng xanh ai nhuộm mà xanh,

Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng.

Rừng xanh lấy núi làm chồng,

Má hồng em muốn lấy chồng thương binh.

Với nếp sống “đời sống mới” trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phong tục cưới xin cũng đã thay đổi, nhiều nơi không còn nạn thách cưới, nhiều đám cưới được tổ chức dưới khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” trong hiện thực đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm riêng tư của thanh niên với dân tộc, với đất nước.

CHƯƠNG V
NGÔN NGỮ, KẾT CẤU CỦA CA DAO TÌNH YÊU LỨA ĐÔI,
HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT

Thi pháp văn học dân gian nói chung cũng như thi pháp ca dao nói riêng là một khái niệm rất rộng. Khái niệm này đến nay đã được Chu Xuân Diên xác định nội hàm “là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ pháp miêu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và phương pháp xây dựng hình tượng con người… Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian bao gồm từ việc khảo sát những yếu tố thi pháp riêng lẻ như phép so sánh thi ca, các biểu tượng và luật thơ, các mô típ và cách cấu tạo cốt truyện, cách mô tả diện mạo bên ngoài và tâm lý bên trong của nhân vật… đến việc khảo sát những đặc điểm thi pháp chung của từng thể loại, và cuối cùng là việc nêu lên những đặc điểm của thi pháp văn học dân gian nói chung. Nghiên cứu thi pháp văn học dân gian còn bao gồm cả những việc khảo sát các đặc điểm phong cách cá nhân của người sáng tạo và diễn xướng trong mối quan hệ với những đặc điểm thi pháp truyền thống”(1).

Riêng về thi pháp ca dao, Nguyễn Xuân Kính, sau khi giới thuyết về thi pháp học, vấn đề nghiên cứu thi pháp ca dao, đã nêu lên các chương cụ thể về “ngôn ngữ, thể thơ, kết cấu, thời gian và không gian nghệ thuật và một số biểu tượng hình ảnh trong ca dao người Việt”(2).

Trong phạm vi chuyên luận này, chúng tôi thấy có hai đặc trưng nổi bật là ngôn ngữ và kết cấu của ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng. Trong khi nghiên cứu hai nội dung này có thể liên hệ đến các nội dung khác của thi pháp ca dao như thể thơ, không gian thời gian nghệ thuật…

I. Ngôn ngữ về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt.

1. Những đại từ nhân xưng:

Trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng, trai gái bắt đầu bằng quan hệ giao tiếp gặp gỡ. Họ tiếp xúc với nhau và xưng hô với nhau bằng những đại từ nhân xưng, những đại từ nhân xưng này được sử dụng rất uyển chuyển trong quan hệ giữa đôi trai gái và có nhiều sắc thái thể hiện tình cảm đa dạng của đôi trai gái yêu nhau khi tha thiết, khi nhớ nhung nhưng cũng có khi không bằng lòng nhau theo diễn biến tâm lý của họ. Bắt đầu làm quen, trai gái thường xưng hô với nhau “ta- bạn”, “bạn - ta”:



+ Ta đi tìm bạn tới đây,

Bạn thấy ta khó, bạn nay chả chào!

Nhưng rồi có lúc thân thiết kết đôi:



+ Bạn về ta chẳng dám cầm,

Giang tay đưa bạn ruột bầm như dưa!

Chắc chắn rằng cặp đại từ nhân xưng “anh - em”, “em - anh” là phổ biến nhất, không xác định sự xưng hô này có từ bao giờ - từ thế kỷ XVI, XVII chăng? - nhưng cho đến nay - thế kỷ XXI - nó vẫn “hiện đại” trong xưng hô của trai gái yêu nhau và cả quan hệ (có khi đến già!) của vợ chồng nữa. Đây là cặp đại từ nhân xưng đẹp nhất, chắc là vĩnh cửu trong quan hệ yêu đương từ cuộc sống đẹp nhất được phản ảnh trong ca dao:



+ Anh còn son, em cũng còn son,

Ước gì ta được làm con một nhà!

+ Em dệt cửi, anh kéo hoa,

Rồng bay phượng múa ai mà chẳng khen!

Lại có cách xưng hô “chàng - em”, “em - chàng”, “chàng - thiếp”, “thiếp - chàng” cũng khá phổ biến trong tình yêu trai gái nhưng thường gặp trong ca dao tương đối cổ, có thể từ thế kỷ XIX về trước ở nước ta (?). Trong quan hệ vợ chồng, ca dao cũng nói nhiều đến “chàng - thiếp” xưng hô với nhau “chàng - em” có thể khi đã thân thiết chăng, nhưng cũng có thể “đùa vui” chăng?



+ Chàng ơi buông áo em ra

Để em đi bán kẻo hoa em tàn!

Còn “chàng - thiếp” được xưng hô khi đã kết đôi tiến đến hôn nhân, vợ chồng:



+ Chàng về thiếp nắm lấy tay,

Mua khăn chàng vận, áo may cho chàng!

Cách xưng hô “ta - mình”, “mình - ta” cũng là quan hệ gắn bó, thân thiết:



+ Mình về mình có nhớ chăng?

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười!

Ở miền Nam, địa phương ngữ trong cách xưng hô ân ái giữa đôi trai gái có các cặp đại từ nhân xưng “qua - mình”,“mình - qua”,“qua - bậu”,“bậu - qua”, xét về tình cảm cũng như các cặp đại từ nhân xưng nêu trên.



+ Qua với mình xứng nút xứng khuy,

Xứng tình vàng đá, xứng nghì tao khang!

Cùng với quan hệ yêu nhau từ hai bên trai gái, trong ca dao tình yêu lứa đôi lại còn quan hệ “đôi ta” thể hiện tình yêu cố kết với nhau như một lời “tuyên bố chung”. Khảo sát những lời ca dao bắt đầu bằng “đôi ta” ở vần chữ cái Đ tiếng Việt trong “Kho tàng ca dao người Việt”(1) thấy có đến 107 lời, lại khảo sát vần Đ chữ cái tiếng Việt trong “Tình yêu lứa đôi”(2) thấy có đến 57 lời - Điều này cho thấy trong ca dao, thuận tình là chính, thuận tình để đi đến hôn nhân, vợ chồng như đã phân tích trên đây (X.chương II, 3.2):



+ Đôi ta như thể con tằm,

Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong!

+ Đôi ta như thể con ong,

Con quấn con quýt, con trong con ngoài!

Và ca dao tình yêu lứa đôi cũng có không ít lời nói về tình yêu không đi đến thành công do chủ quan của đôi trai gái và cũng do khách quan tác động từ tư tưởng của xã hội, từ phong tục…nên mới có những lời nghi ngờ lo lắng, phần nhiều từ người con gái:



+ Anh có thương em thì thương cho trót,

Có trục trặc thì trục trặc cho luôn.

Đừng như thỏ giỡn đầu truông,

Nay còn mai mất thêm buồn lòng em!

+ Chàng ơi phụ thiếp làm chi,

Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

+ Bậu nói với qua có nhựt có nguyệt,

Có đèn thủy kiệt, có núi sơn lâm,

Ai mà lỗi đạo tình thâm,

Hồn về chín suối, xác cầm dương gian!

Ngoài các cặp đại từ nhân xưng nêu trên còn có một số cặp đại từ nhân xưng khác như “ai - ta”, “ta - ai”, “ta - nàng”, “nàng - ta”, “ai - tôi”, “tôi - ai”, “cô - ta”, “ta - cô”, “cô - tôi”, “tôi - cô”… rải rác xuất hiện trong ca dao tình yêu lứa đôi với quan hệ chưa được xác định giữa đôi trai gái về mặt tình cảm.


2. Những động từ về tình yêu lứa đôi:

Trong tình cảm yêu đương lứa đôi, ca dao có sức mạnh huy động mọi động từ để biểu hiện quan hệ nam nữ. Qua khảo sát thống kê theo chữ cái tiếng Việt trong sách “Kho tàng ca dao người Việt”(1), chúng tôi chọn số lời ca dao bắt đầu bằng các động từ biểu hiện tâm lý yêu đương vì thấy đây là nơi tập trung nhất các động từ này rải rác chắc chắn còn nhiều trong sách nói trên.




Vần chữ cái tiếng Việt

Động từ

Số lượng

Ví dụ

B

Buồn

11 lời (a)

+ Buồn buồn nhớ nhớ thương thương,
Nhớ người áo trắng đi đường cái quan.

C

chờ

16 lời

+ Chờ em như liễu chờ đào,
Em còn mơ tưởng cây cao bóng dài.

G

Gặp

55 lời

+ Gặp mình giữa đám ruộng vuông,
Lời phân chưa hết nước mắt tuôn dặm đàng.

N

Ngó

99 lời (b)

+ Ngó hoài ra tận biển đông,
Thấy sông thấy nước sao không thấy nàng!

N

Nhớ

57 lời (c)

+ Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.

R

Ra (đi, đường, về)

141 lời (d)

+ Ra về nước mắt như mưa,
Thấu trời thấu đất nhưng chưa thấu lòng!

T

Thương

191 lời (đ)

+ Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương chưa đào!

T

Trách

84 lời (e)

+ Trách ai ăn giấy bỏ bìa,
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.

Y

Yêu

41

+ Yêu nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.




(a) Và 1 lời nói về tình cảm khác

(b) Và 10 lời nói về tình cảm khác

(c) Và 5 lời nói về tình cảm khác


(d) Và 9 lời nói về tình cảm khác

(đ) Và 4 lời nói về tình cảm khác

(e) Và 2 lời nói về tình cảm khác


tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương