HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dân văn hóa dân gian về TÌnh yêu lứA ĐÔI trong ca dao ngưỜi việT



tải về 2.81 Mb.
trang3/24
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2.81 Mb.
#16675
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24
3. Về mặt tâm linh

Nếu hai mặt sinh lý và tâm lý là hiện hữu thì mặt tâm linh về tinh yêu lứa đôi, hôn nhân (đặc biệt là hôn nhân) và vợ chồng có màu sắc siêu hình. Trong cuộc sống thực tế sau khi trai gái yêu nhau thắm thiết, tổ chức hỏi, cưới, họ cùng chung sống đầy ân nghĩa như núi cao, như biển sâu cho đến lúc đầu bạc răng long nhưng cũng không ít cặp vợ chồng trước đằm thắm, sau lãnh đạm, trước hợp, sau phân, hết tình, hết nghĩa với nhau; cũng có những đôi trai gái sau khi thành vợ chồng sống có nghĩa hơn là có tình, vẫn sinh con cái nhưng không thật sự có hạnh phúc. Từ những tình huống thuận chiều tốt đẹp trong yêu đương đôi lứa cũng như từ những tình huống không thuận chiều, về mặt tâm linh, dân gian thường tìm nguyên nhân tốt, xấu ở duyênphận mang màu sắc duy tâm và cho rằng do Trời, do Thần linh tiền định. Cũng có thể họ tin rằng có nhân duyên hòa hợp, duyên phận tốt xấu cũng do Trời, do Thần linh định trước. Ca dao tình yêu lứa đôi có ca ngợi ông Tơ, bà Nguyệt nhưng oán trách ông Tơ, bà Nguyệt nhiều hơn phản ánh lòng tin vào truyện Vi Cố trong Tục U quái lục(1) có thể “có thật” cũng từ đó mà nhiều lời ca dao tuy chỉ nói đến một tình tiết, một chi tiết của truyện Vi Cố như “tơ hồng”, “chỉ hồng”, “xích thằng”, “chỉ thắm”, “xe duyên”, “biên sách”, “trăng già”, “Nguyệt lão”… cũng đủ cho đôi trai gái biểu đạt tấm lòng của mình. Có thể họ vui mừng:



+ Hôm qua anh đi chợ Trời,

Thấy ông Nguyệt lão đang ngồi ở trên.

Tay cầm bút, tay cầm nghiên,

Tay cầm tờ giấy đang biên rành rành:

Biên ta rồi lại biên mình,

Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta..

Chẳng tin lên hỏi Trăng già,

Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình!

Nhưng có thể họ cũng căm ghét, oán giận:



+ Anh đừng rầu rĩ làm chi,

Trai nam nhi kiếm vợ, gái nữ nhi kiếm chồng.

Tôi giận bà Nguyệt Lão,

Tôi muốn giết ông Tơ Hồng,

Thuở xuân xanh anh chưa vợ, em chưa chồng mà ông không xe!

Nói đến duyên, số, phận trong tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng, ca dao thường phản ánh tâm trạng của người con gái như có sự may rủi:



+ Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

+ Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

+ Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày…

+ Phận gái bến nước mười hai,

Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ!

Trong tình yêu lứa đôi, nguyên nhân còn có số “đào hoa” (tốt) “cao số” (xấu) hoặc tuổi người con gái khó lấy chồng:



+ Người ta tuổi tí, tuổi mùi,

Còn em thì chịu bùi ngùi tuổi thân!

Nhưng rồi họ tìm lời an ủi:



+ Tuổi thân thì mặc tuổi thân,

Sinh vào giờ dần vẫn sướng như tiên!

Cùng với duyên, với số, phận còn có nợ tình nữa. Sau yêu đương, hôn nhân có thể đẹp duyên hạnh phúc nhưng cùng có tình huống bất hòa, vợ chồng thành nợ với nhau:



+ Một duyên, hai nợ, ba tình,

Chiêm bao lẩn quẩn bên mình năm canh!

Cho nên về chữ nghĩa, các nhà nho bình dân gọi là có “tiền duyên” và có “túc trái”(1), ngoài số kiếp còn có định mệnh, vợ chồng phải sống với nhau để trả “nợ” cho nhau:



+ Nợ đời trả trả vay vay,

Nợ tình biết trả đến ngày nào xong.

+ Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyến đài chưa tan(2)

Trong xã hội xưa, dân gian vẫn phải chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo - Về Nho giáo, có những nho sĩ hoặc thượng lưu trí thức, hoặc nho sĩ bình dân hiểu biết và thực hành phương pháp bói toán, đoán số, đoán mệnh theo Dịch học, một học thuyết có nguồn gốc từ thời thượng cổ Trung Quốc. Lỹ thuyết cơ bản của Dịch học là “Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Thái cực là âm dương chưa phân, vũ trụ còn thời kỳ hỗn độn; gọi là thái cực vì bao la vô cùng vô tận. Đến cực điểm tất sẽ thay đổi, đến thái cực tất sẽ phân hóa thành âm dương, hình thành trời đất, tức lưỡng nghi. Âm dương giao nhau, ôm bọc lấy nhau, tứ tượng tượng trưng cho bốn phương, bốn mùa và tứ tượng sinh bát quái, tức tám hướng của trời đất. Từ bát quái, các học giả đời Tống (Trung Quốc) lập ra 64 quẻ bói để đoán, để dự báo thông tin về thiên nhiên xã hội và con người viết thành sách gọi là Chu Dịch.

Cùng với thuyết âm dương còn có thuyết ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ là vật chất tạo nên vũ trụ), ngũ hành tương sinh, tương khắcthiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) địa chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) cũng được áp dụng để bói toán, dự đoán thông tin về tự nhiên, xã hội, con người. Về nguồn gốc Dịch học về âm dương, ngũ hành thuộc triết học duy vật thô sơ(1). Ngày nay Chu Dịch là sách dự đoán học phát triển ở Trung Quốc cũng như trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ XX và được xem là môn khoa học về dự báo thông tin về tự nhiên và xã hội loài người(3).

Qua bói toán, dự báo có thể đúng, có thể không đúng, dân gian có thể tin hoặc không tin và nếu có tin thì họ vẫn cho rằng do Trời, do Thần linh, do tiền duyên, tiền kiếp, nợ tình…định trước. Có thể đó là nhận thức chung của dân gian mà ca dao đã phản ánh. Lại nữa, trong xã hội phong kiến, phụ nữ lao động phải chịu nhiều bất công bắt nguồn từ trọng nam, khinh nữ, từ tam tòng, từ uy quyền của cha mẹ “đặt đâu ngồi đấy” trong tình yêu, hôn nhân và từ nhiều tục lệ khác để rồi họ than thân, trách phận, tìm nguyên nhân ở tâm linh. Cũng nên đề cập đến tác động của đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành tuy vào nước ta từ thế kỷ XVI, XVII nhưng cũng đã ảnh hưởng đến quan hệ tình yêu lứa đôi, hôn nhân. Người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành không yêu đương kết hôn với người ngoài đạo, điều này ảnh hưởng đến tự do luyến ái, ca dao đã phản ảnh nhưng chỉ ở mức độ biểu thị nguyện vọng tha thiết:



+ A men lạy đức Chúa Trời,

Có cho bên đạo bên đời lấy nhau?

CHƯƠNG III


TÌM HIỂU VĂN HÓA DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI
HÔN NHÂN VÀ VỢ CHỒNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT
Ở HAI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ ĐỒNG BẰNG
SÔNG CỬU LONG

I. Tính chất thống nhất nhưng đa dạng của văn hóa Việt Nam

Trước hết cần khẳng định tính chất văn hóa dân tộc của Việt Nam ta như Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) đã tổng kết (X.Chương II, mục 1): đó là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Điều này cũng rất rõ trong văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt, trong cái chung thống nhất vẫn có sắc thái riêng của từng vùng văn hóa, điển hình là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long, tính thống nhất và đa dạng được biểu hiện khá rõ nét.

Khởi thủy, người Việt cổ đã sinh sống ở Bắc Bộ, thời Hùng Vương đã lập nước Văn Lang, văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam đã hình thành cách ngày nay đã mấy nghìn năm. Cho đến thế kỷ XVI, đất nước Việt Nam đã phát triển đến nam phần Trung bộ và vào đầu thế kỷ XIX đến tận Cà Mâu sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước… Xét về lịch sử di dân từ Bắc xuống Nam từ thời Lê Đại Hành (thế kỷ thứ X) đã có những đợt di dân nhỏ, đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh ở thế kỷ XVI - XVII với Nguyễn Hoàng và các chuá Nguyễn trấn giữ phía Nam cũng là thời gian của các đợt di dân lớn. Lưu dân đến đồng bằng Cửu Long khi vùng đất này còn hoang sơ, thiên nhiên đang chờ bàn tay lao động của lưu dân khai phá. Tất nhiên lưu dân từ phía Bắc bộ, Bắc và Nam trung bộ xuống Nam bộ, họ có trong máu thịt tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, văn hóa đó đã lan tỏa từ Bắc xuống Nam. Tuy nhiên ở đây đã có người Khơme, Chăm, Hoa, Stiêng, Mạ, M’nông sinh sống ở đây nên trong quá trình định cư ở đồng bằng Nam Bộ, lưu dân từ Bắc bộ Trung bộ vào sáp nhập có giao lưu với văn hóa của các dân tộc này và cùng sống chan hòa đoàn kết với nhau. Một sự kiện lịch sử đau thương là vào giữa thế kỷ XIX, thực dân pháp xâm lược nước ta, đặt Bắc Kỳ, Trung Kỳ dưới sự “bảo hộ” của nước Pháp còn Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp - Pháp đô hộ nước ta, tất yếu có sự giao lưu văn hóa Pháp với Việt Nam tuy không sâu sắc lắm như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc là Nho giáo, Đạo giáo và văn hóa Phật giáo của Ấn Độ. Nói chung, các nền văn hóa nói trên ở mức độ khác nhau đều có ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian của ta.

II. Tìm hiểu sự khác biệt của văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Cửu Long

1. Từ khác biệt về địa bàn cư trú đến khác biệt về tính cách con người ở hai vùng văn hóa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long:

Chúng ta đều biết cư dân Việt Nam có mặt ở đồng bằng sông Hồng đã mấy nghìn năm còn cư dân Việt Nam, nói đúng hơn là lưu dân từ phía Bắc xuống, chỉ mới sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều nhát là trên ba trăm năm thôi. Từ bề dày thời gian của cư dân hai vùng trên hai vùng văn hóa này, trên cơ sở xem xét đặc điểm thiên nhiên và xã hội từng vùng, có thể thấy được đặc thù của văn hóa dân gian biểu hiện trong ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng.



Xét địa bàn cư trú, có thể thấy ở đồng bằng sông Hồng(1) người đông đất hẹp, từ ngàn xưa dân cư các họ, tộc đã lập nên quan hệ nhà - làng - nước, gắn bó với nhau được xem như cơ sở của xã hội nông nghiệp. Mỗi làng có hương ước riêng dựa trên phong tục tập quán của cư dân làng kết hợp với họ tộc của làng ấy, địa bàn cư trú của làng khá riêng biệt, có lũy tre xanh bao bọc, có cổng làng, có đình hội họp, có chùa thờ Phật. Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ đối với văn hóa sông Hồng đương nhiên rất đậm nét. Con người Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng đã có truyền thống cần cù lao động, chế ngự thiên nhiên hạn hán, lụt bão thường năm, lại phải trực tiếp chống ngoại xâm từ phương Bắc xuống nên con người cương nghị, yêu nước, thương yêu đồng bào, đoàn kết giúp đỡ, có ý thức cộng đồng, sống tình nghĩa đã hàng nghìn năm. Con người Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng giao tiếp tế nhị xem đó là cái đẹp trong ngôn ngữ, trong tâm hồn người Việt, “nói ngọt lọt đến xương”, “liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cái cốt lõi nhân cách Việt Nam về lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, cần cù lao động, “người trong một nước thì thương nhau cùng” sống có tình nghĩa đều có trong từng người Việt Nam dù ở Bắc ở Trung hay ở Nam.

Về đồng bằng Sông Cửu Long, lưu dân đến đây thoạt đầu tiếp xúc với một thiên nhiên “đáng sợ” với “Đến đây đất nước lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” hay “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lềnh tựa bánh canh/ Cỏ mọc thành tinh/ Rắn đồng biết gáy”… Trước hoàn cảnh thiên nhiên đó, lưu dân đến đây với lao động cần cù, trí óc thông minh đã dần dần ché ngự thiên nhiên, dần dần nắm được quy luật thiên nhiên, đúng như Mác, Ănghen cho biết: “Chúng ta không thể đối xử với thiên nhiên, thống trị thiên nhiên như kẻ xâm lược thống trị dân tộc khác, như kẻ đứng ngoài thiên nhiên. Trái lại, chúng ta thuộc về nó, cả xương thịt, máu và trí tuệ và chúng ta ở bên trong nó. Khác với những sinh vật khác, toàn bộ sự thống trị của ta đối với thiên nhiên là ở chỗ chúng ta nhận biết được các quy luật của nó và ứng dụng các quy luật đó một cách đúng đắn”(1). Đồng bằng Cửu Long là vùng sông nước với hai nhánh sông lớn là Sông Tiền, sông Hậu và từ hai nhánh sông lớn này tỏa ra nhiều kinh (kênh) rạch chi chít, dần dần được lưu dân cải tạo, đất và nước đã đền đáp lại biết bao sản vật nông nghiệp từ lúa trời bạt ngàn đến tôm cá phong phú. Lưu dân đến đồng bằng Cửu Long ban đầu tạm định cư trên các giồng rồi xuống ở dọc theo kinh rạch, lán, đường giao thông dọc theo bờ kinh rạch kéo dài nối liền các ấp cư trú. Họ có thể thuộc các họ, tộc khác nhau thậm chí dân tộc khác nhau sinh sống trải dài theo kinh rạch với mối liên hệ lớn là đồng bào Việt Nam, là người trong một nước, cùng một gốc văn hóa, đối xử với nhau lấy nhân ngãi (nghĩa) làm chính, gắn bó với nhau, trọng nghĩa khinh tài, thấy việc nghĩa không làm là không dũng cảm (“kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”)(2)… Ở đồng bằng Sông Hồng, cư dân lâu đời cũng sống với nhau có tình, có nghĩa nhưng chịu ảnh hưởng của tư tưởng thống trị theo lễ giao phong kiến tác động không ít, nhất là khi lễ giáo ấy được thể chế hóa thành luật pháp hoặc thành tục lệ khắt khe ràng buộc nhiều quan hệ xã hội, gia đình. Trải qua phân hóa giai cấp nông dân đồng bằng sông Hồng gồm bần cố trung nông phú nông, địa chủ. Địa chủ chiếm hữu nhiều ruộng đất, nông dân ít đất, ít ruộng hoặc không có ruộng đất, bị địa chủ bóc lột. Còn ở đồng bằng Cửu Long cũng có điền chủ chiếm ruộng đất có đến hàng trăm mẫu, trong khi đó nông dân chỉ là tá điền làm thuê. Tuy nhiên ở đồng bằng Cửu Long với sự ưu đãi của thiên nhiên, con người sinh sống no đủ không nghèo đói như nông dân đồng bằng sông Hồng và cũng từ đó họ sống phóng khoáng có lúc ngang tàng, nét chung là bộc trực, chân chất, tình cảm sâu đậm. Trong văn học viết, nhiều nhờ văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử từ Trịnh Hoài Đức đến Nguyễn Thông, Xuân Diệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Bổng… đều có chung nhận xét. Trịnh Hoài Đức đã viết: “Gia Định đất rộng, vật thực nhiều, không đói rét cho nên nhân dân ít dành dụm… sĩ khí hiên ngang… con người hay chọn tiết nghĩa…, nhiều người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế”(3). Còn Nguyễn Văn Bổng viết: “Đất nước ta càng về phái Nam càng là đất mở đường, đất của những người lưu dày, đất của những người nổi dậy. Con người đến đây là con người liều, con người ngang tàng, nghĩa khí, tính mạng coi như lông hồng, tiền tài coi như rơm rác…”(4) họ ít hoặc không bị tác động của lễ giáo phong kiến như nông dân ở đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, ba trưm năm vẫn là mấy nghìn năm, vẫn là dòng máu Lạc Hồng, là văn hóa truyền thống Việt Nam cùng một nguồn, cùng một gốc. Có thể dùng một hình ảnh để diễn đạt cái gốc và sự lan rộng của văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam từ Phong Châu, đền Hùng, Phú Thọ, văn hóa như hòn đá tảng rơi xuống ngã ba Hạc rồi tạo nên những vòng tròn đồng tâm rộng dần lan tỏa xuống Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long tận Cà Mau, các sóng đồng tâm ấy lan dần với chiều xa, chiều rộng đến gần ba nghìn cây số, càng lan xa bước sóng càng dài, sắc thái của sóng không “đậm đặc” như ban đầu nhưng chất của làn sóng không có gì khác biệt thật lớn so với những vòng sóng gần trung tâm. Trong ngôn từ xưng hô ta có thể cảm nhận cái gốc văn hóa dân tộc lan tỏa với sự đề cao “anh cả, chị cả” đối với đồng bào phía Bắc và bản thân mình ở phía Nam chỉ là “anh hai, chị hai” thôi(1). Trong phong tục miền Nam, đứa con đầu lòng được gọi là “anh hai” hoặc “chị hai” (thực tế là thứ nhất là con cả).

2. So sánh các biểu hiện về văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao vùng sông Hồng (mở rộng) và ca dao vùng đồng bằng sông Cửu Long (mở rộng)(2)

Có thể bắt đầu bằng tự do luyến ái giữa đôi trai gái. Nếu ở đồng bằng sông Hồng đôi trai gái yêu nhau ban đầu rất dè dặt, trao đổi tâm tình với nhau rất tế nhị, bóng gió:

+ Bây giờ mận với hỏi đào,

Vườn hồng đã có lối vào hay chưa?

- Mận hỏi thì dào xin thưa:

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

thì ở đồng bằng Cửu Long, trai gái mạnh dạn, thẳng thắn. Người con trai hỏi:



+ Em có chồng chưa, đưa tay cho anh bắt,

Em đưa mắt cho anh kề,

Bắt lấy tay em bằng ăn nem gỏi cuốn,

Dựa được má đào bằng uống miếng rượu ngon.

Và người con gái cảm động:



+ Gặp anh đây em còn ngủng nguẩy,

Xa anh rồi nước mắt chảy như mưa.

Nếu ở đồng bằng sông Hồng đôi trai gái yêu nhau phải giấu mẹ, giấu cha nào “Cởi áo cho nhau” và, dối mẹ “qua cầu đánh rơi”, nào “trao nón cho nhau” và dối mẹ “qua cầu gió bay” thì ở đồng bằng Cửu Long cũng có tình huống đó nhưng thật thà hơn:



+ Thương trò cởi áo cho trò,

Về nhà mẹ hỏi qua đò gió bay!

Tại mẹ cắt áo rộng tay,

Con quên gài nút gió bay mất rồi(1).

Nếu ở đồng bằng sông Hồng, người con gái phụ thuộc quyết định của cha mẹ như một mệnh lệnh (xin không kể những động cơ không tốt như tham tiền của, ruộng vườn rồi ép duyên con gái) hoặc theo “uy quyền phụ mẫu” “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, người con gái ở đồng bằng Sông Hồng mất tự do yêu đương, thì ở đồng bằng Cửu Long, người con gái cũng biết “tham khảo” ý kiến của cha mẹ nhưng giành quyền quyết định của mình:



+ Chữ lương duyên số kiếp tự ông trời,

Cha mẹ nói vậy chớ ý thời của em!

Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến dân chủ, ý thức bình đẳng “ý thời của em” đáng quý của trai gái vùng đồng bằng Cửu Long trong tự do luyến ái, có thể tìm nguyên nhân ở bối cảnh kinh tế - xã hội - lịch sử của Nam bộ.

Cái chung về yêu thương, nhớ nhung, hẹn ước, thề thốt thậm chí vì lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó mà không đẹp duyên với nhau thì các cung bậc tình cảm của đôi trai gái ở đồng bằng sông Hồng và ở đồng bằng sông Cửu Long cơ bản không có gì khác nhau nhưng ở từng miền, ca dao biểu hiện sắc thái có phần khác nhau.

Yêu nhau rồi nhớ nhau đến mức “đứng đống lửa, ngồi đống than” có thể là độ cao nhất đối với trai gái đồng bằng sông Hồng, hoa mĩ, tưởng tượng còn nhớ nhau của đôi tình nhân đồng bằng Cửu Long thì bộc trực, dân dã:



+ Anh về em túm áo, em la làng,

Bỏ chữ thương chữ nhớ lại giữa đàng cho em!

+ Ngủ mười đêm, đêm nào cũng nhớ,

Ăn mười bữa mười bữa quên nhai.

Trong ca dao tình yêu lứa đôi ở đồng bằng sông Hồng cũng như ở đồng bằng Cửu Long thuận chiều thì nhiều nhưng không thuận chiều cũng đều có, sự phản ứng cuối cùng của đôi trai gái là muốn chết để được yêu nhau ở một thế giới khác. Ở đồng bằng sông Hồng, ca dao biểu hiện tình huống phải tự vẫn không gay gắt như đôi trai gái không được yêu nhau ở đồng bằng Cửu Long. Cũng có trường hợp cha đánh, mẹ la với động cơ gìn giữ trinh tiết cho con gái nhưng cũng có trường hợp có “máu chảy” với thách thức của người con trai nếu không lấy được người thương:



+ Dao phay cặp cổ, máu chảy ào ào,

Chết thì anh chịu cũng nhào theo em!

Và khi đã tương tư cao độ, người con trai thốt lên với người thương của mình như một “tối hậu thư”!



+ Anh đau tương tư cha mẹ bỏ liều,

Em tính sao thì em tính, để bốn giờ chiều anh tất hơi!

Như đã điểm qua trên đây đôi nét về ngoại hình của con gái thể hiện trong ca dao vùng đồng bằng sông Hồng với duyên dáng thiên phú, ta cũng có thể thấy cái bề ngoài ấy trên các cô gái vùng đồng bằng Cửu Long nhưng không ấn tượng, sắc sảo lắm. Hình như họ không muốn khoe bề ngoài của mình mà chỉ muốn thật thà biểu lộ:



+ Thấy em thiệt thà mủ mỉ,

Cổ tay tròn, như ống chỉ,

Mắt em sáng tợ trăng rằm,

Hàm răng em nhỏ như hột bắp,

Dáng người em không thấp không cao,

Cổ vai đầy đặn, hình vóc cân phân,

Thấy em anh những muốn đến gần,

Hỏi cầu Ô Thước có bắc, anh lần anh sang?

Người con gái thật thà:



+ Đừng chê em xấu em đen,

Nước kia dầu đục đánh phèn vẫn trong!

Còn người con trai cảm nhận theo nhãn quan của người lao động nông nghiệp:



+ Ai trắng như bông lòng tôi không chuộng,

Người nọ đen giòn làm ruộng tôi thương!
Từ trong lao động mà trai gái đồng bằng sông Hồng cũng như đồng bằng Cửu Long yêu thương nhau. Các cô gái vùng đồng bằng sông Hồng “đắn đo” lắm khi tìm chồng, các cô có thể tìm những người có nghề khác nhau nhưng từ thâm tâm, nhiều cô muốn có người chồng có được học hành “có chồng biết chữ như soi gương vàng” và cao hơn có đạo đức, có cô muốn lấy chồng là một nhà giáo:

+ …Ông thầy đức hạnh ai bằng,

Gặp nhau em kết duyên liền,

Không chờ, không đợi, phỉ nguyền phượng loan!

Kinh tế phía Nam về cơ bản cũng là kinh tế nông nghiệp nhưng kinh tế thương nghiệp đã phát triển ít nhiều, việc chọn vợ, chọn chồng tính việc trăm năm trai gái có nghĩ đến việc buôn bán. Trong tục ngữ vùng đồng bằng sông Hồng có lời “Thuyền theo lái gái theo chồng” không rõ có nói đến việc buôn bán không nhưng ý “xuất giá tòng phu” chắc là rõ, còn trong tục ngữ vùng đồng bằng Cửu Long thì có lời “Nước theo sông, chồng theo vợ” thì rõ ràng thế chủ động của phụ nữ trong kinh tế, trong buôn bán khá rõ. Ca dao ở đây lại cho biết thêm:

Tiếng khen: + Một thương em giỏi bán buôn,

Hai thương bới tóc, cài gương trên đầu”

Tiếng chê: + Trăng lên khuất núi, bụi chuối trăng mờ,



Tiếng em ở chợ sao khờ bán buôn?

Điều rõ nét nhất và gần nhau nhất là chiều sâu của văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian đã ngấm vào quan hệ yêu đương, mong ước hôn nhân tốt lành, vợ chồng thủy chung, trăm năm hạnh phúc, khởi đầu bằng yêu thương chân tình, không tính toán tiền bạc, ruộng vườn mà quý trọng nhân nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa cho đến đầu bạc răng long:



+ Làm người giữ đạo tao khang,

Thủy chung như nhất, giữ đường nghĩa nhân.

(Ca dao đồng bằng sông Hồng)



+ Thương nhau không phải vì tiền,

Vì nhân, vì nghĩa, vì duyên chúng mình!

(Ca dao Tháp Mười)

Dưới góc độ sinh lý, tình dục của tình yêu lứa đôi, mức độ thể hiện trong ca dao hai vùng miền đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long có khác nhau. Nếu ở đồng bằng sông Hồng người con trai muốn sờ vú cô con gái thì chỉ xin “bóp cái có đau anh đền” hoặc “xin đền quan năm” thì trái lại “chuyện ấy” với trai gái đồng bằng Cửu Long khá tự nhiên - có thể kể đến nhiều “pha” trong ca dao: Họ hun (hôn) nhau khi đã thương nhau là rất bình thường:

+ Bớ cô má lúm đồng tiền,

Cho hun (hôn) một cái đỡ nghiền (nghiện) khi xa!

+ Đôi mình gặp mặt nhau đây,

Cho hun (hôn) một cái em Hai đừng phiền!

- Có hun thì hun cho liền,

Đừng làm thổ lộ, láng giềng cười em!

Cũng có lúc họ cẩn thận:



+ Chuột kêu chút chít trong rương,

Anh đi cho khéo, đụng giường má hay!

Hoặc có nói đến cái âm hộ, cái dương vật, ca dao vùng Sông Hồng mượn hình ảnh “phao câu chổng lên trời” thì ca dao vùng đồng bằng Cửu Long chẳng úp mở:



+ Cô kia cấy lúa Nanh Chồn,

Chổng mông cô để cái l… cô lên!

Cũng có lúc họ bóng gió khi nói đến “chuyện ấy” nhưng vẫn lộ một cảm giác thỏa mãn:



+ Ai ơi hãy lấy anh thợ bào,

Khom lưng anh đẩy cái nào cũng êm!

Cũng có “tiền dâm hậu thú”, có hối hận chút ít nhưng rồi cũng cho qua:



+ Đói lòng ăn trái khổ qua,

Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười.

Bạn cười thì mặc bạn cười,

Tháng năm đi cưới, tháng mười có con! (Cd Đồng Tháp)

Và trong quan hệ vợ chồng khi bất hòa, lời ca dao màu sắc tiếu lâm lại xen vào:



+ Mù u ba lá mù u,

Vợ chồng cãi lộn “con cu” giảng hòa! (Cd Tây Nam bộ)

Dưới góc độ tâm linh, như đã nói ở chương II, mục 3.3 trên đây, ca dao tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng không ít lời đề cập đến duyên số, may rủi, tốt xấu tại trời, tại duyên nợ kiếp trước, lấy bói toán để tự an ủi số phận tiền định. Đó cũng là vấn đề tâm linh trong tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng biểu hiện trong ca dao vùng sông Hồng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tác động của tâm linh trong tình yêu lứa đôi, trong hôn nhân và vợ chồng chỉ thấy nói đến tại Trời, tại ông Tơ, bà Nguyệt nên có thuận chiều hoặc không thuận chiều trong tình yêu, hôn nhân và vợ chồng:



+ Ông Tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!

Nhưng họ vẫn tự tin:



+ Dù cho Trời, Đất phân chia,

Hai đứa mình như khóa với chìa đừng rơi!

3. Về ngôn ngữ của ca dao về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng:

Do có sự khác biệt về tính cách của người lao động vùng đồng bằng Sông Hồng và người lao động vùng đồng bằng Cửu Long, đồng thời do tác động gián tiếp của văn hóa dân gian đa dạng ở hai vùng, ngôn ngữ của ca dao về tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng có phong cách riêng trong biểu lộ tình cảm. Có thể thấy vấn đề này qua xem xét những văn bản tạo hình, văn bản biểu hiện của ca dao hai vùng đồng bằng này. Nguyễn Xuân Kính - trong nghiên cứu về ngôn ngữ ca dao(1) phân biệt văn bản tạo hình của ca dao trữ tình là “văn bản mà nghĩa của nó bằng nghĩa đen của các từ cộng lại” còn “văn bản biểu hiện”“văn bản không phải là nghĩa đen các từ cộng lại”. Trong ca dao tình yêu lứa đôi vùng đồng bằng sông Hồng có “hàng loạt” văn bản biểu hiện còn trong ca dao tình yêu lứa đôi vùng đồng bằng Cửu Long lại có “hàng loạt” văn bản tạo hình. Phải chăng đây là đặc trưng của ngôn ngữ ca dao hai vùng đồng bằng này? Nếu như vậy, chúng ta có thể tìm lời giải từ đặc trưng đa dạng của hai vùng văn hóa này. Phong cách sáng tạo tế nhị, duyên dáng nhiều ẩn dụ của trai gái vùng đồng bằng sông Hồng khác với phong cách tự nhiên, bộc trực của trai gái vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Có thể xem xét các phong cách đó qua “hàng loạt” ca dao - không thuận chiều trong tình yêu lứa đôi như phụ bạc, sai lời hứa, oán trách nhau…

- Ở đồng bằng sông Hồng ta bắt gặp:



+ Trách người cầm lái không minh,

Bỏ thuyền vơ vẩn giữa ghềnh bơ vơ!

+ Gọi đò chẳng thấy đò sang,

Phải chăng đò cũ phũ phàng khách xưa?

+ Trách người quân tử vô tình,

Có gương mà để bên mình không soi!

+ Con chim nho nhỏ, cái lông nó đỏ,

Cái mỏ nó vàng, nó kêu người ở trong làng,

Đừng tham lãnh lụa, phũ phàng vải bô!

+ Gió đưa trăng thì trăng đưa gió,

Trăng đã lặn rồi, gió biết đưa ai?

Cũng nói về phụ bạc, oán trách người tình, ca dao vùng đồng bằng Cửu Long, Đồng Tháp, có các văn bản tạo hình:



+ Bạc tình nhiều kẻ, lẽ ấy thường lề,

Bớ anh ơi! đừng thấy nhan sắc mà mê,

Bỏ em hiu quạnh trăm bề nhớ thương!

(Cd Đồng Tháp)



+ Quân tử thương ta, ta thương quân tử

Quân tử chối từ, thục nữ dám đâu!

Lẽ nào cột lại tìm trâu,

Chàng đi tìm thiếp, thiếp có đâu lại tìm chàng!

(Cd Đồng Tháp)



+ Anh bảo em mua một miếng đất, lập một miếng vườn,

Để trồng hành trồng cải vãi hạt sa kê,

Bây già hành khô, cải úa, sa kê tàn,

Em tưởng đâu đã trở thành vàng,

Ai ngờ anh bạc nghĩa lập đàng không xuống lên!

(Cd Đồng Tháp)



+ Anh với em duyên nợ hết rồi,

Số trời đã định phải rời nhau ra.

(Cd Đồng Tháp)



+ Bắc thang lên hỏi ông Trời,

Trời cao sao để phụ lời lứa đôi?

Hồi nào hai đứa chung đôi,

Bây giờ mỗi đứa một nơi cho đành?

(Cd Đồng Tháp)



+ Bởi vì cách bức mẹ cha,

Trách ai bạc nghĩa nên xa vợ chồng!

(Cd Đồng Tháp)



Tri Tôn, Châu Đốc rất gần,

Thương anh em nhớ em lần sang thăm.

(Cd Châu Đốc)

4. Đánh giá chung về tính thống nhất nhưng đa dạng, sắc thái địa phương khác nhau của văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi, hôn nhân và vợ chồng trong ca dao người Việt vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Cửu Long

Nội dung

Đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng Cửu Long

Đặc điểm chung của nền văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian.

Có đủ các yếu tố của nền văn hóa thống nhất của Việt Nam: yêu nước, cần cù lao động, tình thương…

Có đủ các yếu tố của nền văn hóa thống nhất của Việt Nam: yêu nước, cần cù lao động, tình thương…

Điều kiện thiên nhiên lịch sử, xã hội ảnh hưởng đến văn hóa, con người vùng miền

Đất hẹp, người đông thiên nhiên ít thuận lợi luôn chống ngoại xâm. Con người tự cường, ý thức cộng đồng “nhà - làng - nước” rõ rệt.

Đất rộng, người thưa, thiên nhiên ưu đãi, cũng phải chống ngoại xâm. Con người kiên cường, phóng khoáng, táo bạo, hiên ngang.

Tình yêu lứa đôi

Tự do yêu đương có mức độ do bị ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo, Phật giáo, gia đình

Tự do yêu đương rõ nét chủ động, bình đẳng, có yếu tố dân chủ, ít bị ảnh hưởng Nho giáo, quyền lực của gia đình.

Biểu hiện trong
ca dao

Tế nhị, thận trọng, duyên dáng, kín đáo nhưng chân thật tha thiết, tình yêu từ quan hệ lao động.

Đề cao nhân nghĩa, tình nghĩa, thủy chung, trọng nghĩa khinh tài.

Có bị tác động vì lòng tham từ phía gia đình.


Bộc trực, mạnh dạn, chân tình, tha thiết, tình yêu từ quan hệ lao động.

Giống Đồng bằng Sông Hồng.


Ít bị tác động vì lòng tham từ phía gia đình.

Ảnh hưởng của tâm linh: Trời, Phật, duyên số…

Tương đối rõ nét, nói nhiều đến ông Tơ, bà Nguyệt (văn hóa dân gian). Tin ở duyên số nợ tình kiếp trước…

Mờ nhạt hơn đồng bằng Sông Hồng. Cũng nói nhiều đến ông Tơ bà Nguyệt (văn hóa dân gian)

Sinh lý - Tình dục

Chịu ảnh hưởng của Nho giáo nam nữ không bộc lộ tình dục trực diện, thường kín đáo.

Mạnh dạn, bộc trực, không che đậy, thoải mái nhưng không thô bạo, sỗ sàng.

Ngôn ngữ ca dao

Nhiều văn bản biểu hiện

Nhiều văn bản tạo hình

Nguyên nhân chung

Bề dày văn hóa kể từ thời Hùng Vương trên 2 nghìn năm cùng hoàn cảnh địa lý, lịch sử tác động tình yêu lứa đôi hôn nhân vợ chồng… như phân tích trên đây. Vẫn có sắc thái riêng của đồng bằng Sông Hồng thể hiện trong ca dao, dân ca.

Bề dày văn hóa trên dưới 3 trăm năm nhưng vẫn thống nhất với nền văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy nhiên đa dạng có sắc thái riêng cuả đồng bằng Cửu Long trong tình yêu lứa đôi, hôn nhân, vợ chồng thể hiện trong ca dao, dân ca.

tải về 2.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương