Cậu Bé Chăn Châu Trên Cánh Đồng Ước Mơ Cưỡi Máy Bay ! Đoàn Nguyên Đức



tải về 0.83 Mb.
trang14/14
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.83 Mb.
#33100
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Cuộc đua dẫn đến sự đổi mới

IKEA giờ đây đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ vào yếu tố luôn đổi mới và phong cách đặc trưng trong thiết kế kiểu dáng. Hầu hết sản phẩm đồ gỗ nội thất của IKEA đều có thể xếp gọn lại được, nhờ đó tiết kiệm được chi phí vận tải, hạn chế tối đa sự hư hỏng trong quá trình di chuyển, tăng dung lượng hàng trên cùng diện tích kho bãi, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng hơn trong vận chuyển, nếu họ không muốn sử dụng dịch vụ này của công ty. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc này là áp lực cạnh tranh từ phía những đối thủ của IKEA đối với các nhà cung cấp của IKEA, đến độ họ đã gần như tẩy chay IKEA, buộc IKEA phải tự mình xoay sở.



Kiểu dáng đẹp, nhiều chức năng, chất lượng cao cộng với giá bán thấp

Tầm nhìn của Kamprad chính là động lực thúc đẩy thành công của IKEA. Công ty đã tuyển dụng và tổ chức đào tạo các nhà thiết kế của riêng mình. Kamprad tin rằng công ty tồn tại không chỉ để cải tiến, phát triển cuộc sống, mà phải hướng đến sự phát triển chính những con người ở đây. Việc thiết kế cửa hàng theo nguyên tắc tự phục vụ và tính đa dụng, dễ kết hợp của các bộ phận đồ gỗ nội thất không hoàn toàn vì mục đích kiểm soát hay tiết kiệm chi phí, mà đó còn là cơ hội để nhân viên công ty thể hiện sự sáng tạo. Ý tưởng này lại được củng cố thêm trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm cũng như trong các cuốn catalog giới thiệu của IKEA.



Tất cả đều ở trong gia đình

Kamprad đã tỏ ra cực kỳ sắc sảo, khôn ngoan, thậm chí có đôi phần láu cá, trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức của IKEA. Về thực chất, công ty thuộc quyền sở hữu và điều hành của gia đình Kamprad theo phong cách Thụy Điển, với hàng loạt công ty con kiểm soát những bộ phận khác nhau trong các hoạt động của IKEA, như nhượng quyền kinh doanh, sản xuất, phân phối. IKEA thậm chí không chỉ một lần từ chối việc chiếm lĩnh thị trường, bởi theo Kamprad, việc này có thể làm chậm lại quá trình ra quyết định của công ty mỗi khi tung ra đợt sản phẩm mới- điều chủ yếu tạo nên đà tăng trưởng ấn tượng của IKEA.



Tính tiết kiệm và lòng nhân hậu

Một mặt, Kamprad đại diện cho cuộc sống, sự sung túc với “giá cả phải chăng”. Ông luôn sử dụng tàu điện ngầm để đi làm, còn khi ông lái xe thì đó là chiếc Volvo cũ kỹ. Mọi người còn đồn đại rằng, ông từ chối không uống soda với cái giá đắt đỏ ở trong quầy bar khách sạn, nơi ông đang ở, mà ra ngoài đi tìm cửa hàng gần nhất để mua. Thế nhưng ai cũng biết IKEA là công ty có truyền thống làm từ thiện, luôn tài trợ các hoạt động ở địa phương, cũng như ủng hộ cho quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức khác.



Bạn hãy nghe ông chủ của IKEA tự nói về mình:
......
- Trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nghĩ rằng tôi không khác biệt lắm so với mọi người, bởi vì cũng như họ, tôi bắt đầu kinh doanh từ rất sớm. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác sung sướng khi được cầm những đồng tiền lãi đầu tiên do chính mình làm ra. Lúc đó, tôi mới hơn 5 tuổi một chút.

- Có lẽ tâm trí tôi không hoàn toàn dành cho công việc trang trại, đồng áng… Nhưng tôi luôn tự hào rằng tôi biết vắt sữa bò và biết đánh cỏ thành đống như một nông dân thực thụ.

- Tôi cảm thấy vui thích trong mọi hoạt động kinh doanh. Nhưng tôi còn sung sướng hơn nhiều mỗi khi nắm bắt được ý tưởng mới, và tôi biết cách thuyết phục người khác rằng những ý tưởng đó có thể trở thành hiện thực. Việc này giúp tôi không ngừng tìm kiếm những khả năng mới và suy nghĩ về tất cả những gì có thể sinh lợi nhuận.

- Thành công hoàn hảo nhất là những thành công không gắn liền với mất mát. Đáng tiếc rằng tôi đã nhiều lần thất bại.

- Tôi phải bỏ rất nhiều thời gian để học cách không tin vào người khác. Giờ đây khi lớn tuổi, tôi đã trở nên thận trọng và biết đánh giá con người hơn, nhưng với các cộng sự của mình, tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối.

- Triết lý kinh doanh của IKEA được xác định bằng một nguyên tắc vàng: bất cứ vấn đề gì cũng phải được nhìn nhận như một khả năng mới. Chính các vấn đề mang lại cho chúng ta những cơ hội bất ngờ.

- Đã từ lâu tôi luôn tuân theo một quy tắc cũ kỹ: giảm lượng hàng bán ra 1% sẽ kéo theo giảm doanh thu 10%. Vì thế, tổng lượng hàng hóa bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng đối với IKEA. Vì thế, kiểm soát chặt chẽ được chi phí ở tất cả các phân đoạn trong hoạt động kinh doanh gần như là sở thích của chúng tôi.

- Đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên thói quen trả giá khi mua hàng. Vợ tôi rất khó chịu về chuyện đó.

- Các nhà kinh tế của chúng ta thường khẳng định rằng cần phải tăng tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận ròng. Tôi đã hỏi một nhà kinh tế: “Thế thì tỷ lệ đó là bao nhiêu?”. Tỷ lệ phần trăm cũng khó đoán như một câu đó vậy. Điều duy nhất làm chúng tôi quan tâm ở IKEA là trong túi chúng tôi còn lại bao nhiêu tiền sau kết thúc đợt bán hàng.

- Triết lý của tôi có thể tóm tắt như sau: để quản lý tốt thì phải hiểu biết mọi việc đến từng chân tơ kẽ tóc.

- IKEA không bao giờ mua hàng của IKEA, mà người ta phải sản xuất thứ hàng khác dành cho chúng tôi.

- Tôi vẫn thường hay nhắc nhân viên của mình rằng, mặt hàng tốt nhất ở IKEA chính là việc cả người mua lẫn người bán đều không thiệt thòi, mà cả hai đều nhận được điều gì đó.

- Nếu chúng tôi có tạo ra cái gì đó mới mẻ, thì đó là mời khách hàng uống cà phê và ăn bánh ngọt.Ngày nay, sáng kiến này đã được biến thành chuỗi cửa hàng tiện ích hàng năm mang về cho công ty hơn 2 tỷ cron. Công việc buôn bán không thể thực hiện được với cái dạ dày rỗng.

- “Điều gì là chính yếu trong quản lý?”- người ta vẫn hỏi tôi như vậy. Tôi nói, đó là tình cảm. Nếu anh không chiếm được cảm tình của người khác, anh không bao giờ có thể bán được thứ gì cho họ. Tình cảm và kinh doanh không hề loại trừ nhau.

- Với vị thế và quyền uy của mình, tôi có thể nói bất cứ chuyện vớ vẩn, ngu ngốc nào mà không ai dám ngắt lời. Đây chính là rắc rối đáng sợ của nhà lãnh đạo.

- Tôi không bao giờ thỏa mãn cả. Có điều gì đó nhắc nhở tôi rằng những gì tôi đã làm được hôm nay đến mai phải được làm tốt hơn.

(Tổng hợp và dịch từ Enterpreneur, Mybiz)

Warren Buffett- nhà đầu tư lớn nhất mọi thời đại



Ngày nay các tỷ phú Mỹ vẫn luôn chiếm vị trí chủ đạo trong danh sách những người giàu có nhất thế giới, tài sản khổng lồ của họ có được từ nhiều nguồn khác nhau, từ các hoạt động kinh doanh khác nhau. Trong số đó vẫn có một nhà tỷ phú luôn được nhắc tới bởi sự “giản dị, khiêm tốn” trước sau như một.



Nhà tỷ phú sạch sẽ

Theo Tạp chí Forbes, Warren Buffett là nhà tỷ phú giàu thứ 2 thế giới với tài sản lên tới hơn 44 tỷ USD và trong 10 năm tới nữa, gia tài của ông sẽ lên đến con số 100 tỷ USD. Nhưng nhà tỷ phú này hoàn toàn khác hẳn với những tỷ phú nổi tiếng của thập niên 80 như Ivan Boesky, Micheal Milken. Ông được biết đến như một người đã giàu lên một cách “sạch sẽ”.

Ông làm việc không cần đến máy tính, thế nhưng ông luôn là một trong những người giàu nhất nước Mỹ trong thập niên 90 và được ông vua trong ngành công nghệ thông tin là Bill Gates rất mực hâm mộ.

Đó là Warren Edward Buffett. Ông sinh năm 1930, học ngành Tài chính tại trường Tài chính Wharton niên khoá 1947–49 rồi bất ngờ chuyển qua đại học Nebraska rồi tốt nghiệp khoa này tại đây năm 1950. Chưa hài lòng với trình độ của mình, ông tiếp tục theo học tại Đại học Columbia và lấy bằng thạc sỹ kinh tế năm 1951.

Sau đó ông đi làm và thi thố một lúc hai khả năng nổi trội của mình: làm nhân viên kinh doanh đồng thời phân tích chứng khoán. Đến năm 1965, ông giành tiền mua được cổ phần lớn ở công ty dệt may Berkshire Hathaway và đến 1970 trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.

Và với tài năng của mình, ông chủ tài ba này đã chuyển xưởng dệt may đó thành một tập đoàn khổng lồ vào thập kỷ 90, hoạt động trên các lĩnh vực "ngon ăn" nhưng khó làm nhất là mua bán công ty, bảo hiểm, sản xuất và dịch vụ...

Tuy sống đơn giản, không có gì nổi trội so với láng giềng nhưng tỷ phú này lại khá rộng lượng với các hoạt động từ thiện. Hiện ông đang cùng ca sỹ nổi tiếng Bono, người đã hát trong đám tang vợ ông năm ngoái, tham gia tích cực vào các hoạt động chống AIDS trên phạm vi toàn cầu.

Cũng như Bill Gates, ông tiết lộ là sẽ dành 99% tài sản của mình đóng góp vào quỹ từ thiện mang tên ông, Quỹ Buffett, cũng như tặng cho các tổ chức hoạt động từ thiện khác. Nhà tỷ phú này chưa quyết định sẽ để lại tài sản của mình cho ai trong số 3 đứa con của mình. Ông cho biết đã viết di chúc nhưng chỉ đề cập tới việc sẽ phân quyền quản lý Công ty Berkshire Hathaway của mình như thế nào và chỉ được mở ra xem sau khi ông chết.



Người Mỹ thầm lặng được cả thế giới để ý

Warren Buffett là một người Mỹ khá thầm lặng nhưng mỗi lời nói, hành động đều khiến cả thế giới để ý. Người đàn ông giàu có bậc nhất nước Mỹ này sống khiêm tốn trong căn nhà ở thật xa phố Wall, trung tâm tài chính và chứng khoán lớn nhất nước Mỹ và thế giới. Ông ở Omaha, một thị trấn nhỏ với 300.000 dân cư thuộc tiểu bang Nebraska.

Văn phòng của ông trông giống phòng khám của một bác sỹ, chỉ có 11 nhân viên giúp ông điều hành cả một giang sơn của mình. Làm việc kiểu cổ xưa, tức không cần đến máy tính và máy điện toán. Sự khiêm tốn của Warren Buffett đã khiến ông trở thành người hùng của nước Mỹ, một nhân vật trong sạch, đơn giản, trung thực trong lĩnh vực tài chính.

Nhà báo Adam Snith, tác giả cuốn “Supermoney” viết về ông như sau: “Không cần máy móc theo dõi diễn biến lên xuống của các cổ phiếu công ty tại thị trường chứng khoán, không cần thuốc an thần, không cần cắt dũa móng tay cho đẹp, không cần những chiến thắng rộn ràng. Chỉ cần những giá trị đơn giản, dễ hiểu. Ông dành nhiều thời gian để nô đùa với các con trong những trận bóng hoặc ngồi nhìn cánh đồng lúa”.

Rất khiêm nhường, song tỷ phú Warren Buffett cũng có lúc "chơi nổi” và thỉnh thoảng đầu óc lại hơi khác thường. Năm 1983, nhân ngày lễ sinh nhật của mình, ông đột nhiên nảy sinh ý định mua hẳn siêu thị bán bàn ghế Nebraska Furniture của bà Rose Blumkin. Ông tìm đến bà này hỏi giá, ra về và nhanh chóng trở lại với tấm ngân phiếu 60 triệu USD. Mua luôn cả một siêu thị mà không cần hỏi qua ý kiến của một chuyên gia kinh tế nào, chỉ có Warren mới dám nghĩ và đủ sức làm nổi.

Người rất có duyên với... USD!

Nhiều người coi Warren Buffett có những phép lạ đối với đồng USD. Donald Keough, Chủ tịch hãng Coca-Cola, một người bạn thân từ những năm 50 kể lại câu chuyện về Warren Buffet: “Tôi có 5 con và mỗi sáng đều phải đưa cả nhà đi làm. Warren có 3 con và anh ta ở lại nhà chơi xe lửa điện. Một ngày nọ Warren nói với tôi rằng nếu giao cho anh ta 5.000 USD tôi sẽ không còn phải lo lắng về việc có đủ tiền vào đại học cho các con nữa. Lúc đó tôi không rõ Warren làm gì nên làm sao dám giao cho 5000 USD. Nếu như tôi dám đưa cho anh ta món tiền ấy thì ngày nay tôi đã có dư tiền mua cả trường đại học”.

Warren Buffet sinh ra trong một gia đình khá giả, bố ông từng bốn lần làm nghị sỹ đảng Cộng hoà, là chủ nhân một công ty buôn bán ngoại tệ. Chàng Buffet lúc mới 11 tuổi đã tập tành làm ăn mua bán cổ phiếu. Lúc đó, cậu bé này mua 3 cổ phiếu của công ty có tên Cities Service Preferred với giá 40 USD mỗi cổ phiếu. Ngay sau đó giá cổ phiếu này hạ thê thảm, song cậu vẫn giữ lại thay vì bán tháo để cứu lấy mấy đồng đầu tư. Không lâu sau đó, cậu bán số của mình với giá lên tới 200 USD mỗi cổ phiếu.

Quá ngoạn mục, song ông chỉ thực sự nhảy vào lĩnh vực làm ăn từ năm 1956 với 5.000 USD tiền túi và 100.000 USD đi vay mượn của bạn bè để thành lập công ty. Khi công ty này giải thể vào năm 1969 thì vốn của nó đã tăng hơn 35 lần so với vốn ban đầu.

Năm 1963 ông mua lại 5% tổng số cổ phiếu của American Express khi giá mỗi cổ phiếu chỉ có 35 USD. Năm năm sau mỗi cổ phiếu của công ty này đã tăng lên đến 189 USD. Trong những năm 70, ông đã đầu tư mạnh vào các công ty thông tin đại chúng và ông trở thành một trong những nhà đầu tư giữ các cổ phần lớn của tạp chí Time, công ty quảng cáo hàng đầu nước Mỹ Ogilvy & Mathew, công ty Interpublic.

Danh sách liệt kê những thành công tài chính của Warren Buffet quả là không ngắn và trở thành những huyền thoại. Trị giá của Công ty Beshire Hathaway mà ông hiện đang làm chủ với 44% cổ phần trị giá hơn 10 tỷ USD

Ngay cả việc mua nhà của ông chủ tập đoàn tài chính danh tiếng Berkshire Hathaway cũng sinh lời dù ông không chủ ý làm giàu từ lĩnh vực này. Ông mua ngôi nhà cách đây gần 50 năm ở Omaha, với giá 31.500 USD. Năm 2003, các nhà định giá tài sản địa phương đã tính toán toàn bộ căn nhà của Buffett có giá 700.000 USD!

Nhà tiên tri vùng Omaha

Là bạn thân của Bill Gates, song ông nhất quyết từ chối đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin, vốn đang là mốt suốt hai thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước. Và vụ nổ bong bóng internet vào đầu năm 2000 cho thấy tầm nhìn xa và tỉnh táo số 1 của ông già tinh quái này. Ông đã không phải chịu cảnh phá sản hay sốc nặng như những nhà đầu tư chạy theo phong trào khác.

Ông có biệt tài nhìn thấy những công ty có tiềm năng phát triển nhưng hiện còn bị đánh giá thấp hoặc rất thấp. Ông hơn hẳn hàng triệu nhà đầu tư khác chính ở chỗ đó. Nhờ mua những công ty và tài sản lúc giá còn quá thấp để rồi bán ra với giá cao ngất trời ít năm sau đó, tỷ suất lợi nhuận của ông gần như không tưởng.

Cụ thể, trong gần 40 năm qua miệt mài đầu tư, Công ty Berkshire Hathaway của ông đạt lợi nhuận trung bình 22,6%/năm. Tính chung từ năm 1965 tới nay, lợi nhuận của Berkshire Hathaway đã tăng khoảng hơn 2.000 lần, với việc sở hữu tới hơn 40 công ty con và tuyển dụng khoảng 150.000 nhân công. Đó là chưa kể tới những cổ phần giá trị lớn của ông tại Coca-Cola, American Express, Walt Disney hay Gillette hoặc những công ty nho nhỏ cỡ Geico hay General Re.

Vụ khủng bố 11/9/2001 khiến ngành bảo hiểm suýt chút nữa lâm vào khủng hoảng. Khoản tiền đầu tư lớn của ông cũng bị thiệt hại nhiều, lên tới 3,8 tỷ USD. Và cho đến nay, đó vẫn là vụ thua lỗ đáng kể duy nhất của nhà tài phiệt này.

Chính vì có khả năng nhìn xa trông rộng đến như vậy, Buffett được mệnh danh là "Nhà tiên tri vùng Omaha". Cũng còn một số tranh cãi và dẫn chứng đây đó, song đa số người Mỹ và những doanh nhân quốc tế từng làm việc với ông đều suy tôn ông là nhà đầu tư lớn nhất của thế giới ở mọi thời đại.

Source: http://vietnamnet.vn/kinhte/thuongnhan/2005/10/501565/

Alan Green Span - cựu giám đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ





Những dấu ấn không thể nào quên
Vị giám đốc 79 tuổi sẽ nghỉ hưu vào tháng 1/2006 khi nhiệm kỳ kết thúc. Trước khi tới khu nghỉ dưỡng cuối tuần này, ông sẽ phát biểu đôi lời về quá trình đảm nhận cương vị này, một cương vị được bắt đầu từ ngày 11/8/1987, chỉ hai tháng trước khi "Ngày thứ hai đen tối" gây náo loạn lịch sử thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ.

Việc giữ cho thị trường tài chính Mỹ tránh được khủng hoảng thời gian sau đó không những làm an lòng các nhà đầu tư mà còn tạo dựng được uy tín ban đầu để Greenspan bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Paul Volcker.

Những vụ làm lắng dịu thị trường tài chính như vậy đã trở thành sở trường của người đàn ông này nhiều năm sau đó. Từ việc các nhà băng Mỹ hạn chế cho vay kinh doanh trong những năm đầu thập kỷ 1990 cho tới việc tránh bị tác động bởi những làn sóng khủng hoảng từ các nước láng giềng như Mexico, Argentina. Ông còn góp công lớn trong việc giảm thiểu tác động từ sự sụp đổ Quỹ quản lý tài chính dài hạn sau vụ 11/9/2001.

Tuy nhiên, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra với việc điều tiết thị trường của Greenspan. Chẳng hạn, nhiều người nghĩ rằng lãi suất thấp đã khiến giá bất động sản sốt liên tục và có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng đầu tư.

Greenspan cũng bị chỉ trích đã không biết cách làm giảm cơn sốt đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong những năm 1990, dẫn đến vụ "nổ bong bóng internet" gây hậu quả trầm trọng sau đó.

Nhưng trên hết, Greenspan được ghi nhận với nỗ lực góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn 10 năm liền từ 1991 đến 2001 - điều trước đó chưa từng xảy ra với nước Mỹ trong thời bình. Chỉ riêng điều đó đủ để người ta phải gọi ông là một thiên tài, một nhà lãnh đạo thành công.

Cần phải nhắc đến những điều này khi nói về thành công đó: dưới "triều đại" của ông, GDP Mỹ tăng trưởng trung bình 3%/năm trong khi lạm phát cũng chỉ xấp xỉ mức 3%/năm. Trong khoảng thời gian 18 năm làm chủ tịch Fed, ông Greenspan đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát. Việc giữ nguyên GDP ở mức cao trong nhiều năm qua hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Ông đã trở thành huyền thoại khi xét về kỹ năng quản lý hệ thống kinh tế Mỹ. Ông có quyền lực lớn trong việc hình thành chính sách tiền tệ của Mỹ và những quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed có thể khiến các thị trường tài chính thế giới chao đảo.

"Chính sách thực dụng là điểm khác biệt lớn nhất của ông", David Jones, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về lịch sử và hoạt động của Fed, nhận xét, "Bên cạnh đó, ông có rất nhiều sáng kiến lớn và đức tính cực kỳ minh bạch trong mọi chuyện. Một ưu điểm nổi trội khác là ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp xúc với thị trường để định hướng các chính sách".

Nhà kinh tế học Allen Sinai thuộc Viện Chính sách kinh tế ở Boston, phụ hoạ thêm: "Điều làm tôi nể trọng Greenspan là ông luôn kiên định với những ý tưởng của mình, những ý tưởng xuất phát từ bộ óc rộng mở và cân bằng. Thế nhưng ông lại không bảo thủ và áp đặt hay có ý định nhồi sọ một ai. Đó là một người luôn ý thức rằng thế giới thường xuyên thay đổi và không học thuyết nào có thể mãi mãi phù hợp".



Đường tới quyền lực đỉnh cao

Alan Greenspan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó giữa đà suy thoái của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cha của Alan Greenspan là một người làm công bị sa thải và đổ tất cả vào cổ phiếu. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng đặc biệt về tính toán. Trò chơi yêu thích nhất của cậu bé con nhà nghèo vốn không có những đồ chơi sang trọng như chúng bạn là các con tính, các trò chơi về ô tính.

Tuy nhiên, niềm đam mê nhất của Greenspan thời niên thiếu lại là âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học nhạc tại trường nhạc Juilliard. Công việc đầu tiên của ông là một chân nhạc công thổi kèn clarinet và saxophone trong một ban nhạc jazz chơi rong trên khắp nẻo đường nước Mỹ. Nhưng sau đó, niềm đam mê những con số của ông đã gọi ông trở lại với con đường kinh tế. Năm 19 tuổi, ông nộp đơn vào khoa kinh tế của đại học New York. Ông tốt nghiệp đại học năm 1948, nhận bằng thạc sỹ kinh tế năm 1950 và tiếp đó là bằng tiến sỹ kinh tế học năm 1977 cũng tại đây.

Alan Greenspan giữ chức Giám đốc của Fed từ 11/8/1987 và đã giữ chức vụ này cho suốt đến nay, qua 4 đời tổng thống, từ Ronald Reagan, Bush cha, Bill Clinton, Bush con. Ông được coi là người đàn ông quyền lực thứ 2 trong bộ máy chính quyền, người có tiếng nói quyết định đời sống kinh tế của toàn bộ nước Mỹ.

Từ năm 1954 tới 1974 và từ 1977 đến 1987, ông là Chủ tịch tập đoàn Townsend-Greenspan & Co., Inc. Từ năm 1974 đến 1977 ông giữ chức vị chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế quốc gia dưới thời tổng thống Ford và từ 1981 đến 1983, ông là chủ tịch Uỷ ban cải cách An ninh xã hội quốc gia.

Cả 2 đảng đối lập ở Mỹ đều đặt tin tưởng vào lời nói và quyết định của ông. Ông đặc biệt nổi tiếng với khả năng thuyết phục cả giới doanh nhân và chính trị gia.

Với những dấu ấn không thể nào quên đối với nền kinh tế Mỹ và tác động tới toàn cầu như vậy, việc tìm người kế nhiệm sẽ là vấn đề vô cùng phức tạp. Và cái bóng của người đàn ông gốc Do Thái này lại là vấn đề lớn nhất với một người nào đó may mắn được chọn.

Nhưng đó không phải là vấn đề với Greenspan. Đây là lúc ông phải dành chút thời gian hiếm hoi cho những sở thích của một thời trai trẻ: nhạc jazz và bóng chày.


Dù không phải là một nguyên thủ quốc gia nhưng Alan Greenspan luôn được đánh giá là một trong những người quyền uy nhất trên thế giới. Năm 2004, ông được các chuyên gia kinh tế, tài chính và các nhà sử học, dưới sự tổ chức của trang web Askmen, xếp vào danh sách 10 người đàn ông quyền lực nhất thế giới.

Cụ thể, Alan Greenspan được xếp cùng với những cái tên như George W.Bush - Tổng thống Mỹ, Silvio Berlusconi - Thủ tướng Italia, Vladimir Putin - Tổng thống Nga, Giang Trạch Dân - Cựu Chủ tịch Trung Quốc, Bill Gates - Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, Giáo hoàng John Paul II...

Source: http://www.vietnamnet.vn/kinhte/thegioi/2005/08/483644/

George Soros - nhà quản lý tài chính của thế giới



Cái tên George Soros đã trở nên hết sức quen thuộc với Phố Wall. Người ta biết đến ông như một nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Phía sau những thành công đó, Soros là một nhà kinh doanh đầy cá tính và đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh...

Soros là người Do Thái, sinh ra ở Hungary vào ngày 12/8/1930. Tuổi thơ của nhà tỉ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Khi còn nhỏ, ông được dạy rằng người Do Thái có thể chạy chứ không được lẩn trốn! Năm 1947, cậu bé Soros sang London một mình. Tại đây, Soros tốt nghiệp trường Kinh doanh London vào năm 1952. Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với bố mẹ và các anh chị em, và nhập quốc tịch Mỹ. Đây là nơi ông bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD ít ỏi.

Câu chuyện về cuộc đời của Soros có hai phần rõ rệt: một “máy làm tiền”, và một nhà hoạt động từ thiện tích cực. Tuy nhiên, người ta thường thích quan tâm đến tiền của Soros hơn là những mục tiêu lý tưởng mà ông theo đuổi. Soros đã viết 7 cuốn sách mang nhiều tính triết lý. Cuốn sách mới xuất bản gần đây nhất là cuốn “George Soros nói về toàn cầu hoá”, xuất bản tháng 3/2002. Phương châm kinh doanh của Soros khá đặc biệt: trong kinh doanh, việc bạn đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu bạn đúng bạn sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu bạn sai bạn sẽ mất bao nhiêu tiền.

Năm 1973 là năm bước ngoặt của Soros: Sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, ông thành lập công ty quản lý đầu tư tư nhân mang tên Công ty quản lý tài chính Soros với số vốn 17 triệu đôla. Sáu năm sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu đôla. Thành công bước đầu này của Soros là nhờ sự kết hợp giữa khả năng phân tích sắc sảo thị trường tài chính thế giới và sự can đảm trong đầu tư. Goerge Soros chỉ ra hai nhân tố tạo ra một nền kinh tế bong bóng là: (1) nguồn tài chính ồ ạt chảy ra khỏi một thị trường chớm khủng hoảng đến những nước như Mỹ hay Tây Âu; (2) tỉ lệ lãi suất thấp tạo ra việc thanh toán hối phiếu thấp. Thêm vào đó, Soros còn là một nhà lãnh đạo biết dùng người. Ông tự thấy mình may mắn khi được làm việc với những cố vấn giỏi như Gary Gladstein.

Năm 1992, ông thu được một món lợi lớn từ những dự đoán chính xác của mình về thị trường tiền tệ thế giới. Ông mạnh dạn vay hàng tỉ bảng Anh và đổi sang đồng mác Đức với hi vọng bảng Anh sẽ sụt giá. Và thực tế diễn ra đúng như dự đoán của Soros, khi bảng Anh rớt giá, ông trả nợ và thu được tới 1 tỉ đôla chỉ trong vòng một tuần! Sự kiện này khiến Soros được biết đến như một nhà đầu cơ tiền mặt “vĩ đại” nhất của thế kỷ 20. Điều đó cho thấy Soros không chỉ là nhà kinh doanh có đầu óc nhạy bén, mà còn là một người cực kỳ thực dụng. Ông luôn đưa ra quyết định dựa trên những xét đoán về điều đúng và điều sai theo phương châm trên. Soros đã từng làm cho biết bao người phải khổ sở bởi quyết định của ông có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế. Nhưng những quyết định đó lại đáng giá hàng tỉ đôla!

Tuy nhiên, táo bạo không phải lúc nào cũng đem lại cho Soros những thành công. Khoảng giữa thập niên 1990, Soros bắt đầu ném tiền qua cửa sổ khi ông đầu tư gần 250 triệu đôla vào việc cấp học bổng và đào tạo sinh viên ở Nga. Nhiều người cho rằng phi vụ đầu tư này là một sai lầm của Soros. Mặc dù vậy, George Soros tỏ ra là một nhà kinh doanh biết chấp nhận rủi ro và dám chịu mất mát.

Sau một thời gian lãnh đạo Công ty quản lý tài chính, Soros thành lập Soros Quantum Fund và đến năm 1998, giá trị của quỹ này tăng lên tới 6 tỉ đôla. Tháng 7/2000, Soros sáp nhập Quantum Fund với Quantum Emerging Growth Fund thành Quantum Endowment Fund. Hiện nay, Soros vừa là chủ tịch hội đồng quản trị vừa là Tổng giám đốc Công ty. Công ty của Soros đảm nhiệm vai trò tư vấn cho bộ phận đầu tư quốc tế của nền kinh tế thế giới. Quantum Fund của Soros được đánh giá là quỹ đầu tư thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Có lẽ một trong những yếu tố làm nên thành công của George Soros là ông luôn say sưa làm việc không mệt mỏi, ngay cả khi đã ở cái tuổi “thập cổ lai hy” như vậy.

Khi đã trở thành một nhà tỷ phú, Soros bắt đầu hoạt động từ thiện và sống suy tưởng hơn. Ông được mệnh danh là nhà hoạt động từ thiện quốc tế tích cực nhất của thế kỷ 20. Nhưng Soros là một nhà từ thiện đặc sệt kiểu Mỹ, ông không tài trợ tiền vào các nhà thờ, bảo tàng... mà ông rót tiền vào những quỹ học bổng giáo dục. Ông cũng có thể cam kết rút tiền túi giúp những người nhập cư ở Mỹ 50 triệu đôla nếu ông thấy chính quyền có những chính sách không công bằng với cộng đồng người nhập cư. Soros chủ trương phát triển dân chủ trên thế giới. Mặc dù là một người Do Thái, ông không e ngại khi nói rằng ông tẩy chay Israel. Ông đã phát biểu rằng với tư cách là một người Do Thái, ông không tìm thấy niềm tin có thể khiến ông ủng hộ Israel. Soros là một người tiên phong đấu tranh vì tự do và dân chủ và ông không công nhận Israel là một nước có nền dân chủ. Tuy vậy, phần lớn những đối tác làm ăn của Soros là người Do Thái. Thêm vào đó, điều đáng chú ý là George Soros đã chi khoảng 10 triệu đôla cho một tổ chức có nhiệm vụ vận động chống lại tổng thống G.W.Bush trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong một bản thông báo, Soros phát biểu rằng ông Bush đã lãnh đạo đất nước theo đường lối sai lầm.



Source: http://www.vnn.vn/kinhte/thegioi/2003/10/31311/

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương