Cậu Bé Chăn Châu Trên Cánh Đồng Ước Mơ Cưỡi Máy Bay ! Đoàn Nguyên Đức



tải về 0.83 Mb.
trang7/14
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.83 Mb.
#33100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14

GIẤC MƠ BÌNH YÊN

Tuy còn nhiều khó khăn, song có lẽ Trần Vân Tôn vẫn sẽ gắn bó với rừng, với ngành nông lâm nghiệp. Xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, khi làm xây dựng ông cũng chọn xây dựng giao thông, thủy lợi. Ngay cả khi thực tập cho khóa học đạo diễn truyền hình mà ông từng tham gia, ông cũng chọn làm phim liên quan đến nông nghiệp. Đó là làm phim về chân dung anh hùng lao động Hồ Giáo. Khi bước vào con đường kinh doanh riêng, ông lại chọn trồng rừng. Vì vậy, Trần Vân Tôn không bao giờ cảm thấy tiếc nuối vì đã chọn ngành kinh doanh này. Rừng, đất đã trở thành người bạn thân thiết nhất của ông.


Cho nên, những ước mơ và trăn trở của ông hiện nay đều gắn với rừng. Hơn mười năm gắn bó với rừng, ông đau đớn khi đâu đó hàng nghìn hecta rừng nguyên sinh đang bị chặt phá. Ông còn lo lắng vì người dân nghèo không có đất sản xuất. Rồi đây họ sẽ quay lại con đường phá rừng, hoặc đi mang vác hàng lậu thuê qua biên giới. Liên quan đến rừng, điều ông quan tâm nhất là khi rừng bị phá thì thiên tai, lũ lụt sẽ tàn phá cuộc sống của con người… Có lẽ nhiều người cho rằng ông lo quá xa, nhưng lo lắng ấy không phải là không có cơ sở.
Và ước mơ của ông lại bắt nguồn từ những trăn trở đó. Ông ước rằng: Những cánh rừng bạt ngàn kia sẽ được trả lại sự bình yên vốn có của nó. Sẽ không còn lâm tặc phá rừng và đặc biệt, ông mong sẽ có nhiều hơn nữa các nhà kinh doanh chọn đầu tư vào lĩnh vục trồng rừng, phát triển nông lâm nghiệp. Theo ông: “Cơ hội cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này còn khá lớn. Họ không chỉ có thể đầu tư trồng rừng, phát triển trang trại ở trong nước. Mà họ còn có thể đầu tư sang một số nước láng giềng như Lào, Thái Lan… Vì ở các nước này có diện tích rừng khá lớn mà dân số lại ít hơn nước ta”. Ông cảm thấy vui khi một số doanh nghiệp đầu tư trồng cao su ở các nước bạn như Lào, Campuchia đã thu được thành quả ban đầu.
Đó là ước mơ cho những người dân nghèo, những trăn trở cho sự phát triển chung của đất nước. Còn đối với bản thân, Trần Vân Tôn chỉ có một ước mơ đơn giản. Đó là được sống thanh thản, bình yên trong quãng đời còn lại. Ông chỉ ước sao 500 ha đất rừng còn lại của Công ty Thế Kỷ không còn bị lấn chiếm, ông không còn phải chạy ngược chạy xuôi để khiếu nại, tố cáo. “Tôi đã trồng rừng từ năm 1994. Đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Đã làm việc hết mình để bảo vệ rừng. Giờ tôi đã hơn 60 tuổi, chỉ mong được sống bình yên, và Công ty có thể yên tâm sản xuất, đa dạng hóa nông nghiệp tạo thêm việc làm cho nhiều người hơn”.
Không biết rồi đây ước mơ đơn giản ấy của ông có trở thành hiện thực không? Song, cũng hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách hợp lý để bảo đảm lợi ích cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng nói chung và Công ty Thế Kỷ nói riêng.

TH- SR
Ngô Vi Đồng - “Tôi là người có nhiều đam mê”


Gặp Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, điều dễ nhận thấy là trong giọng nói của anh luôn tràn đầy cảm xúc và sự chân thành. Không e ngại hay dè dặt khi nói về cuộc sống, về công việc hay gia đình của mình. Vì với anh, tất cả đều là những đam mê mà anh đang tận hưởng mỗi ngày.


Khởi nguồn của đam mê công nghệ

CDN: Niềm đam mê công nghệ thông tin của anh bắt đầu từ khi nào ?

NVĐ: Có lẽ nó bắt đầu từ khi tôi còn ngồi trên ghế trung học phổ thông. Khi đó, đất nước còn bị chia cắt bởi chiến tranh, nhưng việc học tập của chúng tôi ở Hà Nội vẫn diễn ra khá yên bình. Khi đi học, tôi rất thích đọc những cuốn sách về khoa học kỹ thuật dành cho thiếu nhi. Trong đó có những câu chuyện mà người ta nói đến máy tính điện tử, điều khiển học…, những điều đó hoàn toàn xa lạ không chỉ với những học sinh chúng tôi mà còn với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ. Đó đều là những câu chuyện xuất phát từ nước ngoài nhưng tôi thấy nó rất thú vị, cho dù những cái đó quá cao siêu so với hiểu biết của mình. Lúc đó, tôi thực sự say mê và mơ ước sau này mình có thể tiếp cận được nó.

Thời của chúng tôi đi học không có nhiều sự lựa chọn như hiện nay, cũng không có điều kiện nghiên cứu khám phá để thỏa mãn sự say mê của mình. Chúng tôi chỉ có biết học và phấn đấu học cho thật giỏi, sau đó cố gắng thi vào một trường đại học nào đấy, và tiếp tục học theo đúng ngành mình đã thi đỗ là được. Cứ ngỡ mơ ước khi đó của mình cũng sẽ dần mờ nhạt như những ước mơ trẻ con. Nhưng may mắn là tôi gặp nhiều thuận lợi và may mắn nên ước mơ ấy đã trở thành hiện thực.



CDN: Cụ thể những thuận lợi đó là gì, thưa anh?       

NVĐ: Vào thời điểm đầu năm 1976, khi đó học sinh chúng tôi còn học hệ phổ thông 10 năm, và tôi đang học lớp 10. Vì là năm cuối của bậc phổ thông nên tôi cũng như bao bạn bè khác, rất hồi hộp chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Thời kỳ đó thi đại học rất khó, mặc dù tôi rất thích thi vào Trường Đại học Bách Khoa, chỉ là thích vào đó chứ không định hình là sẽ học ngành nào hết. Tuy vậy tôi vẫn lo lắng vì không biết có đủ sức thi vào trường đó hay không, vậy nên tôi đã chọn trường có điểm đầu vào thấp hơn một chút là Trường Kiến Trúc.

Nhưng sau đó thì Bộ Quốc phòng, cụ thể là Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự có cử cán bộ đi đến các trường phổ thông để tìm những học sinh học khá giỏi tuyển vào trường, trong đó có trường tôi. Ai được chọn là sướng lắm, vì khi đó các trường quân sự là rất oai, được vào học trường này là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ chúng tôi. Đất nước vừa qua chiến tranh thì quân đội là một hình ảnh rất đẹp, là biểu tượng của rất nhiều thứ tốt nhất, lý tưởng nhất. Nhưng được chọn không có nghĩa là vào học ngay, mà chỉ sau khi vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt, và thi đỗ trong kỳ thi đại học thì mới được vào đây học. Lớp tôi được chọn 5 người, nhưng cuối cùng chỉ có 2 người là chính thức được vào học, trong đó có tôi. Ngoài việc được chọn vào trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, tôi còn nhận được học bổng đi học ở nước ngoài do nhà nước tài trợ. Đây là học bổng dành cho những người đạt điểm cao trong kỳ thi đại học. Điều này là bước đệm quan trọng trực tiếp đưa tôi đến với lĩnh vực công nghệ thông tin này.



CDN: Vậy anh đã lựa chọn ngành công nghệ thông tin để đi du học?

NVĐ
: Không, thời kỳ đó chúng tôi không có quyền lựa chọn ngành học hay nơi học như bây giờ. Quyết định đó thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước. Trước khi đi nước ngoài để học, chúng tôi được đào tạo một năm tại Đại học Kỹ thuật Quân sự. Tôi nhớ lúc đó chúng tôi là một đại đội với hơn 100 học viên, toàn con trai, được đào tạo chủ yếu là ngoại ngữ và văn hóa. Không chỉ vậy, vì là trường quân sự nên chúng tôi được học tập, rèn luyện chính trị và sinh hoạt theo đúng tác phong của quân đội, rất nghiêm túc và kỷ luật. Cuối năm học, tôi được cử đi Ucraina, thuộc Liên Xô cũ để học về máy tính điện tử. Tôi nghĩ rằng có lẽ trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường quân sự, các thủ trưởng và thầy giáo đã nhận thấy ở tôi có một chút gì đó đam mê và phù hợp với lĩnh vực này nên đã cử tôi đi học ngành này.

Cuối năm 1976, chuyến tàu hỏa chở những du học sinh chúng tôi đi từ Hà Nội đến Matxcơva. Cuộc hành trình dài khoảng 2 tuần, đi qua Trung Quốc, Siberia và điểm dừng chân cuối cùng là Thủ đô Matxcơva. Trên chuyến tàu đó, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm, có rất nhiều người sau này trở thành những người tài giỏi, thành danh trong xã hội. Tôi vào học ngành Kỹ thuật Hệ thống, Khoa Máy tính Điện tử trường Đại học Bách khoa thành phố Donesk, nước Cộng hòa Ucraina và tốt nghiệp vào năm 1982. Lĩnh vực này đã trở thành niềm đam mê, thành một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi.




Thời sinh viên nhiều kỷ niệm

CDN: Đến một đất nước có nhiều sự khác biệt về văn hóa như Liên Xô để học tập trong một thời gian dài, cảm giác của anh khi đó như thế nào?

NVĐ: Lúc đầu tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, nhưng rồi cũng cảm thấy thích nghi nhanh với cuộc sống nơi này. Một phần quan trọng chính là tôi đã được học trong một xã hội rất yên bình, rất tốt đẹp. Những thầy cô giáo, bạn bè và những người dân Nga cũng như Ucraina đã đối xử rất tốt với du học sinh Việt Nam chúng tôi. Có thể nói khi đó tôi đã sống và học tập trong một môi trường hòa bình, tràn đầy tình yêu thương giữa con người với con người, không có sự phân biệt màu da hay quốc tịch. Chúng tôi không chỉ được học về khoa học kỹ thuật, mà còn được học về nhân cách và thấu hiểu tấm lòng nhân hậu của những người bạn Liên Xô. Khi nhớ lại những ngày tháng đó, tôi thực sự rất xúc động, vì tôi đã lớn lên rất nhiều không chỉ về tri thức mà còn nhiều thứ khác nữa.

CDN:  Những ngày tháng du học đó đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm đẹp?

 NVĐ: Đúng vậy, thời sinh viên có rất nhiều kỷ niệm, cả niềm vui và nỗi buồn.  Nỗi buồn lớn nhất là sự nhớ nhà, nhớ quê. Thời kỳ đó không như ngày nay, chúng tôi đi học suốt 5 năm mà không có lần nào được về nhà, thậm chí gọi điện thoại cũng không được. Tất cả mọi liên lạc chỉ đều qua thư tay nên mỗi khi có thư từ Việt Nam sang là chúng tôi rất vui. Còn lại trong cuộc sống và học tập thì tôi có rất nhiều niềm vui, một phần vì được thỏa mãn niềm đam mê công nghệ, được học những kỹ thuật tiên tiến nhất, mặc khác, tôi có thêm nhiều bạn bè từ các nước khác nhau cùng học tập, lao động nên rất vui. Thật ra mà nói, thời sinh viên khi đó rất vất vả, nhưng so với đời sống trong nước, so với gia đình thì sinh viên chúng tôi còn sướng hơn rất nhiều lần.

CDN: Cụ thể những vất vả mà anh đã trải qua khi đó là gì?

NVĐ: Thời đó chúng tôi đi học nhờ sự tài trợ của nhà nước, một tháng được nhận 70 rúp tiền sinh hoạt phí. Số tiền đó vừa tạm đủ cho cuộc sống sinh viên chúng tôi. Cho dù học tập rất căng thẳng nhưng vào những dịp nghỉ hè tôi cũng muốn đi làm như nhiều bạn bè khác, để có thể tự trang trải thêm cho cuộc sống. Chúng tôi tham gia vào những đội lao động do chính các sinh viên thành lập, được nhà trường đứng ra tổ chức hoạt động. Có những đội đi về vùng nông thôn, có đội đi làm ở các vùng xa xôi hẻo lánh, càng đi xa thì tiền công càng nhiều, nhưng cũng sẽ vất vả hơn. Công việc của tôi khi đó chủ yếu là về các vùng nông thôn để thu hoạch hoa quả như hái táo, thu hoạch bắp cải, có khi lại đi xây dựng chuồng bò. Có nhiều lúc phải đi xúc đá làm đường ở các toa tàu. Những toa tàu chở đá đến thì phải lên dùng sẻng xúc xuống, rồi chuyển tới công trường ngay trong đêm, vì đến sáng tàu phải tiếp tục chạy. Lúc đó tôi cũng không hình dung vì sao chỉ vài ba đứa mà có thể chuyển được hết đá trong nhiều toa tàu rất to xuống công trường chỉ trong một đêm. Một công việc khác nữa là làm đường ray xe điện, khi đó chúng tôi phải dùng tay để bẻ những thanh ray từ thẳng thành cong để lắp vào những khúc cua của đường tàu. Tất cả đều được làm bằng tay, tuy rất vất vả nhưng chúng tôi thực sự rất vui.

CDN: Khi nhận được những đồng tiền đầu tiên do  tự mình kiếm được, cảm giác của anh thế nào?

NVĐ: Có thể nói là tôi rất sung sướng dù số tiền nhận được rất thấp, chỉ đủ để mua bộ quần áo chống rét mùa đông mà thôi. Tiền do chính mình làm ra nên tôi cảm thấy rất phấn khởi, và tôi dần nhận ra giá trị của đồng tiền. Từ đó tôi thực sự hiểu rõ câu nói “lao động là vinh quang” như thế nào. Tiền  kiếm được tôi cũng cố dành dụm để mua được cái đài radio, vài đồ dùng cho gia đình khi trở về nước.


Công việc là một niềm đam mê

CDN:  Anh đã bắt đầu công việc của mình như thế nào khi trở về Việt Nam?

NVĐ: Năm 1982, tôi về nước và làm Chuyên viên Kỹ thuật hệ thống tại Trung tâm Toán Máy tính thuộc Bộ Quốc phòng. Tôi từng tham gia vào chương trình chuyển đổi công nghệ truyền tin và dữ liệu từ máy tính lớn (mainframe) IBM 360 sang hệ máy vi tính. Tôi là một trong những cán bộ kỹ thuật nghiên cứu giải pháp cài đặt các hệ mạng máy tính đầu tiên ứng dụng cho các cơ quan xí nghiệp lớn như: Ngân hàng Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro… Công việc lúc đó rất vất vả và khó khăn. Vì những năm 80 nước ta còn bị cấm vận nên gần như không có máy móc, thiết bị mới và thiếu cả thông tin, nhất là không thể tiếp cận những thông tin về công nghệ, kỹ thuật và gía thành.

Chúng tôi phải tự mày mò, tìm hiểu và tự vươn lên, thời đó Internet không có, thư viện thì cũng chẳng có gì ngoài những quyển giáo khoa tin học cơ bản. Thậm chí một quyển tạp chí chuyên ngành công nghệ thông tin như PC Magazine đã là niềm mơ ước của chúng tôi. Đất nước trong thời kỳ cấm vận, chúng tôi phải tận dụng những vật tư công nghệ cũ của Mỹ để lại, trong kho còn lại cái gì thì sử dụng cái đó. Nếu không có thì phải chạy ra chợ Nhật Tảo, mua được cái gì thì về thiết kế và lắp ráp cái đó. Nhưng chính trong khó khăn đó mà tôi mới cảm thấy mình học hỏi được nhiều, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn, vì đây là niềm đam mê mà mình không thể nào từ bỏ.






CDN: Anh có thời gian công tác trong môi trường quân độ, anh có học được gì từ Quân đội?

NVĐ: Tôi rất tự hào đã được rèn luyện trong quân đội, ở đó tôi thực sự trưởng thành và thấm nhuần tinh thần đồng đội, tính kỷ luật và sự chịu đựng gian khó. Trong quân đội tôi đã rèn luyện cho mình khả năng làm việc tư duy chính xác và có hệ thống. Năm 1990 tôi chuyển ngành ra khỏi quân đội để tham gia vào các lĩnh vực Công nghệ Thông tin trong dân sự, tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Tôi cho rằng ở bất cứ nơi nào mà mình phát huy và cống hiến hết năng lực của mình, đóng góp được nhiều cho xã hội, cho đất nước thì đều là điều tốt. Môi trường bên ngoài dù có nhiều thử thách, khó khăn nhưng nó cũng nhiều sự lựa chọn, sự chủ động để mình có thể tự khám phá và phát huy hết khả năng của bản thân.

Khi bước chân ra khỏi quân ngũ, tôi vào làm việc tại Công ty FPT và làm việc ở vị trí Phó Giám đốc Chi nhánh Tp.HCM. Tôi là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng chi nhánh FPT tại miền Nam. Khi đó chúng tôi thực sự phải tự bươn chải, phải tự đứng và đi trên đôi chân của mình.



CDN: Từ FPT đến HPT, đó chắc là bước chuyển lớn trong sự nghiệp của anh?

NVĐ: Đúng vậy, câu chuyện hình thành nên HPT thực sự bắt nguồn từ chính FPT. Năm 1994, ngay trước khi chính phủ Mỹ quyết định bãi bỏ cấm vận Việt Nam thì một số công ty Mỹ đã có những bước chuẩn bị thâm nhập thị trường nước ta. Các công ty Mỹ như HP, IBM, Sun, Compact… đều là những công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, và họ gần như thống trị hoàn toàn về công nghệ, kỹ thuật. Chính vì vậy, ngay thời điểm đó, FPT đã nhận thức được rằng hợp tác quốc tế với họ là điều không thể không làm, vì chỉ có như thế mới có thể phát triển toàn diện được.

Sau khi IBM chọn FPT là đối tác tại Việt Nam thì một công nghệ thông tin hàng đầu khác của Mỹ là HP cũng muốn được hợp tác với FPT. Song ở thời điểm đó là không thể vì IBM đã là đối tác của FPT rồi. Lúc này ban Lãnh đạo FPT nghĩ rằng nội lực chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp nhận được nhiều công nghệ của nhiều công ty khác nhau. Nếu để HP ra đi tìm đối tác khác thì tiếc lắm vì công nghệ kỹ thuật của tập đoàn thật tuyệt vời. Vì vậy chúng tôi quyết định một nhóm anh em sẽ tách ra để hợp tác và nắm bắt công nghệ của HP. Và thế là chúng tôi thành lập nên Công ty Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT tại Tp.HCM vào đầu năm 1995.

Thực sự mục đích ban đầu của chúng tôi chỉ là nắm bắt công nghệ của HP. Nhưng ngay lập tức nảy sinh một vấn đề là mô hình sở hữu công ty sẽ như thế nào? Trực thuộc FPT hay sẽ hoàn toàn độc lập? Để trả lời, chúng tôi phải xác định mục tiêu của công ty là hướng đến khách hàng. Và như thế là cả FPT và HPT đều cùng hướng đến khách hàng, tức là không thể không có cạnh tranh và xung đột về quyền lợi. Bởi vậy chỉ một thời gian ngắn sau đó chúng tôi quyết định HPT phải độc lập với FPT. Sở hữu công ty ngay từ những ngày đầu đã thuộc về cán bộ nhân viên tham gia xây dựng công ty. Từ năm 1995, HPT đã là một công ty độc lập hoàn toàn, dù vẫn ghi nhận FPT là anh em nhưng chúng tôi vẫn cạnh tranh lành mạnh với họ.

CDN: Chắc chắn anh đã không tránh khỏi nhữngkhó khăn?

NVĐ: Khó khăn lắm chứ. Vì khi đó chúng tôi phải tự lực hoàn toàn. Vốn ban đầu là 400 triệu, tiền thuê trụ sở đã hết một nửa. Mua máy móc, thiết bị, trả lương cho anh em trong một năm cũng hết. Những ngày đầu tiên không dám lắp máy lạnh nên chúng tôi phải làm việc trong môi trường rất nóng nực và ồn ào. Nhân sự ban đầu chỉ có 4, 5 người, nhưng đã tăng lên 20 người vào cuối năm. Những ngày đầu thật vất vả vì nguồn vốn ít ỏi, việc đầu tư cho thiết bị, kỹ thuật đều rất hạn chế. Trong hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng vẫn có rất nhiều anh em tiếp tục gắn bó để cùng xây dựng và phát triển công ty cho đến ngày hôm nay.

Trong quá trình phát triển, ngoài những thành công đạt được chúng tôi cũng nềm mùi nhiều thất bại. Đó là khi những ý tưởng, dự án hay có thể thực hiện được nhưng vì nhiều lý do phải bỏ dở hoặc có thực hiện xong thì cũng bị lỗ. Đau buồn nhất là khi có những cán bộ giữa chừng nản lòng bỏ ra đi. Tôi qua niệm chẳng có việc gì dễ dàng cả và thất bại cũng rất cần thiết để mà biết cách lớn lên, khi vấp ngã thì đứng lên, rút kinh nghiệm và tiếp tục cố gắng để phát triển. Tôi không nản lòng khi gặp thất bại, mà chỉ thấy tiếc mỗi khi những cơ hội bị tuột đi mất, và thật sự buồn khi có những người mình tin tưởng rồi lại phụ lòng tin của mình.

Nhưng dù có thất bại thì đó là thất bại của doanh nghiệp, chứ với khách hàng tuyệt đối không thể thất bại, đối với khách hàng là chỉ có thành công. Tôi thường nói với anh em rằng, hãy đến với khách hàng bằng sự chân thành, và hết lòng vì khách hành thì khi đó họ mới có thể gắn bó với chúng ta được, mà là gắn bó lâu dài để cùng phát triển. Hiện nay chúng tôi vẫn đang làm đúng theo điều đó. 




CDN: Khi bắt tay vào xây dựng HPT, anh xác định con đường phát triển của HPT sẽ như thế nào?

NVĐ: Cung cấp các giải pháp và dịch vụ Công nghệ Thông tin một cách chuyên nghiệp. Đó là hướng đi mà chúng tôi đã xác định ngay từ những ngày đầu, đến bây giờ vẫn giữ nguyên hướng đi đó. Trong hoạt động của HPT bao giờ cũng phải có sự hài hòa giữa 3 mối quan hệ: cổ đông, nhân viên và khách hàng. Ba mối quan hệ này đều phải được tôn trọng như nhau. Đối với cổ đông, phải đáp ứng được những kỳ vọng của họ. Đối với nhân viên, phải có sự động viên, tưởng thưởng xứng đáng công sức của họ, làm sao để nguyện vọng, mơ ước của họ luôn gắn kết, hài hòa với tập thể. Đối với khách hàng, phải đem lại những gì tốt nhất, bất cứ cái gì đã cam kết là phải làm cho bằng được, kể cả bị lỗ cũng phải làm, nói là phải làm, đó là nguyên tắc xuyên suốt của công ty. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách hàng bao giờ cũng phải nỗ lực tốt nhất và đem lại hiểu quả nhất cho họ. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chất lượng, HPT là một trong những công ty Công nghệ Thông tin đầu tiên tại Tp.HCM áp dụng hệ thống quản trị chất lượng ISO ngay từ năm 2000.

Làm Công nghệ Thông tin ở Việt Nam có rất nhiều áp lực. Đầu tiên là áp lực về công nghệ luôn thay đổi rất nhanh. Trước đây, cứ 2,3 năm mới có sự chuyển đổi công nghệ, nhưng hiện nay thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn từ 6 tháng đến 1 năm. Chính vì vậy, áp lực buộc mình phải liên tục học hỏi, đổi mới. Chúng tôi hiểu rằng Việt Nam chưa phải là đất nước sản xuất, phát minh ra công nghệ mà chỉ là ứng dụng thôi. Bởi lẽ đó nên chúng ta gần như phải phụ thuộc vào nước ngoài. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xác định vị trí của mình, và trước mắt phải cố gắng làm những điều tốt nhất ở vị trí đó, tức là khai thác tối đa những ứng dụng công nghệ tiên tiến mà ta có khả năng tiếp thu và phát triển thêm lên, đây là việc làm quan trọng nhất của chúng tôi.

Hiện nay, HPT đang và sẽ tiếp tục áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động dịch vụ và sản xuất sản phẩm của mình. Vì chúng tôi biết rằng khi đã bước chân vào sân chơi toàn cầu thì phải chấp nhận luật chơi chung như mọi người. Vì vậy tuân theo những chuẩn mực của thị trường thế giới là hết sức cần thiết.  HPT là một trong số ít công ty dám đầu tư hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP cho chính mình.

Trong công việc và trong cuộc sống, phải luôn đặt ra những  mục tiêu cao phù hợp với năng lực của bản thân, nếu không thì cuộc sống sẽ rất vô vị. Từ những ngày đầu, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu là trở thành một trong những công ty hàng đầu về dịch vụ Công nghệ Thông tin tại Việt Nam. Và để đạt được mục tiêu đó thì yếu tố quan trọng nhất chính là con người.



CDN: Vậy theo anh, con người trong công nghệ thông tin nói chung và tại HPT nói riêng cần phải như thế nào?

NVĐ: Đó là những con người có trình độ chuyên môn và có sự am hiểu về công nghệ thật vững chắc. HPT luôn hướng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có sự chuyên sâu trong một hoặc hai lĩnh vực nào đấy chứ không cổ xúy cho xu hướng cái gì cũng biết  mỗi thứ một chút mà không có gì sâu. Ngoài ra, quan trọng hơn cả là phải có sự đam mê học hỏi và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi thường nói vui rằng, cái nghề Công nghệ Thông tin này vất vả lắm, khổ lắm, nó không như nghề y, càng nhiều tuổi thì các nhiều kinh nghiệm, càng giỏi. Đối với nghề này, càng nhiều tuổi thì càng “đuối” vì phải vất vả liên tục học tập những công nghệ mới, tiên tiến. Công nghệ được thay đổi từng giờ, từng phút. Nếu như không liên tục học hỏi, cập nhập những công nghệ mới thì anh sẽ bị thụt lùi và bị đào thải. Mặt khác, sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, những ý tưởng trong công việc rất cần thiết, vì nếu như không có điều đó, anh sẽ rất dễ nản lòng trước những thách thức và khó khăn của nghề này.

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là những người làm việc trong ngành Công nghệ Thông tin phải biết cách cộng tác, làm việc với nhau. Hiện nay trong công tác đào tạo, chúng ta cổ xúy cho việc đi kiếm tiền nhiều quá, thực ra cái đó không sai nhưng nó sẽ không đi đến đích lớn được, khó phát triển bền vững. Phương pháp làm việc, cách thức giao tiếp, biết hợp tác làm việc trong cộng đồng đều rất cần thiết thì lại chưa được chú trọng. Nền kinh tế không đi đến đâu với những con người không biết cách làm việc với nhau. HPT có được ngày hôm nay là bởi HPT có những con người chấp nhận lao động vất vả, biết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể. Và tôi luôn trân trọng những sự đóng góp công sức của các anh em trong công ty, họ đã sát cánh bên nhau trong từng bước phát triển của HPT đến hiện nay.  




“Tôi là người có nhiều đam mê”

CDN: Anh nói mình là người có nhiều đam mê?

NVĐ: Tôi cho rằng cuộc sống có rất nhiều điều rất thú vị, chính vì vậy, nếu chỉ có đam mê trong công việc, trong kinh doanh thì quả thật chưa đủ và hơi buồn. Tôi thích học, thích đọc, không chỉ vì yêu cầu của công việc là luôn phải học hỏi, mà tôi coi việc học là niềm đam mê của mình. Học để nâng cao trình độ, học để biết thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Chính vì mê học nên tôi rất thích đọc sách. Cứ mỗi tuần là tôi mua ít nhất một cuốn sách. Công việc rất bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng dành chút thời gian để đọc sách. Đọc sách có nhiều điều thú vị lắm, vì dưới những con chữ, mình có thể khám phá được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống muôn màu hôm nay. Đúng là càng đọc càng thấy mình ít hiểu biết.

Ngoài ra, gia đình củng là niềm đam mê bất tận của tôi. Sau những giờ làm việc căng thẳng thì việc làm cho tôi thoải mái và thích nhất chính là được chơi đùa với hai đứa con của mình. Chơi với chúng, tôi chẳng bao giờ biết chán và mệt, những ngày không quá bận rộn, tôi thường cùng vợ con đi chơi đây đó. Đó thực sự là niềm hạnh phúc. Gia đình chính là điểm tựa cho tôi trong cuộc sống, chúng tôi cũng sống chung cùng bố mẹ già và thực sự hạnh phúc vì nhận được nhiều sự thông cảm và chia sẻ từ những người thân của mình trong những lúc vật lộn với khó khăn của công việc và kinh doanh. Và tôi luôn cảm ơn và tự hào về gia đình mình.







tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương