Cậu Bé Chăn Châu Trên Cánh Đồng Ước Mơ Cưỡi Máy Bay ! Đoàn Nguyên Đức



tải về 0.83 Mb.
trang9/14
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.83 Mb.
#33100
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Khi niềm đam mê bị thử thách

Khi bắt tay vào nuôi trồng thử nghiệm, không chỉ đầu tư rất nhiều tiền bạc và thời gian, Trần Lê Thu Thảo còn bỏ nhiều công sức để tìm kiếm thông tin, tài liệu để nâng cao sự hiểu biết của mình về lĩnh vực này. Và chính lúc này, chị khám phá ra rằng trồng nấm là một công việc hết sức thú vị. Sự đam mê nấm bắt đầu hình thành và ngày càng mãnh liệt trong chị. “Khi bắt đầu thử nghiệm trồng nấm, tôi đã biết mình đang mạo hiểm, vì đây không phải là chuyên môn của mình. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ làm, có lẽ đó là do lòng đam mê với nó. Mặc khác, tôi nghĩ rằng ở đời phải mạo hiểm thì mới có thành công”.




Tuy đã lường trước, nhưng chị Thảo không ngờ rằng sự mạo hiểm của chị lại thất bại nặng nề ngay ở lần thử nghiệm đầu tiên. Một căn bệnh lạ với những mốc xanh, mốc cam xuất hiện trên những bịch phôi nấm mà chị đang thử nghiệm và lây lan với tốc độ rất nhanh. Nhìn thấy công sức của mình đang dần bị hủy hoại, chị không thể cầm lòng. “Lúc đó, tôi gần như suy sụp tinh thần. Tôi đã mang bịch phôi nấm bị bệnh đi gõ cửa các nhà khoa học GS.TS khắp nơi để hỏi nguyên do căn bệnh và tìm cách chữa trị, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vô cảm. Khi tìm đến một vị tiến sĩ chuyên về nuôi trồng nấm thì cũng chỉ nhận được câu trả lời khiếm nhã. Ông ta nói rằng, hãy mang về đi, đừng mang đến đây kẻo lây bệnh cho trại nấm của tôi. Tôi thực sự bị sốc và gần như ngã quỵ”. Chị tâm sự.

Cùng với căn bệnh đang hoành hành tại trại nấm của mình, tinh thần của chị Thảo cũng bị suy nhược nghiêm trọng. Chị kể: “Khi đó, tôi gần như bị điên. Đầu đau kinh khủng. Đau đến nỗi có những đêm chịu không được tôi đập đầu vào tường chỉ để có cảm giác bớt đau. Ông xã tôi chăm sóc và trấn an tinh thần tôi suốt đêm, xoa dầu gió xanh cho để tôi đỡ hơn. Suốt ngày tôi cứ cầm bịch phôi bị bệnh và thơ thẩn như người bị tâm thần. Gia đình không ngừng động viên tôi, nhưng tất cả đều trở nên vô vọng”.

Dù đang trong giai đoạn rối trí, nhưng trong đầu chị không lúc nào thôi suy nghĩ về trại nấm và những cây nấm đang bị bệnh của mình. Tại Nhật người em rể đã cố công tìm kiếm kiến thức điều trị bệnh cho cây nấm. Sau hai tháng tìm hiểu, chị đã biết được nguyên nhân cũng như cách phòng chống bệnh cho cây nấm. Với chị, đó là một điều kì diệu và nó như có một sức mạnh phi thường giúp chị tỉnh lại, sức khỏe của chị nhanh chóng hồi phục hoàn toàn.

Với tinh thần phấn khởi, chị Thảo tiếp tục trồng lại đợt thử nghiệm thứ hai. Kết quả là bệnh của nấm đã giảm đến 90%. Chị lạc quan hơn và ý chí lại càng thêm mạnh mẽ. Tuy nhiên, do khác biệt về điều kiện khí hậu cũng như khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật nên chị tiếp tục gặp một số khó khăn sau đó. Nhưng khó khăn đã không làm vơi đi ý chí quyết theo đuổi sự nghiệp của người phụ nữ ấy.  “Có thất bại mới có thành công. Tôi phải tiếp tục cố gắng, không chỉ để không phụ lòng những người đã sát cánh, động viên tôi trong những ngày gian khó, mà còn vì lòng đam mê với nghề không cho phép tôi lùi bước”.


Bước chuyển mình

Muốn đảm bảo những cây nấm có thể phát triển, phải có những tiêu chuẩn về điều kiện trại nuôi và quan trọng hơn là kỹ thuật nuôi trồng. Chị Thảo quyết định đi học về cách nuôi trồng nấm một cách chuyên sâu nhất, ở Nhật và một số nước có trình độ công nghệ trồng nấm tiên tiến như các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc…




Sau nhiều năm học hỏi, chị đã có trong tay vốn kiến thức chắc chắn về kỹ thuật trồng nấm. Đầu năm 2003, chị bắt tay vào xây dựng trại nấm với cái tên Dona. Sau đó hàng loạt trại nấm được mọc thêm, cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ hơn. Phòng nghiên cứu, phát triển các giống nấm được xây dựng. Công nhân được tuyển dụng ngày một đông. Cây nấm cũng dần dần được thuần hóa, bắt đầu phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam hơn. Tháng 7 năm 2006, Dona chính thức chuyển thành Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dona, với tổng số 46 trại nấm tại Củ Chi.

Dưới sự quản lý và điều hành của chị Thảo, Dona nhanh chóng được phát triển. Nhưng công việc của chị không hoàn toàn giống một giám đốc đúng nghĩa: “Một năm 365 ngày, tôi ngồi trong phòng giám đốc công ty chắc chưa đến 30 ngày. Công việc đòi hỏi tôi phải luôn có mặt thường xuyên ở phân xưởng, trang trại để cùng anh em theo dõi tình hình phát triển của cây nấm. Vì là ngành vi sinh, mỗi ngày nó đều bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiệt độ. Mà khí hậu nước ta thất thường nên phải theo dõi thật sát mới được”.
Sản phẩm chính của Dona hiện nay là nấm Bào Ngư, nấm Linh Chi, nấm Vân Chi. Nhưng chị Thảo biết rằng muốn đảm bảo cho sự phát triển thì không thể chỉ dựa vào một loại sản phẩm mà phải đa dạng hóa. Qua quá trình nghiên cứu tỉ mỉ và kéo dài, chị đã thành công khi chỉ từ một loại nấm, chị chế biến được 16 loại thực phẩm dinh dưỡng khác nhau: bột nêm, tương chao, mì gói, đến các loại rượu, trà… đều làm từ nấm. Đó là một thành công và là bước phát triển lớn của Dona. “Đó là những thực phẩm rất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mà giá thành rất rẻ, ai cũng cũng có thể mua được. Tôi rất tự hào khi những cây nấm đã có thể trở thành những thực phẩm dinh dưỡng thường xuyên có mặt trong mâm cơm của mọi người”.
Không chỉ có thế, chị còn tổ chức nuôi heo rừng lai, trùn quế, ba ba và rau mầm để tận dụng những phế phẩm bỏ đi của bịch phôi nấm sau khi thu hoạch, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế. Dona còn tổ chức bán phôi nấm với giá ưu đãi cho những người có nhu cầu trồng nấm, đặc biệt là những nông dân theo học kỹ thuật nuôi trồng ở công ty. Các phôi nấm Bào Ngư, Linh Chi, Vân Chi, Hoàng Chi, Hắc Chi, Hầu Thủ, Đùi Gà, Trân Châu, Nấm Ngọc, Kim Châm… đều là những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Tính đến hiện nay, công ty đã có hàng trăm chi nhánh và đại lý tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Sản phẩm của Dona đã xuất khẩu qua các nước Đông Dương, ngay chính trên quê hương của những loại nấm này – Nhật Bản, sản phẩm của Dona vẫn được chấp nhận. Chị Thảo cho biết: “Xuất được hàng qua Nhật là điều mà tôi rất sung sướng. Xuất phát từ nước Nhật, nhưng khi đem phôi nấm về Việt Nam thì khí hậu, thổ nhưỡng cũng như kỹ thuật hoàn toàn khác nên chúng tôi đã lai tạo cho phù hợp. Chính vì vậy, bây giờ có thể xuất khẩu lại cho nước Nhật, chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào năng lực của mình”.  

Là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có uy tín, Dona đã đạt được những thành tích xứng đáng, bản thân chị Thảo cũng đã nhận được nhiều bằng khen cho những đóng góp của mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.


“Tôi muốn cùng nông dân làm giàu”

Ngay từ khi thành lập công ty, chị  Thảo đã tổ chức lớp học về kỹ thuật nuôi trồng nấm cho những người nông dân. Nhớ lại những ngày đó, chị nói: “Điều đã đưa tôi gắn bó với những người nông dân chính là những lần tôi chứng kiến họ phải đổ đi không biết bao nhiêu là bầu, mướp, khổ qua… Đó là công sức, là vốn liếng của họ, nhưng họ đành phải đem đổ vì không biết bán cho ai. Bỏ vốn ra 1000 đồng nhưng chỉ thu về 200, 300 đồng thì làm sao mà sống được? Tôi không xuất thân từ nghèo khổ, nhưng tôi hiểu được cái nghèo, cái khổ cực của những người nông dân. Điều đó làm cho tôi ray rứt, và lúc đó, tôi nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó để có thể giúp họ. Thế là tôi mở lớp dạy trồng nấm cho nông dân”.




Chị hướng dẫn cho những người nông dân ở Củ Chi quá trình trồng nấm. Họ về trồng thử và thành công. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều nông dân quanh vùng cũng đến xin học, ngay cả các nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và một số các tỉnh phía Bắc cũng tìm đến để học kỹ thuật trồng nấm của chị. Thậm chí, một vài nông dân ở Lào, Campuchia cũng sang tìm hiểu. Tất cả những ai đến học đều được chị tạo điều kiện nơi ăn chốn ở miễn phí. Chị nói: “Nông dân rất nghèo, họ làm gì có tiền, nếu còn thu tiền thì họ không thể theo học được. Và đó là điều tôi không bao giờ muốn”.

Từng là một giáo viên, vì vậy chị luôn hướng dẫn cho những “học trò” của mình bằng ngôn ngữ dễ hiểu, cho tất cả học viên đi thực tập ngay tại trại nấm của chị. Các kỹ thuật gieo trồng, tưới nước, chăm sóc cây giống, thậm chí đơn giản như hái nấm cũng đều được chị hướng dẫn tận tình. Chị cho biết: “Có nhiều người đến đây học thậm chí không biết đọc, biết viết, nhiều khi họ vừa học vừa cầm trên tay chai rượu đế. Người nông dân rất bộc trực, chân thực và rất dễ thương”.
Chưa dừng lại ở việc dạy học, chị Thảo còn muốn làm nhiều hơn thế. Chị đã đem cầm mảnh đất của mình cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lấy 2 tỷ đồng đó đầu tư cho những người nông dân có nguyện vọng làm giàu từ cây nấm. Mỗi hộ nông dân đều được chị hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng. Khi kết thúc lớp học, chị cung cấp cho học viên những bịch phôi nấm với giá rất ưu đãi để họ đem về bắt đầu nuôi trồng. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm của họ đều được Dona đảm bảo bao tiêu với giá khá cao. Chị cho biết: “Thời gian đầu, tôi bao tiêu sản phẩm cho họ 10.000đ/kg. Tuy nhiên, vì thời điểm đó chúng tôi phân phối hàng gián tiếp qua các thương lái, mà họ ép giá chỉ còn 4.000đ/kg, vậy nên cứ một kg nấm chúng tôi lỗ 6.000đ, trong suốt một năm. Số tiền thiệt hại hơn 400 triệu đồng làm cho Dona gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn chấp nhận, vì không thể thất hứa với những người nông dân của mình được. Đến nay thì công ty đã đảm bảo khả năng bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm do nông dân cung cấp”.

Chị tiếp lời: “Có lẽ hơi lạ lùng nhưng thú thật, từ khi xây dựng nên Dona đến thời điểm này, số vốn bỏ ra hơn mười tỷ nhưng tôi chưa cầm một đồng lợi nhuận trên tay. Vì lợi nhuận bao nhiêu tôi đem đầu tư cho những người nông dân nghèo, thực sự muốn vươn lên bằng cây nấm. Tiền mà tôi có được vẫn là từ cửa hàng ở trung tâm quận 1”.

Chị Thảo luôn canh cánh trong lòng về đội ngũ kỹ thuật, lực lượng thương mại đủ giỏi để có thể giúp đỡ cho những người nông dân phát triển sản phẩm của mình. Chị luôn mơ ước sản phẩm của nông dân Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường các nước. Chị nói: “Điều kiện tự nhiên nước ta rất trù phú, người nông dân cũng rất cần cù, chịu khó, đủ sức để đưa nền nông nghiệp Việt Nam vươn ngang tầm với các nước trên thế giới. Chúng ta thiếu là thiếu tri thức. Kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh như thế nào… thì người nông dẫn không thể tự làm được nếu như chúng ta không có một đội ngũ hướng dẫn họ”.  

Có lẽ chính suy nghĩ đó đã thôi thúc chị Thảo quyết định làm một công việc có nhiều ý nghĩa khác. Không chỉ dạy cho những người nông dân mà chị còn tạo điều kiện cho học sinh đến tìm hiểu về nghề trồng nấm, để qua đó các em hiểu biết nhiều hơn về ngành nông nghiệp và cuộc sống của những người nông dân. Ngoài ra, chị còn liên kết với nhiều trường đại học để đưa các sinh viên đến trại nấm Dona thực tập. Từ những phòng thí nghiệm với đầy đủ các thiết bị, hàng ngàn sinh viên đã có môi trường để thực hành những bài học trên giảng đường. Chị cho biết: “Tôi tin chỉ bắt tay vào thực hành thì các bạn mới có thể tiếp thu tốt nhất những bài học trong sách vở được. Nhưng có rất ít các công ty, cơ quan nào chịu đứng ra nhận những sinh viên đến thực tập. Dona thì khác, không chỉ tạo điều kiện cho các bạn thực hành, chúng tôi còn hướng dẫn những bài học thực tế không có trên giảng đường. Khi ra trường, các bạn hoàn toàn có thể tự tin khi đi làm việc ở bất cứ đâu, vì các bạn không chỉ vốn kiến thức từ nhà trường mà còn có kinh nghiệm thực hành từ Dona”.

Khi được hỏi vì sao chị lại tạo nhiều điều kiện cho sinh viên thực tập khi điều đó không chỉ tốn kém mà lợi nhuận thu về gần như không có? Chị tâm sự: “Tre già măng mọc. Tôi mong ước sau này khi tôi nằm xuống thì chính các bạn trẻ này sẽ tiếp tục con đường mà tôi đã đi, cùng sát cánh giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”.

Hiện nay chị Thảo đang nuôi và giúp đỡ những chị em cơ nhỡ, ra tù, sau cai nghiện. Tất cả họ được làm việc tại DONA. Mong muốn của chị là giúp họ trở về với cuộc sống hoàn lương, sau này còn giúp ích cho xã hội. Những trại trẻ em khuyết tật, bại não, bị nhiễm chất độc màu da cam, trẻ mồ côi, trại dưỡng lão… chị luôn giúp đỡ các họ có những trại nấm để nuôi trồng, qua đó giúp họ tăng thêm thu nhập và học được một cái nghề cho tương lai.




Hạnh phúc là được chăm sóc gia đình


Thành công trong với vai trò là một chủ doanh nghiệp, nhưng có lẽ với chị Thảo thì hạnh phúc thật sự của người phụ nữ không phải nằm ở công việc mà chính là gia đình. Chị nói: “Ban ngày, tôi là nhà doanh nghiệp nhưng khi về đến nhà, tôi là ôsin của gia đình. Và đó thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi. Tôi rất thích được nấu những bữa cơm hay làm những chiếc bánh bông lan, bánh trung thu… cho chồng, cho con. Chính gia đình là điểm tựa để tôi bước lên từng bậc thang của thành công, để được làm việc và đóng góp cho xã hội”. Cũng vì vậy mà chị ghép tên gọi ở nhà của hai đứa con đầu là Ti Đô và Ti Na thành tên công ty mình - Dona.

Nhưng làm thế nào để một người phụ nữ luôn bận rộn với công việc kinh doanh có thể chăm sóc gia đình một cách trọn vẹn? Trần Lê Thu Thảo cho rằng quan trọng chính là phải có sự sắp xếp hợp lý công việc ở gia đình và công ty. Theo chị, khi đến công ty thì hãy chuyên tâm vào công việc, nhưng khi về đến nhà thì hãy dành toàn bộ tâm trí, tình cảm vào gia đình. Như thế sẽ không có sự lẫn lộn. “Khi ở công ty, tôi chỉ biết có công việc, công nhân, hợp đồng, khách hàng, dạy học cho nông dân, các căn bệnh của cây nấm, vấn đề vệ sinh… Nhưng khi đặt chân về nhà, trong đầu tôi chỉ nghĩ sẽ nấu món gì, chuyện nhà cửa, chuyện học hành của con cái…, thế là mọi việc trở nên thuận lợi”.

Nhìn lại một chặng đường dài đã qua, chị không giấu được sự xúc động: “Tôi đã có một công việc tuyệt vời, một niềm đam mê với những cây nấm. Một công ty với những nhân viên nhiệt tình và thân thiện. Và đặc biệt, tôi đã có một gia đình tuyệt vời. Một người chồng tốt, luôn quan tâm, giúp đỡ và luôn bên cạnh động viên tôi trong những lúc khó khăn nhất. Bốn đứa con đều rất ngoan và học giỏi. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì những điều đó”.



Hữu Thọ - Đặng Trực

Nguyễn Đức Tài - Và ước mơ về một “thế giới di động”


Sự thành công của một doanh nhân bắt nguồn từ đâu? Những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, hay một tầm nhìn vượt xa hơn hiện tại để đón đầu tương lai? Một khả năng quản trị tuyệt vời, hay một tấm lòng vì nhân viên và cộng sự? Hoặc đơn giản, đó là sự dũng cảm chấp nhận thất bại để bắt đầu lại từ một niềm tin thành công? Hãy hỏi Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, vì cuộc đời kinh doanh của anh chính là câu trả lời đầy đủ nhất.


Khởi nghiệp bằng … thất bại

Năm 1995, Nguyễn Đức Tài trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ tài chính sau một thời gian du học tại Pháp. Ngay lập tức, anh được một tập đoàn liên doanh Thụy Sỹ mời làm việc với vị trí và mức thu nhập hấp dẫn. Làm việc trong một môi trường hết sức chuyên nghiệp và hiện đại, anh nhanh chóng tiếp thu và tích lũy cho mình những kiến thức và kinh nghiệm về quản lý, kinh doanh tiên tiến nhất. Mặc dù vị trí giám đốc tài chính với mức lương trên 20 triệu/tháng thời điểm đó là mơ ước không ít người, nhưng trong suy nghĩ của Nguyễn Đức Tài, đây không phải là điều anh chờ đợi. Một khát khao được tự khẳng định bản thân và làm chủ công việc của mình luôn thôi thúc anh không ngừng.

Năm 2003, lá đơn xin nghỉ việc của Nguyễn Đức Tài khỏi S-fone khi anh đang giữ vị trí Trưởng phòng Chiến lược khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Và càng ngạc nhiên hơn khi anh quyết định cùng 3 người bạn thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, chuyên kinh doanh điện thoại di động. Ngạc nhiên cũng dễ hiểu, vì thời kỳ đó điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ chỉ dành những người giàu có, thị trường điện thoại chính hãng gần rất hạn hẹp. Nhưng anh và những người bạn của mình tin rằng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nhu cầu về điện thoại di động của người dân sẽ ngày càng tăng nhanh, thị trường chắc chắn sẽ rất rộng lớn. Và thực tế đã chứng minh tầm nhìn của anh hoàn toàn chính xác. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, chiếc điện thoại di động đã trở nên quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với mọi người.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Đức Tài nhận ra một điều rằng cái thiếu lớn nhất trên thị trường điện thoại di động chính là thông tin. Anh cho biết: “Thông tin về chủng loại, tính năng, mẫu mã, chất lượng, đánh giá của người sử dụng và giá cả các sản phẩm điện thoại di động hầu như không có. Khách hàng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào “thiện chí” tư vấn của người bán. Thực sự thông tin tư vấn này nhiều khi cũng rất “hên xui”, nhưng đây lại là một cơ hội mà chúng tôi không thể bỏ qua”. Phát huy những hiểu biết của mình về thương mại điện tử và viễn thông, anh cùng những người bạn tự xây dựng, thiết kế một kênh cung cấp thông tin về điện thoại di động cho mọi người. Website www.thegioididong.com ra đời là thành quả của nhóm sau những nỗ lực không ngừng. Trang web đã được khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Lượng truy cập ngày càng tăng nhanh, mức độ nhận biết về www.thegioididong.com ngày càng lan rộng.

Nhưng sự thành công của website - một không gian ảo - lại không đồng nghĩa với thành công trong kinh doanh thực tế. Điều mà Nguyễn Đức Tài không ngờ đến là một tầm nhìn đúng chưa hẳn là yếu tố quyết định của thành công. Kế hoạch xây dựng một chuỗi cửa hàng nhỏ với mật độ dày, có thể đem lại cho khách hàng sự phục vụ chu đáo và tiện ích của anh nhanh chóng bị thất bại. Ba cửa hàng điện thoại di động với diện tích 20m2 mỗi cái phải đóng cửa chỉ sau 3 tháng ra đời. Nhưng thất bại này không làm cho nhóm 4 chàng trai trẻ đầy khát vọng cảm thấy nản lòng. Câu hỏi “Vì sao khách hàng không mặn mà với những cửa hàng nhỏ vốn rất thuận tiện cho mình?” đặt ra cho cả nhóm. Nguyễn Đức Tài cùng các bạn của mình đi tìm câu trả lời ở chính các khách hàng. Kết quả nhận được đã làm cho anh giật mình: dù rất tiện lợi nhưng khách hàng hoàn toàn không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của những cửa hàng nhỏ như thế. Một phần do không gian quá hạn hẹp, thương hiệu cũng chưa tạo được niềm tin. Mặt khac, họ thường đánh đồng mô hình kinh doanh này với những cửa hàng điện thoại di động nhỏ lẻ, manh mún thường bán hàng “Tàu” chất lượng thấp, hàng đã qua sử dụng… Một bài học đắt giá mà Nguyễn Đức Tài nhận ra: “Trong kinh doanh, nếu không hiểu thấu đáo nhu cầu, tâm lý của khách hàng thì cầm chắc thất bại”.

Quyết đứng lên sau cú ngã đau, Nguyễn Đức Tài và cộng sự gom góp hết vốn liếng còn lại quyết định làm lại từ đầu. Tháng 10/2004, một Siêu thị điện thoại mang tên “Thế Giới Di Động” được khánh thành tại 89A Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh với diện tích gần 300 m2. Nhưng nhiều người đã cho rằng đây chắc chan sẽ là một thất bại nữa. Vì mô hình này còn quá mới mẻ ở nước ta thời điểm đó, mặt khác, vị trí của siêu thị cũng không thuận tiện khi nằm phía trái trên một con đường một chiều. Thế nhưng, anh và nhóm bạn vẫn tin vào trực giác của mình rằng đây sẽ là điểm xuất phát cho sự lớn mạnh của Thế Giới Di Động sau này.




“Chúng tôi bán sự hài lòng”

Niềm tin của Nguyễn Đức Tài đã được đền đáp xứng đáng khi chỉ trong vòng 3 năm, Thế Giới Di Động đã trở thành nhà bán lẻ điện thoại di động số một ở Việt Nam. Một chuỗi hệ thống hơn 10 siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt chi nhánh tại các tỉnh thành từ Hà Nội, Đà Nẵng đến Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Mỹ Tho, và 2 trung tâm sửa chữa bảo hành quy mô. Doanh số trung bình của tổng công ty đạt 40.000 sản phẩm/tháng. Nếu như doanh thu trong năm 2006 đạt khoảng 20 tỉ/tháng thì qua năm 2007, con số này đã tăng gấp 5 lần. Ngoài ra, website www.thegioididong.com hiện có hơn 500.000 lượt người truy cập hàng ngày, nằm trong Top 25 website hàng đầu Việt Nam. Một tốc độ phát triển rất nhanh và cũng rất vững chắc. Vậy đâu là bí quyết cốt lõi cho sự thành công này?




Nguyễn Đức Tài chia sẻ: “Ở Thế Giới Di Động, chúng tôi bán sự hài lòng. Đó là triết lý xuyên suốt mọi hoạt động, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển đến ngày hôm nay của công ty”. Một điều dễ dàng nhận thấy ở hệ thống siêu thị của Thế Giới Di Động là không có các quầy hàng riêng biệt theo từng loại sản phẩm. Nhân viên cũng không có nhiều kiểu đồng phục riêng lẻ theo từng thương hiệu như tại các siêu thị khác. Tất cả chỉ mặc một kiểu đồng phục duy nhất của Thế Giới Di Động. Khách đến chỉ có các nhân viên tư vấn ngồi vào bàn trò chuyện, thậm chí nhiều khi không mang sản phẩm ra giới thiệu. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên mà khách hàng nhận được khi đến đây là: “Em giúp gì cho anh/chị?”, chứ không phải là “Anh/chị cần mua gì?”. Điều này đã khiến cho khách hàng luôn cảm thấy thoải mái và không chịu áp lực. Nguyễn Đức Tài cho biết: “Tất cả nhân viên của công ty luôn quán triệt thông điệp: khách hàng ra khỏi siêu thị với nụ cười thỏa mãn, cho dù họ không mua bất cứ sản phẩm nào cũng là một thành công”.

Bên cạnh đó, trong chính sách khen thưởng nhân viên, Nguyễn Đức Tài không chú trọng đến doanh số bán hàng hay giá trị sản phẩm mà nhân viên bán được. Đối với anh, nhân viên bán được sản phẩm trị giá 18 triệu với sản phẩm trị giá 500 ngàn đồng đều được đối xử như nhau. Vì vậy, nhân viên của anh không bị quá nhiều áp lực về doanh số, nhưng bù vào đó, họ phải biết cách đem lại cho khách hàng sự hài lòng cao nhất. Có thể nói, ngoài chất lượng của sản phẩm đã được đảm bảo bởi nhưng nhà cung cấp chính hãng, các dịch vụ chăm sóc khách hàng là thế mạnh lớn nhất khẳng định vị thế của Thế Giới Di Động trên thị trường cạnh tranh như hiện nay.

Điều đặc biệt là không chỉ trong kinh doanh thực tế, sự hài lòng của khách hàng mới được chú trọng, Nguyễn Đức Tài còn áp dụng điều đó ngay trong không gian ảo là website www.thegioididong.com. Không chỉ cung cấp lượng thông tin phong phú từ chủng loại, tính năng, mẫu mã đến giá cả trên thị trường, thông tin khuyến mãi về các sản phẩm, website này còn có nhiều tiện ích đa dạng dành cho khách truy cập. Một diễn đàn với các chủ đề liên quan đã thu hút hàng ngàn thành viên bàn luận sôi nổi, cung cấp miễn phí dịch vụ tải nhạc, ảnh cho điện thoại di động… tất cả đều đem đến cho khách hàng sự phục vụ chu đáo nhất. Anh tâm sự: “Chúng tôi nhận được nhiều lời đề nghị từ các hãng là đưa sản phẩm của họ lên đầu tiên dựa vào nhu cầu tìm kiếm của khách hàng trên website. Nhưng chúng tôi đã từ chối, mặc dù lợi nhuận từ đề nghị này là không nhỏ. Vì đối với chúng tôi, nhu cầu của khách hàng mới là quan trọng nhất”.

Hiện nay, Thế Giới Di Động không chỉ chuyên kinh doanh các sản phẩm điện thoại di động mà còn có thêm mặt hàng máy tính xách tay. Nhưng tham vọng của Nguyễn Đức Tài không dừng lại ở đó. “Khi đặt tên công ty là Thế Giới Di Động, chúng tôi đã xác định là phải xây dựng công ty theo một mô hình kinh doanh đa dạng các thiết bị di động. Điện thoại di động là sản phẩm tiên phong, biểu hiện rõ nét nhất tính “di động”, và nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhất”. Trong kế hoạch của Nguyễn Đức Tài, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay; từ máy nghe nhạc, xem phim MP3, MP4 đến máy ảnh, máy quay phim;… tất cả các thiết bị điện tử di động sẽ lần lượt được hội tụ tại Thế Giới Di Động. Một “Thế giới của các thiết bị di động”, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng là ước mơ lớn mà anh đang theo đuổi.


“Đất dụng võ” cho người tài

Hiện nay, số lượng nhân sự của Thế Giới Di Động hơn 1000 người trên toàn quốc, trong đó trên 95% nhân viên có tuổi đời dưới 30. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình, Nguyễn Đức tài đã hiểu rằng, ngoài ý tưởng và vốn liếng, anh cần phải có những con người đủ tài năng và tâm huyết để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Anh nhớ lại: “Tôi đã tìm gặp những con người đó và nói thẳng với họ rằng ngay thời điểm đó, tôi không thể đem đến cho họ những lợi ích kinh tế trước mắt ngang bằng với các đơn vị họ đang làm việc được. Điều mà tôi có thể làm được lúc đó là tạo cho họ một môi trường để tự do phát huy hết tài năng của mình. Nói cách khác, Thế Giới Di Động sẽ là “miếng đất dụng võ” hết sức lý tưởng cho những người như họ. Và tôi đã giữ lời hứa đó”. 




Bằng cách bày tỏ sự thẳng thắn và chân tình, Nguyễn Đức Tài đã thuyết phục được 3 người bạn của mình cùng bắt tay xây dựng dự án về Thế Giới Di Động. Mặc dù khi đó những người bạn của anh đều đang có những công việc ở vị trí cao với mức thu nhập không thấp trong các công ty lớn. Từ bỏ tất cả những cái đã có để bắt đầu một công việc hoàn toàn mới, chưa biết trước tương lai là một quyết định có phần mạo hiểm và không dễ dàng đối với nhiều người. Nhưng những người bạn đó đã tin anh. Và chính họ đã góp phần cùng anh xây dựng nên một Thế Giới Di Động thành công như hiện nay.

Từ những ngày đầu tiên xây dựng Thế Giới Di Động đến nay, quan điểm xây dựng một môi trường làm việc mà ở đó, mỗi nhân viên đều có thể tự do phát huy hết khả năng của mình được Nguyễn Đức Tài xem như là nền tảng cho hoạt động của công ty. Anh nói: “Ở Thế Giới Di Động, ai cũng biết rằng đây là “đất dụng võ” tốt nhất cho mình”. Anh rất xem trọng những ý kiến đóng góp, những ý tưởng sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của công ty, cho dù đó là ý kiến của người ở vị trí thấp nhất hay tuổi đời trẻ nhất. Chính vì vậy, Thế Giới Di Động là một trong số ít những công ty có sự thu hút nguồn chất xám trẻ rất chất lượng hiện nay.   

 Nguyễn Đức Tài khẳng định: “Mặc dù có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tôi luôn tin tưởng vào sự vững mạnh của Thế Giới Di Động ở hiện tại và trong tương lai, cho dù sự cạnh tranh của thương trường ngày càng khốc liệt. Bởi một lẽ chúng tôi đang có một đội ngũ những con người trẻ trung, tài năng và đầy khát vọng khẳng định giá trị của mình”. Đôi mắt anh ánh lên một niềm tin mạnh mẽ.




tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương