Cậu Bé Chăn Châu Trên Cánh Đồng Ước Mơ Cưỡi Máy Bay ! Đoàn Nguyên Đức



tải về 0.83 Mb.
trang6/14
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.83 Mb.
#33100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Tiếp thị truyền miệng

Trong buổi nói chuyện với các nữ doanh nhân TPHCM, khi nhắc đến marketing, cô không e dè bảo rằng đó là ưu điểm của cô. Tracey nguyen là một thương nhân vừa được đào tạo bài bản vừa có nhiều kinh nghiệm.Sau hơn 4 năm kinh doanh thành công, cô bỏ ngang để theo học lớp quản trị kinh doanh tại trường đào tạo Thunderbird.

Trước đó, cô đã từng là giám đốc tiếp thị cho công ty Donerger group. Tracey kể rằng lúc đầu thành lập công ty, cô phải tiếp thị bằng miệng “xách từng valy hàng đi tiếp thị” hay “ra ngoài đường đứng rao suốt ngày cho người ta biết đến công ty”, như cách nói của chị.

Theo cô, tiếp thị truyền miệng vẫn là cách tiết kiệm và hiệu quả để quảng bá công ty, đặc biệt với các công ty mới mở và ít vốn. Cô đưa ra con số: 32% khách hàng nghe các đề nghị của bạn bè và gia đình; 56% nói cho bạn bè và gia đình biết về sản phẩm mình quan tâm.Khi bán hàng phải giới thiệu cả ý nghĩa, đặc trưng của sản phẩm. Và những khách hàng đầu tiên của cô rất thích thú với cách tiếp thị này.


Với Tracey Nguyen, tiếp thị ngày nay phải chú trọng mọi đối tượng: từ nhân viên cho đến khách hàng. Làm sao để mỗi nhân viên phải là tiếp thị viên của công ty.Tracey kể về kinh nghiệm của mình. Năm 1999 công ty cô có nhiều khách hàng do sau đó việc kinh doanh gặp khó khăn do một số công ty nữa ra đời. Nhưng cô quyết không giảm giá mà tăng chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ khách hàng.Một thời gian sau, cô lọc ra một số khách hàng chính, những người mà “họ có thể hỗ trợ công ty và công ty cũng có thể hỗ trợ lại chính họ”. Cô đưa ra con số, ở Mỹ trong các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất ở Mỹ, khoảng 50-80% doanh số đến từ chỉ 10-15 khách hàng.

Cũng trong buổi nói chuyện này, Tracey đột nhiên dừng câu chuyện và hỏi bao nhiêu doanh nghiệp có trang web. Khoảng chục cách tay giơ lên. Cô hỏi tiếp: bao nhiêu trang web có thể mua bán, đặt hàng trực tuyến. Chỉ có rất ít cánh tay giơ lên.Tracey Nguyen nói rằng: công ty nên có website, dù chỉ có một trang; phải làm cho khách hàng thấy rằng công ty của mình có qui mô và khả năng tồn tại. Tracey đưa ra kinh nghiệm: khi đó công ty cô chỉ đặt tại một căn hộ ở New York, dù chỉ có một người nhưng khách hàng gọi đến sẽ được hướng dẫn nhấn phím 1 để gặp thư kí, nhấn phím 2 để gặp giám đốc...

Con người là tài sản quý nhất của công ty

Tracey khuyên các doanh nghiệp nên dành thời gian trò chuyện với nhân viên, cho họ tin tưởng đường lối, mục tiêu công ty, thấy mình là một phần trong đó, thậm chí là đối tác quan trọng của công ty. Phát triển công ty không đơn giản là thu lợi nhuận mà sâu xa hơn là phát triển con người trong công ty.Nhân viên là tài sản quý giá của doanh nghiệp.

Cô phát biểu: “Một điều tôi hay nói với nhân viên công ty IBM là đừng chú trọng quá nhiều vào tiền bạc”.

Tracey Nguyen đưa ra hai yếu tố để lựa nhân viên cho công ty: năng lực và tính cách phù hợp văn hóa công ty. “Phải suy xét xem khi thời đại thay đổi, họ có còn trung thành với đường hướng công ty nữa hay không”.Cô quan niệm: lãnh đạo và quản lý là khác nhau. Khi mới thành lập công ty, người chủ có thể đóng vai trò quản lý: kiểm soát, đôn đốc, hướng dẫn. Nhưng thời gian sau, chủ doanh nghiệp nên nhường việc quản lý cho người khác và chỉ nên lãnh đạo: đưa ra đường lối, phương hướng và tạo động lực cho công ty.Người lãnh đạo không nên kiểm soát nhân viên mà nên giao cho họ quyền tự quyết định. Tracey kể một lần ở Ấn Độ, cô muốn khiếu nại về một hóa đơn thanh toán quá cao nhưng phải đến nhân viên thứ 8 thì mới giải quyết được chuyện này.Cô bảo, với trường hợp này nhân viên của cô sẽ xin namecard của khách hàng và sau đó liên hệ giải quyết, chứ không để khách chờ.Tracey cũng đưa ra những cách đơn giản để quan tâm đến khách hàng như: hỏi về phản ứng sau khi giao hàng hay dịch vụ; thường xuyên trò chuyện với khách hàng; soạn 5-10 câu hỏi điều tra ngắn để thu thập thông tin phản hồi; trang web công ty cần có chỗ thu thập thông tin phản hồi, nhanh chóng trả lời câu hỏi của khách hàng…



Lý lịch Tracey Nguyễn:

Tracey Nguyễn sinh năm 1977 ở Nha Trang và sang Mỹ khi cô lên 4 tuổi. Cô tốt nghiệp đại học Johnson & Wales; sau đó làm việc cho tập đoàn PricewaterhouseCoopers - một tập đoàn bán lẻ lớn ở Mỹ. Sau chuyến trở về Việt Nam năm 1999, cô về Mỹ và cùng chị ruột thành lập công ty thời trang Tu Anh LLC nhập khẩu giày từ Việt Nam.

Lúc mới thành lập, cô luôn kiên định ba nguyên tắc là: hàng thủ công; làm ở Việt Nam; phải lắng nghe khách hàng. Công ty này đã phân phối sản phẩm cho hơn 50 hiệu quần áo trên khắp nước Mỹ và có mặt trên nhiều tạp chí thời trang nổi tiếng của Mỹ như Women’s Wear Daily, Instyle, Glamour, Lucky, truyền hình Today.
Hiện nay, công ty này do chị của cô điều hành, cô chỉ cố vấn. Trong thời gian đó, cô cũng làm Giám đốc tiếp thị Công ty tư vấn quảng cáo thời trang Doneger Group. Năm 2004, Tracey ngừng kinh doanh và tham gia khoá đào tạo Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại trường Đào tạo quản lý Thunderbird. Chưa đầy 30 tuổi, cô trở thành chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh cao cấp của tập đoàn IBM trong mảng Dịch vụ toàn cầu.


Hiếu Hiền
Chuyên san Trí Tri

Trần Vân Tôn - Vị Giám Đốc mê ... rừng


Không giày tây bóng lộn, không sơ mi thắt cà vạt, Trần Vân Tôn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế Kỷ là một vị Tổng giám đốc đặc biệt. Đặc biệt bởi trong khi giới đầu tư đang đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán; thì ông lại đầu tư vào một lĩnh vực được coi là có khả năng thu hồi vốn chậm- lĩnh vực trồng rừng. Mười mấy năm lập trang trại cũng bằng đó thời gian ông vác đơn khi khiếu nại để đòi lại sự công bằng. Phải chăng ông tự chọn cho mình con đường khó khăn để đi?


TUỔI TRẺ VÀ SÓNG GIÓ

Giống như bao bạn bè đồng trang lứa khác, Trần Vân Tôn chịu ảnh hưởng rất lớn từ xã hội Việt Nam lúc đó. Sinh ra trong một gia đình nho giáo truyền thống, ngay từ nhỏ Trần Vân Tôn đã được cha dạy: “Phải sống có lương tâm. Sau một ngày phải tự kiểm điểm xem mình đã làm được gì? Có trái với lương tâm không?”. Không chỉ uốn nắn các con về cách làm người, lối sống theo sách thánh hiền giữ  nề nếp “tam cương ngủ thường, nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”, cha ông - một lương y còn dạy con mình phải biết yêu lao động, giúp đỡ mọi người. Nếu việc gì làm được thì cứ nhận làm, không nề hà. Chính cách giáo dục của gia đình đã hình thành nên nhân cách của cậu bé Tôn khi đó.


Mới là một cậu bé, Trần Vân Tôn đã thuộc hết dược tính của các bài thuốc Đông dược. “Lúc nhỏ, khi hát ru, mẹ tôi cứ hát theo mấy bài trong sách dược. Rồi tôi thuộc từ khi nào cũng chẳng biết. Thuộc lòng mà không hiểu. Chỉ khi lớn mới thấm thía và biết về những cỏ cây, bài thuốc trong bài hát ru của mẹ”, ông cho biết. Bước vào trung học, Trần Vân Tôn được vào học trường công lập đầu tiên của tỉnh Long An. Buổi sáng mải miết với sách vở, bút nghiên, buổi chiều lại thấy cậu bé chăm chỉ lo cho đàn trâu, đàn bò. Cuộc sống ấy đã tạo nên trong Trần Vân Tôn tư tưởng phải làm giàu bằng mọi cách, miễn là lương thiện. Và đó chính là động lực để ông không ngừng vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Tốt nghiệp tú tài, không giống như anh trai chọn nghề y của cha để kế thừa, Trần Vân Tôn lên Sài Gòn lập nghiệp. Mười tám tuổi, một mình tự lập giữa chốn phồn hoa. Dù ăn cơm bụi, ngủ ngoài đường, ông cũng quyết không dựa vào bất kỳ một ai. Quyết tâm làm giàu trong ông nhen nhóm khi ông thi vào ngành Quốc gia Hàng hải thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (hiện nay là Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh). Học hàng hải gần một năm, ông quyết định từ bỏ chỉ vì lý do phải tự tìm tàu để đi thực tập trong 60 tháng. Từ bỏ ngành hàng hải nhưng Trần Vân Tôn không cảm thấy luyến tiếc.
Ông nghĩ rằng, lý tưởng làm giàu chỉ có một, nhưng có thể làm bằng nhiều cách, đến đích bằng nhiều con đường. Vậy là ông thi vào trường Ngân hàng. Kỷ niệm thời đại học của ông là những buổi giành chỗ học trong các thư viện lớn của thành phố. Ông kể rằng: Thời đó rất nhiều người ham học, người đi thư viện rất đông nên phải đi sớm mới có chỗ ngồi. Ông còn cố gắng sắp xếp tham gia học tiếng Anh miễn phí ở Trường Cơ đốc giáo do các mục sư, tu sĩ giảng dạy. Và thời kỳ nhọc nhằn cũng qua đi, sự cố gắng của ông được đền đáp. Năm 1963 tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông đã được nhận vào làm việc ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, ông chính thức trở thành chuyên viên của ngân hàng này.
Thông minh, chăm chỉ Trần Vân Tôn nhanh chóng trở thành một nhân viên xuất sắc. Năm hai mươi hai tuổi, ông được đề bạt làm Chủ sự phòng Đầu tư và Ngoại trái (tương đương với trưởng phòng hiện nay). Một chủ sự trẻ tuổi nhưng đã kịp ghi ấn tượng sâu sắc bằng bài luận “Việc quản lý ngoại tệ sỡ hữu Việt Nam hiện thời”. Bài viết của ông được giáo sư Bùi Văn Thịnh đánh giá rất cao. Năm hai mươi sáu tuổi, Trần Vân Tôn đã là Chánh sự vụ Sở của Ngân hàng Quốc gia (tương đương với giám đốc sở). Với mức lương hơn bốn trăm ngàn đồng một tháng, vào thời điểm bấy giờ ông có thừa khả năng để thực hiện ước mơ được giúp đỡ gia đình.
Làm việc ở ngân hàng nên lương của ông cao hơn so với các ngành khác. Đồng thời, các công việc như dạy học, làm giám định viên hữu thệ tòa thượng thẩm (giống tổ chức kiểm toán) cũng cho ông thêm nhiều thu nhập. Và từ gợi ý của một người bạn, ông bắt đầu tiết kiệm để làm vốn cho sau này. Có địa vị, có tiền tài, song ý chí vươn lên không bao giờ vơi cạn trong ông. Lời dạy: Phải làm việc bằng tất cả tài năng và sức lực, làm giàu bằng lương tâm và kiến thức của cha đã ăn sâu vào trong tâm trí Trần Vân Tôn. Ông tiếp tục đi học và đã lấy được bằng cử nhân của Đại học Luật khoa Sài Gòn. Với kiến thức, tài năng, Trần Vân Tôn được chọn là hạt giống, được đào tạo để chuẩn bị làm đại diện cho Việt Nam tại Ngân hàng Phát triển Á Châu. Vì khi đó Việt Nam là đồng sáng lập viên Ngân hàng phát triển Á châu.
Chưa kịp vào Ngân hàng Á Châu thì giải phóng miền Nam, giống như bao công chức khác tham gia làm việc tại các công sở của chế độ cũ, Trần Vân Tôn phải đi cải tạo 3 năm. Sau thời gian cải tạo, với bằng cử nhân ngân hàng trong tay nên ông được Nhà nước tin dùng; ông được phân công về phụ trách tài chính ở các công ty thuộc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh.
Dù ở bất cứ vị trí nào, làm bất kỳ công việc gì, ông cũng làm bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất. Khi phụ trách tài chính ở Công ty Xây lắp Dầu khí Vũng Tàu cũng vậy. Dốc hết tâm sức vào công việc, ông còn là người rất nhanh nhạy. Ông kể lại: “Hồi đó cứ mỗi lần nhà nước đổi tiền là tôi tiên đoán được và chuẩn bị trước. Đến khi giám đốc hỏi đến thì mọi việc đã hoàn thiện rồi”. Cho nên ông rất “được lòng” của sếp. Không lâu sau, ông đã được tín nhiệm bầu làm Phó phòng Thống kê - Kế toán - Tài chính. Rồi được đề bạt làm trưởng phòng nhưng ông từ chối. Nhạy bén trong cách nhìn, tận tâm trong công việc, năm 1986 ông đã được Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua kèm theo phần thưởng là một căn hộ.
Là một cán bộ ưu tú nên khi công ty có chính sách mới, ông là một trong những người đi tiên phong. Lúc đó công ty thực hiện khoán công trình đến các đội thi công. Mặc dù làm việc trong Phòng Thống kê - Kế toán - Tài chính, nhưng ông cũng mạnh dạn đứng ra nhận công trình để thi công. Việc làm này vừa theo chính sách chung của công ty, đồng thời còn giúp cho đời sống hơn 20 cán bộ nhân viên trong phòng được đảm bảo. Từ đó, ông kiêm thêm chức Đội phó Đội thi công số 3 của Công ty Xây lắp Dầu khí Vũng Tàu. Và thay vì ngồi trong phòng làm việc với những con số, ông bước vào một hành trình mới - xuôi ngược với các công trình xây dựng.


GẮN KINH DOANH VỚI TRUYỀN THỐNG

Tạm gác công việc kế toán, ông bắt đầu xuôi ngược theo các công trình dân dụng và công nghiệp: xây dựng cầu đường, nhà máy. Từ công việc văn phòng chuyển qua làm kỹ thuật, tưởng rằng ông sẽ rất khó khăn với công việc mới. Vậy mà, ông đã vượt qua nó một cách dễ dàng. Ông cho biết: Làm công việc kiểm tra khối lượng thi công để tính lương và chi phí, luôn sử dụng đơn giá và định mức trong xây dựng cơ bản bao nhiêu năm nên ông đã rành nhiều việc. Chỉ cần học thêm cách quản lý xe cơ giới, định mức ca máy, qui trình làm cầu, làm đường là có thể làm được tất cả. Quả thật như vậy!


Nhờ có sẵn kiến thức cơ bản, ông không hề gặp khó khăn khi chuyển sang một lĩnh vực mới. Phụ trách đội thi công, có trong tay hàng chục chiếc máy nào là ủi, xúc, lu, ban… ông nhanh chóng nhận được nhiều hợp đồng. Làm không hết việc, thu nhập cũng tăng đáng kể. Thậm chí, thu nhập của anh em trong đội của ông còn cao gấp 3 lần thu nhập của nhân viên phòng kỹ thuật công ty lúc đó. Với các công trình xây dựng cho Sở Lao động Thương binh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh như Trung tâm Giáo dục và phát triển kinh tế mới Tân Hiệp, Phú Văn, Trường số 1 Thanh niên xung phong, Nhà máy xay lúa Sài Gòn Satakê, … ông đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng nhiều bằng khen và huy hiệu Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố.
Nói vậy không có nghĩa là ông toàn gặp thuận lợi trong việc kinh doanh. Trong lúc đội thi công cơ giới của ông không ngừng phát triển cũng là lúc ông gặp khó khăn. Khó khăn bắt nguồn từ một số người ganh ghét, đố kỵ với lực lượng trên 40 xe ben, xe tải nặng của ông. Vì là công chức của chế độ Sài Gòn cũ nên họ cứ vịn vào cớ đó mà cho ông là phá hoại… Cũng may, ông sinh hoạt chính trị trong tổ Luật kinh tế thuộc Hội trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và gặp được bà Nguyễn Thị Ráo (anh hùng lao động Ba Thi), Giám đốc Công ty Lương thực thành phố. Cách làm việc tận tâm tận lực khi thi công Nhà máy xay lúa Sài Gòn - Satakê do ông phụ trách đã khiến bà rất ấn tượng. Bà còn đưa ông đến cửa hàng ăn uống huyện Bình Chánh bấy giờ và nói với cửa hàng trưởng rằng bất cứ lúc nào thấy ông Tôn và công nhân đến đây ăn, cứ lo chu đáo và bà sẽ trả tiền… Khi ông bị kẻ xấu vu cho là phá hoại, là phản động thì chính bà Ba Thi và ông Phan Thành Tăng, Giám đốc Ban quản lý công trình là người đã giúp ông minh oan.
Vượt qua những thử thách, năm 1992, ông xin nghỉ hưu nhưng không được Ban Giám đốc Công ty Xây lắp Dầu khí Vũng Tàu chấp thuận. Tới năm 1994 ông mới được cho nghỉ hưu. Lúc này cũng là lúc ông bắt tay thực hiện ý tưởng mới của mình - thành lập Công ty TNHH Giao thông Thủy lợi Thế Kỷ với lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông và trồng rừng. Nếu ai đã từng biết Trần Vân Tôn hẳn sẽ rất ngỡ ngàng khi ông thành lập công ty mà lại lấy hoạt động trồng rừng làm lĩnh vực kinh doanh chính. Nhưng với ông, đó là hướng đi đúng đắn. “Tôi biết rất rõ về lịch sử đất đai của nước ta qua từng thời kỳ. Trước đây, ở miền Nam, trong chính sách “người cày có ruộng”, đại điền chủ cũng chỉ có tối đa 15 ha đất. Còn bây giờ nhà nước thực hiện khuyến lâm, cho phép nhận đất không giới hạn diện tích, kỳ hạn sử dụng 50 năm. Đây chính là thời cơ”.
Thời cơ là một yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất để ông chọn lĩnh vực kinh doanh có vẻ như mạo hiểm này. Ông chọn trồng rừng còn xuất phát từ truyền thống của gia đình và đất nước. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và ông cũng xuất thân từ một gia đình làm nông có truyền thống. Ông không biết lịch sử làm nông của gia đình bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết rằng khi ông được sinh ra thì gia đình ông đã canh tác 100 mẫu đất khai khẩn từ cuộc Nam tiến của Nhà Nguyễn. Đồng lúa, con trâu đã trở thành hình ảnh thân quen, gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam. Và ông cũng vậy.
Bên cạnh đó, Trần Vân Tôn còn nghĩ rằng: “Đầu tư vào trồng rừng là đầu tư bền vững, ít rủi ro. Đồng thời còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường”. Hơn nữa, trước khi chọn đầu tư vào trồng rừng, ông đã đi nghiên cứu và khảo sát rất kỹ khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nơi có tiềm năng dồi dào để phát triển rừng. Lấy khu đất tốt, gần thành phố Hồ Chí Minh là Sông Bé làm dự án, ông bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm bởi trồng rừng không thể thu hồi vốn nhanh như nhiều lĩnh vực khác. Song, ông luôn cho rằng hướng đi của mình là đúng đắn. Nên ông đã lập Công ty Giao Thông Thủy Lợi Thế Kỷ dù cho việc thành lập một công ty lúc đó không hề dễ dàng. “Hồi đó thành lập công ty TNHH không hề đơn giản. Tôi phải đi khắp từ Sở Giao thông công chánh, Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng đến Sở Tài Chính… để chứng minh thành tích, tài chính. Rất mất công và nguy hiểm chứ không như bây giờ”, ông Tôn tâm sự.
Khi mới thành lập, Công ty Thế Kỷ vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhằm tạo cơ sở để phát triển ngành mới này. Với uy tín đã được tạo dựng, ông không chỉ nhận được các hợp đồng thi công trong thành phố, ông còn nhận được nhiều hợp đồng ở các tỉnh khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Sông Bé, Cà mau … Trong đó có nhiều công trình lớn như Nhà máy đường La Ngà, Nhà máy Xi măng, vôi Sài Gòn, Bệnh viện Từ Dũ, hội chợ Quang Trung… cùng nhiều công trình cầu nông thôn ở các tỉnh miền Tây.
Mỗi công trình đã làm là một kỷ niệm khó quên đối với Trần Vân Tôn. Ông không bao giờ quên thời gian thi công trình Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Trong công trình này, ông cùng công nhân phải lắp đặt các vì kèo có khẩu độ rộng hơn 50 mét ở trên cao bằng thủ công. Không có máy móc, công việc được hoàn thành xuất sắc, đến khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm đã vô cùng ngạc nhiên. Lời khen của Thủ tướng khiến ai cũng thấy tự hào và xúc động. Hay kỷ niệm lúc làm các công trình Ga Suối Kiết, Ga Sông Dinh. Tại đây, mọi người cứ phải ngồi dựa lưng vào nhau, nhắc nhau không được ngủ vì sợ muỗi đốt gây sốt rét…
Biết bao kỷ niệm vui buồn, tưởng rằng Trần Vân Tôn khó lòng có thể rời xa lĩnh vực xây dựng. Vậy mà, năm 1998 ông quyết định ngưng hoạt động trong lĩnh vực này để đầu tư hoàn toàn vào trồng rừng. Đến năm 2000, Trần Vân Tôn chuyển đổi Công ty TNHH Giao thông Thủy lợi Thế Kỷ thành Công ty Cổ phần Thế Kỷ. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển hướng phát triển của công ty, chuyển từ xây dựng sang trồng rừng.
Chọn thời điểm này, có lẽ Trần Vân Tôn đã chuẩn bị kỹ càng. Bởi lúc ấy ngành xây dựng nói chung có chuyển biến phức tạp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính để Trần Vân Tôn quyết định chuyển hướng là muốn được gắn công việc kinh doanh của mình vào truyền thống gia đình và đất nước. Đồng thời, muốn nắm bắt cơ hội và thời cơ trong việc lập đồn điền cao su. Háo hức bước vào lĩnh vực kinh doanh mới, ông đã bất ngờ vì nó không bằng phẳng và êm ả như ý nghĩ  ban đầu!


CUỘC CHIẾN BN BÌA RỪNG

Khước từ sang Hoa Kỳ định cư theo chương trình đoàn tụ với gia đình (HO), ông bước vào công việc trồng rừng. Tưởng rằng có đủ máy móc, tiềm lực là có thể thu được lợi nhuận từ rừng. Nhưng ông đã nhầm! Sự yên bình, cái màu xanh bạt ngàn của rừng, vẻ bề ngoài ngây ngô hiền lành của bà con dân tộc Stiêng đã đánh lừa cảm giác của vị giám đốc vốn dạn dày kinh nghiệm. Để đến khi bắt tay vào khai hoang và trồng trọt, sản xuất ông mới bàng hoàng. Mọi việc không đơn giản như ông nghĩ. Cái ưu điểm có nhiều xe máy lại trở thành khuyết điểm để luôn bị bắt bí đòi hỏi gây khó khăn.


Sau khi chứng minh vốn, Công ty Thế Kỷ được lâm trường Bình Long, thuộc huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé cũ (nay là lâm trường Minh Đức, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) tin tưởng giao cho 1.066ha đất để khai hoang trồng rừng theo chương trình 327 của Chính phủ. Ông hăm hở huy động máy móc và vốn liếng về Bình Long bắt đầu cho công việc khai hoang. Kế hoạch khai hoang và trồng rừng được lên chi tiết, cụ thể. Dự án này do Phân Viện Thiết kế qui hoạch, Bộ Nông nghiệp Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) khảo sát và thiết lập. Trong đó, ông sẽ trồng 800ha cao su và 266ha cây rừng gồm xà cừ và tràm bông vàng. Quy trình trồng cao su được chia làm hai chu kỳ, mỗi chu kỳ là 25 năm. Nhưng vừa khai hoang được hơn 557,5 ha đầu tiên, trồng được hơn 200ha cao su và 85 ha rừng thì bị người dân lấn chiếm, chính quyền đình chỉ không cho sản xuất. Thời gian đình chỉ 3 lần kéo dài cả chục năm. Kết quả là hơn 500 ha đất của Công ty Thế Kỷ bị chiếm.
Trần Vân Tôn đem sự việc này đi cầu cứu khắp nơi nhưng cũng không giải quyết được tình hình. “Từ khi bắt đầu khai hoang để trồng rừng, Công ty Thế Kỷ đã 11 lần bị thu hồi đất; 3 lần bị tạm thời đình chỉ không cho sản xuất; 5 lần xin trình duyệt phương án, mà mãi đến 5 năm sau mới duyệt; bị chặt phá rừng trồng 239,5 ha. Còn việc đánh đập công nhân; đốt rừng; đốt lán trại thì không sao kể xiết”, ông Tôn buồn rầu chia sẻ.
Không chỉ riêng Công ty Thế Kỷ bị lấn chiếm đất mà còn nhiều công ty, doanh nghiệp khác cũng ở tình trạng tương tự như Thế Kỷ. Và đó cũng là điều khiến Trần Văn Tôn luôn trăn trở. Thế mới thấy, có lẽ ông không chỉ đấu tranh cho riêng Công ty Thế Kỷ của mình, mà còn đấu tranh để mang lại lợi ích cho những người dân khác.
Việc đầu tư vào trồng rừng của Trần Vân Tôn quả không đơn giản. Nói đến trang trạng chăn nuôi gia súc, ánh mắt ông không giấu được nỗi buồn: “Đàn bò lai sind với hơn 400 con và đàn dê 200 con đang lớn lên từng ngày mà phải bán đi vì đất trồng cỏ bị chiếm”. Ông cho biết thêm, đàn bò lai sind cứ trung bình một ngày lại sản xuất được một con bê, lợi nhuận thu được sẽ rất cao. Song lại không thể giữ được vì không có cỏ, nguồn nước thì bị chặn. Chỉ trong một mùa khô mà chết cả trăm con bò. Nên ông buộc phải bán đàn gia súc.
Cuộc chiến giữ rừng còn khiến ông phải đổ máu. Ông chỉ vào cánh tay của mình, cánh tay gần như bị liệt ấy là vết tích còn lại của lần ông bị đánh. Ông kể rằng, lần đó ông đang cùng Ban chỉ huy giải tỏa làm việc về vấn đề trả lại đất cho trang trại thì bất ngờ bị đánh. Một nhóm người phá vòng vây của trên 200 chiến sĩ công an, xông vào ông mặc cho sự chứng kiến của những người có thẩm quyền. Mấy chục công nhân của ông cũng nếm những trận đòn nhừ tử, phải nhập viện... Nếu không nói đến quá trình khiếu kiện trên mười năm thì không thể hiểu được sự chịu đựng của một con người, bạn bè thường nói ông có thần kinh thép. Vì đã 3 lần ông phải gửi đơn xin bảo vệ tính mạng và tài sản. Nhưng không gì có thể quật ngã được ông.Và hành trình đi tìm sự công bằng cho Công ty Thế Kỷ của ông có lẽ vẫn còn tiếp tục.


VỮNG VÀNG MỘT NIỀM TIN

Đầu tư vào trồng rừng, Trần Vân Tôn đã trải qua không biết bao khó khăn, thách thức. Mỗi một lần bị thu hồi đất, bị đình chỉ sản xuất là ông và Công ty Thế Kỷ lại tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền của. Được giao đất hợp pháp, nhưng có khi ông phải hoạt động sản xuất một cách lén lút trên chính mảnh đất đó. “Trong mười bốn năm khai hoang, trồng rừng, chúng tôi chỉ có 722 ngày để thực hiện sản xuất. Thời gian còn lại là thu hồi, tạm đình chỉ. Tạm mà kéo dài hàng năm liên tục. Vì vậy, để có thành quả hôm nay, chúng tôi buộc phải làm lén thôi!”, ông chia sẻ. Ông phải vay nợ hàng tỷ đồng để đầu tư vào trang trại, số nợ có khi lên đến 7 tỉ đồng. Rồi sau đó lại phải bán gần hết nhà và đất ở của gia đình ở thành phố để trả nợ. Bên cạnh đó, ông còn phải đối mặt với những vấn đề chung của ngành. Đó là thu hồi vốn chậm. Dù đã có sự chuẩn bị trước về vốn, nhân lực nhưng ông cũng không dễ dàng vượt qua. Đó là khi Thế Kỷ thực hiện chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Trong khi trồng cây công nghiệp, ông vẫn cho trồng xen cây ngắn ngày như khoai mì, thơm, cây ăn trái. Nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Và ngay cả việc quản lý nhân công cũng gặp khó khăn. Khi mới thành lập, Công ty Thế Kỷ chỉ có khoảng 45 lao động nòng cốt vốn là thợ lái máy của đội thi công cơ giới cũ. Do nhu cầu sản xuất, công ty phải tuyển thêm nhiều lao động tại chỗ và lao động phổ thông từ nơi khác đến. Ông nhận đến 1000 lao động trong đó ưu tiên 350 cặp vợ chồng hồi gia sau cải tạo phục hồi nhân phẩm của các trung tâm thuộc Sở Lao động thương binh xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Dù được UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ vì sớm có tư tưởng gánh vác trách nhiệm xã hội, giúp đỡ người lỡ lầm, nhưng vẫn rất nan giải. “Người lao động không muốn ký hợp đồng và biến động thường xuyên. Có khi họ đang làm cho mình nhưng thấy ở chỗ kia thuê nhổ mì với giá cao hơn là họ bỏ đi. Không chỉ vậy, ngay cả việc thuyết phục họ đóng bảo hiểm xã hội cũng là cả một vấn đề. Vì họ cho rằng đóng bảo hiểm là đưa tiền cho cán bộ bảo hiểm đem gởi ngân hàng chia nhau hưởng lãi, họ chẳng được gì…”, ông cho biết. May là nhờ sự đồng lòng của vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cũng vốn là một công chức xuất sắc, nên công việc quản lý mới đi vào nề nếp. Thay vì quản lý theo cách cũ, ông bà quyết định giao khoán đến từng đội thi công. Đội nào làm được nhiều thì sẽ lãnh được nhiều tiền. Nhờ cách quản lý đó mà hiệu quả công việc được nâng cao một cách đáng kể. “giờ đây tôi đang phải đối mặt với một thách thức mới. Đó là địa phương chưa giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm đất của Thế Kỷ đã quy hoạch nhiều dự án xây dựng nhà máy xi măng khác chồng lên” ông Tôn chia sẻ. Chưa hết, ông luôn canh cánh cho nỗi lo mất rừng, nỗi lo phải đối mặt với sự tàn phá của tự nhiên và ô nhiễm môi trường. Đứng trước hàng loạt khó khăn, đã có lúc ông chỉ biết “đốt nhang cầu khấn trời xanh”. Tuy vậy niềm tin trong ông thì không bao giờ vụt tắt. Ông còn khẳng định rằng “lòng tin trong tôi mãnh liệt lắm!” bởi thành công bền vững là thành công được xây nên từ công thức “lương -thức, chăm chỉ và có sức khỏe”. Cũng chính lòng tin đã tiếp cho ông sức mạnh để đối đầu với bao sóng gió, khó khăn. Bằng lòng tin ấy, ông đã đưa mọi người đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Còn nhớ, những ngày đầu đi khai hoang, đường vào trang trại chỉ là con đường heo hút đầy bụi vào mùa khô, lầy lội thành sông vào mùa mưa. Từ trang trại ra đến chợ chỉ 13 cây số mà phải đi hết cả buổi sáng. Trước mắt ông khi đó chỉ là một rừng cây với chằng chịt dây leo và cỏ dại. Vậy mà dưới bàn tay kiến thiết của ông cùng toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty Thế Kỷ, con đường lầy lội năm nào giờ có thể dẫn xe hơi chạy vào tận văn phòng của công ty. Còn cánh rừng hoang kia đã biến thành rừng cây và cao su ngút ngàn. Đến nỗi ông Nguyễn Quí Thu, phó Chủ tịch Hội làm vườn Thành phố Hồ Chí Minh khi lên thăm Công ty Thế Kỷ vào năm 2000 cũng phải thốt lên kinh ngạc với Trần Vân Tôn rằng: “Không ngờ cậu lại chịu đựng và làm được như vậy!” Tuy chưa hết chu kỳ 25 năm đầu nhưng Công ty Thế Kỷ đã thu hoạch được vụ tràm bông vàng đầu tiên. Và rừng cao su với hơn 400 ha hiện nay cũng lần lượt đưa vào khai thác. Theo giá mủ cao su hiện nay, ở đỉnh cao, mỗi hecta cao su của Công ty Cổ phần Thế Kỷ thu được khoảng 150 triệu đồng mỗi năm; còn giá thấp nhất cũng cho 30 triệu đồng/1 năm. Bên cạnh đó, Công ty còn 100 ha cây lấy gỗ cũng bắt đầu được thu hoạch. Có thể nói đây là thành quả bước đầu mà Trần Vân Tôn nhận được sau bao năm lao động và đấu tranh không mệt mỏi. Với những gì đã làm được Công Ty Thế Kỷ còn nhận được phần thưởng tinh thần, nhiều danh hiệu, giải thưởng như: Cúp vàng Vì sự nghiệp xanh; danh hiệu Top 100 thương hiệu hội nhập năm 2007, giải thưởng thương hiệu Việt hội nhập WTO năm 2008; Cúp vàng đỉnh cao chất lượng thương hiệu … cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng khác. Song, với Trần Vân Tôn đó chưa phải là những thành quả cao nhất mà ông đạt được. “Suốt 14 năm trồng rừng, có thể tôi chưa thành công, chưa đạt được những gì mình mong muốn. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà tôi đã nhận được là mang màu xanh đến cho cuộc sống, góp phần thực hiện chính sách phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của nhà nước. Đem lại việc làm cho nhiều người. Đặc biệt là góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường”, ông cho biết. Có thể nói, lòng tin đã giúp ông vượt qua nhiều khó khăn trong kinh doanh. Và lòng tin lại cho ông thêm dũng cảm để đương đầu với những cái xấu. Ông đã đứng lên đấu tranh để giành lại quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp mình. Thái độ đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng của ông góp phần không nhỏ vào phong trào đấu tranh, giành lại đất của nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh Bình Phước. Tuy chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhưng với hàng loạt các bài báo viết về nạn lấn chiếm đất đai của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua đã giúp nhà nước quan tâm hơn đến quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.



tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương