Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang11/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

Việc sử dụng ô dù/mũ chụp tả/hữu gán cho một nhóm hội/đoàn thể tôn giáo, hoặc bất cứ ai có ý kiến/lập trường tư riêng ít khi đưa ra ý lành, ý tốt mà thường chỉ áp đặt lập trường thần học dưới mức cần có, để cứu xét. Để tìm hiểu.

Khi tranh cãi về thần học lớn rộng, lan vào vấn đề chính sách công cộng, thì sự tiến thoái lưỡng phân giữa hai phái tả/hữu càng tập trung, nhấn mạnh hơn nữa. Nhất thứ, là khi người có lập trường thần học cánh hữu thường tự cho là mình thuộc phe “chính thống”, thôi. Đằng khác, ta sẽ mắc lỗi, nếu cứ chụp mũ những người có cái nhìn khác biệt, rồi gán họ thuộc phe này phe kia, trong khi mọi người dù đứng về phe nào đi nữa, cũng phải tỏ ra “nhất quán”, xác thực về mọi vấn đề, mới đúng.

Việc rao giảng Lời Chúa trong Giáo Hội sẽ được tốt đẹp hơn, nếu ta liệng bỏ các mũ chụp/ô dù đi và bỏ thì giờ ra mà phân tích kỹ nội dung ý kiến lập trường về thần học, thì tốt hơn. Tới đây, có thể quý vị sẽ cho là tôi né tránh câu trả lời khi tôi không liệt kê các đặc thù, đặc tính của mỗi nhóm. Tuy nhiên, làm như thế lại càng đào sâu thêm những khúc mắc rất nên bỏ qua. Điều cốt yếu là nên xây dựng Giáo Hội theo đường hướng không phân biệt tả - hữu. (Lm. Brian Lucas, The Catholic Weekly Sydney )

Thật ra, giải đáp thắc mắc theo kiểu của đấng bậc ở trên, rất là huề vốn. Huề cả làng, vì ngài nói cũng rất ư là “ba phải”. Cứ chín bỏ làm mười, để mọi người sẽ nhẹ nhàng theo chân Chúa. Nghe Lời Phúc Âm mà thi hành. Khốn nỗi, Phúc Âm Chúa nói vẫn được nhiều người hiểu và cắt nghĩa theo cách khác nhau. Trường phái khác nhau. Đó mới là vấn đề.


Còn nhớ khi xưa, cựu Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan từng viết một bài báo đăng tải khắp nơi với thắc mắc, hỏi rằng: Đạo của anh em mình là “Đường hay Pháo đài”, thì ngay lúc ấy đã có nhiều người chụp ông cho cái mũ rất ư là “cấp tiến/lạc đạo…”.
Ở đây, một lần nữa, bần đạo nhắc đến tên tuổi của vị thầy đã quá vãng, chẳng để gây lại một tranh cãi ai sai ai đúng. Ai chính thống ai trệch đường rày đi Đạo… nhưng “dài dòng văn tự” chỉ muốn bảo rằng: trong cuộc đời đi Đạo, bạn và tôi cũng từng kinh qua những khi mình bị mang tiếng là cấp tiến. Có lúc, lại bị cho là thủ cựu, rất thụt lùi. Mọi phán xét, dĩ nhiên xin cứ để Bề Trên soi sáng, định liệu. Ta hãy cùng nhau hiên ngang, mà tiến bước. Tiến trong tâm tình của bạn bè thân thương, cùng một Cha.
Để thư giãn tâm tình người con cùng Cha, xin gửi đến bạn một truyện kể, rất mới sau đây:
Trong hành trình cuộc đời, có những truyện kể đưa ra nhiều hình thái quan trọng về công ăn việc làm. Với các Linh Mục thì giảng thuyết, các câu truyện kể đều tập trung vào việc chia sẻ Lời Chúa.

Một Linh Mục trẻ vừa chịu chức, gặp khó khăn trong việc giảng thuyết, bèn xin Giám Mục Bề Trên của mình một vài bí kíp để bài giảng có thể lôi cuốn cộng đoàn. Vị Giám Mục cho ý kiến: ‘Thì cha có thể nói đôi điều gì đó cốt thu hút bổn đạo chú ý tập trung như: Tối qua, tôi bất chợt rơi vào vòng tay ôm ấm áp của một phụ nữ... chẳng hạn. Tôi dám chắc là nếu cha bắt đầu bài giảng như thế là họ sẽ chăm chú nghe thôi. Rồi cứ thế, cha tiếp tục tả cảnh, tả tình nói nhiều về sự ấm áp và cởi mở nơi cung lòng người đàn bà, và cha kết thúc bằng cú nhẩy dù, bật mí cho mọi người biết người đàn bà kia chính là… thân mẫu của cha, thế là xong. Và, đó chính là ý nghĩa của tình gia đình đấy cha ạ”


Vị Linh Mục trẻ quyết nghe theo lời dạy của ngài chủ quản Bề Trên, bèn áp dụng ngay vào bài giảng ngày Chúa Nhật tuần đó. Và hôm ấy, vị Linh Mục bắt đầu bài chia sẻ như sau: ‘Thưa anh chị em, tối qua tôi được hân hạnh rơi vào vòng tay ôm êm ái của một phụ nữ rất nóng sốt… Cộng đoàn sốt sắng nghểnh tai chờ nghe đoạn tiếp… Nhưng vì lúc đó ngài hồi hộp quá nên quên bẵng mất chi tiết kết thúc mà vị Giám Mục đã nói. Bí quá, ngài bèn hít một hơi thật đầy, rồi tiếp: Tôi không nhớ người phụ nữ này là ai nhưng hình như… Đức Giám Mục đã bảo tôi làm như thế với bà ấy”.

Chúng ta vừa nghe một truyện vui để thư giãn hay nhất chưa từng nghe thấy. Điều làm cho bài này hay, không do tính bảo thủ hay cấp tiến trong khuynh hướng chia sẻ Lời Chúa. Cũng không do sự cao đẹp của tinh hoa thần học gói ghém trong đó. Hay là bởi, người Linh Mục trẻ chắc là không sợ bị chụp mũ thế này thế khác khi chia sẻ những lời trên với cộng đoàn.


Thành thử trong cuộc đời đi Đạo hãy sống thực, trước đã. Đừng nề hà gì chuyện thiên hạ có thể chụp mũ mình thuộc loại cấp tiến hay thủ cựu, hoặc gì gì đi nữa. Hãy cứ yêu đi và hy vọng. Rồi mọi việc cũng sẽ tốt đẹp thôi.
Trần NgọcMười Hai,

vẫn tự nhủ lòng mình

và kêu gọi bạn mình

nhủ lòng như thế

MỘT THỜI ĐỂ PHIẾM, NHỮNG ĐẠO VÀ ĐỜI
( Mt 28, 19 )

“Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân,


Thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần”
Phải nói ngay, rằng: văn chương ngôn ngữ người mình, thật tuyệt vời. Này nhé, rõ ràng cụm từ “đi ra” khác với “đi vào” là thế; mà sao áp dụng vào cuộc đời, mọi người đều hiểu hai động từ ấy, giống như nhau. Theo nghĩa cuộc đời trần tục, “ra” hay “vào” đều nói lên cùng một ý nghĩa. Là những ý và nghĩa của một hành trình. Hành trình sống. Suốt đời người.
Để minh xác điều này, bạn và ta thử nghe đây lời ca, mọi người thường hát: “Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời.” (Hùng Lân – Đêm đông). Hoặc: “Ngày ấy, Chúa cất tiếng gọi khắp nơi. Ngày ấy đến với Chúa đi vào đời…” (Thành Tâm – Sĩ Tín, Vào đời )
Đồng ý, “ra” hay “vào”, tuy có khác trong diễn tả, nhưng đều mang ý nghĩa của một thái độ. Một nhân sinh quan, cùng sống với người. Cùng ở lại với đời. Và, với Đạo làm người. Ở đời. Như một hành trình. Lành thánh. Hành trình lành thánh của Đạo vào đời, vẫn là đề tài luận phiếm. Rất đời thường. Nhưng mang tính chất, rất Đạo.
Đạo vào đời, là chuyện mà ai ai cũng có thể bàn luận, nói đến mà bần đạo gọi là phiếm. Phiếm khắp nơi. Phiếm mọi thời. Phiếm là phiếm như thế đấy. Nhưng cứ nhìn vào thực tế hôm nay, hẳn người người đều thấy tuổi trẻ ngày nay ít phiếm hơn tuổi gần kề bụi đất. Tuổi lập cập đi về với Cha. Với Chúa. Phiếm về Đạo đời là những chuyện sống đạo đời thường ở huyện.
Nhất thứ, là khi hăng say luận phiếm, ta vẫn thường nhận được giòng chảy điện thư “i-meo” đại loại như sau:
“Bọn tớ vừa đi Bà Quẹo tiễn chân một đồng nghiệp, mới 57 tuổi đã ra đi về chốn vĩnh hằng. Thấy bạn đi, mình lại nghĩ nhiều về cuộc đời của chính mình. Về miền vĩnh cửu. Về ý nghĩa cuộc đời. Đời này và đời sau… Mình có đứa em thỉnh thoảng gửi sách về sự sống, sự chết ..cho mình đọc. Lâu lâu, anh em hai đứa còn điện thọai cho nhau bàn chuyện đời. Chuyện về lòng tin. Tin về sự hiệp thông, trong đạo. Có dịp, mình sẽ có thư dài về chuyện này.”

Nghe chuyện trên, bạn và ta chắc không khỏi nghĩ đến thân phận mình, mỏng dòn nên nhiều lúc cũng hết muốn phiếm. Nhưng có lúc lại càng cảm thấy nên Phiếm thật nhiều, Phiếm hết mình. Cho hết ý. Phiếm với tư cách người đang suy tư nhiều về Đạo. Đem Đạo vào đời khi mà ta còn chưa đi xa khỏi cuộc đời. Phiếm với tư cách người đang suy tư nhiều về Đạo. Phiếm về những người đang rời bỏ cuộc đời thường để vào sâu trong Đạo. Như nhóm đạo hữu Đức Ki-tô được gọi là The Mormon. Những người luôn sẵn sàng trong tư thế phiếm Đạo với người đời.


Trên đường phố, nơi chỗ đông người ta thường thấy họ đi từng cặp hai người, cùng phái tính. Đi để gặp gỡ hết người này đến người kia giữa thanh thiên bạch nhật. Họ kêu gọi mọi người hãy dừng chân đứng lại, để họ có đôi lời trò chuyện và nói về Tin Mừng. Đó là những người theo giáo phái Mormon, mà có lẽ ít người biết rõ chủ đích của họ.
Còn nhớ, đã có lần, để giải đáp những thắc mắc có liên quan đến những người thuộc giáo phái Mormon, đấng bậc vị vọng ở Úc là Lm Brian Lucas, đã có những giòng chảy về sử liệu của người thuộc giáo phái Mormon, như sau:
“Những người Mormon, trước kia gọi là Giáo Hội Vào Những Ngày Cuối, đã lập thành giáo phái cho riêng mình vào năm 1830 tại Fayette, bang New York. Giáo phái này do sáng lập viên có tên là Joseph Smith đi tiên phong cho mình là ngôn sứ kinh điển, trụ trì ở Bắc Mỹ. Joseph Smith quả quyết là: năm 1827 ông tìm được bộ sách quan trọng của phái Mormon, viết bằng mẫu tự Ai Cập, nét vàng, hình chân rết. Rất quý.

Theo nhãn giới của Joseph Smith, chỉ những người được ơn đặc biệt mới được mặc khải là người da đỏ ở Bắc Mỹ, chính là hậu duệ của người Do Thái xưa, từng đặt chân đến Bắc Mỹ, ngang qua eo biển Bering. Các vị chân truyền của giáo phái, cho rằng: sau ngày thăng thiên về Trời, Đức Ki-tô đã hiện đến với vị sáng lập ra giáo phái căn dặn ông phải thiết lập nên Hội thánh riêng của Ngài, ở vùng Tân Thế Giới.

Năm 1844, sau khi Joseph Smith bị mưu sát, một trong những người theo chân ông, là Brigham Young đứng ra nhận lãnh trách nhiệm làm thủ lĩnh giáo phái này. Vị thủ lãnh lúc ấy đưa các thành viên trong Giáo Hội về sống tại thung lũng Salt Lake, nay là bang Utah. Ở đây, ông lập một khu vực theo lệnh của thần quyền có bộ máy hành chánh nghiêm nhặt và hiệu lực. Năm 1850, thủ lãnh Young được chỉ định làm Toàn quyền phần đất Utah. Khi đó, ông dám thách thức đối lại áp lực của Liên Bang đòi bác bỏ thực thi chế độ đa thê.

Bản thân thủ lãnh Young có đến 27 người vợ và 56 người con. Nhưng đến năm 1890, Giáo Hội bài bác tập tục này, thể theo đòi hỏi của Quốc hội liên quan đến đề nghị biến Utah trở thành tiểu bang. Chủ thuyết của Giáo phái Mormon duy trì một vài tín lý không được Ki-tô hữu ngòai Giáo phái thừa nhận. Chẳng hạn như chuyện giáo phái này bảo rằng: Đức Chúa Cha trước đây là người như chúng ta, về sau tiến hóa trở thành Đức Chúa và hiện mang trong mình thân xác bằng xương bằng thịt như người thường.

Giáo phái Mormon tin rằng, Đức Giê-su là người anh cả trong gia đình nhân loại biến thể trong tiến trình Thiên-Chúa-hóa và được Cha tạo dựng cùng lúc với Đấng Thánh Thần, có mẹ trên trời và được thụ thai theo thể lý từ Cha và một người mẹ dưới đất mà ra. Chủ thuyết của phái Mormon còn nói: có nhiều thần linh, nhiều Chúa và con người có thể trở nên thần nam và nữ trên Thiên quốc. Giáo phái Mormon có chủ trương rất nghiêm nhặt về mặt dục tính đạo đức, gia đình đông đúc và tôn trọng quyền bính. Phái này cấm ngặt việc sử dụng rượu, cà phê, trà và thuốc hút.

Theo tầm nhìn của Giáo Hội Công Giáo, thì Giáo Hội Đức Ki-tô của Các Thánh Vào Ngày Sau Hết không được thừa nhận như Ki-tô giáo “chính thuần”. Dù ta cần quan niệm có sự quan tâm và tôn kính cách đặc biệt những ai duy trì niềm tin có xác tín, trên bình diện tín lý, thì cách biệt giữa người phái Mormon và Công Giáo chính tông quả thật lớn lao. Thật khó có cơ hội để đối thoại. Trên bình diện xã hội và luân lý vẫn có nhiều hy vọng cho một hợp tác hữu ích.

Nói cho cùng, xét về tín lý và luân lý/đạo đức học thực tế, thì như thế. Nhưng xét khía cạnh hăng say truyền đạo, hoặc phiếm Đạo dài dài không biết mệt, đôi lúc phải công nhận rằng các người anh em ngoài luồng ấy, chịu luận phiếm không thua ai. Phiếm rất dài. Và rất nhuyễn. Chẳng cần biết người đối-diện có cùng một “băng tần” với mình hay không.
Bà con nào ở Úc, từng kinh nghiệm tiếp xúc các chàng trai tuổi chừng mười chín, đôi mươi phiếm rất “cừ”. Và, một khi họ chịu phiếm Đạo với bạn, hãy nắm chắc là bạn sẽ chào thua. Đề tài, dù là Cựu Ước hay Tân Ước, bạn cũng ngả nón mà chào thua. Thậm chí, muốn rút dù đánh tháo, cũng đành phải thú thật với họ là: bọn tôi thuộc sắc tộc tối ngày chỉ “Khi-li-khi-tô” ăn nhậu; và, món nhậu toàn là tiết canh vịt, cháo huyết, vv … thì lúc ấy bạn mới được “cảm tạ” ơn Chúa, hẹn ngày khác sẽ gặp lại.
Xem như thế, thì có:
“Đi vào miền băng giá, đi hoài và đi mãi, rắc gieo tiếng cười vui…” ( Thành Tâm, Sĩ Tín – Vào đời )

thì vẫn là chuyện nên làm. Nên, là bởi Đức Chúa đâu cần mình “đi ra” hay “đi vào” miền nào, mà chỉ muốn con dân của Ngài, cứ “đi hoài và đi mãi”. Để reo rắc tiếng cười vui của Đạo vào chốn chợ đời. Ở đó, vẫn còn nhiều kẻ nghèo hèn, tất bạt ngay ở chốn thị thành chen lẫn giữa Đạo và đời.


Và như thế, “vào đời’ là “vào” để mà tìm hiểu, bàn luận và phiếm. Phiếm về chuyện Đạo. Hoặc, những chuyện đời. Cả Đạo vào đời. Và để Đạo thấm vào đời để ta và người người được gần gũi và sống Đạo trong đời thường ở huyện.
Trần Ngọc MườiHai,
Có những lúc rất muốn phiếm
cho dù không còn nhiều sức như xưa.

“Em, ngồi đây với anh trong cuộc đời này”


(Yn 1: 10-12)

“Ngài có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà được có, mà thế gian không biết Ngài”

Như mọi người đều biết, có lần học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng dõng dạc tuyên bố một câu “xanh rờn”, đại để bảo rằng: “Người Việt còn, thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn.”

Có người từng nói với bần đạo, là: khi tuyến bố câu để đời này, chắc học giả Nguyễn Văn Vĩnh đang công du nước ngoài hoặc là lúc nước ta đang bị ngọai bang đô hộ. Như thế, còn hiểu được. Chứ, đang ở trong nước, mà lại nói thế, thì khác nào bảo rằng dân con nhà mình nay đà mất gốc. Mất cả bản sắc văn hoá của tiền nhân!

Nói đến bản sắc văn hóa của tiền nhân hay của đất nước mình, tưởng đây cũng là chuyện mà nhiều người đang ưu tư, khắc khoải. Rất nên phiếm.

Luận phiếm về bản sắc văn hóa người mình, chí ít là với kiều bào sống ở nước ngoài, còn là chuyện: có nên hội nhập vào với xã hội người nước ngoài hay không? Xã hội, mà có một bạn đã hùng dũng: “Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương…”

Vâng. Bàn về du nhập và hội nhập, còn là bàn chuyện trong nhà, ngoài phố. Trong nhà Đạo. Ngoài phố chợ. Bàn chuyện phố xá vừa mới quen. Sống từ lâu ở nước ngoài, hay mới vừa di tản về vùng đất mới, các cụ nhà ta thường khuyên con bảo cháu: “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.”

Nói đáo giang, thì từ ngày vượt biên, vượt biển quyết đặt chân đến “đệ tam quốc gia”, tìm cho mình một cuộc sống mới, người Việt chắc không còn chọn lựa nào khác để cứ đứng đó mà chờ khúc “giang đầu’ nào thật tốt mới chịu xuống thuyền. Mới chịu theo tắc-xi lên “cá lớn”. Nhưng, “nhập gia”, cho dù là đi “chui”, hay đi chính thức, du học, du lịch vv.. Nhất nhất, người thức thời đều bảo nhau “hãy tùy vào tập tục” của đất khách quê người mà mình nhận làm… quê hương.

Nói như thế, “hội nhập” vào gia đình mới, vào đất nước/xã hội mới.. đương nhiên là chuyện phải làm. Dù là ở đâu, nơi nào, ta cũng nên làm như thế. Làm, để không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Hoặc, lẽo đẽo theo sau bước tiến của thời đại Nhưng, nên làm không có nghĩa là “dễ làm”, hoặc “cần làm cho nhanh”. Cho chóng. Bởi, rõ ràng là: nói nguyên tắc bao giờ cũng dễ hơn là đi vào thực hiện, trong tích cực. Và, thực hiện cho thành công cũng là cả một vấn đề. Vấn đề thời gian. Vấn đề kiên nhẫn. Chịu đựng.

Những ai từng trải, ngang qua nhiều kinh nghiệm xương máu, đều thấy rằng “hội nhập” vào quê hương mới, đòi hỏi một “chuyển hệ” rất ý tứ, và khéo léo. Bởi, đối với người Việt, định cư hội nhập vào các nước ở phương Tây, có thể có khó khăn như khi thực hiện một dung hòa giữa nước và lửa. Giữa âm/dương, trắng/đen. Thực tế không dễ như nói chuyện lý thuyết.

Không dễ, là bởi vì Đông Tây luôn có khác biệt. Và, là khác biệt một trời một vực. Khác về triết lý. Khác nhân sinh quan. Khác cả phong cách, lẫn hình thái xử sự. Như trong giao tế chẳng hạn, người phương Tây có thói quen: thương ai nói rõ ra ngoài. Còn, ở phương Đông, người người có thương nhau lắm cũng để trong bụng. Đâu có ôm hôn, hoặc bá cổ choàng vai nhau giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngoài đường.
Người phương Đông, khi biết ơn nhau hoặc khi phạm lỗi lầm gì với nhau, nhất là đối với con cháu, bậc dưới thì cũng chỉ xoa đầu xoa lưng vài cái, rồi thôi. Chứ, đâu có tỏ bày bằng miệng bằng lưỡi, nói lời “Sorry”,“Thank you”“Pardon”,“Merci bien!” đâu. Người nào nói ra điều đó, đã bị chỉnh là: “Sao Tây quá vậy?” Tôi đây, chỉ thuộc lọai “tây đui/tui đây” hoặc Tây Ninh Trảng Bàng, chứ đi đâu rời làng, bỏ quê đâu mà biết lỗi với phải (?)...
Chính vì thế, với cương vị là “Việt kiều” nước ngoài, ta thường nghe mọi người nhắc đi nhắc lại rằng: Đông/Tây luôn xung khắc. Khó hoà hợp như chuyện xung khắc trong gia đình giữa ông bà cha mẹ - con cháu. Giữa hai văn hóa Việt-Âu. Chính vì thế, mỗi lần có chuyện không hay xảy đến từ một người thuộc giòng giống/sắc tộc đối lại với bản xứ phương Tây, ta bắt gặp những trường hợp được gọi là “kỳ thị”, là “phân biệt chủng tộc”…dễ như chơi. Lập trường và thái độ của cựu dân biểu Pauline Hanson ở Bắc Úc đối với người Á Châu, Hoa Kiều… là một chứng minh cụ thể. Thật khó hoà hợp, mỗi khi có sự cố, hiểu lầm giữa các sắc tộc với nhau.

Trong cung cách hòa hợp với xã hội mới, đất nước mới, vấn đề hội nhập bằng tín ngưỡng, đạo giáo, càng khúc mắc hơn. Đạo giáo ở đây, hiểu theo nghĩa cộng đoàn các kẻ tin vào cùng Đấng Tối Cao. Như Đạo Công Giáo, xưa nay vẫn được coi là Đạo “chung” của mọi người. Công là chung, giáo là Đạo, là tôn giáo.

Thành thử, vì là “Đạo chung” cho mọi người, nên người đi Đạo có là người gốc Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ hay Việt Nam, Phi… đi nữa, ai cũng đến nhà thờ, đọc kinh hoặc tham dự thánh lễ với nhau. Cùng sinh họat tỏ bày tình thương yêu đồng Đạo, với nhau. Cùng hội nhập vào Đạo, như Chúa đã hội nhập vào cộng đoàn kẻ tin, ngay từ đầu ngày lúc Ngài xuống thế làm người.

Hội nhập trong Đạo, như thánh Phao-lô từng khuyên, là:


“Hãy vui với kẻ vui
khóc với kẻ khóc.
Cùng nhau tâm đồng ý hợp;
đừng quá cao vọng về mình;
trái lại hãy biết bỏ mình
chuộng phần hèn kém; đừng có tự thị mình khôn…”
(Rm 12: 15-16)

Và, lý do để mình nhận mình thuộc phận hèn kém, còn là:


“Tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn
mỗi người tùy theo lường đức tin
Thiên Chúa đã phân phối cho.
Vì cũng như thân mình ta
Tuy nó là một, lại có nhiều chi thể,
Và các chi thể không đồng một công việc
Ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô.”
(Rm 123-5)

Đi vào thực tế, hẳn mọi người đã rõ: lúc đầu định cư, vì có trở ngại về ngôn ngữ tập tục, nên mới nảy sinh cái-gọi-là: Ban Tuyên Úy, Cộng Đồng Người Việt Công Giáo. Và, ban ấy vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, kể từ ngày bà con bôn ba hải ngoại, vì lý do hoặc hoàn cảnh nào đó. Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng Người Việt Công Giáo, vẫn có sinh hoạt riêng. Sinh hoạt ngoài khuôn khổ của giáo xứ. Giáo phận.

Chuyện này cũng có điều hay, nỗi phiền. Nay, trên thực tế đã có nhiều linh mục chánh xứ gốc Việt, hy vọng bà con ta sẽ hội nhập thật sâu thật sát, với Giáo hội sở tại hơn. Sinh hoạt đồng loạt và liên kết hơn. Lúc ấy, Đạo mình mới mang ý nghĩa phổ cập. Công giáo hơn.
Và lúc ấy, việc hội nhập mới trọn vẹn. Mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Hy Lạp với người Hy Lạp, Do Thái với người Do Thái”.

Có một lần, đề cập chuyện này với bạn bè đồng Đạo, có người anh em đề nghị: Chuyện Giáo Hội, hãy để Chúa Thánh Thần soi sáng. Chỉ cần một điều: hãy tin vào Chúa quan phòng. Cứ phó mặc cho Chúa, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.

Đành rằng, phó thác, tin vào ơn Chúa Quan Phòng là chuyện phải làm, vào mọi lúc. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa, đóng góp tích tực, ta phải làm sao đây?

Câu hỏi dành cho người đọc, và người nghe. Vì người đọc và người nghe cũng là người hỏi. Để kế thúc, xin có một câu chuyện khôi hài về cặp người tình kẻ tin rất tín thác vào chúa Quan Phòng đến tận cuối đời mình. Đến cả vào lúc, một người bị bệnh Alzheimer, như sau:

“Trong buổi họp mặt cựu chiến binh dịp lễ Memorial Day của Hội Cựu Chiến Binh Mỹ, bàn tụi tôi rất ồn với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, từ chuyện an sinh, hội nhập lẫn tiếu lâm xung quanh cuộc sống của người “Mỹ thầm lặng”. Đặc biệt là lớp tuổi nay phải đương đầu với chuyện nhà hưu dưỡng, tật bệnh, chí ít là bệnh Alzheimer…
Hôm ấy kể chuyện về cặp vợ chồng già rất tin tưởng vào việc Chúa Quan Phòng hết mọi chuyện, Bác sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khoẻ của ông nhà độ này, đã khá hơn trước rất nhiều. Ông đã tìm được niềm vui nơi Thượng Đế. Tin tưởng nhiều vào việc Chúa Quan Phòng, và Chúa Thánh Thần soi sáng hết mọi chuyện, trong cả bước đi. Ông còn nói: đêm qua, khi vừa mở cửa phòng tắm để giải quyết vấn đề nhân sinh cho thông thoáng, thì Chúa biết ý đã bật đèn sáng cho ông ngay…

Nghe thấy thế, bà vợ ông liền ngắt lời Bác sĩ: Thôi chết rồi, Lạy Chúa tôi! Ỗng lại làm bậy vào tủ lạnh của tôi, mất rồi…


Và mọi người nghe chuyện, đều nghĩ: Chúa có Quan Phòng thì Ngài cũng đâu làm những việc như thế…

Đúng thế, hội nhập vào đời sống mới, xã hội mới, Chúa vẫn dành để cho con người “tự do con cái Chúa”. Ngài đâu bao giờ xen vào “chuyện nội bộ” của riêng ai. Nhóm hội nào. Chí ít là, cả một tập thể như Cộng Đồng Công Giáo A, hay B.

Thành thử, Hội nhập hay Giáng nhập, vẫn luôn là vấn đề không của riêng ai. Một người, một tôn giáo đoàn thể nào. Nhưng là của tất cả mọi người. Những người có “tự do con cái Chúa”. Như bạn và tôi.

Trần Ngọc Mười Hai


Vẫn nhắc nhở chính mình
những điều như thế ấy.

Biết làm sao định nghĩa được tình yêu


(Lc 20: 34)

Kể ra, thật cũng khó mà định nghĩa được tình yêu, cho nó phải. Khó là bởi, “khi đã yêu, thì cho rất nhiều”. Cho cả con tim. Cho hết bạc tiền. Cho trọn chữ nghĩa. Có định nghĩa được hay chăng, chỉ khi đương sự đang yêu, đã yêu hoặc bị những gì mà người trẻ gọi là “bò đá”, hoặc:“đi Tây”. Bò hay bồ, thì cũng vậy. Cũng như nhau.

Thế, hạnh phúc thì sao ? Có định nghĩa được không ? Trả lời câu hỏi này, cũng không khó cho lắm. Bởi, một khi bước vào cuộc đời, ai mà chẳng hơn một lần cảm nghiệm được cái-gọi-là-hạnh-phúc ấy. Và, khi cảm nghiệm được nỗi niềm sung sướng của cuộc đời rồi, thế nào cũng diễn tả được hạnh phúc. Chẳng thế mà, nhiều vị danh nhân khoa bảng đã làm công việc không-ăn-lương này.
Dưới đây, là một vài trích dẫn rất cỏn con, về hạnh phúc:

* “Hạnh phúc là cộng thêm và nhân lên khi ta đem chia nó cho người khác.” (A.Nielson)


* “Hạnh phúc như nụ hôn, muốn thưởng thức phải san sẻ cho người khác”(Bernard Melzer)
* “Không phải sự giàu sang tạo nên hạnh phúc, mà là tĩnh lặng và việc làm.”(T. Jefferson)
* “Hạnh phúc ta gặp là trên đường đi chứ không phải ở cuối con đường ấy.” (Sol Gordon)
* “Hạnh phúc giữ trong tay chỉ là hạt, hạnh phúc mang san sẻ mới trổ hoa.” (E Hemingway)
* “Cứ một phút hờn giận,buồn phiền làm ta mất đi 60 giây hạnh phúc.” (Ralph W Emerson)
* “Nếu rượt đuổi hạnh phúc, ta không bao giờ gặp được chính nó.” (W. Wolfe)
*”Dù hạnh phúc đôi khi ở bên cạnh, cũng đừng bao giờ quên hẳn nó.” (Jacques Prévert)

Ấy, nói “định nghĩa hạnh phúc” cũng chỉ là nói thế. Chứ thật ra, hạnh phúc khó mà diễn tả được, bằng ngôn ngữ. Hoặc chữ viết. Mà, chỉ có thể cảm nhận qua cuộc sống. Với tâm tình. Cuộc sống và tâm tình, ta đặt tên cho nó là hạnh phúc theo quan niệm của các nhân sĩ đọc ở trên, còn biểu hiện rõ nét hơn, nơi cuộc sống lứa đôi. Cuộc sống, có những giây những phút ta cảm thấy là mình thích thú; hoặc sung sướng, chứ không thể lột tả cho hết được những điều thích thú, những nỗi niềm sung sướng ấy.

Có nhiều trường hợp, cuộc sống lứa đôi được coi là rất “hạnh phúc” kia, không thể kéo dài suốt một đời, như ta tưởng. Nhưng cũng giống như tình yêu, hạnh phúc vẫn có những giai đoạn thăng trầm, đầy trở ngại.

Thăng trầm và trở ngại của hạnh phúc lứa đôi trong cuộc sống nhà Đạo, vẫn là những kinh nghiệm mà nhiều người từng trải. Từng trải với nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải là ai cũng có thể giải quyết êm đẹp. Hợp lẽ đạo.

Vừa qua, trên tờ The Catholic Weekly ở Sydney, một độc giả giấu tên, có thư về tuần báo xin được vấn kế/vấn nạn đấng bậc rất khả kính là Lm John Flader, như sau:

“Tôi có người bạn thân là Công Giáo. Khoảng 15 năm về trước, chị kết hôn với một tín đồ theo giáo phái Thệ Phản. Sùng đạo cũng không kém. Và suốt bao năm trời, chị không mấy sốt sắng trong việc thực thi niềm tin của mình, cho lắm. Nay, chị quay về với nhà thờ, muốn hăng say trở lại với các sinh hoạt như khi trước.Chị muốn điều chỉnh hôn nhân của vợ chồng chị, sao cho thích hợp, để chị có thể tham dự thánh lễ và rước Chúa như mọi người. Xin cho biết, có cách nào giúp chị làm việc ấy mà không bắt buộc chị quay về làm lại nghi thức hôn phối. Hoặc, phải đến với linh mục. Và, phải có ít là hai người làm chứng. Nhiêu khê quá. Hơn nữa, chồng chị thuộc vào loại cứng đầu. Anh không chịu tổ chức đám cưới lần nữa. Anh nói đã lấy nhau thật tình, sao cứ phải làm đám cưới một lần nữa cho mất công. Xin giải đáp giúp chị. Rất biết ơn.

Đã hỏi, mà lại hỏi ông cha hay ông cố, thì dù cố có là cố đạo hay cố vấn về luật Đạo đi nữa, thì cả cố lẫn cha sẽ phải lục lọi, và phán những luật và luật. Lê thê lắm. Tức, những gì các “cố” đã phán, đều sẽ đụng tới chữ “phải”, hết. Chữ nghĩa ngày nay không đơn giản, nhất là mỗi lần có ai đó muốn lập hành trình tìm kiếm những hạnh, và phúc. Rất tưng bừng.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương