Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang1/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16
Chuyện Phiếm Đạo Đời II

LỜI MỞ ĐẦU


“Chắc chắn hiện đang có sự mất mát khủng khiếp về ý nghĩa của Ki-tô giáo. Và, sự hiện hữu của giáo hội cũng đang thay hình đổi dạng. Rõ ràng, xã hội xưa nay thấm nhuần đạo đức Ki-tô giáo lúc này đây đang nứt rạn thành từng mảnh. Trong hoàn cảnh đó, tương quan xã hội và Giáo hội cũng đang có biến chuyển và chừng như đang hướng dần về một hình thái xã hội hết chất Ki-tô. Đạo của Đức Ki-tô không còn tạo được sự canh tân nơi tư duy chung của xã hội nữa.”


(Lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi ngài còn làm Hồng y trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đáp lại với ký giả Peter Seewald đăng trong sách Muối Cho Đời do Phong trào Giáo dân Việt nam hải ngoại ấn hành năm 2006)

Trong bối cảnh xã hội như trên và từ một hối thúc âm ỷ và triền miên nào đó, tác giả Trần Ngọc Mười Hai vẫn tiếp tục viết chuyện phiếm đạo đời trong tư thế của một nhân chứng trước những diễn biến như thác đổ của kiếp người thuộc thế kỷ 21. Đề tài chuyện phiếm đạo-đời dưới ngòi bút của Trần Ngọc Mười Hai vẫn gần gũi - thân quen, khác nào như tin tức thời sự mỗi ngày. Có khác chăng, vì đó được Tin Mừng soi dọi. Mở tập sách Chuyện Phiếm Đạo-Đời, nguời người sẽ bắt gặp những vấn nạn của đời thường, như: chuyện sống đạo không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng chính đời sống của mình nữa (Anh đi về đâu mà bụi đường …); hoặc, đâu là vai trò đích thực của Đức Mẹ (Đấng Trung gian Cầu bàu …) hay như chuyện chiến tranh và đâu là bình an đích thực (An ninh, an bình và bất an); và, thế nào là niềm vui đi Đạo... khi bị thử thách? khi Chúa không nhậm lời? (Diù nhau đi chung một niềm thương); vấn nạn về cái chết (Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người) và thế nào là cầu xin? (Nguyện cầu hay xin xỏ).

Hình thức mà Trần Ngọc Mười Hai chọn để chuyên chở những suy tư Đạo-đời của mình, thường được khởi đầu bằng một giòng nhạc quen thuộc nào đó như :

- Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong chiều lộng gió.


- Rồi mai, tôi đưa em xa kỷ niệm.. ; hoặc
- Em, ngồi đây với anh trong cuộc đời này; và
- Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng..vv..và vv…

Tiếp theo là các trích dẫn Tin Mừng của thánh sử nào đó, như Matthêu đoạn 7, câu 20 trong bài: Nếu vắng anh .., chẳng hạn. Kiểu cách trình bày như vậy, khiến có nguời thắc mắc là làm sao mà trong Tin Mừng của các thánh sử lại có những câu ca mùi mẫm như vậy. Đúng! làm sao trong Tin Mừng theo thánh Matthêu mà lại có câu “Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong chiều lộng gió” cho được? Thế nhưng, cái giả thiết “Nếu vắng anh ..” lại chính là tình huống được đặt ra để tác giả dẫn người đọc vào câu chuyện sống của mình. Chẳng thế mà, khi kết luận cho bài viết, tác giả nói rõ hơn là “Nếu vắng anh, hay nếu vắng Cha, vắng Thày, thì ai sẽ dìu chúng ta đi trong chiều lộng gió …. của đời người.

Đó là cách thức nhẹ nhàng và bóng bảy, mà có lẽ chỉ thấy có nơi Trần Ngọc Mười Hai, mặc dầu hình thức chuyện phiếm vẫn được một số người xử dụng.

Một thí dụ khác, là trong chuyện phiếm: “Em đứng lên gọi mưa vào hạ”. Qua câu chuyện này, Trần Ngọc Mười Hai muốn nói đến sự bình an thật sự trong tâm hồn, dù bình an ấy rất nhỏ. Bình an đó, khác nào như những cơn mưa trong mùa hạ oi bức. Những giọt mưa hoà bình đó, đổ trên muôn người. Nguời giàu cũng như người nghèo. Nam cũng như nữ. Già cũng như trẻ. Vì rằng, ai cũng cần có hoà bình. Mưa an bình. Mưa hồng ân.

Đây, có thể là một cố tình của Trần Ngọc Mười Hai để chuẩn bị cho việc ra CD audio các chuyện phiếm sau này. Khi nghe chuyện phiếm – chứ không còn đọc nữa – mà lại cùng một lúc được nghe những nhạc phẩm quen thuộc của một thời dĩ vãng nào đó, làm nền. Làm “hậu cảnh“ cho những giòng chảy suy tư, thì quả là có tác dụng và gây thích thú nơi người nghe.

Nói cho cùng, thì hoài bão của Trần Ngọc Mười Hai có lẽ cũng chỉ mong được rằng: “Chuyện kể vẫn nhẹ nhàng. Chỉ có thế. Nhè nhẹ và làng nhàng. Kể lại để nghe cho vui. Chứ tuyệt nhiên không muốn thuyết phục ai và cũng không có ý giảng và thuyết như một bài chia sẻ, ở nhà thờ. Nói cho cùng, mỗi lần phiếm, bạn và tôi không kỳ vọng coi đó như một bài giảng, để thuyết phục người đời. Phiếm loanh quanh. Phiếm nhè nhẹ, chỉ để mua vui với bầu bạn trong giây phút. Những mong bầu bạn sẽ cùng bần đệ, ta cứ tiếp tục phiếm nhẹ như thế, trong mai ngày. Rất cầu và cũng rất mong.”


Vũ Nhuận

“Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong


chiều lộng gió?”
(Mt 7: 20)

Lại một đầu đề cho chuyện phiếm. Đầu đề không mang dáng dấp của những khuyên răn, như trong Đạo. Đầu đề luận phiếm hôm nay, là câu hỏi có lời lẽ thanh tao, ý tưởng nhẹ. Thanh và nhẹ, như bản nhạc trữ tình mà nhiều nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng, đã từng viết.


Hôm nay, bạn và ta hãy khơi mào chuyện phiếm bằng đề nghị nhỏ: hãy cứ đổi thay cách xưng hô anh-em, thành mẹ-con, chú-cháu, cô-cháu vv… hẳn câu hát trên sẽ thành lời cầu êm ái, rất nên làm.
Rất nên làm, là bởi trên thực tế, không có cha mẹ trần gian chỉ bảo hoặc hướng dẫn thử hỏi làm sao đàn con thân thương bọn mình có thể tự đứng vững. Đứng vững trong trời đất, trước những phong ba bão táp xảy đến với cuộc đời nhiều điêu đứng. Đời mình. Hoặc đời người.
Quả thật, nơi đời thường ở huyện, người dân thuộc mọi lứa tuổi vẫn có những giòng chảy đầy hỏi han. Những ưu tư thắc mắc, rất khó trả lời. Ưu tư còn đó nỗi buồn, cả vào khi người đời nghe bậc hiền nhân quân tử vẫn đưa ra những xác quyết tựa như: “Tất cả là ân huệ ! Là quà tặng Chúa ban”.
Vâng. Thắc mắc ưu tư vẫn đậm đặc nét u buồn, khi một độc giả “Chuyện phiếm”, đã nhè nhẹ đưa vào giòng chảy điện thư, những lời lẽ sau đây:
“Đọc chuyện phiếm của ông, tôi nhận ra được một điều là: ở nhiều đoạn, ông có trích dẫn lời thơ hay ý nhạc của kịch tác/triết gia nào đó bảo rằng ‘tất cả là ân huệ Chúa ban’. Và ông, ông cũng đã trao đổi rồi còn chuyển tải ý tưởng ấy cho nhiều người, gọi đó là quà tặng hay đặc ân đặc sủng mình có từ Thiên Chúa. Vậy xin hỏi: Đạo Công Giáo chúng ta quan niệm thế nào về ân huệ, để anh em mình còn biết mà cảm tạ Đức Chúa.”

Như mọi lần, khi tiếp nhận ý kiến phản hồi của bất cứ ai, từ hồi nào đến giờ bần đạo vẫn có thói quen để lòng mình trùng xuống. Suy nghĩ hồi lâu. Rồi mới bắt đầu gõ máy, từ từ phúc đáp. Phúc đáp lần này, trước nhất để trân trọng cái nhã ý mà độc giả nói trên đã có ý kiến phản hồi. Có ý kiến phản hồi, tức là bầu bạn/người thân đã quan tâm, đóng góp ý kiến. Đã hỏi han. Những hỏi han, thật ra là để gạn lọc tư tưởng, những gì bạn và tôi, ta từng tản mạn và phiếm đi phiếm lại nhiều cho thỏa lòng, về ân huệ.


Để đáp ứng những hỏi han từ bầu bạn từng thắc mắc, lần này bần đạo chẳng dám đưa ra những bàn bạc cao siêu, nhiều ý. Hoặc, dám gợi lên những cao kiến viển vông ngông nghênh, và lòng vòng rất cứng. Nhưng, chỉ mượn ý mượn lời của vài đấng bậc vị vọng, từng thông suốt nhuần nhuyễn ý lực nhà Đạo, như các cụ đặc trách truyền thông vào độ trước, như Lm. Brian Lucas thuộc Tổng Giáo Phận Sydney, như sau:

“Nói về đặc ân – đặc sủng, hoặc “những ơn phước cả” mà nhà thơ họ Hàn tên Mặc Tử từng nói đến, tưởng có viết ra nhiều pho sách thậất Đạo hạnh để trả lời, cũng chẳng tài nào giải thích hết ý nghĩa của cụm từ này. Chí ít, là giải thích bằng một vài hàng tóm gọn. Có lẽ ở đây, ta cũng chỉ nên trích dẫn một số chương đoạn lược tóm trong cuốn “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, hy vọng giải đáp phần nào những khúc mắc khiến ta tạm hài lòng: Ở đoạn 1996, sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo có viết: “Mọi xác minh ta có được là do ân huệ đặc biệt Chúa ban. Ân huệ là đặc ân, đặc nhuận, tức sự hỗ trợ một cách “nhưng không” và chẳng do công lênh/tài cán gì của ta, mà Thiên Chúa phú ban, được công bố cho mọi người, ngõ hầu chúng ta đáp ứng lời kêu mời từ Ngài, mà trở nên con cái của Cha, những người con được bảo dưỡng. Những kẻ chung phần thừa hưởng cuộc sống thánh thiêng tự tại và vĩnh hằng, từ Đức Chúa.”(Ga 1, 12 – 18; 17, 3; Rm 8, 14 – 17; 2 Pr 1, 3 – 4).

Tới đoạn 1997, ta lại có: Ân huệ là sự chung phần vào cuộc sống của Thiên Chúa. Ơn Ngài ban cho ta, là để hướng dẫn ta đi vào với sự mật thiết của cuộc sống Ba Ngôi Đức Chúa; nhờ có thanh tẩy mà mọi Ki-tô hữu mới được hiệp thông gia nhập vào ơn thánh sủng của Đức Ki-tô. Ngài chính là Đầu của Thân Mình Rất Thánh của Ngài. Với cương vị của người con đã bảo dưỡng, ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha; hiệp thông trở nên một với Người Con Yêu dấu của Ngài. Vốn là con, các Ki-tô hữu chúng ta được nhận lĩnh sự sống của Chúa Thánh Linh, Đấng phà hơi thương mến của Ngài vào người chúng ta và kiến tạo nên Hội Thánh Chúa.

Ở đoạn 2005, còn thấy nói: Vì thuộc giới siêu nhiên, ân huệ vượt lên trên kinh nghiệm của ta. Và, ta chỉ có thể nhận biết đó là ân huệ Chúa ban, bằng niềm tin tưởng mà thôi. Vì thế, ta chẳng thể nào trông chờ nơi những cảm nhận hoặc vào tài cán/công lênh gì của ta, để rồi mau chóng kết luận rằng: ta xứng đáng có được ân huệ; và nhờ đó, được cứu rỗi.” (x. Nghị quyết Công Đồng Triđentinô 1547 câu 1533-1534)

Đấy là những quả quyết rất chắc nịch từ Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Trong Sách Thánh, chắc chắn, bạn và tôi sẽ còn tìm gặp được nhiều chỗ, nhiều nơi nói đến ân huệ, đến đặc sủng Chúa thương ban. Như, trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, trích đoạn sau đây:

“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị, thì hẳn chị sẽ xin và Người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

(Ga 4, 10)

Hoặc:
“Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su sống lại. Và,Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.”

(Cv 4)

Nói theo kiểu người đời, “có phần không cần gì lo”, tức là những ơn những quà tặng Trời cho, thảy đều do phần số, hết. Phần số hay số mệnh, là lối nói để chỉ ơn tiền định được Trời, được Đức Chúa phú ban cho những người ăn hiền ở lành. Những người có phần có số, được Trời Cao có mắt, vẫn dành để cho mình từ lâu.


Xem như thế, nếu bạn và tôi có hát lời ca của nhà thơ Nguyên Sa trong nhạc bản “Nếu vắng anh” do nghệ sĩ Anh Bằng phổ nhạc, hẳn là ta cũng sẽ đồng ý với hết mọi người, rằng: không có anh (ở đây đổi thành nếu vắng Cha vắng Chúa, con cũng chẳng ra “cái tích sự” gì).
Để minh hoạ cho một trong những điều mà ta gọi là “ân huệ, ân sủng”, xin bạn hãy để lòng mình trùng xuống, hít một hơi thật đầy vào lồng ngực, rồi đọc truyện kể sau đây, có lẽ đã xảy ra trên một đất nước XHCN:

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

-Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

-Đây là vé trẻ em!

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

-Anh là người tàn tật?

-Vâng, tôi là người tàn tật.


-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

-Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.

Cô soát vé cười gằn:

-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên. Anh chỉ còn một nửa bàn chân. Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

-Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật," có đóng con dấu của Hội người tàn tật!

Với khuôn mặt như quả dưa đắng, người đàn ông đứng tuổi cố giải thích:

-Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi tai nạn xảy ra ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...

Trưởng tàu nghe chuyện, đến hỏi tình hình. Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật… Trưởng tàu cũng hỏi:

-Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời là anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cũng cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

-Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung!

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

-Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi...”

Trưởng tàu nói kiên quyết:

-Không được!

Thừa dịp, cô soát vé nói với anh trưởng tàu:

-Bắt anh ta đi lau sàn các toa tàu, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý.

Một cán bộ lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

-Anh có phải đàn ông không đấy?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

-Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

-Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
-Đương nhiên tôi là đàn ông!
-Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên. Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

-Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Cán bộ lão thành lắc lắc đầu, nói:

-Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông!

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho anh trưởng tàu. Cô nói với cán bộ lão thành:

-Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi! Cán bộ lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng: -Cô hoàn toàn không phải là... con người!

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

-Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là con người thì là con gì?

Cán bộ lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

-Cô là người ư ? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào..

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa. Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận....

(truyện kể do Trần Văn Giang sưu tầm)

Điểm đặc thù rút ra từ truyện kể ở trên cho thấy: làm trưởng tầu hay làm anh/chị soát vé tầu như truyện kể trên cũng đâu phải do công lênh tài cán gì của họ. Tất cả, chẳng qua chỉ là do ân huệ, hay còn gọi là đặc sủng từ người nào đó, mà ta có thói quen gọi là Trời cho. Chí ít, là người. Làm người. Nhất thứ lại là người có quyền cao chức trọng, ở ngoài đời hay trong Đạo đâu phải do cha do mẹ để lại. Như người đời vẫn nói con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa vẫn quét lá đa…


Một khi ta đã biết tất cả chỉ là ân huệ, hẳn là ta sẽ có thái độ đúng đắn để xử sự. Xử sự với người thân quen hoặc không quen, ở mọi nơi. Xử sự với tất cả những người ta từng gặp và đang sống với – sống cùng, trong nhà Đạo, trong cuộc đời
Tóm lại, “nếu vắng anh” hay nếu vắng Cha, vắng Thầy, thì không những bạn và tôi sẽ còn hỏi: ai dìu mình đi trong chiều lộng gió. Những buổi chiều có gió lộng, có mưa giông bão tố. Cả trời đen. Một trời và một đời toàn những nghịch cảnh, rất cứng của cuộc đời. Đời người. Đời mình. Nơi gian trần.

Trần Ngọc Mười Hai,

nhiều lúc vẫn cứ hát và cứ hỏi,

phải chăng đó là ân huệ

từ nơi Chúa ?

“Anh đi về đâu mà bụi đường


vương trên mái tóc”
(Yn 4: 5-42)

Trong phiếm đạo đường dài, một số bạn đã thuật cho bần đạo nghe, rất nhiều truyện kể. Kể về mọi thứ chuyện trên đời. Từ chuyện trời trăng mây nước, lại bước sang chuyện nhà Đạo. Chuyện sống Đạo giữa đời. Và với đời. Có bạn còn cho rằng: sống Đạo bằng ngòi bút hoặc với vi âm, vi tính, có loa phóng thanh lớn nhỏ, có truyền hình, truyền thông... bao giờ cũng là chuyện ngon cơm dễ làm hơn là sống thực ở đời. Chí ít, là sống nghèo sống khổ. Bởi, lúc nào “cái khó cũng bó cái khôn”, sao sống Đạo được?



Để minh họa chuyện này, một đấng bậc thân quen trong thẩm quyền giáo phận, có kể lại cho nhóm người trẻ ngoan Đạo, chuyện “khó tin nhưng có thật” ở khu nhà ổ chuột đầy rác, sau đây:
Cách đây không lâu, Caritas Úc Châu có gửi giấymời linh mục có tên nghe rất quen là cha Chris đi Phi-luật tân chứng kiến công việc mà cơ quan này thực hiện với người nghèo, vào mùa chay.
Vừa đặt chân đến thủ đô Ma-ni-la, cha Chris đã được các vị đồng đạo hỏi ngay là ngài có muốn sống thử vài ngày với giới nghèo được Caritas giúp đỡ, không? Cha chưa kịp trả lời, thì mọi người quyết định là cha nên ở lại khu nhà chuột ổ nọ ít nhất hai ngày, mới hiểu được thế nào là… sống Đạo. Điểm hẹn cho cha, là khu “lao động” có cái tên rất mộng mơ: “Núi đồi mù mịt”. Tuy gọi là núi, nhưng chốn núi non này thật ra cũng không cao và cũng chẳng mù mịt gì cho lắm.
Thật sự, thì 30 năm về trước, đây là chốn núi đồi nồng nặc mùi xú uế, chốn đi về của mươi ngàn con người, sống gần như là chuột rúc. Vùng này trực thuộc Ma-ni-la, được dân con nội thành lên đây tống khứ đủ mọi thứ xú uế bùi nhùi, rất khó coi. Mịt mù là ảnh hình của lớp mây bụi mù lởn vởn bao quanh, cộng thêm với mầu xanh nhem nhúa của đám nhặng/ruồi và ong bày vỡ tổ, khiến khu đồi đã trọc lại càng khó coi vì là nơi hẹn hò của hợp chất khí - bụi, gây lợm giọng.
Vòng quanh ba mặt của ngọn đồi, là đám dân con thị thành chui rúc để tồn tại. Họ sống bằng cơm thừa canh cặn do người dân thị thành phế thải. Cha Chris cũng nghe nhiều chuyện về ngọn đồi bất hủ này từ các viên chức làm trong cơ quan cứu trợ Caritas, ở đây. Nhưng cha chẳng bao giờ lại có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó cha đặt chân đến đây, không để chứng kiến cảnh nghèo và khó mà thôi; nhưng còn để sống cùng và sống với người nghèo, cạnh núi rác bẩn thỉu, dăm ba bữa.
Tuy chưa đến tận nơi chứng kiến sự cùng cực của lớp nghèo thị thành, nhưng cha Chris cũng đã hình dung ra những đau thương chua xót, những nồng nặc cám cảnh của chốn chợ đời ấy. Nhất thứ, là khi thấy cảnh những người là người đang nhung nhúc chui vào đống rác rưởi để moi móc kiếm kế sinh nhai, thì cha Chris đã không còn tin vào mắt thịt của mình nữa. Kìa, cạnh nơi cao vút đầy rác rưởi cuồn cuộn xú uế khí lợm giọng,là giòng nước đen ngòm uốn khúc vòng quanh. Nước uống thì chỉ từ mấy “phông tên” công cộng, mà thôi.
Dọc con lạch đen ngòm lấm bẩn kia, khách ngoại cuộc thấy có nhiều căn gác lộ thiên bằng phên thùng bằng tôn/giấy lẫn lộn. Nơi đây, người người lớn nhỏ vẫn cứ tìm đến để tắm gội hay tiêu tiện, rất lộ thiên. Trong lúc đó, chiếc xe ủi cứ thản nhiên làm công tác xúc hốt vật bỏ phế hàng ngày. Và, dân cư đua nhau chạy ùa theo xe bốc hốt, chụp giựt, quyết tìm ra những gì có thể mang về đổi chác thành tiền thành bạc, nuôi thân. Tổ ấm cơ ngơi của đám dân nghèo hèn được vội vã dựng lên bằng những chất liệu vụn vặt không thể chống chọi lại thời tiết cay nghiệt, mưa nắng hai mùa.
Cha Chris đã gặp mặt một số linh mục Dòng Tên phụ trách xóm đạo ở chốn mù sương khó thở này. Các linh mục ở đây vẫn cố vận động với giới có thẩm quyền để họ ra quyết định bãi bỏ cảnh tượng thiếu tôn trọng phẩm cách con người này. Cụ chánh xứ đưa cha Chris đến thăm gia đình một giáo dân để cha nghỉ tạm qua ngày. Nhớ lại, hôm leo đồi trèo núi để ghé anh Bing Lu vào một buổi chiều còn nóng bức. Nơi nào cũng thấy lúc nhúc tòan bọn trẻ nhỏ. Cha Chris trộm nghĩ: sao bọn nhỏ ở đây lại có thể đen đuốc bần thỉu, đến như thế. Sao chúng vẫn có thể nô đùa chạy nhảy suốt ngày, mà chẳng được học hành gì cả? Nghĩ tới đó, tâm can cha như quặn thắt . Bụng dạ lại cồn cào, muốn ói mửa.
Đến nhà anh Bing Lu, cha thấy khác hẳn. Dù nghèo, nhưng nhà của anh gọn gàng. Ngăn nắp. Anh tiếp cha bằng cả tấm lòng như của người từng quen biết từ lâu. Thấy cha Chris có vẻ như ngứa ngáy vì bọn trẻ cứ xán lại bu quanh, rờ mó vào người cha. Anh Bing bèn kéo cha vào chỗ khuất người, đưa cho cha ly nước để uống cho đỡ cơn khát, xé cổ xé họng vào buổi trưa hè nóng bức. Cha Chris cảm thấy khó xử. Chưa biết có nên nhận lời uống ly nuớc chưa quen mùi vị, hay không. Làm sao để tỏ ra cha cũng biết san sẻ cảnh tình của người bần hàn? San và sẻ đến mức độ nào, đây?
Dù khát đến khô họng, cha Chris định bụng từ chối. Tính là, để khi về nhà xứ sẽ dùng nước có đóng khằn trong chai. Cũng may lúc ấy, người con của anh trở ra đem cho cha một chai nước có nắp khóen. Thấy chai nước có thể uống được, cha nhận lời cầm lấy. Anh Bing lại đi tìm ly nhựa định rót ra cho cha. Nhưng cha định thần một lúc rồi cứ thế tu chai như hồi còn nhỏ. Trong một khỏanh khắc không lâu, cha Chris thấy mình lúng túng, chợt liên tưởng đến tình huống được kể nơi Phúc Âm, khi Đức Chúa ghé khu làng người dân ngoại xứ Samari. Ngài cũng lúng túng như người phàm, khi xin nước.

Truyện kể về cha Chris thấy lúng túng khi ở vào hoàn cảnh sống gần sống với người nghèo, vẫn là chuyện của mỗi người, trong chúng ta. Lúng túng với người nghèo cùng phái, cùng Đạo là chuyện còn dễ. Lúng túng khi tiếp xúc hoặc chấp nhận ở gần người nghèo, người khác phái khác phận, hoặc người khách lạ, địch thù, dân ngoại vẫn là chuyện khó xử nhiều hơn chỉ là lúng túng.


Nơi đời thường, vẫn có những tình huống khó xử, khi giao tiếp và sống với người hôi thối/nghèo hèn về phần của cải lẫn thân phận. Đây có thể là những tình huống khiến ta có những nhận định hấp tấp, sai sót. Sai sót, mỗi khi ta đến với người nghèo, dù chỉ lân la chuyện trò cho qua, vẫn không biết cách xử sự thế nào cho phải phép. Nói gì đến chuyện tìm cách giúp đỡ. Và hấp tấp trong đối xử, vẫn là dễ sai phạm. Nhất thứ là khi ta lại có những xem xét và phán đoán. Thậm chí, có khi còn bị mang tiếng là có thái độ kỳ thị, đầy thành kiến...
Giao tiếp với người nghèo, đã là chuyện khó. Nếu lại bảo: sống giống như, sống cùng và sống với người nghèo hèn, càng là chuyện khó hơn. Khó gấp bội. Khó trăm bề. Khó không thể tả được. Và, một khi thấy khó, người người thường có thói quen dễ bỏ chạy. Bỏ và chạy, để không còn vướng bận nỗi gì. Vướng và bận, dù chỉ trong tâm tưởng, mà thôi.
Tuy nhiên sẽ còn khó hơn, khi người người nhận được lời khẳng định từ Đức Chúa ở đọan khác, cũng trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa có nói:
“Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em, lúc nào cũng có…”
(Yn 12: 8)

Và, theo thánh Phao-lô, người nghèo nói chung chính là Ngài:

“Quả thật, anh chị em biết Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào:
Người vốn giàu sang phú quý,
Nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh chị em
Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chị em trở nên giàu có.”
(2Cr 8: 9)

Qua chuyện của linh mục Chris nghèo hèn công tác ở ở Ma-ni-la, hẳn người đọc cũng sẽ cảm thấy vững dạ:

“Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối,
khi bị sỉ nhục hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo
vì Đức Kitô: vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”
(2Cr 12: 10)

Xem như thế, có thể nói được là khi bạn và tôi đã thấy mình nghèo và hèn đi, thì đó là lúc mình mạnh hơn, giàu hơn bao giờ hết. Bởi, chính vào khi mình trở nên nghèo và hèn hơn cả, là lúc Đức Giê-su Kitô đang ở với mình. Mà, đã có Chúa ở với mình, thì còn ai mạnh và giàu hơn nữa chứ? Kinh nghiệm này, thánh Phao-lô tông đồ đã từng trải. Và, cũng như thánh Phao-lô, bạn và tôi cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm rất “người” và rất “nghèo” nhưng không hèn, diễn ra đều đặn trong hành trình sống.


Tới đây, có lẽ ta sẽ tự hỏi: những người nghèo khổ như vậy, mà vẫn sống được, trẻ con vẫn vui đùa chạy nhảy, vậy thì sức mạnh nào, niềm tin và cảm nghiệm nào đã giúp họ được như thế? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn và tôi, ta hãy đọc truyện kể bên dưới về ý nghĩ của các em nhỏ, về cuộc đời. Về người đời:

Vào buổi vấn đáp các học trò nhỏ hôm ấy, cô giáo đưa ra một đề tài khá hóc búa: các em hãy liệt kê cho cô một danh sách gồm 7 thứ mà các em nghĩ là kỳ quan trên thế giới. Tức là: 7 thứ đẹp nhất trên thế gian này.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương