Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang8/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16
Vì dịp đó là mùa Giáng Sinh, vào mùa nắng hạ ở Úc, nên gia chủ cho đọc đoạn Tin Mừng theo Thánh Gio-an, như sau:

“Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi,


và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài
vinh quang như Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ân nghĩa và sự thật.” (Ga 1, 14)

Bữa đó, không có ai là thầy sáu vĩnh viễn, cũng chẳng có vị nào xuất thân là đấng “ta ru” hay tu ra tu vào gì cả, nên chờ mãi mới thấy người nhà của gia chủ phát biểu, như sau:

“Kính thưa quý cụ, quý anh chị,
Chả nói giấu gì, con đây học hành chữ nghĩa chẳng bao lăm. Lòng đạo cũng chẳng được mấy tí, nên chẳng dám nói gì, chỉ xin kể lại câu chuyện nghe được từ người bạn về Noel như sau:

Đã lâu lắm, dịp Giáng Sinh năm ấy, Ông Già Noel lại chuẩn bị khăn gói lên đường. Lần này, ông gặp đủ mọi thứ trục trặc trên đời, lúc nào cũng gặp toàn là sự cố kỹ thuật. Các nàng tiên nhỏ thường hay giúp ông, năm nay phát quà chậm quá, nên các cháu thiếu nhi mãi đến hôm nay vẫn chưa có quà, kêu réo rất là inh ỏi. Lại thêm bà xã của Ông còn nhắn nhủ rằng thì là đêm nay “mẫu hậu” thân sinh sẽ ghé lại ngủ đêm để vui chung ngày lễ hội với hai vợ chồng. Tin này càng làm ông lo lắng, dữ hơn.

Ông ra xe, định bụng thắng chiếc yên cho 4 cô nai vàng yêu quí chuẩn bị cuộc xuống núi lao động, bèn phát giác ra rằng 3 trong 4 cô nàng kéo xe, đang chuyển bụng sắp đập bầu. Đã vội, lại càng thêm căng thẳng, Ông chỉ còn mỗi nước độc nhất, là cột cô nàng còn lại vào càng xe rồi trao cho cô ta trọng trách bao dàn, thay thế cho mấy cô đang vỡ bầu, thôi. Vừa bước lên chiếc thổ mộ, thì càng xe gãy rục, quà cáp vãi tung tóe, khắp nơi. Nhằm vợi bớt cơn giận lành của mình, Ông Già Noel trở vào nhà bếp, định bụng làm một hớp cà-phê nóng, sau đó tính là thêm ba sợi Brandy sương sương cho lắng cơn giận đằng đằng, đang trào dâng bên trong… thì Ông lại té ngửa, phát giác thêm rằng: các nàng tiên bé nhỏ của ông cứ sợ ông gặp nạn trên đường nếu để cái thói “ngựa quen đường cũ” lè nhè một ngụm như trước thì Ông cũng chẳng làm ăn được gì cho tích sự, nên đã đập bể các chai whisky lớn nhỏ của Ông. Không chừa đến một giọt để ông thấm chút môi mềm, đêm nát rượu.

Trong lúc thất thần, ông Noel tuột tay đánh vỡ bình đựng cà phê quý giá, thế là từng giọt rồi lại từng giọt đen đen óng ánh rơi vãi trên sàn bếp nhỏ. Ông chầm chậm bước lên nhà trên, định bụng tìm cây chổi cùn quét nhẹ vài quét, kịp đón bà má vợ rất khó tính về những chuyện bếp núc soong nồi... Sờ đến chổi, mới hay đám chuột bọ ở đâu đến quấy phá, cắn nát mấy cọng chổi mà Ông bỏ công ra kết cột bằng các ống hút ny-lông xinh xinh ấy.

Vừa vặn có tiếng chuông bấm ngoài cửa, Ông Già Noel lụ khụ bước ra xem ai mà lại đến chơi vào giờ cao điểm như thế. Vừa mở cửa, Ông thấy thiên thần nhỏ đang khệ nệ bưng cây Giáng Sinh xanh mướt đem đến tặng ông làm quà. Thiên thần nhỏ cướp lời không cho ông phân trần: “Mừng Giáng Sinh Ông Già ! Hôm nay trời đẹp quá phải không ông ? Cháu có cây thông nhỏ đem đến tặng Ông làm quà Giáng Sinh đây. Ông muốn để ở đâu nào ? Cây này dễ thương lắm đó !”

Nhìn cây Giáng Sinh, Ông Già Noel ra như quên hết các nỗi bực dọc, sự cố xảy đến từ sáng đến giờ, bèn đưa tay giúp vị thiên thần nhỏ bưng cây xanh tươi đẹp vào nhà và nhắm coi tính đặt vào chỗ nào cho thích hợp bây giờ ?…

Vì thế, mỗi lần Giáng Sinh về, ta thấy nhà nào cũng có cây No-en. Trên mỗi cây, ta đều thấy có thiên thần nhỏ lủng lẳng trên ngọn chờ đợi Ông Già Tuyết, làm việc thay cho Chúa chỉ chỗ mọi người trưng bày hang đá, hoặc bàn thờ. Chuyện chỉ có thế, xin hết. Và xin quý vị góp ý.

Nghe chuyện, chẳng thấy có ai phát biểu điều gì dù là khuôn mặt ai cũng tỏ ra thích thú. Nháy bảo nhau mãi, lúc sau mới thấy một người trẻ trong gia đình, giơ tay nói:

“Em xin nói: theo em, tất cả các chuyện Giáng Sinh, từ ngày giờ, cho chí đêm khuya tịch mịch và cả đến các nhân vật trong truyện như: Ông Già Tuyết, thiên thần, hoặc các chú nai gạc..đều là hình ảnh nói lên một sự thật về việc Chúa đã hạ mình xuống thế làm người. Ngày xưa, các cụ nhà ta có thói quen đọc Sách Thánh, rồi cắt nghĩa cho con cháu hết điển tích này đến câu chuyện nọ, tìm cách làm cho mọi người dễ hiểu ý nghĩa của buổi lễ. Ngày nay, thời đại của truyền hình và vi tính, hiểu như thế cũng không sai Sự Thật về việc Chúa xuống thế làm người, hết.”

Để bổ túc, có một chị giơ tay xin được nói:

“Theo tôi thấy, khi ta lần chuỗi Mân Côi và suy ngắm các Mầu Nhiệm mà ta gọi là Năm sự Vui và nhất là khi ta đọc các kinh Kính Mừng, chúng ta đều suy niệm Mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhất là ở chục kinh thứ nhất ta ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường. Rồi chục thứ hai: Đức mẹ đi viếng bà Ê-li-sa-bét, cứ thế cho đến hết chục thứ năm, chục nào cũng có lời ngắm, hết đó. Tóm lại, khi đọc kinh là ta suy gẫm Sách Thánh và như thế là ta đã cầu nguyện, rồi.

Một anh khác, bằng một giọng chắc nịch, xin phát biểu:


“Đồng ý với anh và chị gì vừa nói. Tôi không hiểu, sao có nhiều người bị thường hay bị cái mà tôi gọi là “dị ứng” với chuyện đọc kinh, lần chuỗi, quá sức. Đọc kinh, đâu phải là chuyện chúng ta lải nhải, van xin gì đâu. Mà, đó là lúc mình vừa đọc vừa nhớ lại khung cảnh diễn biến vào thời của Chúa, đấy chứ.”

Bầu khí trao đổi đã bắt đầu sôi động hơn, một chị khác giơ tay xin tiếp lời:


“Tôi đồng ý với các anh chị, đọc kinh hay suy gẫm, dù bằng cách nào đi nữa, cũng vẫn là cầu nguyện. Mà, nói đến cầu nguyện, thì mình nên chọn cách thức nào thích hợp với mình hơn cả, là hay nhất.”

Không khí trong buổi đọc kinh Tôn Vương tối hôm ấy càng sinh động hơn, khi có một anh tuy thâm trầm ít nói, nhưng dường như muốn bày tỏ điều gì. Anh giơ tay phát biểu:

“Xin thưa với bà con, thật tình tôi ít có tham dự các buổi đọc kinh tối ở nhà mình hay nhà bạn bè như hôm nay lắm. Vì riêng tôi, tôi thích đọc sách tu đức, hoặc các sách Đạo, rồi suy nghĩ tìm hiểu; hoặc có gì thắc mắc, mình đi hỏi những người nào hiểu biết hơn. Ví dụ như, về mầu nhiệm Giáng Sinh, tôi có đọc một đoạn trong sách nọ, thấy hay bèn chép lại, và bỏ túi lâu lâu nghiền ngẫm. Đoạn sách ấy có nói về Giáng Sinh như thế này:

Đối với khách bàng quan xưa kia cũng như ngày hôm nay, “Giáng Sinh” chẳng qua chỉ là một biến cố lịch sử, một chuyện thời sự không hơn không kém…” Đối với chúng ta, những tín hữu Đức Ki-tô, Giáng Sinh có ý nghĩa gì ? Giáng Sinh đối với ta, ngoài tính cách của biến cố lịch sử, còn là một bước sống. Vì Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa muôn đời liên hệ đến chính kiếp sống chúng ta. Chúng ta tin Chúa đến với nhân lọai, đã biến đổi nếp sống chúng ta…


(đoạn này trích từ sách của cựu Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan, cuốn: Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, tr. 20) Về Giáng Sinh, tác giả viết dài lắm. Tôi không thể đọc hết ở đây, chỉ xin tóm lại điều này: là người Công Giáo chúng mình tin là như thế. Nhưng, cuộc sống của mình đã có biến đổi gì chưa, đó mới là vấn đề.”

Như mọi lần, mỗi khi ai phát biểu xong, gia chủ chỉ mời mọi người gợi ý, chứ tuyệt nhiên không cho trả lời hoặc tranh luận gì hết. Thành thử, cứ nhắc nhở xem có anh hay chị nào có ý kiến gì không, thế thôi. Lại một khoảng thời gian im lặng, để trống. Cuối cùng, có chị cất lời:

“Thú thật với quý vị, đây là một trong những lần tôi tham dự buổi đọc kinh tôn vương hơi khác thường, một chút. Nhưng phải nói là, lâu lâu ta cũng nên thay đổi bầu khí và cách thức cầu nguyện một chút. Nói như thế, tôi xin phép phát biểu là: mỗi người chúng ta nên suy nghĩ thêm về câu hỏi: Mầu nhiệm Giáng Sinh đã đặc biệt đánh động mình như thế nào ? Ai có câu trả lời, xin chia sẻ với cộng đoàn. Còn không, mình cứ để ngỏ câu này, vào một dịp nào đó, ta sẽ trao đổi tiếp với nhau sau.”

Lại một chị khác thêm ý kiến:

“Tôi thấy, tham dự những buổi như thế này, thường anh em mình ít có ai học rộng, hiểu sâu lời Chúa, cho bằng các cha, hoặc các cựu Tu Sĩ, Thầy Sáu. Anh chị nào quen biết mấy ông như thế, lần sau xin mời các vị ấy đến tham dự để mình chia sẻ cho mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc đọc kinh.”

Thấy không có ai phát biểu gì thêm, gia chủ đề nghị mọi người giở sách ra, ta hát bài “Kinh Hòa Bình” của thánh Phanxicô, do cha Kim Long sáng tác. Để, xin hòa bình đến với muôn người. Người giàu cũng như kẻ nghèo. Nam cũng như nữ. Không phân biệt tuổi tác, quá trình thuộc loại cấp tiến hay bảo thủ, thủ cựu. Tất cả, ai ai cũng cần hòa bình. Nhất là vào những ngày mọi người mừng kính mầu nhiệm Chúa Xuống Thế làm người, với chúng ta.


Và mọi giọng hát được cất lên, rất ồ ồ. Rất lanh lảnh, như sau:
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa
Nơi mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hoà vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Bần đệ ra về, trong mưa. Đi trong mưa, mà lòng mừng thầm vì đã tìm thấy bình an trong tâm hồn. Dù bình an ấy, rất nhỏ. Rất tóm gọn. Và, bần đệ chợt như thấy mình đang thầm hát trong bụng bài ca nghe được hôm nào, từ giọng hát của Khánh Ly: “Em đứng lên gọi mưa vào Hạ…”

Bất chợt hát lên vì mọi nơi đã thấy mưa. Mưa vào Hạ, rất nóng ấm. Hát xong, bần đệ những mong rằng: vào mùa Giáng Sinh rất thánh, người người sẽ cùng hát như bần đệ. Vì đã đến rồi, mưa Hồng Ân trên cao. Mưa An Bình, từ Đức Chúa. Rất Giáng Hạ. Mùa Hạ.

Trần Ngọc Mười Hai


vẫn cứ hát và cứ xin.
Xin cho những cơn mưa,
rất vào Hạ

“Nhẹ nhàng như gió thì thầm”


(Lc 2, 52)

“Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng”


Có một lần, một người anh rất chững chạc trong Đạo, “nhẹ nhàng như gió thì thầm” đến gần bần đệ, vỗ nhẹ lên vai bảo nhỏ: “Này bạn, đã gọi là chuyện phiếm thì thường là những chuyện tầm phào, ở đời, sao lại đem Lời Chúa vào những chuyện như thế ?” Lúc ấy, bần đệ chẳng biết nói gì. Chỉ há hốc miệng, những muốn moi óc tìm cho ra đoạn trích dẫn Kinh Sách rất Thánh có nói về “Lời” đã khiêm hạ tìm chốn tầm thường mà nương náu, giáng hạ.
Mãi về sau, bần đệ mới nhớ ra lời Kinh ấy; bèn lập đi lập lại cho dễ nhớ. Từ đó, cứ nhớ mãi câu này:

“Và, Lời đã thành xác phàm lưu trú nơi chúng tôi,


và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài,
vinh quang như của Con một tự nơi Cha,
tràn đầy ơn nghĩa và sự thật.” (Ga:1,14)

Vâng “Lời” của Đức Chúa là “Lời” Cao sang thần Thánh, nay thành xác phàm ở với phàm nhân tục tử rất tội lỗi. Tệ bạc. Thế nhưng, “Lời” đã hòa mình đi vào đời. Một đời có nhiều chuyện để kể. Kể cả những truyện rất phiếm. Những chuyện để phiếm. “Phiếm Đạo vào đời”. Hay còn gọi là “chuyện phiếm Đạo-đời”.


Chẳng thế mà, người phàm vẫn mãi không hiểu tại sao “Lời” lại mặc xác phàm. Tại sao Đạo lại phải vào đời ? Tại sao Đạo “nên” vào đời ? Thôi thì, ta cứ phiếm hoài phiếm mãi, ắt rồi sẽ hiểu. Hiểu rồi sẽ nhớ. Sự việc trên, làm bần đệ nhớ lại câu chuyện về cũng một chuyện Giáng hạ, mà người kia vẫn thấy khó hiểu. Không thể hiểu. Truyện ấy thế này:
Đêm ấy, một đêm đầy trăng sao. Tiết đông lành lạnh, có một người đến từ hành tinh lạ, buồn tình làm thử chuyến du hành xuyên vũ trụ. Bay ngang hành tinh nhỏ có tên Địa Cầu, người hành tinh thấy như có điều kỳ lạ: đâu đâu cũng thấy lấp lánh đầy khắp những vì sao bằng giấy. Rất nhiều mầu. Đã thế, cạnh các vì sao nhỏ lung linh mầu sắc ấy, là các biển hiệu mang thông điệp vui tươi, những nào “Merry Christmas”, “Happy New Year”.

Sẵn tính xục xạo, muốn tìm hiểu, người hành tinh nọ vội đáp nhẹ xuống vùng phía Nam của lục địa thứ sáu mang tên là “Vùng Miệt Dưới”. Vừa ghé chân, gã nảy ra ý định “ngộ nghĩnh” mở một phóng sự bỏ túi, xem dân chúng ở hành tinh địa cầu này có trò gì mà vui nhộn thế. Chợt thấy một bé xinh xinh đang ngồi mân mê món đồ chơi bằng nhựa, xem ra có vẻ thích thú lắm. Người hành tinh bỗng tạt vào hỏi bé em về ý nghĩa các từ ngữ vừa gặp. Tại sao lại hết Merry rồi lại Happy… như thế ?


Em bé thấy có người đến chơi với mình, thích quá trả lời ngay: “Sắp tới đây, nhà em mừng lễ to lắm ! Thể nào cũng có hang đá. Có cây thông nè. Có Ông già tuyết nè. Ông già này râu tóc bạc phơ, suốt ngày chỉ mặc áo đỏ viền trắng…lúc nào trên vai cũng nặng trĩu những quà là quà. Năm nào, bé cũng được Ông cho nhiều thứ, có cả kẹo Sô-cô-la nữa. Chuyến này, bé sẽ ăn thật nhiều kẹo. Chẳng còn sợ ai la mắng. Vì Ông Già Tuyết còn lớn hơn cả bố mẹ nữa, mà.”

Người hành tinh tiếp tục hành trình, đến hỏi một người lớn con hơn, chừng như đang bận rộn với công việc kiếm cơm, chạy gạo hằng ngày. Thì vị ấy đáp: “Giáng sinh ấy à ? Ối giời ! Lễ này lớn lắm đó. Cả người bên Đạo lẫn ngoài đời cũng đều ăn mừng hết đó. Lễ lớn như thế, nên già trẻ lớn bé ai cũng được nghỉ. Nên ai cũng thích. Trẻ thì được quà. Lớn được nghỉ ngơi. Nghỉ học. nghỉ làm. Chẳng ai phạt. Chẳng người nào bị đánh thuế vì mình nghỉ. Thôi thì, cũng phải có những ngày như thế để bà con có thì giờ mà chưng diện, sắm sửa chứ. Này ! Vào ngày lễ ấy, đàn ông tha hồ ăn nhậu, nhảy nhót. Đàn bà thì đua nhau mà tiêu pha, may sắm…”

Hỏi một cụ bà đang trên đường từ Nhà Thờ về, thì cụ cho biết: “Ấy chết ! Ngày lễ cực trọng như thế, mà đằng ấy lại không biết gì à ? Bộ ở trên cung trăng mới xuống hay sao mà “ngố” thế ? Thôi, để lão bà nói cho mà nghe: Cứ vào chập tối đêm hăm tư tháng chạp là ta bắt đầu có lễ đêm rồi. Lần nào trước khi bắt đầu lễ, cũng có cha ngồi toà cáo giải. Cũng có đọc kinh… đến giờ lễ lại có người đàn kẻ thì hát. Thôi thì, vui nhộn không có chỗ nào kể xiết. Vui lắm ! À mà này, bác thử đi hỏi ông cha xem lão nói có đúng không. Đây già rồi, nói bác bỏ lỗi, đôi khi lão thấy mình chả ra làm sao cả”.


Xem ra vẫn chưa mãn nguyện với các câu trả lời ở trên. Nhưng, người hành tinh cũng chẳng dám đến gặp ông cha ông cố, nào cả. Tội gì mà đến, không chừng mấy ỗng lại lôi đầu vào bắt làm việc đền tội, thì lôi thôi lắm. Vậy là, gã ta giã từ bà lão, rón rén đến gần lớp học cạnh đó. Ghé mắt nhìn xem, thì thấy lố nhố đến chục bọn nhóc loai choai tuổi dậy thì, đang làm gì có vẻ suy tư lắm. Thì ra, đứa nào đứa nấy cứ lúi húi viết viết, rồi lại xoá xoá, như đang sáng tác một tổ khúc trữ tình nào đó vậy. Phóng cặp mắt thiên thần để nhìn, gã hành tinh thấy một cô bé hí hoáy thả hồn mình trên giấy, những dòng chảy như sau:


“Christmas, Giáng Sinh, Nhập Thể… Thì, cũng như câu chuyện trang lứa của chúng em. Trọn đời, em hướng lòng mình tất cả cho “người ấy”. Chúng em thật lòng chỉ muốn ở cạnh nhau suốt ngày. Suốt đêm. Không khi nào rời. Em vẫn nhớ cái ngày Thứ Bẩy đầu tiên ấy, hôm đi chơi với chàng. Tụi em nói chuyện với nhau hằng giờ , mà sao không thấy mệt mỏi. Nếu ngồi đếm, tổng cộng có đến mười bốn tiếng đồng hồ. Nghĩa là từ mười giờ sáng hôm ấy mãi đến lúc chàng sửa soạn ra về, thì trời cũng bắt đầu choạng vạng.

Ôi ! Thời gian trôi rất nhanh. Thật ra, thì bọn em vẫn chưa lấy làm đủ. Cũng mới chỉ: điểm tâm, ăn trưa nhè nhẹ, đi bộ qua bìa rừng; rồi ăn tối, thả bộ dọc bãi biển. Mườ bốn tiếng mà tưởng chừng như mới có hai giờ phù du, ngắn ngủi. Khi bạn chớm yêu, thời gian như ngừng trôi. Chẳng thế mà, có người cứ hỏi tại sao Thiên đường lại vĩnh cửu. Thiên đường là đây. Khởi điểm của cuộc tình … kéo dài.”

Ấy kìa, ngay gần bên là một chàng trai khác, tuổi tác tuy không lớn hơn là bao. Mà sao, ý tứ, chữ nghĩa lại như ông cụ đạo. Lén nhìn thoáng chốc bài “thâu hoạch” của chàng, người hành tinh đọc thấy có điều gì hơi khó hiểu. Anh chàng viết:


“Giáng Sinh. Phục Sinh. Hai đại lễ, cùng một chữ Sinh. Hai sự kiện, nhưng thật ra chỉ là một. Một ý nghĩa “Sinh”. Sinh, là sống. Dù cho, có xuống thế mà sống. Hay, chết đi để rồi lại sống. Vẫn, sống dai. Sống mạnh mẽ hơn trước. Và, khi đã sống lại rồi, thì Người mới vực được cuộc sống của người khác. Vực dậy những người sống không ra sống. Sống mà như đang chết. Tức là, sống dở. Và chết dở.

“Giáng sinh, có ý nghĩa gì với tôi không, ư ?


Có chứ ! Với tôi, Giáng Sinh, mà không có Phục Sinh, thì tuy cả hai mang cùng chữ “Sinh” -tức là sống- vẫn cứ là một thất bại. Bởi, Giáng Sinh chỉ là khởi đầu của một cuộc Sống. Phục Sinh kia, mới hoàn tất cuộc Sống ấy. Hoàn tất cái gì? Điều gì? Hoàn tất là hoàn thành và hoàn thiện Ý định Trên Cao được báo trước, từ lâu. Ý định Cứu Rỗi. Ngang qua Phục Sinh.

Đúng thế. Ý Định đã có từ lâu. Từ lúc Sa-un nhường ngôi cho Đa-vít. Bởi lẽ, Ý Định Cứu Rỗi chỉ dành để cho dòng tộc Đa-vít, một dòng giống “được chọn” mà thôi.

Đọc tới đó, người hành tinh bất chợt rùng mình. Thấy lạnh ở phía sau gáy. Bèn, lẳng lặng rút về nơi thinh vắng. Suy nghĩ một hồi, gã bèn nhủ thầm: Quái ! Một Hành tinh nhỏ như trái đất này, mà lại có đứa bé có tư tưởng chẳng bé xíu chút nào cả ! Tại sao Giáng Sinh lại chỉ có nghĩa là Khởi đầu cho một cuộc Sống ? Tại sao ngôi sao Xẹt kia lại chỉ xẹt cho tinh cầu nhỏ bé thế này, thôi ?

Tại sao lại là Đa-vít ? Tại sao chỉ là Ít-ra-en, dân tộc quá nhỏ ? Tại sao lại là Địa cầu ?

Tại sao một hành tinh nhỏ như thế này,mà lại có đủ cả ? Có Giáng Sinh. Rồi lại có cả Phục Sinh ?

Thôi chết rồi ! Bọn nó có lý. Bởi, đã có “Lời” bảo rằng: “Hãy trở nên bé nhỏ; vì Nước Trời là của chúng.”

Và, người hành tinh cứ vừa đi vừa lẩm bẩm, những chữ: Tình Yêu. Nhập Thể. Giáng Sinh. Phục Sinh. Nhỏ bé. Được chọn… Nhập thể là Giáng Sinh. Giáng Sinh phải nối kết với Phục Sinh. Giáng Sinh – Phục Sinh, hai sự thể, nhưng một Nhiệm Tích. Một Ý Định. Ý Định Cứu Rỗi. Ý Định mang cùng một chữ SINH”.

Nghe kể, dù chỉ là chuyện kể về một hành tinh, bần đệ thấy có điều gì đó, rất phiếm. Phiếm là phiếm Đạo vào đời. Cũng là Đạo trong đời. Một đời có đạo. Và, có phiếm. Phiếm nhẹ nhàng, như lời thơ trong nhạc bản “Gọi Người Yêu Dấu”:


Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi ?
Người yêu dấu ơi, thu về tìm vẫn đơn côi.
Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.
Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.
(Vũ Đức Nghiêm)
Ngày vui qua rất nhanh. Nhưng vẫn nhớ. Nhớ rằng, Ngài đã Giáng hạ. Và, đã Phục Sinh. Giáng Sinh và Phục Sinh để con dân khắp chốn, được vui và được nhớ. Vui, vào ngày Ngài Giáng Hạ. Nhớ, điều Ngài trăn trối, hãy cứ vui. Và, cứ phiếm. Phiếm cho mình. Phiếm cho đời. Phiếm rất vui.
Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cứ nghĩ,
mình chỉ có thể phiếm,
những phiếm và phiếm
đã thấy vui

Đã là Sự thật sao vẫn còn nghi


(Yn 1: 37-38)

Chỉ mới đây thôi, ngày 11 tháng chín xảy ra chớp nhoáng như trong giấc điệp. Tháng chín “đen”, cũng rất “bạc”. Một tháng chín có những sự thật rất buồn. Sự thật rành rành là thế. Nhưng vẫn có người ngờ vực. Ngờ vực nhiều nhất là từ nhà làm phim tài liệu người Mỹ, tên Michael Moore. Michael Moore, đại diện cho những người bán tín bán nghi về những sự thật đành rành về sự kiện thảm khốc, chết người ở Nữu Uớc.

Nghi và ngờ, là chuyện dài thế kỷ. Nó không chỉ xảy đến vào ngày ấy, năm nọ. Mà là chuyện của mọi nơi, mọi thời. Xảy đến với hết mọi người. Xảy đến cả hai ngàn năm về trước. Lúc, mọi người cầm chắc như đinh về chuyện xảy ra. Như đã báo trước. Thế nhưng, vẫn có người vẫn dõng dạc, những nghi và ngờ:
“Nếu nơi tay Ngài,
tôi không thấy các dấu đinh,
và tra tay vào lỗ đinh,
cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài,
tôi sẽ không tin.”
(Yn 20: 25)

Nghi và ngờ là đặc tính không của riêng ai. Chẳng phải, chỉ mình thánh Tô-ma mới độc quyền sở hữu. Chừng như, nhiều đấng bậc nhà Đạo cũng từng mắc phải. Chép lại tên tuổi các nhân vật trong Sách thánh, ta thấy ít nhất cũng có hai nhân vật rất thánh, vẫn nổi bật. Trước hết, là ông Za-ca-ri-a người dám thưa với thần sứ Chúa:


“Sự ấy làm sao tôi biết được?
vì tôi đã già và vợ tôi cũng cao niên.”
(Lc 1: 29)
Kế đến, Đức Maria cũng lúng túng khi Mẹ nghe lời chúc tụng của thiên sứ nhà Trời:

“Nhưng lời đó đã làm bà sao xuyến


và bà suy tính lời chào đó có ý nghĩa gì?”
(Lc 1: 29)

Xưa nay, loài người vẫn nghi và ngờ vì nhiều lý do. Nghi, vì chuyện ấy chưa từng xảy đến (chẳng hạn như ông Za-ca-ri-a và Đức Nữ Trinh\g Maria). Và ngờ, vì chuyện này có khi không đúng sự thật. Phản khoa học. Hoặc, chẳng có lý lại xảy ra như vậy…


Xem như thế, nghi và ngờ là do có vấn nạn về một sự thật. Vấn nạn về việc chuyển tải sự thật đến với người nào dễ cảm nhận.
Nhưng, thế nào là sự thật mà con người dễ cảm nhận?

Câu hỏi trên, được nêu ra cách nay hơn hai ngàn năm trước. Khi Đức Chúa bị dẫn ra trước toà Công nghị của quan Phi-la-tô để luận tội. Quan tra vấn một hồi như thể vẫn nghi và ngờ về tư cách “Vua” của Đức Kitô. Vì thế nên, mọi người mới có được một khẳng định về sự thật:

“Tôi đã đến trong thế gian:
ấy là để làm chứng cho sự thật.
Phàm ai thuộc về sự thật,
Thì nghe được tiếng Tôi.
(Yn 1: 37-38)

Giống như nhiều người, quan Phi-la-tô cũng đã nghi và ngờ. Cũng từng thắc mắc gạn hỏi: “sự thật là gì?”; hoặc, “đâu là sự thật?” Hỏi, tức là đem những thắc mắc trong bụng mình, bật thành tiếng. Tức, bộc lộ ra bên ngoài điều gì mình còn nghi và ngờ. Nhưng ở đây, hỏi có nghĩa là đã chấp nhận lắng nghe. Chịu tìm để hiểu. Chịu học hỏi và cảm nhận. Như trình thuật Tin Mừng thuờng cho thấy: ít có người chịu lắng nghe và cảm nhận. Bởi, nếu biết lắng nghe và cảm nhận, thì đâu có những hạch và hỏi. Và lúc ấy, cũng không còn nghi và ngờ gì hết. Lúc ấy những ai trước đây từng nghi ngờ, nay đã biết tin tưởng và cảm nhận.


Trong Sách thánh, có rất nhiều chương/đoạn Tin Mừng nói đến tình huống qua đó có nhiều người đã nghe và đã có hỏi. Vẫn chờ đợi câu giải đáp. Chính vì thế, Đức Chúa đã quả quyết về sự thật, như sau:

“Trước khi mọi sự thật đã xảy ra. “


(Mt 5: 18)
Hoặc:
“Quả thật, Tôi bảo thật với các ông.”
(Mt 5:26; 6:2; 6: 5, 16; 8: 10; 10: 2,4,15,25; 11: 11; 13: 17; 16: 28; 17:20; 18:13,18; 19: 23,28; 21: 31; 23: 36;24:2,34,47; 25: 12,40,45; 26: 1-32; 21, 34)

Có những vị thông minh tài giỏi, thông suốt hết mọi sự. Nắm vững mọi chân lý. Đã tường tận “Sự thật” bằng xương bằng thịt, bằng chính mắt trần người phàm. Nhưng vẫn chỉ duy trì “Sự thật” ấy ở mức độ mắt thịt phàm trần, mà thôi. Vẫn chưa đạt được con mắt của đức tin và của lòng kính phục. Nên, cứ nghi và ngờ. Vẫn gạn hỏi, thách thức chính Đấng-Là-Đường-Và-Là-Sự-Thật, qua câu nói:

“Thưa Thầy,
chúng tôi biết Thầy là người ngay thật
và thầy dạy đuờng lối Thiên Chúa
một cách chân thành;
vì thầy không có thói coi mặt đặt tên.
Vậy xin nói cho chúng tôi hay…”
(Mt 22: 16-17)

Đúng thế. Nhóm Biệt Phái/Kinh sư thừa biết rằng “ngay thật” luôn đi dôi với sự ”chân thành. Họ còn giải thích: “Thầy không bận tâm và không có thói coi mặt đặt tên.” Nhóm Biệt Phái/Kinh sư thông hiểu mọi chuyện, từng nghe từng biết đến Đức Kitô là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sáng”, nhưng họ vẫn cứ nghi và ngờ. Vẫn gạn hỏi. Gạn hỏi là vì lòng dạ họ ra chai đá. Cứng tin. Nay, họ chỉ muốn hiểu biết hết mọi sự, theo con đường mình đã vạch ra. Nói cách khác, nhóm Biệt phái/Kinh sư vẫn cứng ngắc với những gì có sẵn. Những luật và lệ. Hoặc, chỉ bận tâm đến những gì do chính nhóm mình đặt ra, nói ra. Chứ không phải những gì mình đã nghe và cảm nhận.

Không nghe và không cảm nhận. Cũng dễ hiểu. Vì, dù cho “sự thật có đuợc phơi bầy trên nóc nhà”, thì nhóm Biệt phái/Kinh sư vẫn “mũ ni che tai”, không chịu nghe. Chẳng chịu cảm nhận.

Đã bao lần, Đức Kitô cảnh báo những người “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”, nhưng họ vẫn có thói quen “Coi mặt đặt tên”. Vẫn cứ “bận tâm đến chuyện của người khác”, đến hạt bụi nơi mắt người khác để rồi quên lờ đi những đòi hỏi do Đức Kitô đem đến là phải mở mắt, mở tai và mở lòng mình ra mà đón nhận chính “Sự Thật” đang hiện diện trước mắt mình.


Để có thể phân biệt thực/hư của mọi việc nơi trần thế, cách hay nhất là mở mắt, mở tai và mở lòng mình ra, ắt sẽ nhận chân đuợc sự thật. Về thái độ nghe nhìn và cởi mở, tưởng cũng nên nêu ra đây ý kiến của một nhân sĩ đạo Bụt, có lần đã nói về Đạo của Chúa và Sự thật, như sau:

“Tại Tây Phương, nhiều người đang muốn cho Đạo Đức Kytô đuợc hiện đại hóa, nhưng họ chưa thành công vì thái độ thủ cựu và giáo điều của chức sắc bề trên. Nhiều nhà thờ vắng bóng tín đồ. Người xuất gia rất hiếm. Chỉ vì tại người ta bảo thủ quá, không chịu làm mới, không chịu làm cách mạng giáo lý và giáo chế…” (Thích Nhất Hạnh, Hẹn Nhau Mùa Anh Đào SangNăm).

Vâng. Thiền sư đạo Bụt nhận định cũng không sai cho lắm. Cách nay hơn hai ngàn năm có lẻ, chính Đức Kitô đã đem tin vui đến với các “chức sắc/bề trên” của thời đại xa xưa ấy, để họ chịu làm mới, làm cách mạng giáo lý và giáo chế thủ cựu của họ. Nhưng, họ vẫn chẳng chịu nghe. Vẫn thủ cựu và giáo điều. Cứ gạn hỏi rồi nghi ngờ chính Đạo, chính Sự Sáng và Sự thật. Họ còn bịt miệng sứ giả của Sự Thật dù Ngài vạch rõ cho mọi người thấy thế nào là thực, thế nào hư. Thế nào là Sự Sống đích thực. Đâu là niềm an vui vĩnh cửu.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương