Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang5/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16
Chuyện tù đày – đày tù, tạm giữ - tạm giam thì cũng chẳng khác gì những chuyện đày đọa người tù nào khác. Nghĩa là cũng có hạch, có hỏi. Có dọa có nạt, đạp bàn, đập ghế gây tổn thương não bộ trung khu thần kinh, làm quên cả ‘bộ nhớ’ rất cổ và rất xưa. Cái mà ở xứ sở văn minh người ta hay gọi là “traumatic stress” (căng thẳng đầy tổn thương) sơ sơ, lơ mơ thôi, ấy mà. Chuyện bộ nhớ - nhớ bộ thần (rất) kinh, gợi lại cho bần đạo những tình tiết của một buồi chiều hôm, tối đó. Khi: bần đạo (lúc ấy còn rất hiền lành, thánh thiện (?)), và một vị tỳ-kheo/thượng tọa lúc ấy tu ở chùa Giác Viên, Phú Nhuận (cùng bị nhốt chung phòng), hai người duy nhất cả gan ngồi thiền/thầm thì nguyện cầu với Đấng Ở Trên. Thì, một cán bộ cai quản trại tù bắt gặp, bèn phán cho một bài rất ư là ‘giáo dục công dân’ ít được nghe thấy, hoặc ‘nghe qua rồi hãy quên’, chỉ loáng thoáng như sau:
“Các anh nên nhớ (lại cái trí không quên được nhắc cho mà nhớ), rằng: Cách mạng chỉ giam các anh thôi chứ đâu có giữ tôn giáo của các anh đâu mà các anh không chấp hành nội quy; dám ngồi đó mà hoạt động có ý đồ tôn giáo một cách trái phép như vậy! Yêu cầu các anh không được hành đạo ở nơi tạm giữ này. Tôi cảnh cáo hai anh một lần chót đấy!…”

Quả là, lúc ấy bần đạo dù có biết ‘tha rồi hãy quên’ hay gì đi nữa, cũng đã cảm thấy khá bực. Dù vẫn không sợ. Bực, vì bị anh cán bộ trẻ lên lớp chính trị dạy dỗ. Và, cũng bực vì thiên hạ vẫn cứ áp dụng ‘luật ở bìa rừng’ đối với một người đang còn trong vòng tạm giữ để điều tra, quá nhiều ngày. Thành ra, ‘tha rồi quên đi’ vẫn không phải là chuyễn dễ. Dễ quên. Dễ bỏ.


Kể lại niềm riêng không-đáng-nhớ ở trên, không phải để khơi dậy một tranh luận bàn cãi gì về: ‘có được phép giữ đạo và hành đạo (dù âm thầm và yên tĩnh, không phiền hà người khác) ở nơi cung cấm hay không’. Mà, chỉ muốn thưa với quý vị rằng: “tha thứ” những người làm phiền mình, tuyệt nhiên không là chuyện khó làm. Nhưng, bảo ‘hãy quên’ những chuyện khó quên kia đi, thì thật không phải là dễ. Nhất thứ, nếu đó là chuyện bực bội ăn sâu đâu như hận thù, quên rất khó.
Như câu truyện vừa thuật, ngay cả những vị chủ trương không theo tôn giáo nào hết, cũng đã tạo cho người đi Đạo (dù là đạo nào đi nữa) có được cơ hội để nhớ rằng: cứ ‘tha rồi hãy quên đi’ những gì làm phiền lòng. Chính đó mới là nghịch lý. Thế đó, là chuyện khó làm.
Cứ thường tình, hễ có chuyện bực bội hoặc nghịch lý/nghịch thường, người người thường thêm vào đó ý kiến của mình; hoặc, có lập trường biểu đồng tình, hỗ trợ. Hỗ trợ, để tìm cách thay đổi tình huống đang có đó, thành chuyện cần có, phải có. Và, nếu nhìn sự việc theo khía cạnh “lý” và/hoặc “nhớ quên-quên nhớ” như một thúc bách yêu cầu từ vị Triết Nhân Rất Hiền Từ của các bậc hiền triết, thì đây lại chính là ân huệ mà Đấng Ở Trên đã ban tặng để ta nhớ mà giữ những đòi hỏi rất nghịch thường/nghịch lý. Một đòi hỏi, mà bần đạo có thể diễn bày bằng thứ ngôn ngữ rất bình thường, là: hãy nhớ những gì hay quên; và, hãy quên đi những gì đáng nhớ.
Diễn rộng ý chủ này, có thể bảo: phải quên đi những chuyện cần nhớ, đáng nhớ và quên cả chức năng dễ nhớ của con người, nữa. Mục đích, là để chỉ nên nhớ rằng mình là thụ tạo dễ quên và cũng rất hay quên. Thường tình, mình vẫn hay quên những điều mọi người cần phải nhớ.
Điều cần nhớ và đáng nhớ, chính là: mình vì mọi người, cho mọi người chứ không phải: mọi người vì mình, cho mình. Nói khác đi, chỉ cần nhớ điều được nhắc nhớ trong thư thứ hai của thánh Phaolô gửi cho đồ đệ và là bạn Timôthê, như sau:
“Anh hãy nhớ rằng: Đức Yêsu Kitô sống lại từ cõi chết,
(sinh) bởi dòng giống Đavít,
chiếu theo Tin Mừng của tôi,
vì đó, tôi phải lao đao khốn khó
đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích!
Vì thế tôi cam chịu mọi sự vì các kẻ được chọn,để họ được phúc cứu độtrong Đức Kitô Yêsu,
cùng với vinh quang đời đời.
Lời đáng tin:Quả nếu ta cùng chết, ta sẽ cùng sống!
Nếu ta chịu đựng, ta sẽ đồng trị”. (2Ti 2: 8-10)

Nhớ quên-quên nhớ, là hai mặt của cuộc đời, con người. Nó tựa hồ như âm- dương nhị nguyên. Lúc thì đối chọi nhau. Lúc dựa vào nhau để tồn tại. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi nhị nguyên ấy nhập thể vào với con người, đôi khi nó quyện vào nhau. Hòa hợp thành một đơn-nguyên phức-tạp khiến bản thể con người thấy khó mà định ra đâu là đầu mút của mỗi nguyên lý.


Hôm nay, lạm phiếm về nguyên lý nhớ quên – quên nhớ, bần đạo chỉ dám đưa đề nghị nhỏ về chuyện thứ tha, về quên nhớ. Đồng thời, hồi tưởng lại những gì mình đã nhận được từ Ơn Trên: tình yêu, đau khổ, sự sống, vv. Và thấy rằng: tất cả đều là ân huệ.
Còn một ân huệ không nhỏ mà bần đạo vẫn được nhắc nhở, là: không chỉ nên nhớ những điều hay, lẽ phải mình đã từng làm. Không chỉ tha thứ những gì xấu xa tồi tệ mà người khác từng mang đến cho mình, mà thôi; nhưng, còn phải quên nó đi; để chỉ nghĩ đến những gì tốt đẹp, tích cực.
Bởi, Đấng Ở Trên mọi sự đã hy sinh làm gương cho mình về những điều tích cực.
Ngài chính là sự Tốt đẹp. Rất Tích cực trong mọi sự.

Trần Ngọc Mười Hai


với những suy nghĩ vẩn vơ,
lẫn lộn giữa quên và nhớ,
vào Mùa Chay.

“Có một lần, tôi đưa em về trên đỉnh yên bình hiền hòa”


(Lc 2: 13-14)

Vâng. Nếu “đỉnh yên bình hiền hòa” trên ấy, là chốn náu nương để đưa em về, thì miền đất phía dưới nơi đây, sẽ mãi mãi là mùa xuân. Mùa của yêu thương. Xuân bất diệt, nhà Đạo.


Xuân nhà Đạo, vừa là thời gian vừa là không gian, nơi có bạn và tôi, lúc nào cũng nghe văng vẳng đâu đây, lời trình thuật rất sáng của thánh sử Luca, như sau:

“Và bỗng đâu


đến hợp với đoàn thiên thần,
có đoàn lũ cơ binh trên trời
Ngợi khen Thiên Chúa rằng:
Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm
Và ở dưới đất cho kẻ Ngài thương.”
(Lc 2: 13-14)

Bình an cho kẻ Ngài thương, là người trong đó có bạn và tôi, những kẻ còn ở đất miền phía dưới nơi đây. Và, lời bình an Chúa nói còn là giáo huấn quan trọng của nhà Đạo. Giáo huấn rất quan yếu. Rất trọng sự thực.

Bần đệ còn nhớ, khi chuyển ngữ đoạn thánh sử quan yếu buổi đầu đời, từ tiếng A-ram của Do Thái, cố giáo sư Kinh thánh, Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR có để lại một chú giải nhỏ, như sau:

“Theo văn kiện Qumran thì kiểu nói thông dụng của người Do Thái ‘bình an cho kẻ được Ngài thương’ là cốt để hiểu cái nhã ý,


(và) lòng đoái thương của Thiên Chúa”.
(Kinh thánh, 1976, bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, tr.128)

Hiểu như thế, tức “lòng đoái thương của Thiên Chúa” đang ở trên đỉnh yên bình hiền hoà, chốn non cao xanh biếc. Hoặc, nơi an bình ở đất miền phía dưới, mà dân thường ở huyện từng có, là do từ ‘cái nhã ý’ của Thiên Chúa, mà ra.

Theo lẽ thường tình, ta không thể có được “cái nhã ý” về “lòng xót thương của Thiên Chúa” tại những nơi cao sang đền đài vua chúa, hoặc chốn nguy nga, mà ta gọi là “điện Cẩm Linh”, cung Vẹrsailles, hay Tòa bạch Ốc… Nhưng có điều chắc: ta chỉ tìm thấy “đỉnh yên bình hiền hòa” ở dưới đất này. Ở nơi đây, luôn có những kẻ được Ngài đoái thương, rất nhiều.

Vậy, kẻ được Ngài đoái thương rất nhiều là những ai? Có phải, những Hê-rô-đê đương đại? Những nhà độc tài toàn trị dũng mãnh có quyền sát quyền sinh, chỉ cần bấm nút đen hoặc nút đỏ, là có thể bắn ra đủ mọi thứ vũ khí nguyên tử, hủy hoại hàng ngàn thành phố lớn? Và, sẽ làm cả trăm ngàn, triệu triệu người sẽ chìm ngập trong máu lửa điêu tàn? Những nhà tỷ phú tiền rừng bạc biển?

Nhìn vào thế giới hôm nay, ta càng thấy có nhiều phân rẽ tách biệt nơi con người. Những phân biệt, chênh lệch giàu - nghèo. Phân biệt, là phân ly trong cuộc sống. Là, tách biệt trong yêu thương, giùm giúp. Ở nơi con người đang sống, có những “đại gia” nhởn nhơ vui thú, chỉ muốn thưởng ngoạn những xa hoa đàng điếm nơi khách sạn 5, 7 sao, hoành tráng. Trong khi đó, kẻ nghèo người hèn vẫn cứ nghèo hèn. Vẫn ốm o gầy mòn, tìm không ra chỗ trú chân. Không hột gạo trong bụng.

Giữa giòng đời sinh sống hôm nay, cách biệt sang - hèn ở dưới đất, vẫn là điều khiến ta quan ngại. Cần lưu tâm để ý. Lưu tâm để ý, vì cách ly - phân biệt là do con người tạo ra. Chứ đâu phải từ một định mệnh đã an bài. Hoặc tệ hơn, từ Chúa Quan phòng, đã tiền định.

Trong cuộc sống đời thường, con người khi thừa hưởng giàu sang thoải mái, lại cứ tưởng những thứ ấy do chính mình đem lại, hoặc tạo ra. Và khi bê tha, xuống cấp, họ lại đổ lỗi cho Đấng Bề Trên, hay Đức Chúa. Thực tế, khó có thể có được câu trả lời nêu trên, nếu ta không chấp nhân lập trường rất đúng như triết gia Pascal từng nhận định: “Tất cả là ân huệ”, dù vào lúc ta gặp đủ mọi khó khăn, nghịch cảnh.

Trong tiếp xúc với người thường ở đời, một thiền sư đã đề ra một số phương cách thực tiễn hầu giúp người đời thời nay thực hiện chuỗi ngày “bình an” ở miến đất phía dưới này, như sau:


-SỐNG không giận hờn, không oán trách mới là sống
-SỐNG mỉm cười với thử thách,chông gai,ấy mới hay
-SỐNG vươn theo nhịp ánh ban mai, ta vẫn biết
-SỐNg an hòa với người quanh ta, đó mới là
-SỐNG sinh động, nhưng lòng luôn bất động
-SỐNG yêu thương, mà lòng chẳng vấn vương
-SỐNG hiên ngang nhưng danh lợi vẫn không màng
-Tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến. Nay SỐNG đúng.

Thật ra, sống đúng giữa giòng đời vạn biến, vẫn là chọn lựa của mỗi người. Là tự do chọn lựa của con cái Chúa. Chọn sống đúng. Chọn thực hiện điều xưa nay ta được dạy để sống đúng. Sống cho đáng sống. Đó mới là điều quan trọng. Đó là điều cần làm.

Trên thực tế của cuộc sống, có những điều giúp ta sống đúng, nhưng ta không làm. Hoặc vẫn chưa chịu làm. Và, theo nguyên tắc hành động, có những điều ta chẳng nên làm, nhưng nhiều người vẫn cứ làm. Có những điều thấy vậy mà không phải vậy, như truyện tích thời đại ở dưới đây.

“Hai thiên thần được Đấng Bề Trên cho ngao du xuống trần một chuyến, để thêm lòng xác tín về tình thương, đã ghé bến lưu lại nhà của gia đình giàu có, khi ấy. Gia đình giàu có từ chối không cho nhị vị ngủ lại ở căn buồng đẹp. Vì buồng này chỉ dành cho thượng khách mà thôi. Trái lại, họ dẫn nhị vị xuống căn hầm rất lạnh, ở phía dưới.

Ngả lưng xuống nền xi-măng lạnh buốt của căn hầm, vị thiên thần trọng tuổi thoáng nhận ra lỗ hổng nhỏ nơi bờ tường. Ở phía trước. Thiên thần ấy bèn giơ tay hóa phép, quyết bít kín lỗ hổng, mất dấu.

Thiên thần nhỏ, vị tháp tùng đấng bậc trọng tuổi kia, thấy thế bèn hỏi:


-Sao tiền bối lại làm như thế, có ý gì?
Và thiên thần trọng tuổi trả lời:
-Như thế tức là, mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu đấy bạn ạ.

Đêm sau, hai vị thiên thần nọ bèn đến nhà bác nông dân khác rất nghèo, trọ nhờ qua đêm. Hai vợ chồng bác nông dân tuy nghèo, nhưng hiếu khách. Sau khi chia sớt phần lương thực ít ỏi của mình, hai vợ chồng bác nông dân nghèo bèn nhường chiếc chiếu nan cũ kỹ, cho nhị vị thiên thần nằm đỡ, rồi ra sau hè ngủ.

Sáng ra, khi mặt trời vừa lấp ló, nhị vị thiên sứ nhà trời đã thấy vợ chồng bác nông gia nghèo, ngồi khóc than rất ư là thảm thiết. Hỏi ra mới vỡ lẽ: hai vợ chộng nghèo tằn tiện lâu lắm mới sắm được mỗi con bò sữa, làm nguồn lợi tức duy nhất, ở tuổi già. Ngờ đâu, đêm qua, bò ta lăn đùng ra chết, trước chuồng trại.

Vi thần nhỏ rất bực dọc, bèn lên tiếng hỏi tiền bối của mình:


-Sao ngài thấy chuyện bất ưng mà sao không ra tay cứu giúp? Sao cứ để yên cho bò béo mộng chết cứng, vô lý thế? Người có đủ thứ, thì ngài lại giúp đỡ cho họ thêm bằng cách trám bịt lỗ hổng, nơi bờ tường. Còn ở đây, gia đình bác nông dân đã nghèo kiết xác không có gì để sống qua ngày, thế mà họ vẫn tốt bụng chia sẻ phần cơm ít ỏi cho ngài, ngài lại để họ mất đi nguồn lợi tức độc nhất, là chú bò béo mập kia. Làm như thế không là bất công thì còn gọi là gì nữa cơ chứ?

Vị thần trọng tuổi đáp lời:


-Mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu bạn ơi. Khi bọn mình nằm tại căn hầm ở dưới đất, ta phát hiện ở bờ tường nhiều thỏi vàng ròng cất giấu bên trong. Họ giấu vàng, chỉ chừa một lỗ nhỏ để làm dấu vết sau này tìm kiếm. Chủ nhà đã giàu lại keo kiệt không biết san sẻ của dư của để cho người khác. Dù, một chỗ trú chân nhỏ bé với chăn ấm nêm êm cũng không cho. Nên, ta quyết định bít kín đầu mối kia đi, để họ không tìm ra chỗ cất giấu vàng ròng, của cải dư thừa ấy. Thế rồi, hôm sau khi nằm bên chiếu nan của hai bác nông gia nghèo, ta chợt phát hiện một điều: tử thần gian ác đã ghé thăm căn nhà tiều tụy của bác nông gia nghèo này, định đòi mạng người vợ hiền làm của lễ tế thần, thay cho chúng. Ta bèn cho chúng con bò mẹ béo ngậy để thay thế. Đổi lại, vợ bác nông gia sẽ tiếp tục được sống cho đến mãn kiếp đời. Như thế, mới hợp với triết lý phục vụ. Triết lý dạy rằng: còn người thì còn của. Của cải vật chất là để phục vụ loài người, chứ loài người đâu nào phục vụ của cải vật chất, đâu! Thành ra ta bảo: mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy đâu là như thế, bạn hiểu chứ?

Chuyện cổ tích thời đương đại ở trên có thể đã nói lên quan niệm/lập trường rất chung của một số người nơi nhà Đạo. Lập trường ấy là: đi đâu, làm gì, ta cũng nên nghĩ và nhớ đến thân phận và hoàn cảnh của người khác. Thân phận của những người ở dưới đất, được Ngài thương chúc bình an, suốt cuộc đời. Đời của những những người tuy rất nghèo về vật chất lẫn tinh thần, thường vẫn thấy. Nhưng thực tế cuộc đời, họ vẫn hy vọng đạt “đỉnh yên bình hiền hòa”, trên nơi ấy. Nơi có người nghệ sĩ luôn hát bài ca hiền hòa, bình an như sau:

“Trên đỉnh yên bình
môt mùa xuân ôm kín khung trời,
của tuổi thơ thôi rã, thôi rời
xin đừng làm bão tố đôi mươi
để vòng tay khắc khoải ôm xuôi
từng niềm vui bay theo biển gió.
(Nhạc và lời: Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên-Từ Công Phụng)

Đúng đấy. “Đỉnh yên bình hiền hòa” ấy, đang ở với bạn và với tôi. Nơi có Nước Trời Hội thánh, rất thân thương. Nước của những tâm can an hòa, với mọi người. Những người như bạn và tôi ở chốn địa cầu này luôn nhận lĩnh lời hứa Chúa ban vinh phúc an bình mà Ngài bày tỏ. Bày và tỏ ngày Chúa Giáng hạ, rất làm người.

Trần Ngọc Mười Hai.
Vẫn muốn vui hưởng
Niềm an bình Ngài thương ban
cho kẻ nghèo ở đất miền phía dưới.

“Xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng”

Luận phiếm về giờ giấc người mình, hẳn ai cũng biết là ta đang bị chỉ trích, khích bác về chuyện đúng giờ. Đúng giờ đúng giấc cả khi dự các nghi tiết Phụng Vụ, cũng như tiệc tùng, rất lành và cũng rất thánh. Chuyện giờ giấc đúng giờ, hình như đã và đang là cố tật, thật khó chữa.
Về chuyện này, bần đạo còn nhớ câu vè đặc biệt nói về người mình như sau: “Không ăn cắp không phải người Mễ. Không đi trễ, không phải người Việt.” Cách đây không lâu, vấn đề này đã được một Linh Mục người Úc nói rất sõi tiếng Việt, cha Kevin thuộc Giáo Phận Parramatta, từng “báo động” với cộng đoàn người mình, ở một tiệc cưới.
Thật ra, phê bình đặc trưng đặc điểm của một số người Việt sống ở đất tạm người dưng gần xứ Mễ Tây Cơ ấy, cũng là chuyện không phải. Đâu phải, chỉ có người mình mới mang trong mình những cố tật như thế. Nói cho ngay, đây có lẽ là cố tật của rất nhiều người, Tây cũng như Tầu, người Mễ cũng như dân Mít ở biển Đông. Và, cả ở nhà Đạo mình nữa.
Nhằm chứng minh cho chuyện này, vừa qua cũng lại xuất trên báo những câu hỏi và các trả lời, có liên quan. Các cụ ngày xưa thường gọi đó là “nói có sách mách có chứng”. Nay, mời bạn và mời cả tôi, ta cũng lại nghe thêm mục “hỏi – đáp”, rất nhà Đạo. Ở bên dưới.
Câu hỏi hôm nay, vẫn đưa ra từ người con người dân rất Đạo, ở Úc. Và, câu giải đáp cũng lại là câu “thiêng liêng sáng láng” của đấng bậc vị vọng đã nghe quen ở Sydney, Lm. John Flader. Là, Đức Thầy phụ trách mục hỏi đáp trên Tuần Báo Công Giáo Sydney số ra ngày 17.2.2008. Hỏi và đáp hôm nay như sau:
“Tôi có người bạn cùng chung sở làm. Cô cứ kể cho mọi người nghe về nhiều chuyện xảy ra tại Giáo Xứ của cô. Một trong những chuyện mà tôi cho là không đẹp cho lắm, nhưng vẫn được cô kể lại, là: ý kiến của vị Linh Mục chánh xứ Nhà Thờ nọ, nói về chuyện đi lễ đúng giờ. Cô kể rằng: có lần đức ngài chánh xứ từng đe nẹt Giáo Dân rằng thì là: nếu anh chị em trong Xứ Đạo này đi dự lễ Chúa Nhật mà lại đến trễ, thì nên nhớ rằng họ sẽ không được tôi cho lên rước lễ đâu, đấy !… Chưa hết, một bạn đồng nghiệp khác nghe chuyện, bèn góp giọng, khoe rằng: có ông Linh Mục chánh xứ khác cũng nói: ngài sẽ không trao Mình Thánh Chúa cho bất cứ ai, nếu chỉ tới dự lễ sau giờ đọc Phúc Âm…

Và câu hỏi hôm nay tôi đưa ra là: Hội thánh của ta quan niệm thế nào về việc đi lễ trễ ?

Ký tên: một Giáo Dân hèn mọn ở xứ nhà.
Và, để trả lời câu hỏi trên, Lm. John Flader, đưa ý kiến:
“Trong câu hỏi ông đưa ra, tôi thấy có một số vấn đề nên bàn luận. Trước nhất, là sự trọn vẹn của Thánh Lễ, nhìn dưới khía cạnh động tác đơn thuần trong phụng tự. Thánh Lễ, thật sự bao gồm hai phần chính được gọi là Thánh Lễ, đó là: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Bẻ Bánh.

Phụng Vụ Lời Chúa, khởi sự bằng nghi tiết Dẫn Nhập, có dụng đích giúp người tham dự chuẩn bị nghe biết Lời Vàng của Chúa một cách có kết quả. Để rồi, khi qua phần Phụng Vụ Bẻ Bánh, ta sẵn sàng hiện diện để đi vào tình huống có hy sinh, có tế tự trên đồi Can-va-ri-ô đang diễn ra trên bàn thờ.Nhờ đó, ta nhận lĩnh “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm” qua việc Hiệp Thông rước Chúa.

Chính vì lý do này, ta hiểu được rằng Thánh Lễ tạo thành hình thức đơn thuần nơi việc phụng tự. Và từ đó, nhận ra tầm quan trọng của sự hiện diện trọn vẹn của Chúa nơi tiến trình buổi lễ.

Lý tưởng ra, ta nên đến nơi cử hành Thánh Lễ, trước giờ khai mạc, để có thể tập trung chuẩn bị cho Thánh Lễ, trong thinh lặng. Thánh Lễ thực sự là điểm nổi bật trong ngày, hoặc trong cả tuần lễ nếu ta chỉ dự Thánh Lễ vào ngày của Chúa (Chúa Nhật), thôi. Và, cũng là việc tự nhiên, nếu ta cố ý tới sớm hoặc đúng giờ để chuẩn bị cử hành cho đúng phép.

Nhưng hỏi rằng, chuyện gì xảy đến, nếu việc trễ tràng cũng giống như các thói tật không hay khác, dù việc ấy không do lỗi của mình. Ở đây, cần phân biệt hai trường hợp: Thánh Lễ Chúa Nhật và Thánh Lễ thường nhật.

Nếu là Thánh Lễ Chúa Nhật, khi ta buộc lòng phải đi lễ, cũng nên đi cho sớm để khỏi phải dự thêm một lễ nữa. Thành thử, nếu thật lòng muốn đi lễ, cũng nên đi cho đủ lễ. Giả như, Thánh Lễ ta tham dự là buổi lễ cuối cùng trong ngày mà mình có thể thu xếp đến dự, thì hãy nên đến vào lúc Thánh Lễ còn diễn tiến.

Với câu hỏi: để gọi được là đã dự lễ cách trọn vẹn, thì nên đến vào giai đoạn nào để tránh cặp mắt của anh em đồng đạo cứ coi là mình đến trễ; và dự lễ cách nào thì gọi là “đi chưa đủ lễ” ?

Lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng ta có thể có mặt từ lúc sửa soạn của lễ dâng lên bàn thờ – mà ta thường gọi là Dâng Lễ – cũng tạm coi là đủ để chu toàn luật buộc, khi dự lễ. Nhưng, nếu đặt tầm quan trọng vào Phụng Vụ Lời Chúa và vào sự trọn vẹn của Thánh Lễ, thì lý tưởng ra, hãy nên đến kịp vào lúc bắt đầu phần đọc Sách Thánh. Dù sao đi nữa, bởi vì Hội Thánh không có lời dạy chính thức về điểm này, nên ta có thể hưởng lợi ích trong chuyện này, tức là: nên đến vào trước lúc bắt đầu phần chuẩn bị dâng của Lễ.


Nếu Thánh Lễ được cử hành vào ngày thường, không buộc mọi người phải tham dự, hoặc có khó khăn trong việc đi thêm một lễ nữa, thì lúc ấy cứ việc ở lại mà dự lễ, dù ta có đến trễ.

Về chuyện không cho người dự lễ trễ được phép hiệp thông rước Mình Thánh Chúa, thì cho đến nay ta chưa tìm ra đươc lý thoả đáng nơi giáo huấn của Hội Thánh để bào chữa chuyện này. Tuy nhiên, trong Giáo Luật Hội Thánh có nói: “Giáo Dân có quyền được vị Mục Tử của mình chia sẻ sự phong phú linh đạo của Giáo Hội, đặc biệt là nơi Lời của Chúa và nơi phép Bí Tích” ( xem Giáo Luật số 213)

Về việc từ chối không cho bổn đạo đi lễ trễ được hiệp thông rước Chúa, thì Giáo Luật cũng ghi rõ và rất hạn chế, như sau: “Những ai bị công khai tuyên bố là đã mắc phải vạ tuyệt thông hoặc rõ ràng bị cấm đoán không được bước lên bàn thánh rước lễ, và người nào ngang bướng cứ khăng khăng cố chấp ra mặt, bất kể làm như thế có mắc tội trọng hay không, thì không được phép hiệp thông rước lễ.”(Giáo Luật 915). Còn, việc từ chối không cho bổn đạo được rước Chúa vào lòng vì bất cứ lý do nào khác, là một thứ lạm dụng quyền bính.

Nói cách khác, đến dự lễ trễ, trong nhiều trường hợp, không có nghĩa là mình “ngoan cố cứ khăng khăng ra mặt chẳng bối rối là mình làm thế có thể là mắc tội trọng”, hay nhẹ. Dù ở vào trong trường hợp nào đi nữa, thì dường như các Linh Mục ít có khả năng biết rõ lý do khiến cho Giáo Dân bổn đạo mình trễ nải khi tham dự Thánh Lễ là do họ thiếu cẩn trọng hoặc vì một lý do nào khác chính đáng, thì Linh Mục ấy phải hiểu là Giáo Dân của mình sở dĩ bữa ấy đi lễ trễ là vì họ có lý do chính đáng. Hiểu và thông cảm như thế, mới thích hợp với tư cách người Mục Tử.

Nói tóm, là Giáo Dân, ta cũng nên có cố gắng đi lễ cho kịp giờ, và cũng nên đi càng sớm càng tốt. Đi sớm, sẽ chuẩn bị lòng trí mà hiệp thông. Tuy thế, nếu có đến trễ, cũng cứ tự nhiên mà bước về phía trước để đón rước Chúa vào lòng; miễn là ta đã chuẩn bị đủ để làm việc ấy.

Cuối cùng, thì tham dự Thánh Lễ không là chuyện bắt buộc phải làm như thế mới được rước Mình Thánh Chúa. Bởi, trong nhiều trường hợp, Giáo Dân chúng ta vẫn có thể đón rước Chúa vào lòng mình, ngoài giờ cử hành Thánh Lễ. Như, trường hợp đau ốm bệnh tật, hoặc đang nằm bệnh viện, hoặc tình huống bất khả kháng khác, chân cẳng có vấn đề đi đứng… (John Flader, The Catholic Weekly, 17 Feb 2008, t.10)

Hẳn là độc giả trên chắc đã thở phào, nhẹ nhõm khi nghe câu trả lời lần này. Thở phào, khi “được lời như cởi tấm lòng”. Cởi và mở tấm lòng, là tình trạng sống Đạo của rất nhiều dân con nhà Chúa. Thở phào, vì tham dự lễ Chúa Nhật vẫn là chuyện “thường ngày ở huyện”. Vẫn xảy ra trong Nhà của Chúa, nơi có lễ. Có lễ và có lạy, khi rước Chúa ngự trong lòng của người anh người chị, ở khắp nơi. Chúa đi vào lòng người, là chuyện ta nên khuyến khích mọi người. Chứ đừng đưa ra những doạ và nạt, nghe đến sợ.
Được biết, dân con Nhà Chúa ở huyện ngoại thành, hay ngoài nước vẫn hay tránh né những o ép, rất ư là luật lệ. Những o ép rất khó chịu. Vậy thì, đưa ra làm gì nhiều vấn đề, cho thêm mệt?
Còn nhớ, Hội Thánh tiên khởi cũng đã có những trường hợp o ép, khúc mắc tương tự, khiến người dân đi Đạo ở huyện nội thành xứ Cô-rin-tô từng hỏi han. Và Phao-lô thánh nhân cũng đã kịp thời có lời khuyên rất thánh gửi đến bổn đạo nhà. Những lời khuyên bảo, mà ngày nay ta vẫn coi là Lời của Chúa được đọc vào buổi cử hành một số Thánh Lễ, trong Đạo.
Để tóm tắt, xin ghi lại như sau:
“Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau” (1 Cr 11, 33).

Hoặc:
“Nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội Thánh của Thiên Chúa.” (1Cr 11, 16)

Thật ra, chuyện ở đây không là “phải cãi lý”, hoặc “hãy đợi nhau khi (dự lễ Bẻ Bánh) dùng bữa”, mà là hãy sống với nhau, gặp nhau như những người anh người chị cùng nhà. Cùng gia đình, cùng cộng đoàn để rồi ta trông ngóng, đón chờ ngày Chúa quang lâm. Nếu thế, xá gì một chút nhịn nhau. Nhường và nhịn, chứ không phải là đe và nẹt, từ đấng bậc trên cao. Rất đáng sợ sệt.
Phải thế không bạn? Phải thế không tôi? Những tôi và tớ, trong nhà Đạo, Nhà của Chúa, vẫn mời chào người con.

Trần Ngọc Mười Hai, vẫn cứ hỏi những tôi cùng


tớ những câu vớ vẩn và vẩn vơ như thế

Thương khó – khó thương,


vẫn cứ thương mà không khó

(Ga 3: 23; 4: 7)


Đầu đề chuyện phiếm hôm nay xem ra có vẻ kỳ thú? Đây không phải là đề tài lớn về thần học; mà, chỉ là thắc mắc cỏn con (một câu hỏi thì đúng hơn) từ một cô bé người Việt, con nhà lành, rất kính sợ Thiên Chúa. Nhưng, cô cũng có những thắc mắc. Và, vì quen với lối giáo dục ở trời Tây. Cộng thêm một ít khôn ngoan của người nghe lời Chúa và dám có thắc mắc, dám hỏi han. Thắc mắc cô bé hiện có là do đã nghe bài Thương Khó của Đức Yêsu, theo thánh Marcô.


Thắc mắc, như thế này: sao ta gọi đó là “Thương Khó”, nghe dễ lầm với chữ khó thương, khó chịu? Phải chăng có điều gì khó hiểu trong các bài Phúc Âm vào Tuần Thánh?
Trả lời vấn nạn của cô, xem ra cũng hơi khó. Mặc dù, đó không phải là khó thương hay khó chịu. Mà, chỉ có ý bảo rằng: không dễ gì làm cô hài lòng, với những từ ngữ hoặc luận đề có tính cách cao siêu, khó hiểu. Nhưng, để chiều ý cô bé, hãy cứ thử phiếm rồi luận một chút, xem sao.
Nói chung, cụm từ “Sự Thương Khó” trong Phúc Âm các thánh sử ghi lại, là từ ngữ được dịch từ chứ Passion tiếng Anh hoặc tiếng Pháp mà có.The Passion of Jesus Christ hoặc: La Passion du Christ. Passion ở đây là quyết định có một không hai của Đức Yêsu khi Ngài đi đến giai đọan kiện toàn công trình cứu độ mà Chúa Cha trao cho, qua việc chấp nhận mọi khổ đau nơi thân xác. Đau khổ tận cùng bằng cái chết nhục nhã, trên thập tự.


tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương