Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang4/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

Hiển nhiên là như thế ! Nhưng, tại sao những người đã nghe và lãnh hội Tin Vui an bình ấy, lại chưa có được một phản ứng đúng đắn về điều Đức Chúa mặc khải. Phải chăng, vì bạn và tôi “có tai để nghe” vẫn chưa nghe cho hết, cho thủng chăng? Phải chăng, ta vẫn chưa biết cách lắng nghe, hoặc chỉ “nghe qua rồi bỏ” mà thôi?


Giả như, bạn và tôi biết lắng nghe, hoặc nghe theo phương cách tích cực, tức nghe mà không mang trong đầu một định kiến nào; hoặc, nghe mà không dự trù khích bác những điều mình vừa nghe, thì sự thể xảy ra sẽ khác hẳn. Nói cách khác, bạn và tôi tuy nghèo về khía cạnh nào đó, những vẫn giàu và vẫn có. Giàu và có về tinh thần. Giàu, là vì họ chưa tạo cho mình thái độ đích thực của người nghèo. Họ chưa có tinh thần nghèo khó theo đúng ý nghĩa của nó.
Người nghèo đích thực, là người không có gì để phải sợ mất. Họ chẳng có gì mà phải lo âu, hãi sợ. Lo và sợ vì biết mình sẽ thiếu hụt, hoặc mất mát. Họ là những người luôn hài lòng với thân phận bọt bèo của mình. Nói cách khác, người nghèo thật sự là người luôn vui vẻ, hài lòng và dễ chịu với đủ mọi thứ. Với tất cả mọi người.
Xem như thế, có thể nói ngược lại mà không sợ sai sợ quấy, là: ai không có thái độ vui tươi, dễ chịu, có phần chắc là họ không đích thực là người nghèo. Hoặc, xưa kia cũng nghèo đấy, nhưng nay thì chẳng gọi được là nghèo, nữa. Nhìn từ góc độ nào đó, có thể bảo: những người như thế, cũng giàu đấy, hoặc đã có tinh thần hoặc phong thái rất giàu, rồi.
Đến đây, hẳn sẽ có bạn nêu thắc mắc, bảo rằng: Phúc Âm tiếng gọi là Lời của Đức Chúa Hạnh Phúc, nhưng sao các chi tiết, các truyện kể trong Sách viết về Lời Ngài, đôi khi phảng phất một nỗi sầu buồn nào đó vậy ? Phải chăng đó là thứ buồn tình trong cuộc sống, sầu não trong nhận định? Tỉ như nhận định về sự Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, hoặc về chuyện Chúa nói trước về những điều xảy đến nhân ngày cánh chung…, về những xung khắc bất đồng giữa người mẹ và con gái/con dâu của mình ? Giữa con trai với cha ruột của mình ? Buồn về những chuyện vẫn cứ xảy đến từ thời nào tới giờ…?
Tưởng cũng không nên đi quá sâu vào lĩnh vực chú giải. Bởi lẽ, phải hiểu Kinh thánh trong bối cảnh ngôn ngữ của Mạc Khải mà Đức Giê-su mang đến, như tác giả Joel B. Green, từng nhận như sau:

“Rõ ràng là Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đáng được mệnh danh là Phúc Âm về sự vui mừng. Nói chung, các dẫn chứng về sự vui mừng đều tập trung vào diễn từ chung luận và lời nguyện cầu. Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ nền tảng và bản chất của sự mừng vui bằng một khẳng định: đó chính là quà tặng Ngài ban cho những ai tin vào Ngài.

Dù việc ra đi của Ngài có đem lại nỗi sầu buồn cho các môn đệ thế nào đi nữa, chuyện mang dáng dấp nghịch lý, đó là nền tảng cho sự mừng vui. Bởi, Ngài ra đi là để về lại với Cha. Và, dù xa rời đồ đệ đàn con, cuối cùng thì Ngài vẫn sẽ quang lâm đến lại. Vì thế nên, các môn đệ rất vui mừng khi gặp lại Ngài. Tuy nhiên, Chúa có đi thì Thánh Thần Ngài mới đến ngự giữa anh em.

Nhìn theo chiều hướng đúng đắn này, mọi sầu não nơi đồ đệ lại biến thành niềm vui chính đáng. Và, không ai có thể dập tắt niềm vui mừng ấy được. Và Ngài cũng chuẩn bị cho họ trở thành nhân chứng và giúp họ họat động trong thế gian. Dù hoàn cảnh có trở nên tốt xấu thế nào đi nữa, thì niềm vui Ngài mang đến, cũng sẽ được hoàn tất nơi họ”. (Joel Green, Jesus & the Gospel, Inter Varsity Press 1992, tr. 394­­ - 396)

Để minh họa thêm cho quả quyết trên, có lẽ tôi và bạn cũng nên nhắc lại lời khẳng định của Đức Gio-an Phao-lô II qua bài phát biểu hôm 1.4.2004. Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng trích thuật Thánh Vịnh, nói rằng:

“Kết hợp với Chúa là cội nguồn cho sự an lành, mừng vui và thanh tĩnh”.

(Tv 25)

Còn một điều đáng để ta ưu tư, là: mặc dù ta đã có những quả quyết của Lời Chúa đã từ lâu, nhưng sao thấy có quá nhiều người nhà Đạo vẫn không hoặc chưa bộc lộ được sự mừng vui Chúa mời gọi. Đức Chúa đã và vẫn đang khuyên mọi người hãy cứ vui đi. Hãy mừng và vui luôn mãi. Vì, Ngài chính là Niềm An Vui, đã tỏ bày:



“Mỗi khi làm việc này, các con hãy nhớ đến Thầy.”

(Lc: 22, 19)


Nhớ đến Ngài, thật sự không phải chỉ là nhớ đến những tình huống sầu buồn Ngài gánh chịu trong đêm khổ nạn, hôm ấy. Nhưng, vẫn phải nhớ rằng Ngài đã sống lại. Và, ngài sống lại trong hân hoan, mừng rỡ. Ngài đã ủy thác con cái Giáo Hội và xin Cha Ngài tha thứ hết mọi người. Vì họ không biết mừng vui đón nhận Tin An Lành. Và cuối cùng, Ngài sai phái đàn con yêu của mình tiến bước ra đi, trước khi ngày về với Cha, như sau:


“Này Ta sai các con đi đến
đất miền tận cùng trái đất
đem Tin Vui rao giảng
cho người nghèo khó.”
(Lc 24, 49)

Lời sai phái dặn dò là như thế. Và, câu khuyên răn từ Ngài, là như vậy. Tuy nhiên, có lẽ vẫn có nhiều người chưa được thuyết phục cho lắm. Những người vẫn coi đây là chuyện xưa tích cũ, cách nay hơn hai ngàn năm, có lẻ. Những chuyện không là vấn đề thời đại.


Nếu như thế, nhờ bạn chuyển đến các “Thánh Tô-ma” của thời đại truyền thông vi tính, rất hôm nay. Xin nhờ bạn chuyển tải một truyện kể rất ngắn, còn nóng bỏng, như sau:

Mới đây, CNN Hoa Kỳ vừa loan tin có một nhà tâm lý khoa học đã khám phá ra loại vi khuẩn mới, rất đáng sợ.Vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm tỏa lan đến được hàng triệu người, trên thế giới, do tính dễ tiêm nhiễm của nó. Cùng một lúc, các tổ chức Y Tế Toàn cầu, cũng vừa cảnh giác mọi người rằng vi khuẩn ấy đã nhanh chóng lan tràn đến từ người này sang người khác, trên thực tế. Và, họ gán cho vi khuẩn mới phát hiện này một cái tên nghe cũng dễ chịu: vi khuẩn Nụ Cười Mỉm.

Tổ chức Y tế Quốc tế nói trên, đã nhắc nhở mọi người hãy đề cao cảnh giác, kẻo vướng mắc phải vi khuẩn hiểm nghèo, lạ lùng ấy. Nhưng không xong. Đã trễ tầu. Chừng như, tất cả mọi người đều đã bị vi khuẩn trấn át, xâm nhập. Bởi, nó xuất phát từ bạn bè người thân, vào thời điểm bất chợt, không hề biết. Nhưng không sao. Sự việc đã ra như thế, chúng tôi vẫn cầu mong và căn dặn quý vị thêm điều này:

- Hãy cứ duy trì Nụ Cười Mỉm, dù nỗi sầu buồn có đầy ắp tâm tư của quý vị.

- Hãy đón nhận cầu vồng khởi sắc gây hưng phấn ấy, dùng nó làm thang leo lên đến nóc trời, nay ta gọi là Vương Quốc của Thiên Chúa.
- Hãy cứ để cho nụ cười ấy quên tắt trên môi, cho thoải mái.
- Và cứ thế để tiếp nhận đều đều niềm ủi an cho riêng mình mỗi khi tinh thần xuống thấp.
- Hãy giữ gìn các bạn nào vốn làm rực sáng đời mình.
- Hãy cố đạt cho được những thứ gì mắt mình luôn chiêm ngắm.
- Giữ vững niềm tin khi mối nghi nan xâm nhập lòng mình, không báo trước.
- Hãy cứ tỏ ra thật dũng cảm để hiểu rõ lòng mình.
- Cứ kiên nhẫn chấp nhận sự thực; và quan trọng nhất là...
- Cứ mang thật nhiều tình thương hầu gửi đến hết mọi người.

Nếu bấy nhiêu điều chưa đủ để bạn và tôi xác tín về sự cần thiết phải vui và cũng mừng khi đang có trước mắt cả một đời người đi Đạo. Và, đây chính là một trong những tin nhanh mình vừa nhận. Phim “The Passion of Jesus Christ” của đạo diễn nguời Úc là Mel Gibson, dù đã ghi lại toàn ảnh hình buồn về giây phút cuối của Đức-Chúa-Làm-Người, cũng đã hái gặt được nhiều kết quả mừng vui, chưa từng thấy.


Nhờ có xem phim đầy cảnh sầu buồn – bức xúc này, mà muôn vạn người thưởng lãm đã biết quay trở về với Chúa. Về với Tin Vui và Mừng, Ngài giảng rao.
Như thế, há không phải là dẫn chứng hùng hồn cho niềm vui đi Đạo sao?

Trần Ngọc Mười Hai,


và những cảm nghiệm
vui buồn lẫn lộn

Thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên

(Mt 1: 15, 4: 17)

Trong sống đạo hằng ngày, nhiều lúc cũng nên ra khỏi xóm giáo của mình một đôi lần, mà đến với xứ đạo khác xem các đấng bậc, người anh người chị của mình đang sống đạo và hành đạo ra sao.


Với ý nghĩ đơn thuần ấy, bần đạo đã làm một cuộc “đạo du” bỏ túi, mon men đến các kệ sách nhà thờ nọ vùng ngoại ô Sydney, mà tìm hiểu. Vừa đặt chân đến, cũng đã thấy nhiều chuyện “hỡi ôi!” vẫn cứ xảy ra ở vùng đất mệnh danh là văn minh Tây Phương “miệt dưới” này. Sự thể là, hôm ấy một đẹp trời, bần đạo nhặt được tờ “Bản tin Giáo xứ”, liếc qua một vòng với cái nhìn thám tử xem trên trang giấy trắng vàng khổ nhỏ có gì lạ. Bèn nghe văng vẳng đâu đây bài hát trẻ khi xưa:

Thiên đàng/hoả ngục hai bên,


Ai khôn thì dại, ai dại thì sang…
...Linh hồn phải giữ linh hồn,
Đến khi gần chết được lên Thiên đàng…

Tình thật, bần đạo chẳng dại mà lạm bàn về bài hát vu vơ của đàn trẻ làm chi cho thêm ...bận lòng tướng quân. Chỉ xin có một thoáng nhận định về điều mà các đấng bậc nhà xứ vẫn cứ ghi trên giấy trắng mực đen nhà thờ, với đoạn văn câu hát: “đến khi gần chết được lên thiên đàng”.


Ghi lại bài hát của đám trẻ ở nhà, là các cụ vẫn thuộc nằm lòng và vẫn dựa vào lập trường của người xưa. Lập trường, có những nhận định rất ư là thiếu khoa học. Chọc giận cả niềm tin yêu thần thánh, bên Đạo.
Mải tìm cho ra một khẳng định thông suốt về Nước (còn gọi là Thiên Đàng, hoặc Nước Trời ở trần gian), từ các vị là bậc thầy thông thái, bần đạo bắt gặp một đoạn văn được giáo sư Nguyễn Thế Thuấn viết hồi thập niên ’60, như sau:

”Chúng ta tưởng là biết Tin Mừng, biết Phúc âm lắm, vì chúng ta cũng nhớ ít nhiều mẩu truyện, ít lời của Chúa. Các bài Tin mừng đọc trong thánh lễ, nhưng chúng ta không nghĩ ngợi gì cả, dường như không có vấn đề hay thắc mắc. Và nói đến thắc mắc, chúng ta nghĩ là đã phạm đến đức tin rồi. Có thắc mắc thì chúng ta đã sẵn có những lời giải rồi.

Người tín hữu thường hay vịn vào các cha (phải thành thật thú nhận: hàng giáo sĩ nhiều khi ỷ lại vào một vốn học vấn quá nghèo nàn, và cũng không bao giờ đặt vấn đề lại. Giải thích nhiều khi chỉ là giải thích thiêng liêng vu vơ nào đó, hay trả lời cho những khó khăn đâu đâu ấy) mà các cha nhiều khi giải đáp là cốt để gỡ mặt, và cũng vội giật đi ngay vì sợ nguy hại đến lòng đơn thật của con chiên.

Chúng ta không còn dồn việc khảo sát vào điều cốt yếu. Những cái bắt chúng ta dừng lại nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ về văn chương hay lịch sử. Có khi mánh lới hơn, chúng ta tìm nơi Tin Mừng những gì để viện lý cho ước nguyện, lập trường, hay kiểu đạo đức của riêng ta.” (NTThuấn, Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi, tr. 96)

Quả là, tính đơn sơ thành thật của đám con chiên hiền lành ở huyện vẫn bị lung lay, dễ nguy hại. Mối nguy này, không do chính họ – (thật là tội nghiệp nếu ta lại quy lỗi cho các tín hữu ngây thơ ít biết đến nghiệp và tội), mà do các đấng bậc vị vọng trong Giáo hội quanh năm suốt tháng cứ rót nhỏ vào tai các thần dân: những là, thiên đàng và hoả ngục hai, ba, bốn bên…
Rõ ràng, sứ vụ rao giảng của Giê-su Đức Chúa là “Nước Trời”. Chứ đâu có là hoả hay địa ngục nào đâu. Ngục thất trần gian nào mà có lửa để luyện trui những tội và tội. Đức Chúa của ta đâu có mặc khải những chuyện tiêu cực, khiến ta cứ hết lo lắng rồi lại bối rối. Ngài có bao giờ nói đến Thiên Đàng theo nghĩa không gian, nơi chốn. Cũng tội. Ngài vẫn chỉ rao giảng về “Nước” mà thôi . “Nước” của Ngài chẳng bao giờ định vị ở đàng Thiên hoặc đàng Trời theo nghĩa không gian ba bốn chiều, đâu.
Kìa, ngay từ đầu, ở Tin Mừng Matthêu 1:15, 4:17, Ngài đã chẳng bảo: “Thời buổi đã mãn và Nước thì đã gần bên. Hãy lo hối cải và tin vào Tin Mừng” là gì.
Tin Mừng là tin rất hồ hởi để ta mừng vui về “Nước” mà Ngài từng bôn ba rao truyền. Từ sứ vụ Galilê (Mt 4:23, Lc 4:43), cho đến việc chọn lựa đồ đệ để rồi sai đi tiếp bước chân mềm tông đồ Hội thánh (Mt 10:7, Lc 10: 9-11, Mc 6:12). Rồi, đến phút giây cực hình mình chịu nhận, Ngài vẫn kiên trì loan báo về Nước (Mt 24:14). Cả khi sống lại thật, Ngài đã hiện ra với các đồ đệ thân thương và cũng lại nói về Nước (Cv 1, 3)

*
Tóm lại, suốt đời giáp mặt với loài người, Đức Giê-su chỉ nói và loan truyền duy nhất có một điều: là Vương Quốc của Ngài, mà thôi.


Sở dĩ các “đấng bậc” cứ đem cảm tính người đời vào lời rao giảng về Nước, là vì các cụ vẫn còn lẫn lộn về đặc thù không gian và thời gian. “Nước” của Chúa đây, không có các tưởng tượng về nơi chốn cũng như thời điểm, để diễn ra.
Là đấng bậc vị vọng, mà hiểu theo nghĩa môn đệ theo bước chân mòn hành giáo của Đức Kitô, lẽ đáng ra các cụ phải tiếp nối công cuộc rao giảng về “Nước”, mới đúng. Ngược lại, các cụ chỉ thích nói về lửa (hoả ngục) và đất (địa ngục) thôi. Nói về lửa và đất thì dễ và sướng hơn. Vì mọi người nghe, sẽ hiểu và sợ. Có người vẫn rất ư là sợ, khi nghĩ rằng: hễ đã phạm tội dù tội nhẹ cũng sẽ bị trừng phạt. Bị tống vào lòng đất, ở nơi đó sẽ chịu cảnh lửa đốt, rất nóng bỏng. Và, lâu ngày chày tháng, chiên con dễ bảo của các đấng bậc rồi ra cũng suốt đời sống trong lo âu, sợ sệt. Sợ tội. Sợ hoả ngục. Và, sợ luôn “cha” nữa.
Mới đây, dù đã hơn 40 năm sau Công đồng Vatican II, vẫn có người (một thành viên ca đoàn nọ) chạy đến hỏi han bạn bè chỗ thân quen, rằng: mình vừa bị cảm cúm, nên không biết bỏ đi lễ Chúa nhật hai tuần liền, như thế có mắc tội không? Có phải đi xưng tội lỗi gì không? Nếu mình không xưng tội như các cha vẫn khuyên, thì một mai khi qua đời rồi, chắc phải xuống hoả ngục thì chết….
Ở đây, có lẽ cũng chẳng nên bàn bạc dài giòng thêm về lý do gây nên sợ sệt, rất vẩn vơ. Bởi, có thể nguyên do không phải vì các đấng bậc nhà mình. Nhưng, rõ ràng là các cụ nhà ta vẫn không tạo được thói quen thường xuyên, là: chỉ rao giảng những điều tích cực về Nước Chúa. Nước Trời mà Chúa hằng bảo ban.
Điều tích cực cần rao và giảng nhất, chính là: Nước Chúa đã gần kề. Và, “Nước” của Ngài không mang tính không gian, như lơ lửng ở 9 tầng mây trắng cứ tung tăng, vần vũ; hoặc, ở vườn Ê-đen thưở nào. Và, động từ “đến” ở thì tương lai “sẽ” vẫn không mang ý nghĩa thời gian, nào hết. Có quan niệm “Nước” của Đức Chúa cho đúng thần học của Đạo, ta mới cảm nhận được ý nghĩa của trạng huống an bình. Nơi đó, chỉ có tình yêu và hạnh phúc, thôi.
Vẫn hơn một lần Đức Chúa từng quả quyết: nơi nào có tình yêu thương và hạnh phúc, tức ở đó chắc chắn có Ngài hiện diện. Bởi thế nên, khi rao giảng cho người ở trong cũng như ở ngoài Do Thái, Đức Kitô vẫn hàm ngụ một trạng thái rất hài hoà, với mọi người. Một trạng huống vốn chìm vào quên lãng, đã từ lâu. Chìm đến độ, dân con nhà Đạo thời tiên khởi gọi là “địa đàng thời ban sơ”.
Với cảm nhận như thế, người đi Đạo và hành Đạo hẳn đều đã hiểu, rằng “Nước” của Thiên Chúa đã và đang xảy đến với các vị lành thánh, rất công chính. Những vị này, chỉ biết có thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Biết dắt dìu nhau thực hiện lời dạy chính yếu của Ngài.
Cũng trong chương sách bàn về Lời rao giảng của Đức Kitô, cố giáo sư Nguyễn Thế Thuấn đã hơn một lần khẳng định:

“Điều Chúa Yêsu chủ trương thì rõ: Việc làm và lời giảng của Chúa Yêsu phải được coi như chứng chỉ của Nước Thiên Chúa khai mạc và nhìn nhận sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đó không phải nơi dấu lạ trên trời dưới đất, nhưng là chính ở nơi con người của Chúa Yêsu và trong công việc của Ngài. Đừng tìm viễn vông đâu khác.

Lời rao giảng về Nước Trời sẽ đến có cái đặc sắc này là: sự người ta ngóng đợi nơi tương lai tận thế, thì hiện bây giờ Chúa Yêsu đã thực hiện. Như thế nghĩa là, phải bỏ ngoài những thắc mắc về cách thức và khi nào Nước Thiên Chúa đến, mà dồn cả chú ý vào sứ giả hiện tại của Thiên Chúa” (NTThuấn, sđd tr. 120)

Quả thật, đây là lời nhắn nhủ chí lý cách đây những 40 năm. Hơn thế nữa, đến cả trăm năm. Hai ngàn năm, không phai nhạt. Nhưng, người nghe và kẻ phẩm bình Lời Chúa vẫn không nhận ra điều tích cực ấy. Không nhận ra và không san sẻ những tích cực, liên quan đến “Nước” của Thiên Chúa, không phải vì mọi người có ý đồ tăm tối hoặc chậm hiểu. Đúng hơn, là vì quên lãng hoặc bị cuốn hút vào với thực tế của đời thường.


Cuốn hút là chuyện đương nhiên dễ xảy đến. Chí ít, là vào thời buổi có quá nhiều thứ hấp dẫn. Quá nhiều chuyện để làm. Hơn là ngồi suy niệm về “Nước” hoặc về Chúa. Về Mẹ.
Để biện minh cho điều vừa nói, dưới đây là một truyện kể nhặt được từ điện thư do bầu bạn gửi đến từ xứ người. Truyện đây, tuy không đề cập đến “Nước” của Thiên Chúa; hay đến thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên, gì hết. Nhưng, hy vọng cũng nói lên được phần nào cái gọi là “không thể” và “có thể”, như tiêu cực và tích cực. Chuyện kể về một người tên Tom:

“Tuổi về chiều không có nhiều việc để làm. Tom bèn nghĩ ra một cách làm tính cho khuây khỏa vơi đi những ngày sầu đắng còn lại. Thử làm một màn tính toán gồm bốn phép cộng trừ nhân chia, ông bạn già chợt nhớ là đời người chỉ vỏn vẹn khoảng 75 niên là cùng. Dĩ nhiên có người sống dai hơn. Và, cũng có người chết yểu. Nhưng, hãy tạm dừng ở đây và lấy con số 75 là trung bình quân tuổi thọ đời người. Nay, hãy thử kiểm lại xem có đúng thế không nếu ta nhân 75 niên cho 52 tuần, ta sẽ có con số 3900 ngày Thứ Bẩy mà thường tình mỗi người sống trên đời này đều phải có trong suốt cuộc đời mình.

Điều đáng buồn là ít có người cùng có một ý nghĩ như Tom. Phải chờ đến lúc đã 55 tuổi,đầu bạc răng long hoặc gần đến ngày hưu già hư non mới chợt khám phá ra rằng mình đã bỏ phí biết bao nhiêu ngày giờ mà không biết. Chí ít, là các ngày Thứ Bẩy. Những 2860 cái Thứ Bẩy tuyệt vời mà ta không biết tận hưởng. Ai nấy vẫn cứ miệt mài lao động và lao động. Lạo động để kiếm sống. Lao động để có gạo ăn. Hoặc, lao động là vinh quang hay chết tiệt. Để rồi cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Với Tom, phải mất 55 niên anh mới hiểu được chuyện đơn giản như thế. Đến nay, thì đã muộn. Nhưng muộn cũng không sao. Muộn còn hơn không. Nghĩ thế, Tom bèn làm con tính rất nhanh rằng thì là: nếu anh có thể sống đến năm 75 tuổi, anh sẽ còn khoảng 1000 ngày Thứ Bẩy an hưởng tuổi ... cao niên.

Nghĩ xong, anh bèn có quyết định, chạy vội ra hàng quán bán đồ chơi con nít và mua về đủ số bi mà bọn nhỏ vẫn chơi, mang về để một chỗ. Anh đi hết 5, 7 tiệm mới mua đủ số 1000 viên bi. Anh rửa sạch và đựng vào bao cất một chỗ nơi bàn đọc sách. Từ bữa đó, mỗi ngày Tom lấy ra một viên bi, vứt bỏ sau vườn hoặc ném vào khoảng không cho khuất mắt.

Ngày qua ngày, Tom ngắm bọc đựng bi thấy nó cứ cạn dần. Anh lại nghĩ phải tập trung làm việc gì quan trọng cho đời mình. Trên đời này, chẳng có gì buồn chán hơn là canh chừng thời gian còn lại và thấy nó cứ thế cạn dần. Phải đặt ưu tiên làm một công việc nào mới được, Tom tự nhủ. Và, chuyện gì phải đến đã đến. Vào ngày Tom thấy viên bi cuối cùng còn sót trong bọc, anh đưa người bạn đời đi phố ăn sáng và thư giãn đôi chút ở công viên. Nơi đây có sông có nước, có hoa lá cành đủ cả. Tom trộm nghĩ, nếu anh tiếp tục được làm cái việc bỏ bớt hòn bi cuối cùng vào quãng vắng không gian vào ngày Thứ Bẩy tới, thì có lẽ Trời sẽ cho phép anh có thêm thời gian nữa để có cử chỉ đẹp với người bạn đời anh mà quên lãng những 75 năm, thì hẳn đời sẽ đẹp lắm...

*

Chuyện kể chỉ có thế. Nhưng người kể là Tom vẫn muốn nhắn nhủ với người đọc rằng: bạn đừng lo những chuyện “đến khi gần chết có được lên thiên đàng không” hoặc có xuống hỏa ngục chăng. Bao lâu mình còn sống, hãy nghĩ đến những người gần gũi nhất –có thể là vợ hay chồng mình. Có thể, là bạn bè người thân nào đó - hãy làm điều gì tốt đẹp cho họ và cho mọi người. Để, tất cả sẽ đều thấy vui. Sẽ đều hạnh phúc.


Đó mới là thiên đàng. Đó chính là Nước Trời. Nước của Thiên Chúa. Vương quốc chỉ gồm toàn chuyện vui. Những hạnh phúc. Nước của Ngài đang ở nơi đây. Nơi trần gian này. Chứ có đâu xa. Chẳng cần gì vườn địa đàng. Cũng chẳng sợ hỏa ngục hay lửa luyện hình. Chí ít, là chốn địa ngục hỏa lò, ở bên kia.
Và,Thiên đàng/hỏa ngục không phải là hai bên. Thiên đàng và Nước Trời vẫn là một. Một bên. Ở bên ấy, luôn có Đức Chúa sống cùng ta. Ở nơi ấy, ta có toàn chuyện vui. Rất hạnh phúc.

Trần Ngọc Mười Hai


với những bất bình về một suy niệm
về chuyện không đâu.

Tha rồi hãy quên


(2Ti 2: 8-10)

Nếu có ai quả quyết rằng: đời người là một chuỗi ngày dài đằng đẵng; ở đó, người người ngồi kể chuyện đời lê thê, thì bần đạo xin giơ cả hai tay lên, đồng ý.


Quả là như thế. Một năm có 12 tháng. Và, nếu tính ngày, có đến 365 ngày để sống và hít thở. Nhưng hầu như đa phần, số ngày giờ ấy người người dùng để dông dài kể lể hoặc nghe người khác kể về đủ mọi thứ chuyện. Từ chính trị, thời sự cho đến tình duyên, gia đạo. Hết chuyện làm ăn sinh sống, lại tiếp nối chuyện liên quan đến chiến tranh/hòa bình. Rồi, chuyện luật pháp, xã hội, tôn giáo, nhất nhất đều có cả. Chuyện vui có, buồn cũng không thiếu. Cả những chuyện tầm phào, viển vông, không đâu vào đâu, cũng được dông dài hầu kể như không bao giờ có dấu chấm hết.
Thậm chí, cả chuyện gây nhức đầu, sầu thảm. Chuyện dân gian, trên trời dưới biển. Chuyện thiên hạ bát nháo. Chuyện người, chuyện mình chuyện linh tinh giấy mực bỏ ra không hết. Hết kể bằng sách/báo, phim/ảnh lại kể trên truyền hình, trong vi tính. Thôi thì, thứ nào cũng được phát minh, chế biến đủ kiểu, đủ loại. Đủ mầu sắc, chỉ để diễn bày những chuyện là chuyện.
Tuy nhiên, có một chuyện không kém phần quan trọng, là: để phổ biến những điều cần kể hoặc muốn kể, người người vẫn cần đến bộ óc. Một trung khu thần kinh nào đó có khả năng tích lũy các chất liệu, để kể. Và, tụ điểm chính nơi trung khu thần kinh, là bộ nhớ. Lâu nay vẫn được gọi là trí nhớ. Và, chức năng của bộ nhớ này là để tích tụ các dữ liệu cần bảo trì. Cần phát tiết ra ngoài, mỗi khi chủ thể cần đến.
Nhưng, hễ ai không có được bộ nhớ nói ở trên, sẽ bị người đời gán cho một hình-dung-từ nhang-nhác, như: đần độn, chậm lụt. Thậm chí, còn bị coi là mắc chứng Alzheimer (tạm gọi là “lẫn”). Và thông thường, người đời chỉ kính cẩn các vị nào có trí nhớ dai hoặc sắc sảo, ở mức độ xuất chúng, siêu phàm. Ngược lại, ai hay quên, hoặc quẩn trí sẽ bị coi là kém, không đáng liệt kê.
Xem như thế, trí nhớ là thước đo. Là mẫu mực dùng để phân biệt chủ thể có hồn với vật thể vô tri. Tuy nhiên, một triết gia khi trước đã dõng dạc tuyên bố: “Trí nhớ là quan năng của sự quên lãng” (Blaise Pascal). Và, trong nhiều trường hợp, vị ấy cũng thường khuyên nhủ người đời, là: hãy quên đi những điều con người thường hay muốn nhớ (?). Nhất thứ, khi đương sự đang ở vào tình trạng rõ ràng có sự xấu xẩy đến với mình. Cả vào lúc, sự xấu ấy do kẻ thù mình mang đến, các triết nhân hiền từ vẫn cứ khẳng định, rằng: làm đồ đệ/ dân con Đức Chúa, con người không những phải biết tha thứ kẻ thù mình mà thôi, mà còn phải quên đi điều gì xấu do kẻ thù mình mang đến, nữa.
Trong tiếng Anh có hai cụm từ rất gần gũi nhau, vì cùng chung tiếp-đầu-ngữ “for” ở truớc, là: “forgive” và “forget”. Các cụm từ này nói lên một cách triệt để yêu cầu căn bản nhất, trong cuộc đời.
Tiêu đề chuyện phiếm “Tha rồi hãy quên” tuy không mang lập trường chính trị hoặc thần học gì, nhưng vẫn là thúc bách không nhỏ. Thúc bách đến độ khiến người suy tư chuyện Đạo-đời, không thể “chỉ nghe qua rồi bỏ”. Nghe qua, như người bàng quang với chuyện tranh đấu, chính trị… lâu nay. Để rồi bỏ, chỉ quan tâm những gì liên quan đến cuộc sống thực tế ở đời , thôi.
Tha rồi hãy quên, có thể là thái độ nghịch lý/nghịch thường nghe-chưa-quen đối với những ai chỉ thích yên nghỉ, nằm nhà. Tha rồi hãy quên, có thể gây khó cho những ai quyết tâm tranh đấu chống gò bó, bất công cả trong xã hội, lẫn giáo hội. Nghịch thường và gò bó, bởi vì đôi lúc mình thấy ái ngại, chột dạ. Ái ngại, vì mình ở vào tình huống không thể biểu đồng tình, hoặc dễ tham gia, dự phần. Và chột dạ, vì thấy người khác vẫn can đảm và dấn thân hơn mình, nhiều.
Do có trí “không quên” và cũng chẳng dễ “tha rồi quên đi” những chuyện vốn cắm sâu vào da thịt mình, bần đạo cũng xin được phép chớp nhoáng trở về với kinh nghiệm bản thân về những “tha” và “quên đi”, như thế này:
Tôi hôm ấy, một tối mùa thu năm 1976, bần đạo đang êm ả tiếp chuyện vợ chồng người bạn đồng nghiệp và đồng ngụ cư trong chung cư dành cho nhân viên nọ; thì, một nhóm công an đặc biệt gồm khoảng hơn chục người, súng ống nai nịt đến tận răng, ập vào đọc lệnh “tạm giữ để điều tra” do vị trưởng phòng chính trị thuộc sở công an thành phố, gửi đến cho riêng mình. Chả là, lúc ấy ở Sàigòn đang có cái-gọi-là chiến dịch cải-tạo-công-thương-nghiệp-tư-bản-tư-doanh.
Bần đạo chẳng tư doanh, tư bản. Cũng chẳng doanh thương công tư gì. Lúc ấy, chỉ vì đã và đang làm cho một công ty ngoại quốc, với chức vụ rất hèn hạ; nhưng, vẫn được mời về “nằm ấp” để được điều tra xem ‘làm cho công ty tư nhân nước ngoài chắc cũng thuộc loại gián điệp sừng sỏ, gì đó chăng. Trớ trêu một điều, là: tuy được giữ tạm để điều tra, ở một nơi không xa, không ngoài cựu ‘thành đô yêu dấu’. Thế mà, mãi hơn hai tháng sau gia đình nghe ngóng hỏi han ‘suốt’ mới tìm ra được chỗ “ở tạm” của bần đạo để thăm và nuôi tạm bợ,cho qua ngày. Bốn tháng sau, bần đạo cũng ra khỏi nơi “giam và giữ” tạm thời, tạm bợ ấy.


tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương