Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang6/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16
Cứ sự thường, nói đến Passion người ta liên tưởng ngay đến nỗi đam mê của nhà nghệ sĩ hay phàm nhân nào yêu thích việc gì đến cùng tột. Chẳng hạn, khi bảo anh này đam mê hội hoạ, anh kia mê nhẩy nhót quá sức; cô kia mê hát quá độ, chàng nọ mê đánh bài đến nỗi không ai khuyên bảo được…Thậm chí, khi người con trai thương yêu người con gái nào ngoài sức tưởng tượng, thì người đời sẽ bảo: anh chàng này mê gái. Ngược lại, khi người con gái chết mê chết mệt vì anh con trai nào đó, thì người đời lại bảo: cô ta si tình, hoặc mê trai, như điếu đổ. Tóm lại, khi đam mê, người ta thường để hết tâm trí, thời giờ cũng như sức lực cho những chuyện họ đang say mê, thích thú.
Từ danh tự Passion ta có thêm các hình dung tự Passioné hoặc Passionate chỉ tính chất mê say, mê mệt. Và từ đó, lại có từ khác như Compassion, Compassionate chỉ đặc tính hay thương xót, thương yêu vô ngần của ai đó. Vì thế, Passion ở đây không mang ý nghĩa “khó thương” hay “khó chịu” gì hết. Nhưng, nếu hỏi rằng cụm từ Passion trong The Passion of Jesus Christ thì sao? Có là đam mê hay mê mệt gì không?
Câu trả lời có lẽ nên dành cho các nhà học giả hay chú giải Thánh Kinh. Ở đây, chỉ xin mạo muội kính mời người đọc giở Phúc Âm thánh Luca đoạn 22 câu 14, hẳn quý vị sẽ tìm thấy ý chính như sau:

“Khi giờ đã đến, thì Ngài lên giường tiệc làm một với các tông đồ và Ngài nói cùng họ: ‘Ta ao ước khát khao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi Ta chịu khổ nạn. Vì Ta bảo với các con: Ta không còn ăn lễ ấy bao giờ nữa cho đến khi nào nên trọn trong nước Thiên Chúa.” (Lc 22: 14)

Vậy là: các từ ngữ, như: Passion, Pass Over, Lễ Vượt Qua, cuộc Khổ nạn, Bài Thương Khó, vv… ắt có tương quan chặt chẽ với nhau. Tương quan ấy, khả dĩ lột tả được tâm tình mà Đức Kitô đã có, khi Ngài thực hiện ý định chung cuộc của Ngài. Nói chung, nếu gọi cuộc “Khổ nạn” của Đức Kitô là “Sự Thương Khó” hay “Nỗi Thống Khổ” thì tất cả đều quy về điểm này: Đức Kitô đã chấp nhận sự Thống khổ dẫn đến cái chết nhục nhã trên thập tự. Cái chết, mà có một lúc nào đó, Ngài gọi là “chén đắng”, rất khó nuốt:

“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này qua đi khỏi Con! Song, không phải như ý Con, mà như ý Cha.”


(Mt 26: 39)

Vậy thì, khổ đau hay sự chết đều có nghĩa “thương khó”, tức đều có khó khăn khi phải quyết định nhận lấy nó. Chính vì thế, Thương Khó khi dẫn đến cái chết nhục nhã, đôi lúc cũng khó thương hoặc khó chịu, nếu không phải là thương khó vì yêu thương đến cuồng nhiệt, mà người đời cho là dại khờ, hoặc: khó mà thương. Thứ tình yêu, mà có bạn đã quả quyết là “không thể đo lường, không thể giải thích được vì tình đó là tình điên dại.” Vậy nên, tình của một người yêu đến mê đến mệt, và dại khờ, yêu với tất cả đam mê, cuồng dại, không thể đo lường được, thì chính đó là Passionné, Passionate, Compassion, Passion, Pass Over,… là như thế.


Trong buổi mạn đàm bỏ túi giữa bạn đồng đạo và đồng thuyền, có người đã bất thần bày tỏ: Đạo của Đức Kitô loan truyền chính là Đạo của niềm vui Tin Mừng, thứ Đạo làm cho người người thêm hưng phấn, chứ tuyệt nhiên không phải và không thể là Đạo của răn đe, trói buộc; hay còn gọi là: Đạo của những chuyện khó thương và khó chịu.
Vậy, dám phiếm với các bạn rằng: khi chiêm niệm về Sự Thương Khó/Thống Khổ của Đức Kitô, có gì làm bằng cho quả quyết nói trên không? Nói cách khác, sao dám gọi Đạo Chúa là Đạo của Tin Mừng, của niềm hưng phấn, khi mà suốt cả năm phụng vụ, Hội thánh buộc con dân mình phải ăn chay, hãm mình chịu khó những hai lần. Đây cũng là một thứ “chịu khó” đến “khó chịu” cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế thì vui chỗ nào? Mừng ở đâu ra?
Thắc mắc trên đây, bần đạo đã hơn một lần chuyển đến các bậc trưởng thượng trong cộng đồng dân Chúa sở tại, thì nhận được câu trả lời rất ư là “đặc biệt”. Có vị, thay vì giúp bần đạo tìm ra chân lý, lại quắc mắc trách thầm sao bần đạo hay có những thắc mắc lỉnh kỉnh, đến như thế. Cũng may, còn có vị khác tử tế hơn, nghe hỏi đến đó, bèn thảy cho ít sách dầy cộm với lời chỉ bảo nhẹ nhàng: Này, cầm lấy mà đọc đi, thế nào cũng tìm ra được ánh sáng ở cuối đường hầm, thôi.

Và rồi, hí hửng ôm chồng sách về đọc, thằng bé vừa đi vừa nghêu ngao câu hát nhại lại bài ca bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy, rằng:

Xin cảm ơn, Hội thánh có anh. Xin cảm ơn, một mái tóc già… Mai sau đó, trên trời Thiên Quốc… còn một chút gì để nhớ để thương.

Chưa hát xong, chân lý đã dần dần ló dạng, ở phía cuối đường hầm. Trước hết là một khẳng định, từ một vị thầy về Kinh thánh:

“Thánh Phaolô trình bầy vấn đề (ơn cứu độ) một cách rành rẽ khi Ngài lấy thí dụ một đứa trẻ sơ sinh ra để hưởng một cơ nghiệp lớn lao (Ga 3:23; 4-7). Cơ nghiệp là của nó không thể truất phế được do bởi chúc thư của cha nó… Cũng vậy, dân của Thiên Chúa là người thừa tự một cơ nghiệp thiêng liêng, cơ nghiệp ấy tạm có thể diễn tả bằng các đặc tính “Công chính, Bình an và Hoan lạc”
(Lm Nguyễn Thế Thuấn, Kinh thánh, Tiểu dẫn vào tân Ước, tr. X)
Và, thêm vào đó là một lời nhắc nhở:

“Tân Ước là sử hạnh của một nhân vật: và nhân vật đó là Chúa Yêsu. Ngài hành động và chịu thống khổ như Mêsia, như Con Người, nghĩa là như vị đại diện cho dân của Thiên Chúa”. (Nguyễn Thế Thuấn, sđd tr. XI)

Thêm nữa, một chỉ dẫn ban đầu:

“Muốn đọc Tân Ước cho có hiệu quả, thì độc giả cũng phải ghi kỹ nơi trí mình cái mẫu đó… Khuôn mẫu được thể hóa trong điều mà Hội thánh tiên khởi gọi là “Rao giảng” (tiếng Hy Lạp nguyên văn gọi là kèrygma). Lời rao truyền ấy, ta có thể nói là có tính cách một tin “nóng hổi” làm chấn động lên… Các ngài gọi đó là “Tin Mừng” hay “Tin Lành” (sđd, tr XII)

Xem như thế, bản chất của Đạo lý Đức Kitô chủ yếu là Rao giảng Tin Lành. Mà nội dung của Tin Lành tập trung vào ơn cứu độ là chính. Để cứu độ con người, Đức Kitô đã phải chấp nhận sự thương khó đến cùng cực, bằng cái chết nhục nhã. Tuy nhiên, tất cả không dừng lại ở đây. Sự Thương khó/Thống khổ chỉ là con đường ngắn ngủi Ngài dùng để chuẩn bị cho Phục sinh cao cả.
Phục sinh mới là cứu cánh của hành vi cứu độ. Không có Phục sinh, như thánh Phaolô quả quyết, thì lòng tin của anh em nên hư luống.
Thành thử, Thương Khó là đoạn đường khó thương và khó chịu nhất thời cốt dẫn đến Tin lành chung cuộc là: Phục Sinh, Quang Lâm. Chính vì thế, mà chủ trương thống khổ của Mùa Vọng hay Mùa Chay nhằm giúp tín hữu Đức Kitô lãnh nhận ơn phước Phục Sinh mà Đức Chúa đã dành để cho con người, trong cuộc sống ngắn ngủi này.
Cuối cùng, câu trả lời hay nhất cho thắc mắc nêu trên, có lẽ là: hãy cứ xem phản ứng của các người phụ nữ đã được thần sứ loan báo tin vui khi Đức Chúa sống lại. Thánh sử Mat-thêu đã ghi lại như sau:

“Vội vàng bước ra khỏi mộ, (các phụ nữ) vừa sợ vừa rất đỗi vui mừng, họ chạy đi báo tin cho môn đồ của Ngài.”


(Mt 28: 8)

*

Như thế, thì Thương Khó ở đây là trạng thái ra khỏi mồ với tâm tình lo lắng, sợ sệt và buồn chết đi được. Buồn và sợ, nhưng vẫn “rất đỗi vui mừng” để còn báo cho người khác biết “Tin Lành Cứu Độ” của Ngài, nữa. Nếu thật sự, cùng sống và chia sẻ tâm tình của Đức Kitô khi phải uống chén đắng kia, thì những ai thắc mắc về sự “Thương Khó”, sẽ không còn coi đây là chuyện khó thương nữa. Bởi, cả hai tư thế Vọng Giáng Sinh lẫn Chay lòng đích thực vào mùa Thương Khó, chỉ có ý nghĩa rất đúng nếu ta lồng nó vào với tinh thần Phục Sinh đầy hưng phấn.



Và, khi ấy ta sẽ có được sự “Công chính, Bình an và Hoan lạc”.

Trần Ngọc Mười Hai


vẫn trộm nghĩ như thế,
hôm nay phiếm vội cùng bạn
trong ngày chay lòng hoan lạc.

“Bàn tay đưa anh khỏi lòng người”


“Đức Giê-su đã nói về cái chết của anh La-da-rô,
còn họ tưởng là Ngài nói về giấc ngủ bình thường”

Giấc ngủ bình thường hay nỗi chết, vẫn là tình trạng linh hồn rời nơi thân xác. Trong chốc lát, hoặc chỉ một vài tiếng đồng hồ, thì ta gọi đó là giấc mơ vui hay cơn hồ điệp. Nhưng, nếu tình trạng ấy lại kéo dài vĩnh viễn miên trường, thì người người sẽ gọi đó là nỗi chết. Chết hay ngủ, có khác nhau nhiều lắm không?


Vấn nạn nhè nhẹ hôm nay, xin gửi đến bạn bè, người thân. Gửi các vị đang đọc giòng chảy vội phiếm, hôm nay. Gửi cả cho những người anh người chị thích phiếm và thích tản mạn, vốn không ưa chuyện nghiêm túc, những khuyên và dạy.
Vậy thì, bạn và tôi hôm nay ta cứ phiếm. Cứ tản mạn cho vui. Tản mạn, chứ không khuyên và không dạy, bất cứ ai. Bởi, với tuổi đời chỉ bây nhiêu, bạn và tôi dạy ai được? Dạy được gì? Dạy những gì?
Viết đến đây, bần đệ nhận được một tin không vui từ bạn bè người rất thân, ở Hoa Kỳ. Tin không được vui, là tin về chuyến ra đi về chốn vĩnh hằng của anh Hoàng Kim Quý, cựu học viên Giáo Hoàng Chủng Viện, anh rể họ của một người anh trong Gia Đình An Phong ở Pleiku, Lm Trần Sĩ Tín DCCT. Trong tờ tin loan báo về sự ra đi của anh Hoàng Kim Quý, bần đệ được đọc những giòng như sau:
Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ An Phong Hoàng Kim Quý, nguyên chủ bút sáng lập Nguyệt San DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN, đã rời bỏ thân nhân, bằng hữu về miền miên viễn, ngày 28.1.2008 tại Fountain Valley Hospital, Nam California Hoa Kỳ, sau nhiều năm trời phấn đấu với chứng bệnh ung thư máu. Hưởng thọ 68 tuổi. Ông là cựu Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, tốt nghiệp Cử nhân Triết và Xã Hội học Đại học Văn Khoa Sài-gòn, cựu Sĩ quan QLVNCH. Sau tháng tư năm 1975, ông bị CS bắt đi tù cải tạo trong nhiều năm. Cuối thập niên 80, ông cùng gia đình qua định cư tại Mỹ, tiếp tục sáng tác, dịch thuật, làm nhạc, làm báo. Ông chủ trương hai nhà xuất bản Thăng Tiến và Phụng Sự, vừa trước tác và dịch thuật 22 tác phẩm và là tác giả của rất nhiều bản Thánh Ca, Cộng Đồng Ca, Du Ca. Ông cũng là người khai sinh Trang Nhà (Website) Tiếng Nói Giáo Dân nhằm đem Đạo vào Đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng Quê Hương và Giáo Hội…. trích ai tín từ gia đình)

Tình cảnh của bần đệ cũng hơi na ná giống anh Hoàng Quý. Nghĩa là, cũng từng ở tù. Cũng đã làm báo, khi đi ra. Cũng viết và cũng lách, lâu nay. Mới, chỉ lai rai tham gia Ban Halleluyah “Ca Vào Đời”. Và mới đây, cũng rắp ranh ra CD Chuyện Phiếm Đạo-đời, nhưng không làm được gì nhiều như anh Hoàng Quý. Nói đúng hơn, chưa làm được gì cho Giáo Hội. Cho Đất Nước. Nhưng nay, bất chợt thấy anh bắt đầu đi vào cơn hồ điệp, bần đệ đã thấy có cảm giác khác lạ, ở trong bụng. Nói cách khác, tin của anh Hoàng Quý đã “ra đi vào giấc mơ miền viên miễn” đã cho bần đệ những giây phút chiêm niệm về sự “đi ra” và “đi vào” cõi thế trần. Để rồi, sẽ lại suy tư về chuyện đời này, lẫn đời sau.


Về chuyện “ra” khỏi cuộc đời này và “vào” vùng đời sau, bần đạo có những gợi nhớ và cảm nghiệm. Rất cảm và rất nhớ, như sau:
Lúc ấy, bần đệ đang học ở trường Dòng. Nghĩa là, vào giai đoạn cuộc đời mà bần đệ có rất nhiều giấc mơ và giấc ngủ, nhưng không miên viễn. Chính đó là lúc, trong môi trường rất mới, bần đệ cũng đã cảm nghiệm được những cái-tạm-gọi-là mất mát/hụt hẫng nơi khi có người anh em đồng cảnh đã ra đi về miền vĩnh cửu. Những người anh rất Linh Mục. Hoặc, rất phó tế.
Trong buổi canh thức ngồi cạnh một người anh đã ra đi, bần đệ lúc ấy đã có những cảm nhận rất ư là “giá buốt tim em”. Kế đến, là những giòng chảy suy tư về một cảnh tình lâng lâng nhè nhẹ, ít khi thấy. Thấy như thế nào, quả thật khó diễn bày. Thúc bách cho lắm, thì bần đệ cũng chỉ dám đưa ra những tâm tình mông lung, lơ mơ “khó diễn tả”, buộc chính bần đệ phải quay về với lời dặn dò của Thày Chí Thánh, nơi kinh kệ.
Dòng chảy suy tư đêm đó, là những tâm tình xảy đến với người thân của La-da-rô, ở trình thuật:
“Đức Giê-su nói về nỗi chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ bình thường.”

(Ga 11, 13).

Từ ngàn xưa, khi nói về nỗi chết, nhiều người cũng có các tình tự giống như thân thuộc của anh La-da-rô. Nghĩa là, khi nói ai ngủ say thì bảo: “Anh ta ngủ như chết”. Còn khi nói anh đã chết, thì lại tưởng chừng đó chỉ là giấc mộng bình thường, trông như đang ngủ, rất thường tình.
Xem thế, thì chết và ngủ thường không có gì khác biệt. Đó là, xét về mặt tư thế của thân xác. Chính vì tư thế này, mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Vẫn lẫn lộn. Lẫn và lộn, cả trong suy và xét về tư thế phải có khi chết. Và khi ngủ. Bởi, nói cho cùng, chết: là đã và đang ngủ. Cũng thế, ngủ là trạng thái đang chết cho những lầm và lẫn, mắc phạm từ lâu. Chết cho tư thế lầm tưởng, với lẫn lộn. Lầm và lẫn nhiều thứ. Lầm và lẫn cả trong tư thế sống. Sống thật. Sống ở giai đoạn chuyển tiếp chứ chưa là chốn miên trường.
Về ngủ và chết, Đức Chúa còn nói thêm:
“La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (Ga 11, 11)

Yên giấc như Chúa nói, là cõi yên bình trong cơn giấc. Giấc, đây có thể vừa là giấc ngủ. Vừa là giấc mơ. Mơ về cõi sống không có nỗi chết. Cả đến khổ đau sầu buồn, cũng không. Thế nhưng, nếu La-da-rô đang yên giấc, thì sao Chúa lại phải đánh thức anh dậy? Đánh thức anh như thế, ý hẳn Ngài không muốn cho giấc mơ hay giấc ngủ của anh được bình yên ? Thì đây, một phản ứng:


“Bấy giờ Ngài mới nói rõ: La-da-rô đã chết thật.”
(Ga 1,14 )
Người bạn thân của Đức Giê-su đã chết thật. Nhưng, Chúa vẫn nói tiếp:
“Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó để anh em tin.”

Và, Thánh Gio-an Tông Đồ, thêm vào trình thuật, câu nói của ông Ni-cô-đê-mô:


“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy đi để cùng chết với Thầy.” (Ga: 11, 16)

Suy cho kỹ, “yên giấc”, “chết thật” hoặc “hãy đi để cùng chết với Thầy”, vẫn quan trọng hơn cảm nhận và san sẻ chuyện sầu buồn. Quan trọng, là bởi “có như thế anh em mới tin”. Tin rằng: tất cả mọi người sẽ giống như La-da-rô người anh của Mác-ta, bạn thân của Đức Chúa, sẽ sống lại. Và, ở đây thánh Gio-an tông đồ đã ghi lại một xác quyết khác, từ Đức Chúa:


“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?" (Ga: 11, 25)

Nói khác đi, chuyện sống – chết hoặc mộng mị – yên giấc, chẳng qua cũng chỉ để chúng ta tin. Có tin mới có sự sống. Sống thời bây giờ. Sống cõi miên trường.


Hôm qua và hôm nay, nếu còn có những người bạn hoặc anh em của Đức Chúa, đã và đang “yên giấc” ngàn thu hoặc mới chỉ vài ngày, lại hỏi Chúa về chuyện “sống – chết”, thì ắt hẳn Lời của Chúa cũng sẽ được lặp lại mà hỏi rằng: “Anh chị có tin thế không ?”
Vâng. Tất cả là ở điểm này: Sống-chết, vẫn chỉ là chuyện đời thường. Chẳng có gì đáng để ta phải hãi sợ và kinh ngạc. Hoặc, luôn vấn nạn: Anh chị có tin thế không? đây mới là chuyện quan trọng, đáng bàn.
Và, để minh xác thêm về đời người, dù ở giai đoạn trước hay sau cuộc đời, tưởng cũng nên kể thêm ở đây một tâm sự, một chuyện kể rất thường. Chuyện thường của đời người. Còn gọi là chuyện về Cuốn Sách Đời Tôi, như sau:
Bạn có biết mỗi ngày trong đời người, ta đều mở ra một trang giấy trắng.

Rồi thì, mỗi ngày cứ thế trôi qua, khi trang giấy đời mình đã kín. Và, mình cũng chẳng có thể thay đổi được gì hết. Giở lại từng trang giấy cuộc đời, ta sẽ thấy lại được đời mình. Nhiều khi rất hạnh phúc. Nhưng, cũng có lúc khá buồn đau.

Có những kỷ niệm rất ngọt ngào, làm ta nôn nóng. Nhưng cũng có những ký ức buồn phiền, khiến ta chỉ muốn xé tan tờ giấy ấy…

Và từ hôm nay, bạn và tôi hãy tìm cách viết khác đi trên những trang giấy của đời mình. Đó là:

* Dẫu khó khăn có bao trùm, nghịch cảnh có bủa vây, ta vẫn tìm cách pha trộn bột mầu cho tờ giấy được dịu dàng, thật êm ái như thể trời vẫn quang, mưa đã tạnh.. để bức tranh cuộc đời hôm nay sẽ là một hồi ức đẹp cho ngày mai.

* Vậy thì hôm nay, ta nên viết gì đây?


Hãy viết sao cho ngày hôm nay trở thành thứ “tài sản vô giá”, hay thành “hành trang không thể dễ quên” để ta có thể vững bước đến mút cùng tận của đường đời.

Vì ta đã có niềm tin, ý chí và lạc quan làm bạn đồng hành.

* Còn bạn, bạn sẽ làm gì khi bạn phát giác ra rằng mình chỉ còn độc nhất có một ngày để sống?

- Phải chăng, bạn sẽ cảm tạ ba mẹ, người đã ban cho bạn cuộc sống tươi đẹp?

- Hay, sẽ nguyện Ơn Trên, xin bình yên đến với hết mọi người, cho người mình yêu dấu và cả những người mình chẳng yêu. Người mình đã quen hoặc chưa một lần biết mặt ?

- Sẽ ngồi lặng hằng giờ nhìn ngắm mặt trời mọc, chiêm ngưỡng các tia nắng vàng nhảy nhót vào khi hôm sớm. Hoặc, nghe tiếng gió thì thầm ve vuốt làn da, khẽ đùa nơi từng lọn tóc ?

- Sẽ chạy ùa vào vòng tay rộng mở của người mình yêu thương nhất đời để được ôm ấp, với chở che. Để được say đắm nồng nàn. Hoặc, sẽ ôm ghì các đứa con thiên thần của mình, cho đến khi không còn hơi sức để ôm nữa?

* Bạn và tôi hãy tận hưởng để sống một ngày, như mọi ngày. Hãy lấp đầy ký ức của mình bằng niềm vui râm ran và những gì tốt đẹp.

* Xin đừng làm tổn thương bất cứ ai, dù chỉ bằng lời nói. Xin được chìa vai để cùng ai đó gánh vác. Gánh vác mọi sức nặng của cuộc đời. Để rồi, sẽ cùng nhau xây đắp những công trình, mà mình không thể dời kéo đến ngày hôm sau.

* Không bao giờ là quá muộn, để bạn và tôi có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách sống và cách cảm nhận về cuộc đời; để rồi, sẽ khởi đầu một ngày mới, viết lên trang sử về đời mình.

* Cảm tạ Ơn Trên. Cảm tạ Trời Đất đã ban cho bạn và cho tôi, có được “ngày hôm nay”, vì hôm nay đích thật là “quà tặng”.

Vâng. Vì là quà tặng, nên ngày hôm nay có thể chỉ là chuỗi dài một đời người. Một đời dù chỉ “sáu mươi năm”, hoặc “nhân sinh thất thập”, vẫn chưa “cổ lai hi”. Cảm tạ, vì quà tặng vẫn có đó. Cả ở đời này, lẫn đời sau. Quà tặng của Niềm Tin. Và Niềm Yêu. Niềm yêu thương đã “đưa anh khỏi lòng người”. Lòng đời. Một đời rất “người”, dù trước hay sau. Nơi cõi miên trường. Vĩnh viễn.

Trần Ngọc Mười Hai,

cứ suy tư về sự miên viễn cuộc đời,


dù đời chưa là thất thập chốn nhân sinh

Tình yêu – sự chết, hai điểm nóng của đời người


(Rm 5 & 6)

Có một điều rất ư là trái khoáy đối với người Việt đi Đạo, là: hằng năm cứ vào độ xuân sang ta ăn Tết chưa được bao nhiêu ngày, là ai nấy đã phải hồi tâm, tỉnh trí để suy niệm về những đề tãi gây trăn trở, như: sám hối, khổ hạnh, sự chết…


Điều này quả không sai, nếu đem so chiếu với lịch phụng vụ của Giáo hội năm nay: Năm C 2007. Rõ ràng, bà con đi Đạo mừng xuân Đinh Hợi mới được vài ngày là đã bước vào phụng vụ Mùa Chay, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro mồng 4 Tết, với đề tài suy tư về ý nghĩa cái chết-cuộc đời.
Trong khi ở đời thường, người ngoài Đạo những chúc nhau, nào là: đắc tài đắc thọ, bách niên giai lão, đa phúc đa lộc, vạn sự như ý nguyện, khang an thịnh vượng, vv.. nghĩa là ai cũng muốn chúc tụng nhau niềm hạnh phúc dài lâu, vô bờ; hoặc có được cuộc sống kéo dài đến trăm năm. Thế nhưng, khi đối đầu với thực tại thì trớ trêu thay, vào Mùa Chay, Giáo hội lại nhắc nhở người tín hữu Đức Kitô hãy bớt vui chơi chè chén mà hãm mình, phạt xác; hoặc, bỏ chút thời giờ để gẫm suy về cái chết của Đức Kitô, cái chết cao cả của Đấng Vô Cùng Vô tận, cả thời gian lẫn không gian.
Nhìn từ một góc độ nào đó, người tín hữu Đức Kitô hẳn nhận ra rằng: giữa Tình yêu và Sự chết đã có tương quan nào đó, rất mật thiết. Bởi, nói một cách khái quát thì: dù có tình yêu mà không có sự chết thì tình yêu đó đã chắc gì mang đủ ý nghĩa của tình yêu đích thực? Ngược lại, chết mà không có dụng đích, hoặc không vì tình yêu thì chỉ là chết oan, chết tức tưởi, chết lãng xẹt.
Trong ngôn ngữ đời thường của người Việt, ta thấy bàng bạc những thành ngữ như: “Yêu là chết trong lòng một ít”, “Yêu anh, em chết đi được!”, “Sướng muốn chết!”, vv.. cũng nói lên phần nào mối tương quan giữa tình yêu và sự chết này.
Trong văn chương kịch nghệ cổ xưa, chắc chẳng ai quên được những chuyện tình lâm ly, ai oán với những cái chết êm ả, nhẹ nhàng như thần thoại Orpheu & Eurydice, hoặc Romeo & Juliet… Cũng thế, trong chừng mực nào đó, có thể nói được rằng: các nhân vật chính trong những chuyện tình lãng mạn ấy, đều muốn tìm đến cái chết để cho tình yêu của mình trở nên vĩnh hằng, bất tử.
Thành thử, có thể khẳng định đựợc rằng: chính qua cái chết nhẹ nhàng và trữ tình như thế, tình yêu họ trao nhau đã thật sự trở nên bất tử, vĩnh hằng từ lâu. Và ở đây, ta rút ra kết luận: Tình yêu quả có dẫn đến sự chết; và, sự chết quả đã nói lên được đặc trưng của tình yêu. Nói cách khác, yêu là chết trong lòng “nhiều lắm” chứ không chỉ “một ít” như tác giả nào đó nhận định.
Về với tín lý thần học, hỏi rằng: Mùa Chay có là dịp tốt để ta suy niệm về tình yêu và sự chết, không? Thì trước tiên, nếu quan niệm rằng: hãm mình phạt xác là “chết trong lòng một ít”, thì đó chính là vì mình muốn cho mọi người được hiệp thông với cái chết cao cả, với tình yêu đích thực của Đức Kitô, mà thôi.
Thánh Phaolô, nhà thần học uyên bác của Giáo Hội, đã nhiều lần đề cập đến sự chết và tình yêu ngang qua cái chết của Đức Kitô. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, ngài khẳng định:

“Chính Thiên Chúa đã thi thố Tình yêu của Người như thế này: là Đức Kitô đã chết vì loài người” (Rm 5: 8)

Trong ý hướng thần học của thánh Phaolô, thì yêu chẳng phải là ”chết trong lòng một ít”, mà ngược lại, chết là cách thức diễn tả tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa thi thố với loài người. Chính Đức Kitô, Đấng không thể chết, đã chọn lấy cái chết, và là cái chết rất nhục trên thập giá. Và, Ngài vẫn đang chết dần chết mòn vì sự thờ ơ lãnh đạm của loài người; để rồi qua đó, đưa loài người vào chính tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Nói cách khác, chết là sự cốt thiết “ắt và đủ” của Tình yêu. Có chết cho chính mình mới nói được là mình đang yêu ai đó. Chết cho người mình yêu là cái chết rất đẹp và đầy ý nghĩa nhất.
Thành thử, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, Giáo hội vẫn cứ kêu gọi tín hữu Đức Kitô không chỉ hãm mình phạt xác suông, mà thôi. Nhưng, còn phải chết đi; chết cho tình yêu cao cả và đích thực ấy. Chết cho Đấng đã yêu thương mình đến chết.
Nhưng, vấn đề đặt ra, là: năm nào Giáo hội cũng kêu gọi tín hữu Đức Kitô hãy chết đi. Giáo hội cứ kêu hoài, kêu mãi chẳng thấy ma nào chết cả! Hoặc: phải chết cách nào mới gọi là chết đẹp, chết có ý nghĩa? Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ không gì bằng ta hãy đi vào chính nguồn mạch của sự sống cho mọi tín hữu, tức: Lời của Ngài mà tìm hiểu. Vậy, dưới đây là một vài trích dẫn từ nguồn mạch sự sống ấy. Trích dẫn không có nghĩa trả lời thẳng vào vấn đề. Nhưng, trích dẫn ở đây, chỉ mang tính cách gợi ý và khích lệ, thôi.

“Chúng ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của CHA,


đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa,
ta cũng bước đi trong đời sống mới.” (Rm 6;3);
và:
“Nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài,
thì ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Ngài” (Rm 6: 5)
hoặc:
“Nếu ta cùng chết với Đức Kitô thì hãy tin rằng:
ta sẽ cùng sông với Ngài.” (Rm 6: 8)

Nói cho cùng, yêu là chết đi. Chết vì yêu. Chết cho chính mình. Chết như thế mới thực sự là ta đang sống. Sống hay. Sống đẹp. Sống sốt sắng trong tình yêu cao cả của Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Trần Ngọc Mười Hai (2007)
từ Sydney-Úc Châu xin có vài gợi ý.

“Tôi thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây”


(Yn 1: 9-10)

Có dịp đọc báo Ephata Việt Nam do Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách, bạn và tôi sẽ bắt gặp những giòng chảy về một vị linh mục Dòng đã một thời rất nổi tiếng, Lm Trần Hữu Thanh CssR, như sau:

“Một lần cuối cha Thanh chủ động dấn thân vào chính trị: đó là năm 1974 ở Sàigòn. Cha cùng với 301 linh mục khác ký tuyên ngôn lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng. Cha Thanh trăn trở đã nhiều về tiền đồ đất nước, cha cũng đã xoay xở nhiều bề, nhiều phía. Càng ngày càng thấy rõ một điều: sự tham lam ích kỷ như một thứ tà khí bao trùm lên xã hội, nó gặm nhấm, nó làm tiêu tan, nó vô hiệu hóa những ý đồ tốt đẹp nhất. Cha cũng có kinh nghiệm về chống tham nhũng: trong những năm ’50 với việc phanh phui vụ “Gạo miền Trung”, cha góp phần làm cho nhiều quan chức đứng đầu 6 tỉnh miền Trung mất chức. Nhưng lần này không chỉ là chuyện của những quan chức cấp tỉnh. Lần này vấn đề lớn hơn nhiều: tham nhũng là quốc nạn, nó biến thành thói tục, thành cơ chế, thành cái nếp xuyên suốt xã hội từ trên xuống dưới, từ đưới lên trên. Nó khiến xã hội trở nên vô hồn, nó đầu độc sinh khí cộng đồng.” (Lm Vũ Khởi Phụng – Nhớ Cha Trần Hữu Thanh, Ephata Việt Nam số 343, 09/12/2007 tr. 16)

Đọc những giòng trên đây, bạn cũng như tôi, chắc có lúc cũng mang trong đầu rất nhiều câu hỏi. Nhưng câu bắt đầu bằng cụm từ “tại sao”. Chẳng hạn như, tại sao truyền thông báo chí hôm nay đề cập nhiều đến các nhóm Hồi giáo như Jamaar Islamir, Muslim Shiite, Suni vv..? Tại sao Giáo hội Công giáo cứ nhắc nhở dân con nhà Đạo hãy cẩn thận với những chuyện chính trị? Và, một trong những nhắc nhở dẫn tới vấn nạn nhiều nhất, là: có nên tham gia vào chuyện chính trị, đảng phái hoặc bày tỏ chính kiến/ý thức hệ ở trong và ngoài nước, không?



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương