Chuyện phiếM ĐẠO ĐỜi tập VI nhà xuất bản hội nhà VĂn cùng một tác giả



tải về 2.12 Mb.
trang1/25
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích2.12 Mb.
#26243
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25
TRẦN NGỌC MƯỜI HAI

CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI
TẬP VI
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Chuyện Phiếm Đạo Đời I – nxb An Phong Sydney 2008

Chuyện Phiếm Đạo Đời II – nxb An Phong Sydney 2008

Chuyện Phiếm Đạo Đời III – nxb An Phong Sydney 2009

Chuyện Phiếm Đạo Đời IV – nxb An Phong Sydney 2010

Chuyện Phiếm Đạo Đời V – nxb An Phong Sydney 2011


Suy niệm năm A do Lm Frank Doyle sj viết – Mai Tá dịch

Suy niệm năm B do Lm Frank Doyle sj viết – Mai Tá dịch

Suy niệm năm C do Lm Frank Doyle sj viết – Mai Tá dịch

LỜI BẠT


Là người đã một thời chung sống với tác giả Trần Ngọc Mười Hai dưới cùng một mái trường, vào thời buổi có nhiều biến đổi cả về chính trị lẫn tôn giáo, như: Công Đồng Vatican II, hay biến cố mồng 1 tháng 11 năm 1963, hoặc ở lãnh vực âm nhạc có sự xuất hiện của Lm Aimé Duval, Sr Sourire và cũng từ niềm hưng phấn ấy mà ban Hallêluyah của anh em Học viện Dòng Chúa Cứu Thế ra đời, hoặc với “Tài Liệu X” của chính tác giả hợp tác với một số thày Học viện song hành với các “Bản Cáo Trạng” của Lm Trần Hữu Thanh DCCT, đề cập đến các vấn đề nhức nhối của thời đại trong Giáo hội, tôi cũng là người có mặt trên từng cây số.
Từ mái trường này –nơi có những vị Linh mục/giáo sư khả kính khá lỗi lạc mà tác giả Trần Ngọc Mười Hai đã lãnh hội tư tưởng mới mẻ và phóng khoáng để cho ra những bài viết khá lôi cuốn như hôm nay. Đó cũng là thời gian xuất hiện những tác phẩm như: “Ca Tụng Thân Xác” của Gs Nguyễn Văn Trung, “Đường Hay Pháo Đài”, “Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá”... của Gs Nguyễn Ngọc Lan, vv.. Đó là chưa nói đến phong trào Du ca của Nguyễn Đức Quang với các nhạc phẩm như “Ôi Quê Hương Ngạo Nghễ”, “Không Phải Là Lúc Ta Ngồi Đặt Vấn Đề”, hoặc các bài “Tâm Ca” của Phạm Duy, những “Ca Khúc Da Vàng” của Trịnh Công Sơn, hoặc các nhạc bản sinh hoạt của Tôn Thất Lập, của Phong trào Thanh Niên Thiện Chí, Học Sinh/Sinh Viên Nguồn Sống,vv…
Cũng nhờ thế, tôi đã có cái duyên hiểu được phần nào sự thôi thúc cũng như nỗi ưu tư không ngừng nghỉ mà qua các câu chuyện phiếm Đạo đời –lần này là Tập 6- tác giả Trần Ngọc Mười Hai muốn tiếp tục gửi đến quý độc giả gần xa.
Ngày nay cũng vậy, sống trong thế giới với những biến chuyển dồn dập từng phút giây, ngày giờ, hẳn cũng cần một kiểu cách và ngôn ngữ mới để truyền đạt, nhất là trong lãnh vực đức tin. Tình trạng mệt mỏi nơi Kitô-hữu là dấu hiệu cho thấy cần phải có cách diễn tả mới, với mọi người. Điều quan trọng, là chúng ta phải có mối liên kết nội tâm với Kinh thánh, với Đức Kitô, là Nguồn mạch của Lời Hằng Sống; và, phải sống trung thực với lời mình nói ra trong tư thế của người thời đại sống ở thời buổi mà cái gì cũng mới mẻ. Có sống thực và cảm nhận thật sự Lời của Chúa, thì ngôn ngữ mình nói ra mới mặc lấy âm điệu mới, cung cách cách mới.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 – khi ngài còn là Hồng Y Ratzinger - từng nói: Trước những nghịch cảnh, có lúc chúng ta cũng nghĩ rằng mình bị Chúa bỏ rơi! Thế nhưng, thực tế không phải thế. Chúa vẫn luôn hiện diện với ta và bên ta. Ngài không nhất thiết phải tỏ hiện ra bên ngoài. Thậm chí, cả đến thiên tai, dịch bệnh cũng có thể là cách thức Ngài lên tiếng . Ngài không ồn ào, xục sôi nhưng vẫn luôn phát sóng. Và vần đề, là chúng ta có sẵn sàng mở máy ra để đón bắt tín hiệu đó hay không thôi. Trong cuộc sống và qua lối suy nghĩ thường ngày, hiện có quá nhiều sóng nhiễu, khiến ta khó mà bắt được sóng/đài và chúng ta vẫn cứ xa lạ với ngôn ngữ của đài và sóng, nên không nhận ra được tiếng của Ngài, đó thôi.
Thế nhưng, bất cứ ai có chút quan tâm, đều có thể cảm nhận được rằng: chính Ngài đang chuyện vãn với ta. Có thể là, Ngài xuất hiện một cách đột ngột, ngay cả tai ương, dịch bệnh đến là thế, nếu ta biết tỉnh thức hoặc nếu có ai giải mã được các dấu chỉ do Ngài phát, thì chắc chắn sẽ nhận ra tín hiệu của Ngài. Ngài không lớn tiếng, nhưng Ngài nói qua dấu chỉ thời đại và qua mọi biến cố trong đời người hoặc tâm tình của tha nhân. Chỉ cần một chút tỉnh thức và không đa mang hoặc bận tâm quá mức để dễ bị vướng mắc vào những hời hợt chóng qua mà không nắm bắt được tín hiệu do Chúa gửi.
Bằng một ý thức rất rõ ràng, tác giả Trần Ngọc Mười Hai đã đề cập đến các chủ đề rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống thường nhật của người thời đại, như: Bao cao su, Phụng vụ, Tiệc Thánh Thể, Coi bói và Tử vi, Người lành/kẻ dữ, vv.. cho đến các vấn nạn thời đại, như: An tử/trợ tử, Sách nhiễu Tình dục, Tự tử, Phá hoại thai nhi, Bảo vệ môi trường sinh thái, Tha thứ chính mình và mọi người, Thân xác là đền thờ, Ly thân ly dị, vv.. nhất nhất tác giả đều đề cập đến bằng một thái độ cởi mở, không tranh cãi ai sai - ai đúng; trái lại, tác giả vẫn chủ trương tinh thần cùng nhau kiếm tìm và học hỏi. Thái độ của tác giả Trần Ngọc Mười Hai không là thái độ mà người xưa gọi là “Magister dixit”, giống như lời phán bảo của bậc thày từ toà giảng, mà bằng tâm tình của môn đệ Chúa trên đường đi Emmaus như một gợi ý, sẻ san tư tưởng của bạn đồng hành trên bước đường tìm kiếm Chúa Kitô, mà thôi.

Chẳng thế mà, mỗi khi kết thúc bất cứ chuyện phiếm nào, tác giả Trần Ngọc Mười Hai vẫn thường tóm tắt lập trường của mình bằng một đôi câu bỏ nhỏ khá thú vị và thấm thía, như: Trần Ngọc Mười Hai vẫn nhắn bạn và nhắn tôi những điều tựa như thế, hoặc: Trần Ngọc Mười Hai vẫn cứ thương và cứ nhớ hết mọi người, trong Đạo ngoài đời, hoặc Trần Ngọc Mười Hai nhiều lúc vẫn muốn hát vì hát là nhân đôi lời nguyện cầu ở bất cứ đâu, vv…

Nhân dịp này, lại xin được nói đến những CDs, MP3 và “Slide show” về chuyện phiếm Đạo đời. Đó là công trình khá năng nổ của một số anh chị đã và đang hợp tác với tác giả, vào mọi lúc. Tuy không mang tính chuyên nghiệp, nhưng lại hết lòng đồng hành với tác giả để Chuyện Phiếm Đạo Đời đến với độc giả và khán/thính giả nhiều hơn nữa.

Một lần nữa, xin cảm ơn tác giả Trần Ngọc Mười Hai –dù ngôn vẫn bất tận- và các anh chị từng hợp tác thực hiện các bộ CDs, MP3 và Slide show ngay từ đầu. Ước gì lập trường, ý tưởng cũng như tâm tình gói ghém trong Chuyện Phiếm Đạo Đời tập 6 này cũng như mấy tập trước sẽ là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết trái để Nước Thiên Chúa cứ tiếp tục diễn ra và dàn trải ngay ở đây, bây giờ và khắp chốn.


Vũ Nhuận

Những ngày chớm thu ở Sydney năm 2012.


______________________________________________________________

1. “Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu”

Tiếng đã lạc loài trong tim nghẹn ngào.



Đưa em về chiều thu reo dưới gót,

Âm thầm từng hồi giá buốt Nghe tiếng đông sang.”

(Thanh Trang – Tình Khúc Mùa Đông)


(Mt 25: 41-43)
Diễn tả về mùa Đông, nghệ sĩ nào mà chẳng diễn tả một lặng câm/chết chóc, rất cứng ngắc? Chẳng như mùa Hạ, vẫn cứ là khởi sắc. Có nắng ấm. Chói chang. Rất đàng hoàng. Làm sao được như mùa Xuân, mùa của tình tự cao sang. Rạng ngời. Hạnh phúc.

Thế nhưng, mùa Đông không chỉ là mùa của những rét mướt. Sũng sượt. Trượt hạ mà thôi. Nhưng còn là mùa chờ đợi đợt loé sáng, rất tinh mơ. Đấng mà mọi người đợi chờ, một cứu vớt. Thế còn mùa Thu? Phải chăng, chỉ là mùa của những hoen lệ sầu. Mắt biếc. Đớn đau? Và đây, một bằng chứng:


“Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng

Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng

Thương cho người về cô đơn với bóng

Mây chiều lạc loài đã xuống, Với thu mênh mông.” (Thanh Trang – bđd)


Thú thật với bạn và với tôi, rằng bần đạo vốn dĩ thuộc loại dốt nát rất nhiều thứ. Cả, văn chương chữ nghĩa lẫn võ biền. Mười hai con giáp, bần đạo chẳng giống con nào, dù cầm tinh Quý Mùi. Quanh năm suốt tháng cứ bùi ngùi, mỗi khi bạn bè kể cho nghe những chuyện buồn buồn tủi tủi, rất ỉ ôi cung đàn nhiều lãng du:
“Anh lãng du đêm dài cùng khói mây

Hôn tóc em, nghe hồn mình đắng cay

Tháng năm buồn miệt mài, từng ngón tay

Khi về còn xao xuyến ru hồn người đắm say.” (Thanh Trang – bđd)


Hồn đắm say. Thật ra thì, bần đạo chỉ đắm và say ý/lời của người nghệ sĩ từng viết nhạc, tên Thanh Trang. Dù chẳng biết người là ai. Con trai hay con gái. Già hay trẻ, mà nhạc viết hay đến thế! Thôi thì, nói cho “xôm tụ” một chút, thì bần đạo thuộc “típ” người rất bén và cũng nhạy về những chuyện buồn, loại thế kỷ.

Nên, bần đạo vẫn cứ là hay trích dẫn những giòng nhạc sướt mướt có chữ “thu”, như:


“Nhớ mãi từng chiều thu rơi ngàn trùng

Tóc đó là vùng mây trôi ngập ngừng

Đêm mong người về cho vơi giá buốt

Nghe hồn từng mùa đã khuất

Tiếc thu mênh mông” (Thanh Trang – bđd)
Cũng vì được người nghệ sĩ diễn tả ý/lời nghe như “hồn từng mùa đã khuất” , nên bần đạo có lần dám cùng bầu bạn lên tiếng phản đối đấng bậc nhà Đạo nọ cứ hung hăng tuyên bố về chốn “mây trôi ngập ngừng”, “cho vơi giá buốt”, để rồi kéo theo một kết luận lên án nhân vật trong truyện đã dám làm “cử chỉ đẹp” để chứng tỏ tình yêu, với con mình.

Trước khi nghe truyện, cũng nên thanh minh rằng bần đạo hơi bị “ướt” một chút, nhưng vẫn chưa hẳn là đồng thuận với hành xử của người cha hiền từ trong truyện, dù ông đã hy sinh cả tâm can cao quý của mình. Để rồi, có thể cùng với nó vấn nạn rằng: tình tự của người cha ở trong truyện có cùng “tầm nhìn” như các cụ đạo thời đức thày Đắc Lộ, gọi “chốn luyện hình” là nơi đến của những hành xử, tự giải quyết cuộc đời như thế không?

Truyện bắt đầu thế này:
“Ngày “N” hôm ấy, khi biết trẻ đầu lòng của mình là con gái, chồng tôi không lấy gì gọi là mặn mà hăng say cho lắm. Ông chỉ thích có con trai để nối dõi tông đường, mà thôi. Mãi đến khi con gái lên ba, nhờ vào nụ cười rất có duyên của cháu, ông bố mới thay đổi tính khí lạ kỳ. Và, khi con lên bảy, biết hỏi những câu thế này, bố lại thương:
-Bố à. Năm con tròn 15 tuổi. Bố dự tính cho con món quà gì làm sinh nhật, thế?
-Con yêu ơi. Năm nay con mới lên 7.Từ nay đến đó còn lâu lắm. Để rồi bố tính cho.
-Sao? Bố vẫn bảo là thời gian trôi nhanh như ‘bóng câu qua cửa sổ’ cơ mà!
Thời gian trôi có nhanh hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ một điều, là: ông bố ngày càng thương con gái mình hơn cả mẹ của nó. Thanh Tốn tuy mới mười bốn, nhưng đã chiếm trọn vẹn con tim chân chính của bố mình từ lâu.

Một hôm, đang vào giờ hiệp lễ ở nhà thờ, Thanh Tốn tự dưng ngất xỉu ngay ở bàn quỳ khiến vợ chồng tôi hốt hoảng vội đưa cháu vào nhà thương, gần ngay đó. Suốt 10 ngày liên tiếp, cháu rải qua cơn thập tử nhất sinh, tình trạng của con gái xem ra không có nhiều hy vọng. Đoàn bác sĩ chuyên khoa tim về hội chẩn cho cháu, xong tuyên bố: Thanh Tốn bị chứng bệnh tim, rất ác tính. E khó thọ.


Con gái nằm viện đã lâu, mà bọn tôi chẳng biết làm gì để giúp cháu mau hồi phục. Thời gian không còn trôi nhanh nữa, nhưng cứ chậm. Rất nặng nề. Chồng tôi quyết định bỏ công việc, hầu dành dụm trọn thời gian cho con. Tôi thì rất sợ cái cảnh cứ phải ngồi đó nhìn con gái lúc tỉnh lúc mê, đến đau lòng.
Sáng hôm ấy, Thanh Tốn cố dùng sức bình sinh để nói với:
-Bố ơi. Tối qua bác sĩ bảo: con không còn sống được bao lâu nữa, đâu bố. Nói rồi, cháu lịm đi một lúc. Ông bố vội trấn tĩnh. Dù, chẳng biết con mình có nghe rõ được hay không:
-Không đâu con. Chúa lòng lành vô cùng. Ngài không nỡ cất đi niềm vui của bố đâu!
-À bố! Khi chết rồi, mọi người sẽ đi đâu? Con có gặp lại bố nữa không? Nơi nào thế?
-Con à. Cho đến nay, chưa có ai quay về từ cõi chết để nói cho bố con mình biết được chuyện ấy. Nhưng, tin bố đi. Ngày nào bố rũ áo ra đi, bố sẽ không để con một mình đâu. Dù con có ở xa bố cách mấy, bố cũng cố tìm cách về với con thôi. Yên chí đi con nhé!
Chiều ấy, bác sĩ kịp đến cho biết: Thanh Tốn cần đến quả tim khác. Bằng không, cháu chỉ sống nhiều lắm chừng hai tuần. Vợ chồng tôi nghe thế, thấy mình như bị cú sét đánh ngang tai. Tay chân rã rời. Tìm đâu ra quả tim khác, thay cho con? Ôi lạy Chúa.
Cũng vào những ngày sau đó, Thanh Tốn sẽ vừa tròn 15. Hôm ấy là Thứ Sáu, kỷ niệm ngày Chúa chịu nạn, bệnh viện được tin có người vui lòng hiến tặng một quả tim, còn rất khoẻ. Tức tốc, Thanh Tốn được đưa vào phòng mổ, để thay tim. Sau cuộc giải phẫu, mọi người được biết là: cuộc giải phẫu tuy khá dài, nhưng mọi chuyện kết thúc thật tốt đẹp. Thanh Tốn chỉ nằm lại phòng hồi sức chừng hai tuần, là có thể về nhà, tạm ổn. Có điều là, từ ngày ấy, chẳng thấy mặt mũi ông bố đến thăm con. Chắc ông có việc bận, ở đâu đó.
Ngày “N” đến. Thanh Tốn được phép xuất viện về nhà tĩnh dưỡng. Vừa bước vào cửa, cháu đã lớn tiến gọi chào ông bố:
-Bố đâu rồi? Sao không ra đón con hả bố?
Nghe gọi, tôi vội bước ra khỏi phòng ngủ, mắt còn đẫm lệ, nhưng vẫn còn tỉnh đủ để trao cho con gái lá thư cuối cùng, bố cháu viết:
-Con hãy cầm lá thư này mà đọc. Đây là thư bố viết cho con cách đây ít ngày…

Thư không dài. Chỉ vỏn vẹn đôi hàng chữ, nét rất rõ: “Thanh Tốn thương yêu, con của bố. Khi con đọc những giòng chữ này do bố viết, chắc con cũng đã tròn 15. Và lúc ấy, chắc chắn tim con sẽ đập mạnh hơn bao giờ. Đó là lời hứa mà bác sĩ chuyên khoa chữa cho con, từng nói với bố như thế. Bố xin lỗi. Bố không thể có mặt gần bên con, vào lúc này được. Nhưng, từ lúc bố biết là con sẽ giã từ cuộc đời mà lại không có bố đi cùng, bố đã quyết định là: sẽ cho con câu trả lời mà con từng hỏi bố vào ngày con lên 7: bố sẽ tặng con món quà gì quý giá vào ngày con đủ 15 không? Thì hôm nay, bố tặng cho con món quà quý giá nhất là trọn sự sống của bố đây. Bố không đòi hỏi nơi con bất cứ điều gì hết. Con cứ tự ý mà hành xử theo cung cách của riêng con, món quà bố vừa tặng. Hãy sống trọn vẹn cuộc đời của con, hỡi con gái dấu yêu của bố! Bố yêu con, bằng cả trái tim này.


Bố của con. Thanh Tâm.
Suốt hôm ấy, Thanh Tốn khóc đến không còn giọt nước mắt nào để khóc nữa. Hôm sau, cháu vội chạy ra nghĩa trang, gục đầu trên mộ của bố, mà thổn thức: “ Bố yêu dấu. Giờ, thì con đã hiểu thế nào là tình cha thương con vẫn thiết tha. Dù, con chẳng bao giờ nói lên được những câu như thế. Nay, thì con cũng đã biết nói lời âu yếm là “Con cũng yêu bố lắm!” mỗi khi bố nói bố yêu con. Con xin lỗi, vì lâu nay con vẫn cứ im lặng, chẳng nói lời gì để bày tỏ lòng con vẫn yêu quý bố, hơn bao giờ hết….”
Truyện kể, chừng như còn nói nhiều hơn những điều được ghi trên giấy. Giấy và bút, chỉ ghi mỗi mẩu đối thoại giữa cha/con, mà thôi. Còn đối đáp nào đẹp hơn lời đối đáp tóm gọn một chữ “yêu”? Chỉ mỗi từ gồm 3 nét chữ là y-ê-u “yêu” thôi, mà sao loài người viết đến cả vạn cả triệu pho sách, cũng không hết ý? Sách Đạo. Sách đời, vẫn đủ cả. Chỉ bằng vào động thái “yêu” thôi, loài người đã đánh gục biết bao người vẫn cứ nghi cứ vấn về tình thương yêu, đến là thế.
Ấy nhưng, câu chuyện mà bạn và tôi, ta mạn đàm hôm nay, không để ca ngợi văn chương chữ nghĩa rất phong phú. Mà, chỉ muốn nói đến nét “trăng thanh” bên lề một truyện kể. Lề phải hay lề trái, cái đó còn tuỳ ý mỗi người, có khác biệt. Người, thì đề cao nghĩa cử của ông bố. Kẻ, lại cho rằng như thế cũng không đúng luật Đạo. Có vị lại nói: đây chỉ là bản sao chép minh hoạ Tình Cha Nhân Hiền, được kể trong dụ ngôn “Người Con Hoang”, ở Kinh Sách.
Nghe truyện, có bạn của bần đạo, lại bàn thêm về đích điểm của linh hồn, sau khi chết. Chí ít, là nỗi chết do chính mình định đoạt. Có vị, cứ thích trích và dẫn các đoạn sách Tin Mừng, để thêm một lần nữa, cắt nghĩa chốn miền rộng/hẹp của thiên đường, đại loại như:
“Hãy qua cửa hẹp mà vào,

vì cửa rộng và đường thênh thang

thì đưa đến diệt vong,

mà nhiều người lại đi qua đó.

Còn cửa hẹp và đường chật

thì đưa đến sự sống,

nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7: 13-14)
Và từ đó, có người cũng lại kết luận bằng lời Kinh khác, vẫn còn nhớ:
“Quân bị nguyền rủa kia,

đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời,

nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn;

Ta khát, các ngươi đã không cho uống;

Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước;

Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc;

Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." (Mt 25: 41-43)


Một số đấng bậc vị vọng, lý đoán rất cao siêu. Chữ nghĩa rất đầy mình. Vẫn tỏ lộ cho dân con nhà Đạo biết chốn miền mình đạt đến, sau khi chết. Tỏ và lộ, bằng các cụm từ khá cũ, như: hoả ngục. Địa ngục. Chốn luyện hình. Tức, những ngục và ngục. Và, dẫn chứng bằng sách giáo lý hội thánh, như: “Giáo huấn Hội thánh khẳng định, là: có hoả ngục. Và, hoả ngục kéo dài đến vĩnh cửu.” (GLHTCG #1035)

Ở đoạn khác, Sách Giáo lý cũng trích thêm:


“Những người chết trong tình trạng tội lỗi mà không chịu sám hối và nhận lãnh tình Chúa thương yêu, chắc chắn sẽ bị ly cách khỏi Đức Chúa đến muôn đời. Việc ấy, là do mình chọn lựa. Và, tình trạng tự mình ly cách không còn hiệp thông với Chúa và với các thánh trên trời, còn gọi là hoả ngục.” (GLHTCG #1033)
Có cụ khác lại phản bác các ý kiến trên, bằng một biện luận: làm sao Đức Chúa Hiền Lành và Nhân Từ như thế, mà Ngài lại có thể giáng phạt loài người bằng hình thức là đưa họ vào chốn lửa lào, đến vĩnh cửu, được? Đối lại ý kiến này, một cụ khác lại biện giải: Chúa chả bao giờ nghĩ ra việc tống khứ con cái mình vào chốn lửa bỏng, rất hoả ngục được. Đúng hơn, Ngài muốn mọi người được cứu rỗi mà nhận ra được Sự Thật, như thánh Phaolô từng viết:
“Chúa muốn mọi người

được cứu độ

và nhận biết chân lý.” (1Tm 2: 4)
Và:
“Ơn của Thầy đã đủ cho anh,

vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn

trong sự yếu đuối.

Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào

vì những yếu đuối của tôi,

để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi.” (2Cr 12: 9)


Các cụ nhà mình chứng minh như thế, thì có kẻ nào lại dám “há miệng” nữa đây chăng? Quả thật, bần đạo đây cũng chỉ dám nói mỗi một lời, là: Không dám đâu! Vấn đề là, Kinh và Sách khi nói về chốn tù đày lửa bỏng, hay quê miền để luyện hình, vẫn đều không mang tính không gian và thời gian. Mà, chỉ nói về tình trạng ly cách, chẳng còn được hiệp thông với Chúa. Với người anh em trong Hội của các thánh, mà thôi.
Và, cụm từ “lửa đời đời”, “quân ác quỷ”, là ngôn ngữ khá hạn hẹp để diễn tả tình trạng hun đốt tâm can, do thiếu tình thương yêu đồng loại, mà ra. Tình trạng đó, ngược lại tình huống có lửa bừng bừng khí thế ngày Thần Khí Chúa đến, hôm Ngũ Tuần. Cả hai, đâu có chung cùng một thứ lửa! Đằng khác, với Chúa, làm gì có thứ lửa vật chất hun khói thịt gan của con người.
Lời Chúa qua ý/từ của Phaolô thánh nhân trích ở trên, tưởng cũng đủ để người đọc thấm nhuần được tinh thần của lời Kinh “Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết Chân Lý”. Và Chân Lý Ngài muốn mọi người lĩnh hội, đích thị là “Tình yêu giải thoát nhân trần”, trong đó có cả người phạm lỗi. Về Sự Thật “Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu”, thánh sử Gioan còn nói rõ:
“Hỡi các bậc phụ huynh, tôi viết cho anh em:

anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu.

Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em:

anh em đã thắng ác thần. “ (1Ga 2: 13)


Để minh hoạ quả quyết của các thánh, có lẽ cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ, nhưng rất thấm. Ngõ hầu thư giãn sau những giờ phút ngẫm suy rất căng thẳng.
“Truyện rằng:
Người hành khất nọ, đến trước cửa nhà một người giàu có để ăn xin. Chỉ một xu nhỏ, hay vụn bánh, vẫn là những gì người hành khất trông chờ ở người giàu. Tuy nhiên, mặc cho hành khất khốn khổ van lơn, người giàu kia vẫn ngoảnh mặt làm ngơ . Kịp đến lúc, ông không còn chịu nổi lời van xin của người hành khất nữa, thì thay vì bố thí cho xong chuyện, người giàu đã lấy hòn đá ném vào người hành khất khốn khổ.
Hành khất buồn, bèn cúi xuống nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thầm thì trong miệng: “Ta mang theo hòn đá này cho đến ngày ngươi sa cơ lỡ vận, rồi sẽ biết. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại nhà người…”
Đi đến đâu, hành khất nghèo cũng mang theo hòn đá ấy làm kỷ vật. Tâm hồn ông luôn mang hận thù tựa lửa hoả ngục.
Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của hành khất nghèo đã thành hiện thực. Vì biển lận, người giàu kia bị tước đoạt hết tài sản, lại còn bị tống giam vào ngục thất. Hôm ấy, hành khất nghèo chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có, đến ngục tù. Nỗi hờn căm sục sôi trong lòng, ông bèn men theo đoàn người áp tải, để xem tiếp. Tay ông không rời hòn đá nhỏ mà người giàu nọ từng ném vào người ông cách đó hơn chục năm. Ông dự tính ném trả hòn đá ấy vào người tù, để rửa mối nhục thù hằn in dấu vết nơi tâm can. Cuối cùng, thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ bị nạn, hành khất nghèo bèn buông thả hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Sao ta cứ phải mang hòn đá này từ bao nhiêu năm trước? Còn người này, giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta, mà thôi!” (Ngụ ngôn của Léon Tolstoi)
Sau khi kể lại truyện tích trên, người kể còn thêm một câu kết rất đẹp: “Tha thứ là điều khó nhất, nhưng cao cả nhất, trong đời người.” Bần đạo ngồi ngẫm nghĩ thấy cũng lạ. Có thứ tha nào mà không là điều cao cả? Chí ít, là những tha thứ do Đấng Cao Cả từng bảo ban.
Từ suy tư ấy, bần đạo bèn thiển nghĩ: hành khất trên, chắc đã từng sống tâm trạng ngục thất với ngục tù suốt nhiều năm? Chí ít, là khi ông cưu mang hận thù suốt đời mình. Cưu mang rồi, mới nếm mùi Thiên quốc với Nước Trời một khi dám vứt bỏ mọi hận thù đằng đằng, vẫn mang bên lòng, rất nhiều năm.
Vẫn biết thế, nên hôm nay bần đạo theo thói cũ mà ê a bài ca của nghệ sĩ trên vừa mới hát:

“Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng

Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng.

Thương cho người về cô đơn với bóng,

Mây chiều lạc loài đã xuống, với thu mênh mông.” (Thanh Trang – bđd)
Ê a một lời ca, là để ta sẽ không còn thì giờ mà biện luận, cùng cãi tranh. Ai hơn ai thiệt. Ai đúng ai sai. Nhưng, hãy cứ “thương cho người về cô đơn với bóng” . Cô đơn, trong một tình huống. Lẻ bóng, trong cả lập trường mình bận tâm. U hoài. Thời đương đại.
Trần Ngọc Mười Hai

Có luận và có phiếm

cũng chỉ để kiếm tìm

một Sự thật cho riêng mình.

___________________________________________________________


2. “Kẻ thù ta đâu có phải là người”

Giết người đi thì ta ở với ai?”

(Phạm Duy – Kẻ Thù Ta)

(1Cr 6: 19 )

Ấy thế mà, các cụ Đạo nhà ta xưa kia vẫn cứ kể ra, những là ba thứ kẻ thù: ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Ma và quỷ, dù có là kẻ thù dữ dằn nhất, đâu nào thấy. Còn thế gian, là bạn và tôi, sao là thù! Và hơn thế, nếu xác thịt là những thịt thà cùng xương xẩu của tôi và của bạn, mà là kẻ thù ư? Nếu vậy, tại sao các thánh lại cứ bảo đó là “Đền thờ Chúa Thánh Thần”?
Thôi thì, hôm nay, hỡi tôi và bạn, ta cứ thử đi một vòng phiếm sương sương đôi ba sợi để về với “đền thờ” và cái-gọi-là “kẻ thù thứ ba” xem sao. Và, nay thì mời bạn/mời tôi, ta hãy ngâm nga ba câu hát của nghệ sĩ già từng quả quyết, rất như sau:
“Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)
Nếu thế thì, “kẻ thù ta” trước hết và trên hết, phải là “lũ ma” chứ? Nhưng, ma là gì? Là, thân xác ư? Là “đền thờ Chúa Thánh Thần” chăng? Là gì đi nữa, hãy cứ để đó, hạ hồi sẽ rõ. Nay, bạn và tôi, ta lại hát thêm đôi ba chữ rất “kẻ thù”, như định nghĩa của người nghệ sĩ trên, vẫn từng hát:
“Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)


Vâng. Ba thù hoặc kẻ thù thứ ba, mà khi xưa các cụ cứ cho là thân xác, nó vẫn mang cái vỏ thật to. Lại dựa vào hai chữ “tự do”, nên tha hồ làm. Tha hồ, mà chăm sóc, để rồi biến nó thành thứ gì đó rất ghê gớm. Cũng đáng yêu và đáng sợ, như sự thường.

Về yêu thương những kẻ thù, rất thứ ba, cũng nên kể cho nhau nghe một truyện kể, như sau:


“Truyện rằng:
Tại trại xe điện ngầm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào buổi sáng tháng giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút . Ước chừng hơn 2000 người qua lại trạm xe điện ngầm trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm. Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn.
Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại. Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn,sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi. Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả. Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cả là 32 đô la.
Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã đàn lên những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn được nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.
Đây là một câu truyện thật: việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không ?
Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể chơi hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này….
Có thể câu truyện ở trên, chưa nói hết đuợc ý nghĩa thân xác là đền thờ của Thiên Chúa”. Thì đây, đích thị lời thánh Phaolô, vẫn cứ quả quyết:
“Hay anh em lại chẳng biết rằng

thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?

Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em

là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.”

(1Cr 6: 19)

Tiếp đến là một đề nghị, cũng từ thánh nhân rất Phaolô:


“Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa

nơi thân xác anh em..”

(1Cr 6: 20)
Với thánh nhân, thân xác là đền thờ, chuyện ấy quá rành rành. Với người đời, thân xác còn là cái gì đó để ta quan tâm mà đề cao, với trân trọng. Còn nhớ, lực sĩ người Việt khi xưa nổi tiếng với những bắp thịt cuồn cuộn. Với những “đường cong tuyệt mỹ” là Võ Thành Nhơn, từng khích lệ mọi người hãy chăm lo cho thân xác qua khẩu hiệu “Bắp thịt trước đã”. Tiếp đến, các nhà quảng cáo thương mại, lại đua nhau sáng chế ra thành ngữ nổi cộm như: “Dáng em khoẻ cần hơn cả”, “Tấm thân ngọc ngà là chính hồn em”, vv…khiến nhiều người bắt đầu thái quá đến lạc hướng. Sai đường. Thay vì lo cho linh hồn, lại chỉ chú trọng đến những xác và thịt, thôi.

Là con dân nhà Đạo, chắc bạn và tôi, ta cũng nên nói lại cho đúng, rằng: thân xác con người dù quan trọng thật, vì nó giúp ta những ăn cùng thở và suy nghĩ, nhưng vẫn không là tất cả. Và, hiểu theo nghĩa nào đó, thì: nó vẫn chẳng là gì. Đẹp/xấu cũng chỉ một thời, rồi thôi. Quan trọng hơn, nó chỉ là phương tiện để ta có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Gặp, những người sống quanh ta. Kinh nghiệm, là những kinh và nghiệm về một hoạt động của thể lực. Kinh và nghiệm, là những “nghiệm” và "kinh” liên kết thể xác với người mình thương. Kinh và nghiệm về đớn đau. Về, sự yếu đuối của chính mình, để rồi từ đó mới biết trân trọng quà tặng, Chúa tặng ban.


Thật tình thì, mỗi người nhìn thân xác theo cung cách khác biệt. Có người nhìn nó như chú chó lông xù rất đáng yêu. Có người lại coi đây như tài sản quý giá đáng trân trọng và chăm sóc. Chăm và sóc, không chỉ bằng các phương tiện của đời phàm. Hoặc, để tối ngày soi gương mặt giếng mà chiêm ngưỡng dung nhan, như thần Narcissus vẫn thường làm.
Thật ra, thì thân xác là chính con người. Những con của người, có cả xác thể lẫn hồn thiêng được Chúa yêu thương hun đúc thành hữu thể sống động, mà sống với Chúa. Có Chúa ở cùng. Xem thế, thì thân xác không phải là kẻ thù, mà là mình. Là, bạn thân của chính mình. Là, bạn của Chúa. Bởi, chính Chúa đã chấp nhận mang thân phận “người” có xác phàm vào với Ngài, gồm cả hồn xác. Về ý tưởng này, nghệ sĩ trên đã minh định:
“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo

Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu

Trong cõi lòng quạnh hiu

Trong óc hẹp tiêu điều

Trong giấc mộng xâm chiếm nhau.”

(Phạm Duy – bđd)


Xem thế thì, nghĩ đi và nghĩ lại, thân và xác ta đâu là kẻ thù đếm thứ 3. Quan trọng hơn cả, thân xác không chỉ mang “ảnh hình” Thiên Chúa, thôi. Mà, còn được đính kèm cả hồn thiêng nữa. Nói cách khác, thân xác là ta. Là, Chúa ở nơi ta. Bởi, Chúa có thương yêu/tôn trọng ta, Ngài mới ban cho con người của ta một thân xác. Ngõ hầu, xác thân ấy sẽ phản ánh/chiếu soi ảnh hình Ngài. Thân xác ta, không chỉ là đền thờ Chúa thôi, mà còn là “nhà” Chúa. Là nơi để Chúa đến mà trú ngụ. Chúa đến, mà thăm viếng. Thở than. Râm ran, nhiều tình tự.
Bởi, thân xác là ta, nên Kinh Sách vẫn tỏ cho ta biết đường mà kính trọng. Biết đường, mà đánh giá cao. Biết, để mình dùng thân xác mà vui hưởng cuộc đời như vui chơi, ăn uống. Biết tồn trữ nơi mình của ăn thức uống, rất ê hề. Thân xác, là quà tặng ta trao cho nhau, khi hai người trở nên một. Một gia đình. Tình nhân. Qua hôn phối. Để rồi sẽ “tương kính như tân”. Tôn và kính, như tặng phẩm Chúa kiến tạo. Tặng ban. Phân phát.
Một trong những đặc điểm của thân xác vốn là quà tặng Chúa ban, là vẻ đẹp hiếm quý, mỹ miều. Đẹp, cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Đẹp bên trong, rồi sẽ tiết ra ngoài. Có vậy mới đáng giá. Có vậy, quà tặng mới mỹ miều. Đó cũng là điều mọi người cần nuôi dưỡng, cảm tạ. Cảm kích để tạ Ơn Trên. Cảm kích và tri ân người khác đã giúp đỡ, sẻ san. Ngõ hầu quà tặng diễm kiều do Chúa gửi đến, sẽ cứ thế đẹp lên mãi.
Nói cách khác, vẻ kiều diễm của thân xác là tặng phẩm Chúa phú ban, không chỉ để ta sung sướng/hưởng thụ cho riêng mình. Mà, vì nó đẹp cả trong lẫn ngoài, nên mỗi người và mọi người cũng nên sẻ san với người khác. San và sẽ, để rồi tất cả sẽ cùng nhau cảm tạ và ghi tạc Ơn Trên đã ban phát những thứ ấy cho ta. Cho người.
Nói theo kiểu nghệ sĩ ngoài đời về kẻ thù ở trong lẫn ngoài người mình, là còn nói và hát rằng:

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Người người ơi, yêu mến người mãi mãi

Người người ơi, yêu mến người không nguôi

Yêu mến người đầy vơi

Yêu mến người đêm ngày

Yêu mến người, ta nắm tay…”

(Phạm Duy – bđd)
“Yêu mến người”, “ta nắm tay”, là những tình tự rất dễ thương. Tình tự để nói và hát về kẻ thù, tựa như người nghệ sĩ vẫn cứ hát như thế. Hát, để rồi sẽ còn yêu kẻ thù mình như người nhà Đạo! Hát những câu trên, thật ra chưa hẳn là đường hướng của tôi và bạn, ở trong đời. Nhưng vẫn cứ là câu hát rất ưu tư khiến bần đạo lại muốn gửi đến bạn bè người thân thêm lời nhắn nhủ, rằng: hãy cứ từ từ mà kiếm tìm một lập trường rất phải lẽ. Không có gì gấp gáp. Chỉ gấp một điều, là: hễ gặp điều gì khiến mình suy tư lo nghĩ ở đâu đó, thì xin bạn/xin tôi hãy cứ mạnh dạn mà hát và nói lên lời người nghệ sĩ già họ Phạm từng nói và hát, rất như sau:
“Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Người người ơi, thương xót người nhỏ bé

Người người ơi, thương xót người ngây thơ

Thương xót người bị mua

Thương xót người bị lừa

Thương xót người thương xót ta.”

(Phạm Duy - bđd)


Và, hát thế nghĩa là: chẳng cần biết thân xác, thế gian và ma quỷ có là kẻ thù hay gì gì đi nữa, chẳng cần hiểu kẻ thù ta có đáng gờm hay không, ta cứ xin. Xin được như người nghệ sĩ cứ ngâm nga ba câu hát ở cuối bài mà kết thúc. Kết rồi thúc, để biết rõ chính mình hơn. Kết là kết như thế này:
“Kẻ thù ta, đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta, tên nó là vu khống

Kẻ thù ta, tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên, nó là sự ghét ghen.”

(Phạm Duy – bđd)


Vâng. Đúng thế. Chỉ ghét ghen mới là kẻ thù truyền kiếp của con người. Suốt mọi thời. Bởi, nó nằm ngay bên trong thân xác của ta. Bởi thế nên, ta mới ngộ nhận về thân xác! Vậy thì, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ ngợi ca/yêu thương kẻ thù ở nơi thân-xác-là-đền-thờ-Chúa-ngự, để rồi ta sẽ sẻ san mọi ưu tư mà giùm giúp, với quyết tâm. Quyết sẽ thắng. Chứ không thua.
Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn suy nghĩ nhiều về

“Kẻ thù ta”, và kẻ thù của mọi người.

Để rồi, sẽ hát lai rai hát dài dài vài ba câu bên dưới:


“Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!...

Kẻ thù ta…
____________________________________________________________



tải về 2.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương