Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang14/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

Cũng vậy, khi một người có nhu cầu đặc biệt và giáo xứ địa phương lại không biết về người đó, thì cộng đoàn sẽ không thể quan tâm, giúp đỡ được. Ví dụ, nếu ai bị đau nặng hoặc mất việc, vô gia cư, vv… thì khó cho mọi người dù quan tâm cách mấy cũng không thể hỗ trợ được. Hoặc, có người không còn khả năng lái xe đi lễ, hoặc không dùng phương tiện chuyên chở công cộng được, thì khó mà tìm được người cùng cộng đoàn đến giúp để đưa đi nhà thờ. Cùng lúc đó, lại có nhiều lý do để khiến người không đi lễ thường xuyên nhất định ở một nhà thờ thuộc xứ đạo của mình, được.

Nếu, như bạn có nói trong thư, thánh lễ được cử hành mà lại có vi phạm luật phụng vụ, hoặc bài chia sẻ không thích hợp hoặc đi ngược lại giáo huấn hay kỷ luật/nội quy của Hội thánh, thì đương nhiên là người dự không cảm thấy thoải mái; vẫn cứ lo âu chọn nơi khác để đi lễ, thì trường hợp chọn lựa ở lại giáo xứ có thể gây nguy hiểm cho niềm tin đi Đạo của mọi người, hoặc cho con cái người ấy. Nhưng, cũng nên hy vọng rằng chuyện đó chỉ là luật trừ, hơn là luật chung.

Nếu việc vi phạm không là chuyện nghiêm trọng hoặc chỉ là sở thích riêng tư, thì nói chung, nên ở lại với giáo xứ của mình, vì các lý do trên. Hơn nữa, ở lại với giáo xứ như thế, sẽ làm cho mọi người trong giáo xứ giúp đỡ nhau; và, vị linh mục chủ trì cũng tin tưởng hơn vào Giáo huấn của Hội thánh.

Nói theo giáo luật thì như thế. Có trước có sau. Có trên có dưới. Nhất nhất phải chu đáo. Phải đàng hoàng, đâu ra đó. Nhưng, vị giải đáp thắc mắc ở trên chỉ nói sơ qua một trong các rào cản khiến người trẻ không đi lễ ở giáo xứ của mình. Có bạn trẻ từng tâm sự, là: em không thấy hấp dẫn để đến nhà X vì nghi thức phụng vụ ở đó: các bài thánh ca chọn cho lễ có khi khô khan, cứng cỏi; có khi lại quá ướt át, uỷ mị. Hát thật nhiều, nhưng chẳng thấy lạc quan, chẳng thấy niềm vui như khi dự tiệc thánh theo tinh thần mà Chúa hằng mời gọi. Hoặc, chẳng thấy thoải mái dự lễ nhà thờ Y, vì bài chia sẻ của vị linh mục chủ tế hay phó tế lại dùng nhiều sáo ngữ, đặc sệt tính luân lý, giáo luật, nghe rất quen. Và, người trẻ cứ phải tìm nhà thờ nào khác vui hơn, thích hơn.

Cuối cùng, muốn lôi cuốn đám người trẻ chịu khó đến nhà thờ đều đặn hơn, dù để đi lễ hay đi sinh hoạt hội đoàn này khác, có nên quan tâm đến yếu tố vui, trẻ, đầy tính thời thượng, hẫn dẫn hay không?

Câu trả lời, xin nhường dành cho các bạn, những người đang nghe và đang đọc. Những người còn trẻ hay đã xế tuổi cuộc đời. Để các vị sẽ trả lời cho bạn. Trả lời cho chính mình, những người vẫn hỏi. Bởi, nhiều lúc có nhiều người vẫn cứ hỏi. Vẫn thắc mắc giống như thế.


Trần Ngọc Mười Hai


thường chẳng dám trả lời
mà chỉ dám hỏi.

Những chuyện kể năm hai ngàn lẻ


(Yn 15: 1)

Năm hai ngàn lẻ, có rất nhiều chuyện để kể. Chuyện vui thì ít, chuyện buồn khá nhiều. Chuyện vui, người người thường giữ trong lòng. Ít khi kể. Chuyện buồn, người vẫn thường tâm sự. Lan ra rất chóng. Các chuyện không vui năm hai ngàn lẻ hôm nay, cứ bát ngát dông dài, như những vì sao. Những vì sao đơn côi. Nhưng là những vì sao đáng thương. Thương và cũng thân như tình trạng của người trẻ, trong gia đình:

Chuyện kể hôm nay, một tâm sự được gọi là “những mất mát ngày đầu năm”, của một người con. Chuyện thuộc loại rất thật của nhiều gia đình. Có thể, xảy ra với gia đình mình. Hoặc, gia đình của bạn bè, người thân. Người bạn có con yêu tên “Martha”. Chuyện bắt đầu bằng thư tâm sự của người con:

“Thưa ba mẹ,


Hôm nay con viết thư cho Ba mẹ, mà sao con thấy lòng xao xuyến. Con có lỗi thật rồi, ba mẹ ạ. Lẽ ra, con đã phải có thư từ lâu, cho ba mẹ. Nhưng thôi không sao. Ba mẹ cứ yên tâm, đừng chấp nê đứa con hư, lang bạt này. Ba mẹ hãy ngồi xuống đi và thư thả đọc những giòng chữ chứa đựng tâm tình của đứa con mà Ba mẹ vẫn cho là bất hiếu, từ lâu. Con gái sẽ kể hết cho Ba mẹ nghe chuyện xảy đến với nó, trong ngày gần đây.

Vào lúc này, con thấy con khỏe hơn trước, rất nhiều. Vết nứt trên sọ não của con, do vụ chấn thương hôm rồi, nay chỉ làm cho con thấy ngứa ngày đôi chút, mà thôi. Sở dĩ con bị lâu như thế, là vì lúc ấy căn phòng con tạm trú, đột nhiên bị bốc cháy. Con cũng chẳng hiểu tại sao như thế. Nhưng lúc ấy, con phải lết cái thân gầy guộc của con ra tận cửa sổ và nhẩy đại xuống lầu. Cũng may, căn gác nơi con ở tạm, không cao lắm.

Sau đó, thì con chẳng còn biết những gì đang xảy ra chung quanh. Con chỉ biết nhắm mắt làm liều. Và khi tỉnh dậy, đã thấy mình nằm gọn trong căn phòng rộng thênh thang mầu trắng, của bệnh viện. Bệnh viện nào, con cũng chẳng nhớ nữa. Hôm nay, con chỉ còn thấy nhưng nhức từng chặp, và từng chặp nơi sau gáy. Mỗi ngày vài ba lần, rồi lại thôi.

Ba mẹ chắc cũng biết là con được thế là may lắm rồi đó. Lúc phòng con bốc lửa, con tìm mọi cách để thoát thân, ngay từ đầu. Con đã tìm cách chạy thoát, nhưng không được. Lúc ấy, con chỉ nhớ mang máng mỗi hình ảnh người chủ cây xăng là anh hàng xóm kế bên, thôi. Anh đã tận mắt chứng kiến mọi việc xảy ra. Và, có lẽ anh là người độc nhất để ý đến tình trạng sức khỏe của con. Ngoài anh ra, chẳng có người nào thèm bận tâm đến cứu con, hết đó. Chính anh là người đầu tiên điện thoại gọi cho đội chữa cháy; may họ cũng kịp thời đến cứu con. Anh còn thân hành đến tận bệnh viện để thăm hỏi, tặng quà ủy lạo con nữa.

Con rất cảm kích trước sự săn sóc tận tình của anh. Bởi thế nên, hôm sắp sửa xuất viện, anh có đề nghị là con hãy về chia phòng ở chung với anh. Ở vào hoàn cảnh con lúc đó, con mau mắn nhận lời. Không thấy gì là ân hận cả.

Căn phòng bọn con trú ngụ tuy không lớn, nhưng cũng đủ để hai đứa tạm giải quyết nơi ăn chốn ở, trong một thời gian. Phòng ốc trông không đến nỗi tệ, nhưng ngặt một nỗi nó nằm ở dưới nền đất. Nên, đôi lúc con thấy khá lạnh. Và, rất bất tiện cho sức khỏe của con, hiện giờ. Anh rất dễ thương và hào hoa lắm, Ba mẹ. Chính vì thế mà, chẳng bao lâu con đã có cảm tình với anh. Không những thế, con còn yêu anh thật sự, con nói thật đấy Ba mẹ. Con yêu không để đâu cho hết được.

Thưa Ba mẹ,
Nay, con có ý định tiến đến hôn nhân với anh ấy, vào một ngày rất gần. Đến giờ phút con đang viết những hàng này, tụi con vẫn chưa quyết định được ngày tháng cho tiệc cưới. Nhưng con dự tính, thế nào cũng tổ chức sao cho sớm một chút, vì con đang có mang.
Thưa Ba mẹ,
Đúng là con đã có thai. Bác sĩ quả quyết như vậy. Đôi khi con thấy cũng buồn buồn làm sao. Có lúc con cũng trách anh ấy sao gấp gáp quá để mọi chuyện kẹt như thế này. Nhưng sau đó con cảm thấy nguôi lòng, khi tưởng tượng ra là Ba mẹ sẽ rất thích thú được trở thành ông bà ngoại rất trẻ của cháu trong những ngày sắp đến. Con tin chắc là Ba mẹ sẽ vui mừng đón nhận đứa cháu ngoại đầu tiên của Ba mẹ. Ba mẹ sẽ ban cho đứa cháu ngoại đầu tiên, trọn vẹn tình thương của ông bà ngoại. Con nghĩ là ba mẹ sẽ hết lòng thương yêu và trông nom cho cháu, như Ba mẹ vẫn làm thế đối với con.

Thưa ba mẹ,


Bọn con tính trì hoãn đám cưới trong vài ngày nữa, vì anh con hiện đang bị lây nhiễm một thứ siêu vi gì đó. Mấy người trong bệnh viện bảo rằng, đó là bệnh VD hay chứng gì đó, con chẳng biết. Có điều là, anh không qua được xét nghiệm buộc phải thử trước ngày cưới. Như thế, lại càng khó cho con hơn. Phần khác, anh còn truyền cái bệnh hiểm nghèo ấy cho con, thế mới tức chứ.
Nhưng không sao, thưa Ba mẹ. Con sẽ giải quyết chuyện này dễ dàng. Chỉ cần uống ít viên kháng sinh, là xong. Chẳng cần lo lắng điều gì, cho nó bận rộn. Độ một ít nữa, con sẽ bảo anh dắt con và cháu về trình diện với Ba mẹ sau cho phải phép.

Con tin là Ba mẹ sẽ xử tốt với anh. Ba mẹ sẽ chờ anh đến, và rồi mở rộng vòng tay yêu thương mà đón nhận anh. Anh dễ thương lắm, con bảo đảm với Ba mẹ như thế. Dù trước đây, anh không được học đến nơi đến chốn, nhưng anh có nhiều tham vọng; và con nghĩ anh có đủ nghị lực để vươn lên cho bằng với người ta. Con thích anh là ở điểm đó, đấy Ba mẹ à.

Còn một điều nữa, cũng xin thưa với Ba mẹ là: anh gốc thuộc một chủng tộc khác với gia đình mình. Anh chẳng theo tôn giáo nào hết. Nhưng, con nghĩ, chuyện ấy cũng không đến nỗi gì. Mình có thể giải quyết sau. Có phải như thế không, thưa Ba mẹ? Con dư biết là lâu nay Ba mẹ vẫn tỏ ra khoan dung với hết mọi người. Chính vì thế, con nghĩ là Ba mẹ sẽ không lấy làm điều khi nhìn thấy mầu da của anh có hơi ngăm ngăm; nghĩa đậm hơn đa số những người trong họ mình. Con tin rằng không vì thế mà Ba mẹ sẽ bớt đi lòng thương yêu đối với anh phải không, thưa Ba mẹ?

Nói thì nói, chứ anh ấy cũng thuộc giòng dõi có tiếng. Con nghe kể, cha anh là tay súng cừ khôi thuộc bộ tộc chuyên săn bắn, ở đâu đó bên Châu Phi. Anh qua đây lâu lắm từ một nước ở xa tít mãi bên lục địa. Nhưng anh không có mặc cảm.

Thôi, đến đây con phải đi khám thai, ngay bây giờ. Con hẹn sẽ viết dài hơn cho Ba mẹ. Nhưng, con xin báo là con sẽ chỉ viết thêm một lá thư nữa thôi. Một mà thôi, để báo cho Ba mẹ biết ngày cháu ngoại ông bà chào đời.
Thôi nhé, con chào Ba mẹ. Con xin tạm ngưng ở đây

Con của Ba mẹ


Martha.

*

Đấy. Thư từ truyện kể, thường là như vậy. Rất kịch tính. Và, không có kết hậu. Cũng chẳng hứa hẹn điều gì vui. Một cú sét đối với các bậc cha mẹ? Những người vốn quen nề nếp tập tục cổ truyền, của cha ông. Có thể lắm! Nhưng, nhìn từ góc độ nào đó, truyện kể ở đây quả như mất mát không nhỏ đối với gia đình của Martha. Mất mát chợt đến, không hẹn trước. Vả lại, có mất mát nào lại hẹn trước, bao giờ? Nhất là, khi người cha người mẹ mất đi đứa con thân yêu của mình.


Thật ra ông bà chưa có mất mát. Vì chẳng có ai chết ở đây. Nhưng, với bậc cha mẹ, thà nhìn thấy con chết thật còn hơn là đụng mặt với sự thật quá đau lòng. Và, đó mới là mất mát không nhỏ. Tuy nhiên, mất mát dù to hay nhỏ, vẫn luôn là mất mát.
Nếu quan niệm mất mát là sự thể dính kết với bản thân của con người và cuộc sống, chắc người người sẽ có cái nhìn dễ dàng hơn? Lạc quan hơn chăng? Lạc quan, là vì ta vẫn coi mọi thứ mất mát như chuyện bình thường. Chuyện thường vẫn xảy ra trong đời. Có khi mất mát đó lại là ân huệ, từ Trên. Cái nhìn dễ dàng, vì đó là đòi hỏi căn bản của cuộc đời. Nói khác đi, mất mát hay không mất gì hết, mọi sự vẫn đều vì vinh quang của Thiên Chúa. Đều khiến mọi người phó thác cho Chúa. Và tùy thuộc vào Chúa.
Có thể nói mà không sợ ngộ nhận, rằng: điều quan trọng đối với con người không phải là ta được gì hoặc mất gì; nhưng là: mình có thái độ thế nào mỗi khi chạm mặt với mất mát? Hoặc, cả những khi mình nhận được những mình hằng mong ước? Mất là mất thứ gì? Trong tình trạng nào? Được là được trong lúc mình đang ra sao? Được hay mất có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của mình không?
Và dưới đây là một vài quan niệm, được thánh Mat-thêu ghi lại:

“Lời lãi cả và thế gian


mà mất linh hồn nào được ích gì?”

Chấp nhận mất mát, tức chấp nhận tự tỉa bỏ. Tỉa bỏ là trạng thái mất mát, có ý thức. Tỉa bỏ, là chấp nhận để mất đi những gì mình có. Không buồn lòng. Đôi khi cái cần mất, lại là một phần thân xác hoặc tâm tính yếu hèn của chính mình. Tỉa bỏ, là động tác tích cực cần có của mọi sinh vật. Tỉa bỏ, không chỉ là trạng thái gắn kết cuộc sống con người, hoặc muôn vật. Tỉa bỏ, còn là nhu cầu chẳng-đặng-đừng, không thể không có trong quá trình sống của vạn vật.

Trình thuật thánh Yoan nói lên nhu cầu cần thiết này:

Cây Nho đích thật chính là Ta,


và Cha Ta là người canh tác.
Nhánh nào trong ta không sinh quả,
Người chặt đi.”
(Yn 15: 1)

Nhìn vào tình hình Giáo hội thời ban sơ, Giáo hội tuy không muốn tỉa bỏ một phần nhân sự của mình, nhưng vẫn chấp nhận động tác chua cay ấy. Trường hợp thánh Phao-lô quả là tiêu biểu. Sau-lô (tên tục của thánh Phao-lô) lúc trước có trọng trách ruồng bắt thành viên của Giáo hội. Nhưng, một khi ý thức được sự cần thiết tỉa bỏ và thay đổi, thì chỉ trong một thoáng rất nhanh của Mặc khải đầy ân sủng, người trai trẻ Sau-lô đã trở thành Phao-lô hoàn toàn đổi mới. Một Phao-lô có ích lợi cho Giáo hội thực sự, sau khi đã tỉa bỏ con người cũ và đổi thay.

Chúa Kitô cũng là trường hợp tỉa bỏ, rất chân thực. Rất chính đáng. Ngài đã đích thân chấp nhận sự chết. Chấp nhận tỉa bỏ đến độ mất đi sự sống cao cả của Ngài. Có tỉa bỏ như thế, Ngài cứu rỗi mọi người. Ngài đã cứu rỗi nhờ sống lại vinh hiển sau cuộc tỉa bỏ thần thánh ấy. Và nhờ tỉa bỏ đời sống, Ngài cũng đổi mới mọi người. Nhờ vào mất mát lớn lao này, con người và vũ trụ đã được thay da đổi thịt, mà sống mãi. Tất cả phải được tỉa bỏ, để cùng sống lại với Chúa, trong vinh quang.

Đã hơn một lần, Đức Chúa Phục Sinh vẫn lập đi lập lại sự cần thiết phải tỉa bỏ. Cần có mất mát nơi con người:

“Nếu hạt giống không rữa nát,
làm sao nó sinh hoa trái.”

Hoặc:
“Ai muốn có sự sống,


hãy để nó chết đi…”

Và:


”Các ngươi cứ phá đền thờ này đi,
ba ngày sau Ta xây dựng lại…”

*

Mất mát và tỉa bỏ để sống lại với Đức Chúa, vốn là kinh nghiệm bản thân của mỗi người. Và mọi người. Mỗi kinh nghiệm ta có đều mang dang dấp, rất điển hình. Mỗi mất mát ta chịu, đều là những bài học quý giá, cho mọi người. Không mất mát nào giống mất mát nào. Có chăng, thì cũng chỉ na ná, giống chút thôi.



Kể lại những mất mát năm hai ngàn lẻ, là để ta có thêm ý tưởng mà tỉnh thức. Tỉnh thức, để rồi sẽ không sợ luột mất đi những gì mình hằng lưu luyến. Trân trọng. Nhưng, có tỉnh và thức như thế, mới biết san sẻ với người khác những gì là quý báu cho bản thân, và cuộc sống. Có thế, ta mới cùng nhau sống đích thực ý nghĩa của tình thương yêu sống lại nơi Đức Chúa. Chính vì Ngài dám chấp nhận mất mát, tỉa bỏ cuộc sống lớn lao cuộc đời Ngài, đời người mới có nghĩa. Mới đáng sống. Nên sống.

Sống cho ra sống.


Sống trong tin yêu.
Và cảm thông.

Trần Ngọc Mười Hai


vội phiếm khi nghe tin bạn
vừa mất mẹ

“Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”


(Lc 15: 11-32)

Phải thú thật, là: trong quá khứ, bần đạo cũng từng bị mang tiếng là một trong những tay quậy phá, khá ngỗ nghịch ở trường lớp, thời trung học. Cũng quậy và rất phá các bé em hiền lành thánh thiện, cùng độ tuổi. Quậy và phá, vì đang vào tuổi ngứa ngáy tay chân, chứ không có ý xấu. Quậy ít ngày. Phá ít tháng rồi thôi. Đến khi có cái làm mình bận tâm, là thôi ngay.

Những điều khiến đám học trò trung học như bần đạo, bận tâm và thích thú nhất bấy giờ là mải mê tìm đọc các truyện của tuổi mới lớn khá “quậy”, những là: “Chương Còm”, “Bồn Lừa”… của tác giả Vũ Mộng Long, một nhà văn/thày giáo lấy bút hiệu: Duyên Anh.

Bẵng đi một thời, bần đạo có dò hỏi về tình cảnh của ông “thầy quậy” này để xem ông ấy bây giờ ra sao. Được biết, ông cũng đi cải tạo một thời gian. Sau khi được thả, đã định cư ở nước ngoài. Rồi, lang bạt bên đất Mỹ, gặp nạn và qua đời vào tuổi “chưa già”. Nhắc tên ông hôm nay, là vì bần đạo chợt nghe lại bài ca nổi tiếng do ca sĩ Elvis Phương hát, trong đó có đoạn từng ấn tượng nơi đầu óc của người học trò nhỏ, lúc bấy giờ, như:

“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở cửa ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mơ
Để quên những vết thù”
(Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang-Ngọc Chánh &Phạm Duy)

Chuyện ngựa hoang và vết thù trên lưng, đánh động rất nhiều người, trong đó có bần đạo. Đánh động, chẳng phải vì thấy nhân vật trong truyện na ná giống như thân phận bọt bèo của chính mình. Nhưng, vì trong mọi tình huống cuộc đời, ta có ngang tàng hoặc “điên cuồng” cách mấy cũng có lúc “muốn về tắm sông nhẫn nhục”. Và rồi, cũng có lúc ta thấy “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thảm cỏ tình yêu, thật ra, ở đâu mà chẳng có. Đâu phải chỉ có dưới chân bạn. Chân tôi, mà thôi đâu. Và, thảm cỏ tình yêu đâu chỉ dành để cho nai hoang hoặc ngựa thuần. Mà, cho tất cả mọi loài. Từ thú dễ thương cho đến “con” người. Cả chim chóc, lẫn rắn rít sâu bọ… Loài nào cũng cần đến thảm cỏ tình yêu, rất xanh mướt. Rất ân tình.

Và, thảm cỏ tình yêu, được ban cho mọi loài, từ dạo trước. Có lẽ, duy chỉ có “con” người là “loài” ít để tâm. Ít cần mà thưởng ngoạn. Mà, cảm kích. Và, thảm cỏ tình yêu vẫn trải ra cho hết mọi người. Chí ít, là đám quậy phá hoang tàng, như trong trình thuật truyện kể về “người con hoang”. Người con ở đó, có là “con” người hoang tàng quậy phá, cũng biết thưa và biết nghĩ. Thưa là thưa thế này:

“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.
Và người cha đã chia của cải cho hai con.
(Lc 15: 12)

Là “con” người rất hoang như ngựa, nhưng anh chỉ “quậy’ ở mức độ “xin cha chia phần được hưởng”, chứ không “phá” tán tài sản của người anh. Và, trình thuật ghi tiếp:

Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa.
Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.” (Lc 15: 13)

Ở đây nữa, dụ ngôn ghi rõ các cụm từ “đi phương xa”, “phung phí tài sản của mình”, chứ không phá làng phá xóm, hoặc cướp giựt tài sản của ai. Tuy nhiên, vấn đề là người có một thời hoang đàng, quậy phá như người con thứ, đã biết thưa và biết xin, rồi nay còn biết hồi tâm và biết nghĩ:

“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ ……
Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:
"Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.
Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.
Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”
(Lc 15: 17-20)

Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là điểm: đã biết thưa/xin, biết hồi tâm và biết nghĩ…tức, có quyết định hồi hướng trở về. Và, một khi đã hồi tâm/hồi hướng trở về, ắt sẽ lại thấy được “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thời xưa, trình thuật diễn tả “thảm cỏ tình yêu” cho những “con” và “loài” đi hoang nay trở về như sau:
"Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,
xỏ nhẫn vào ngón tay,
xỏ dép vào chân cậu,
rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt
để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”
(Lc 15: 22-23)

Sở dĩ nhà văn/nhà thơ bảo: “thảm cỏ tình yêu” vẫn “ở dưới chân mình”, và thánh sử ghi lại tấm lòng của người Cha, vẫn trải thảm tình thương, bởi:


“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy.”
(Lc 15: 24)

“Ân tình mở cửa ra với mình” nơi đời thường ở huyện, cả một đời. Thời bây giờ. Chính đó, là thái độ của nhân vật được kể trong bài ca: “để quên những vết thù”. Hoặc, của “người cha” trong trình thuật, tức “Người Cha” trong Vương Quốc Nước Trời. Hoặc, đích thị là “cộng đoàn thân thương Hội thánh”, chốn gian trần.

Bỏ qua một bên, thái độ rất “không phải’ của người anh rất “quyền huynh thế phụ” ở trình thuật. Rất đạo mạo. Rất mô phạm. Nhưng thiếu “cỏ thảm tình yêu”. Thiếu cả lịch sự. Lịch sự tối thiểu, trong đối xử với người em, với cộng đoàn chung sống. Thiếu đến độ, từ chối khá nhiều thứ:
“Người anh cả liền nổi giận
và không chịu vào nhà”
(Lc 15: 28)

Thái độ ấy, khác nào cảnh tình nơi môi trường mà “ngựa hoang”, đã ghi nhận:


“Ngựa phi như điên cuồng
giữa cánh đồng dưới cơn giông
vì trên lưng cong oằn
những vết roi vẫn in hằn.”

Mặc dù thế:


“Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
Giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt
Ngựa hoang quân thù oán căm
Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”
(Ngọc Chánh&Phạm Duy: Vết ThùTrên Lưng Ngựa Hoang)

Và cảnh tình trên, phù hợp với đoạn tiếp nơi trình thuật người “con” hoang, rất “kết hậu”:

“Nhưng người cha nói với anh ta:
"Con à, lúc nào con cũng ở với cha,
tất cả những gì của cha đều là của con.
Nhưng chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ,
vì em con đây đã chết mà nay lại sống,
đã mất mà nay lại tìm thấy."
(Lc 15: 31-32)

Nghiệm sinh truyện kể về thái độ của những đứa “con” đi hoang, dù là người hay ngựa, thiết tưởng cũng nên liên tưởng đến một nhân vật từng hoang đãng, rất quậy. Quậy trong âm thầm, và bất bạo lực. Trước khi trở thành “thánh nhân”, ngoài Đạo, sau đây. Như thánh Phê-rô thưỏ trước, thánh-nhân-ngoài-Đạo Mahatma Ghandi, cũng đã biết tìm về “thảm cỏ tình yêu” để có những lời “xin thưa” chân tình với Đức Chúa, như sau:

Lạy Chúa…
Xin giúp con dám nói lên sự thật trước kẻ mạnh,
Và đừng nói dối để hòng được kẻ yếu tán thưởng.
Nếu Chúa cho con tiền bạc,
Xin đừng cất đi hạnh phúc của con.
Nếu Chúa cho con sức mạnh,
Xin đừng để con mất đi khả năng lý luận.
Nếu Chúa cho con thành công,
Xin đừng tước mất đức khiêm nhu nơi con.
Nếu Chúa cho con đức khiêm nhu,
Xin đừng lấy lòng tự trọng của con.
Xin cho con nhận biết khía cạnh khác của mọi sự việc.
Và xin đừng để con kết tội kẻ đối nghịch với con là phản bội vì họ không chia sẻ quan điểm của con.
Xin dạy con yêu thương kẻ khác như yêu thương chính bản thân mình
Và dạy con phán đoán chính bản thân mình như phán đoán kẻ khác
Xin đừng để con say men chiến thắng khi đạt thành công.
Và cũng đừng để con nản lòng khi thất bại.
Nhưng hãy dạy con nhớ rằng thất bại là thử thách dẫn đến thành công.
Xin hãy dạy con biết lòng khoan dung là sức mạnh ở mức độ cao nhất
Và ý muốn trả thù là biểu hiện đầu của sự yếu đuối.
Nếu Chúa không cho con của cải,
Xin hãy ban cho con lòng trông cậy.
Và nếu Chúa không ban cho con thành công,
Xin hãy ban cho con ý chí mạnh mẽ để vượt thắng thất bại.
Nếu Chúa không ban cho con sức khoẻ,
Xin hãy cho con ân sủng Đức Tin.
Nếu con đã làm ai tổn thương,
Xin ban cho con sức mạnh để xin lỗi họ.
Và nếu có ai làm con tổn thương,
Xin ban cho con lòng độ lượng và sức mạnh để tha thứ cho họ.
Lạy Chúa, nếu con có quên Ngài…
Thì lạy Ngài xin đừng quên con. (Mahatma Ghandi)

Lời cuối, bần đạo muốn thêm, là: nơi phần sâu thẳm bên trong của những ngựa/người con hoang, chắc chắn vẫn có cái gì đó không hoang. Rất đàng hoàng, mà mình không nhìn ra, đó thôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cảm thông
cho người và cho mình
có chứng hoang nhưng không tàng.

“Thôi nhé nghe em, mình xa nhau từ đây..”


“thôi nhé nghe em, mình xa nhau mãi mãi


em về cuối chân mây, tôi một mình ở lại
ân tình này, tôi nhận hết đắng cay” (Nguyễn Ánh 9)
(Hiến Chế Công Đồng “Hội Thánh Trong Thế Giới Hiện Đại” đ.16)
Lời lẽ trên, ca sĩ Thế Sơn từng hát trên băng dĩa, vẫn rất mới. Nhạc bản này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng viết trước 1975, còn nghe quen. Lời ca và ý nhạc của người viết, nghe qua như có giọng buồn rười rượi, day dứt. Khó diễn tả. Buồn và day dứt, vẫn là tâm trạng của các cặp tình nhân hơn một lần thề non hẹn biển, cuối cùng vẫn chia tay.
Chia tay hay ở lại, có lẽ là vấn đề bức xúc của mọi thời đại. Buổi xa xưa. Hay thời rất mới, lúc nào chẳng có những chuyện buồn vui của nhiều mái ấm. Kể cả những mái rất ấm như truyện vui Ngày Tạ Ơn ở Hoa Kỳ:

Hôm ấy, cặp vợ chồng cao niên chờ mãi không thấy con cái đứa nào gọi về nhắn nhủ hỏi han, thấy cũng chán. Các cụ bèn nghĩ cách gọi người con đang làm việc ở Nữu Ước, nói:


-Ba không muốn phá đám ngày vui của các con. Nhưng ba báo cho con một tin quan trọng trong đời, là: ba má đã quyết định chia tay nhau, sau 45 năm ăn đời ở kiếp với nhau.
Anh con trai nghe thế, vội gào thét ở bên kia đầu giây điện thoại:
-Trời đất! Ba nói gì con nghe không rõ? Ba má cũng biết nói chữ ly thân/ly dị sao?
-Ba má không thể nhìn mặt nhau thêm ngày nào nữa. Ba chán cái bản mặt của má mày. Không muốn nói chuyện với nhau nữa. Thôi, con gọi em con ở Cali, báo cho nó biết chuyện này…
Và ông cúp máy, cái rụp.
Cuống lên, anh con trai gọi ngay cho em mình. Cô em nghe chuyện, bèn trả lời:
-Chuyện lạ hà! Chắc ông bô bà via lại bắt chước bạn già mình mất rồi. Thôi để em lo.
Cô gọi cho người cha của mình và gào ngay trên máy:
-Ba má KHÔNG được làm gì hết, nghen. Chờ tụi con về rồi giải quyết, ba nghe kịp chưa? Con sẽ gọi cho anh Hai và hai đứa con sẽ về tới nhà, nội nhật sáng mai. Con nhắc lại: từ giờ đến sáng mai, Ba Má không được làm gì hết. BA NGHE CON NÓI GÌ KHÔNG? Nói xong, cô gác mạnh chiếc máy. Rất bực.
Và, ông cụ lẳng lặng gác máy, mỉm cười rồi nói với người vợ già:
-Thế là chúng sẽ về dự Lễ Tạ Ơn với bọn mình. Kỳ này, khỏi kêu gào năn nỉ, cũng chẳng phải trả tiền vé cho chúng nó.

Chuyện ở trên, xem ra có vẻ khôi hài. Nhưng, chắc chỉ khôi hài với những cặp giả vờ ly dị, thôi. Trong đời thường, nhiều vợ chồng chẳng bao giờ thấy khôi hài khi nghe hai chữ “ly dị”, phát ra từ ai đó.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương