Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang12/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16
Và, câu trả lời được diễn tả như sau:

Trước hết, như trong thư chị có nói là bạn chị muốn điều chỉnh hôn phối cách sao đó, ngõ hầu có thể rước Chúa khi đi nhà thờ dự lễ. Đây là điều rất hệ trọng. Bởi lẽ, hôn nhân của chị ấy trong giáo hội Thệ Phản, không được Giáo hội Công giáo công nhận. Xem như thế, có thể nói được là chị ấy đang ở trong tình trạng “rối” (tức phạm luật) với một người mà chị đã kết hôn một cách không thành. Và vì thế, chị không đuợc phép rước lễ, mà ngôn từ bây giờ gọi là: Hiệp thông với Chúa.

Điều quan trọng cũng nên biết, là: nếu người nào Công giáo mà muốn kết hôn với người không-Công giáo tại nhà thờ không thuộc đạo Công giáo, vẫn được làm chuyện ấy, nếu có phép của vị Giám mục sở tại.

Lấy ví dụ: nếu người Công giáo kia là con trai hay con gái của một thừa tác viên trong Đạo cứ nằng nặc đòi phải cử hành lễ hôn phối, thì Giáo hội Công giáo thường vẫn cho phép những việc như thế.

Nếu đã được phép, thì hôn lễ được Hội thánh Công giáo công nhận là thành.
Khi đã nói đến điều chỉnh hay hợp thức hóa hôn nhân là ta có ý nói một việc gì đó đã được thực hiện; và, hôn nhân của đôi vợ chồng ấy, được coi là đã thành theo nhãn quan của Hội thánh. Thật ra, có hai phương cách để thực hiện việc này:

Một, được đơn giản coi như việc “hợp thức hóa” để thành hiệu lực. Việc này, đòi hỏi đôi vợ chồng phải trao cho nhau sự đồng thuận một lần nữa, trước mặt vị linh mục và có hai người làm chứng. Nói cách khác, cặp này sẽ làm đám cưới lại, và lần này trong phạm vi khuôn khổ của Hội thánh.

Đôi vợ chồng ấy, có thể chọn làm đám cưới công khai như một buổi cử hành đám cưới đúng nghĩa; có nhiều quan khách đến dự; coi như phương cách diễn tả niềm vui của hai người được kết thành hôn phối, dưới nhãn quan của Chúa và cộng đồng giáo hội.

Hoặc giả, hai người cũng có thể chọn cử hành trong vòng thân mật kín đáo hơn, chỉ cần có linh mục và hai người làm chứng, và có thể có một nhóm bạn bè thôi, cũng được. Theo cách nào đi nữa, lúc ấy đám cưới của hai người, mới được coi là thành, kể từ ngày cử hành đám cưới mới đây, thôi.


Cách thứ hai, để điều chỉnh hôn nhân được biết dưới cụm từ

“Có hiệu lực hồi tố”, và việc này không đòi phải có sự đồng thuận trao cho nhau.

Làm cách này, hai người chỉ việc đến với vị Linh mục của mình, xin “hiệu lực hóa” hôn nhân. Khi đến, nên mang theo giấy tờ cần thiết -như: chứng thư hôn phối của đám cưới gốc, giấy rửa tội của hai người, vv..- và Linh mục sẽ chuyển giấy tờ này lên Đức Giám mục địa phận. Và lúc ấy, Đức Giám mục mới ban hành quyết định; hiệu lực hóa hôn nhân.

Làm như thế, hôn nhân của hai người này, mới được coi là có hiệu lực theo luật của Hội thánh, kể từ ngày đầu tiên đã làm đám cưới chưa có phép hợp thức.

Về hiệu lực hồi tố, hai vợ chồng dĩ nhiên vẫn tiếp tục đồng ý kết hôn với nhau, mặc dù họ không cần phải bày tỏ công khai sự đồng thuận này.Hình thức hiệu lực hóa hôn nhân như thế, có thể được cho phép ngay cả khi một bên không-là-Công-giáo, không am tường chuyện ấy. Đặc biệt nên khuyến khích làm như thế, chí ít là khi một trong hai người từ chối không trao cho nhau sự đồng thuận, vào buổi cử hành hôn lễ.

Về trường hợp chị nêu ra ở trên, là cuộc hôn nhân giữa người Công Giáo và người kia không-Công giáo, muốn cho “hôn nhân đa tôn giáo” thành hiệu lực, cũng phải có phép đặc biệt mới được. Trong trường hợp này, một số điều kiện cần được áp dụng. Phải đảm bảo là: không có gì nguy hiểm cho niềm tin của người theo Đạo Công giáo. Bởi, với tư cách Công giáo, ta hứa dùng quyền của người chồng hoặc vợ, chấp nhận sẽ rửa tội và giáo dục con cái theo nghi thức Công giáo. Và, người phối ngẫu nào không theo đạo Công giáo, đều phải am tường các bổn phận mà người Công giáo noi theo.

Vẫn biết, với hôn nhân đầu, đôi vợ chồng hoàn toàn có tự do tiến tới hôn nhân. Điều này có nghĩa, là: không người nào ở cả hai bên, đã từng tiến hành một đám cưới nào, trước đó.

Giả như, một trong hai người khi trước đã có kết hôn với người khác rồi, sau đó ly dị, thì người ấy cần có giấy quyết định hủy bỏ hôn nhân cũ, tức đám cưới trước. Giấy này do tòa án giáo luật cung cấp. Có như thế, đám cưới của hai người này mới thành. Mới có hiệu lực.

Kết hôn với người bên ngoài Đạo, có hiệu lực không? đó vẫn là thắc mắc của nhiều người. Của thời đại. Vấn đề, là vấn đề đối với giáo luật. Với đời sống xứng hợp với Đạo giáo. Cứ hỏi nhau về luật, dù luật đời hay Đạo, là phải trả lời như thế. Nhưng trên thực tế, ta có nên uyển chuyển và thông thoáng về vấn đề này không?

Trở về với chủ đề buổi phiếm hôm nay, có lẽ bạn cũng như bần đạo sẽ thấy khó hơn khi đặt thêm câu hỏi: biết làm sao định nghĩa được tình yêu …giữa những người nhà Đạo? Nhưng, có khó hơn chăng nếu có ai đó hỏi rằng: còn hạnh phúc giữa các người đi Đạo, thì sao?

Có lẽ, nên mượn ý của nhân sĩ nào đó có tên là Ziggy để trả lời, như sau: “Bạn có thể phàn nàn rằng:hoa hồng đẹp thật, nhưng lại có gai; hoặc bạn cứ thế mà hân hoan, vì trên cành gai kia sao lại có những bông hồng tuyệt đẹp như thế nhỉ?”.
Hoặc, cũng nên chọn định nghĩa của văn hào Victor Hugo về Hạnh phúc cuộc đời, dù đời ấy có là đời độc thân; hoặc, lấy vợ lấy chồng dù người phối ngẫu phía bên kia có là người đi Đạo hoặc không, vẫn cứ nói: “Hạnh phúc tuyệt đỉnh của cuộc đời là xác tín rằng ta được yêu thương”.

Trần Ngọc Mười Hai


chẳng thích định nghĩa nào
cho bằng sống trước đã,
định nghĩa sau.

Ước vọng - Dục vọng – Hy vọng


(1Cr 7: 1-29)

Có một dạo, hồi thập niên ’80 ở quê nhà, người dân thành thị cứ lao xao, kháo láo với nhau về cái gọi là “séc” nặng với “séc” nhẹ. Kẻ bàng quan, chẳng hiểu “séc” với “xiếc” là trò gì mà sao người người cứ ùn ùn rủ nhau đi xem, nhiều đến thế. Hỏi ra, mới biết đó là những cuốn băng hình phơi bày lồ lộ các động thái thời ban sơ của đám người gọi là “lớp nghèo thành thị”. Nghèo ở đây, không theo nghĩa thông thường (tội nghiệp cho người nghèo đích thật!), mà theo nghĩa hiện sinh triết học nào đó. Nghĩa là, trên người các “chủ thể” đóng phim chẳng có đến mảnh vải che thân.

Trong sống đời thực tế, nói đến “sex” là nói đến cái “dục” căn bản mà các triết gia -đứng đầu là Sigmund Freud- gọi là “Libido”, vốn nằm im ắng nơi con người, tự thuở nào. Với nhà Phật, “dục” không chỉ bao hàm khía cạnh thể xác với những khát vọng nhục thể, thôi; nhưng, còn hàm ngụ ham muốn, khát vọng tự bên trong con người, mà nhà Phật gọi là tham, sân si. Tức, xu hướng thèm muốn vật chất xác thịt, cả những ghen tị, giận hờn cùng đam mê dục tính. Nhất nhất, chẳng giúp con người đạt đến chốn Niết Bàn, rất sắc sắc không không.

Với các tâm lý gia cùng quan điểm, thật khó mà diệt được “Libido”. Bởi, ngay từ đầu, thoạt khi em bé rời cung lòng người mẹ, “Libido” vẫn gắn liền với bản thân con người. Libido, thể hiện ra bên ngoài, theo từng đợt tuổi. Ở thời thơ ấu, “dục” (libido) của trẻ được thể hiện qua tật mút tay, bú bẩm. Lớn lên, trẻ đi vào giai đoạn gọi là thời kỳ “cửa hậu”, rồi đến giai đoạn khóai cảm ở bộ phận sinh sản. Tiếp sau đó, là giai đoạn xác khoái mà người thanh nam thanh nữ đi vào quan hệ dục tính.


Xem như thế, “Dục” đã vào với thân phận con người từ bé đến lớn, có lúc đạt giai đoạn mà sư tổ ngành phân-tâm-học gọi là mặc cảm Oedipe; dựa trên câu truyện thần thoại Hy Lạp dùng làm nền cho chủ thuyết Duy Dục của ông.

Để diễn tả những gì có liên quan đến “dục”, mỗi triết gia tâm lý, mỗi sắc tộc dân gian, mỗi địa phương tập tục đều thể hiện những hình thái bày tỏ rất khác biệt. Tựu trung, người nào, thời nào cũng đều công nhận: “Dục” (libido) đã thẩm nhập con người từ khoảnh khắc nào đó, trong cuộc đời. Nó luẩn quẩn lấn cấn mọi người, trong suốt một thời để sống và một thời để khoái cảm. Kịp đến khi, người người thấy thân xác không còn đeo đuổi cuộc sống của mình nữa, thì cái “dục” quỉ quái kia, mới thôi không còn bận lòng chủ nhân ông nữa.

Với nhà Đạo, cộng đồng dân Chúa cũng có kinh nghiệm sống về cái gọi là “dục”. Trong chương 5 và 6 ở thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corinthô, thánh Phaolô đã đề cập đến một số hành vi được con dân trong cộng đồng biên thư báo cáo với thánh nhân. Hành vi được kể lại, là các động thái mang tính cách rất “dục”, đưa đến tranh cãi/kiện tụng.

Vừa qua, trong loạt bài học hỏi Kinh thánh đăng trên The Catholic Weekly, Lm M Kenney có lời bình như sau:

“Thánh Phaolô viết đoạn thư này là để giải thích cho dân thành Côrinthô hiểu. Họ thường bối rối lẫn lộn vì một số người đã và đang sống trong tình trạng vô luân, nhiều lòng “dục”. Thánh nhân nói: hành vi của người nhà Đạo phải phản ánh những gì Hội thánh quyết tâm thực hiện. Ta chỉ nên làm những gì được Chúa Thánh Linh soi sáng, mà thôi. Mọi hành vi xuất tự mỗi cá thể đều liên hệ đến nhiều người khác. Trước nhất, là các kẻ tin vào Đức Kitô. Thứ đến, hành vi nào cũng đều là chứng tá trước mặt người ngoài Đạo, ở Côrinthô.

Thánh Phaolô rất lo, khi hay biết rằng đồng Đạo ở Côrinthô đã đưa nhau ra tòa về những tranh tụng, đủ loại. Tranh tụng và cãi vã có nhẹ nhàng cách mấy cũng cho thấy dân con thành Côrinthô chưa trung thực với ơn kêu gọi của Kitô hữu. Bởi khi đã quyết tâm, dân con cùng Đạo dù bất bình cũng không nên đem nhau ra tòa mà kiện nhau như thế.

Nói về các xích mích ở trên xong, thánh Phaolô bèn trả lời các vấn nạn cộng đoàn nêu ra. Trước tiên, là chuyện hôn nhân. Ở đây, ta biết được thắc mắc của dân thành Côrinthô, là nhờ câu trích: “Với người nam, chuyện không sờ soạng đụng chạm vào người phụ nữ là điều tốt.” (1Cr 7: 1)

Điều này có nghĩa: lâu nay, người dân thành Côrinthô tin vào Đức Kitô vẫn chọn lối sống độc thân, thanh bạch. Họ đặt tầm mức linh thiêng, thanh sạch cao hơn những gì mang tính dục vọng, xác thịt. Chính vì thế, họ nghĩ rằng: ngay đến hôn nhân chính đáng cũng không nên có chỗ đứng trong Vương quốc của Đức Chúa, nữa.

Dù đã chọn sống đời độc thân, Phaolô không muốn ép buộc ai cũng phải sống như mình. Điều này, quả không thực tế chút nào. Trước hết, thánh Phaolô nói: ai không chịu nổi các đòi hỏi của dục vọng, thì để tránh chuyện dâm dật, tốt hơn hãy nên thành vợ thành chồng.

Tiếp đến, thánh nhân nói về trường hợp: nếu một trong hai người thuộc cặp vợ chồng nào đi nữa là người ngoài Đạo, mà người ấy chịu ở với người phối ngẫu chăm giữ Đạo Chúa, thì tốt hơn cả hãy ở với nhau như thế. Bởi, dù có khác biệt về Đạo, cả hai vẫn được Chúa chúc lành.

Viết cho cộng đoàn Côrinthô, thánh Phaolô hiểu rằng: vào thời ấy mọi kẻ tin đều nghĩ rằng Đức Chúa Phục Sinh sẽ quay trở lại trong một thời gian rất ngắn, để ở với thế gian. Có tín hữu còn tin là Chúa sẽ quang lâm vào thời họ đang sống.

Và, để chuẩn bị đón Chúa Quang Lâm, tốt hơn nên giữ đời độc thân, thanh sạch. Có nguời còn đi xa hơn, dám nghĩ rằng: người dù đã có gia đình, vẫn nên bỏ nhau để có thể đón Chúa trở về, với lòng thanh bạch. Chính vì thế, thánh Phaolô mới khẳng định, là: hành động như thế không là chuyện cần thiết, nên làm:

“Dầu sao, mỗi người như Thiên Chúa đã phân định cho mình, mỗi người như Thiên Chúa đã kêu gọi (dù ở hoàn cảnh nào đi nữa), hãy cứ sống như vậy.”(1 Cr 7: 17)

Hãy cứ sống như vậy, tức là: cứ ở theo tình trạng phối ngẫu của mình -nghĩa là độc thân hoặc yên bề gia thất- như vào ngày mình chịu thanh tẩy. Để hiểu rõ hơn lời khuyên trên, có lẽ cũng nên đọc lại quả quyết của thánh Phaolô ở đầu thư, khi thánh nhân đã quả quyết rất chắc nịch, rằng: Nếu ai ở độc thân như tôi, thì phúc cho họ. Nhược bằng họ không tiết dục được, thì hãy kết hôn. Vì, thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt (vì lòng dục)” (1Cr 7: 8-9)

Với các thánh trong Đạo, “dục” (libido) vẫn là cái mà mọi người cần phải xa lánh, tiết chế. Không tiết chế hoặc diệt được nó, cũng phải tìm cách làm ngơ hoặc chọn giải pháp chính đáng khác, như sống đời hôn nhân chẳng hạn.
Để giải quyết vấn đề, nên nhớ đến lời ông Môsê trong Cựu Ước:

“Hãy bảo toàn thể cộng đồng con cái Israel và nói với chúng:


Hãy là thánh, vì Ta là thánh;
Ta, Yavê, Thiên Chúa của các ngươi.”
(Lv 19:2)

Là thành viên cộng đồng dân Chúa, tức đã là thánh, hiểu theo nghĩa nào đó. Nhưng, vẫn không thể hoàn toàn là thánh thiện, nếu không tuân thủ lời khuyên, lẽ dẫn giải của các thánh nhân. Đặc biệt hơn, chính Lời của Đức Kitô sau khi Ngài minh định:


“Có những người yêm hoạn
bởi mình làm cho mình thành yêm hoạn,
vì Nước Trời.
(Mt 19: 12)

Nói cho cùng, để sống hài hoà không bị “dục” (libido) quá thúc bách, cũng nên nghe theo lời khuyên Kinh thánh:


“Hãy sống như trẻ nhỏ,
vì Nước Trời thuộc về những người như thế.”
(Mt 19: 13-14)

Sống như trẻ nhỏ, là biết nghe Lời Chúa: sống thanh sạch chẳng thiết tha gì đến dục vọng, hay dục tình. Dù, vẫn trải qua các giai đoạn của đời người, đầy dục tính. Dù, vẫn có hạnh phúc khoái cảm của người mang thân xác, rất bình thường.


Sống như trẻ nhỏ, còn là sống không tha thiết đến nhục, cũng như dục. Không đầy dẫy dục vọng, nhưng vẫn có ước vọng và hy vọng. Hy vọng rất thanh cao. Ước vọng rất trong sáng.

Trần Ngọc Mười Hai


vẫn cứ băn khoăn về cách sống như trẻ nhỏ
có nhục thể, nhưng không dục.

Em có nghe chăng một dặn dò


(Mt 15:10)

Bắt đầu, là một câu chuyện rất… thật. Chuyện tử tế của một vị rất ư là tử tế. Chuyện do một thừa tác viên kẻ liệt người Úc có tên là Gerard Bulkfin. Là tu sĩ thuộc dòng thánh Patrick có nhiều kinh nghiệm về mục vụ cho người đau ốm. Hôm ấy, ông ghi lại một phản ứng của người bệnh nọ ở bệnh viện Westmead, Sydney như sau:

“Mỗi lần có chuyện không hay xẩy đến với người tử tế tốt bụng, dường như có một điều dễ nhận ra, là: phần đông những người này thường tỏ ra phẫn nộ, đôi khi còn kèm theo động tác có hại cho sức khoẻ nữa. Ví dụ mà tôi rút được từ bệnh nhân cao niên nọ khi cụ gặp sự cố xảy đến với chính cụ. Bao giờ cũng thế, mỗi khi cảm thấy cơn đau dằn vặt, người bệnh dễ trở nên giận dỗi. Chuyện này cũng dể cảm thông, thôi. Nhưng, ta phải làm một việc gì để giải quyết cơn giận hàm hồ ấy chứ. Sau đây là câu chuyện giận dữ mà tôi gặp ở một cụ cao niên đang lâm bệnh, ở Sydney:
Lâu nay, tôi vẫn sống một đời lành mạnh. Lấy vợ tròm trèm chỉ mới 59 năm. Gầy dựng được một gia đình tương đối không đến nỗi tồi. Thế mà, không biết tại sao Chúa nỡ trừng phạt lại để cho tôi ra như thế này? Đấy! Cứ nhìn mà xem. Biết bao người khác, họ sống ở đầu đường xó chợ, chuyên giựt giọc, giết người cướp của, hãm hại dân lành, thế mà họ có hề hấn gì đâu. Trong khi tôi đây, chưa một lần phạm lỗi ngỗ nghịch 10 điều răn Đức Chúa Trời cùng sáu điều răn hội thánh, thế mà… thế mà tôi vẫn như thế này.”

Vâng. Đó là một ví dụ về sự giận dữ. Giận dữ không chỉ với người đời mà thôi. Nhưng, còn giận cả Đức Chúa nữa. Để đối đầu với những điều gọi là “sự dữ” thường xẩy đến với bạn bè, người thân hoặc với chính mình, tưởng cũng nên tạo sự bình tĩnh tối thiểu. Bình tĩnh trước, rồi sau đó mở rộng đôi tai ra mà lắng nghe và cảm nhận. Cảm nhận, sau khi đã nghe những quả quyết lẫn khẳng định từ Đức Chúa, về hiến chương Nước Trời. Hiến chương duy trì tình thương và hạnh phúc cho muôn dân. Cho mọi người. Kể cả những người cảm nghiệm “sự dữ” đang xảy đến với chính mình. Với muôn người:

“Phúc cho những kẻ ưu phiền,
vì họ sẽ được an ủi.” (Mt 5: 5)

Ưu phiền là một khổ đau. Khổ đau, là vì phải giáp mặt với sự dữ/ác thần. Với cái “họa” gửi đến cho nhân gian, nơi trần thế. Thừa tác viên nói ở trên đã đặt vấn đề là: làm sao để đối xử tử tế với những người vốn rất tử tế, nhưng đang trong cơn giận rất dữ? Giận, cả người thương yêu mình. Dữ, cả với Đức Chúa. Để đáp ứng trường hợp kể trên, một trong những đề nghị tuy không dễ, nhưng có thể thực hiện được trong cấp thời, là: tư thế lắng tai nghe. Lắng tai, không chỉ để nghe mà thôi. Nhưng, còn để cảm nhận được rằng: ngay đau khổ, cực hình có khi cũng lại là ân huệ, Chúa tặng ban. Ân huệ, là để cùng người nổi giận sẽ đồng thuyền, đồng cảnh ngộ với Đức Chúa. Chí ít, trong Mùa Chay đòi nhiều sám hối, hôm nay.


Về thái độ “lắng tai nghe”, mở Tin Mừng nhất lãm ra mà truy cứu, người người sẽ bắt gặp những câu, những đoạn rất ngắn gọn, nhưng mang nhiều ý nghĩa cho những quyết tâm thực hiện:

“Ai có tai thì hãy nghe”.(Mt 13: 9),


hoặc:
“Hãy nghe mà hiểu lấy”. (Mt 15: 10; Lc 14: 33)
Thật ra, có tai để nghe thì ai mà chẳng có. Ngoại trừ các cụ bị câm điếc, tật nguyền từ lúc bẩm sinh. Còn thì, bước vào cuộc đời, người người đều có đôi tai rất quý để nghe, để biết. Duy có điều, là mọi người có tai thật đó, nhưng muốn nghe hay không, hoặc có để ý nghe hay không, lại là chuyện khác.
Về chuyện muốn nghe không và/hoặc có để ý nghe không, Tin Mừng từng đề nghị người nghe, người đọc hãy “trở nên như con trẻ”. Vì, Nước Trời thuộc về chúng. Trở nên như con trẻ, tức là biết nghe và chịu nghe như trẻ con. Gần đây, nhiều nhà tâm lý cho biết: ngay khi lọt lòng mẹ, trẻ thơ cũng đã biết nghe và học được cách lắng tai nghe. Các em bé học nghe, không chỉ bằng đôi tai của mình mà thôi; nhưng, còn bằng mắt, bằng mũi và các quan năng khác. Làm cha làm mẹ, còn gì thích thú bằng lúc nghe con cái mình, tuổi còn nhỏ, nhưng đã biết nói những câu, như: “Ôi chao mẹ ôi, sao mẹ làm món gì mà con nghe mùi thơm quá chừng chừng vậy?”..
Có đề nghị rằng bất cứ trường hợp nào, khi lắng tai để nghe, cũng nên để lòng mình chùng xuống . Bỏ hết ý kiến riêng lẻ, bỏ mọi tâm tình đơn độc hoặc cá biệt đi, để nghe và đón nhận ý kiến người khác. Khác phe. Khác phái. Dù, ý kiến ấy rất khác, rất nghịch với ý kiến của riêng mình. Và, thường thì các ý kiến của người khác chẳng thua chẳng kém ý kiến của mình, bao giờ.
Khoa học kỹ thuật lâu nay đang ra sức nghiên cứu các đặc thù của quan năng lịch duyệt và quý phái này, tức nghe và nhìn. Lúc thì người người đặt nặng vào thị giác, lúc thính giác. Nhưng thử hỏi, mấy ai để công nghiên cứu thái độ biết nghe lời dặn dò của Đức Chúa, trong Phúc Âm? Nghiên cứu, để khích lệ mọi người có thái độ biết nghe. Nghiên cứu, để đón nhận nhiểu điều hay lẽ phải từ lời dặn: Hãy nghe và hiểu lấy.
Còn nhớ, trong Tin Mừng của Chúa, có những lời dặn dò rất vàng ngọc Đức Kitô gửi đến vào những khi ta phải đối đầu chạm mặt với các đôi tai chai đá, hoặc thái độ lạnh lùng của những người từng nghe Ngài giảng dạy về Vương Quốc Nước Trời, như:

“Hễ ai không đón nhận và nghe lời các ngươi,


hãy ra khỏi nhà hay thành ấy
và rũ bụi khỏi chân mà đi.” (Mt 10: 14)

Xem như thế, Đức Chúa chú trọng nhiều đến việc nghe, hơn là nói. Mặc dù, ta gặp rất nhiều đoạn trong đó đề cập: một điều Chúa phán thế này, hai điều Chúa căn dặn thế kia. Ngoài ra, khi xuống thế mặc lấy thân phận làm người, Đức Kitô cũng mặc lấy cho mình cái quan năng lịch duyệt là “nghe” kia. Ngài “nghe” rất nhiều. Nghe, để biết con người nghĩ gì? làm gì? xử sự ra sao?...


Chính vì đã nghe và biết nghe, Đức Kitô vui lòng chấp nhận thánh lệnh của Cha. Vui nhận, thân phận làm con ông Yuse và bà Maria, rất bình thường. Vui nhận mọi khổ đau, nhục hình do các người con của những con người không biết nghe và chẳng muốn nghe lời Thiên Chúa phán dạy.
Nghe là điều cần thiết và thích hợp hơn “nói”. Hãy cứ nghe đi, tự khắc Đức Chúa sẽ chỉ định cho mình phải nói gì, làm gì. Huyền sử về những người công chính trong Cựu Ước lẫn Tân Ước là những ví dụ rất cụ thể về tầm quan trọng của việc “nghe” và lắng nghe, để hiểu. Tỉ như:
*Với Saul:
“Lạy Yavê, xin Người hãy phán,
đây tôi tớ Người đang nghe.” Sm I 3: 9)

*Về Abraham:


“Mọi điều Sara nói với người
ngươi hãy nghe theo.” (Kn 21: 12)

*Riêng thánh Phaolô trong Tân Ước, thường kêu gọi:


“Thưa đồng bào Israel, thưa các vị kính sợ Thiên Chúa, xin hãy lắng nghe.” (Cv 13: 16).

Khi xưa, triều đại nào cũng có các quân sư cho Vua quan, Chúa sãi, Hoàng hậu. Họ làm cố vấn kinh tế, chính trị giỏi dang nhiều bề, nhưng các vị quân sư vẫn một mực để tai nghe nhiều hơn “phán”. Tất cả đều chú ý nghe, xem ý kiến của Bề Trên/Cấp Trên của mình trước đã, sau đó mới đề xuất ý kiến nào thỏa đáng, phù hợp với tình thế lúc đó.

Ngày nay, với cuộc cách mạng truyền hình/tin học, chừng như người người chú trọng nhiều đến khía cạnh xem và nói nhiều hơn là nghe và tìm.Nói cách khác, giới trẻ ngày nay dường như mất dần khả năng nghe cho chính xác và thỏa đáng, cho thích hợp vì họ cứ mải mê tiếp xúc với những ảnh hình biến đổi. Với các loại âm nhạc ồn ào kích động. Những bộ phim tập, ảnh hình đầy bạo lực, chết choc, trong đó: cái hay cũng như nét đẹp tinh tế của người đời và đời người không được đề cao vận dụng, cho đúng mức.

Dầu sao đi nữa, nếu muốn, con người vẫn có thể trau dồi khả năng cũng như thái độ “biết lắng nghe” của mình. Bởi, lắng tai nghe, là kỹ năng Thiên Chúa đã phú ban cho con người thuộc mọi lứa tuổi. Ở mọi thời. Nghe, là cách thế biết để lòng mình lắng đọng. Biết tạo cho cái tâm của mình được tịnh. Và, quan trọng nhất, là: biết rằng mình cần nghe nhiều, học nhiều nơi người khác. Vì, mình đã có tai để nghe và biết lắng nghe. Có vui vẻ biết nghe và muốn nghe như thế mới không quên lãng lời Cha dặn dò.

Trong xã hội sôi động vì phải tiếp xúc với đủ mọi thành phần chính kiến cũng như tính tình, lắng tai nghe vẫn không là chuyễn dễ làm. Cũng không hẳn là chuyện thường tình vẫn xảy ra hằng ngày, với mọi người. Với xã hội văn minh đương đại, vấn đề có thì giờ bỏ ra cho tâm mình nó tịnh để lắng tai nghe, thật rất hiếm. Thời gian, ta vẫn có, nhưng đã mấy ai biết và chịu để cho lòng mình lắng xuống mà tịnh tâm. Và, lắng tai nghe lương tâm mình đang nói. Chí ít, là đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa qua trung gian của người khác. Dù, người ấy có là đồng Đạo, đồng hội thuyền đồng thuyền hay nghịch chống, với mình.

Trong chuyến công du về miền Tây nước Úc, có bạn đi về kể lại là: anh được hân hạnh tiếp xúc với một nhóm thiền học Vô Vi. Quan sát phong cách và thái độ đối xử của người trong nhóm với nhau, anh nhận ra được bầu khí thân thương/ hòa nhịp của các thành viên lớn bé. Chừng như có một động lực tiềm ẩn nào đó gây phấn chấn cho mọi người, khiến các thành viên trong nhóm đã sống và ứng xử với nhau, hơn hẳn bạn thân. Tựa người ruột thịt, cùng nhà.


Kể lại chuyện này, không phải để khơi dậy một luận bàn tranh cãi bất kể thuộc hình thái nào. Nhưng, người kể chỉ muốn truyền đạt một kinh nghiệm rất khác người và khác mình,để tìm hiểu xem tại sao những người mà mình cho là vô thần, khác Đạo, suy nghĩ ra sao? Họ biết lắng nghe nhau, như thế nào? Và, cuối cùng, họ có nghe lời dặn dò nhắn nhủ của Đấng Bề Trên hay không mà sao sống hài hòa như thế?…
Cuối cùng, người kể lại cũng nhận ra rằng: một cách nào đó, những người “ngoài Đạo” kia ,chẳng ai bảo ai, đã thực hiện được lời nhắn nhủ của Đức Chúa, rằng: “Ai có tai hãy nghe!”. Bởi, khi nhập thiền, vô tịnh theo cách thức riêng tư của mỗi người, các vị này đã nghe được lời mời gọi của thiên nhiên, vũ trụ. Của vị Chúa tể càn khôn. Lời mời gọi ấy nhẹ nhàng nhưng cấp bách: “Hãy lắng nghe…”, “nghe hơn là nói”… trong tư thế rất “thiền”. Một tâm trạng, mà chắc các bạn đang đọc hàng chữ này, công nhận là: người “ngoài Đạo” cũng biết để lòng mình lắng đọng, mà dọn chỗ cho Ơn Trên, đến với mình.
Chuyện kể ở trên, chắc cũng khiến cho các bạn đọc hàng này, đang nghe được tiếng nói ở đâu đó, có lời ca mời mọc trong bài ca rất Đạo do người viết nhạc có tên là Nguyễn Duy, viết như sau:
“Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài dạy con trong cuộc sống.
Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài từng theo bước đời con…

Vậy thì, một lần nữa, xin được chuyển đến bạn bè gần xa lời dặn dò khi xưa trên đồi vắng hay nơi phố chợ ồn ào: Ai có tai thì hãy nghe… mà hiểu lấy.

Có nghe, thì mới hiểu. Có nghe, mới biết được rằng: Chúa thương ta, vẫn cứ dặn dò:

Ngày ấy, Chúa cất tiếng gọi khắp nơi.


Ngày ấy, đến với Chúa đi vào đời.
Ngài muốn hết thế giới
được lắng nghe loan Tin vui
cùng nắm tay chung xây trời đất mới.
(Thành Tâm – Sĩ Tín –Vào đời)

Vâng, chính thế. Chúng ta có tai để nghe, hãy lắng nghe tiếng Chúa gọi để đi vào đời loan Tin Vui và cùng dựng xây trời mới đất mới. Vì, ở nơi đó vẫn có tình yêu thương. Ở nơi đó, có ơn cứu độ của Đức Chúa vẫn gửi đến với mỗi người và mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
với ao ước vẫn được nghe
Tin Vui An Bình vào Mùa Chay 2007

“Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao”


Nhập bàn chuyện phiếm hôm nay, bần đạo xin kể cho bạn, là người đang đọc những giòng chảy suy tư này, câu truyện có liên quan đến bản thân và nhiều người như sau. Hôm ấy, chỉ vỏn vẹn còn đúng 3 ngày là bần đạo sẽ chấm dứt công việc lâu nay mình vẫn làm. Làm cho chính phủ. Cho người khác.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương