Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang13/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

Vào giây phút đang lâng lâng thèm ngủ và nghỉ, một đồng nghiệp từ lầu dưới điện lên hỏi:

“Này bạn hiền, trước khi bạn ra đi lên đường hồi hưu, bạn muốn thứ gì để bọn này mua tặng ?” Nghe hỏi thế, bần đạo đã thấy vui, nhưng cũng kịp nén cho lòng mình trùng xuống, rồi trả lời: “Tớ nay có đủ mọi thứ, chỉ thiếu mỗi nụ cười, và lời tạ từ thân thương của các bồ thôi. Đừng mua gì cho tớ hết. Coi chừng làm um xùm quá, tớ sẽ “biến mất” cho coi, hỡi cô bé, người đồng nghiệp”.

Quả thật lúc ấy, bần đạo chẳng muốn gì, chỉ muốn bắt chước nghêu ngao như ban The Beatles, vẫn thường hát, dạo nào: Này bạn hỡi, hãy nói lời chào mừng, đừng nói tạ từ làm chi.. (“Hello, hello ! Just say hello, don’t say good-bye”)
Quả là như thế. Một khi bạn đã quyết chí về hưu. Quyết rời và bỏ công việc lâu nay mình làm lụng, dứt khoát không còn bận tâm nuôi phần thể xác nữa, thì hẳn sẽ giống như bần đạo, chỉ muốn ”về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao mà lòng vẫn xôn xao”, mà thôi. Cuộc tình ấy, hẳn là bạn và tôi đã hơn một lần bắt gặp khi nghe lời nhắn nhủ thân thương dạo nào, nhưng vẫn quên. Quên, vì cứ mải miết những làm và lụng. Quên, vì sợ vẫn mãi làm thinh.
Nay, vào những ngày cuối trước khi ra về “với giáo đường”, bần đệ lại nhớ đến lời dặn dò hôm trước, từ cuộc tình dâng cao:

“Các anh hãy ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.”

(Lc 9, 6).

Và nhất là, lời dặn dò như thế này:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 34 – 35)

Xem như thế, “ra đi” loan báo Tin Vui An Bình, là tỏ cho mọi người biết chúng mình yêu thương nhau. Thế nhưng, trong quá trình sống đời cộng đoàn, dù là cộng đoàn đi làm hay cộng đoàn tình thương đi Đạo, vẫn thấy xảy ra các vấn đề chung đụng và va chạm. Chí ít, là cộng đoàn gia đình, tình thân, cũng thế.


Có những lúc, bạn và tôi, thấy mình bị tổn thương, vì những lời lẽ có tính xúc phạm. Những trò “chọc quê” xuất phát từ người trong cuộc. Thật ra, cộng đoàn nào, mà chẳng có những tình huống đụng trận, cãi tranh như thế.

Và, có nhiều cách đáp trả. Có thể là, đáp ứng và trả lời, rất đàng hoàng. Cũng có thể, là những đáp lại bằng cử chỉ trả đũa, rất khó coi. Cụm từ “phản ứng”, “trả đũa” thường đưa ra một động tác phản ứng, phản xạ không suy tính. Cũng chẳng mang tính lựa chọn hay quyết định, hoặc suy nghĩ đắn đo nào hết.

Thật ra, cũng có lúc ta tìm đến một chọn lựa nào đó để hành xử. Nhất thứ, là khi người khác cứ tìm cách, hoặc “chọc quê”, hoặc làm phiền “người công chính”, rất công minh và chính trực, như bạn và tôi. Nhưng, ta có thể nhận biết rằng mình có quyền chọn lựa về cách hành xử với một người, hay mọi người. Đó là điều hệ trọng.

Trong Kinh Thánh, ở sách Châm Ngôn, có đoạn nói về chuyện này, đại ý như:

“Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan,
lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.”
(CN 15, 1)

Và, tiếp đó lại có:

“Lời xoa dịu tựa cây ban sự sống,
lời nham hiểm làm tan nát tâm can.
(CN 15, 4)

Và, cũng còn nhiều chương đoạn trong Kinh Thánh đề nghị bạn và tôi, ta hãy cẩn trọng với lời lẽ xuất ra từ miệng lưỡi. Nói chung, là những đề nghị hãy cẩn thận về những điều mình phát ngôn. Ví dụ như:

“Người nói năng dè dặt là người hiểu biết,
kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan.”
(CN 17, 27)

Đôi lúc ta thấy, có khi người đồng hương, đồng cảnh trong cộng đoàn mình chung sống, đã đối xử với ta, với nhau theo cách thức mà mình chẳng bao giờ tưởng tượng là họ có thể làm như vậy với bạn bè được. Nhất thứ, họ lại là con dân nhà Đạo.


Nói sao cho cùng, vì đồng nghiệp hay đồng hội đồng thuyền cùng cộng đoàn, vẫn có thể là người tốt/xấu mình từng gặp gỡ và chung sống. Họ là những người có đủ hỷ nộ ái ố, tính tình dồn nén trong cá nhân riêng lẻ. Gặp cảnh này, ta hãy tích cực mà cho rằng người đó, vị đó đang “tung chưởng” bộc phát cho ra những dồn nén lâu ngày bị o ép, chỉ chờ dịp thuận mà đẩy ra thôi.

Quả thật, lý do làm nền cho mọi tình trạng bất ưng này, cũng chỉ vì ta thiếu tôn trọng lẫn nhau. Hoặc, quên nhận thức, rằng: ai cũng có quyền được người khác tôn kính đồng đều. Vì, ai cũng có tự do như nhau. Có thể là, nhiều lúc người ấy, vị ấy không là người xấu hoàn toàn. Họ cũng vẫn là đồng Đạo, đồng hương hay đồng hành rất tốt, thật thân. Nhưng, vào lúc nào đó, riêng họ cũng có những vấn đề thuộc diện bản thân, đang bộc phát.


Còn nhớ, đã có lần Thánh Phao-lô từng thôi thúc mọi người trong cộng đoàn Dân Chúa hãy đối xử với nhau cho có tình, như sau:

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. (Rm 15, 5 – 6)

Và thánh nhân còn nói: vào những trường hợp ta bị “chạm nọc” như thế, cũng đừng nên phản ứng bằng những trả đũa, đối đầu. Nhưng, hãy đối lại tử tế. Làm như vậy, ta sẽ lướt thắng vượt qua sự dữ/ác độc hiện hình thấy rõ:

“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.

Anh em hãy gớm ghét điều dữ,

tha thiết với điều lành…”

(Rm 12, 9)

Hoặc:


“Đừng để cho sự ác thắng được mình,

nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.”

(Rm 12, 21)

Xem như thế, kỹ năng ta học được từ các bậc vĩ nhân lành thánh, sẽ giúp mình giải quyết được các căng thẳng, phiền phức trong quá trình chung sống với người “dưng khác họ, chẳng lọ thời kia...”

Cũng có ý kiến là: chớ nên gạt bỏ hoặc đè nén những cảm giác bất ưng, khó chịu trong chung sống, nhưng nhất quyết cảm nhận và thay vào đó, chọn lựa cách đáp trả sao cho có tình, hợp lý. Thứ lý lẽ của tình thương yêu, như người nhà. Giả như, mình nhất quyết chọn lựa giải pháp tích cực trong chung đụng sống vui với mọi người, ta sẽ có khả năng đương đầu giáp mặt với tình huống khó khăn bằng cách thức hoà hoãn, xây dựng hơn. Xây dựng tình người. Xây dựng tình mình.

Để xây dựng tình mình cho thư giãn, cũng nên tìm về truyện kể nhẹ nhàng, như bên dưới:

“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé rất khó tính, lại hay tinh nghịch, gây khó chịu với hết mọi người. Người cha của cậu thấy thế bèn giúp cậu giải quyết cho êm thắm bằng cách trao cho cậu một túi đinh nhọn và dặn: cứ mỗi lần con mất kiên nhẫn, hay tranh cãi, làm mất lòng người khác, hãy đem túi đinh này đóng một cái vào hàng rào nhà mình.

Ngày đầu, cậu đóng mất 37 cái. Làm cho hàng rào trông giống như một bàn chông đầy những đinh… là đinh. Tuần lễ sau, cậu đã biết tự kềm chế, nên số đinh đóng vào hàng rào mỗi ngày mỗi bớt dần. Sau đó, cậu ta khám phá ra rằng: tự kềm chế cơn nóng giận, còn dễ hơn là đóng đinh.

Cuối cùng, một ngày kia, cậu không cần phải đóng bất cứ đinh nào vào hàng rào nữa cả. Và, thế là cậu đi gặp ông bố để thưa: hôm nay con chẳng còn phải đóng một đinh nào, nữa hết. Ông bố thấy thế, bèn bảo: cứ ngày nào con tự chủ được và không để mất tính kiên nhẫn của con, thì hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào.

Ngày lại ngày, cuối cùng thì cậu bé đã có thể nói với ông bố: là cậu đã nhổ hết các đinh đã đóng khỏi hàng rào rồi. Ông bố lại dẫn cậu ra ngoài hàng rào, rồi bảo: “Này con. Con nay hành xử rất tốt. Nhưng hãy nhìn vào các lỗ đinh nơi hàng rào mà xem. Hàng rào này sẽ không bao giờ giữ được dáng vẻ lành lặn như hồi trước. Khi cãi vã bất bình hoặc nói xấu nói hành bất cứ ai, tức là con đã để lại nơi người ấy vết hằn in dấu, như đã đóng đinh vào người của họ vậy”.

Tựa như thế, con có thể đâm một nhát dao vào một người nào đó, xong rồi hối hận và xin lỗi người ấy, thì đã trễ. Các vết dao đâm đã để lại hằn in những sẹo. Và, các vết sẹo sẽ nằm lại đó mãi mãi, không bao giờ biến mất. Con có xin lỗi đến bao nhiêu lần, thì vết sẹo kia vẫn cứ nằm đó, không tẩy xoá được bao giờ. Vết thương lòng, do lời nói của mình tạo ra, cũng hằn in nơi nạn nhân bị xúc phạm. Thành thử, hãy biến kẻ thù của mình thành bạn. Để như thế, con sẽ không gây thương tích nơi một ai.

Đồng Đạo hay người đồng hành vẫn là những viên ngọc quý báu. Là, bạn bè thân thương trên hành trình cuộc đời con vui sống. Bởi lẽ, bạn bè luôn khích lệ con hằng ngày. Bạn bè đích thực, là người sẵn sàng lắng nghe con tâm sự, mỗi khi con cần đến họ. Bạn bè là người luôn chạy đến giúp con, khi con ngỏ lời cần họ giúp đỡ. Bởi thế, hãy cho bạn mình biết là con yêu thương họ biết chừng nào.

Câu truyện ghi trên, hay như một bài giảng huấn. Giảng trên bục Nhà Thờ, hay giảng ở ghế nhà trường, trong gia đình, đều quý giá như một bài thơ trữ tình. Thơ về tình bạn. Giảng về tình người. Không có thơ, tình người chẳng bao giờ thi vị. Không có giảng và giải, chẳng bao giờ biết thực hư.
Về thực hư của những căng thẳng, hận thù trong chung sống, cũng có quy luật của nó. Nói đúng hơn, đó là những tư vấn, những lời khuyên, hay như một giảng giải. Giống truyện kể ở trên.
Đến đây, bạn và tôi, ta có thể tự hỏi là mình đã đóng bao nhiêu đinh hoặc để lại bao nhiêu vết sẹo lên người bạn đồng hành, đồng Đạo mình rồi ?
Và, ta đã biến được bao nhiêu kẻ thù thành người bạn chí thân, và chí thiết ? Câu trả lời đang ở cuối đường hầm, của sự sống. Đường của hy vọng, rất mầu xanh.

Trần Ngọc Mười Hai,

cũng đã thử nghiệm
và có nhiều tư vấn
nhưng vẫn chưa đi tới
cuối đường hầm

Nghịch lý – nghịch thường


đời thường lắm chuyện nghịch nhĩ?
(Mt 10: 24)

Ấy đó là câu hỏi. Một trong muôn vàn câu nói về đời người, và người đời. Qua kinh nghiệm sống, hẳn ai cũng từng một lần nghe/gặp những câu hỏi/tình huống tương tư? Những câu hỏi về cuộc sống đa dạng. Hoặc, những câu đặt ra chỉ để hỏi qua loa. Hỏi cho có. Hoặc, cũng hỏi thật đấy, nhưng không nhất thiết phải có câu trả lời. Thậm chí, có khi hỏi tức là đã trả lời một cách nào đó rồi. Và câu trả lời, không phải bao giờ cũng thỏa đáng. Có khi, chỉ một câu đáp suông. Đáp lấy lệ. Đáp lại đấy, nhưng chẳng liên quan gì đến câu hỏi hết.


Trả lời câu hỏi trên, thật sự không có nghĩa: giải đáp phần nào cho vấn đề nêu ra, về cuộc đời. Nhưng, chỉ muốn khơi mào cho một luận phiếm lai rai. Một thứ phiếm luận thuộc loại bỏ túi. Đại loại như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du “Mua vui cũng được một vài…”, phút giây.

Nghịch lý trong thơ văn người Việt


Thoạt nhìn vào địa hạt văn chương thi tứ, chừng như câu hỏi trên đã có sẵn lời đáp, ở đâu đó: đời người toàn chuyện phi lý, nghịch thường. Nói nôm na, đã xảy đến với cuộc đời, những chuyện tréo cẳng ngỗng, trái khoáy, rất khó nghe.
Nói theo các văn hào thi sĩ, như: Nguyễn Du, , Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát Trần Tế Xương, vv.. thì mỗi người một kiểu, đều bộc lộ những ý nghĩ mang tính nghịch lý, nghịch thường về cuộc đời, con người. Về cuộc đời. Tự nó đã là nghịch lý? Phải chăng cuộc đời chỉ gồm toàn những nghịch cảnh. Toàn những chuyện nghe ra rất nghịch nhĩ. Rất chói tai?
Với tác giả Đoạn Trường Tân Thanh, đời người được coi như cuộc bể dâu. Nhìn vào chỉ thấy rất đau lòng:
“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Cũng nghịch thường không kém, đường đường một đấng nam nhi khí phách tung trời như Nguyễn Công Trứ, mà cũng thở than, rằng:

“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”
(Nguyễn Công Trứ - Cây Thông)

Dù với “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây”, kẻ sĩ họ Nguyễn nhà ta tuy bôn ba chốn công đường, cửa phủ đã nhiều. Tuy lân la với giới cao sang, quyền quý triều đình nhà Lê cũng khá, thế mà “tướng công” vẫn có những nhận định rất ư là yếm thế, như sau:

“Thế thái nhân tình gớm ghiếc thay,
Nhạt nồng trong chiếc túi vơi đầy…”
(NCT – Thế Thái Nhân Tình)

Nói chi một Cao Bá Quát ngạo nghễ, chê bai cả con tạo:

“Ngất ngưởng thay con tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại thụ hẳn dìm cho lúng túng.”
(Cao Bá Quát – Đời Ngất Ngưởng)

Để rồi, quá chán chường, khi thấy cuộc đời toàn chuyện nực cười, ông lại tán thán:

“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.”
(CBQ –Uống Rượu Tiêu Sầu)

Với Trần Tế Xương, nghịch lý của cuộc đời nằm ở chỗ nó không là chuyện nực cười, nhưng lại khiến nhà thơ thấy chua cay, những hậm hực;

“Ta lên ta hỏi ông trời,
Trời sinh ta ở trên đời làm chi?”
(Trần Tế Xương – Hỏi Ông Trời)

Đã chua cay, vì những cái “tréo cẳng ngỗng” nơi cuộc đời, lại còn hậm hực vì thân phận hẩm hiu của mình, cậu tú họ Trần vẫn mải mê hạch sách ông Trời; vì, “tú ông” cho rằng Trời vốn thích trêu ghẹo người đời:

“Bắc thang lên hỏi ông trời,
Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi.”
(TTX – Hỏi Ông trời)

Nghịch thường trong đời người:


Về cuộc đời, dĩ nhiên mỗi người kinh nghiệm mỗi cách. Mỗi thời ứng xử theo mỗi vẻ, rất riêng. Rất nghịch thường. Nhưng tựu trung, qua kinh nghiệm đó, cuộc đời không chỉ mang dáng dấp của một nghịch thường mà tự thân, nhưng chính nó đã là nghịch lý rồi. Với cuộc đời, nghịch lý/nghịch thường không mang tính nhất quán, đơn lẻ. Không là quan niệm triết lý của riêng ai. Nhưng, nó hàm ngụ tính chất thần học ngay trong chất người. Nơi con nguời.

Ngay từ đầu, sở dĩ cuộc đời trở thành chuyện nghịch thường là bởi đã có bàn tay Thiên Chúa can dự, khi Ngài mặc lấy thân phận làm người. Của người đời. Ngay từ thuở ban sơ vũ trụ, ơn cứu độ đã được ban cho con người theo dạng thức rất ư là nghịch lý.. Nhưng, con người không thể tưởng tượng ra được điều nghịch lý/nghịch thường ấy. Và, con người cũng không thể hiểu được những điều nghịch nhĩ Thiên Chúa đã làm cho mình, nên đã cả gan đối kháng. Đã chối bỏ cả quyền năng tối thượng của Ngài. Con người đã mang tham vọng tự định đoạt lấy cho chính mình. Bằng quyền phân định lành–dữ. Để rồi, sau đó lại làm theo sở thích riêng tư của mình (Kn 2).

Nghịch lý được giải bày ngay từ lúc Thiên Chúa có ý định khởi đầu khi Ngài tạo dựng con người, theo hình ảnh Ngài:

“Và Người hà hơi sống vào mũi nó


và người đã thành mạng sống”
(Kn 2:7)

Thế rồi, nghịch lý cứ tiếp tục diễn tiến khi Thiên Chúa dấn thân nhiều hơn nữa vào tình thương mà Nguời dành cho con người.

Với thánh Phaolô, việc Thiên Chúa mang thân phận làm người và chấp nhận cái chết trên thập giá đã là cớ vấp phạm. Là, nghịch thường nghịch lý. Hoặc, nói như người đời, thì đây là chuyện nghịch nhĩ căn bản cho người Do Thái. Đây còn là chuyện điên rồ đối với dân ngoại. Nhưng, với những ai được gọi thì lại chính là Đức Kitô, Quyền năng và sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (Rm 1: 23-24). Như thế, điều nghịch lý là ở chỗ người đời coi việc cứu độ qua thập giá là phi lý, là điên rồ, thì đó lại là nền tảng của lòng tin.

Nói cách khác, chính Đức Kitô đã thể hiện những nghịch lý “căn bản” cốt đánh động con người. Giúp con người nhận ra bản chất Thiên sai, như vai trò cứu độ của Ngài. Đọc Lời Chúa trong nhãn giới Tin Mừng Cứu độ, dân con Israel hẳn sẽ không quên được những câu đại loại như:

“Đừng tưởng Ta đến
để đem lại bình an trên mặt đất.
Ta đến không phải để đem lại bình an,
mà là gươm giáo.
Ta đến để gây chia rẽ người ta với cha mình,
con gái với mẹ mình,
nàng dâu với mẹ chồng mình”
(Mt 10: 34)

Nhưng, ở một chỗ khác, Ngài còn quả quyết:

“Đừng tưởng Ta đến
để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri,
Ta đến không phải để bãi bỏ mà là để làm trọn.” (Mt 5: 17)

Tiếp thu cái nghịch thường do Đức Kitô đem lại, người nghe cũng có những phản ứng khác thuờng. Vì họ có lối nghe và nhận biết khác nhau:


*kẻ thì kinh ngạc:

“Và xảy ra là


khi Đức Yêsu đã nói xong các lời này
thì dân chúng kinh ngạc
về giáo huấn của Ngài.”
(Mt 7: 28)

*người lại phấn khởi:

“Tiếng tăm Ngài đồn khắp xứ Xyni.”
(Mt 5: 24)

*có vị lại bỏ tất cả mà … đi theo Ngài:

“Ngài kêu gọi họ,
lập tức họ bỏ cả mà đi theo Ngài.”
(Mt 5: 24)

*nhưng cũng có những người chưa tin, lại đòi dấu lạ. Thì Ngài quở trách:

“Thế hệ xấu xa và ngoại tình,
chúng đòi dấu lạ;
nhưng, sẽ không cho chúng dấu lạ nào,
trừ phi dấu lạ tiên tri Yôna.”
(Mt 12: 39)

Cuối cùng, muốn hiểu được các nghịch lý nói trên, nếu ta nhất tâm trở nên bé mọn như Đức Kitô hằng khẳng định, thì sẽ khác:

“Vì Cha đã giấu các điều ấy
với hạng khôn ngoan thông thái,
mà mặc khải ra cho những kẻ bé mọn”
(Mt 11: 25)

Và:


“Vì Nước Trời là của chúng”
(Mt 19:14)

Thậm chí, để cắt nghĩa về những “nghịch thường” Ngài dành cho những kẻ bé mọn thấp hèn, Chúa Kitô còn dùng ví dụ và dụ ngôn. Và, Ngài cắt nghĩa lý do:

“Bởi thế mà Ta dùng ví dụ
nói với họ:
vì họ nhìn mà không thấy,
nghe mà không nghe, không hiểu.”
(Mt 13: 13)
Thành ra, muốn hiểu các “nghịch lý/nghịch thường” của cuộc đời, nhất thiết phải biết dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe cho đúng cách, tức là nghe và nhìn theo cách thế của trẻ nhỏ.

Nghịch cảnh trong đời mình:


Nghịch lý trong đời người, mà con người nhận ra vẫn là chuyện xưa như trái đất. Ai cũng có kinh nghiệm về chuyện đó ngay khi làm người. Thế nhưng, chân lý ấy đã chắc gì được mọi công nhận? Mỗi người mỗi cách đều có kinh nghiệm riêng tư về cuộc đời như một “nghịch nhĩ” trong thoáng giây, hay như “nghịch cảnh” kéo dài.

Chừng như, nghịch cảnh vẫn cứ đeo đuổi. Vẫn bám sát mỗi người và mọi người. Không loại trừ một ai. Chẳng nhân nhượng người nào. Chính thế mà, nhiều vị khi xưa vẫn cứ quan niệm: “tu là cội phúc, tình là giây oan.” Các cụ nhất quyết bỏ được cái “giây oan” này để đi tìm “cội phúc” nọ. Có ngờ đâu, ngay trong cõi tu mình từng trải cũng chẳng gột được những nghịch thuờng nói trên.

Ở môi truờng đào tạo nọ, nhớ lại một thời xảy ra tranh luận sôi nổi về việc “dấn thân vào đời”. Đề tài khi ấy được đưa ra, sau khi có cái gọi là sự kiện “ca vào đời”. Câu chuyện nghịch thường xảy đến với cõi nguồn cội “phúc” xem ra cũng đã hơn 4 thập niên, nhắc lại không phải để minh định lập trường đúng/sai, nên hay không nên. Nhưng, nhắc nhở là để nhắn nhủ các bạn trẻ không ở trong cuộc, hoặc không muốn dính chuyện ngày xưa, vẫn có thể cảm nhận được sự cần thiết phải chấp nhận nghịch lý/nghịch thường của cuộc đời.

Có chấp nhận nghịch lý/nghịch thường của cuộc đời hay của người đời, ta mới hiểu được những nghịch cảnh mà Đưc Kitô thân trao cho mỗi người chúng ta trong quá trình sống cuộc đời thường. Xem như thế, nhận định của các cụ khi xưa nói đến “cội phúc” không có nghĩa là khuyên con cháu hãy lẩn tránh cái nghịch cảnh/cái giây oan dẫy đầy trong đời thường, đầy những nghịch lý. Mà để chấp nhận dấn bước theo chân Chúa đi vào đời, tức: dám giáp mặt với các nghịch lý/nghịch thuờng mà Thiên Chúa dành sẵn cho mỗi người. Và mọi người. Khi họ dấn buớc vào cuộc đời. Bước vào đời thường, hay đi vào đường đời, tức là biết cùng với Đức Kitô, trong Đức Kitô chấp nhận những “trái khoáy” do đời tạo ra. Chấp nhận vì tình CHA. Vì, thương yêu người đồng loại.

Hỡi các bạn trẻ và người không còn trẻ đã hoặc đang bước vào đường đời, ta hãy can đảm vui lên mà chấp nhận cuộc đời như một nghịch lý. Chấp nhận mọi nghịch cảnh để vui sống. Vì, Đức Kitô, Thầy Chí Thánh cũng đã chấp nhận như thế, cho mọi người. Vì mọi người. Có như thế, đời người sẽ không còn là giây oan nữa. Nhưng, vẫn cứ là cội phúc cho mọi người vui hưởng.

Trần Ngọc Muời Hai


Với những tin rất “nghịch nhĩ”
về tình hình sức khoẻ của người bạn.

Nụ cười quên tắt trên môi


(Lc 22: 14-20 / Gíao luật số 1247 #1)

Cách đây mười năm, một đấng bậc trong ban tuyên úy cộng đồng Công giáo người Việt ở Sydney có hỏi bạn trẻ nọ: Sao cha không thấy con tham gia sinh hoạt thanh niên, ca đoàn, hoặc làm việc gì có ích cho cộng đồng mình, gì hết vậy. Lúc ấy, người trẻ trả lời:


Thú thật với cha, nếu con tìm ra được là mấy người trong cộng đồng, lúc nào mặt mũi cũng tươi vui, luôn cười suốt buổi hoặc giúp đỡ nhau trong mọi lúc, thì con sẽ gia nhập ngay lập tức.

Nghe truyện, bần đạo thấy giống câu đáp của ngài Mahatma Gandhi, mới nghe hôm nào. Thôi thì, ta cứ coi như: chí lớn gặp nhau đi. Nhưng vấn đề đặt ra hôm nay, không phải để phê bình dân con nhà Đạo lưu lạc ở nước ngoài có còn hay không sinh hoạt nhà thờ nhà thánh. Mà là, có rào cản nào chăng khiến người trẻ ở một số nơi, không đến nhà thờ?


Thật ra cũng khó trả lời cho câu trên, ngay tức thời. Thôi, chuyện ấy hạ hồi phân giải. Nay, chỉ xin bạn bè gần xa, xem ý kiến của một bạn trẻ khác người Úc có những thắc mắc cũng về chuyện đi lễ nhà thờ, nhưng nhìn theo khía cạnh khác, xem sao. Xem để thấy là, giới trẻ ngày nay không dửng dưng ngồi ì, nhưng cũng có thắc mắc.
Thắc mắc kỳ này, như sau:

Vào các năm trước, nhiều người có thói quen đi lễ nhà thờ tại nơi mình ở. Nhưng hôm nay, dường như có vấn đề này, là: ở đâu cũng thấy bà con ta không còn thói quen chỉ đi lễ tại một nhà thờ nào. Nhưng, vẫn thay đổi liên tục như ca sĩ chạy “show”, vậy. Ở một số nhà thờ mà tôi có dịp đi lễ, tôi có cảm giác không được thoải mái cho lắm. Nhất là về nghi thức phụng vụ, hoặc bài chia sẻ, và cách chọn bài hát cho thánh lễ không được chuẩn cho lắm. Vậy, đâu là lập trường của Giáo hội về chuyện này? Có được phép thường xuyên đi lễ ở nhà thờ nào mà không phải là xứ đạo mình ở, được không? Có nhất thiết phải đi lễ tại nhà thờ xứ mình ở, mà thôi không? Xin cho biết, để khỏi có thành kiến.

Và câu giải đáp cũng lại của vị linh mục năng nổ mang tên John Flader, trên báo The Catholic Weekly ở Sydney ngày 24/6/2007 như sau:

Đây là câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Không chỉ với tôi thôi, nhưng cả với các cha khác nữa. Có nhiều điều đáng cho ta giữ mãi trong đầu, để suy nghĩ. Trước hết, có lẽ cũng nên minh định lại ý nghĩa của câu “có nhất thiết phải đi nhà thờ nơi mình ở hay không?” Nếu chia vùng nhà thờ theo địa điểm mình ở cho một số giáo xứ, nào đó; và nếu người mới dọn nhà không biết mình thuộc giáo xứ nào, thì chỉ việc hỏi văn phòng giáo xứ nào gần nhất sẽ biết ngay thôi. Rất có thể, người hỏi rơi vào trường hợp là nhà mình gần giáo xứ khác hơn là giáo xứ được định đoạt theo ranh giới địa dư.

Cùng với giáo xứ chia theo đường ranh địa dư, cũng có trường hợp giáo xứ được ấn định theo nghi thức phụng vụ. Lối chia giáo xứ theo vùng như thế này không dựa trên địa thế, mà lại theo nghi thức đặc biệt, như: nghi thức Maronite, Melkite hoặc Ukraine. Cho nên, các bạn có thể tham dự thánh lễ được cử hành theo nghi thức đặc biệt, áp dụng cho ngành đặc biệt ấy.Thánh lễ cử hành bằng tiếng La tinh theo nghi thức Tri-đen-ti-nô, cũng là một ví dụ khác, điển hình.

Cũng một kiểu như thế, có thể người đi lễ là người di dân/sắc tộc hay có thói quen dự lễ nào có linh mục tuyên úy sắc tộc cử hành theo ngôn ngữ của dân tộc mình. Như thế, trên thực tế có nhiều chọn lựa khác nhau, cũng chính đáng thôi.

Thời xưa, giáo luật ban hành năm 1917, bó buộc người có Đạo phải đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng tại giáo xứ mình ở, thôi. Trong khi đó, theo luật mới năm 1983, không có áp đặt nào như thế. Giáo luật số 1247, điều 1 có nói: việc buộc đi lễ chỉ chấp nhận được nếu thánh lễ được cử hành theo nghi thức Công giáo vào đúng ngày lễ trọng hay Chúa nhật, hoặc vào chiều tối hôm trước mà thôi.

Xem như thế, đi lễ Chúa nhật ở bất cứ nơi nào theo nghi thức Công giáo là chu toàn bổn phận rồi. Nhưng, vẫn nên đi lễ tại nhà thờ nơi mình ở là điều tốt nhất, nếu ta không thuộc nghi thức đặc biệt hoặc di dân sắc tộc,có khó khăn về ngôn ngữ.

Ngoài ra, còn có vấn đề: Mỗi giáo xứ tạo thành cộng đoàn và mỗi người cũng nên làm thành viên của cộng đoàn và hỗ trợ cho cộng đoàn ấy. Nên nhớ là, cộng đoàn mở rộng không chỉ làm mỗi việc là sinh hoạt cử hành tiệc thánh mà thôi. Mà, còn có những sinh hoạt khác như: nguyện cầu, hỗ trợ mọi người đồng Đạo có nhu cầu đặc biệt, các hội đoàn, nhóm từ thiện, Đạo binh xanh Legio Mariae, sinh hoạt sùng kính các thánh, sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, vv.

Tất cả các sinh hoạt ấy giúp các thành viên trong cộng đoàn lớn lên trong niềm tin. Và, sinh họat chỉ có ý nghĩa nếu mình thuộc vào một cộng đoàn giáo xứ. Như thế, anh chị em thành viên mới có khả năng tạo cơ hội để giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Tất cả các sinh hoạt ấy đều có tính cách quan trọng. Giả như, người dự lễ Chúa nhật mà, nay đi nhà thờ này, mai lại sang nhà thờ khác, thì sẽ không còn tính cách dấn thân vào cộng đoàn mà mình có quyết tâm là thành viên.



tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương