HỌc hỏi tông thư rosarium virginis mariae (kinh mân côi kính đỨc trinh nữ maria) CỦA ĐỨc thánh cha gioan phaolô II



tải về 65.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích65.39 Kb.
#30258


HỌC HỎI TÔNG THƯ ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

(KINH MÂN CÔI KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II


1.1/ Vì sao kinh Mân côi được nhiều vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích?
Vì kinh Mân côi:

  • Là lời kinh đơn sơ nhưng sâu sắc.

  • Mang lại hoa quả thánh thiện.

  • Dễ hòa nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống Kitô hữu.

Ngoài ra còn là lời kinh được hình thành trong ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong ngàn năm mới này, kinh Mân côi vẫn giữ nguyên ý nghĩa lớn lao như đã có từ xưa.

1.2/ Đọc kinh Mân côi ta được những gì?
Đọc kinh Mân côi ta càng hiểu và biết chắc chắn rằng lời kinh này:

  • * Lấy Chúa Kitô làm trung tâm.

  • * Chất chứa chiều sâu của toàn bộ Tin Mừng, là bảng tóm gọn Tin Mừng.

  • * Làm vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat, là lời kinh ca ngợi công trình nhập thể và cứu chuộc của Thiên Chúa được khởi sự trong lòng trinh khiết của Mẹ.

  • * Cho ta học nơi Mẹ, và cùng Mẹ chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan Chúa Kitô và vẻ đẹp sâu thẳm nơi tình yêu của Chúa Kitô.

2.3/ Các Đức Giáo hoàng nói gì về kinh Mân côi?
Ngày 1. 9. 1883, qua thông điệp Supremi Apostolatus Officio (Sứ vụ Tông đồ cao cả), Đức Lêô XIII xem kinh Mân côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội.
Đức Phaolô VI , trong Tông huấn Marialis Cultus (Sự tôn kính dành cho Đức Maria), đã nhấn mạnh đến tính chất Tin Mừng và chiều hướng quy Kitô của kinh Mân côi.

2.4/ Đức Gioan Phaolô II nói gì?
Ngài thường xuyên khuyến khích đọc kinh Mân côi. Ngài cho biết, từ thủơ thiếu thời, kinh Mân côi đã có một chỗ đứng trong đời sống thiêng liêng của Ngài. Lời kinh này đồng hành với Đức Thánh Cha những lúc vui sướng cũng như những lúc khó khăn. Ngài giao phó cho lời kinh ấy những lo âu và tìm được sự nâng đỡ nơi lời kinh ấy. Đó cũng là lời kinh kỳ diệu mà ngài ưa thích qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó. Ngài đặt công việc phục vụ với tư cách là Giáo Hoàng dưới sự che chở của Đức Mẹ qua kinh Mân côi.

3.5/ Kinh Mân côi có liên hệ gì đến Hiến chế Lumen Gentium(Ánh sáng muôn dân) của Công Đồng Vatican II?
Theo một nghĩa nào đó, là lời kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến chế này. Đó là chương đề cập đến sự hiện diện đáng thán phục của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội.

3.6/ Ta có thể thêm ý nguyện riêng của mình khi lần chuỗi không?
Có. Ta có thể gán vào từng chục kinh Kính mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại... Ta cầu nguyện cho những quan tâm của riêng mình hay của những người thân cận, đặc biệt là những người gần gũi nhất của ta. Bởi đó, kinh Mân côi dù rất đơn sơ, lại ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người.

3.7/ Tái khám phá ý nghĩa của kinh Mân côi, ta được gì?
Ta nhận ra những điều tốt đẹp, quí báu của kinh Mân côi đó là: Lời kinh đi vào giữa lòng đời sống Kitô hữu; Đem lại nhiều hiệu quả thiêng liêng; Giáo dục đời sống cầu nguyện bằng sự chiêm ngưỡng một cách cá nhân giữa ta với Chúa.

4.8/ Tầm quan trọng của phụng vụ có làm giảm bớt tầm quan trọng của kinh Mân côi không?
Không. Như Đức Phaolô VI nói: Kinh Mân côi không đối lập phụng vụ, nhưng còn dẫn nhập rất tốt và làm vang dội lại phụng vụ, bằng cách giúp dân chúng tham dự phụng vụ cách trọn vẹn, có chiều sâu và thu nhận hoa quả tốt trong đời sống hằng ngày.

4.9/ Kinh Mân côi có cản trở công cuộc Đại kết không?
Không. Vì dù cho lời kinh này là một sự sủng kính dâng lên Đức Maria mà Công Đồng mô tả, nhưng là sự sủng kính hướng về trung tâm là Chúa Kitô, đến độ khi Mẹ được tôn vinh, thì Người con được hiểu biết đúng đắn, được yêu mến và được tôn vinh. Do đó, kinh Mân côi không cản trở, nhưng còn là phương tiện trợ giúp việc Đại kết.

5.10/ Vì sao Giáo Hội lại nhấn mạnh việc đọc kinh Mân côi?
Vì đó là phương tiện hữu hiệu nhất để cổ võ các Kitô hữu dấn thân chiêm ngưỡng mầu nhiệm Kitô giáo.

6.11/ Việc đọc kinh Mân côi có giúp ích gì cho hòa bình không?
Có. Vì Chúa Kitô là nguồn bình an. Qua việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô bằng kinh Mân côi, ta được thúc đẩy dấn thân kiến tạo hòa bình cho thế giới, và nhất là cho gia đình, vì hạnh phúc gia đình của thời đại đang bị đe dọa.

7.12/ Đức Mẹ thể hiện vai trò gì khi ta đọc kinh Mân côi?
Trên Thánh giá, qua thánh Gioan, Chúa Giêsu đã muốn Đức Maria làm Mẹ nhân loại khi Người nói: "Này là con Bà". Vì thế, hôm nay khi ta đọc kinh Mân côi, Đức Maria vẫn thể hiện vai trò Từ Mẫu cho cả thế giới. Những lần hiện ra, nhất là trong các thế kỷ 19; 20, cho thấy lòng yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của Mẹ đối với từng người chúng ta.

9.13/ Dung nhan Chúa Kitô được nhận ra thế nào khi đọc kinh Mân côi?
Việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô giúp nhận ra cách sâu xa giữa các biến cố thường nhật trong cuộc đời của Người và các nỗi đau thương Người phải chịu, là vẻ đẹp huy hoàng của một Thiên Chúa, nhất là vẻ đẹp chung cuộc của Đấng Phục Sinh ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang.

10.14/ Đức Maria nêu gương cho ta trong việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô thế nào?
Mẹ là một gương mẫu vô song cho ta về việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô vì: Không ai say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành như Mẹ. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ hướng về Người ngay từ lúc truyền tin, khi cưu mang Người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, hạ sinh Người tại Bê Lem, tìm Người thất lạc trong đền thờ. Cái nhìn chiêm ngưỡng của Mẹ như xuyên thấu, như hiểu rõ tâm tư của Người như tại tiệc cưới Cana. Hoặc cái nhìn chiêm ngưỡng trong đau buồn khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Và trong niềm tin Phục sinh, cái nhìn chiêm ngưỡng của Mẹ tỏa rạng niềm vui Phục sinh. Cuối cùng, cái nhìn ấy rực cháy vì được tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Hiện xuống.

11.15/ Những kỷ niệm về Chúa Kitô được khắc trong tim Mẹ Maria như thế nào?
Những kỷ niệm về thời gian sống bên cạnh Chúa Kitô luôn đi theo và thúc đẩy Mẹ suy nghĩ. Đó là chuỗi kinh Mân côi mà Mẹ không ngừng ngâm nga trong suốt cuộc đời trần thế.

11.16/ Ngày nay công bố các mầu nhiệm Chúa Kitô trong kinh Mân côi, Giáo Hội ước muốn điều gì?
Giáo Hội muốn các mầu nhiệm của Chúa Kitô được chiêm ngưỡng, nhờ đó ơn cứu độ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

12.17. Đức Giáo hoàng Phaolô VI khuyên nên đọc kinh Mân côi thế nào?
Ngài khuyên khi đọc kinh Mân côi phải có sự chiêm ngưỡng. Nếu không việc lần chuỗi có nguy cơ trở nên máy móc.

12.18/ Vì sao đọc kinh Mân côi chậm rãi là điều quan trọng?
Đọc kinh Mân côi chậm rãi và kéo dài rất quan trọng, giúp ta đủ thời gian chiêm ngưỡng các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô.

12.19/ Ý nghĩa của việc đọc kinh Mân côi là gì?
Là suy ngắm các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô bằng đôi mắt của Mẹ Maria, vì Mẹ đã sống hết sức gần gũi với Chúa Kitô.

13.20/ Khi đọc kinh Mân côi, ta tưởng nhớ điều gì về Chúa Kitô?
Cùng với Mẹ, ta chiêm ngưỡng và tưởng niệm các mầu nhiệm: nhập thể, làm người, sống, chết và sống lại của Chúa Kitô.

13.21/ Ngoài việc cầu nguyện bằng cử hành phụng vụ, kinh Mân côi có cần thiết nữa không?
Cần thiết. Vì Phụng vụ là hoạt động của Chúa Kitô và Giáo Hội, là một hành động cứu độ vượt trội. Kinh Mân côi cũng vậy, dù không so sánh với phụng vụ, nhưng đó là một suy niệm với Đức Maria về Chúa Kitô, là một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ.

14.22/ Ai có thể giúp ta học hỏi về Chúa Kitô cách tốt nhất?
Nếu xét về khía cạnh thần linh: Chúa Thánh Thần. Nhưng xét về phía thụ tạo, đó là Đức Maria. Vì trong số các thụ tạo, không ai biết rõ Chúa Kitô bằng Đức Maria. Không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Chúa Kitô hơn là Mẹ của Người.

14.23/ Ta có thể học nơi Đức Maria những bài học nào?
Đó là bài học của lòng khiêm tốn và bài học của sự vâng phục trong đức tin.

15.24/ Vì sao ta cần trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô?

  • * Nhờ bí tích thánh tẩy, ta được tháp nhập như cành nho vào thân nho là Chúa Kitô. Cành nho phải nên giống cây nho.

  • * Ta là chi thể của Chúa Kitô. Chi thể phải nên giống thân mình.

  • * Từ hai lý do trên mà ta phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

15.25/ Vì sao suy niệm kinh Mân côi giúp ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô?
Vì những lý do sau:

  • * Kinh Mân côi là phương tiện cho ta giao tiếp thân mật với Chúa Kitô.

  • * Giao tiếp với ai, càng thân mật bao nhiêu, thì càng trở nên giống người ấy.

  • *Nhờ lời chuyển cầu, nhờ sự uốn nắn và chăm sóc của Mẹ mà mỗi một ngày ta một trở nên giống Chúa Kitô.

15.26/ Suy niệm các mầu nhiệm kinh Mân côi, ta học lấy điều gì?
Ta học hỏi từ gương mẫu Chúa Kitô và Mẹ Maria một cuộc sống khiêm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và hoàn hảo.

16.27/ Tại sao phải cầu nguyện với Chúa Kitô nhờ Mẹ Maria?
Vì ba lý do:

  • * Đức Maria có quyền can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ.

  • * Lời cầu nguyện của ta và của cả Giáo Hội được nâng đỡ nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria.

  • * Tin Mừng cho thấy, tại tiệc cưới Cana, hiệu lực của lời chuyển cầu do Mẹ Maria dâng lên Chúa. Nhờ lời chuyển cầu đó, Chúa Kitô đã làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu.

16.28/ Dựa trên nền tảng nào mà ta cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa?
Đó là nền tảng đức tin. Ta tin rằng:

  • * Lời khẩn cầu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ Trái Tim Chúa Kitô.

  • * Mẹ rất giàu ân sủng của Chúa. Nhờ ân sủng, Mẹ rất quyền năng trong lời chuyển cầu.

  • * Mẹ là đền thờ Chúa Thánh Thần, chuyển cầu với ta và cho ta trước mặt Chúa Cha và trước mặt Chúa Kitô, Con của Mẹ

17.29/ Kinh Mân côi có phải là con đường loan báo Chúa Kitô cùng với Đức Maria không?
Kinh Mân côi cũng là một con đường loan báo Tin Mừng, giúp ta hiểu biết Chúa Kitô ngày một nhiều hơn, vì trong lời kinh này, mầu nhiệp Chúa Kitô được trình bày ở nhiều mức độ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội.

17.30/ Mầu nhiệm Chúa Kitô được trình bày qua kinh Mân côi có đặc tính nào?
Đó là một trình bày mang tính cầu nguyện và chiêm ngưỡng, có khả năng đào tạo người Kitô hữu theo Trái Tim Chúa Kitô.

17.31/ Vì sao nói việc lần chuỗi Mân côi chung cũng là một cách truyền giáo?
Vì khi lần chuỗi Mân côi chung, có thể là một cơ hội để dạy giáo lý. Lúc đó, nhờ kinh Mân côi, Mẹ Maria tiếp tục công trình loan báo Chúa Kitô.

17.32/ Trong thời buổi văn minh khoa học hiện nay, kinh Mân côi có còn giá trị loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô không?
Có. Vì kinh này tiếp tục là một nguồn tài nguyên vô giá cho mọi người để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.

18.33/ Tại sao kinh Mân côi là con đưởng dẫn tới việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô?
Vì ngoài kinh Lạy Cha và Sáng danh, kinh Kính mừng được lặp đi lặp lại là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Chúa Kitô.

19.34/ Để kinh Mân côi trở thành một bản Tin Mừng đầy đủ hơn, Đức Thánh Cha đã làm gì?
Bên cạnh các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Đức Thánh Cha thêm các mầu nhiệm Ánh Sáng trong cuộc đời công khai của Chúa Kitô từ khi Người lãnh nhận phép Rửa cho đến cuộc Khổ nạn. Như Người đã nói: "Thầy là Ánh Sáng thế gian" (Ga 9, 5).

19.35/ Việc thêm năm mầu nhiệm Ánh Sáng có phá đi truyền thống lâu đời của kinh Mân côi không?
Không. Trái lại, chúng còn có mục đích:

  • * Làm cho hình thức cầu nguyện bằng kinh Mân côi có một sức sống tươi mới.

  • * Khơi dậy một sự quan tâm mới về chỗ đứng của kinh Mân côi trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.

20.36/ Năm sự Vui mang dấu ấn của niềm vui nơi biến cố Nhập Thể như thế nào?
Dấu ấn của niềm vui là:

  • Lời thiên thần Gabriel chào Đức Maria được nối liền với lời mời gọi hưởng niềm vui thiên sai.

  • Tiếng nói của Đức Maria và sự hiện diện của Chúa Kitô trong cung lòng Mẹ đã khiến thánh Gioan nhảy lên vui sướng.

  • Niềm vui cũng tràn ngập hang đá Bêlem, khi Hài Nhi Thánh, Đấng Cứu độ trần gian ra đời.

  • Việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ biểu lộ niềm vui vì Hài Nhi được thánh hiến.

  • Chúa Giêsu trong đền thờ tỏ ra là Đấng khôn ngoan khi Người lắng nghe và đặt câu hỏi.

20.37/ Năm mươi kinh Mân côi đầu tiên chỉ duy nói về niềm vui phải không?
Không chỉ hoàn toàn là niềm vui, nhưng còn báo trước dấu hiệu của mầu nhiệm Tử nạn. Đó là lời của ông Simeon và sự hiến thân trọn vẹn cho công cuộc của Chúa Cha biểu lộ qua việc Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ năm mười hai tuổi.

21. 38/ Năm mầu nhiệm Ánh Sáng mà Đức Thánh Cha đề nghị là gì?
1- Chúa Kitô chịu phép Rửa tại sông Giodan.

  • 2- Chúa Kitô tỏ mình tại tiệc cưới Cana.

  • 3- Chúa Kitô công bố Nước Thiên Chúa và kêu mời sám hối.

  • 4- Chúa Kitô Hiển dung.

  • 5- Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể.

Mỗi mầu nhiệm được đề nghị trên, là một mạc khải về Nước Thiên Chúa.

21. 39/ Đức Maria hiện diện thế nào trong mầu nhiệm Ánh Sáng?
Trừ phép lạ Cana, các biến cố khác cho thấy Đức Maria xuất hiện ở hậu cảnh, chẳng hạn một vài lần trong lúc Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng. Vai trò của Mẹ tại tiệc cưới Cana như báo trước sự đồng hành của Mẹ trong suốt sứ vụ của Chúa Kitô.

22.40/ Năm sự Thương dạy người tín hữu điều gì?
Giúp người tín hữu sống lại cái chết của Chúa Kitô; cùng đứng dưới chân Thánh giá như thánh Gioan bên cạnh Đức Maria, và cùng Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

22.41/ Năm mươi kinh nào cho thấy cao điểm của mạc khải về tình yêu Thiên Chúa và nguồn mạch ơn cứu độ?
Đó là năm mầu nhiệm Thương. Mở đầu với biến cố vườn Cây dầu, khi tính yếu đuối của xác thịt đối diện với thánh ý Thiên Chúa; Khi sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa tỏ lộ qua việc bị đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá và chết trên thập giá: Chúa Kitô đã bị gục ngã trong đau khổ và hèn hạ nhất. Những biến cố đó cho thấy mạc khải cao điểm về tình yêu Thiên Chúa, và cao điểm của sự bày tỏ ơn cứu độ.

23.42/ Năm sự Mừng củng cố niềm tin cho người tín hữu như thế nào?
Nhờ suy niệm năm sự Mừng, người tín hữu tái khám phá những lý do giúp củng cố đức tin của họ như: việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô vinh thắng và đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác của Đức Maria. Qua đó dẫn đưa người tín hữu đến niềm hy vọng mạnh mẽ hơn về quê trời vĩnh cửu.

24.43/ Khi đọc kinh Mân côi, chúng ta suy niệm những gì?
Chúng ta suy niệm những điểm cốt yếu trong Tin Mừng. Những điểm đó nói về cuộc đời Chúa Kitô và Mẹ Maria.

24.44/ Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là " Con đường của Đức Maria "?
Vì khi đọc kinh này, chúng ta suy niệm những mẫu gương nhân đức về lòng tin, sự thinh lặng, lắng nghe chăm chú của Mẹ, như thể Mẹ dẫn ta đến gặp Chúa Kitô. Nhờ đó ta biết sâu xa về Chúa Kitô.

25.45/ Suy niệm các mầu nhiệm kinh Mân côi, ta khám phá gì về con người?
Ta khám phá ra những chân lý về con người như : sự sống, hôn nhân, đau khổ, hạnh phúc đời sau.

25.46/ Theo kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II , cầu nguyện bằng kinh Mân côi, giúp ta điều gì?
Giúp ta trút bỏ mọi gánh nặng của mình vào trong trái tim thương xót của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

26.47/ Việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng khi suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi có làm ta nhàm chán không?
Không. Vì Chúa Kitô đã mang lấy một Trái Tim nhân loại, Ngài cũng cảm động trước những lời van xin của con người, do đó việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng nhiều lần giúp ta diễn tả lòng khao khát muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Người hơn.

27.48/ Sao không cầu nguyện trong thinh lặng mà phải biểu lộ bằng những lời kinh lặp lại nhiều lần?
Vì con người với thực trạng phức tạp về tâm lý, thể lý và tương quan cho nên cần biểu lộ ra bên ngoài qua những lời kinh để tạo thuận lợi cho sự kiên trì cầu nguyện và biểu lộ tương quan với Chúa Giêsu Kitô và với người khác.

28.49/ So với một số cách thức nguyện gẫm mới ở Phương Tây, kinh Mân Côi có những ưu điểm nào?
Kinh Mân Côi vượt trội hơn nhờ những đặc tính riêng phù hợp với những đòi hỏi của Kitô Giáo , nó được dùng như một phương tiện để đạt tới mục đích là gắn bó với Chúa Kitô.

29.50/ Việc công bố những suy gẫm (Vui, Sáng, Thương, Mừng) trước mỗi chục kinh có ý nghĩa gì?
Công bố những suy gẫm là để ta tập trung chú ý các biến cố cuộc đời Chúa Kitô qua Tin Mừng.

30.51/ Sau khi xướng tên các mầu nhiệm Mân côi, Đức Thánh Cha đề nghị gì?
Để việc suy ngắm có nền tảng Kinh Thánh và có chiều sâu hơn, sau khi xướng tên mầu nhiệm, cần công bố đoạn Kinh Thánh liên quan đến mầu nhiệm. Qua việc công bố ấy, Lời Chúa nói với ta ngay lúc này.

31.52/ Sau công bố Lời Chúa, Đức Thánh Cha đề nghị gì?
Đề nghị thinh lặng để suy niệm Lời Chúa và chiêm ngưỡng mầu nhiệm ấy.

32.53/ Cho biết tầm quan trọng của kinh Lạy Cha.
Đọc kinh Lạy Cha để cùng Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, ta cầu nguyện với Chúa Cha, qua đó:

  • Lòng trí ta được nâng lên cùng Chúa Cha;

  • Được Chúa Kitô dẫn dắt đến với Chúa Cha;

  • Được chia sẻ và kết hợp thân mật với Chúa Kitô cho đến nỗi cùng với Người, ta thân thưa với Chúa Cha: Abba, Cha ơi!

  • Người cũng làm cho ta nên anh em với Người và với nhau bằng cách thông ban Thánh Thần của Người cũng là của Chúa Cha.

33.54/ Đâu là yếu tố trọng yếu nhất trong kinh mân côi và cũng là yếu tố làm cho kinh mân côi trở thành lời kinh ưu việt mang chiều kích Maria ?
Đó là mười kinh Kính Mừng trong mỗi suy gẫm.

33.55/ Trọng tâm của kinh Kính mừng là gì?
Trọng tâm của kinh Kính mừng là Danh Chúa Kitô như là bản lề của hai phần kinh ấy.

33.56/ Kinh Kính mừng cho thấy niềm vui của Thiên Chúa ra sao?
Theo Tông thư kinh Mân côi, kinh Kính mừng diễn tả niềm vui của Thiên Chúa qua việc Người chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể trong lòng trinh khiết của Đức Maria.

34.57/ Kinh Sáng danh đưa ta tới cao điểm nào?
Vì là vinh tụng ca Ba Ngôi, kinh Sáng danh không chỉ kết thúc mỗi mầu nhiệm vừa được suy gẫm, nhưng còn là cao điểm của chiêm ngưỡng, đưa ta đến gặp gỡ và tôn thờ Ba Ngôi.

36.58/ Vì sao cách thức các chuỗi hạt đều đổ về tượng Thánh Giá?
Vì hai lý do:

  • Cuộc sống và lời cầu nguyện của người Kitô hữu đều tập trung vào Chúa Kitô.

  • Chúa Kitô là mối dây nối kết giữa ta với Thiên Chúa và với nhau.

37.59/ Trước và sau kinh Mân côi, ta mở đầu và kết bằng kinh gì?
Có thể mở đầu bằng kinh Tin Kính, hay đọc Thánh vịnh 70: "Lạy Chúa Trời xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa xin mau phù trợ", hoặc đọc kinh nào khác để chuẩn bị tâm hồn.
Có thể kết thúc bằng kinh Lạy Nữ Vương, hay lời kinh theo ý chỉ của Đức Giáo hoàng.

38.60/ Theo Tông thư, các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng được phân chia như thế nào?
Được phân chia như sau:

  • Thứ hai và thứ bảy: Mầu nhiệm Vui.

  • Thứ ba và thứ sáu: mầu nhiệm Thương.

  • Thứ tư và Chúa nhật: mầu nhiệm Mừng.

  • Thứ năm: mầu nhiệm Sáng.

39.61/ Vì sao Giáo Hội luôn tin tưởng vào hiệu quả của kinh Mân côi?
Vì Giáo Hội tin tưởng vào hiệu lực của lời chuyển cầu của Đức Maria.

39.62/ Đức Thánh Cha đã trao phó cho quyền lực của kinh Mân côi sự nghiệp gì?
Ngài trao phó hai sự nghiệp: hòa bình trên thế giới và các gia đình.

40.63/ Vì sao Đức Thánh Cha gọi kinh Mân côi là lời kinh cầu cho hòa bình thế giới?
Có ba lý do:

  • Khi đọc kinh Mân côi, ta chiêm ngắm Chúa Kitô là Hoàng Tử Hòa bình, qua đó ta học được con đường đi tới sự bình an.

  • Kinh Mân côi đem lại bình an cho người đọc, từ đó họ gieo an bình ra chung quanh.

  • Kinh Mân côi đưa đến những việc bác ái đối với những anh chị em bên cạnh mình.

41.64/ Vì sao Đức Thánh Cha nói kinh Mân côi là lời kinh CỦA gia đình và CHO gia đình?
Đức Thánh Cha mời gọi các gia đình lần chuỗi, vì kinh Mân côi có khả năng gìn giữ hạnh phúc gia đình; lôi kéo các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn trong sự hiệp thông với Chúa Kitô. Nhờ sự hiệp thông đó, họ dễ tha thứ cho nhau. Hơn nữa, việc đọc kinh Mân côi chung, sẽ làm cho bầu khí của các gia đình nên giống gia đình Nagiaret. Nghĩa là khi đọc kinh Mân côi, ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em sẽ đặt Chúa Kitô làm trung tâm của gia đình mình. Nhờ đó mọi thành viên trong gia đình chia sẻ nỗi vui, nỗi buồn của Người. Họ cũng sẽ đặt những nhu cầu, những dự tính của họ trong tay Người. Họ kín múc từ nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước.

42.65/ Đức Thánh Cha mời gọi cha mẹ cầu nguyện cho con cái bằng kinh Mân côi như thế nào?
Trước những khó khăn, những rạn nứt và đổ vỡ của gia đình ngày nay, Đức Thánh Cha mời gọi các bậc cha mẹ không chỉ cầu nguyện cho con cái bằng kinh Mân côi, mà còn phải thúc giục và dạy con cầu nguyện chung trong lời kinh gia đình. Cách riêng cầu nguyện bằng kinh Mân côi.

42.66/ Làm cách nào để trẻ em và thanh thiếu niên quí trọng kinh Mân côi?
Trước hết phải phá bỏ ngay lối suy nghĩ hẹp hòi đưa tới thái độ phản đối cho rằng kinh Mân côi không còn phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ và người trẻ; hoặc đó chỉ là một thứ kinh nguyện nghèo nàn, nhàm chán; hoặc cho rằng kinh Mân côi không có nền tảng Kitô mà chỉ nhắm tới Đức Maria.
Bên cạnh đó, với ơn Chúa, nếu gia đình hoặc một nhóm người, biết sáng tạo những biểu tượng thiết thực và tương xứng, giúp hiểu ý nghĩa lời kinh; hay có những hình thức tích cực, sôi nỗi và sáng tạo mà các ngày Quốc tế Giới Trẻ đã làm được, sẽ lôi kéo trẻ nhỏ và giới trẻ tham dự tích cực trong việc cầu nguyện bằng kinh Mân côi.

43.67/ Các mục tử cần làm gì trong năm kinh Mân côi này?
Phải dấn thân cổ võ kinh Mân côi trong năm đặc biệt này.

43.68/ Các thần học gia cần làm gì đối với kinh Mân côi ?
Giúp dân Kitô giáo khám phá giá trị của kinh này bằng những suy tư khôn ngoan và nghiêm túc của mình.

43.69/ Các tu sĩ cần làm gì đối với kinh Mân côi?
Qua kinh Mân côi, họ chiêm ngưỡng Chúa Kitô, mẫu gương và mục đích của đời thánh hiến của họ.

43.70/ Các giáo dân từ già đến trẻ làm gì với kinh Mân côi?
Họ hãy cầu nguyện bằng kinh Mân côi, "Hãy cầm lấy chuỗi Mân côi với lòng tin tưởng".
LƯU Ý:

Tập sách này gồm 70 câu hỏi được rút ra từ Tông thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE. Mỗi câu hỏi có hai số thứ tự. Số đầu là số thứ tự trong Tông thư. Số sau là số thứ tự các câu hỏi.



  • Ví dụ câu số 2 là: 1.2/ Đọc kinh mân Côi ta được những gì?

  • Số 1 là số thứ tự trong Tông thư.

  • Số 2 là số thứ tự của câu hỏi và trả lời của tập sách này.




tải về 65.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương