Chuyện Phiếm Đạo Đời II



tải về 1.23 Mb.
trang15/16
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.23 Mb.
#25317
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là: Hội thánh ngày nay có buồn/vui chăng khi nghe con cái nhà Đạo cứ hay đem chuyện ly dị của họ ra mà bàn, mà hỏi, không?
Câu trả lời, tưởng cũng nên qui về tập sách do Hội Đồng Giám Mục Úc phát hành, hồi đầu năm. Tập sách này, có thừa những lời hỏi-đáp gọn gàng và đầy đủ, như sau:

Có sự nối kết nào không giữa Hôn Nhân và Tiệc Thánh Thể?


Khi rước Mình Thánh Chúa, người Công Giáo chúng ta vẫn thưa “Amen”, là để tỏ ý tin tưởng rằng mình đang nhận đón Mình Đức Kitô vào người. Amen, lời diễn tả một đồng thuận rằng mình nay thuộc Thân Mình Chúa. Và, còn là lời cam kết trung thành phục vụ Thánh Thể Ngài bằng cả hành vi và ngôn ngữ. Hôn Nhân và Thánh Thể có liên hệ đặc biệt, coi như “Bí Tích của Mình Thánh Chúa”.

Trong hai bí tích, ta có kinh nghiệm sống tình yêu “lứa đôi” mà Đức Kitô trao tặng Hội thánh; và qua đó, Ngài trao ban chính mình trong yêu thương. Đổi lại, ai rước Mình Chúa vào lòng, là trao tặng chính mình cho Chúa. Cũng một trật như thế, khi hai người đồng ý sống đời ở kiếp với nhau tức là chấp thuận tặng chính mình trao cho nhau.

Hôn nhân là nhiệm tích nối kết vợ chồng (và họ hàng đôi bên) với nhau. Việc Nối kết giúp họ lĩnh nhận ân sủng hầu duy trì khế ước cùng nhau sống đời thuỷ chung. Và, Thánh Thể hợp nhất món quà quý giá ấy và củng cố tình vợ chồng để họ ăn ở với nhau theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Ly dị có làm cho người phối ngẫu tách rời Bí tích Thánh Thể không?


Câu trả lời dĩ nhiên là: không. Ly dị, tự bản chất, không tách rời hoặc cấm cản người phối ngẫu được phép rước Mình Thánh Chúa vào lòng. Trong trường hợp nào cũng thế, rước Chúa là quyền của mỗi người tuỳ lòng thành và thiện ý của họ. Tuỳ họ, có sống theo lời dạy của Chúa và sẻ san sứ vụ tông đồ của Hội thánh không, thôi. Điều này có nghĩa: ai ly thân/ly dị -hoặc người Công giáo độc thân- vẫn được kêu gọi kềm chế hành động gần gũi dục tình và chu toàn trọng trách của người giáo dân hoặc bậc cha mẹ có ý thức trách nhiệm. Ai không làm thế, Bí tích Hoà giải (gọi là Giải tội) vẫn đem đến cho họ ơn tha thứ của Chúa, kèm theo đó là lợi ích thiêng liêng qua việc rước Chúa vào lòng.

Ai đã ly dị hoặc tiến thêm bước nữa có được phép rước Chúa không?


Trừ phi Toà án Giáo hội tuyên bố là họ được tự do tái giá, người ly dị được hiểu là họ vẫn bị ràng buộc bởi hôn nhân có trước. Nếu hai vợ chồng -hoặc ít nhất là một trong hai người phối ngẫu đã ly dị nhưng chưa được giải toả để tái giá- mà lại tiến tới hôn nhân, thì cả hai đều không được phép rước Chúa. Hôn nhân mới thành lập theo bậc đời, được coi là xung khắc với khế ước hiện hành của bí tích. Và, từ đó, cũng kéo theo xung khắc với ý nghĩa huyền nhiệm của Bí tích Thánh Thể, nữa.

Giáo huấn Hội thánh dạy rằng: ai lập hôn thú ngoài Giáo hội, không được phép rước Chúa. Điều này, không có nghĩa đó là phán xét về một lầm lỡ cá nhân hoặc tội lỗi đầy tràn. Đó là quyết đoán về hành vi cần phải có đối với giáo huấn của Hội thánh và về tình trạng sống sao cho phù hợp với ý nghĩa của Thánh Thể, tức Bí tích hiệp thông cùng sống với Hội thánh. Hiểu được ý nghĩa của Hôn nhân và Thánh Thể dành cho đời sống người tín hữu, Hội thánh vẫn kiên trì tuân thủ giáo luật, không chấp nhận cho phép rước Chúa, những ai ly dị hoặc tái giá kết hôn không có phép chuẩn của Giáo hội.

Về việc này, người phối ngẫu có thể theo “lương tâm” mà xử sự được không?
Đối với người Công giáo, lương tâm bao gồm cả việc tìm cách am tường vấn đề có ánh sáng chỉ đường là giáo huấn của Hội thánh. Thêm vào đó, hôn nhân không là chuyện riêng tư cá nhân. Hôn nhân có ý nghĩa đối với cả hai, xã hội nới rộng và -ở hoàn cảnh của người Công giáo- đối với cộng đoàn Giáo hội, nữa. Chính vì thế, không bên nào, kể cả Giáo hội, có khả năng phán đoán lỗi phạm cá nhân hoặc sự vô tội của người khác. Thật là sai, nếu có ai nghĩ rằng hôn nhân và việc tham dự Tiệc Thánh Thể của họ chỉ là vấn đề “riêng tư”, và họ có quyền tự mình kiểm soát chuyện của mình.

Người tái giá đã được phép chuẩn có bị chối từ không cho dự Tiệc Thánh không?


Như nói ở trên, phán quyết của Toà án Giáo hội là cơ quan có thẩm quyền chuẩn chước để người ly dị có được tái giá nữa hay không. Và cũng thế, nếu tái giá bước nữa có được rước Chúa vào lòng, không. Đó là vấn đề.

Có nhiều trường hợp hai người phối ngẫu đều từ chối không chịu ra toà hôn nhân của Giáo hội hoặc cũng có làm, nhưng không thành, lại tin rằng họ có lý do chính đáng không thể xa nhau hoặc tự kềm chế chuyện gần gũi tính dục được, những cặp như thế, có lẽ đang sống trong tình trạng có xung đột nội tâm hoặc lương tâm mình đang trong tình trạng bối rối vì giáo huấn của Hội thánh đã nói rõ một phần, và phần khác, họ vẫn uớc ao được rước Chúa vào lòng. Trong trường hợp đó, vị linh mục hoặc cố vấn linh hồn nên giáp mặt giúp giải quyết cảnh rối rắm hơn là để họ ngang nhiên làm bừa.

Vai trò của linh mục trong việc giải quyết các nố lương tâm ở lĩnh vực này ra sao?
Dù linh mục không thể quyết định về các nố lương tâm giùm cho người khác; cũng không thể áp đặt quả quyết gây xung đột với quyết định của Hội thánh, nhưng vẫn có thể giúp hai vợ chồng hiểu rõ giáo huấn của Hội thánh. Hội thánh, thay vì đưa ra điều lý tưởng xa vời hoặc chỉ hoàn thành một cách chầm chậm, vẫn có cái nhìn về cuộc sống chu toàn trách nhiệm. Bởi thế nên, Hội thánh mới đưa ra giải pháp tự thân, có dụng đích rất mực, để giúp đôi bên cố gắng thích ứng với cuộc sống của mình.

Linh mục đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ mục vụ và hướng dẫn các cặp phối ngẫu đã ly dị và tái giá. Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh rằng: lương tâm con người là “cốt lõi của phần sâu kín thánh thiêng”, mà trước mặt Chúa, người ấy lãnh trách nhiệm về các quyết định có tính luân lý của mình (x. Hiến chế Hội thánh trong thế giới hiện đại). Thành thử, không linh mục nào dám nhận trách nhiệm giùm người phối ngẫu, để ra quyết định mang tính luân lý, trong địa hạt này. Và, Hội thánh có thể giúp đỡ cách hay nhất là làm cho mỗi người sống thích ứng lương tâm của họ; sống phù hợp với chân lý. Chỉ lương tâm của người có kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ các nguyên tắc khôn ngoan/thận trọng, mới có thể hướng dẫn để đối diện với trường hợp mang tính xúc cảm và khó khăn đó.

Linh mục hoặc cố vấn giáo luật cũng có thể giúp mọi người đưa ra quyết định có ý thức trách nhiệm: thứ nhất, bằng cách lắng tai nghe hầu am tường tình cảnh riêng tư của đương sự về mặt luân lý, cho họ. Thứ đến, qua việc giúp cho đương sự làm sáng tỏ tình cảnh của mình và phản ảnh những vấn đề có liên quan, đang gặp trắc trở. Cuối hết, bằng vào việc đảm bảo rằng:họ am tường tín lý cũng như qui tắc tựa như giáo huấn của Hội thánh về tính khả phân ly của hôn nhân;và về tương quan giữa Hôn nhân và Thánh Thể.

Mục tiêu đối thoại với linh mục hoặc cố vấn linh hồn là để người phối ngẫu thẩm định cho chính mình đâu là “bước kế tiếp”, dù đó không phải là bước cuối, cũng phải dấn thân để rồi mình mới có thể hoà hợp với tương quan mật thiết với Chúa và Hội thánh.

Làm cách nào để người ly dị và tái giá vẫn san sẻ đời sống của Hội thánh?
Giải đáp mục vụ của Hội thánh dành cho những người đã ly dị và tiến tới trong hôn nhân lần nữa, không buộc phải dẫn đến việc chối từ quyền được phép rước Chúa. Chính Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị khi trước, có viết: “Người đã ly dị và tiến thêm bước nữa, không nên tự coi mình như “đã tách rời Hội thánh, bởi vì họ vẫn là người đã được thanh tẩy, nên họ có thể, và thật ra phải được, san sẻ cuộc sống Hội Thánh, mới đúng”. Chẳng một hoàn cảnh nào của con người, lại ra ngoài ân sủng của Thiên Chúa. Và, sự lành thánh luôn nằm trong cảnh tình cụ thể của đời sống mỗi người trong chúng ta. Nhiều trường hợp, phán quyết của toà án Giáo Hội còn hỗ trợ cho hôn nhân bất thường này nọ trở thành hiệu lực, nữa là đằng khác.

Thành thử, khi hôn nhân mới trở hiệu lực, nhiều người đã trải qua đau khổ thật tình; bởi, ở hoàn cảnh ly dị, hoặc tái giá, họ đều thấy không thoải mái mà bước lên rước Chúa vào lòng. Những người ý thức được rằng: hoàn cảnh của họ, trong hiện tại, đang bị cấm rước Chúa vào lòng, không thích đáng để rước Chúa, có thế được hiểu là để chứng tỏ họ trung thành quả cảm nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hoàn cảnh riêng của mình.

Giáo Hội nhận rằng là cộng đoàn chung sống, ta cũng nên tỏ ra nhạy bén với tình cảnh của những người đã ly thân, ly dị hoặc tiến thêm bước nữa. Nên kiếm cách mà hỗ trợ và nâng đỡ họ theo cách nào thích hợp. Và, nhiều trường hợp, họ cũng lĩnh hội được nhiều bài học quý giá, từ đó. Rất thường, hoàn cảnh của những người bị đổ vỡ trong tương quan vợ chồng, đều chứng tỏ lòng quả cảm và quyết tâm của họ đối với người khác trong cộng đồng dân Chúa.

Chúng ta cũng khích lệ những người anh em này hãy bền đỗ trong nguyện cầu, sám hối và tình thương của Chúa và yêu người đồng loại, để họ có thể đến dự Thánh lễ và các buổi chầu Thánh Thể, đồng thời tham gia sinh hoạt với cộng đồng giáo xứ của họ.

Hội Đồng Giám Mục chúng tôi cũng khuyến khích các vị chủ chăn và giáo dân hãy nâng đỡ mục vụ những người ly dị, và khích lệ họ nên tham gia vào đời sống của Hội thánh trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Hội thánh bảo đảm với họ về tình yêu thương liên tục của Đức Kitô. Bảo đảm rằng, Chúa vẫn mong hiệp thông đậm sâu với mọi người như họ.”

Quả thật, cảnh tình người phối ngẫu nam/nữ, vẫn là chuyện dễ bàn hơn đi vào hiện thực. Triết lý dông dài, vẫn dễ hơn sống từng trải. Có nên chăng, một cái nhìn thông thoáng về vấn đề này. Vì, nói gì thì nói, ly thân/ly dị hay tái giá, đâu có nghĩa mình đang trong tình trạng phạm pháp. Nhất thứ, đó lại không là những pháp và luật của đời thường. Mà, chỉ là đời sống thân thương của cộng đoàn dân Chúa.


Cộng đoàn dân con Đức Chúa, vẫn sống bằng tình thương yêu, đùm bọc. Bất kể người anh hay người chị ấy có vấn đề, hay không. Bất kể, người anh người chị, người em của mình có là giáo dân hạng thứ, hay có chức có quyền. Bất kể, anh/chị hay em ấy có quá trình sống trong tăm tối từ một cộng đoàn khác nay chuyển đến, không. Năm châu bốn biển, tất cả chung một nhà. Nhất thứ, là nhà Đạo của Đức Chúa. Là, Hội thánh, hoặc còn gọi là Nước Trời ở trần gian. Rất thân. Và rất đáng thương.

Trần Ngọc Mười Hai


vẫn ao ước được đón tiếp
anh chị người thân
đi vào vòng tay ôm
thân thương của Hội thánh.

“Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng anh cười”


(Rm 8: 35)

Một ngày nào, nếu bần đệ hầu chuyện với bầu bạn mà lại thưa: lâu nay chỉ phiếm một mình, chắc hẳn bạn cũng như tôi, chắc chẳng ai tin cả. Quả thật, trong phiếm luận tình đời, phiếm là phiếm với ai. Phiếm cho ai. Không thể nào, có chuyện ngồi phiếm một mình và chỉ với mình thôi.

Bần đạo còn nhớ, trong đoạn viết “Thay cho lời tựa” ở Chuyện Phiếm Đạo Đời số 1, tay chuyên gia truyền thông phát sóng Vũ Nhuận đã hơn một lần bày tỏ: “Có thể chỉ cần một vài độc giả nào đó -qua những chuyện phiếm rất gần gũi với ĐẠO, với ĐỜI- có thể bỗng chốc nhìn thấy một tia sáng soi dọi ĐỜI mình và ĐỜI người, thì hẳn sẽ là niềm an ủi lớn cho tác giả Trần Ngọc Mười Hai.”

Và hôm nay, đàn em họ Trần này, lại được vinh dự nhận thêm nguồn an ủi lớn, từ bầu bạn người thân tuy xa, mà gần. Gần, trong tình thân thương trọn gói với giòng chảy ở đây:

“Vấn nạn anh đưa ra –dù là chuyển ngữ hay dịch thuật tư tưởng của ai đó- xem ra vẫn là ưu tư vấn nạn, rất gay go. Gay, như mình trộm nghĩ, là dù cho anh có bị mang tiếng là cấp tiến hay giỏi viết và lách cách nào đi nữa, cũng không dám nói hết những điều mình nghĩ. Chính vì thế, anh mới phải “mập mờ” trong mấy câu ở cuối bài “Thôi nhé em, mình xa nhau, từ đây!”
Mình không có vấn đề về chuyện này. Chuyện ấy là chuyện của mỗi cá nhân. Tôn trọng lòng ao ước chân thành của người khác, là điều đáng quý. Giả như, đôi khi lòng ước ao đó có chút lạm dụng, cũng vẫn tốt như thường. Bởi, cũng chỉ vì muốn cho thiên hạ lạm dụng, nên Thiên Chúa mới là Đức Chúa của chúng mình. Cho phép kẻ khác lạm dụng, ngõ hầu dễ ban phát tình yêu và giúp cho họ cảm nhận được Tình Yêu “điên rồ, khờ dại” của mình cũng là một phần tâm tình của Chúa, thôi.
Ấy chết, đây chỉ là những ý mọn mình đưa ra để nói lên một điều mà mình nhớ mãi về lời thánh An-Phong-Sô từng dạy dỗ con cái trong dòng, là: ngay đến những quyết định trong hoàn cảnh bị mù mờ vẫn được tôn trọng như thường.
Thật vậy, mấy khi mình đủ sáng suốt. Mấy khi và mấy ai trên thế gian này dám nói là mình “xứng đáng”. Và, một khi đã nhận mình là kẻ bất xứng thì đừng đặt điều này điều kia để trói buộc nhau nữa, mà làm chi.
Tóm lại, ngang tàng không phải là cái tội. Ngang tàng, là cơ hội để nhìn thấy rõ tình trạng bướng bỉnh của mình, rồi từ đó mới thấy lòng nhân hậu của Cha cao quí biết dường nào.
Chúc anh cứ thế mà ngang tàng như sự ngang tàng của người cha trong bài phiếm mà anh đặt cho đầu đề rất nổ chậm “Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”. Thân.

Trong cảnh tình “cứ tiếp tục mà ngang tàng” để có được tình yêu thương từ người Cha nhân hậu, hôm nay bần đạo lại nhận thêm giòng chảy “phản hồi”, từ một đàn anh khác, bên trời Âu. Anh viết:

“Mình ngỡ ngàng đến thích thú khi nhận được quà bất ngờ là sách “Chuyện Phiếm Đạo-đời I” và bộ CD bạn dành cho mình sự nhớ tưởng và tình thân quá đặc biệt… Mình rất xúc động, và không biết nói sao để cảm ơn bạn đúng với lòng mình mong muốn.
Chỉ nói được là mình rất vui được biết có người anh em ở phương trời nào đó vẫn tiếp tục sứ mạng của Dòng trong hoàn cảnh đặc biệt của mình. Như nhà văn St Exupéry viết trong Petit Prince: mình nhìn lên bầu trời và cảm thấy các vì sao thân thương gần gũi làm sao ấy. Vì biết rằng, trên đó có một tình bạn đang chiếu sáng… Nhiều thành phố trên thế giới cũng cho mình cảm thấy cái ấm áp tình người ấy.
Cảm ơn bạn và xin Chúa chúc lành trên những bước tiến của bạn.
Người anh em nơi bầu trời Thuỵ Sỹ.

Hai bức thư tâm tình, từ những người anh ở rất xa, rất tình và rất thân khiến bần đạo tưởng nhớ đến “bài Tango cho em”, nơi đó cũng có những giòng chảy rất dễ thương, đậm đà tình thân, qua câu:

Từ ngày có em về
Nhà mình toàn ánh trăng thề.
Giòng nhạc tình đang tắt lâu,
Tuôn trào ngọt ngào như giòng suối.

Quả là, khi về bằng giòng chảy điện thư hay bằng nhịp Tango cho ai đó, cũng đã làm:

Anh yêu phút ban đầu,
Đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu.
Trong mắt em buồn về mau,
Em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau. (Lam Phương – Bài Tango cho em)

Đích thực, “lần gặp đây cho mai sau ấy”, chừng như đã thấy nhắn nhủ ở đâu đó, nơi trình thuật:

“Ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?
Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy,
bắt bớ, gươm giáo?”
(Rm 8: 35)

Thật ra, có là gươm giáo hay bách hại cũng chẳng thể nào làm cho tình thân giữa em và tôi, nên xa cách. Hoạ chăng là cảnh nghèo. Bởi vì, như kinh thánh vẫn nói:

“Thiên Chúa dùng cái nghèo
để giải thoát người nghèo,
dùng khổ đau mà mở mắt họ.”
(Jb 36: 15)

Ngài dùng cái nghèo là bởi Ngài chính là sự nghèo hèn. Là người nghèo:

“Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Kitô,
Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào;
Ngài vốn giàu sang phú quý,
Nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em,
Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.”
(2Cr 8: 9)

Vì thế:
“Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối


khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo
vì Đức Kitô.”
(2 Cr 12: 10)

Cũng thế, người nghệ sĩ ngoài đời cũng hát lên lời ca tương tự:

“Xin cám ơn đời còn nhau,
xin ghi phút ban đầu bằng bài Tango cho em. (Lam Phương – bđd)

Viết đến đây, bần đạo lại nhớ đến tâm tình thân thương của một chị khác đã thổ lộ, là chị ấy ao ước được gần gũi Chúa và đã rước Chúa vào lòng dù lúc đó chị chưa rửa tội, vào Đạo. (Chắc chị chưa bị bảo ban: hãy ngồi im một chỗ. Và, việc lên rước Mình Thánh Chúa chỉ dành riêng cho người Công giáo mà thôi… một câu nói mà nhiều người vẫn được nghe ở một vài nơi!). Chị tâm sự rằng: chị cảm thấy được Chúa chấp nhận vô điều kiện, và Chúa chẳng đặt điều kiện/luật lệ với những người như chị. Chị còn nói: chính điều này đã đem lại cho chị một niềm hy vọng để vươn lên, để ngồi dậy, mỗi khi bị đời đánh ngã. Chị nay đã có lòng đạo, rất sốt sắng.


Như vậy thì, ai bảo là lòng ước muốn không lôi kéo, không có sức thu hút người ta đến gần với Chúa hơn? Hôm nay, bầu bạn có thương người em còn nghèo và vẫn hèn như độ nào, thì cũng xin cho hơi ấm tình thân thương giữ nhau mãi mãi, chứ đừng cho lời khen. Giữ nhau trong tình thương yêu đậm tính nghèo nhưng không hèn, như truyện kể bên dưới:

“Tôi chỉ là người mẹ nghèo có ba người con nhỏ: đứa 14, đứa 12. Và, Út cưng của tôi mới lên 3. Và, tôi vừa tốt nghiệp cao đẳng, mới đây thôi. Nhưng, để tôi kể cho bạn nghe chuyện đời mài đũng quần ở nhà trường, vào buổi cuối. Buổi học cuối cùng, là môn xã hội học. Bà thầy ra lệnh cho học sinh muốn tốt nghiệp phải viết một luận án vài nghìn chữ hoặc nói về một “kế hoạch nhỏ” đánh động tình người. Tình nhân loại. Với chủ đề “Nụ cười”.

Bà thầy của tôi, yêu cầu mỗi học sinh trong lớp phải ra ngoài gặp mọi người và nhoẻn một nụ cười với họ. Khi về, nhớ ghi phản ứng của mấy người ấy.

Với tôi, đó là chuyện nhỏ. Bởi lẽ, tôi vẫn có tính la cà, hàn huyên với mọi người, bất kể lạ hay quen. Thành thử, chuyện này cũng dễ thôi. Xem thế, sau khi đồng ý sẽ thực hiện kế hoạch bà thầy bày ra, ông xã, và tôi cùng đứa con út quyết định đến quán McDonald’s để ăn sáng và tiến hành dự án. Cũng để chia sẻ niềm vui cuộc đời với đứa con còn nhỏ.

Lúc ấy, bọn tôi đang xếp hàng chờ đến phiên mình ra đơn đặt hàng, bỗng thấy mọi người chung quanh đang đứng đó tự nhiên dạt ra một, chẳng nguyên cớ. Ông chồng tôi cũng làm thế. Còn tôi, thì không. Bất chợt, trong tôi dấy lên tâm tình hãi sợ, một chút thôi. Định thần nhìn quanh, tôi đánh hơi ngửi thấy một mùi hôi khủng khiếp, ngay sau lưng mình. Mùi này, phát từ hai người đàn ông chừng như thuộc giới “vô gia cư, chết vô địa táng”, thì phải. Tôi nhìn về phía một người khá thấp, đứng sát sau lưng, thấy hắn ta nhoẻn một nụ cười mỉm, chào thân thiện. Nụ cười kèm theo ánh mắt đầy những sao trời xanh biếc. Chừng như, anh đang mải đếm các đồng tiền kẽm còn sót, rất chậm.

Người đàn ông kế bên, lóng ngóng lục tìm nơi túi quần có lỗ lủng để coi xem có đủ tiền không. Tôi đoán chừng người này bị chứng chậm phát triển hay tâm thần phân liệt, gì đó không chừng. Anh mải nhìn vào người bạn phía trước bằng đôi mắt trông chờ, sự cứu bồ.

Tôi vội nén giọt nước mắt chừng đang muốn lăn từ khoé mắt. May thay, cô bé bán hàng kịp đến vội hỏi xem hai người muốn thứ gì. Bèn nhận được câu trả lời cụt ngủn:
-Chỉ một ly đen thôi, cô ạ. Tôi đoán, họ cũng chỉ còn nhiêu đó để trả. Vì theo luật, muốn ngồi chỗ ấm, người nào cũng phải mua thứ gì tối thiểu. Tôi chợt nhận ra như có lực đẩy nào dồn lên tận cổ báo hiệu tôi phải làm việc gì, tựa như chạy đến ôm cổ người bạn mới gặp có cặp mắt trong xanh, nhưng hơi nghèo. Bất chợt, tôi thấy như mọi cặp mắt đang đổ dồn cả về phía tôi, chờ đợi một phản ứng.

Tôi bắt chước nhoẻn nụ cười đáp trả, và bảo cô bé nơi quầy cho thêm hai phần ăn để riêng khay. Xong rồi, tôi mang lại chỗ hai người khách lạ đang xì xụp hớp ngụm cà-phê nóng. Tôi để khay bánh xuống trước mặt từng người, và tôi đưa tay đặt nhẹ bàn tay lên bàn tay người khách lạ có cặp mắt xanh thiên thần. Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi, rồi nói: “cảm ơn chị rất nhiều.” Tôi đập mạnh vào tay anh, bảo: Tôi làm việc này không phải cho anh đâu. Nhưng chính Đức Chúa hành động qua tôi, đem đến cho anh một hy vọng.

Bước chân rời khỏi cửa tiệm, gặp ông chồng và con đang đứng chờ, tôi chợt thấy mình như đang khóc. Khi ngồi vào xe, chồng tôi bảo nhỏ: “Em cưng, anh cũng thấy Chúa gửi em đến với anh là để vợ chồng mình trao cho nhau niềm hy vọng.” Chúng tôi nắm tay nhau một chốc lát, biết rằng đó là giây phút quý báu. Là, ân huệ Trời cho để chúng tôi có thể cho đi những gì mình có, ít ra là niềm hy vọng.Bọn tôi không có thói quen đi nhà thờ, nhưng vẫn tin có Chúa hoạt động trong mỗi người chúng ta. Và, bữa hôm đó đích thực là tôi đã nhận ra được ánh sáng tình yêu thương ngọt ngào của Thiên Chúa.

Trở về trường nộp bài viết về “kế hoạch nhỏ” của mình, tôi thấy bà thầy cúi xuống nhìn vào bài làm của tôi và hỏi xem tôi có bằng lòng cho cô đọc lớn tiếng để các bạn học cùng chia sẻ không. Tôi đồng ý và nghe cô đọc lớn tiếng “kế hoạch nhỏ” của tôi.Trong lúc bà thầy đọc, trong tôi bất chợt nảy sinh một cảm nghiệm: làm người phàm nhưng tôi vẫn là thành viên được san sẻ Tình thương yêu của Đức Chúa. Và, chính tình thương đã giúp những người như tôi chữa lành được nhiều và tôi cũng được mọi người chữa cho mình lành lặn.

Và, theo cách thức riêng tư của mình, tôi đã đánh động tâm can nhiều người có mặt ở tiệm bán bánh hôm ấy. Đánh động con út, cũng như bà thầy và các bạn học vẫn cùng san sẻ với tôi khung trời tuổi nhỏ chốn học đường. Và, tôi đã tốt nghiệp cao đẳng với thành tích đạt được, có ghi trong học bạ: Chấp nhận vô điều kiện. Đó là ý nghĩa của tình yêu. Và, của cuộc sống. Cũng từ đó, tôi phát giác ra được bài học để đời, đó là: yêu thương mọi người và sử dụng mọi đồ vật, chứ không phải yêu thương đồ vật mà sử dụng mọi người. Và, cũng từ đó, trong tôi nảy sinh thêm nhiều điều mới lạ khác. Những chuyện như: Rất nhiều điều đi vào và rồi rời hỏi cuộc đời mình, nhưng chỉ mỗi bạn hiền đích thật mới để lại các dấu ấn nơi tâm can mình, thôi.

Thành ra, tôi đã quyết tâm từ nay: muốn kềm chế chính mình, hãy sử dụng bộ óc. Muốn kềm chế người khác, hãy sử dụng con tim. Thiên Chúa ban tặng loài chim thực phẩm thích hợp với chúng, nhưng Ngài không bao giờ ném thức ăn vào tổ của chúng.

Thực phẩm nuôi dưỡng tình thân thương bạn bè cũng thế, không phải cứ ngồi chờ nơi tổ ấm riêng tư của mình là có người đi qua ném vào đó, nhưng vẫn là một hành trình, cần dựng xây. Trong kiên nhẫn.

Cũng thế, trong hành trình dựng xây sự thân thương cùng khắp, bạn cũng như tôi, ta chỉ thấy “đời đẹp vì tiếng anh cười”. Anh đã cười, và sẽ cười mãi vì “giờ mình có nhau rồi.” Và, như nghệ sĩ khi xưa vẫn thường hát:

“Giờ mình có nhau rồi
đời đẹp vì tiếng em cười
Vượt ngàn trùng qua bể khơi,
Dắt dìu cùng về căn nhà mới.
Ta xây vách chung tình,
Nhiều chông gai có tay mình.
Xin cảm ơn đời còn nhau,
Xin ghi phút ban đầu bằng bài TANGO cho em.” (Lam Phương – bđd)

Cho dù người em hay người anh có bất xứng, hôi hám hoặc nghèo hèn, thì bạn và tôi, ta vẫn cứ luôn hát “Bài Tango cho em” nhé. Hát cho nhau. Cho vui cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn muốn hát bài Tango
cho bạn và cho tôi
cho vui cuộc đời.
Rất đáng vui.

Phụ Lục


Tâm tình tác giả.

Chà! Tiết mục này, nghe có vẻ to tát quá.


Nhưng trước khi đi vào chi tiết, xin thay mặt cho bản thân, gia đình và các thành viên trong ban tổ chức, xin được gửi đến tất cả các anh các chị có mặt ở đây, lời chào rất tâm tình và cũng rất biết ơn. Trước tiên, xin cảm ơn tất cả các anh chị đã bỏ thì giờ đến đây tỏ bày sự thân thương đối với chúng tôi. Nhất là Linh Mục Thinh, mà chúng tôi vẫn gọi Linh mục “nhà” là đã bay từ Melbourne về sáng nay., thật là cảm động.
Và, với một cử toạ đông đảo như thế này chứng tỏ là anh em chúng ta đang làm một việc rất ư là vui thích. Đáng khích lệ. Tiếp đến cũng xin cảm ơn cha chánh xứ Dominic Trung đã cho phép chúng tôi mượn hội trường thực hiện buổi này. Cảm ơn “Người bạn đời luôn đồng hành trong hành trình đi Đạo” của tôi, các anh chị trong ban tổ chức, như: Vũ Nhuận, Huỳnh Công Lợi, Nguyễn Duy Lâm, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Văn Thắng, các anh chị trong ban đàn ca là: anh Đặng Hữu Hiếu, chị Lệ mai, Tuyết Lê, Tuyết Trinh, Thanh Xuân ,Thành Minh và Quốc Danh, anh chị em,con cháu trong nhà và tất cả các vị thiện nguyện đằng sau hậu trường... đã biến buổi này thành hiện thực. Và, hiện thực trong an bình, hài hoà.
Tiếp đến, khi được yêu cầu nói đôi ba “tâm tình của tác giả”, xin thú thật là khi viết chuyện phiếm, tôi chả bao giờ dám nghĩ mình sẽ là tác giả, hay tác thiệt, hết. Nhưng nếu quý vị muốn biết rõ tâm tình của người cầm bút khi viết những chuyện lăng nhăng gọi là phiếm loạn, thì xin được phép bộc lộ ngay. Không dám giấu diếm. Nhưng để cho ngắn và gọn, xin dùng hình thức tự hỏi và tự đáp. Cho nó thân mật và cũng để tranh thủ thì giờ của quý vị. Vâng, xin nói sơ vài điểm gọi là có một chút quá khứ và hiện tại trong việc viết và lách, những “Phiếm Đạo đời”.


tải về 1.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương