Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


CHƯƠNG III MẪU THỨC 1: MẠC KHẢI XÉT NHƯ LÀ GIÁO LÝ



tải về 1.01 Mb.
trang5/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

CHƯƠNG III

MẪU THỨC 1: MẠC KHẢI XÉT NHƯ LÀ GIÁO LÝ

Xem ra thuận tiện việc ta bắt đầu với lý thuyết quen thuộc nhất này – vì lịch sử lâu dài của nó và vì ưu thế tuyệt đối của nó trong những thời gian qua. Các yếu tố của mẫu thức “giáo lý” – hay mẫu thức “xác định” – có thể được truy tìm ngược về nơi những lý thuyết về sự linh hứng của giới rabbi trong thời kỳ cuối kỷ nguyên Do Thái giáo, và nơi các giáo phụ của Giáo Hội thời sơ khai – một số vị trong đó đã nhận ảnh hưởng từ các rabbi. Nhưng sẽ là hơi quá khi bảo rằng lý thuyết này giữ vai trò thống lĩnh trong những thời kỳ của các giáo phụ hay trong thời kỳ trung cổ; bởi vì trong những thời kỳ này mạc khải thường được giải thích bằng những cách diễn tả linh động hơn và bằng ít ngôn từ hơn. Vào cuối thời trung cổ, tư tưởng “xác định” được kích thích bởi việc áp dụng lạm phát của tam đoạn luận luận lý vào thần học. Vào thế kỷ XVI, khuynh hướng này được kích động thêm nữa bởi sự quan tâm cao độ của các nhà nhân bản về việc phê bình các bản văn và về khoa khảo cổ, và kết quả là các nhà thần học thuộc phong trào nhân bản đã đi đến nhìn mạc khải như một sự ủy trao lời nói phải được tái lập bằng các khám phá khảo cổ học. Vào các thế kỷ XVII và XVIII, khi mạc khải bị phủ nhận bởi phái Thần luận và được bênh vực bởi các Kitô hữu chính thống, ý niệm về “xác định” trở thành vấn đề thời sự hàng đầu. Bị ảnh hưởng phần nào bởi chính chủ nghĩa duy lý mà họ cố tìm cách phi bác, các Kitô hữu chính thống thường giải thích mạc khải như một cơ cấu ý tưởng sáng sủa và phân biệt – từ đó người ta có thể suy diễn ra các kết luận “với hậu kết tốt đẹp và thiết yếu” – như cách nói của Tuyên Ngôn Westminster. Vào thế kỷ XIX và XX, khi những lý thuyết “không xác định” về mạc khải trở thành lan tràn, các Kitô hữu gắn bó với quan điểm “xác định” được mệnh danh là những kẻ bảo thủ. Họ thường trách tư tưởng giải phóng và tư tưởng duy tân là những kẻ phá hoại đức tin đích thực.

Trong chương này chúng ta sẽ khảo cứu hai hình thức của mẫu thức “xác định” được thấy trong thế kỷ XX: chủ nghĩa duy Tin mừng bảo thủ và tư tưởng tân kinh viện Công Giáo.

Chủ Nghĩa Duy Tin Mừng Bảo Thủ:

Suốt hai thế kỷ 19 và 20, quan điểm “xác định” về mạc khải được triển khai chi tiết ở chủng viện Princeton bởi một loạt những thần học gia danh tiếng thuộc giáo phái Trưởng Lão – mà đáng để ý nhất là Benjamin B. Warfield (1851 – 1921). Ngày nay lý thuyết này được bênh vực trong thế giới nói tiếng Anh bởi đông đảo các nhà thần học theo chủ nghĩa duy Tin mừng, bao gồm trong đó là Gordon H. Clark, James I. Packer, John Warwick Montgomery và Carl F. H. Henry. Những quan điểm của trường phái này được nhiệt tình quảng bá bởi các tổ chức như Hội Đồng Thế Giới về tính không sai lầm của Thánh Kinh – là tổ chức đã đỡ đầu cho “Tuyên Bố Chicago về sự không sai lầm của Thánh Kinh” dài 4000 từ, vào năm 1978.

Trong khi hoàn toàn thừa nhận rất nhiều trường phái khác nhau có thể được bao gồm dưới danh hiệu “duy Tin mừng,” ở đây chúng ta sẽ dùng từ ngữ “phái Tin mừng bảo thủ” để chủ yếu chỉ về các nhà thần học thuộc chiều hướng vừa mô tả trên. Những từ ngữ như “chính thống Thánh Kinh” và “chính thống Tin mừng” đôi khi cũng được dùng như những từ đồng nghĩa trong thực tiễn với hệ thống mà chúng ta đang bàn.

Bất chấp một số tính đa dạng xét theo cá nhân, những người thuộc phái Tin mừng bảo thủ này nói chung là gặp nhau trong những nét khái quát theo bản tổng luận sau đây, chủ yếu dựa vào Warfield. Trên nguyên tắc Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài qua tự nhiên, để trong một ý nghĩa nào đó người ta có thể nói về mạc khải tự nhiên (hay “thông thường”) – luôn luôn có sẵn và có sẵn ở khắp nơi. Nhưng do bởi sự siêu việt của Thiên Chúa và do những hậu quả tàn phá của tội nguyên tổ, trong thực tế người ta không thể đạt được một tri thức chắc chắn và có sức cứu độ về Thiên Chúa bằng mạc khải tự nhiên hay thần học tự nhiên. Việc tự biểu lộ của Thiên Chúa qua tự nhiên có hệ quả chính yếu của nó là những ai không biết và không thờ phượng Thiên Chúa thì không được miễn chấp (cf. Rm 1, 20). Vì sự tri thức về chân lý cứu độ là cần thiết – nên mạc khải siêu nhiên (hay “đặc biệt”) là cần thiết. Mạc khải siêu nhiên này đã được phú ban cho trong những thời kỳ Thánh Kinh cổ xưa với những hiện tượng thần khải và những thị kiến tiên tri, nhưng khi được triển khai thì mạc khải nầy càng ngày càng mang lấy hình thức giáo lý. Trong giai đoạn cuối cùng, mạc khải đã xảy ra đặc biệt qua một “tác động nhị trùng” trong đó Thánh Linh khơi gợi và kiểm soát những năng lực con người khi những năng lực ấy được thể hiện trong việc nghiên cứu lịch sử, trong việc lý luận luận lý và trong việc trước tác văn chương.

Đức Giêsu Kitô đưa mạc khải siêu nhiên tới một giới hạn cuối cùng xét về mọi hình thức của nó. Trong cuộc sống Nhập Thể của Người, Người là hình ảnh tuyệt vời nhất của Thiên Chúa – và trong ý nghĩa đó Người là một sự hiển linh của Thiên Chúa. Năng lực tiên tri của Người là trác tuyệt, đối với Người Thiên Chúa Cha không dè giữ một sự kín nhiệm nào. Người lý luận và phát biểu với sự hỗ trợ của Thánh Thần Chân lý mà Người được ban cho một cách sung mãn.

Các Tông Đồ đón nhận mạc khải rất xác định qua giáo huấn của chính Đức Giêsu – một giáo huấn mà về sau  họ có thể giải thích nhờ sự giúp đỡ của Thánh Thần được ban cho vào dịp lễ Ngũ tuần. Ngày nay chúng ta không còn nhận mạc khải qua các tiên tri, qua Đức Giêsu Kitô hay qua các Tông Đồ như những trung gian sống động, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có mạc khải. Giáo huấn của các tiên tri và các Tông Đồ đã được thu thập lại cho chúng ta trong Thánh Kinh. Theo Warfield, Thánh Kinh chứa đựng toàn bộ mạc khải và bản thân Thánh Kinh là mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa.

Sự linh hứng của Thánh Kinh, dù không đồng nghĩa với mạc khải, vẫn có liên hệ chặt chẽ với mạc khải. Mạc khải – theo nghĩa là một điều xảy ra – là sự thông tin hay thông tri đầu tiên cho những người tiếp nhận đầu tiên, trong khi linh hứng là sự xung động và sự cộng tác thần linh được điều hợp sao cho những mạc khải được nhận lãnh trước đó có thể được trải ra một cách phù hợp và một cách chính xác trên giấy trắng mực đen. Theo Warfield, “mạc khải chỉ còn là một nửa mạc khải nếu như nó không được truyền đạt một cách bất khả ngộ; và truyền đạt chỉ còn là một nửa truyền đạt nếu như nó không được thu nhận một cách bất khả ngộ.” Thánh Kinh – xét toàn thể và xét từng phần – được linh hứng đến nỗi, trong những bản thảo nguyên thủy, nó hoàn toàn không sai lầm và là chính lời Thiên Chúa được viết ra. Đối với chúng ta là những người sống vào thời hậu Thánh Kinh thì Thánh Kinh là mạc khải đã được khách thể hóa. Được đọc một cách toàn bộ, Thánh Kinh sẽ giải thích chính nó – và do đó không cần bất kỳ một chuẩn mực hay cơ quan bất khả ngộ nào ngoài Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh.

Xem ra lý thuyết “xác định” về mạc khải vẫn có thể đứng được với chỉ cần một số khẳng định của Thánh Kinh là lời Thiên Chúa, nhưng phái Tin mừng bảo thủ gần như nhất trí khẳng định rằng tất cả không trừ lời nào trong Thánh Kinh đều được linh hứng. Nếu chỉ một tuyên bố đơn độc nào đó của Thánh Kinh bị lọt ngoài đặc tính vô ngộ – thì toàn bộ giáo lý về linh hứng mà lý thuyết này lấy làm cơ sở hẳn sẽ bị đặt vấn đề lại, và người ta sẽ phải tìm kiếm một tiêu chuẩn mới cho mạc khải. Vì thế mà Clark Pinnock, mới hồi năm 1971, đã có thể nói rằng sự vô ngộ có tính giới hạn là một bờ dốc – đúng hơn là một mặt đất bằng – mà người ta phải đứng. Trước đó mấy thế kỷ, Johann Andreas Quenstedt đã trình bày “lập luận domino” một cách rất sắc bén:

 “Nếu một cái gì đó trong qui điển Thánh Kinh đã được viết ra theo một cách thế nhân loại hoặc bởi công phu nhân loại chứ không bởi sự linh hứng thần linh – thì tính rường cột và tính chắc chắn của Thánh Kinh sẽ bị lâm nguy, và thẩm quyền của Thánh Kinh – là chính thẩm quyền thuộc linh – sẽ mất đi, và đức tin của chúng ta sẽ rúng chuyển.””

Tương tự, vào thế kỷ XVII Abraham Calov đã lập luận rằng nếu Thánh Kinh không bất khả ngộ trong toàn thể của nó – thì nguồn gốc của thần học sẽ chỉ có giá trị cái nhiên, và do đó mọi kết luận thần học đều phải đặt vào sự nghi ngờ.

Mạc khải, đối với những người thuộc phái Tin mừng chính thống này, vì thế đồng nhất với ý nghĩa của Thánh Kinh hiểu như là một tổng hợp những tuyên bố có tính xác định – mỗi tuyên bố diễn tả một khẳng định thần linh, có giá trị mọi nơi và mọi thời. Họ khẳng quyết rằng những gì Thiên Chúa đã mạc khải đều xác thực và đều có thể được truyền đạt cho trí óc con người qua những lời giải thích. Chẳng hạn, Carl Henry tuyên bố rằng Thiên Chúa được mạc khải “trong toàn bộ qui điển Thánh Kinh là nơi mà từ đó nội dung và ý nghĩa của tất cả mạc khải của Thiên Chúa được truyền đạt một cách khách quan và bằng hình thức những lời xác định.” Một chỗ khác, ông tuyên bố: “Mạc khải của Thiên Chúa là sự truyền thông thuộc lý tính được chuyển tải trong những ý tưởng khả niệm và những lời nói rõ nghĩa – nghĩa là – trong hình thức ngôn ngữ qui ước.” Ông đắc ý trích lại khẳng định của Gordon Clark: “Ngoài những câu mệnh lệnh cách và một số câu cảm thán trong các Thánh Vịnh thì Thánh Kinh là một tổng hợp các xác định. Những xác định này cho biết về Thiên Chúa và về mối quan hệ giữa Người với con người.” Francis Schaeffer cũng nhất trí: “Thiên Chúa đã trình bày – trong một hình thức ngôn ngữ xác định – sự thực về chính Người, về con người, lịch sử và vũ trụ.” Clark Pinnock khẳng định tương tự: “Mạc khải được bảo tồn trong những bút tích và chủ yếu có tính xác định trong bản chất.” James I. Packer xác quyết rằng quan điểm nầy được cắm rễ tốt trong truyền thống thần học: “Từ những thời gian sơ khai nhất của Kitô giáo, toàn thể Giáo Hội đã xem Thánh Kinh là một kết dệt các chân lý mạc khải, các lời nói được ghi lại của Thiên Chúa làm chứng về chính Ngài.” Một chỗ khác Packer xác định rằng “quan điểm Thánh Kinh cho thấy những hành động quyền năng của Thiên Chúa không phải là mạc khải chi cả, ngoại trừ trong mức độ mà chúng được kèm theo những lời giải thích về chúng.””

Chủ trương duy Tin mừng bảo thủ, theo ý nghĩa của từ ngữ được hiểu ở đây, dường như có thể được định nghĩa bằng sự gắn chặt của nó vào Thánh Kinh như một sự hướng dẫn duy nhất bất khả ngộ cho niềm tin và cho thực hành Kitô giáo. Tuy nhiên, nội trong khuynh hướng này cũng có những cách hiểu khác nhau về sự vô ngộ. Một số đại biểu – như Harold Lindsell – hiểu đó là sự vô ngộ của các bản thảo nguyên thủy (được gọi là “những bản thủ bút”), đồng thời sự vô ngộ đó có liên hệ đến một ơn gìn giữ trong đó Thánh Thần bảo vệ một số bản văn được đón nhận cho khỏi sai lầm. Những người khác, như Carl Henry, chủ trương sự vô ngộ của các thủ bút nhưng nhìn nhận rằng có thể có những sai lầm nhỏ về những điều tùy phụ khi truyền đạt các bản văn. Một quan điểm thứ ba, do Clark Pinnock chủ trương, bảo vệ tính vô ngộ của đại ý bản văn nhưng không bảo đảm sự vô ngộ trong các chi tiết tỉ mỉ của bản văn. Quan điểm thứ tư, được đại diện bởi Bernard Ramm, hiểu sự vô ngộ chỉ có trong “tri thức (soteric),” chứ không có trong những vấn đề lịch sử và khoa học. Một quan điểm thứ năm, hơi có kẻ không ăn khớp với chủ nghĩa duy Tin mừng bảo thủ, chủ trương rằng Thánh Kinh vô ngộ trong những khẳng định chủ yếu về thần học chứ không vô ngộ trong mọi vấn đề thuộc tôn giáo và luân lý, huống chi là những vấn đề khoa học và lịch sử. Donald G. Bloesch và Paul K. Jewett chủ yếu đứng trong phạm trù cuối cùng này. Không một quan điểm nào trong năm quan điểm trên hiểu linh hứng như việc đọc chính tả từng chữ của Thiên Chúa.

Nhờ sự tiến bộ trong “chữ viết” – theo những nhà thần học thuộc chiều hướng này – mạc khải được chuyên chở trong những bản văn rõ ràng, có thể làm thành một nội dung xác định đòi hỏi sự chấp nhận của chúng ta. Đức tin – được họ giải thích chủ yếu bằng những từ ngữ có tính chủ tri – được hiểu như một sự chấp nhận đối với mạc khải. Warfield viết: “Đức tin trong mọi hình thức của nó là một xác tín về chân lý, và do đó dĩ nhiên được đặt nền tảng trên chứng cứ rõ ràng.” Gordon Clark càng nhấn mạnh hơn nữa: “Kitô giáo không thể tồn tại mà không có chân lý trong một số xác định rõ ràng trong lịch sử… Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ; nhờ đức tin, chúng ta chấp nhận (điều khẳng định) rằng Thiên Chúa là Đấng ban thưởng cho những ai chuyên cần tìm kiếm Ngài; nhờ đức tin chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết.” Carl Henry cũng nghĩ tương tự như thế khi ông tuyên bố: “Đức tin tách rời khỏi sự chấp nhận những xác định có thể trong một thời gian được chủ trương một cách quá khích là Đức tin Kitô giáo, nhưng không chóng thì chầy cũng bị lật tẩy ra rằng những việc thực hành có tính thần bí như thế không phải là của Kitô giáo cũng không mang tính chất của niềm tin đích thực.””

Chủ yếu phát xuất từ truyền thống Calvin, phái duy Tin mừng bảo thủ không bỏ qua vai trò của Thánh Linh trong việc linh hứng và giải thích Thánh Kinh, nhưng họ chống lại những khuynh hướng của một số người thuộc tân phái Calvin bằng cách không ghép Thánh Linh cho lời Thánh Kinh. Họ khẳng định rằng dấu chứng bên trong của Thánh Linh giúp cho người ta nhận ra các sách Thánh Kinh là lời Thiên Chúa – và hỗ trợ cho việc giải thích những đoạn văn khó. “Nhưng để làm nên sự soi sáng là sự điều hợp – một lý do để giải thích làm sao giáo huấn Thánh Kinh có thể được nhận hiểu nhanh nhạy – là điều không có cơ sở,” đó là ý kiến của Henry. Và ông xác định: “Mạc khải được rút từ Thánh Kinh chứ không từ kinh nghiệm, cũng không từ Thánh Thần hiểu như một nguồn gốc thứ hai đi theo và độc lập với Thánh Kinh – trừ phi chúng ta nghĩ rằng mình cũng có chức năng và cũng có những đặc sủng dành riêng cho các ngôn sứ và các Tông Đồ.””



Tư Tưởng Tân Kinh Viện Công Giáo

Trong thần học Công Giáo Rôma của thời kỳ từ khoảng 1850 đến 1950, một lý thuyết về mạc khải – có nhiều điểm tương tự với chủ nghĩa duy Tin mừng bảo thủ vừa khảo sát trên – đã chiếm một tầm ảnh hưởng cao rộng hơn tất cả. Được giới thiệu rất đầy đủ trong các sách giáo khoa tân kinh viện, tiêu thức thần học này được mô phạm hóa bởi các tác giả như Reginald Garrigon – Lagrange, Christian Pesch và Hermann Dieckmann. Các văn kiện công đồng và các văn kiện của Rôma trong thời kỳ này – được các nhà thần học tên tuổi hàng đầu của trường phái Rôma soạn thảo – đã chính thức hậu thuẫn cho tư tưởng tân kinh viện, như có thể được thấy trong Hiến Chế về Đức tin Công Giáo của Công Đồng Vatican I (1870), các văn kiện chống phái Duy tân do Rôma đưa ra trong những năm 1907 – 1910, và Thông Điệp Humani generis (1950) của Đức Piô XII. Như chúng ta sẽ thấy trong những chương sau này, Công Đồng Vatican II đã gạt bỏ một số điểm nhấn mạnh đặc biệt và một số nguyên tắc của tư tưởng tân kinh viện.

Cũng như phái duy Tin mừng của Tin Lành, phái tân kinh viện phân biệt giữa hai loại mạc khải: mạc khải tự nhiên và mạc khải siêu nhiên. Pesch phát biểu: “Mạc khải tự nhiên được ban cho qua các việc làm (per facta), còn mạc khải siêu nhiên qua lời nói. Qua việc làm thì ngay cả các sự vật cũng tự biểu lộ được chúng, còn chỉ có các ngôi vị mới có thể tự biểu lộ mình qua lời nói mà thôi.” Khi những người thuộc phái này dùng từ “mạc khải” mà không nói rõ thêm, thì đó là  họ đang nói đến mạc khải siêu nhiên.

Khi nhìn ngắm trật tự của tự nhiên (và do đó, trên căn bản của cái gọi là “mạc khải tự nhiên”), người ta có thể – dù trong tình trạng sa ngã của mình – dùng lý trí để nhận ra sự hiện hữu của một Thiên Chúa có ngã vị, là Đấng Sáng Tạo và là cứu cánh cuối cùng của mọi sự. Nhưng vì lý trí mù mờ – do tội lỗi – của chúng ta thật khó mà đạt được tri thức chắc chắn và xác thực về Thiên Chúa và về các chân lý của tôn giáo tự nhiên, nên thực tế phần đông người ta cần đến sự mạc khải siêu nhiên về các chân lý này. Hơn nữa, mạc khải như thế là điều hoàn toàn cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu biết các mầu nhiệm thiết yếu – chẳng hạn giáo lý về Chúa Ba Ngôi và về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Bởi đó, nếu không có mạc khải thì loài người vẫn mù tịt về cứu cánh thật sự của mình và về phương thế để đạt đến cứu cánh đó. Nghĩa là, mạc khải cần thiết cho ơn cứu độ.

Một nguyên tắc hàng đầu của tư tưởng tân kinh viện, cũng như của tư tưởng duy Tin mừng Tin Lành, là mạc khải siêu nhiên chuyển đạt tri thức rõ ràng bằng ngôn từ (hay tiếng nói). Dieckmann khẳng định theo với Pesch rằng trong mạc khải, Thiên Chúa “thông truyền cho con người một cái gì đó mà Người biết.” Vẫn Dieckmann nói: “Lời nói là một hành vi trong đó người ta trực tiếp biểu lộ cho kẻ khác ý tưởng của mình… Sự biểu lộ ý tưởng thần linh này (mentis divinae) tự bản chất của nó là chủ tri và thuộc trong ý niệm; nó có những chân lý làm đối tượng của nó – và người ta không thể nắm được nó bằng cách nào khác ngoài tri thức, dù xem ra nó có thể được tỏ bày cho con người qua một số hình ảnh. Mạc khải – Dieckmann kết luận – không thể chỉ là kinh nghiệm về những cảm nhận do cảm quan bẩm sinh về tôn giáo gợi lên, nó cũng không thể được ban cho qua những tiếng rên rỉ hoặc những cảm xúc trống rỗng ý nghĩa, vì những dấu hiệu này không chuyên chở sự hiểu biết thuộc tri thức hoặc ý niệm. Mạc khải, vì thế, có thể được định nghĩa là “lời Thiên Chúa nói với con người” (Locutio Dei ad homines).

Bởi đó Dieckmann khẳng định rằng trong mạc khải, Thiên Chúa hành động như chứng nhân có thẩm quyền, nghĩa là như một thầy dạy. Thiên Chúa đòi hỏi người ta chấp nhận lời Ngài trên cơ sở thẩm quyền của Ngài. Những thủ bản khác trong cùng truyền thống này cũng nhất trí như vậy. Họ xác định rằng mạc khải – không giống như sự soi sáng hay sự rót tri thức cho người ta – bao hàm sự chấp nhận các ý tưởng của người khác được biểu lộ qua lời nói khả niệm.

Nhiều tác giả tân kinh viện – như Dieckmann – rút ra bản chất lời chứa khái niệm của mạc khải chủ yếu từ một phân tích trừu tượng về ý niệm mạc khải nói chung. Tuy nhiên, những tác giả khác tiến hành công việc ấy một cách chắc chắn hơn dựa trên cơ sở những gì mà các văn kiện của Giáo Hội đã nói về đức tin siêu nhiên. Chẳng hạn, họ trích dẫn những tuyên bố của Công Đồng Vatican I về “Lời Thiên Chúa” xét như là sự trao ban nội dung của đức tin: “Tất cả những điều đó phải được tin bằng đức tin thuộc linh và Công Giáo, là đức tin được hàm chứa trong lời Thiên Chúa – được viết ra hay được thông truyền (in verbo Dei scripto vel tradito), và cũng là đức tin mà Giáo Hội – hoặc bằng một phán quyết trịnh trọng, hoặc bằng sự dạy dỗ phổ quát và thông thường của mình – đề ra cho niềm tin hiểu như là bởi Thiên Chúa mạc khải.” Bản Tuyên Thệ Chống Phái Duy Tân (1910) cũng khẳng định rằng đức tin là “sự chấp nhận thực sự của trí năng đối với chân lý được truyền đạt tới cho mình qua ngả lắng nghe – theo đó, dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa toàn chân, chúng ta tin là đúng thật những gì đã được nói, được làm chứng và được tỏ lộ cho chúng ta bởi vị Thiên Chúa có ngã vị – là Đấng Sáng Tạo và là Chúa chúng ta.””

Trong những thảo luận về đức tin của mình, các tác giả này phân tích cách thế mà mỗi cá nhân đạt được sự chắc chắn về sự kiện mạc khải. Họ khẳng quyết rằng quyết định tin là một quyết định hợp lý, cho dẫu những nội dung của lời mạc khải không thể được trực tiếp chứng minh là đúng thật. Để làm những cơ sở chủ yếu cho tính chất đáng tin, họ nghĩ đến các phép lạ và những lời tiên tri hoàn toàn được ứng nghiệm.

Cách chung phái tân kinh viện nhìn nhận rằng những dấu hiệu bên ngoài của mạc khải không thể cung ứng gì hơn là một sự chắc chắn luân lý (đôi khi được gọi là “sự chắc chắn cái nhiên”) về sự kiện mạc khải, ngay cả đối với những tín hữu có đủ trí năng và giáo dục để đánh giá đúng mức sức mạnh của chứng cứ. Thế thì lấy gì để bảo đảm chính thức cho hành vi tin, cả đối với trường hợp những tín hữu bình dân thất học? Để giải đáp cho câu hỏi rắc rối này, nhiều người thuộc phái tân kinh viện quay lại với giáo huấn của kinh viện trung cổ, nhất là quay lại với Thôma Aquinô – để nói về sự làm việc của ân sủng bên trong linh hồn người tín hữu. Họ khẳng định rằng Thiên Chúa đặt vào trong ý muốn con người một “bản năng” siêu nhiên hay một xu hướng tự nhiên hướng về thần linh. Những người nào không cưỡng lại sự thúc đẩy siêu nhiên này sẽ được rót cho một “ánh sáng đức tin” giúp họ nhận ra đâu là Thiên Chúa đích thực. Mặc dù ánh sáng đức tin nầy giữ một vai trò cần thiết để mang mạc khải đến cho cá nhân người tín hữu, nhưng theo các nhà tân kinh viện, sự soi chiếu nầy không phải là lời nói và do đó không phải là mạc khải. Ánh sáng đức tin nầy – không nắm được một cách rõ ràng bằng nội quan – là một định đề thần học để giải thích sự chắc chắn của đức tin. Nếu ánh sáng này có thể được nói là do mạc khải, theo bất cứ nghĩa nào, thì sự mạc khải đó được chứa trong những lời chứng của Thánh Kinh và truyền thống.

Trong hệ thống thần học này, mạc khải được mang cả một ý nghĩa chủ động lẫn một ý nghĩa khách quan. Một cách chủ động, nó có nghĩa là toàn bộ quá trình trong đó sự trao ban đức tin được thực hiện trong những thời kỳ Thánh Kinh, bao gồm những lời tiên tri, sự linh hứng và giáo huấn của Đức Giêsu. Thứ đến – hay là  một cách mở rộng ra – mạc khải có nghĩa là quá trình theo đó những nội dung mạc khải được thông truyền tới các tín hữu sau thời các Tông Đồ (mạc khải qua trung gian). Một cách khách quan, mạc khải chỉ về chính điều trao ban, nghĩa là cơ cấu chân lý xác định chứa đựng trong Thánh Kinh và trong truyền thống Tông Đồ. Mạc khải nầy được ủy thác cho Giáo Hội và được dạy một cách có thẩm quyền bởi các vị chủ chăn của Giáo Hội là những người phát biểu nhân danh chính Đức Kitô và phải được tin một cách mặc nhiên, như lời dạy của Thánh Kinh: “Ai nghe các ngươi là nghe Ta” (Lc 10, 16). Chức năng giảng dạy của Giáo Hội (hay “quyền giáo huấn”) là chuẩn mực phổ quát và trực tiếp nhất để ấn định xem điều gì là mạc khải. Khi quyền giáo huấn phổ quát (bao gồm đức giáo hoàng và các giám mục khi các vị nầy giảng dạy trong sự hiệp thông với ngài) dạy một điều gì như một tín điều, thì điều đó không thể sai lầm, vì Đức Kitô đã hứa không bỏ các môn đệ Người một mình khi các vị nầy thi hành sứ mạng của họ. Vì thế người ta phải tin các tín điều như thể là những điều đó được chính Đức Kitô nói ra. Khi đồng hóa các tín điều của Giáo Hội với mạc khải thần linh, phái tân kinh viện đã trung thành với quan điểm của họ về mạc khải “xác định.” Rồi đến lượt nó, ý niệm tín điều như một chân lý của mạc khải thần linh lại giúp để củng cố cho quan điểm “xác định” về mạc khải.

Quyền giáo huấn – trong giáo huấn chính thức của nó về đức tin – được gắn kết chặt chẽ với sự ủy trao mạc khải cho các Tông Đồ, được thấy trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Nó giảng dạy một cách có thẩm quyền về cái gì trong sự ủy trao đó mà người ta phải tìm thấy – để không phải cần đến một chuẩn mực nào chứng minh rằng nó đã hiểu chính xác nội dung được trao ban. Chính các học giả cũng phải nể trọng quyền giáo huấn chính thức.

Phái tân kinh viện Công Giáo nói chung là nhất trí với phái duy Tin mừng bảo thủ trong sự thẩm xét về Thánh Kinh. Họ lấy khởi điểm của mình nơi tuyên bố của Công Đồng Vatican I (1870) rằng các sách Cựu và Tân Ước, “với mọi phần trong đó… đều có tính linh thánh và đều là qui điển, bởi vì do được viết nhờ sự linh hứng của Thánh Thần chúng có tác giả là chính Thiên Chúa và chúng được trao nguyên vẹn cho Giáo Hội.” Họ chủ trương rằng hoàn toàn không thể có chuyện Thiên Chúa là tác giả của một sự sai lầm nào đó. Vì thế có thể đưa ra luận đề sau đây như một điều mà mọi người Công Giáo phải nhất thiết chấp nhận vịn vào đức tin thuộc linh: “Tất cả mọi tuyên bố (sententiae) của Thánh Kinh đều là chân lý bất khả ngộ.” Ngay cả khi một văn sĩ Thánh Kinh – nhờ đặc sủng linh hứng – viết ra một cái gì đó mà người ấy đã học biết trước qua phương thế tự nhiên chứ không phải mạc khải, thì những từ ngữ được viết ra cũng vẫn là lời Thiên Chúa, và là mạc khải đối với người đọc chúng. Thiên Chúa nói với Giáo Hội và với các phần tử của Giáo Hội qua Thánh Kinh hiểu như là lời của Người được ghi lại.

Trong khi bác bỏ cái nhìn của Tin Lành rằng Thánh Kinh tự nó đã đủ và trọn vẹn, phái tân kinh viện chủ trương cách chung rằng mạc khải được chứa đựng trong hai nguồn: đó là Thánh Kinh và truyền thống Tông Đồ, cả hai nguồn này đều phải được trân trọng “với sự ái mộ và tôn kính như nhau” -– theo cách nói của Công đồng Trente. Truyền thống có vai trò bổ sung và làm sáng tỏ những chân lý chứa đựng trong Thánh Kinh. Một tác giả tiêu biểu của phái tân kinh viện định nghĩa truyền thống là “sự thu thập những những chân lý mạc khải mà Giáo Hội đã nhận lãnh qua các Tông Đồ cùng với Thánh Kinh linh hứng và là những chân lý mạc khải mà Giáo Hội gìn giữ qua quyền giáo huấn liên tục và tông truyền. Quyền giáo huấn này – rút ra trên truyền thống cũng như trong Thánh Kinh – có thể xác định những chân lý tín lý đã không được ghi lại, hay ít nhất đã không được ghi lại một cách rõ rệt trong Thánh Kinh.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương