Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


Những Khó Khăn Mà Mạc Khải Đang Phải Đương Đầu



tải về 1.01 Mb.
trang2/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Những Khó Khăn Mà Mạc Khải Đang Phải Đương Đầu

Ý niệm mạc khải xét – như một cơ cấu thường xuyên và vững chắc của các chân lý được Thiên Chúa truyền đạt qua các thời kỳ Thánh Kinh và được Giáo Hội gìn giữ và giải thích – vẫn còn được đông đảo Kitô hữu chấp nhận, nhưng cũng đang bị chất vấn từ nhiều phía, trong thế kỷ 20 này. Dù ở đây ta không thể liệt kê đầy đủ và chi tiết những chống đối này, ta vẫn có thể chọn lọc liệt kê tương đối để có thể giúp định vị thần học mạc khải đúng bối cảnh hiện nay của nó.



1/ Chủ nghĩa bất khả tri theo triết học: đã tràn lan trong thế kỷ 19 và vẫn đang tiếp tục hồ nghi khả năng của lý trí con người có thể vượt quá những hiện tượng thuộc kinh nghiệm về thế giới vật chất. Thiên Chúa, cho dẫu Ngài có hiện hữu, vẫn không thể được thấu triệt hoàn toàn – và do đó mọi tuyên bố về Thiên Chúa và về các hành vi của Ngài đều không đủ giá trị tri thức. Mạc khải tự nó là một thần thoại hay một ẩn dụ mà người ta không thể giải mã được.

2/ Khoa phân tích ngôn ngữ học: củng cố thêm cho chủ nghĩa bất khả tri theo triết học vừa đề cập trên. Khoa này tập trung chú ý vào tính chất có tính biểu hiệu và nghịch lý của lời Thiên Chúa. Nhiều triết gia của trường phái phân tích này hồ nghi những cách nói về giới thần linh có thể có được một nội dung tri thức rõ ràng như vẫn thấy hàm chứa trong các học thuyết cổ điển về mạc khải.

3/ Tri thức luận hiện đại: dò tìm tận khởi nguyên của tri thức, có xu hướng xóa bỏ sự phân biệt xem ra rõ ràng giữa hai loại tri thức: tri thức mạc khải và tri thức đắc thủ. Quan niệm rằng trí khôn con người có thể thụ động đón nhận những thông tin được thông truyền bằng một cách nào đó từ trí khôn thần linh là một quan niệm bị bài bác một cách rộng rãi. Trong tư cách là một sản phẩm do những năng lực của riêng người tri thức tạo ra, mọi tri thức của con người – theo ý nghĩa nào đó – phải được “đắc thủ” và phải chịu theo những điều kiện và những giới hạn của chủ thể con người. Nhận thức này, đối với những người chấp nhận nó, sẽ đặt ra một dấu hỏi to lớn chống lại thẩm quyền thiêng liêng thường được gán cho mạc khải.

4/ Tâm lý học thường nghiệm: đã phá đổ bất cứ sự tin tưởng đơn sơ nào cho rằng những thị kiến và những điều được nghe thấy – được ban cho các tiên tri và ngôn sứ – có thể được tin như có nguồn gốc từ trời. Những tình trạng xuất thần có thể do sự thôi miên hay do những thuốc mê gây ra. Các trường hợp ảo giác vô ý thường có thể được qui cho những tình trạng tâm bệnh. Một số tác giả cho rằng mạc khải trong một thời đại lý trí thì không gì khác hơn là một tàn dư của đặc điểm tâm thần thời sơ khai trong đó những khu vực thuộc tiềm thức hoặc những khu vực ngoại biên của ý thức dễ bị tác động hơn thời nay.

5/ Khoa phê bình Thánh Kinh: đã vạch ra sự khó khăn của việc gán những ngôn hành nào đó cho nguyên nhân thần linh. Theo nhiều học giả Thánh Kinh thời nay, các ngôn sứ và các Tông Đồ đã sắp đặt và trình bày ý tưởng của chính các vị ấy nhờ những khái niệm và ngôn ngữ có sẵn trong bối cảnh không gian và thời gian của các vị. Một số kiểu nói bí nhiệm như “Chúa phán…” trong một số trường hợp được giải thích là do qui ước ngôn ngữ (tức cách nói của sứ giả). Việc sử dụng những phép lạ và những năng lực tiên tri được tìm thấy trong Thánh Kinh để làm chứng lý cho mạc khải đã bị nhiều học giả gạt bỏ vì những người này cho rằng những can thiệp có tính thần linh được ghi lại như thế không đáng tin cậy về mặt sử tính.

6/ Lịch sử học thuyết Kitô giáo: cho thấy rằng nhiều điều tin tưởng trước đây được xem là những chân lý mạc khải thần linh này đã được xếp vào loại những cái của con người và thậm chí là những quan niệm sai lầm nữa. Chẳng hạn, thuyết của Copernic về trái đất quay quanh mặt trời và thuyết của Darwin nói loài người là hậu duệ của các động vật cấp thấp hơn đã một thời bị bài bác vì đi ngược lại lời của chính Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Ngày nay Thánh Kinh không được dùng như một nguồn thông tin khoa học, ngoại trừ đối với những người theo phái “sát nghĩa chữ” (fundamentalism) là những người không đại diện cho toàn thể Giáo Hội. Vấn đề đặt ra đối với những học thuyết vẫn còn được dạy như là do Thiên Chúa mạc khải – như sự thụ thai trinh khiết Đức Giêsu, sự kiện Nhập Thể, phục sinh, phải chăng với thời gian sẽ bị gạt ra vì được thấy là những thần thoại hoang đường. Sự kiện một số giáo thuyết chủ chốt của Kitô giáo như giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi, về thần tính của Đức Kitô vốn không trở thành giáo thuyết Kitô giáo mãi cho tới vài thế kỷ sau thời các tông đồ cũng là duyên cớ cho người ta hồ nghi về tính mạc khải của các giáo thuyết đó. Nếu lằn ranh giữa những gì mạc khải và những gì không phải mạc khải cứ di dịch thì phạm trù mạc khải tự nó đã có vẻ đáng ngờ.

7/ Việc đối chứng tôn giáo đòi Kitô giáo phải đặt mình trong tương quan với các tôn giáo khác là những tôn giáo trong một số trường hợp tuyên bố chống lại những mạc khải và trong các trường hợp khác không công nhận đó là mạc khải thần linh. Có thể nào tôn giáo của Thánh Kinh, hay duy chỉ Kitô giáo, mới tự tuyên bố được một cách đáng tin rằng mình là tôn giáo mạc khải, và do đó tự độc tôn mình trên mọi Kitô giáo khác? Nhiều sự căng thẳng và ngờ vực có thể được xoa dịu nếu người ta nhìn nhận rằng mọi tôn giáo, kể cả Kitô giáo, đều cao quý và chỉ có những cố gắng của con người mới dò tìm được những chiều sâu của chân lý và của điều thiện hảo. Một nhìn nhận như thế hẳn sẽ tạo nhiều sự dễ dàng để đối thoại không chỉ giữa các tôn giáo với nhau mà còn dễ dàng đối thoại giữa các tôn giáo và các lý tưởng thế tục nữa.

8/ Khoa phê bình xã hội học đã vạch ra đặc điểm bổ trợ xét về mặt lý luận của các hệ thống niềm tin. Trong nhiều trường hợp việc nại đến thẩm quyền thần linh có thể là một mánh lới để đạt được sự ủng hộ và để đàn áp những hồ nghi và những bất đồng. Từ đó nảy ra vấn đề là: Phải chăng đó cũng là động cơ thực sự – dù có lẽ không được ý thức – nằm đàng sau những tuyên bố chính thức rằng một số chân lý là những mạc khải thần linh? Khi các đấng bản quyền trong Giáo Hội xác nhận một giáo thuyết là do Thiên Chúa chỉ dạy, phải chăng các ngài có hậu ý nhằm củng cố quyền bính của mình như là những cơ quan tiếp nhận chân lý mạc khải?

Trên đây chỉ là minh họa một số đối kháng. Còn những đối kháng khác nữa – liên quan gần hơn với những khía cạnh riêng biệt của mạc khải – chẳng hạn thẩm quyền của Thánh Kinh và sự tự trị của lý trí, sẽ được bàn đến trong các chương sau.



Kitô Giáo Mà Không Có Mạc Khải?

Khi nhìn ra những đối kháng vừa nhiều vừa nghiêm trọng chống lại ý niệm mạc khải như thế, người ta phải đặt câu hỏi phải chăng mạc khải không có khả năng bị loại ra khỏi Kitô giáo. Xét lý thuyết thì dường như có thể trân trọng và duy trì Kitô giáo xét như một đức tin của con người có nền móng tựa trên một truyền thống lâu dài của kinh nghiệm tâm linh và của suy tư. Kitô giáo vì thế có thể được xem như nơi đúc kết một di sản phong phú của sự khôn ngoan đắc thủ được, liên quan đến bản chất cuối cùng của thực tại và cách giải quyết đúng đắn cuộc nhân sinh, nhưng không được xem như nơi chuyển tải chứng từ của chính Thiên Chúa.

Người ta có thể hình dung trong một Kitô giáo đã được tái thiết thì “mạc khải” có thể được hiểu là một cách thế huyền thoại để mô tả những cảm nhận đột xuất và uyển chuyển vọt ra do việc hành sử những năng lực tiềm tàng của trí khôn con người. Trong viễn tượng đó thì Thánh Kinh có thể được đánh giá là nơi bảo quản hồi ức về những cuộc đấu tranh và khai phá của một dân tộc giàu tố chất tôn giáo. Đức Giêsu sẽ được hiểu không phải là Thiên Chúa Nhập Thể nhưng đúng hơn là một nhà lãnh đạo tôn giáo tài ba và giáo huấn của Ngài có thể được trân trọng như sự hé mở độc đáo về Thiên Chúa – ít nhất là đối với cộng đoàn của các môn đệ Ngài. Giáo Hội bấy giờ được xem như là nơi mà việc tưởng niệm Đức Giêsu được đặc biệt lưu giữ, là nơi mà Thánh Kinh được đọc lên với niềm cung kính và là nơi mà người ta tập trung cố gắng để xây dựng một đời sống phù hợp với sự khôn ngoan chứa trong các truyền thống do thái và Kitô giáo. Đức tin Kitô giáo sẽ có nghĩa là một thái độ tinh thần biểu hiện qua niềm tin tưởng đặc biệt vào di sản Thánh Kinh như một nẻo đường đáng tin cậy giúp người ta đạt đến sự trưởng thành tâm linh.

Triết gia hiện sinh Karl Jaspers trình bày một quan điểm đại thể không khác với những gì vừa sơ phác ở trên. Trong tác phẩm “Đức Tin Và Mạc Khải Theo Triết Học” và trong các tác phẩm khác của ông, ông đã bác bỏ hoàn toàn ý niệm mạc khải mà theo ông hiểu là “một sự biểu lộ trực tiếp của Thiên Chúa bằng lời nói, mệnh lệnh, hành động hay sự kiện, tại một nơi chốn và thời điểm xác định… Tất cả những điều này xảy ra bởi một tác động ngoại lực khách quan không có nguyên khởi…” Trong thần học Kitô giáo, ông nói thêm, mạc khải được hiểu là sự biểu lộ độc đáo và đặc biệt  của Thiên Chúa được trao ban trong Thánh Kinh và trong truyền thống. “Tôi không tin vào mạc khải,” ông viết, “theo sự nhận hiểu của tôi, tôi không bao giờ tin vào khả tính của mạc khải.” “Tôi không thể không chủ trương với Kant rằng nếu mạc khải là một thực tại thì đó sẽ là một đại họa cho sự tự do đã được ban cho con người.””

Jaspers nhận thấy rằng trong Kitô giáo có những tín hữu cố bám vào mạc khải xét như sự biểu lộ riêng của Thiên Chúa, được củng cố và được bảo đảm bởi quyền bính Giáo Hội. Nhưng có những tín hữu khác mà đức tin vẫn dựa vào truyền thống Thánh Kinh nhưng không chấp nhận mạc khải theo ý nghĩa quen thuộc của từ ngữ đó. Những Kitô hữu loại thứ hai nầy – có Jaspers đầu quân trong đó – chấp nhận những biểu tượng thuộc Thánh Kinh bao gồm năng lực tiên tri, vai trò Tông đồ và sự linh hứng như những ẩn ngữ phải được kiểm nghiệm bằng khả năng của họ để soi sáng cho cuộc hiện sinh của con người, và chỉ ra những chiều sâu không thể đạt tới được của siêu việt. Jaspers chủ trương rằng hình thức thứ hai này của đức tin vẫn cho thấy có cơ sở Thánh Kinh. “Thánh Kinh cũng phong phú như đời sống. Nó không biện giải cho chỉ đức tin; nó là một khu vực mà những khả thể của đức tin cạnh tranh nhau để giành lấy chiều sâu thần linh.” Trong một mức độ nào đó thì đức tin theo Kinh Thánh nhưng không chấp nhận mạc khải này cũng là đức tin Kitô giáo. “Tất cả chúng ta đều là những Kitô hữu theo ý nghĩa là đức tin của chúng ta có nguồn gốc Thánh Kinh, và bất cứ ai nhận mình là Kitô hữu thì đáng nên được nhìn nhận như thế. Chúng ta không cần phải đưa mình ra khỏi ngôi nhà mà cha ông mình đã cư ngụ trong đó cả ngàn năm.””

Vì thế Jaspers kêu gọi cộng đoàn Kitô hữu và các đấng bản quyền hãy loại bỏ ý niệm mạc khải của Giáo Hội và hãy diễn dịch mạc khải thành một ẩn ngữ. Nếu làm thế, ông tin rằng các Giáo Hội Kitô giáo có thể gạt bỏ những tuyên bố có tính độc quyền của mình và có thể quan hệ thuận thảo với các cộng đoàn tôn giáo khác. Nhưng vào thời điểm hiện nay, Jaspers nhận thấy rằng hy vọng này có vẻ hoàn toàn không tưởng. Các Giáo Hội xem chừng vẫn bám chặt vào những mạc khải có tính cứng nhắc và tuyệt đối được bảo vệ bởi một đường lối chuyên chế.

Trong quá trình xây dựng luận điểm của mình rõ ràng Jaspers bị ám ảnh bởi một số bất mãn về những cách trình bày lời Thiên Chúa quá cứng nhắc, chuyên chế và độc đoán. Người ta có thể dễ dàng chia sẻ với ông sự quan tâm về tự do và về sự cởi mở rộng rãi trong vấn đề tôn giáo. Nếu tất cả quan tâm của ông chỉ có thế, thì Jaspers hẳn sẽ dễ dàng ủng hộ một số ý niệm thoáng hơn và có tính đại kết hơn về mạc khải như đang thấy trong thần học hiện đại. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng gút mắc nơi Jaspers là một cái gì còn có tính nền tảng hơn nữa.Ông khước từ ngay cả khả tính của mạc khải. Thiên Chúa đối với ông không phải là một hữu thể có ngã vị mà chỉ là ẩn ngữ của siêu việt – vì thế, không thể nói rằng Thiên Chúa ngỏ lời và hành động trong lịch sử ngoại trừ với một ý nghĩa thần thoại. Theo Jaspers, giáo thuyết về Nhập Thể là một “bất khả thể theo triết học” – và “nếu triết học cho phép chúng ta dùng ngôn ngữ của những người tin vào mạc khải” thì ta phải bảo giáo thuyết đó là một sự phạm thượng. Hơn nữa, Jaspers phủ nhận không thể có bất cứ sự hiện diện đặc biệt nào của Thiên Chúa trong Giáo Hội hay trong các bí tích – ông cho đó là những cảm nhận có tính ma thuật. Đối với ông, Giáo Hội có thể không có thẩm quyền thiết định cơ cấu các tác phẩm Thánh Kinh hay đưa ra những tín điều hoặc những tuyên xưng có tính ràng buộc chặt chẽ. Jaspers cho rằng tất cả những điều tin tưởng đó phải được diễn dịch thành những ẩn ngữ – nghĩa là diễn dịch thành một ngôn ngữ “ không có người phát ngôn thật sự, thậm chí cũng không có mối tương quan thật sự giữa ẩn ngữ và ý nghĩa.””

Phạm vi của tác phẩm này không cho phép ta làm công việc phê bình Jaspers trên bình diện triết học. Công việc ấy đã được các triết gia đảm nhận. Trong tư cách là một nhà thần học, Karl Barth đã vạch ra những thiếu sót trong quan điểm của Jaspers theo các góc độ của đức tin Kitô giáo. Rõ ràng Barth đã nhắm đến Jaspers khi ông cảnh giác bất cứ khuynh hướng nào muốn xem Thiên Chúa là “vớ vẩn,”  vô ích và nhất là rất rầy rà – mà người ta gọi là “siêu việt” – muốn cho hay hơn nữa thì phải gọi là “một ảo tưởng về sự tự do của con người, là phóng sự tự do đó vào khoảng không hoàn toàn trừu tượng.” Rồi ông chú giải: “Đặc điểm của siêu việt tính này là nó không có một ý muốn đặc thù cũng không thể hiện một hành động đặc thù, không nói một tiếng nói đặc thù cũng không hành sử quyền năng đặc thù. Nó không trói buộc nổi người ta, cũng không giải phóng được họ. Nó không phán xét cũng không làm thỏa mãn người ta. Nó không thể làm một ý nghĩa hay mục đích rõ ràng cho đời sống con người.””

Nhà thần học sẽ có nhiều điểm để dung nạp quyết đoán của Jaspers rằng ý niệm mạc khải của Kitô giáo có tính tĩnh tại và có tính khách thể; rằng ý nghĩa đó phong tỏa tự do và tư tưởng của con người, rằng nó dẫn tới sự sùng bái ngẫu tượng, sự cuồng nhiệt quá độ, sự độc tôn và sự quá khích. Thế nhưng những phê bình mạnh mẽ của Jaspers về một số cách trình bày của Kitô giáo thì không thể phớt lờ được. Bằng cách tập chú đến những trục trặc đôi lúc được thấy trong thần học mạc khải, Jaspers buộc nhà thần học phải ăn nói một cách dè dặt. Các “ẩn ngữ” của Jaspers, mặc dù không hoàn toàn trùng hợp với điều mà chúng ta sẽ mô tả như là những biểu hiệu mạc khải, cũng đòi hỏi người ta phải chú ý đến một số khía cạnh của tiến trình tránh né trong đó vị Thiên Chúa giấu ẩn tự biểu lộ mình ra cho tâm trí con người mà đồng thời vẫn duy trì được tính chất mầu nhiệm siêu việt của Ngài.

Xem thế trường hợp Jaspers có chiều hướng củng cố hơn là làm suy yếu giả thuyết rằng nhà thần học Kitô giáo không thể gạt bỏ phạm trù mạc khải. Ông xác quyết có hai cách tư tưởng về những thực tại vượt quá tầm nghiên cứu của khoa học. “Nếu việc tư duy này phát xuất và được hạn định bởi một mạc khải có tính lịch sử rõ ràng thì ta gọi là thần học; nếu nó có nguồn gốc chủ yếu thuộc nhân loại thì ta gọi nó là triết học.” Jaspers không phát biểu trong tư cách của một nhà thần học hay của người chấp nhận đức tin của Giáo Hội. Trong tư cách một triết gia, ông dùng những biểu hiệu của Thánh Kinh chỉ để biến chúng thành những ẩn ngữ nhằm nói với những chiều sâu của hiện sinh con người.

Muốn gặp một luận chứng có tính thần học hơn và đối kháng với ý niệm mạc khải, người ta có thể quay sang tác phẩm của F. Gerald Downing: “Phải Chăng Kitô Giáo Có Một Mạc Khải?” Nằm ẩn dưới toàn bộ tác phẩm này là một lý thuyết về ngôn ngữ tôn giáo đậm ảnh hưởng của R.B. Braithwaite – và một số tác giả khác. Downing nhất trí rằng những tuyên bố có tính tín điều như: Tôi tin Thiên Chúa… tin Đức Giêsu Kitô … tin Chúa Thánh Thần nên được xem như một tuyên bố nhằm để thực hiện một lối sống đặc biệt, lối sống đó được tóm tắt rất hay bởi từ ngữ do ông phát minh: “agapeistically.” Lối sống Kitô giáo – vì thế – chủ yếu là sống tình yêu vị tha (Hy ngữ: agape). Như tín điều ấy hàm chứa, tình yêu Kitô giáo là một lời đáp trả đối với tình yêu trọn vẹn được tin là đi trước tình yêu của mình. Tuy nhiên, niềm tin này không hàm chứa bất cứ một nhận thức thật sự nào về Thiên Chúa, nhưng chỉ là một sự chấp nhận cái mà Downing gọi là “huyền thoại về tình yêu đi trước của “vị Thiên Chúa đích thực nơi Đức Kitô””. Chủ trương rằng Thiên Chúa “vẫn quyết tự giấu ẩn, và bỏ mặc chúng ta mò mẫm,” Downing xem đức tin như một bước nhảy vào cõi vô minh.

Từ góc độ nhận hiểu đức tin như thế, Downing triển khai luận điểm của mình về ý niệm mạc khải. Ông có hai chống đối chủ yếu: Thứ nhất, sự thiếu nền tảng Thánh Kinh đầy đủ – và thứ hai: việc khó dùng từ “mạc khải” một cách lôgic và một cách nhất quán.

Trong những chương viết về Thánh Kinh của ông, Downing đã đưa ra một phân tích rất hữu ích về những thuật ngữ của cả Cựu Ứơc và Tân Ước. Ông cho thấy rõ rằng ý niệm đức tin theo Thánh Kinh không chỉ là một chấp nhận thuần ý niệm nhưng còn là một hành vi vâng phục và tín thác. Ông còn đưa ra vô số bản văn để chứng minh rằng các văn sĩ Thánh Kinh xem sự mạc khải đầy đủ và rõ ràng của Thiên Chúa như một cái gì được trao ban vào tương lai cánh chung. Điều mà Downing bỏ qua không làm – theo ý kiến của tôi – đó là xem thử các tác giả Thánh Kinh có hồ nghi hay phủ nhận việc Thiên Chúa đã thực sự biểu lộ một cái gì đó về quyền năng, lòng trung tín và về những chủ ý của Ngài – khi Ngài đòi hỏi người ta phải vâng phục. Làm sao chúng ta có thể vâng phục một vị Thiên Chúa không cho biết ý muốn của Ngài? Làm sao ta có thể yêu Ngài nếu Ngài không mở cho thấy tình yêu của Ngài đối với chúng ta? Làm sao ta có thể rao giảng ơn cứu độ của một Thiên Chúa không biểu lộ chính Ngài là Đấng Cứu độ chúng ta?

Nhằm đáp ứng qui cách thần học, Downing xếp đặt một số khá nhiều những chứng cứ xem ra trở thành gậy ông đập lưng ông. Có lẽ Downing đã không sai lầm khi chủ trương rằng ý niệm mạc khải đầu tiên trở thành tiêu điểm là trong những cuộc tranh biện chống lại duy thần luận vào thế kỷ 17, nhưng ông tỏ ra không thành công mấy trong việc khẳng định rằng đó là một ý niệm không vững chắc. Thật vậy, ông đã cung cấp những tài liệu đặc sắc để hiểu tầm quan trọng của mạc khải đối với các văn sĩ giáo phụ.

Lập luận của Downing phần nào do bởi một ý niệm hơi lập dị về mạc khải. Ông quyết đoán rằng hạn từ đó hiển nhiên chỉ về việc thị kiến trực tiếp, đưa đến một sự khai mở vừa rõ ràng vừa đầy đủ. Nếu chấp nhận như thế thì ai cũng phải công nhận rằng người tín hữu bình thường dưới gầm trời này không thể có mạc khải. Nhưng Gerald O’Collins – trong một phân tích sâu sắc về luận điểm của Downing – đã đưa ra một số chất vấn đáng lưu ý:

Người ta có lý do chính đáng để không im lặng trước lập luận này. Cách hiểu thông thường có ủng hộ cho trường hợp của Downing không? Mạc khải có thể xảy ra giữa người này và người khác mà không hề có sự khai mở hoàn toàn đầy đủ về nhân cách riêng. Hãy lấy ví dụ trong lời tuyên bố như: “Anh ấy cho tôi biết ý muốn của anh ấy về vấn đề đó.” Ở đây người ta đâu có khẳng định có mối hiệp thông đầy đủ, liên tục và có tính ngã vị! Nhưng có một cái gì đó đã được khai mở và sự khai mở như vậy giúp người ta có được một cảm nhận nào đó về nhân cách của người kia. Hiểu được một cái chi đó về nhân cách của anh ta thì phải khác với việc không hiểu chút gì về anh ta chứ! Phải chăng chúng ta không thể dùng chữ “vén mở” theo ý nghĩa như thế cho Thiên Chúa, và không thể nói về một kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa -một kinh nghiệm cho ta biết một cái gì đó nhưng vẫn chưa phải là một sự khai mở trọn vẹn?

Lập luận của Downing cũng chĩa vào những bất đồng giữa các nhà thần học về bản chất đích thực của mạc khải. Một số lớn những quan điểm về chủ điểm này sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta xúc tiến quá trình nghiên cứu này. Nhưng Downing có khuynh hướng phóng đại những điểm dị biệt. Ông quyết đoán rằng người Kitô hữu không đón nhận mạc khải mà là đón nhận ơn cứu độ; thế nhưng các nhà thần học vẫn chưa đồng ý được với nhau về ý nghĩa chân xác của ơn cứu độ. Những yêu cầu bức thiết hơn của Downing về sự nhất trí về mạc khải dường như dựa trên quan điểm tiên thiên của ông rằng hạn từ “mạc khải” chỉ có thể áp dụng cho sự nhận thức hoàn toàn rõ ràng và đầy đủ.

Chúng ta sẽ trở lại với Jaspers và Downing trong chương cuối cùng đễ bổ sung hoàn chỉnh những phê bình có tính dẫn nhập này – dựa trên cơ sở lý thuyết mạc khải mà chúng ta có được qua quá trình tìm tòi của chúng ta. Còn hiện tại, ta sẽ triển khai dựa trên giả định rằng đức tin theo Thánh Kinh và theo Kitô giáo không nên – và thật sự không thể – bị cách ly khỏi niềm tin về mạc khải. Cái nhìn của Do thái giáo và Kitô giáo về Thiên Chúa, về thế giới và về nhân sinh được xoắn xít không thể tách rời với xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng Tự do và có ngã vị, rằng Ngài hành động vì những kẻ Ngài yêu thương và trong hoạt động của Ngài trong lịch sử có bao gồm sự khai mở cho thấy phần nào bản tính của Ngài, những thuộc tính của Ngài, những thái độ và chủ hướng của Ngài. Việc chấp nhận mạc khải, do đó, có một tầm quan trọng nền tảng đối với đức tin Kitô giáo.

Thần học hiện nay không thể và thật sự không hề dửng dưng trước những khó khăn chống lại mạc khải như đã nêu trên. Và các câu trả lời có thể được xếp vào hai loại chính. Một số nhà thần học kiên định với ý niệm cổ điển về mạc khải – cố gắng cho thấy rằng những đối kháng ấy không có nền tảng và chúng không chứng minh được gì chống lại thực tại mạc khải. Những nhà thần học khác nhìn nhận rằng những đối kháng ấy – hoặc một số trong đó – có sức mạnh đáng kể chống lại những quan niệm đơn sơ về mạc khải như được thấy trong nhiều thủ bản thần học của vài thế kỷ trước. Nhưng lui về với các nguồn Thánh Kinh và giáo phụ, hoặc hướng tới một viễn tượng thần học mới mẻ hơn, những tác giả này cố gắng phát triển một giáo lý về mạc khải sao cho có thể đứng vững trước những đối kháng như những đối kháng ta đang xem xét ở đây. Trước khi chỉ ra bằng cách nào những đối kháng ấy được gặp thấy trong những lý thuyết khác nhau, chúng ta sẽ phải tìm xem mạc khải đã được hiểu như thế nào trong thần học Kitô giáo cho tới nay. Và sau khi đã xem xét những đối kháng đủ loại ấy, trong chương cuối cùng ta sẽ trở lại tìm hiểu sức mạnh của những đối kháng ấy.



Phương Pháp Và Các Tiêu Chuẩn

Để đi vào lý thuyết mạc khải – là đề tài chính yếu của quyển sách này – rõ ràng cần phải dành một sự quan tâm thích đáng về vấn đề phương pháp. Thần học mạc khải đặt ra những vấn đề phương pháp có tính rất riêng biệt của nó. Nó không phải là một thành phần của thần học giáo lý (hay tín lý) như người ta thường hiểu; vì thần học tín lý – như chúng ta đã thấy – thường kiểm chứng những khẳng định của mình bằng cách đối chiếu tính tương hợp của những khẳng định ấy với cái vẫn được nhìn nhận là mạc khải. Nếu không muốn rơi vào cái vòng luẩn quẩn thì người ta không thể kiểm chứng một lý thuyết mạc khải bằng cách đối chứng tính tương hợp của nó với mạc khải. Ở đây chúng ta không thể giả định trước bất cứ lý thuyết sẵn có nào về mạc khải như là đã có nền tảng.

Có thể chăng việc chỉ dùng lý trí chứ không nại đến mạc khải để xây dựng giáo lý về mạc khải? Nếu người ta không cần đến mạc khải để hiểu biết mạc khải là gì – thì mạc khải xem ra chẳng cần thiết chi cả. Nó sẽ không khai mở gì về những cái mà người ta không tri thức được nếu không có nó. Vì cách hiểu hẹp hòi này về mạc khải rõ ràng trái ngược với cách hiểu của Thánh Kinh và của Kitô giáo, chúng ta sẽ không chịu sự cương tỏa triết học này. Chúng ta sẵn sàng đón nhận một ý niệm có tính đặc thù thần học về mạc khải, miễn là ý niệm này không rõ ràng tương khắc với ý niệm mà triết học có thể thiết lập.

Phương pháp của chúng ta, vì thế, sẽ là khởi đi từ một quan điểm thuộc về một truyền thống đức tin dựa vào mạc khải. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ nhìn vấn đề từ góc độ của một Kitô hữu, hay thực tế hơn nữa: một tín hữu Công Giáo Rôma. Đặt mình trong truyền thống đức tin phổ quát đối với các Giáo Hội Kitô, và cụ thể hơn – đặt mình trong truyền thống của Giáo Hội Công Giáo Rôma là rường cột của truyền thống chung đó, chúng ta sẽ được dẫn dắt bởi truyền thống này và bởi những trình bày có tính cổ điển và chặt chẽ của truyền thống này về đức tin. Như đã tuyên bố trước, chúng ta sẽ lâm thời giả thiết rằng mạc khải có hàm chứa trong đức tin theo Thánh Kinh và theo Kitô giáo, nhưng chúng ta sẽ không giả định trước bất cứ giáo thuyết sẵn có nào về mạc khải là giáo thuyết chân xác. Chúng ta sẽ khảo cứu một loạt những giáo thuyết đã được các Kitô hữu đề ra và tìm cách để nhận định xem giáo thuyết nào – nếu có – là thỏa đáng. Các lý thuyết khác nhau nầy củng cố nhau cũng có mà đối kháng nhau cũng không thiếu, và do đó ta có nhiều dữ kiện để đánh giá phê bình.

Chiếu theo những mục đích mà chúng ta đang nhắm thì xem ra không cần phải đặt vấn đề xem nhà thần học thực hành loại khảo cứu nào có nhất thiết phải là một người có đức tin hay không. Đức tin – theo ý nghĩa là một nhân đức đối thần như được Công Đồng Vatican I mô tả và đã được trích dẫn trước đây trong chương này – có lẽ có thể giúp cho chúng ta nhận ra điều gì thực sự đến từ Thiên Chúa – như công việc của nhà thần học phải làm – nhưng không thể giúp để hiểu được nhà thần học, vì không có phương pháp thường nghiệm nào có thể kiểm nghiệm xem nhân đức nầy có hay không nơi chính mình hay nơi người khác. Dường như cũng không nhất thiết rằng bản thân nhà thần học phải gắn chặt với truyền thống Kitô giáo (hay là Công Giáo) mới có thể xây dựng được thần học Kitô giáo (hay Công Giáo). Nhà thần học cần phải có khả năng nhận thức – ít nhất là bằng cách hòa nhập để nhận thức – xem những điều tin tưởng gì hàm chứa trong (hoặc tương hợp hay không tương hợp được với) khuôn khổ truyền thống Giáo Hội. Truyền thống, tựa như một thân thể với các bộ phận của nó, được hiểu rõ nhất nhờ (phương pháp) hội nhập – nghĩa là đặt mình trong đó, hơn là bằng phương pháp tập chú – nghĩa là nhìn ngắm nó. Vì thế những giáo thuyết hàm chứa trong truyền thống sẽ được thấy là rõ ràng đối với những người gắn chặt cuộc hiện sinh của mình vào truyền thống hơn là đối với những kẻ ở ngoài. Nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa – ngoài sự gắn chặt hiện sinh – cũng dự phần trang bị cho nhà thần học, và do đó sự thiếu yếu tố này có thể được bù đắp bởi những yếu tố khác.

Công việc của tác phẩm này có thể được mô tả là xây dựng một thần học căn bản về mạc khải. Khi nói thần học căn bản ở đây tôi không có ý nói về việc bắt đầu bằng một qui phạm tiền-thần học – nghĩa là bằng “ánh sáng mù mờ của lý trí” – như khoa minh giáo cổ điển vẫn thích làm. Đúng hơn, tôi có ý nói đến một qui phạm đúng nghĩa thần học, có điều là – nó có tính tiền tín lý. Thần học căn bản là thần học đúng nghĩa vì nó không chỉ đóng vai trò dẫn nhập mà còn giữ vai trò thiết yếu để suy tư một cách có phương pháp và có phê bình về đức tin Kitô giáo. Khởi đi từ trong truyền thống Kitô giáo, nó cố gắng chỉ ra cho thấy đức tin hàm chứa cái gì. Tuy nhiên, như đã nói trên, thần học căn bản có tính tiền-tín-lý vì nó không dựa vào một lý thuyết đã hoàn chỉnh có tham chiếu đến mạc khải và trung gian của mạc khải qua truyền thống và qua những tuyên bố của Giáo Hội. Đúng hơn, qua việc trình bày một lý thuyết như thế, nó đóng góp vào việc tạo những nền móng cho thần học tín lý. Thần học căn bản về mạc khải chiếm một trong những mảng chính yếu của thần học căn bản, những mảng khác liên hệ đến Giáo Hội và đến phương pháp thần học.

Chúng ta còn phải thảo luận về vấn đề tiêu chuẩn nữa. Các nhà thần học thuộc các trường phái khác nhau không chỉ dị biệt nhau trong những cách nhận hiểu về bản chất mạc khải nhưng còn dị biệt nhau trong những tiêu chuẩn mà theo đó họ xác lập các lý thuyết về mạc khải nữa. Việc chấp nhận một khung tiêu chuẩn sẵn có nào đó không nhất thiết có nghĩa là người ta tiên thiên nhìn nhận theo một mức độ nào đó rằng lý thuyết này hoặc lý thuyết kia có thể được chấp nhận.

Không có khung tiêu chuẩn nào hoàn toàn có tính cách trung dung và được tất cả các Kitô hữu – ngay cả dù tất cả người Công Giáo – đồng thanh chấp nhận. Nhưng văn chương thần học có cống hiến một số chỉ dẫn hữu ích. Xem ra người ta có lý khi giả thiết rằng nếu Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài thì sự mạc khải ấy sẽ được hiểu rõ nhất qua chứng từ của những ai tuyên bố trung thành với nó. Vì các tín hữu đã mất thời gian đáng kể để tranh cãi về bản chất của mạc khải, sẽ thật là tắc trách nếu chúng ta cố xây dựng một lý thuyết mà không nghiêm túc nghiên cứu những lập trường vốn được đề cao và có nhiều ảnh hưởng trong cộng đoàn những người tin. Trong thần học – cũng như trong các qui phạm khác – sự tiến bộ thường không đạt được bởi thái độ nhửng nhưng mà là bởi sự tiếp thu có phê bình công trình của những người đi trước. Đối với người Kitô hữu thì dường như không thể có chuyện cho rằng những lý thuyết sẵn có về mạc khải thì khiếm khuyết đến nỗi chúng không giúp được gì đáng kể cho các nhà thần học hiện nay.

Khi biên soạn tác phẩm này trong tư cách là một tín hữu Công Giáo, người viết cảm thấy rằng Giáo Hội mình hiện nay không chỉ cho phép mà còn yêu cầu phải dành sự quan tâm nghiêm túc và sâu sắc đến thần học của các truyền thống Kitô giáo khác. Vì gần đây nền văn chương thần học dường như cho thấy rằng nhiều hệ phái đã xem mạc khải có tính thần học hơn là có tính tuyên tín. Các trường phái thần học trong lãnh vực mạc khải đã vượt qua những lằn ranh giữa các giáo phái. Chính vì thế người Công Giáo có thể tận dụng các công trình của những nhà thần học không Công Giáo cũng như có thể cống hiến những kết quả suy tư của riêng mình cho các Kitô hữu thuộc những cộng đoàn khác.

Trong sự gắn kết với Kitô giáo trong một bối cảnh đại kết và Công Giáo cởi mở, có một số tiêu chuẩn có thể được nhận thấy là thích hợp. Sự thường thì các nhà thần học thuộc những trường phái khác nhau sẽ không phản đối bảy tiêu chuẩn sau đây:



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương