Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức



tải về 1.01 Mb.
trang15/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

b) Mẫu Thức Lịch Sử

Bây giờ chúng ta hãy xét xem phương thức tiếp cận mạc khải bằng biểu hiệu có liên quan đến mẫu thức lịch sử như thế nào. Người ta có thể thấy hai phương thức này đối lập nhau một cách phản đề. Các biểu hiệu có thể được hiểu là qui chiếu đến những chiều kích phổ quát vượt ngoài thời gian của tôn giáo và do đó không thiết yếu phải gắn chặt với bất cứ biến cố lịch sử đặc thù nào. Người ta có thể nghĩ tưởng rằng năng lực khơi gợi của chúng dựa trên sự tương ứng của chúng với những phạm trù có nguồn gốc nơi chính thiên nhiên. Một số người thuộc phương thức biểu hiệu, quan tâm chủ yếu đến việc phân tích văn chương của các biểu hiệu, đã không gắn bao nhiêu tầm quan trọng cho các sự kiện thuộc lịch sử cứu độ. Theo họ trình bày thì cơ hồ như đức tin Kitô giáo lấy đối tượng của nó không phải nơi vị Thiên Chúa Nhập Thể là Giêsu Nadarét nhưng đúng hơn là nơi khuôn mặt Thánh Kinh của Đức Giêsu trong tư cách là Đấng Kitô.

Khác với phái biểu hiệu nói trên, tôi sẽ khẳng quyết mối tương quan mật thiết giữa các phương thức tiếp cận mạc khải bằng biểu hiệu và bằng lịch sử. Các biểu hiệu của đức tin theo Thánh Kinh và theo Kitô giáo, trong khi chúng xây dựng một số phạm trù có tính vũ trụ, thì được làm phong phú và được chuyên biệt hóa nhiều hơn nhờ những hồi ức lịch sử của Israel ngày trước. Những ai đứng trong truyền thống này đều có những lý do vững chắc để kỳ vọng nâng niu cái di sản đặc biệt ấy. Theo cái nhìn của Thánh Kinh và của Kitô giáo, Thiên Chúa được biểu hiệu nhiều nhất là xuyên qua những hoạt động yêu thương trong đó Ngài đã tự vén mở chính mình trong lịch sử Israel và trong cuộc đời của Đức Giêsu. Nếu tình yêu biểu lộ chính nó chủ yếu bằng những hành động thì những sự kiện thực tiễn về các hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử đặc biệt này không phải là một cái gì vô chất. Nhờ những hành động đầy ý nghĩa mà Thiên Chúa đã thể hiện mà chúng ta được biết Thiên Chúa nhiều hơn – hơn là nhờ những biểu hiệu có tính hư cấu mà chúng ta dùng để diễn giải những gì Ngài đã làm. Biểu hiệu, vì thế, không nên chỉ được xem như là sự tượng trưng có tính hư cấu.

Vậy thì, làm sao lý thuyết biểu hiệu bổ trợ cho lý thuyết lịch sử – như đã được triển khai ở chương IV? Mẫu thức lịch sử, trong hình thức nguyên khai hơn hay phổ thông hơn của nó, chủ trương rằng mạc khải có thể được hiểu chắc chắn bằng suy luận của lý trí từ bản tính của chính các biến cố. Ngược lại, phương thức biểu hiệu phủ nhận việc xem các hoạt động của Thiên Chúa là mạc khải trừ phi chúng là những biểu hiệu cho sự hiện diện của Ngài. Việc nắm bắt chúng trong tư cách là những biểu hiệu không lệ thuộc vào một thái độ võ đoán nào, (như chữ “blik” nổi tiếng của R.M. Hare). Đúng hơn, đó là sự đáp trả đúng đắn đối với chính các biến cố, những biến cố mà nhờ năng lực biểu hiệu của chúng – chúng nắm bắt và uốn nắn ý thức của nhà chú giải theo chiều hướng tôn giáo.

Được hiểu theo hướng này, phương thức biểu hiện bảo toàn tính cụ thể và tính hiện thực mà chúng ta đã đề cao mẫu thức lịch sử. Đồng thời, nó điều chỉnh một số điểm yếu rõ ràng trong một số cách diễn giải của mẫu thức ấy. Nó không đòi buộc rằng các biến cố phải có bản tính sao cho ý nghĩa mạc khải của chúng có thể được chứng minh chặt chẽ bởi sự khảo cứu có tính thuyết lý, nhưng chỉ đòi hỏi rằng nhà tìm thám về tôn giáo phải có khả năng biện biệt trong chúng một ý nghĩa theo hướng thần linh. Xem thế, mạc khải không được định vị bên ngoài tâm trí nhà chú giải, kiểu như một đối tượng vật chất, và nó cũng không phải là một cái gì đó được gắn thêm vào biến cố – xuất phát từ chủ quan của nhà chú giải. Hệt như một bản văn văn chương vén mở cho độc giả (văn chương) một ý nghĩa thực sự có ở đó, thì một biến cố dấu chỉ mạc khải cũng thế – đối với nhà quan sát trong cảnh giới tôn giáo – có thể chuyên chở một ý nghĩa thần linh vốn thực sự thuộc về biến cố ấy.

Một sự phản đối đối với mẫu thức lịch sử – như chúng ta đã thấy ở chương IV – là sự khó khăn của việc giải thích đâu là ý nghĩa của “ một hành động quyền năng của Thiên Chúa.” Thiên Chúa không phải luôn luôn làm việc trong mọi biến cố vũ trụ và lịch sử trong tư cách là nguyên nhân sáng tạo đấy ư? Việc đặc biệt hành động có thể có nghĩa gì đối với Ngài? Phải chăng Ngài bỏ qua tác nhân tạo vật và tự đặt chính Ngài thay vào chỗ của những nguyên nhân hữu hạn?

Một câu trả lời đầy đủ cho các vấn nạn khó khăn này sẽ vượt quá những giới hạn của cuộc nghiên cứu ở đây. Tuy nhiên, phương thức biểu hiệu để tiếp cận mạc khải có thể đưa ra câu trả lời phần nào. Dựa theo giáo lý cổ điển thì Thiên Chúa thường hằng và quả thật Ngài làm việc trong mọi hoạt động. Để thể hiện vai trò tác động của Ngài, Ngài không cần đi vào với thế giới từ bên ngoài, như kiểu một kẻ phá đám. Là nguyên ủy siêu việt, Ngài thúc đẩy các tác nhân thụ tạo để chúng tự vận động lấy. Đối với Ngài thì việc hành động cách đặc biệt không đòi Ngài phải năng động nhiều hơn so với những trường hợp khác nhưng chỉ là quan tâm xem xét để các hiệu ứng tương hợp với các mục đích sáng tạo và cứu độ của Ngài. Khi Thiên Chúa đưa thực tại hữu hạn vào mối tương quan đặc biệt với chính Ngài – xuyên qua sự tác động thường hằng và phổ quát của Ngài – thì hiệu quả sẽ là hành động của Ngài, hiểu theo một nghĩa đặc biệt. Những hành động này không phải là những sự biểu hiện đơn thuần về những phẩm tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, như trong mô phạm luận tự do trước đây, nhưng là những biến cố có sức tác động đem lại những khả năng mới mẻ của sự sống và sự cứu độ.

Khi chủ trương rằng những đặc nét của một hiệu quả có thể được định đoạt bởi Thiên Chúa xét như nguyên nhân đệ nhất mà không có sự phá bĩnh những tiến trình của tác nhân đệ nhị, ta giả thiết rằng tác nhân đệ nhị sẵn sàng được điều động theo chiều hướng này. Từ tất cả những gì mà chúng ta được biết về cơ cấu của thực tại, ta thấy điều đó không có vẻ gì là phi thực. Khi tôi phác họa một cỗ máy, tôi không chống cưỡng bất cứ định luật vật lý hay hóa học nào, nhưng tôi vận dụng những năng lực có sẵn để đem lại một hiệu quả thuộc một trật tự cao hơn – tức là một dụng cụ -  mà nhờ sự hoạt động hỗn hợp của các thành phần của nó – có thể phục vụ cho một mục đích chuyên biệt nào đó của con người. Một nguyên tắc tương tự về việc “kiểm tra vòng đai” – nói theo từ ngữ của Polanyi – được thấy khi một bộ phận hữu cơ lợi dụng những tiến trình lý hóa để đạt được một mục tiêu có tính sống hoạt. Nguyên tắc kiểm tra song phương dường như là điều có thể được mở rộng ra cho những hoạt động của một nguyên nhân thần linh – là nguyên nhân có thể ứng dụng mà không làm xáo trộn những năng lực của tự nhiên. Thiên Chúa – Đấng luôn luôn làm việc bằng cách ban cho các tạo vật khả năng tạo ra những gì là mới mẻ – lại còn luôn hướng dẫn bản tính của hiệu quả ấy để nó trở thành một dấu hiệu về dự phóng của Ngài. Như chúng ta đã nêu ra ở phần kết luận chương IV – những hành động ấy của Thiên Chúa sẽ mang nét dạng của cả lời nói cũng như việc làm. Chúng là những biến cố có tính dấu hiệu, có thể nhận thấy qua một tiến trình chú giải có nắm vững ý nghĩa hỗn hợp của rất nhiều những chìa khóa.

Ý tưởng cho rằng Thiên Chúa  mạc khải xuyên qua các biến cố có tính biểu hiệu làm cho người ta lưu ý đến một giáo lý về phép lạ có tính giản đơn hơn, chẳng hạn như giáo lý trong những biên khảo thần học của một thế hệ trước đây. Một phép lạ không cần phải gây ra một sự đình hoãn các qui luật tự nhiên. Như Karl Rahner lưu ý, thiên nhiên tự nó vốn được định đoạt bởi – và được tháp nhập vào – một thứ nguyên nhân siêu việt. Hệt như các qui luật của vật chất vô cơ không cần phải bị đình hoãn để chừa chỗ cho những tiến trình sinh học, cũng thế thiên nhiên không cần phải bị xáo trộn để trở thành sự tự tỏ hiện của Thiên Chúa. Rahner đã viết như sau:

« Cũng vậy, thế giới với nội dung chất thể của nó phải được thấy là ngay tự khởi thủy đã rộng mở cho thực tại tinh thần và đức tin xét như toàn thể hoạt động thuộc cốt lõi sâu xa nhất của nhân linh, và phải được thấy là rộng mở ra cho thực tại Thiên Chúa. Vì thế những chiều kích cao hơn của toàn thể thực tại trở thành tỏ hiện trong những chiều kích thấp hơn của thực tại này nơi việc chuyển hóa chúng, nhưng là bằng một cách thế mà những chiều kích thấp hơn ấy vẫn được bảo tồn trong khi ý nghĩa và bản tính của thực tại cao hơn kia hiển hiện trong chúng.””

Do đó, phương thức biểu hiệu đưa ra những cách trả lời cho một số những chống đối hệ trọng mà mẫu thức lịch sử phải đương đầu. Nó vừa bổ sung cho mẫu thức ấy vừa truy nhận những gì là vững chắc trong đó.

c) Mẫu Thức Kinh Nghiệm

Bây giờ chuyển sang mẫu thức thứ ba, chúng ta sẽ đối chiếu phương thức biểu hiệu và phương thức thần bí. Sự khác nhau giữa hai bên dường như thật rõ ràng. Lý thuyết biểu hiệu chủ trương rằng không có mạc khải bên ngoài những dấu hiệu được tạo ra theo đó mạc khải được thông truyền. Ngược lại, phương thức thần bí khẳng định khả tính của một sự nắm hiểu về Thiên Chúa không qua trung gian nào hoặc nắm hiểu giới siêu việt bằng sự kết hợp tâm linh bên trong. Nếu các biểu hiệu có tầm quan trọng đối với những người thuộc trường phái này thì có thể đấy chỉ là vì chúng dọn đường cho – hay diễn tả – một kinh nghiệm xuất thần tột đỉnh vốn không có nội dung gì khác ngoại trừ sự hiện diện khôn tả.

Lý thuyết thần bí trong hình thức cực đoan nầy có ít người ủng hộ. Truyền thống nổi tiếng về thần bí Kitô giáo, như được đại diện bởi Gioan Thánh giá và Têrêxa Avila, thì rất cẩn trọng trong việc đề cập đến một sự nắm hiểu trực tiếp về Thiên Chúa trong cuộc sống này. Xem ra người ta đã hiểu đúng rằng các vị thánh này khẳng định Thiên Chúa tự tỏ lộ chính Ngài bằng cách đưa ra những dấu chỉ và những hiệu quả của sự hiện diện của Ngài trong linh hồn. Rõ ràng là nhà thần bí có thể được lôi kéo đến với Thiên Chúa trong tình yêu đến nỗi các biểu hiệu về sự hiện diện của Ngài – có thể nói – là tan chảy mất. Người ta có thể không lưu tâm đến chúng, nhưng phải chăng là chúng thật sự không có mặt? Khi các tác giả tu đức đề cập đến việc tiếp xúc và cảm nếm Thiên Chúa trong thâm sâu hay trong chính bản thể của linh hồn, và đề cập đến đức ái vươn đến Thiên Chúa trong chính bản thân Ngài – thì họ hàm ý rằng sự “trực thấu” ấy (immediacy) về Thiên Chúa không phải là không có một hiệu quả có thể nắm hiểu được trên tạo vật. Ngay cả kinh nghiệm thần bí cao nhất, gạt ra ngoài những trung gian thông thường qua các ý niệm và các hình ảnh, vẫn dựa trên những hiệu ứng nội tâm của ân sủng vốn bằng cách thế nào đó đóng vai trò trung gian cho chính cuộc gặp gỡ.

Những tác giả như Rahner, trong thần học mạc khải của mình, đã một cách nghịch lý đề cập đến “sự trực thấu được trung chuyển.” Từ ngữ này diễn tả rất xác đáng tính lưỡng diện của minh nhiên và mặc nhiên, của triển hệ và bất triển hệ, của dữ kiện và chân trời trong bất cứ kinh nghiệm mạc khải nào. Theo Rahner, cái có tính trực tiếp – ấy là sự tự thông truyền của thần linh, ấy là kinh nghiệm về ân sủng. Nhưng sự hiện diện bên trong của Thiên Chúa không thể được hiểu và không thể đạt được ngoại trừ trong mức độ mà nó trở nên được thông truyền, hoặc sự thông truyền, nơi những biểu hiệu thụ tạo. Tuy nhiên, các biểu hiệu khơi gợi lên một ý thức đích thực về chính thần linh – một ý thức luôn luôn vượt trên mọi diễn tả của chúng ta.

Truyền thống thần bí, bằng cách kêu gọi sự chú ý đến những chiều kích bên trong của kinh nghiệm tâm linh, làm hoàn hảo và làm phong phú cho phương thức biểu hiệu về mạc khải. Những người theo phái kinh nghiệm đã đúng khi khẳng quyết rằng mạc khải thiết yếu đem lại một sự kết hiệp thực sự giữa tâm linh con người và Thiên Chúa, Đấng tự trao ban chính Ngài qua ân sủng. Hơn thế nữa, họ cũng đúng khi khẳng định rằng – một cách nào đó – sự kết hiệp này luôn luôn thuộc ý thức. Nhìn nhận những điểm này, giờ đây ta phải khẳng định rằng chính biểu hiệu, trong những chiều kích trọn vẹn của nó, có bao gồm kinh nghiệm về ân sủng; vì kinh nghiệm nầy mở ra chân trời cần thiết cho bất cứ biểu hiệu bên ngoài nào để được biện biệt là một sự truyền đạt của thần linh. Đàng khác, kinh nghiệm về ân sủng không thể được hiểu đúng đắn, hay được thừa nhận đúng sự thực của nó, nếu không có sự giúp đỡ của các biểu hiệu rút ra từ thế giới đã được nhận biết bằng kinh nghiệm giác quan. Nếu không được cụ thể hóa bởi những biểu hiệu như thế, những xuất thần độc đáo của các nhà thần bí sẽ không mạch lạc rõ ràng đủ để đáng gọi là mạc khải. Trong ngữ nghĩa học của Rahner, mạc khải siêu việt và mạc khải phạm trù không phải là hai thực thể biệt phân nhưng là hai chiều kích của một thực thể đơn nhất, phức hợp. Tựa như mô thức và chất thể, hồn và xác, chúng tùy thuộc vào nhau và tác động nhau; chúng chỉ tồn tại trong tổng thể của chúng. Causae ad invicem sunt causae.

Cấu tố thần bí có tầm quan trọng đặc biệt trong việc chỉ ra yếu tố tiêu cực trong mọi đề cương mạc khải. Nhà thần bí, nhận thức Thiên Chúa hiện diện trực tiếp, rất nhạy bén nhận ra sự bất tương ứng của tất cả những hình ảnh và những loại suy thuộc thụ tạo. Ý thức hơn ai hết rằng chúng ta chỉ biết Thiên Chúa như một Đấng vượt ngoài mọi phạm trù, nhà thần bí nêu bật sự kiện rằng chúng ta được nối kết với Ngài trong sự tăm tối tận cùng của đức tin. Các chiều kích thần bí và biểu hiện của cuộc gặp gỡ giữa con người và thần linh có tính bổ sung cho nhau và vẫn đối lập nhau. Trong những câu nói sau đây, Thomas F. O’Meara trình bày cả tính duy nhất và tính khác biệt ấy:

Rõ ràng, kinh nghiệm thần bí là một tiến trình giống như cuộc tiếp xúc có tính mạc khải căn bản của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân… Tuy nhiên, những kinh nghiệm, những sứ điệp và những câu chuyện ấy về kinh nghiệm thần bí trong bóng tối mịt mờ không hướng về việc khách thể hóa; vì kinh nghiệm thần bí đích thực đạt kết điểm không phải ở thông tin mà là ở sự khôn tả. Xét theo quan điểm về tính rõ ràng và tính cộng đoàn thì thần bí thuyết quả là không được nhận thấy có căn tính mạc khải; nhưng xét từ quan điểm về sự sâu sắc thì kinh nghiệm thần bí là một loại kinh nghiệm cơ yếu, chủ quan và có tính mạc khải. Tính cách thông thường và rộng rãi của thần bí thuyết là một kim chỉ nam cho thấy sự hiện diện đầy đủ của ân sủng. Tuy vậy vẫn có những dị biệt: vì sự hiện diện mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử loài người có chiều hướng cụ thể và minh nhiên nhằm để giới thiệu Nước Trời một cách hữu hình khả giác, trong khi trong thần bí thuyết, một tín hữu trưởng thành mở lòng đón nhận một ân sủng đặc biệt dẫn dắt đến bóng tối và sự thinh lặng.””

d) Mẫu Thức Biện Chứng

Đối với các thần học gia biện chứng – mà bây giờ ta đang xét đến – thì mạc khải được ban cho không phải bằng biểu hiệu nhưng là bằng Lời Thiên Chúa. Sốt sắng bảo vệ tính siêu việt thần linh, Barth tỏ ra rất dè dặt về bất cứ những gì dường như gắn kết Thiên Chúa trong những hàm hồ của thiên nhiên và lịch sử, bất cứ những gì có vẻ đưa ra một con đường dẫn con người đến Thiên Chúa, bất cứ những gì – quả thật – tạo cơ hội cho sáng kiến của con người trong việc thiết định mạc khải, hay làm mù mờ tính toàn vẹn của Thánh Kinh, hoặc hàm ngụ bất cứ tính tiếp tục thật sự nào giữa Kitô giáo và các tôn giáo của thế giới. Vì thế theo Barth, mạc khải là Lời của Thiên Chúa, và “chúng ta không có lý do nào để không hiểu ý niệm Lời Thiên Chúa chủ yếu trong ý nghĩa từ ngữ của nó. Lời của Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa phát ngôn. Và phát ngôn không phải là một biểu hiệu (như P. Tillich đã nghĩ trong Rel. Verwirkl, 1930, p.48). Lời của Thiên Chúa, trong nghĩa đầy đủ nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng vượt trên thời gian và lịch sử.

Sự lỏng lẻo nói trên của mẫu thức biện chứng, mà tôi đã nhiều lần đề cập đến, chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ có tính tranh cãi của nó với chủ nghĩa tôn sùng lý trí của các thế kỷ vừa qua. Trong khi chống lại lời tuyên bố rằng lý trí có thể gắn khớp Thiên Chúa và mạc khải vào trong một hệ thống thuộc vũ trụ, các nhà thần học biện chứng – chịu ảnh hưởng của Kierkegaard – đã thao thao nói đến sự nghịch lý và sự phi lý. Những luận đề tương tự lại tái xuất hiện, trong bối cảnh ít bị tranh cãi hơn, nơi phương thức biểu hiệu. Vì như chúng ta đã ghi nhận, biểu hiệu có những dị điểm siêu vượt mà sự lý luận lòng vòng không thể đạt tới được. Phương thức biểu hiệu, giống như phương thức biện chứng, gần gũi với mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Nó từ chối giảm trừ ý nghĩa và tính khả niệm trong những khuôn khổ hạn hẹp của luận lý thuộc tri thức. Mối quan hệ nền tảng nầy giữa hai phương thức, dầu vậy, vẫn không xóa đi mọi khác biệt.

Viết trong cao trào “Tân Thệ phản duy tân” (như cách nói của Barth) – ta dễ hiểu nỗi sợ của Barth rằng phạm trù biểu hiệu, được áp dụng vào mạc khải, có thể sẽ làm hạ giá sự siêu việt thần linh và làm mù mờ sự độc đáo của mạc khải khách quan của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Luận thuyết của Tillich về biểu hiệu – nói riêng – dường như bị Barth đánh giá là lấy lại quá nhiều của Feuerbach. Nó có thể dễ dàng làm cho người ta nghĩ rằng các biểu hiệu mạc khải – chủ yếu xuất phát từ ý thức con người dưới tác động của những hoàn cảnh lịch sử nhất định – có thể chỉ là những phác họa nhu cầu của con người. Trong khuôn khổ này Lời Thiên Chúa nơi Đức Kitô có thể dễ dàng bị xem như “một dấu hiệu giữa nhiều biểu hiệu khác.” Trong khi cảnh giác về những nguy hiểm này, Barth đã hậu thuẫn cho những người ủng hộ phương thức biểu hiệu sau này, bao gồm nhiều người trong số đó đã được đề cập đến trong chương này – để chống lại bất cứ chủ trương giảm trừ nào theo phái duy tân.

Thần học về Lời Thiên Chúa, như được những người theo Barth trình bày, có nhiều điểm chung với loại phương thức biểu hiệu được đề ra ở đây. Chống lại Chủ Nghĩa Duy Tâm Thuần Túy, cả hai trường phái này đều đồng ý rằng mạc khải, dù bằng Lời hay bằng biểu hiệu, phải là một sự tự thể hiện tự do và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Chống lại khuynh hướng thần bí cực đoan, họ đồng ý rằng mạc khải phải được thông truyền bằng những dấu hiệu được ghi nhận trong lịch sử – những dấu hiệu mà trong tác phẩm sau này của ông, Barth mô tả là những cơ cấu bí tích của mạc khải. Chống lại mẫu thức xác định, họ chủ trương rằng sự trung chuyển ấy phải đem người tín hữu vào một cuộc tiếp xúc sống động và riêng tư với thần linh. Cuối cùng, cả hai phương thức đồng ý chống lại chủ nghĩa duy lịch sử – rằng mạc khải không thể được xác định một cách khách quan từ những sự kiện mà khoa lịch sử có thể đạt tới được. Trong tư cách là một cái gì được biện biệt bởi một ý thức thuộc linh, mạc khải không bao giờ thực sự tồn tại bên ngoài đức tin.

Phải chăng phương thức biểu hiệu dẫn đến một giáo lý mạc khải trong đó Đức Kitô không còn có tính qui phạm độc đáo, nhưng bị giảm trừ thành “một biểu hiệu giữa những biểu hiệu khác”? Quả là có một số nhà thần học biểu hiệu đã đi theo hướng này. Đó có phải là đường hướng duy nhất, hay tốt nhất, để phát triển phương thức biểu hiệu hay không – vấn đề sẽ được bàn đến trong chương tới của chúng ta, đề cập đến Kitô học.

Lời Thiên Chúa, như được mô tả bởi các thần học gia biện chứng, có một cơ cấu tương tự với cơ cấu mà chúng ta đã gán cho biểu hiệu. Xét như là sự tự bày tỏ của Thiên Chúa mạc khải – Đấng dùng Lời để nói với thụ tạo, Lời làm việc một cách mầu nhiệm trên ý thức con người sao cho khơi gợi lên nhiều hơn những gì nó có thể diễn tả hay xác định. Nó đi xa hơn chính nó để chỉ cái mầu nhiệm mà nó làm cho trở thành hiện diện. Những hình tượng linh động của người thị kiến, những lời tường thuật sốt bỏng của vị tiên tri, và những tin vui của vị tông đồ đều đầy năng lực nhiệm mầu để – cũng như các biểu hiệu – sản sinh ra sự sống mới mẻ mà họ nói về. Khi những lời được kích khởi ấy đi vào trong một truyền thống ổn định và bắt rễ – có thể nói thế – trong ý thức tập thể của người tin, thì chúng càng trở nên có tính biểu hiệu rõ rệt hơn nữa.

Quả thật lời mạc khải có thể được diễn tả như một biểu hiệu mà do tính chất linh hoạt đa năng của nó, nó dường như thoát khỏi những điều kiện của chất thể. Trong tất cả các biểu hiệu, Lời mạc khải là biểu hiệu có tính tâm linh nhiều nhất và gần gũi nhất với thần linh. Như một số tác giả đã ghi nhận, lời ấy có một khả năng đặc biệt để trình bày những cái mà người ta không thể ghi nhận được trừ phi bằng cách phủ định. Kinh nghiệm hầu như có tính thần bí về thần linh, như đã được ghi nhận, cho thấy sự bất tương ứng của tất cả những loại suy thuộc thụ tạo và do đó đòi phải tuyên bố bằng thể phủ định. Chẳng hạn, hãy xem xét cách diễn tả của Phaolô: “Điều không có mắt nào thấy, không có tai nào nghe, không có lòng nào nghĩ được, điều mà Thiên Chúa đã sắp sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1Cr 2, 9; cf. Is 64, 4). Có thể nói hình tượng ấy được đẩy lên tới một khả năng cao hơn nhờ phủ định như vậy, nó cho thấy sự vượt trội của ý nghĩa so với tất cả những gì có thể được nói một cách thiết định.

Lời ấy, xét như là dấu hiệu chỉ rõ ý nghĩa, là một bổ sung cần thiết cho mạc khải nơi bất kỳ loại biểu hiệu nào khác. Tính biểu hiệu rõ nét hơn của thiên nhiên, của hành động hay của những gì nhân tạo – dù có tiềm năng thế nào đi nữa – cũng quá hàm hồ không thể làm trung gian đơn nhất của tôn giáo mạc khải. Biểu hiệu chỉ trở thành mạc khải khi được diễn dịch, và sự diễn dịch không bao giờ xảy ra nếu không có yếu tố ngôn ngữ. Hơn nữa, đối với mạc khải công, phải có những lời nói bên ngoài – có thể được nghe hay được thấy. Những lời nói minh thị như thế thiết yếu có tính biểu hiệu, vì nếu không thì chúng không thể góp phần cho một cuộc kết hiệp có sức cứu độ với thần linh. Tôn giáo mạc khải không chỉ đón nhận những mẫu ngôn ngữ mà nó tìm thấy. Đúng hơn, một cách sáng tạo, nó làm phong phú và làm mới lại những ngôn từ mà nó đón nhận; nó hình thành nên những ẩn dụ và do đó tạo nên tính biểu hiệu mới.

e) Mẫu Thức Ý Thức Mới

Cuối cùng chúng ta có thể nói vắn tắt về mối quan hệ giữa phương thức biểu hiệu về mạc khải và mẫu thức thứ năm của thần học mạc khải. Nói chung, có thể thấy rằng có một sự tương ứng mật thiết. Những người theo mẫu thức “ý thức” thường xem sự truyền đạt bằng biểu hiệu theo hình thức này hay hình thức khác (hình ảnh, ẩn dụ, dụ ngôn, chuyện kể v.v…) như là nơi chuyên chở chủ yếu nhất của mạc khải.

Người ta sẽ dễ dàng chấn nhận rằng phương thức biểu hiệu bảo vệ những giá trị rõ ràng của mẫu thức thứ năm. Vì như chúng ta đã thấy, biểu hiệu kêu mời sự tham dự; một mạc khải được thấm nhập bằng biểu hiệu sẽ không để cho người đón nhận ở trong tình trạng thụ động, nhưng sẽ hướng đến việc tạo ra một hoạt động tâm linh ở mức độ cao. Tính linh động của biểu hiệu làm cho nó có một khả năng để nói với người ta trong những hoàn cảnh văn hóa xã hội khác nhau và để đảm bảo rằng tính mạc khải không bị mất đi. Vì có thể có một mức cân bằng hay có tính bổ sung giữa những hệ thống biểu hiệu khác nhau, phương thức truyền đạt bằng biểu hiệu có thể thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa các niềm tin khác nhau. Trong tất cả những phương diện này phương thức biểu hiệu hậu thuẫn cho các giá trị đặc sắc riêng của mẫu thức ý thức.

Chính vì lý do nầy mà người ta phải nghiêm chỉnh đặt vấn đề phải chăng phương thức biểu hiệu có thể vượt qua được những điểm yếu đã được ghi nhận trong mẫu thức thứ năm. Phương thức tiếp cận mạc khải bằng biểu hiệu thường được nghĩ là hàm chứa tính chủ quan, tính tương đối và một chủ nghĩa nhân bản có tính giản lược. Những phê phán ấy sẽ đúng nếu – như người ta thường nghĩ – các biểu hiệu chỉ phản ảnh những cảm tính nhất thời của chủ thể. Nhưng nếu như những biện luận của chương nầy là đúng, thì biểu hiệu có thể có một sự hàm súc khách quan, những đòi hỏi khẩn thiết chủ thể phải tìm kiếm ý nghĩa của nó xét như là một chìa khóa mở ra bản tính của thực tại. Những biểu hiệu tôn giáo tự nhận nền tảng của mình đặt trên những cơ cấu thường hằng của hữu thể. Hơn thế nữa, tính biểu hiệu lịch sử của lịch sử Thánh Kinh cho thấy những hành động yêu thương kỳ diệu mà qua đó Thiên Chúa đã chuyển hóa một cách đầy hiệu quả những khả năng hiện sinh trong thế giới. Những biểu hiệu nầy không lụy thuộc vào sự thay đổi độc đoán và sự diễn dịch lại. Nhóm biểu hiệu được truyền tải trong truyền thống Kitô giáo đặt một qui phạm cho những thành viên mới của Giáo Hội khi họ được dẫn vào thế giới ý nghĩa mà các biểu hiệu ấy nhắm đến. Dầu vậy, tín lý có thể đem lại sự ổn định và bổ sung khả năng cho tính biểu hiệu của bài giảng đạo khai tâm. Thế thượng phong của biểu hiệu không biện minh cho bất cứ chủ nghĩa giản lược có tính biểu hiệu nào có thể ngáng trở những trình bày có tính suy tư hơn của giáo lý và của thần học Giáo Hội.

Chúng ta đã khẳng quyết rằng những biểu hiệu của mạc khải Kitô giáo thì không phải là con phỗng muốn kéo sao cũng được. Song chúng cũng cho phép có một phạm vi đủ rộng để diễn dịch và áp dụng, và chúng cũng được bồi bổ và được phong phú hóa bởi những sự tái tạo bối cảnh liên tiếp nhau. Những biểu hiệu có tính chủ yếu Thánh Kinh được chuyển tải trong bối cảnh của những biểu hiệu thứ yếu dễ thay đổi, chẳng hạn những biểu hiệu được dùng trong nghệ thuật và phụng vụ Kitô giáo. Những biểu hiệu thứ yếu này, khi chúng không còn tạo ra ấn tượng được nhắm trước, có thể được thay đổi bởi các biểu hiệu khác – được sản sinh do những tưởng tượng tôn giáo dựa theo ấn tượng của những biểu hiệu cốt lõi của đức tin.

Sự chống đối nổi lên rằng nếu những biểu hiệu tượng trưng cho một cuộc đột nhập vào một bình diện ý thức mới, thì mọi sự tiến bộ của ý thức đều đòi phải có một khung biểu hiệu mới. Kết quả của những sự thay đổi liên tiếp là chính sự đồng nhất của đức tin Kitô giáo sẽ có lúc biến mất. Do vậy Kitô giáo hẳn là có sự thống nhất về một chuyển biến không ngừng dao động hơn là sự thống nhất về một đức tin đơn dạng, bất biến. Có thể một lúc nào đó Kitô giáo sẽ trở thành lỗi thời và bị thay thế bởi một hậu Kitô giáo, hoặc hữu thần hoặc vô thần tùy đó. Theo quan điểm của một số người, nhân bản sẽ có thể đăng đàn, bỏ lại đằng sau tính biểu hiệu của các tôn giáo truyền thống.



Tuy nhiên, giả thuyết nầy không tự nó xác thực. Ở đây chúng ta không thể gạt bỏ cái khả năng rằng tôn giáo có thể là một nét thường xuyên của thân phận con người và rằng lịch sử con người và vũ trụ có thể có một nguồn gốc duy nhất và một mục tiêu duy nhất. Nếu vậy, có thể có một biểu hiệu trọng tâm duy nhất độc quyền truyền thông ý nghĩa đích thực của hiện sinh và của đời sống con người. Để tìm hiểu khả năng nầy ta sẽ phải xem xét biểu hiệu Đức Giêsu là Đấng Kitô.
Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương