Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


Biểu Hiệu Mạc Khải Trong Thánh Kinh



tải về 1.01 Mb.
trang14/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Biểu Hiệu Mạc Khải Trong Thánh Kinh

Để có một chỉ dẫn sơ bộ về mối liên lạc giữa mạc khải và biểu hiệu, cần ghi nhận rằng những mạc khải quan trọng mà chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh thì chứa đầy những yếu tố có tính biểu hiệu: chẳng hạn, trong Cựu Ứơc, những phép lạ của biến cố Xuất hành, những cuộc hiển linh ở Sinai, “tiếng nói khe khẽ” được nghe bởi Elia, những thị kiến trong việc bổ nhiệm các tiên tri lớn, và những xuất thần của các người thị kiến khải huyền. Trong Tân Ước, cuộc đời Đức Giêsu được giới thiệu bằng những tình huống có tính biểu hiệu cao về việc đầu thai và cuộc sinh hạ. Đời sống công khai của Người được phong nhậm bằng những hiện tượng thần linh như tiếng nói từ trời và việc Thánh Thần hiện xuống trong hình chim bồ câu. Sứ vụ của Người được đánh dấu bằng những biến cố có tính dấu chỉ như cuộc biến hình và những phép lạ chữa bệnh; và được khép lại bằng hành vi biểu hiệu là cái chết trên Thánh giá của Người. Cuộc sống vinh hiển của Đức Giêsu và lịch sử Giáo Hội được khởi đầu, lại một lần nữa, bằng những sự việc có tính biểu hiệu như cuộc Phục Sinh và cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện của những biến cố biểu hiệu này ở những điểm ngoặt quan trọng của lịch sử Thánh Kinh củng cố luận đề – đôi khi được đưa ra – rằng lịch sử cứu chuộc bao gồm một loạt những “sự kiện vén mở.” Những biến cố có tính dấu chỉ kết thành lịch sử này được minh họa một cách ấn tượng “như những biểu hiệu đầy ý nghĩa và như cửa ngõ mà qua đó sự cứu độ hiện lộ trong ngôn ngữ.””

Không chỉ những biến cố của lịch sử Thánh Kinh mà cả những chủ đề cốt yếu trong giáo huấn của các ngôn sứ, của Đức Giêsu, và của các Tông Đồ cũng đều mang hình thức biểu hiệu. Có thể minh họa điểm này bằng việc khảo sát gần như bất cứ chủ đề chìa khóa nào của Cựu Ứơc và Tân Ước, chẳng hạn chủ đề về Nước Trời. Như Norman Perrin cho thấy, Nước Trời trong lời rao giảng của Đức Giêsu không phải là một ý niệm rõ ràng hay một ý tưởng có ý nghĩa đơn nhất. Đúng hơn, đó là một biểu hiệu “có thể tượng trưng hay gợi ra một toàn thể hay một loạt các khái niệm hay ý tưởng,” và do đó đưa thính giả vào chính thực tại mà lời rao giảng của Đức Giêsu chuyển tải. Perrin minh họa rất nhiều tính chất biểu hiệu của ngôn ngữ này như được tìm thấy trong các lời nói có tính phương ngôn của Đức Giêsu, trong lời nguyện của Chúa, và nhất là trong các dụ ngôn Tin Mừng. Ông khẳng định rằng yếu tố thường xuyên trong những tư liệu rộng rãi này là biểu hiệu về Nước Thiên Chúa, biểu hiệu mà – đối với các thính giả Do Thái – có sức gợi lên kinh nghiệm đức tin về hoạt động sống động của Thiên Chúa vì ích lợi của dân Ngài và có sức thúc đẩy một sự đáp trả thích đáng. Theo Perrin, việc cố tìm cách gán chặt một ý nghĩa xác định nào đó cho hạn từ “Nước Thiên Chúa” sẽ là việc bỏ qua đặc tính đa nghĩa của sự thông truyền bằng biểu hiệu – vốn gợi ra nhiều hơn là những gì nó tuyên bố rõ rệt. Bởi tại chiều kích biểu hiệu này mà ngôn ngữ mạc khải của Thánh Kinh có thể nắm được và thay đổi được người thính giả có lòng sốt sắng.

Những Đặc Điểm Chung Của Biểu Hiệu và Mạc Khải

Chắc chắn là chứng lý Thánh Kinh không chứng minh rằng mạc khải phải có tính biểu hiệu tự bản tính của nó. Để xác lập điều này người ta hẳn phải xây dựng một chứng lý lý thuyết đặt cơ sở trên chính bản chất của mạc khải. Sự vững chắc của một chứng lý như vậy hẳn sẽ không được chấp nhận một cách rộng rãi, vì việc lập luận sẽ nại đến những giả định thần học và nhân học là những cái tự nó không hiển nhiên. Trong khi chấp nhận những giới hạn rõ ràng này, tôi sẽ cố gắng đề nghị một chứng lý đặt nền trên sự song song giữa các đặc điểm của việc thông truyền bằng biểu hiệu và mạc khải. Bốn đặc điểm như thế có thể được tuyển ra:

Thứ nhất, biểu hiệu không cung ứng tri thức giả đoán nhưng là tri thức chia sẻ – nghĩa là, loại tri thức liên quan tự nội. Một biểu hiệu không bao giờ là một đối tượng thuần túy. Nó nói với chúng ta chỉ trong mức độ mà nó thu hút chúng ta đặt tâm trí mình trong cái mênh mông của ý nghĩa và giá trị mà nó mở ra cho chúng ta. Như Nathan Mitchell đã nói: “biểu hiệu không phải là một đối tượng để cho người ta nắm bắt bằng những động tác kịch câm hay bằng hồi ức, nhưng là một môi trường để cho người ta dấn mình vào. Biểu hiệu là những không gian để sống, là những thời gian hô hấp giúp chúng ta khám phá ra những khả năng mà đời sống cống hiến.” Ông còn nói tiếp: “Nói vắn gọn hơn, mọi biểu hiệu đều liên quan đến một khám phá mới mẻ và mọi biểu hiệu đều là một hành động khai mở chứ không phải một đối tượng đã cố định xong xuôi. Bằng cách đi vào trong những biểu hiệu, bằng cách sống trong môi trường của chúng, người ta sẽ khám phá những chân trời mới của đời sống, những giá trị và động lực mới.””

Còn đặc điểm thứ hai, đó là: Biểu hiệu có một hiệu ứng biến đổi trong chừng mực mà nó liên quan đến người tri thức. Khả năng chữa trị của biểu hiệu được minh họa một cách sống động bởi tâm lý trị liệu. Victor White, một nhà thần học đồ đệ của Carl Jung, đã viết như sau:

 “Một biểu hiệu, như chúng ta nói, “làm một cái gì đó chúng ta,” nó thúc đẩy chúng ta, chuyển đổi trung tâm nhận thức của chúng ta, thay đổi các giá trị của chúng ta. Dù nó chỉ được nhìn hay được nghe, được diễn tả, được vẽ ra, viết ra hay (múa) ra, nó không chỉ khơi lên ý tưởng thôi mà còn khơi lên niềm vui thích, nỗi sợ hãi, âu lo, kinh hoàng, và sự khoan khoái… Jung đã nhận ra rằng đó chính là khí cụ mà chính vì tính đa năng của nó, đã biến đổi chính ý thức và qua đó biến đổi nhân cách bệnh hoạn. Đây là điều Jung có ý nói khi ông gọi biểu hiệu là cái máy tâm lý học giúp chuyển năng lực thành hoạt động, không kém chi một tuốc bin chuyển hóa năng lực hung dữ và vô ích của một giòng thác thành năng lượng mà người ta có thể kiểm soát và ứng dụng.””

Thứ ba, biểu hiệu có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên những sự dấn thân và trên thái độ. Nó tác động trên người ta như một bùa mê. Nó khuấy động trí tưởng tượng, giải phóng những năng lực giấu ẩn trong linh hồn, cung cấp sức mạnh và sự vững vàng cho nhân cách, và dấy lên ý chí hành động một cách nhiệt thành và nhất quán. Vì thế cho nên tất cả những phong trào chính trị và xã hội lớn đều cảm thấy cần thiết phải trang bị cho mình những biểu hiệu thích đáng. Chẳng hạn, một lá quốc kỳ hay một bài quốc ca có khả năng biểu hiệu để khêu lên những tình cảm yêu nước và thúc đẩy các công dân làm những hành vi hào hùng vì đất nước họ.

Thứ tư, biểu hiệu dẫn chúng ta vào những vùng ý thức mà suy tưởng lang man thường không thể tiếp cận được. Theo kiểu diễn tả của Tillich, một biểu hiệu “mở ra những bình diện của thực tại mà nếu không có nó thì chúng ta vẫn bị bưng bít… và cũng mở ra những chiều kích và những yếu tố của linh hồn chúng ta tương ứng với những chiều kích và những yếu tố của thực tại.” Quá trình này luôn luôn tạo ra một cấu tố của mầu nhiệm. Thomas Carlyle đã ghi nhận đúng đắn: “Trong biểu hiệu có sự giấu ẩn và do đó có mạc khải.” Biểu hiệu vén mở không chỉ bằng việc trình bày ý nghĩa của nó cho người khảo sát nhưng còn bằng việc kéo chúng ta vào trong vận hành riêng của nó và (như chúng ta có thể nói theo Polanyi) bằng việc rút chúng ta ra khỏi chính mình. Ý nghĩa của biểu hiệu, vì thế, không thể bị niêm chết trong những ý tưởng và ngôn ngữ có tính phạm trù. Tuy nhiên, biểu hiệu không phải là không có giá trị cho cuộc tầm cứu nghiêm chỉnh về chân lý. Nó “nâng tư tưởng lên,” như câu nói nổi tiếng của Ricoeur. Bằng cách đặt chúng ta tiếp xúc với những phương diện thâm sâu hơn của thực tại, biểu hiệu có thể sản sinh một loạt vô hạn những tri thức đặc sắc.

Phẩm tính đa năng này của tri thức biểu hiệu được liên kết chặt chẽ với khả năng chữa trị mà chúng ta đã nói đến trên kia. Theo Eliade, các biểu hiệu có thể “nhận ra, hấp thụ, và thống nhất những bình diện và những thực tại khác nhau mà xét mặt ngoài chúng xem chừng bất tương ứng.” Hay như ông phát biểu một chỗ khác: “Biểu hiệu vì thế có thể khai mở cho thấy một viễn tượng trong đó những thực tại đa chủng dễ dàng được liên kết thành một toàn thể,” nhờ đó đời sống con người có thể được kết hợp thành một toàn bộ hữu thể.

Bốn phẩm tính này của tri thức biểu hiệu cho thấy rõ ràng bằng cách nào biểu hiệu có thể thích hợp một cách duy nhất để làm một trung gian của mạc khải, vì những phẩm tính của mạc khải – xét trên một bình diện siêu việt – tương ứng với những phẩm tính vừa được ghi nhận trong thông truyền bằng biểu hiệu. Trước hết, mạc khải đem lại sự nhận thức có tính chia sẻ, tham dự. Đón nhận mạc khải Kitô giáo là dấn mình vào một cộng đoàn đức tin và do đó chia sẻ cách sống đã được Đức Giêsu phác họa. “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa; vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).

Thứ hai, mạc khải có tính biến đổi, vì nó đưa chúng ta vào một thế giới tâm linh mới, chuyển đổi những chân trời của chúng ta, những nhãn giới của chúng ta, những quan điểm của chúng ta. Người Kitô hữu hiểu ra rằng chính mình quan hệ riêng tư với Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh và truyền thống, Kitô hữu được cho thấy là thành phần của gia đình và của nhà Thiên Chúa, được mời gọi thống hối, thứ tha và sống đời sống mới.

Thứ ba, như một hệ quả của đặc tính biến đổi, mạc khải có một sức tác động trên những sự dấn thân và thái độ của những người đón nhận nó. Nếu mạc khải xảy đến thuần túy như một chân lý xác định và trừu tượng thì hành vi đức tin dùng để đón nhận nó sẽ là một chấp nhận thuần túy lý thuyết. Nhưng nếu mạc khải là chân lý biểu hiệu thì hành vi chấp nhận nó phải thể hiện bằng cách sống. Như Vatican II đã diễn tả, đức tin phải là một thái độ vâng phục trong đó người ta “ký thác toàn thể bản thân mình một cách vô điều kiện cho Thiên Chúa.” Với đức tin, người Kitô hữu hội nhập vào một cộng đoàn những người tin và trở thành gắn bó với cộng đoàn ấy, cũng như gắn bó với Chúa của cộng đoàn ấy – bằng những mối dây trung thành và tín thác.

Cuối cùng, nhờ đặc tính biểu hiệu, mạc khải giúp thấu hiểu những mầu nhiệm mà lý trí không cách nào dò thấu được. Eliade đã nêu ra rằng đối với người Do Thái và người Kitô hữu, “Giavê vừa nhân hậu vừa phẫn nộ, Thiên Chúa của các nhà thần bí và các thần học gia Kitô giáo vừa kinh khiếp vừa hiền lành một trật, và chính sự đối lập trùng phức (coincidentia oppositorum) này là khởi điểm cho những giả đoán táo bạo nhất của những người như pseudo – Dionysius, Meister Eckhardt, và Nicolas Cusa.” Mạc khải tự nó là một mầu nhiệm bởi vì nó là sự tự thông truyền của Thiên Chúa “Đấng ngự trong ánh sáng không thể với tới được” (1 Tm 6,16). Thần học biểu hiệu hiện nay – như được đại biểu bởi Tillich – khẳng quyết tính chất mầu nhiệm của mạc khải: “Trong khi được mạc khải, (cái siêu việt) vẫn không ngừng còn giấu ấn, vì tính chất kín nhiệm của nó nằm trong chính bản chất của nó; và khi nó được mạc khải thì mức rõ ràng minh bạch của nó cũng ngang ngửa mức giấu ẩn của nó.” Công Đồng Vatican I đã diễn tả rất hay khi tuyên bố: “Các mầu nhiệm thần linh trong chính bản chất của chúng thì vượt quá trí khôn thụ tạo đến nỗi ngay cả khi chúng được trao ban trong mạc khải và được đón nhận trong đức tin, thì chính đức tin ấy vẫn còn thấy chúng bị bao trùm trong một thứ mù mờ, bao lâu “chúng ta còn bị tách khỏi Thiên Chúa trong đời sống tạm này, vì chúng ta bước đi bằng đôi mắt đức tin chứ không bằng đôi mắt thường (2 Cr 5,6-7).” Đặc tính mầu nhiệm của mạc khải, tuy vậy, không giựt nó khỏi trí khôn tư duy, vì như Vatican I đã khẳng định trong đoạn văn ta vừa trích dẫn: “được soi sáng bởi đức tin, lý trí nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa đạt được một sự nhận hiểu nào đó, và đích thực là một sự nhận hiểu rất hữu ích” về những mầu nhiệm thần linh.



Những Ví Dụ Về Mạc Khải Kitô Giáo

Để minh họa sự phong phú của các biểu hiệu mạc khải, có thể đưa ra một số ví dụ. Biểu hiệu ánh sáng cho thấy điển hình về biểu hiệu thuộc vũ trụ hay thiên nhiên. Bằng loại suy, ánh sáng được gắn kết mật thiết với tri thức và mạc khải. Bàng bạc trong nhiều tôn giáo của thế giới, biểu hiệu ánh sáng chiếm vị trí trung tâm trong Bái hỏa giáo, trong Ngộ đạo thuyết (Gnosticism) và trong tân phái Platon. Nó nổi bật trong các tư liệu Qumran và trong rất nhiều phần thuộc Thánh Kinh. Đức Kitô, theo Gioan, tuyên bố Ngài là ánh sáng thế gian (Ga 8,12) và, theo Matthêu, gọi các môn đệ Ngài là ánh sáng thế gian (Mt 5,14). Thư thứ nhất Thánh Gioan còn khẳng định hơn thế nữa: Thiên Chúa là ánh sáng (1 Ga 1,5). Vì ánh sáng ngày xưa đến từ những thiên thể huyền bí trên trời, là một hiện tượng thần nhiệm – nhưng, như Macquarrie cho thấy, năng lực thần nhiệm ấy một cách nào đó đã được giải trừ bởi tri thức khoa học và bởi sự kiểm soát về phương diện kỹ thuật về ánh sáng mà con người hiện nay đã nắm được. Để tìm lại một cái gì đó thuộc năng lực hiện sinh của biểu hiệu này, Macquárrie đề nghị bổ sung ý niệm về “sự khai phóng” mà ông cho là tương ứng gần gũi với nó.

Một loại biểu hiệu thứ hai đặc biệt có tính lịch sử hơn. Một trong những biểu hiệu chính yếu của Kitô giáo – mà mọi người đều công nhận – đó là Thánh giá. Xét như một biểu hiệu tự nhiên, nó chất chứa những ý niệm về sự đương đầu, sự khủng hoảng, và sự chọn lựa, tựa như khi chúng ta nói đến những “ngã tư đường.” Nó cũng có nghĩa chỉ sự đụng chạm và sự đối lập, kèm với ý nghĩa về “tình trạng bị xóa bỏ.” Trong tư cách là một cây gỗ, Thánh giá là một gánh nặng để vác, như trong câu nói “vác thập giá mình.” Trong văn mạch các sách Tin mừng, nó có nghĩa là sự nhẫn nhục, sự vâng phục và sự chịu đựng gian nan vất vả. Theo khía cạnh là một dụng cụ của hình phạt, Thánh giá là một biểu hiệu của sự xét xử, của đau đớn và của cái chết. Trong trường hợp của Đức Giêsu, nó có nghĩa chỉ sự tùy thuộc hào hùng của Người đối với Thánh ý Chúa Cha và tình yêu vô hạn của Người đối với những kẻ tội lỗi như chúng ta. Nó cũng tượng trưng cho tình yêu của Chúa Cha trong việc trao phó Con của Ngài làm giá chuộc chúng ta. Từ một góc nhìn khác, nó cho thấy sự kinh khủng của tội lỗi con người và cao điểm của lịch sử phản loạn của con người chống lại Thiên Chúa. Vì được thấm đẫm máu Đức Giêsu, Thánh giá trở thành nơi chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Còn Thánh giá trơ trụi hoặc – Thánh giá làm nơi xuất phát của Đức Kitô thống trị thì chuyển thông ý nghĩa cuộc khải hoàn Phục Sinh. Đối với Constantin và những chiến sĩ Thập tự quân thì Thánh giá trở thành biểu tượng của chiến thắng. Đối với người Kitô hữu đã chịu phép Rửa, dấu Thánh giá diễn tả sự chấp nhận tinh thần môn đệ.

Phụng tự bí tích cho thấy loại biểu hiệu thứ ba: trong một đoạn văn cô đọng hàm súc, John Macquarie đã nói lên phần nào sự phong phú ý nghĩa của bí tích Thánh Thể xét như một biểu hiệu:

Phụng tự, kinh nghiệm và thần học Kitô giáo được thâu kết nơi Thánh lễ trong một sự phong phú kỳ diệu. Dường như bí tích này bao gồm mọi sự… Nó kết lợp Lời Chúa và bí tích, nó huy động tâm thần và cảm giác; nó hội nhập hy tế Canvê và sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh; nó là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với con người; nó bao quát toàn thể tâm tình và thái độ tôn giáo. Lại nữa, nó dạy về giáo lý sáng tạo – khi bánh, rượu và chính chúng ta được tiến dâng Thiên Chúa; nó dạy giáo lý về sự đền bù – vì những lễ vật này phải được bẻ ra để chúng có thể trở nên hoàn hảo; nó dạy giáo lý về sự cứu độ vì Thánh Lễ liên hệ đến việc  sát nhập và Đức Kitô và việc thánh hóa cuộc sống con người; nhất là nó dạy giáo lý về sự Nhập Thể, vì các Kitô hữu không phụng thờ một Thiên Chúa xa xăm nhưng là một Thiên Chúa Đấng tự làm cho mình trở nên có thể được tiếp cận bởi con người trên dương thế. Thánh Lễ cũng tập hợp nơi chính nó ý nghĩa của Giáo Hội, toàn thể hoạt động Thánh Lễ đều hàm chứa và đẩy mạnh mối tùy thuộc hỗ tương của chúng ta vào nhau trong Thân mình Đức Kitô; nó hợp nhất chúng ta với Giáo Hội quá khứ và thậm chí – qua những ý nghĩa vượt qua của nó – nó còn hợp nhất chúng ta với dân tộc đầu tiên của Chúa là Israel; và nó hướng đến chung cuộc của Nước Thiên Chúa – trong tư cách là một dự báo về bữa tiệc thiên quốc. Dù diễn tả bao quát như vậy, tôi vẫn dường như thấy còn thiếu sót một cái gì đó, bởi Thánh Lễ dường như là một cái gì không thể thấu triệt được.

Tất cả ba biểu hiệu được dùng làm ví dụ ở đây có thể được thấy là chứa đựng vô hạn những ý nghĩa tiềm tàng, nhiều ý nghĩa trong đó ăn khớp sâu xa với những khuôn thức ý thức của con người. Sẽ vô ích nếu lục tìm trong những biểu hiệu này một bài học hay một ý nghĩa sáng sủa nào đó. Bởi tại khả năng liên kết vô số những giả đoán khác biệt nhau và những cảm xúc nửa chừng, các biểu hiệu có một năng lực liên kết và hòa giải lớn hơn nhiều so với bất kỳ một tuyên bố rõ rệt nào.



Trở Lại Với Năm Mẫu Thức

Căn cứ vào những tương ứng đáng kể giữa các đặc tính của mạc khải và các đặc tính của sự thông truyền bằng biểu hiệu, chúng ta có cơ sở để kết luận ở đây rằng mạc khải và sự thông truyền bằng biểu hiệu có sự gắn kết mật thiết với nhau. Bây giờ chúng ta phải kiểm tra lý thuyết biểu hiệu bằng cách xem thử chúng có phục vụ như một công cụ biện chứng để củng cố những điểm mạnh và để vượt qua những điểm yếu rõ ràng nơi mỗi mẫu thức hay không. Tôi sẽ chứng tỏ rằng phương thức biểu hiệu, được hiểu đúng đắn, có thể hội nhập những gì là mạnh nơi năm mẫu thức và đồng thời điều chỉnh những sai lệch trong chúng. Những mẫu thức này, đến lượt chúng, có thể đóng góp cho lý thuyết biểu hiệu bằng cách minh giải xa hơn về những gì cần yếu để biểu hiệu trở thành mạc khải thực sự.



a) Mẫu Thức Xác Định

Đối với những thần học gia xem mạc khải có tính xác định thì phương thức biểu hiệu dường như gây nguy hiểm cho chân lý mạc khải. Sự nguy hiểm này hoàn toàn không huyễn hoặc. Có những nhà giản lược theo tư tưởng thực nghiệm, nối gót Auguste Comte, khẳng định rằng biểu hiệu chẳng là gì ngoài một cách thức mang lốt khác để nói về những thực tại vốn có thể được hiểu chính xác thông qua ngôn từ (có tính) ý niệm khách quan. Có những nhà chủ trương dụng cụ chủ nghĩa một cách thường nghiệm, như Richard Braithwaite, khẳng định rằng ngôn ngữ biểu hiệu của tôn giáo chẳng là gì ngoại trừ một chuyện thêu dệt hữu ích nhằm khơi gợi những thái độ đạo đức rõ ràng. Công cuộc nghiêm túc tìm kiếm chân lý, nơi mỗi lý thuyết này, sẽ đòi phải dứt bỏ ngôn ngữ biểu hiệu để nói trực tiếp về những thực tại mà các biểu hiệu ấy qui chiếu về.

Nhiều người theo mẫu thức xác định chủ trương đối kháng lại những người theo tư tưởng biểu hiệu về một trong những điểm chủ yếu mà Eliade và Langer đã nhấn mạnh là điểm hay của nó, đó là tính đa nghĩa của các biểu hiệu – Theo những nhà chủ trương xác định, mạc khải phải mở ra một chân lý rõ rệt nào đó, bằng không thì người ta không thể tin nó. Theo quan điểm của họ, tính biểu hiệu mãnh liệt của Thánh Kinh phải được chuyển dịch hoàn toàn thành những tuyên bố rạch ròi; ngược lại, nó sẽ không thể chuyển tải ý nghĩa gì rõ ràng. Gordon Clark, một nhà thần học duy Tin Mừng bảo thủ, đã dùng chính ví dụ về Thánh giá nói trên. Ông viết:

Cho rằng Thánh giá được chọn làm một biểu hiệu Kitô giáo, và giả như một diễn giả nào đó hoa mỹ rằng: Chúng ta hãy sống trong bóng Thập giá. Vậy ông ta có thể muốn nói gì? Thánh giá biểu hiệu cho cái gì? Biểu hiệu của tình yêu Thiên Chúa chăng? Hay là biểu hiệu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa? Hay (nó) biểu hiệu cho năng quyền Giáo Hội? Nếu không có những tuyên bố rõ ràng giấy trắng mực đen để cung cấp thông tin về cái mà Thánh giá ấy biểu hiệu, thì không thể trả lời cho những câu hỏi vừa nêu được.””

Những ghi nhận này làm bật lên rất rõ vấn đề về mối quan hệ giữa chân lý biểu hiệu và chân lý xác định. Tôi xác quyết rằng mỗi hình thức ngữ nghĩa ấy đều có khả năng chuyên chở ý nghĩa, được nhận thấy trong sự liên kết các yếu tố phụ thuộc nhờ hội nhập chúng lại. Trong ngôn từ xác định, sự liên kết này dễ hơn vừa bởi vì tính đặc thù của câu tuyên bố (chỉ bao quát một phạm vi giới hạn của thực tại) vừa bởi tính trừu tượng của nó. Biểu hiệu đạt được ý nghĩa hỗn hợp của những chi tiết khác nhau và xem ra bất tương ứng nhau nhờ một cố gắng của trí tưởng tượng, theo đó những năng lực liên kết tiềm mặc của chúng ta được đẩy lên tới một mức phi thường. Bằng sự tham dự có tính kích khởi, một biểu hiệu có thể chuyên chở một tri thức phong phú hơn và có tính cá vị hơn về thực tại so với ngôn ngữ xác định. Điểm đặc sắc của nó không phải là sự vắng mặt của ý nghĩa nhưng là sự tràn dư ý nghĩa. Nếu không nại đến biểu hiệu thì người ta có thể diễn tả được không những điều kỳ diệu của một cuộc sinh hạ em bé, những khủng khiếp trong một cuộc xâm chiếm của quân man di, hay sự êm đềm của một hoàng hôn tĩnh mịch? Phải chăng những đặc điểm ấy không thực bằng những gì có thể giản lược thành những con số cân đo đong đếm? Nếu thế giới của chúng ta là cái gì còn phong phú hơn những bảng thống kê và những trừu tượng tẻ lạnh, thì chúng ta cần có một ngôn ngữ có khả năng khơi gợi. Điều đó lại càng đúng hơn nữa nếu chúng ta muốn có được ý thức về siêu việt, là chuyên đề riêng của mạc khải. Dù hoàn toàn vượt quá mọi mô tả và định nghĩa, Thiên Chúa vẫn rất ư là thật. Những biến cố và ngôn ngữ biểu hiệu có thể thông truyền – dẫu một cách khiếm khuyết – một cái gì đó về sự thực của Thiên Chúa. Sự ngưỡng vọng đối với Thánh Kinh được thấy nơi các nhà duy Tin mừng như Clark nói chung dường như cho thấy khả năng của họ trong việc đánh giá tính biểu hiệu của Thánh Kinh.

Dĩ nhiên, một biểu hiệu có thể được trình bày bằng một ẩn dụ, một ẩn dụ có thể được chuyển dịch thành một tỉ dụ, và một tỉ dụ – trong một mức nào đó – có thể được diễn tả trong ngôn từ xác định. Như vậy cái ẩn dụ “Giêsu là chủ chăn tốt” có thể được trình bày lại: Đức Giêsu chăm sóc các môn đệ Người như một mục tử chăm sóc chiên mình, và rồi điều này lại có thể được giải thích như một hàm ý về sự bổ dưỡng “tâm linh,” sự lãnh đạo, sự bảo vệ khỏi các thù địch (những con “sói” người). Nhưng cách diễn tả xác định, trong mức độ mà nó đạt được sự rạch ròi mặt chữ, đã bỏ nhỡ những điều mà biểu hiệu có thể nắm hiểu được một cách mặc nhiên, nó bất toàn, và trong khi xé rời cái cô đọng hàm súc của biểu hiệu – nó làm mòn nhụt khả năng của nó. Như vậy, những xác định không phải là một sự thay thế tương đáng cho những biểu hiệu.

Sự giải thích xác định – rõ ràng không phải là cái gì vô dụng. Như chúng ta đã ghi nhận, các biểu hiệu luôn luôn đòi sự giải thích sao cho có thể làm sáng tỏ sự hàm hồ của chúng và sao cho tránh được sự méo mó. Giáo lý Kitô giáo đặt ra những giới hạn cần thiết cho những loại ý nghĩa khả dĩ được tìm thấy trong các biểu hiệu Kitô giáo. Nếu không có giáo lý thì chúng ta khó lòng tìm ra nơi Thánh giá Đức Kitô sự biểu lộ của ân sủng và ơn cứu độ thần linh. Nhưng, như ta sẽ thấy sau, giáo lý Kitô giáo không bao giờ duy mặt chữ (literal) đến nỗi nó không còn chia sẻ tính biểu hiệu. Giáo lý sống nhờ vào năng lực của những biểu hiệu mạc khải.

Chúng ta có thể chấp nhận với Braithwaite và những nhà dụng cụ chủ nghĩa rằng ngôn ngữ biểu hiệu của tôn giáo khuyến dụ một lối sống, thúc đẩy những sự dấn thân, khơi gợi lòng biết ơn, làm thấm nhiễm tâm tình thờ phượng. Nhưng cái nổi bật của biểu hiệu tôn giáo đó là nó đem lại, hay nhằm đem lại, tri thức về tôn giáo. Theo Wilbur Urban, đặc tính riêng biệt của “những biểu hiệu tri thức” thì “nằm ở sự kiện rằng chúng không chỉ tới cũng không dẫn tới mà là dẫn vào…, chúng là – hay ít ra được giả sử là – một phương tiện chuyển tải hay sự truyền thông tri thức.” Ngay cả khi người ta chấp nhận những chỉ dẫn đầy thực tiễn theo cách hiểu của Braithwaite thì cũng là mặc nhiên khẳng định rằng thực tại ấy là một điều tự nhiên đến nỗi những thái độ của họ là hoàn toàn có cơ sở. Các biểu hiệu tôn giáo, do đó, hàm chứa một cái gì đó về huấn lệnh thực sự. Theo cách nói của Ian Barbour: “Sẽ là vô lý việc đón nhận hay khuyến giục một lối sống nếu như người ta không tin rằng lối sống ấy là xứng hợp với vũ trụ tự nhiên. Những “hư cấu hữu ích” không còn là hữu ích nữa nếu người ta nhận ra rằng chúng là những hư cấu và cư xử chúng như “những dụ ngôn” mà chân lý hay sự sai lầm của nó được coi là xa vời thực tế.””

Nhờ nội dung trí thức tiềm tàng trong những biểu hiệu nguyên thủy, tính biểu hiệu mạc khải có thể không những “khơi gợi tư duy” mà còn định hình tư duy mà nó khơi gợi lên nữa. Thánh giá mạc khải cho Kitô hữu thấy những chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, cuộc Phục Sinh cho thấy một cái gì đó về quyền năng và lòng trung tín của Ngài. Những tuyên bố giáo lý của Thánh Kinh và của truyền thống Kitô giáo thì, bằng nhiều cách thế, có tính giao thoa với những biểu hiệu căn cơ. Kitô học phát triển dựa trên những danh hiệu đầy tính ẩn dụ được phong cho Đức Giêsu, và Giáo Hội học cổ điển suy tư dựa trên những hình ảnh Thánh Kinh về Giáo Hội.

Như vậy ảnh hưởng đi cả hai chiều. Giáo lý làm phong phú ý nghĩa của các biểu hiệu, như chúng ta đã đề cập đến sự diễn dịch của Kitô hữu về Thánh giá Đức Kitô. Trong khi tiến trình phát triển giáo lý tiếp tục, Giáo Hội kiểm tra những kiến nghị mới xuyên qua sự nắm bắt của Giáo Hội về toàn thể hệ thống biểu hiệu (gồm cả tính biểu hiệu của tín điều và phụng vụ), xuyên qua kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội về đời sống Kitô hữu, xuyên qua những tranh luận mô phạm, và xuyên qua sự giúp đỡ không ngừng của Chúa Thánh Thần. Trong những chương sau đây, chúng ta sẽ phải bàn nhiều hơn về sự phát triển của giáo lý.

Theo sự diễn dịch của các biểu hiệu thì điều quan trọng là tham dự vào cộng đoàn đức tin như đã được mô tả trước đây trong chương này. Luận điểm có tính loại suy của thần học rút được sức mạnh và sự vững chắc từ sự dấn mình tích cực của người phát ngôn vào trong thực tại mà các biểu hiệu qui chiếu tới. Khi chúng ta nói tới Thiên Chúa như người Cha, vị Chúa tể, Đấng Cứu chuộc… những ý niệm của chúng ta đã bị khuôn đúc bởi một mối tương quan hiện sinh thực sự – mối tương quan không thể được chuyên đề hóa một cách khả niệm nếu không có sự giúp đỡ của các biểu hiệu trong mạc khải. Những biểu hiệu xem ra hàm hồ và có vẻ dễ dàng bị diễn dịch sai lạc sẽ nhờ loại tương quan sống động này mà có được một chuẩn mực xác định ý nghĩa của chúng. Một số diễn dịch về các biểu hiệu xem chừng như là có thể trong giả đoán lại tỏ ra là không thể trong thực tiễn. Tin mừng vạch ra các yếu tố cần thiết để có được sự nhận hiểu đúng đắn các dụ ngôn của Đức Giêsu – một tâm hồn trong sạch, một đời sống ngay thẳng, ơn Chúa, sự kết hiệp với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, sự hướng dẫn của quyền bính, và sự nâng đỡ của cộng đoàn đức tin.

Với sự giải thích bổ sung này, sự thông truyền bằng biểu hiệu được thấy rõ ràng là không tước mất tính minh bạch và ổn định của mạc khải. Các biểu hiệu không phải là những con phỗng muốn kéo sao thì kéo. Người ta có thể tự đặt mình vào trong năng lực của chúng, hơn là uốn ép các biểu hiệu theo những mục đích riêng của mình. Các biểu hiệu Kitô giáo, được đón nhận trong khung toàn bộ bối cảnh của chúng, và được diễn dịch trong cộng đoàn đức tin sống động, đem lại những chỉ giáo chắc chắn cho tư tưởng và hành vi. Được diễn dịch dựa vào bối cảnh của các biểu hiệu và dựa vào đời sống Kitô hữu, một số công thức thuộc ý niệm có thể được đưa ra trong tư cách là có mang thẩm quyền của mạc khải.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương