Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


Mạc Khải Và Lịch Sử Cứu Độ Theo Cullmann



tải về 1.01 Mb.
trang7/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15

Mạc Khải Và Lịch Sử Cứu Độ Theo Cullmann

Oscar Cullmann – một trong số những nhà thần học Thánh Kinh xuất sắc của thế kỷ XX – chủ trương rằng giáo lý về mạc khải là một phương diện của điều mà ông gọi là “lịch sử cứu độ” – một từ ngữ lấy lại của J.C.K. von Hofmann (1810-77) và của trường phái Erlangen. Mạc khải Thánh Kinh là câu chuyện về cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa đối với dân Người tuyển chọn, làm thành một sứ điệp về ơn cứu độ phải được mang đến tận cùng trái đất. Khi đối thoại với những nhà thần học đương thời khác, Cullmann đã cố gắng minh giải bằng cách nào mà các biến cố cứu độ được nhận hiểu và được giải thích – và khi làm thế, ông đã thoáng cho thấy ý niệm về mạc khải xét như là lịch sử.

Cullmann phân biệt ba chặng trong tiến trình mạc khải: biến cố đơn thuần, được chứng kiến bởi người tin cũng như người không tin; sự khai mở cho nhà tiên tri thấy kế hoạch thần linh xuyên qua biến cố ấy; và sự kết hợp – trong trí hiểu của nhà tiên tri – giữa biến cố mới ấy và những mạc khải trước đó trong lịch sử cứu độ. Dường như Cullmann nhập nhằng giữa hai ý nghĩa của hạn từ “mạc khải.” Khi thì ông hiểu mạc khải là biến cố xảy ra cùng với sự giải thích có tính linh hứng về biến cố đó – hay đó là cả một chuỗi toàn bộ những biến cố cùng với toàn bộ sự giải thích về chúng. Lúc khác thì ông dùng hạn từ “mạc khải” một cách hẹp hơn để chỉ về sự sáng suốt được ban cho nhà tiên tri để nhận ra và giải thích một biến cố hay chuỗi biến cố được ban cho như là sự khai mở của thần linh. Cullmann xác tín rằng sự tuyển chọn và sự giải thích của Thánh Kinh về các biến cố được thực hiện nhờ “Thánh Thần hướng dẫn” và do đó được nhận là có tính thần linh.

Dù Cullmann nhận rằng – theo cách nói của con người – các biến cố đi trước sự giải thích, nhưng ông vẫn xem sự giải thích có tính thiết yếu. Ông phủ nhận chủ trương cho rằng những biến cố của lịch sử cứu độ tự giải thích cho chúng. Cũng như Temple, ông cho rằng các biến cố ấy chỉ bộc lộ được ý nghĩa siêu nhiên khi được người ta chiêm ngắm bằng nhãn giới đức tin. Đức tin – mà nhờ đó các biến cố ấy được giải thích – là cái gì không phải để được kiểm nghiệm bởi sử gia thuần túy; đức tin đó không dựa vào hình sử học nhưng là dựa vào mạc khải tiên tri. Những khẳng định trọng tâm của Cựu và Tân Ước – như Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và Đức Giêsu là Con Thiên Chúa – vẫn còn là những điều bí ẩn đối với sử gia. Vì thế, Thánh Kinh không phải là lịch sử thuần túy nhưng đúng hơn là “lời tiên tri được mạc khải về lịch sử.” Thánh Kinh là mạc khải không phải vì nó ghi lại chính xác lịch sử theo quan điểm con người nhưng vì nó tường thuật và giải thích những hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu như các tác giả Thánh Kinh có sử dụng đến thần thoại thì cũng nhằm phục vụ cho lịch sử cứu độ – để trình bày ý nghĩa của các biến cố lịch sử.

Các tác phẩm của Wright và Cullmann, cùng với những tác phẩm tương tự khác, đã tạo thành một xung đột lớn trong thần học mạc khải của cả Tin Lành và Công Giáo trong suốt thập niên 1950. Nhiều người đã gạt bỏ bộ khung siêu hình học kinh viện, hưởng ứng tiếng gọi trở về với những phạm trù đầy tính cụ thể, lịch sử và ngã vị của Thánh Kinh và của tinh thần Sêmit cổ đại. Chúng ta sẽ còn dịp để nói nhiều hơn về khuynh hướng “thần học Thánh Kinh.””

Một phương thức quân bình của Công Giáo, kết hợp nhiều quan điểm của Cullmann với những quan điểm khác rút từ truyền thống giáo phụ Hi lạp, đã được triển khai bởi Jean Daniélou. Trong tác phẩm nổi tiếng “Chúa Của Lịch Sử,” tác giả nầy đã viết như sau:

“ Như vậy bản chất của mạc khải Kitô giáo không nằm trong một nhận thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa (là nhận thức mà các tôn giáo khác cũng có), nhưng là nằm trong sự nhận hiểu về hoạt động của Người trong thời gian, về những sự can thiệp hữu hiệu của Người trong thế giới lịch sử loài người. Từ mầu nhiệm Sáng tạo đến mầu nhiệm Phục Sinh, do sự tuyển chọn tổ phụ chúng ta là Abraham, mạc khải Kitô giáo là một lịch sử thánh, là trình thuật về những công việc diệu kỳ của Thiên Chúa, một trình thuật có tính cách chứng từ: độc nhất giữa các sách thánh kinh, Thánh Kinh Kitô giáo không phải là một sưu tập giáo lý mà là một câu chuyện.””

Dựa vào quan niệm của Cullmann về Đức Kitô hiểu như trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, Daniélou đã bênh vực rằng lối chú giải theo phương pháp tiêu thức luận của các giáo phụ hilạp hài hòa với biện chứng Thánh Kinh về những lời tiên tri và sự ứng nghiệm và cùng chiều hướng với những giải thích Cựu Ứơc của các tác giả Tân ước. Xuất phát từ quan niệm Công Giáo về truyền thống, Daniélou – như ta sẽ thấy sau này – chủ trương khác hẳn Cullmann về mối tương quan giữa Giáo Hội và mạc khải.

Từ khi lý thuyết về lịch sử cứu độ đầu tiên bị trường phái Erlangen chất vấn, nó đã phải đương đầu với sự phê phán quá khích của một số trường phái hình sử học. Đầu thế kỷ XX, Ernst Troeltsch đã phản đối rằng lý thuyết nầy đã đặt tiên đề một cách võng đoán rằng cùng với lịch sử thường, còn có một dòng lịch sử thứ hai trong đó Thiên Chúa hoạt động một cách siêu nhiên. Lịch sử thứ hai nầy, theo Troeltsch, đã một cách vô lý tách khỏi những nghiên cứu của khoa phê bình lịch sử và được bảo vệ bằng sự chắc chắn của đức tin. Thế mà, những suy tư lịch sử hiện đại không cho phép tuyệt đối hóa bất cứ một phần đặc biệt nào của lịch sử và không cho phép tách rời nó ra khỏi mối quan hệ hữu cơ với phần còn lại. Troeltsch cho rằng lịch sử là một mạng lưới đan liền trong đó mỗi biến cố đều có mối liên kết hỗ tương với tất cả các biến cố khác. Triết lý của Troeltsch về lịch sử cho thấy có một nguồn chống đối ác liệt chống lại quan điểm siêu nhiên của một số lý thuyết gần đây về lịch sử cứu độ, chẳng hạn những lý thuyết của Wright và Cullmann.

Pannenberg: Mạc Khải Xét Như Lịch Sử

Vào giữa thế kỷ XX, Wolfhart Pannenberg cố thuyết phục về một cảm nhận thuần nhất có tính lịch sử về mạc khải, đã trách rằng trường phái về lịch sử cứu độ hồi thế kỷ XIX đã dừng lại ở nửa đường. Luận điểm của ông có tính thần học hơn của Troeltsch:

“ Quan niệm về một lịch sử cứu chuộc tách rời hẳn khỏi lịch sử thường – như trong quan điểm của Hofmann hay trong cách nghĩ của Barth về “lịch sử đệ nhất” – khó lòng được chấp nhận trong các cơ sở thần học, và sở dĩ như vậy trước hết bởi vì những giả định trước về lịch sử. Ý nghĩa đầy đủ của Mầu nhiệm Nhập Thể đó là công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa diễn ra bên trong những mối liên hệ hỗ tương phổ quát của lịch sử loài người, chứ không phải trong một “ghetto” nào đó của lịch sử cứu chuộc, cũng không phải trong một lịch sử đệ nhất thuộc về một chiều hướng “lệch” khỏi lịch sử thông thường (và chỉ giao hội với lịch sử thông thường ở giao điểm theo nghĩa thông thường của toán học, không hề mở rộng ra trên mặt phẳng bị cắt), nghĩa là – công cuộc cứu chuộc ấy không tiếp tục đóng khung trong những phạm trù ở trên bình diện lịch sử.””

Vì những lý do vừa nêu trên, Pannenberg cũng phàn nàn luận điểm của Cullmann rằng “một bổ sung, một giải thích thêm vào lại làm cốt lõi cho giá trị của một biến cố xét như một biến cố cứu độ và do đó làm cho một Heilsgeschichte vốn duy nhất trong phẩm chất phải tách rời khỏi lịch sử thế trần.””

Đối kháng với trường phái “lịch sử cứu độ,” Pannenberg chủ trương một sự đồng nhất chặt chẽ hơn nữa giữa mạc khải và lịch sử. Ông cho rằng mạc khải không nằm trong một mảng lịch sử đặc biệt nào đó nhưng đúng hơn nằm trong toàn bộ lịch sử – nghĩa là, lịch sử của toàn thể thế giới tiến về đích điểm hoàn thành của mình. Các biến cố mạc khải không phải tùy thuộc vào một loại (hình sử học) chuyên biệt nào đó mới tạo ra được ý nghĩa cứu chuộc của chúng. Theo Pannenberg thì các biến cố ấy tự giải thích cho chúng: chúng sinh ra ý nghĩa tự nơi chúng – và không cần phải được minh giải bằng một sự khai mở thêm có tính tiên tri. Khi các biến cố ấy – ông viết – “được nghiêm túc nhận hiểu bản chất của chúng – và được hiểu trong bối cảnh lịch sử của chúng, chúng sẽ lên tiếng bằng ngôn ngữ riêng của chúng – ngôn ngữ của những sự kiện.” Do đó chẳng cần một sự soi giọi đặc biệt nào để hiểu được chúng. Người ta có thể sử dụng lý trí của mình trong một cách thế hoàn toàn tự nhiên là đã đủ. Vì thế, đức tin không đi trước sự thừa nhận mạc khải, nhưng mạc khải – hiểu là sự tự biểu lộ của Thiên Chúa một cách công khai giữa lịch sử – làm phát sinh sự đáp trả của đức tin theo ý nghĩa là một niềm tin cậy phó thác sống động vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

Chủ trương rằng mạc khải không bao giờ xảy ra ngoài hình thức một cách gián tiếp qua các biến cố, Pannenberg không thừa nhận việc Thiên Chúa tự biểu lộ trực tiếp – dù là qua những sự kiện xuất thần hay qua những lời nói mạc khải. Dựa trên những kết quả nghiên cứu Thánh Kinh của các bạn đồng sự như Rolf Rendtorff và Ulrich Wilckens, Pannenberg khẳng quyết rằng sự tự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh luôn luôn xảy ra một cách gián tiếp. Toàn bộ hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử gián tiếp biểu lộ về chính Thiên Chúa.

Đối kháng lại các nhà thần học chủ trương mạc khải là lời nói, Pannenberg lập luận rằng lời của Thiên Chúa chỉ là mạc khải khi được hiểu như một phương diện của các biến cố mạc khải và được hiểu trong liên kết với các biến cố đó. Lời ấy có thể chỉ về một mạc khải tương lai; nó có thể hàm chứa một giả định trước về mạc khải; hoặc – cuối cùng – nó có thể công bố hay thuật lại một mạc khải, như chúng ta có thể thấy nơi Bài giảng tiên khởi trong Tân ước. Tuy nhiên, không có trường hợp nào trong những trường hợp đó mà khía cạnh “lời” của mạc khải bổ sung bất cứ cái gì từ bên ngoài vào cho mạc khải hiểu  là biến cố. Các biến cố lịch sử có một chiều kích ngôn ngữ, mà nếu gạt bỏ chiều kích ngôn ngữ này thì chúng sẽ thiếu ý nghĩa xác định. Trong chiều hướng này, Pannenberg cố gắng vượt qua sự lưỡng phân giữa biến cố và sự giải thích, giữa sự kiện lịch sử và sự chú giải bằng lời. Đối với ông, lịch sử chủ yếu là sự kết dệt các biến cố và các ý nghĩa trong lịch sử của các truyền thống, nó vẫn không ngừng được điều hợp trong quá trình chuyển đạt.

Người ta vẫn có thể tranh luận lại với Pannenberg rằng các biến cố không giữ vai trò trình bày sự thật về vị Thiên Chúa mà các Kitô hữu đặt để đức tin của mình. Pannenberg nhìn nhận rằng điều nầy đúng đối với các biến cố của lịch sử Israel, như cuộc Xuất hành và cuộc thôn tính đất Palestine. Nếu chỉ có vậy không hơn không kém thì Giavê, Thiên Chúa của Israel hẳn sẽ được xem như một trong số những vị thần của các thổ  dân mà người ta nghiên cứu trong lịch sử các tôn giáo. Vì thế mà trong Cựu Ứơc, chúng ta chỉ có một mạc khải lâm thời về Thiên Chúa – Đấng còn phải chứng minh thần tính trọn vẹn và quyền chủ tể phổ quát của mình. Điều nầy được Thiên Chúa làm nơi cuộc Phục sinh của Đức Giêsu – cuộc Phục sinh nầy với bối cảnh về sự mong chờ có tính tiên tri và khải huyền của nó (bối cảnh thực trong đó công cuộc của Đức Giêsu được thể hiện), không thể được giải thích thỏa đáng theo lý trí là mang  bất cứ ý nghĩa nào khác ngoài sự tiên báo về chung cuộc của thế giới. Do đó Pannenberg có thể khẳng định – đối ngược lại với quan niệm mạc khải có tính lịch sử của Troeltsch – rằng cuộc Phục sinh của Đức Giêsu có ý nghĩa phổ quát và không thể vượt qua được xét vì nơi Đức Giêsu sự biến đổi đầy vinh quang của vũ trụ đã khai mào trong lịch sử. Hegel đã đúng đắn một cách căn bản khi chủ trương rằng ý nghĩa của lịch sử vũ trụ không thể được nắm hiểu trừ phi hồi chung cuộc xảy ra. Tuy nhiên, mạc khải Kitô giáo cho ta biết về chính kết cuộc ấy qua sự tiên báo về nó nơi số phận của Đức Giêsu.



Tổng Lược

Con đường “biến cố lịch sử” để tiếp cận mạc khải có thể được tóm lược trong những cách trình bày về nội dung của mạc khải, hình thức của nó, sự đáp trả tiếng gọi của nó và mối quan hệ của nó với ơn cứu độ. Nội dụng của mạc khải là những công việc vĩ đại của Thiên Chúa trong lịch sử – những biến cố mà khi nhìn trong liên kết hỗ tương giữa chúng, chúng biểu lộ Thiên Chúa xét như là chủ tể và là đích điểm của lịch sử. Hình thức của mạc khải chủ yếu là hình thức của những công việc và những biến cố, nhất là những biến cố chớp đỉnh về cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu, chính trong ánh sáng của những biến cố này mà lịch sử mạc khải trước đó trong quan hệ của Thiên Chúa với Israel lập tức được củng cố và được giải thích lại. Thái độ đáp trả đúng đắn là niềm tín thác cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa là Đấng đã biểu hiện rõ ràng quyền năng, sự tốt lành và lòng trung tín của Ngài đối với những điều Ngài đoan hứa. Những ai đặt niềm tin cậy tuyệt đối vào hồng ân cứu độ của vị Thiên Chúa nầy sẽ không phải thất vọng.



Những Đóng Góp Của Mẫu Thức Lịch Sử

Mẫu thức lịch sử, như trình bày trong những trang vừa qua, có cả những vốn liếng lẫn những nợ nần. Về mặt tín nhiệm, chúng ta có thể ghi nhận những nét mà những người biện hộ cho mẫu thức này xem là góp phần làm cho mẫu thức này có sức thu hút hơn mẫu thức xác định. Nó có giá trị tôn giáo thực tiễn – theo đó, nhờ tính cụ thể tương đối của nó, nó đưa người tín hữu vào trong một mối quan hệ rõ nét hơn với Thiên Chúa. Cũng như người ta nói hành động là ngôn ngữ riêng của tình yêu, những hành động của Thiên Chúa biểu lộ tâm tư của Ngài mãnh liệt hơn là chỉ đơn thuần những lời nói – và có sức thúc đẩy một sự đáp trả sâu xa hơn nơi mỗi người. Trong những tình huống âu lo và xáo trộn, tiêu thức thần học này khích động người ta tín thác vào sự quan phòng săn sóc của Thiên Chúa.

Hai nữa, phương thức lịch sử đạt được một số luận điểm về Thánh Kinh đã bị coi nhẹ trong mẫu thức xác định. Các sách lịch sử và ngôn sứ của Cựu Ứơc, các bản văn khải huyền được xem như những giải thích của lịch sử, các sách Tin mừng, sách Tông Đồ Công vụ đều tập chú vào những công việc vĩ đại mà qua đó Thiên Chúa đã biểu lộ chính Ngài cho dân tộc Ngài tuyển chọn. Do đó, không ngạc nhiên gì việc ý niệm mạc khải xét như biến cố lịch sử đã nại đến nhiều học giả Thánh Kinh trổi vượt như Wright và Cullmann, Rolf Rendtorff, Klaus Koch và Ulrich Wilckens. Những thần học gia gắn bó với mẫu thức lịch sử đã vận dụng một cách hiệu quả một số loại thần học Thánh Kinh – và đến lượt mình, trở lại thúc đẩy các nhà thần học Thánh Kinh thực hiện những bước tiến bộ hơn trong qui phạm riêng của họ.

Ba là, mẫu thức lịch sử có tính hữu cơ hơn mẫu thức xác định. Những lý thuyết của mẫu thức “giáo lý” có khuynh hướng trình bày mạc khải như một cơ cấu của những xác định riêng biệt mà tất cả đều có giá trị đồng nhất là “những chân lý mạc khải.” Ngược lại, lý thuyết về “biến cố” hướng nhìn toàn khung của một lịch sử trong đó những giai đoạn kế tiếp nhau được nối kết vào nhau một cách linh động. Ý nghĩa của các biến cố này có thể được trình bày theo nhiều cách, tùy theo những góc nhìn và những hình thái suy tư của những nền văn hóa khác nhau – và bao giờ cũng phải được khái niệm lại. Tuy nhiên, tính uyển chuyển nầy không đưa đến chủ nghĩa tương đối. Các tín hữu dù ở thời đại nào và thuộc nền văn hóa nào cũng có thể tìm thấy căn tính của mình trong quan hệ với những biến cố mạc khải đã xảy ra một cách khách quan và đã mở ra một hướng giải thích mới. Như vậy lý thuyết này giữ gìn những gốc rễ của Giáo Hội trong quá khứ và giữ gìn liên tục tính của Giáo Hội đối chiếu với những nguồi cội của mình.

Cuối cùng, mẫu thức lịch sử ít có tính độc đoán hơn mẫu thức xác định và do đó có sức thuyết phục hơn đối với nhiều người thời nay. Người tín hữu không bị bảo phải tối mặt chấp nhận bất cứ tuyên bố nào xuất hiện trong Thánh Kinh, trong các kinh tin kính và trong các tín điều của Giáo Hội. Họ được cổ vũ kiểm nghiệm những giáo lý truyền thống dựa theo những biến cố mà những giáo lý nầy tường thuật và giải thích. Như vậy lý thuyết này tạo điều kiện cho một phương thức có tính phê phán một cách quân bình để tiếp cận các dữ kiện của mạc khải. Sự chấp nhận mạc khải được thấy không phải là một bước nhảy mù quáng nhưng là một hành vi vô cùng hợp lý. Đức tin theo Thánh Kinh có thể được lý trí chấp nhận theo mức độ mà nó cung ứngcho lịch sử một khả niệm tính mà triết học, không nại đến mạc khải, có thể vô tư tìm hiểu. Trong một thời đại thiên về cảm thức lịch sử, mạc khải có tính lịch sử có thể cống hiến một câu trả lời cho một cuộc tìm kiếm rộng rãi về ý nghĩa và mục đích trong lịch sử.

Phê Bình Mẫu Thức Lịch Sử

Chiếu theo những tiêu chuẩn mà chúng ta đã nêu ở chương thứ nhất, phải nói rằng mẫu thức lịch sử về mạc khải đã phơi bày một số yếu điểm, và dĩ nhiên không phải tất cả những yếu điểm này đều hiện diện như nhau trong mọi văn liệu thuộc phương thức “lịch sử.””

Sự khẳng định chung trong phương thức này rằng trong Thánh Kinh, mạc khải chủ yếu là biến cố và lời nói chỉ là thứ yếu là một khẳng định đã bị đặt vấn đề rộng rãi. Khá lâu trước cơn sốt mới đây về cách hiểu mạc khải qua các biến cố, Benjamin Warfield đã nhấn mạnh tính tiên quyết của lời so với biến cố. Ông chủ trương rằng Thánh Kinh không trình bày mạc khải như là một cái gì luôn luôn gắn liền với những hành vi cứu chuộc của Thiên Chúa để “cung ứng sự giải thích theo đó người ta có thể hiểu những hành vi ấy.”  Trong các hành vi ấy mạc khải chiếm một vai trò độc lập hơn thế nhiều – và mạc khải cũng thường đi trước để chuẩn bị cho các hành vi ấy không kém chi so với đi kèm theo hoặc đi sau để giải thích ý nghĩa của chúng.

Thừa nhận điều đó rồi, dĩ nhiên người ta vẫn còn có thể đặt dấu hỏi rằng phải chăng các lời tiên tri tự chúng là mạc khải hay là chúng chỉ giúp người ta chú ý đến mạc khải nơi hành động. Thánh Kinh trình bày Thiên Chúa liên lạc một cách tự do với con người và qua đó trao ban cho họ sự nhận thức về chính Ngài. Chẳng hạn, Thiên Chúa được trình bày nơi việc ngỏ lời với Aaron và Miriam: “Hãy nghe Lời Ta đây: Nếu có một tiên tri ở giữa các ngươi thì Ta – là Chúa – làm cho nó nhận biết Ta qua một thị kiến, Ta nói với nó trong một giấc mơ. Đối với tôi tớ Ta là Môsê thì không thế: đó là người được Ta phó thác cả nhà Ta. Ta nói với người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không mập mờ, và người được thấy dung mạo của Chúa” (Ds 12,6-8). Việc Thiên Chúa tự biểu lộ bằng những lời nói và thị kiến không phải là không có liên hệ với việc Ngài tự biểu lộ bằng hành động; nhưng dường như sẽ là võng đoán nếu đơn phương cho rằng những lời nói và thị kiến không quan trọng bằng hành động – như thể những lời nói và thị kiến không thể là mạc khải bằng tư cách riêng của chúng.

Nếu trong các sách tiên tri và lịch sử, lời của Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với những biến cố lịch sử – thì điều ấy không còn đúng như thế nữa trong trường hợp của văn chương khôn ngoan, và chính Wright đã nhận thấy đây là trường hợp gây khó khăn cho lý thuyết của ông. Trong những tác phẩm như Gióp, Giảng viên và sách Khôn ngoan của Salomon, lịch sử khó có thể được xem như phạm trù chủ lực. Sách Huấn ca đánh giá sự khôn ngoan như là một ân huệ thiêng liêng cao hơn cả ơn tiên tri (39,1) và vận dụng những từ ngữ về mạc khải cho sự khôn ngoan (39,6-8; cf 1,1-6).

Phải nhận rằng nhiều tư liệu Thánh Kinh về những hành động của Thiên Chúa chỉ có thể được gọi là lịch sử theo ý nghĩa rất rộng. Những câu chuyện như cuộc sáng tạo, trận hồng thủy và cuộc Xuất hành không thể hoàn toàn được xếp vào loại lịch sử theo cách hiểu phổ thông hiện nay. Ngay cả những bản văn lịch sử về các vua của Israel và về sứ vụ công khai của Đức Giêsu cũng được thấy quá nặng âm hưởng của giáo lý và sự tán tụng đến nỗi khó có thể được gọi một cách thích đáng là lịch sử theo nghĩa mô phạm hiện nay.

Một khó khăn nữa đặt ra với mẫu thức lịch sử đó là mẫu thức này tương đối ít đặt nền trên truyền thống thần học cổ xưa. Mẫu thức này có vẻ gắn liền với sự bùng nổ của “ý thức lịch sử” xét như một hệ quả của sự phát triển khoa hình sử học vào thế kỷ XIX, Barr đã nhấn mạnh sự khó khăn này khi ông viết:

Một thần học được tổ chức một cách quá cô lập xung quanh ý niệm về mạc khải qua lịch sử sẽ gặp phải khó khăn trong việc xây dựng tính liên tục và tính đồng nhất của mình – xét về phương diện này – ứng với những giai đoạn trước đây của Giáo Hội. Bởi vì rõ ràng là các tiền bối của chúng ta vẫn hiểu sâu sắc rằng đức tin Kitô giáo được gắn vào thực tại trần thế, trong không gian và thời gian, trong máu và thịt, dù các vị ấy không lấy “lịch sử” làm khung tổ chức thần học của mình.””

Đồng thời, Barr cũng nghi ngờ giá trị của mẫu thức lịch sử đối với cuộc đối thoại đại kết và đối thoại giữa các tôn giáo. Theo quan điểm của ông, các Giáo Hội chính thống Đông phương ít nhìn nhận tầm quan trọng của “lịch sử” xét như một phạm trù. Các tôn giáo lớn của Đông phương, theo ông nhận thấy, khó lòng chấp nhận ý niệm về mạc khải xuyên qua lịch sử. Trong nỗ lực xây dựng những mối giao hảo tốt đẹp hơn với các tôn giáo này, các Kitô hữu phải cảnh giác để tránh trường hợp lại rơi vào một dạng khác của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, một trường hợp rất có khả năng xảy ra nếu chứng cứ Thánh Kinh cứ tiếp tục được trình bày theo những cách suy tư hiện đang là thời thượng ở Phương Tây. Người ta có thể thêm vào lời bình luận đó của Barr rằng bản sắc Đông phương có thể giúp cho thần học Tây phương phục hồi lại một ý nghĩa về thường hằng và phổ quát và nhờ đó tránh cho ý niệm mạc khải khỏi bị chủ thuyết tương đối về lịch sử nuốt lấy.

Bây giờ chuyển sang các tiêu chuẩn khác, chúng ta phải tìm hiểu xem việc đồng hóa mạc khải với các biến cố lịch sử có đạt tiêu chuẩn phù hợp và nhất quán hay không. Trong một bài biên khảo của mình, Langdon Gilkey đã chất vấn rằng Wright và những người khác không hề dứt khoát một ý nghĩa rõ ràng nào cho cụm từ “hành động của Thiên Chúa,” mà đây là một từ chiếm vị trí thiết yếu trong các luận thuyết của họ. Không như những nhà thần học chính thống xa xưa, họ rõ ràng không tin rằng Thiên Chúa can thiệp vào để phá vỡ giòng nhân quả thường tình tự nhiên, thế nhưng họ vẫn tiếp tục bám giữ lấy những thuật ngữ Thánh Kinh là những thuật ngữ xem ra vốn được dùng để cho thấy kỳ thực Thiên Chúa có can thiệp như thế. Sau khi la toáng lên rằng các nhà thần học giải phóng đã bỏ qua yếu tố khách quan trong mạc khải, các thần học gia của mẫu thức “lịch sử cứu độ” đã chẳng làm gì hơn để cái ý niệm về những hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa khỏi bị rơi vào tình trạng của một cụm từ trống rỗng – không có một ý nghĩa chuyên biệt nào.

Sự phản kháng của Gilkey có một số áp lực chống lại những tác giả như Wright và Cullmann – là những tác giả không quan tâm về phương diện triết học, nhưng người ta không thể từ đó mà kết luận thẳng rằng ý niệm về mạc khải qua lịch sử – với những vai trò của nó trong thần học hiện đại – là một ý niệm không nhất quán. Trong số những tác giả mà chúng ta đã đề cập, Temple và Pannenberg đã cố công đưa ra một ý niệm triết học chuẩn xác về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Có thể nói tương tự như thế đối với trường hợp của những nhà thần học như Adolf Darlap và Karl Rahner – là những người đã triển khai một ý niệm chuyên biệt về lịch sử cứu độ trên cơ sở của triết siêu nghiệm. Gilkey đã cho thấy rằng ông chẳng dứt khoát gì cả về một trong hai ngả: “chính thống” hay “giải phóng.””

Còn Pannenberg thì cho rằng mạc khải chung qui dựa vào sự kiện Phục Sinh trong tư cách là chứng lý lịch sử chứ không phải là một nhận thức từ đức tin. Trong những nỗ lực để chứng minh điều này, ông đã thực hiện một cuộc phê bình rốt ráo về mặt văn chương và lịch sử đối với những chứng từ Thánh Kinh. Chẳng hạn, ông chú giải: “Những cuộc hiện ra được thuật lại trong các sách Tin mừng – đã không được Phaolô đề cập đến – có nhiều tính thần thoại đến nỗi người ta khó mà tìm thấy được một nhân tố lịch sử trong đó.” Thảo nào, những phê bình của Pannenberg đã để lộ ra sự bất mãn. Jiirgen Moltmann phản đối:

 “Luận điểm cho rằng biến cố sống lại của Đức Giêsu trên nguyên tắc phải được xác nhận về phương diện lịch sử trước hết đòi chúng ta phải thay đổi ý niệm về tính lịch sử sao cho có thể chấp nhận việc Thiên Chúa phục sinh kẻ chết và sao cho có thể thấy trước được chung cuộc của lịch sử qua việc Phục Sinh đó. Nhận rằng cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu là một sự thực mang tính lịch sử là đã giả định một ý niệm về lịch sử thấm đậm nỗi mong chờ một cuộc Phục Sinh phổ quát của kẻ chết hiểu như là điểm chung cuộc và hoàn thành của lịch sử. Như thế, sự Phục Sinh và ý niệm về lịch sử đã nằm trong một vòng luẩn quẩn đối với nhận thức.””

Đứng trên quan điểm thần học chủ trương mạc khải là lời của nhóm duy Tin mừng, Carl Henry đã phê phán Pannenberg: “Sự phê bình rốt ráo của ông về chứng từ Thánh Kinh – gồm cả việc phi bác cuộc sinh hạ trinh khiết của Đức Giêsu – đã tước mất cơ sở chắc chắn để nhìn nhận cuộc Phục Sinh có tính lịch sử.” Và từ một quan điểm nói chung là đồng cảm với Pannenberg, Carl Braten nhận định: “Việc phê bình theo chứng lý lịch sử mà các nhà thần học như Pannenberg và R.R. Niebuhr đưa ra dường như có ý nhằm để ổn định một mức độ cao về tính khách quan cái nhiên cho thần học, nhưng lại phải trả giá cao vì gây ra sự nghi ngờ triệt để về mặt chủ quan.””

Dưới sức ép của những phê bình như thế, Pannenberg có vẻ đã thay đổi quan điểm của mình, ít nhất là bằng cách thay đổi điểm nhấn mạnh. Sự kiện Phục Sinh đã xảy ra, nhưng cuộc chuyển biến cánh chung của thế giới vẫn chưa tới. Trong lịch sử, chúng ta chỉ có được những kim chỉ nam về cuộc Phục Sinh. Pannenberg viết: “Chỉ trong liên kết với điểm chung cuộc đang đến của thế giới thì điều đã xảy ra nơi Đức Giêsu qua việc Ngài sống lại từ cõi chết mới có thể đạt được và duy trì được tính chất mạc khải đối với chúng ta.” Đối với chúng ta, cũng như đối với những người sống trước lễ Phục Sinh đầu tiên, chân trời của niềm mong đợi cánh chung là một lời hứa phải được đón nhận trong niềm trông cậy. Nếu sự hứa hẹn chỉ là dự báo của mạc khải – như Pannenberg nhiều khi khẳng định – thì xem chừng cho tới khi nào lịch sử chưa hết thì chúng ta vẫn còn mù tịt về bản thân mạc khải. Chính khi mà Đức Giêsu trở nên sự hoàn thành lời hứa ấy, Người vượt quá những giới hạn của lịch sử, và chỉ có thể được người ta đạt thấu được qua các dấu chỉ và các lời chứng. Để kiện toàn lý thuyết của mình về mạc khải, xem chừng như Pannenberg phải dành nhiều quan tâm đặc biệt hơn đối với thần học về các dấu chỉ, về lời chứng và về đức tin.

Temple và nhiều thần học gia theo quan điểm “lịch sử cứu độ,” trong khi khẳng quyết rằng các biến cố có vai trò tiên quyết trong mạc khải, vẫn nhận thấy rằng các biến cố không tự giải thích cho mình, ngay cả dù trong bối cảnh, nhưng phải được giải thích bởi một lời tiên tri là kết quả của một sự soi sáng đặc biệt của thần linh. Nếu điều này đúng thì rõ ràng không còn lý do để gán vai trò đệ nhất cho các biến cố. Chẳng hay hơn sao nếu nói rằng mạc khải là một thực tại phức hợp bao gồm lời được linh hứng như yếu tố mô thể và biến cố lịch sử như yếu tố chất thể? Đây là lập trường của nhiều nhà thần học Công Giáo hiện đại, và xem ra được Công Đồng Vatican II đánh giá cao – như có thể thấy trong Hiến chế Mạc Khải:

Kế hoạch mạc khải này được nhận ra qua những hành động và lời nói có một mối thống nhất bên trong: những hành động mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố giáo huấn và những thực tại được trình bày do lời nói, ngược lại những lời nói công bố các hành động và minh giải mầu nhiệm ẩn chứa trong hành động.””

Trong lý thuyết hỗn hợp được đề ra ở đây thì cả lời nói lẫn biến cố đều không phải là mạc khải nếu tách biệt khỏi phần kia. Mối tương quan giữa hai yếu tố này có thể được hiểu chỉ có tính ngoại thuộc, dù mỗi yếu tố đều cần thiết để đáp ứng cho một khiếm khuyết của yếu tố kia – hoặc về tính khả tín hoặc về tính minh bạch. Dù vậy, theo công đồng, hai yếu tố vẫn có một “mối thống nhất bên trong.””

Ngay cả về phương diện triết học, một thế nhị phân cực đoan nào đó cũng phải được giải tỏa. Bất cứ khi nào người ta thực hiện một hành động thì luôn có nghĩa rằng một ý nghĩa đã được trình bày, và do đó hành động ấy đã mang đặc điểm của một lời nói. Và bất cứ khi nào một người nói hay viết thì thân thể đã được huy động và một xung lực đã được tạo ra trên thế giới này. Như vậy lời nói và hành động có mặt trong nhau. “Lời nói một trật vừa là một triển khai của trí năng vừa là một hiện tượng động.””

Trong trường hợp mạc khải thần linh, lời của Thiên Chúa không bao giờ là lời trống rỗng. Lời Thiên Chúa là một năng lực sáng tạo làm cho sự vật được hiện hữu. Mọi hành động của Thiên Chúa, khi thể hiện chủ ý thần linh, đều mang dáng dấp của lời nói cũng như của việc làm. Điều này gần như hoàn toàn đúng đối với hành động trong đó Thiên Chúa tự phô bày chính mình giữa thế gian như một con người: Sự kiện Nhập Thể. Cách nói của Gioan: “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (Ga 1,14) diễn tả đặc tính lời của biến cố đó. Và một tuyên bố khác rằng các môn đệ đã nghe, đã thấy và đã sờ mó được “lời hằng sống” (1Ga 1,1) cho thấy đặc tính biến cố của lời.

Tất cả mạc khải, vì có hai chiều kích khả niệm và bao quát, nên vừa là sự biểu lộ vừa là sự kiện toàn. Từ ngữ “dabar” trong tiếng do thái – vừa có nghĩa là lời vừa có nghĩa là biến cố – gợi cho thấy tính lưỡng diện này. Nhờ mối liên hệ nội tại hỗ tương giữa hai chiều kích ấy mà mạc khải có được một cơ cấu linh thánh, như chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn khi chuyển sang các khía cạnh biểu hiệu của mạc khải trong phần hệ thống của tác phẩm này.
Previous 5

Next 5


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương