Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức


/ Mạc khải xét như là giáo lý



tải về 1.01 Mb.
trang4/15
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.01 Mb.
#13530
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

1/ Mạc khải xét như là giáo lý: Theo lối nhìn này thì mạc khải chủ yếu được tìm thấy trong những mệnh đề tuyên bố rõ ràng được gán cho Thiên Chúa như vị thầy dạy có thẩm quyền. Đối với những người Tin Lành chấp nhận lối nhìn này thì mạc khải nói chung được đồng hóa với Thánh Kinh – hiểu là một bộ sưu tập những giáo huấn được linh hứng và không thể sai lầm. Còn đối với những đại biểu Công Giáo của lối nhìn này thì mạc khải được tìm thấy – ít nhất là hầu như có thể nhất trí – nơi giáo huấn chính thức của Giáo Hội hiểu như một cơ quan tiếp vận bất khả ngộ của Thiên Chúa. Chân lý của giáo huấn này được hiểu là có thể được nhận ra nhờ những dấu hiệu bên ngoài (những phép lạ và những gì tương tự); nhưng có một số người thuộc quan điểm này, cả Tin Lành và Công Giáo, chủ trương rằng ân sủng bên trong là điều kiện tiên quyết không chỉ đối với sự đáp trả của đức tin mà cả đối với việc nhận hiểu sức mạnh của chứng cứ.

2/ Mạc khải xét như là lịch sử: Lý thuyết này – được đưa ra nhằm chống lại lý thuyết nói trên – khẳng định rằng Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài chủ yếu là bằng những hành động vĩ đại của Ngài, nhất là những hành động hình thành những chủ đề chính của lịch sử Thánh Kinh. Thánh Kinh và giáo huấn chính thức của Giáo Hội được nhìn nhận là chuyên chở mạc khải chỉ trong mức độ chúng là những trình thuật đáng tin cậy về những gì Thiên Chúa đã làm. Mặc dù một số người thuộc quan điểm này xem Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội là mạc khải theo một ý nghĩa dẫn xuất, đa số vẫn thiên về cách hiểu Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội là những dấu chứng của mạc khải hơn.

3/ Mạc khải xét như kinh nghiệm nội tâm: Đối với một số nhà thần học hiện đại, cả Tin Lành và Công Giáo, thì mạc khải không phải là một cơ cấu vô ngã của các chân lý khách quan cũng không phải là một loạt những biến cố có tính lịch sử và ngoại tại. Đúng hơn đó là một kinh nghiệm có tính đặc hưởng và thuộc về nội tâm trong đó người ta cảm nghiệm được ân sủng hay sự thông hiệp với Thiên Chúa. Mặc dù sự cảm nghiệm về thần linh ở đây được hiểu là có tính trực tiếp đối với mỗi cá nhân, một số người thuộc quan điểm này chủ trương rằng kinh nghiệm về ân sủng tùy thuộc vào sự trung gian của Đức Kitô – Đấng đã kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa Cha bằng một cách thế độc đáo và mẫu mực.

4/ Mạc khải xét như sự hiện diện có tính biện chứng: Một số nhà thần học ở châu Âu, nhất là trong những năm sau thế chiến thứ I, đã phi bác cả thuyết khách quan của hai tiêu thức đầu và thuyết chủ quan của tiêu thức thứ ba trên đây về thần học mạc khải. Những người này khẳng định rằng Thiên Chúa không bao giờ có thể là một đối tượng được tri thức hoặc bằng sự suy diễn từ thiên nhiên hay lịch sử, hoặc bằng những giáo huấn xác định, hoặc bằng sự cảm nghiệm trực tiếp về một cái gì thần bí. Là Đấng hoàn toàn siêu việt, Thiên Chúa gặp gỡ chủ thể nhân loại khi nó làm hài lòng Ngài bằng việc xác tín sự hiện diện của Ngài trong một lời nói. Lời của Thiên Chúa cùng một trật vừa biểu lộ vừa che giấu sự hiện diện thần linh.

5/ Mạc khải xét như là nhận thức mới: Đặc biệt từ giữa thế kỷ XX, càng ngày càng có nhiều nhà thần học cảm thấy rằng những lý thuyết đã được phổ biến về mạc khải có tính quá độc đoán, và lý thuyết về “sự kinh nghiệm nội tâm” có tham vọng điều chỉnh tình hình này thì lại quá nặng chủ nghĩa cá nhân và quá siêu thoát. Những nhà thần học này chủ trương rằng mạc khải xảy ra như một sự trương nở của ý thức hoặc như một chuyển đổi của cách nhìn khi người ta đứng vào những phong trào của lịch sử thế trần. Họ cho Thiên Chúa không phải là một đối tượng trực tiếp của kinh nghiệm nhưng Ngài hiện diện một cách mầu nhiệm xét như là chiều kích siêu việt của trách vụ con người trong công việc sáng tạo. Các quan điểm trên đây định vị thời điểm quyết định của mạc khải một cách khác hẳn nhau. Đối với tiêu thức “giáo lý” thì thời điểm quyết định đó là lúc mà giáo huấn mặc lấy hình thức của những ý niệm rõ ràng. Theo tiêu thức “lịch sử” thì đó là lúc xảy ra một biến cố lịch sử qua đó Thiên Chúa cho biết những chủ ý của Người. Tiêu thức “kinh nghiệm nội tâm” xác định đó là lúc mà người ta có một cảm nghiệm nội giới và trực tiếp về sự hiện diện thần linh. Tiêu thức “biện chứng” cho rằng yếu tố quyết định là sự ngỏ lời của Thiên Chúa được thể hiện bằng năng lực thần linh. Còn đối với tiêu thức “nhận thức mới” thì thời điểm quyết định là lúc mà trí tưởng tượng của con người được phấn khích để cơ cấu lại kinh nghiệm trong một bộ khung mới mẻ.

Dù những tiêu thức nói trên không thể dám mạo nhận là bao quát được mọi quan điểm thần học thực có hoặc có thể có, thì chí ít – theo ý kiến của tôi – chúng cũng vạch ra được những vấn đề chính yếu đang tranh cãi trong thần học mạc khải hiện nay. Bằng cách nghiên cứu những khuynh hướng này, người ta có thể nắm bắt được tư tưởng thần học hiện nay đủ để kiểm soát được bất cứ đề án nào đưa ra đối ứng với một loạt những quan điểm (khả dĩ thế chỗ cho nhau). Nếu đề án đưa ra ấy không thể được hậu thuẫn bởi một số trong những trường phái nói trên và không thể đương đầu với những đối kháng do những trường phái kia – thì nó không thể được xem là đáng tin cậy.

Phương pháp tiêu thức luận được đề ra ở đây không dựa trên giả định rằng mỗi nhà thần học đương đại đều có thể dễ dàng nhốt cũi trong một và chỉ một trong 5 tiêu thức ấy. Một số nhà thần học có tầm cỡ nhất hiện nay đã phát triển những quan điểm có nhiều sắc thái riêng không cho phép ta dễ dàng qui loại được. Những người khác thì kết hợp những yếu tố của hai hay hơn hai tiêu thức khác nhau. Chẳng hạn, người ta có thể chủ trương mạc khải được khởi thủy ban cho trong những kinh nghiệm xuất thần hoặc trong những biến cố lịch sử, nhưng rồi sau đó nó được chuyên chở trong những mệnh đề được linh hứng – tức hình thức mà qua đó những người đi sau có thể có được mạc khải. Hoặc như không ít người chủ trương rằng không bao giờ có được mạc khải trừ khi có một kết hợp của những biến cố bên ngoài với những lời giải thích các biến cố đó. Muốn hiểu những quan điểm lai tạp như thế, có lẽ ta nên bắt đầu nghiên cứu trước hết những quan điểm đơn loại.

Năm tiêu thức ở đây – được hữu ý đặt cơ sở trên những thần học (về) mạc khải gần đây của Tin Lành và Công Giáo ở châu Âu và châu Mỹ – không có tính bao quát toàn diện. Nếu như tác phẩm này được viết vào năm 1900, rất có thể nó đã phải dành sự chú ý nhiều hơn đối với thần học mạc khải theo chiều hướng đạo đức học – là đặc nét của những người Tin Lành theo khuynh hướng giải phóng. Vào thời điểm đó rất có thể không có chuyện đưa ra mẫu thức “biện chứng” như được đề cập ở trên. Người ta có thể có lý để phỏng đoán rằng 50 năm nữa thì tiêu thức luận đề ra ở đây sẽ cần phải được sửa đổi theo những cách thế mà bây giờ không thể tiên đoán được. Mặc dù những tiêu thức này – trong một mức độ nào đó – phản ảnh những đặc điểm thường hằng mang tính nhân loại học, chúng cũng tùy thuộc vào những khuynh hướng lịch sử đặc biệt, và do đó chúng bị điều kiện hóa bởi văn hóa. Một tiêu thức luận vượt thời gian – đặt trên những cơ cấu bất biến về Thiên Chúa, về vũ trụ và lịch sử – có lẽ là một cái gì không thể có được; vì người ta không nhất trí với nhau cái gì đích thực là bất biến. Và cho dẫu có thể đạt được thì một tiêu thức luận vượt thời gian như thế sẽ quá xa cách với những đề án thần học đang có mặt – nghĩa là, tiêu thức luận đó sẽ không phục vụ được cho những mục tiêu cụ thể của chúng ta.

Trong số những khuynh hướng thần học đang triển khai hiện nay, thần học giải phóng có rất nhiều khả năng để trình bày một thần học riêng biệt về mạc khải. Một số tham chiếu đến thần học giải phóng trong các chương sau đây sẽ có thể được xếp dưới đề mục của mẫu thức thứ 5. Nhưng có chứng cứ cho thấy rằng tính chất khiêu khích và tính thực tiễn của thần học này sẽ làm cho nó trở nên phân biệt rõ hơn đối với chủ nghĩa nhân bản tiến hóa theo chiều hướng cởi mở – là đặc điểm của nhiều nhà thần học thuộc 5 tiêu thức mà chúng ta đưa ra. Thần học giải phóng là một hiện tượng rộng khắp và rời rạc – nó bao gồm thần học châu Mỹ Latinh, thần học Á châu, thần học Phi châu, thần học Phụ nữ, thần học Thổ dân Mỹ châu, thần học Mỹ gốc Tây Ban Nha, thần học Da Đen và những thần học về Sinh thái khác. Chung chung như Matthew Lamb nói, những thần học này là “một lưu tâm đặc biệt đến các nạn nhân của sự bất công tràn lan hiện nay.” Cho tới nay chưa thấy những nhà thần học này xây dựng một thần học hệ thống về mạc khải, mặc dù họ đã có những đóng góp quan trọng cho thần học đức tin và thần học chú giải. Họ dường như giả định rằng Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài một các ưu tiên nhất khi người tín hữu đồng cảm với những nạn nhân của “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thiên vị giới tính, chủ nghĩa phân biệt giai cấp, chủ nghĩa quân sự quá khích và những sự phá hoại môi trường” và khi họ dấn thân vào cuộc đấu tranh để cải tạo những cơ cấu xã hội đang phục vụ cho những sự dữ ấy.

Các Tiêu Thức Ấy Xét Như Là Những Mẫu Thức

Khi xây dựng các tiêu thức dựa trên các quan điểm đã được trình bày của riêng mỗi nhà thần học là người ta đang đi từ cái đặc thù đến cái phổ quát, từ cụ thể đến trừu tượng, từ hiện thực đến ý niệm. Tiêu thức không tương ứng một cách chính xác với tư tưởng của các nhà thần học mà nó bao hàm. Vì một lý do là tiêu thức đã được đơn giản hóa: nó bỏ qua nhiều đặc điểm và nhiều chi tiết riêng của các nhà thần học. Lý do thứ hai, tiêu thức có tính lược đồ: nó tiêu biểu cho một quan điểm nguyên sơ hay một dạng tư duy mà từ đó mỗi nhà thần học có thể tách nhánh ra ở một số điểm, đặc biệt nếu người ta để ý đến toàn bộ kết quả của riêng nhà thần học đó sau một số năm.

Xét như là một dạng tư duy, tiêu thức có thể được gọi là mẫu thức. Nghĩa là, đó là một dạng được xây dựng một cách nhân tạo và có tính tương đối đơn giản – được thấy là hữu ích và có thể soi giọi cho những thực tại phức tạp và đặc thù hơn. Một mẫu thức thần học một cách nào đó có thể ví như một hình nhân của người thợ may – hình nhân này thể hiện một người đàn ông hay một phụ nữ với tầm vóc hơn kém mức trung bình, cộng tác vào việc sản xuất ra những bộ quần áo. Nhưng những quần áo này, khi được đưa ra thị trường, sẽ được nhận ra là không hoàn toàn vừa vặn như những quần áo mà người ta đặt may riêng. Chúng thường phải được gia công lại cho đúng kích thước và hợp với sở thích riêng của người sử dụng – người này có thể là cao hay lùn, to con hay mảnh khảnh so với mẫu tiêu chuẩn. 5 tiêu thức của thần học mạc khải tượng trưng cho 5 kiểu đặc điểm hóa các nhà thần học bằng một cách thức có tính khái lược và gần đúng. Khi sử dụng các tiêu thức này làm những điểm qui chiếu là người ta đang xem chúng như những mẫu thức nhờ đó họ có thể cùng một trật tìm hiểu một số lượng không hạn định các nhà thần học khác nhau.

Dù có những giới hạn của mình, một tiêu thức luận như vậy cũng chứng tỏ những ích lợi to lớn của nó. Được hiểu như một đơn vị, mỗi tiêu thức có thể dễ dàng được nắm bắt một cách bao quát, bằng một cách thức mà các chi tiết có thể tự động phối trí. Điều này không chỉ đúng đối với tư tưởng của một nhà thần học riêng lẻ, nhưng cũng đúng cho tất cả các thành viên của nhóm trong mức độ mà họ phù hợp với mẫu thức của nhóm. Nhưng cần có nhiều thận trọng khi chuyển từ việc đánh giá một quan điểm thuộc tiêu thức sang việc đánh giá một con người cụ thể – bởi vì có thể việc xếp người ấy vào tiêu thức là không thật chính xác, hoặc tiêu thức mà ta đã xếp người ấy vào là không phù hợp, bởi tính toát lược của nó. Những tiêu thức luận có tính bao quát rộng rãi được dùng trong tác phẩm này có thể không giúp được gì cho độc giả trong việc nghiên cứu chuyên biệt hơn, tuy vậy chúng vẫn có thể tích cực giúp mở ra những vấn đề và những phương án.

5 tiêu thức của chúng tôi, vì thế, là những mẫu thức hiểu theo nghĩa là những nguyên điển hình khái lược của thần học mạc khải. Nhưng còn một lý do nữa cho phép chúng được gọi là những mẫu thức: Tại tâm điểm của mỗi tiêu thức đều có một mẫu thức lý thuyết về chính mạc khải. Một mẫu thức sẽ giải thích – và trong một mức độ nào đó sẽ qui định – những luận đề riêng của những nhà thần học dựa vào nó.

Ý niệm về mẫu thức lý thuyết có thể được khai quang nhờ sự đóng góp của Ian Barbour, một tác giả đã được đào tạo cả về vật lý học lẫn về thần học. Ông khẳng định một mẫu thức là một “hình ảnh hữu cơ” cung ứng một đặc nét riêng, giúp cho người ta nhận ra và diễn dịch một số khía cạnh thuộc kinh nghiệm. Phải phân biệt sự khác nhau giữa những mẫu thức thí nghiệm – là những mẫu thức có thể thực sự được xây dựng và sử dụng trong một phòng thí nghiệm – với những mẫu thức lý thuyết là những mẫu thức được nghĩ ra nhờ trí tưởng tượng sáng tạo, chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi, và được dùng để triển khai các lý thuyết. Các mẫu thức khí nghiệm có thể hoặc là những mẫu thức tiêu chuẩn – để sản xuất ra cùng những nét cấu trúc như thấy ở nguyên mẫu, hoặc là những mẫu thức ứng dụng – không nhằm bắt các thực tại phải rập theo chúng một cách cụ thể. Những mẫu thức lý thuyết giống với mẫu thức ứng dụng nhiều hơn là với mẫu thức tiêu chuẩn, vì chúng không nhằm cung ứng một bức tranh rõ từng nét về thực tại đang được khảo sát. Chúng là “những cơ cấu tưởng tượng trong tâm trí được lập ra để giải thích những hiện tượng mà người ta quan sát thấy” – và được dùng để “phát triển một lý thuyết có khả năng – theo một ý nghĩa nào đó – giải thích các hiện tượng.” Mỗi mẫu thức gợi ra một đường lối khả dụng và phù hợp để suy tư về một mảng các vấn đề nào đó, nhưng nó không hề đảm bảo cho tính vững vàng của những giả thuyết mà nó đề ra. Nếu một mẫu thức nào đó được nhiều nhà tư tưởng có uy tín đánh giá là có thể theo được thì những giả thuyết mà nó đề ra có thể hòa hợp với một điều hiển nhiên nào đó theo họ nghĩ, nhưng mọi giả thuyết như thế rồi cũng phải được đánh giá bằng các phương pháp và các tiêu chuẩn thích hợp với qui phạm mà nó thuộc về.

Những mẫu thức lý thuyết cung ứng “những phương thức giới hạn và bất tương ứng để người ta hình dung những gì không thể quan sát được.” Sự kiện chúng không tiêu biểu cho thực tại một cách sát nét và bao quát không làm cho chúng mất giá trị tri thức. Trái lại, Barbour lập luận một cách thuyết phục rằng những mẫu thức lý thuyết đem lại sự nhận thức tuy hạn chế nhưng vững chắc về chính thực tại.

Vai trò của các mẫu thức thần học đối với tôn giáo cũng giống như – một cách loại suy – vai trò của các mẫu thức lý thuyết đối với khoa học. Mục đích của chúng không phải là trình bày những bản sao đúng thực về Thiên Chúa hay về hoạt động thần linh, nhưng là gợi ra những phương cách giải thích những dữ kiện thời sự của thần học, và để giải thích tới nơi tới chốn những gì người Kitô hữu tin tưởng theo một động cơ nào đó của đức tin. Tính khả niệm của các mầu nhiệm mạc khải tùy thuộc vào những mối liên kết giữa chúng với nhau và tùy thuộc vào những tương đồng giữa chúng và những gì chúng ta biết được mà không nhờ đến đức tin. Giống như các mẫu thức lý thuyết trong khoa học, các mẫu thức thần học không thể chứng minh cho chân lý mà chúng gợi ra, nhưng chúng giúp đặt ra những giả thuyết mà sau đó được kiểm nghiệm bằng các tiêu chuẩn thần học – bao gồm những tiêu chuẩn cho thần học căn bản đã được trình bày ở chương I.

Nếu chúng ta không phản đối ý kiến đã được chấp nhận rộng rãi rằng thần học là một cố gắng để đạt được một số hiểu biết hạn chế về những mầu nhiệm đức tin, chúng ta sẽ dễ nhìn nhận rằng không có mẫu thức thần học nào có thể dẫn dắt người ta đến một sự nhận hiểu toàn bộ về chủ đề chính của nó. Đúng hơn – các hệ thống thần học, với sự giúp đỡ của các mẫu thức lý thuyết, soi giọi một số khía cạnh của một thực tại quá phức tạp và cao vượt đối với sức hiểu biết của con người. Một hệ thống được đưa ra, dù đúng trong những gì mà nó khẳng định, cũng sẽ đương nhiên là chưa thấu triệt được mầu nhiệm về hữu thể thần linh hay về hoạt động thần linh. Truyền thống thần học cổ điển, với học thuyết về sự loại suy của mình, đã khẳng định một cách đúng đắn quan điểm này. Mạc khải, xét như là một mầu nhiệm thần linh, vượt trên tất cả những gì mà thần học có thể nói về nó.

Nếu mọi hệ thống thần học đều dựa trên những mẫu thức lý thuyết bất tương ứng, thì cũng phải nói như thế về 5 tiêu thức thần học mạc khải của chúng ta. Những điểm dị biệt của chúng có thể một phần vì sự kiện rằng chúng lấy khởi điểm từ những phương diện khác nhau của tri thức nhân loại và sử dụng những cách loại suy khác nhau. Nói rõ hơn:

- Trong mẫu thức “giáo lý,” mạc khải được hiểu do loại suy từ giáo huấn có thẩm quyền. Thiên Chúa được hiểu như một thầy dạy bất khả ngộ, truyền đạt kiến thức bằng lời nói và chữ viết. Những người thụ lĩnh tức những học trò, được kỳ vọng phải ngoan ngoãn chú ý.

- Trong mẫu thức “lịch sử,” mạc khải được mô tả như một loạt những biến cố lịch sử, trao cho cộng đoàn những người tin chân tướng của nó. Thiên Chúa được trình bày như một nguyên động lực siêu việt tạo ra những biến cố mạc khải và qua đó trao những dấu hiệu cho dân Người. Công việc của dân Người là biện biệt và giải thích những dấu hiệu được trao cho mình trong lịch sử cứu độ.

- Trong mẫu thức “kinh nghiệm,” mạc khải được giải thích trên cơ sở một kinh nghiệm trực tiếp trong nội tâm. Thiên Chúa được hiểu như vị khách thần linh, vị khách của linh hồn. Ngài truyền đạt bằng sự hiện diện của Người – và trước sự hiện diện đó, người thụ lĩnh phải mở lòng ra với đầy tâm tình cầu nguyện.

- Trong mẫu thức “biện chứng,” mạc khải xảy ra xuyên qua một lời nói có sức biến đổi và đầy uy lực, như lời rao giảng về Thập giá và Phục Sinh. Thiên Chúa là một thẩm phán đầy từ tâm, Người tuyên bố một lời phán quyết đầy hiệu lực về sự xét xử và sự thứ tha. Những kẻ tiếp nhận bị buộc phải tuân phục uy lực của lời ấy – một lời vừa tố cáo vừa bào chữa.

- Trong mẫu thức “nhận thức mới,” mạc khải mặc hình thức của một sự đột phá trong sự tiến bộ của ý thức con người, Thiên Chúa mạc khải bằng cách soi sáng cho trí tưởng tượng giải nghĩa thế giới theo một chiều hướng mới. Người thụ lĩnh mạc khải là những người dám mơ những giấc mơ mới mẻ, đáp trả tiếng gọi mời xây dựng một thế giới sung mãn của con người.

Sẽ là một sai lầm khi cho rằng các mẫu thức khác nhau chủ yếu là do những hình ảnh được trưng dụng. Nội trong một mẫu thức đưa ra, người ta có thể thích dụng một loạt những hình ảnh nào đó. Ví dụ, một nhà thần học theo mẫu thức “giáo lý” có thể trình bày Thiên Chúa như những tiếng nói thầm thì vào tai người viết, như sự lèo lái bàn tay của một thầy ký lục được linh hứng – hay như sự rót những ý tưởng hay những cách diễn tả khả niệm vào tâm trí của nhà tiêu tri. Nếu như những hình ảnh khác nhau có thể tương hợp với một mẫu thức duy nhất – thì ngược lại, cùng một cách sử dụng hình ảnh có thể được đưa vào những mẫu thức khác nhau. Ví dụ, hình ảnh Thiên Chúa như một phát ngôn viên có thể thích dụng chung cho cả mẫu thức “giáo lý” lẫn mẫu thức “biện chứng.””

Yếu tố thiết định mẫu thức, vì thế, không phải là cách sử dụng hình ảnh, nhưng là các mối tương quan cơ cấu (được thấy là) có được giữa người mạc khải, người tiếp nhận và phương tiện mạc khải. Những mối tương quan cơ cấu này lập nên cái mà Stephen Pepper gọi là một “ẩn dụ gốc.” Qua từ ngữ này ông có ý chỉ về một sự loại suy căn bản được lựa chọn để làm một chìa khóa giúp suy tư về một thực tại phức tạp hay lạ lẫm. Ẩn dụ gốc là “nguồn gốc rõ ràng và cụ thể của các phạm trù” được sử dụng để hình thành khung giả thuyết hay lý thuyết.

Trong bất kỳ lý thuyết nào, các phạm trù cũng kết thành bộ và hậu thuẫn hỗ tương cho nhau bằng chứng cớ mà chúng huy động được. Những ẩn dụ gốc có tính tương ứng hơn, theo Pepper, là những ẩn dụ có nhiều khả năng mở rộng và thích nghi hơn với các dữ kiện. Trong công trình nghiên cứu về các giả thuyết về thế giới, Pepper khẳng định rằng có 6 ẩn dụ gốc phổ biến nhất – đó là: hồn linh thuyết, thần bí thuyết, mô thể thuyết, cơ giới thuyết, thuyết bối cảnh và thuyết hữu cơ. Mỗi một trong những giả thuyết này dẫn xuất những tiêu chuyển riêng của mình về chân lý (thẩm quyền thuộc bình diện trí năng, sự chắc chắn trực tiếp, sự tương ứng, sự chiểu danh, sự tác dụng, và sự kết hợp mạch lạc). Pepper cho rằng hai giả thuyết đầu tiên là bất tương ứng xét về tính bao hàm và tính xác định. Bốn giả thuyết còn lại, được đánh giá là tương đối tương ứng, có thể soi sáng và điều hợp lẫn nhau – theo sự đánh giá của Pepper.

Điều mà Pepper nói về các mẫu thức siêu hình học đặt ra thêm một vấn đề cho các mẫu thức thần học: Chúng loại trừ nhau hay tương hợp nhau? Mâu thuẫn nhau hay bổ túc nhau? Vấn đề này đã gây tranh cãi nhiều xét trong địa hạt những mẫu thức lý thuyết áp dụng trong khoa vật lý. Niels Bohr, một tên tuổi mà ai cũng biết, đã bênh vực quan điểm cho rằng ánh sáng có thể được hiểu đúng – dù không tương ứng – theo một trong 2 mẫu thức: lý thuyết hạt và lý thuyết sóng, dù 2 mẫu thức này không thể hòa hợp một cách có hệ thống. Ông viết: “Một sự giải thích đầy đủ về một và cũng một đối tượng có thể đòi hỏi những quan điểm khác nhau là những quan điểm sẵn sàng thách đố một sự giải thích độc nhất nào đó.” Chính Bohr cũng đã cố gắng bênh vực tính đa nguyên này của mẫu thức bằng cách nại đến một chủ trương bất khả tri của Kant về mối tương quan giữa ý niệm và thực tại.

Việc sưu tầm một quan điểm về tính đa nguyên của các mẫu thức trong siêu hình học và vật lý học sẽ vượt ngoài phạm vi của quyển sách này, nhưng nhìn vào những gì chúng ta đã nói về tính siêu việt thần linh – dường như một cái gì đó gần giống với chủ trương đa nguyên của Pepper và của Bohr không nên bị đào thải một cách tiên thiên ra khỏi thần học. Nếu mọi mẫu thức thần học đều là những cách diễn tả khiếm khuyết về một số hạn chế những phương diện của mầu nhiệm đức tin, thì với nhiều mẫu thức khác nhau hẳn sẽ là con đường tốt nhất để người ta tri thức thần học. Vì những mục đích thuộc về thần học hệ thống, người ta có thể đặt mình trong một mẫu thức nào đó được xem là ưu việt nhất, nhưng điều này sẽ không buộc người ta phải phủ nhận tính vững chắc của những gì mà các nhà thần học khác khẳng định nhờ sự vận dụng các mẫu thức khác. Một hệ thống thần học tốt thường sẽ thừa nhận những hạn chế trong các ẩn dụ gốc của mình và do đó sẽ sẵn sàng đón nhận sự phê bình và sự điều chỉnh từ những quan điểm khác.

Tuy vậy, những quan sát khái quát này không hề có ngụ ý rằng tất cả 5 mẫu thức của chúng ta về mạc khải đều có giá trị ngang nhau. Mỗi mẫu thức trong đó sẽ phải được nghiên cứu riêng và được đánh giá nhờ những tiêu chuẩn đã được đưa ra. Rồi cũng cần tiến hành một sự so sánh giữa các mẫu thức ấy để tìm hiểu những điểm tương đối mạnh và yếu của chúng – bằng cách soi giọi vào cái mà ta có thể gọi là những “dữ kiện” của đức tin.

Để như một suy tư đúc kết, hẳn phải ghi nhận rằng phương pháp tiêu thức luận về mạc khải có một số đặc điểm của một mẫu thức mới, phân biệt với bất cứ mẫu thức nào trong 5 mẫu thức mà ta đã xem xét. Từ chỗ nhận ra có một sự khác biệt nào đó giữa bản thân mạc khải và sự giải thích về mạc khải, những người sử dụng tiêu thức luận cho thấy rằng mọi lý thuyết về mạc khải đều khiếm khuyết khi so sánh với chính mạc khải, bởi vì chúng dựa trên những loại suy hay những hệ qui chiếu thuộc kinh nghiệm thông thường trong thế giới. Mạc khải, theo họ nghĩ, có thể vẫn cứ là chính nó, ngay cả khi nó được nhận hiểu và được minh giải bằng những cách thức dị biệt nhau một cách bất khả chế giảm. Khi được yêu cầu phát biểu về chính mạc khải, họ trả lời rằng – trong một mức độ nào đó – nó là một cái gì lớn lao vượt quá sức chứa của ngôn từ: mọi cố gắng để trình bày bản chất mạc khải đều phải dựa trên những hệ qui chiếu bất tương ứng, và do đó không diễn tả được hết thực tại. Mạc khải được tri thức khi nó xảy ra, nhưng tri thức này – được ban cho trong sâu thẳm tinh thần con người – không được lẫn lộn với những tuyên bố về mạc khải. Khi giải thích mối tương quan giữa mạc khải và những lý thuyết về mạc khải, các nhà tiêu thức luận nại đến những loại suy chẳng hạn tính đa nguyên của các mẫu thức được dùng trong những khoa học tự nhiên và xã hội.

Việc suy tư theo tiêu thức luận là đặc điểm của những thời kỳ đa nguyên văn hóa và tư tưởng. Việc suy tư này có khuynh hướng gắn liền với một tâm thức có vẻ mang tính hoài nghi và phê bình – một tâm thức trong đó người ta thấy những giới hạn của mọi lý thuyết và mọi xác quyết. Với đặc điểm suy tư theo cảm tính, các nhà tiêu thức luận cố tránh sự đụng chạm và tìm cách dàn hòa những phe phái đang tranh chấp. Ý thức về những góc nhìn riêng của những kẻ khác, họ muốn giữ cho phạm vi chọn lựa của mình luôn được thoáng rộng. Trong những nỗ lực hòa giải của mình, các nhà tiêu thức luận dường như nhận ra rằng mình bị tẩy chay bởi tất cả những ai cố bám vào một mẫu thức riêng biệt nào đó.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương